Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

Chuyện đẫm nước mắt của một đại gia lúc xế chiều

Chuyện đẫm nước mắt của một đại gia lúc xế chiều
Copy từ https://nld.com.vn/phong-su-but-ky/chuyen-dam-nuoc-mat-cua-mot-dai-gia-luc-xe-chieu-20180425160844419.htm , tác giả: DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG (NNVN) , đã đăng ngày 25/03/2018 | 11:34.
Nhà dưỡng lão - nơi chăm sóc lý tưởng dành cho người già ở phương Tây nhưng lại trở thành ga cuối bất đắc dĩ của một số người già Việt Nam. Nó chứng kiến những bi kịch đẫm nước mắt, quặn thắt lòng trước ngày nhắm mắt, xuôi tay của họ.
Nhiều người khi gửi bố mẹ đến các nhà dưỡng lão đã cấm ngặt chuyện quay phim, chụp ảnh bởi sợ họ hàng, làng xóm đàm tiếu, chê cười.
Cứ 9 - 11 giờ, tầng 1 Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Hà Nội ở phố Trần Quang Diệu (Đống Đa, Hà Nội) lại đông nghịt người lục tục từ các phòng xuống. Họ xem ti vi, họ vui vẻ cười đùa nhưng chỉ có một bà già ngồi riêng một góc, tay lần tràng hạt, miệng lẩm bẩm: "Cầu Trời, khấn Phật cho con chết sớm, chết nhanh". Ngày qua ngày bà Nguyễn Thị Tâm (đã đổi tên) ở phố H.B đều nguyện cầu như vậy..
Nỗi đau ga cuối
Nhà dưỡng lão Hà Nội, cơ sở 2
Cách đây khoảng gần 4 năm có một khách hàng làm chị Trần Thị Minh Thu - Giám đốc Trung tâm nhớ mãi vì vẻ lành hiền và đài các là bà Nguyễn Thị Tâm. Chồng mất sớm, một mình bà nuôi dạy đàn con 7 người đủ cả trai lẫn gái. Chúng khá thành đạt, kinh tế vững chắc đủ để hết đi du lịch ở khu resort này lại đi đánh tennis hay chơi golf ở khu vui chơi nọ. Người nào cũng được mẹ cho một căn biệt thự hay nhà liền kề giữa lòng Thủ đô. Cho hết rồi bà vẫn còn vài tỉ dưỡng già vì thời Pháp thuộc từng là chủ của một hãng buôn nổi tiếng giàu có ở đất Kinh kỳ.
Khi về già, bệnh tật, mấy người con nghĩ đến chuyện đẩy bà vào Trung tâm dưỡng lão. Tuy có tới mấy người con trai nhưng người đặt bút ký hợp đồng lại là anh con rể. Nhờ khoản tiền tiết kiệm lớn sinh lãi nên mọi chi phí dưỡng lão đều do bà Tâm tự trả với giá đặt một phòng VIP là 10 triệu/tháng.
Tuổi già khiến cho tai bà bị điếc đặc, mọi việc giao tiếp đành phải bút đàm thông qua một cuốn sổ. Con cháu ai vào thăm, muốn nói gì với bà đều phải ghi ra sổ còn bà muốn nói gì với họ cũng phải ghi vào sổ. Vô tình một lần chị Thu vào phòng cầm lên cuốn sổ, đập mắt chị là mấy dòng chữ mà các con cháu bà vẫn bút đàm với mẹ: “Mợ ở đây hết 13 triệu/tháng. Kể cả tiền thuốc men, tiền quà bánh nữa là thành 17 - 18 triệu/tháng”. Vậy là người con ghi vào sổ kia đã ăn thêm của mẹ mình 3 triệu tiền phòng!
Xúc cơm cho người già ăn ở một cơ sở dưỡng lão
Buồn nhất là người con út, dù được bà cưng chiều hết mức, cho rất nhiều tiền nhưng bà ở Trung tâm đến 6 - 7 tháng mà không thấy mặt anh ta bao giờ. Những người con còn lại cũng vô cùng ích kỷ. Thỉnh thoảng đến thăm bà nhưng lần nào vừa vào phòng liền với tay tìm cái điều khiển điều hòa bật lên thật lạnh cho mồ hôi nhanh khô dù thừa biết rằng mẹ mình không thể chịu được điều hòa.
Hễ cứ bật điều hòa thì bà lại ốm. Lúc cuối đời, bệnh tim trở nặng lại thêm nỗi buồn rầu suốt ngày thành ra ốm triền miên. Khi thấy trong người yếu quá bà tha thiết xin với các con rằng: “Cho mợ về chết ở nhà. Cho mợ về nhìn thấy bàn thờ tổ tiên…”. Nhưng bà có biết đâu nhân lúc bà ốm, đám con đã lừa mình ký giấy này, ký giấy kia, lăn tay điểm chỉ rồi bán vụng ngôi nhà ở phố H.B với giá hơn 200 cây vàng.
Nói dối rằng nhà đang sửa mãi cũng không xong họ đành phải hứa cấp cứu xong cho bà về nhà. Cũng may là cháu nội là người mua nhà bà cùng nhà hàng xóm để cải tạo thành một khách sạn rộng mấy trăm mét vuông nên còn diễn kịch được. Khi bà về vẫn không biết là nhà đã bị bán vì bàn thờ của chồng vẫn còn ở đó, đồ đạc chỉ xáo trộn chút ít vì người cháu nói rằng: “Cháu đang sửa lại nhà cho thật đẹp bà ạ”. Bà ra đi thật thanh thản và hạnh phúc. Đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay bà Tâm vẫn không hề biết là mình đang “ở nhờ” nhà của người cháu nội.
"Quả bóng lăn" giữa cuộc chiến của con cái
Anh Bằng - chồng chị Thu tuy không trực tiếp quản lý ở Trung tâm nhưng cũng thường xuyên tới lui và thấm được nhiều câu chuyện mà không bút mực nào có thể tả hết. Bà Đinh Thị Hạnh (đã đổi tên) ở phố B.T là một trường hợp như vậy.
Bà có đến 5 người con, 4 gái, 1 trai. Là thủ đền trên khu phố cổ nên bà có lắm tiền nhang khói để thỉnh thoảng lại cho đứa này đứa kia. Trong mấy người con thì chị cả lẫn anh con trai thứ làm ăn rất khá. Nhà chị xây cao tới 7 tầng, lắp cả thang máy còn nhà người em rộng ngót 200m2 cũng xây tới mấy tầng.
Trong khi đó bà sống ở trong ngôi nhà “hang chuột” nơi phố cổ, diện tích chỉ độ hơn 20m2 để phụ giúp bán hàng ăn đêm cho cô con gái áp út đã ly dị. Bước ngoặt cuộc đời của bà Hạnh bắt đầu khi mắc bệnh tai biến nằm một chỗ không thể làm thủ đền, không gặt hái ra tiền để cho con cái nữa. Nửa ngôi nhà bị người con trai chiếm, nửa còn lại tối tăm, chật hẹp 12m2 chứa một ông già (là chồng bà), một người ốm liệt giường đái ỉa dầm dề, một giúp việc và một người con gái nên luôn luôn bức bí đến ngột ngạt.
Bữa cơm ở một trung tâm dưỡng lão
Khách hàng đến ăn đêm thấy thế cũng dần dần thưa vắng. Tình thế càng trở nên khổ sở hơn khi đứa con gái của bà đi bước nữa, rước về thêm một chàng rể để sống cùng. Mấy người con gái còn lại tuy nhà cao cửa rộng nhưng không muốn đón bà về bởi lý sự rằng: “Vợ chồng con áp út ở nhà bà thì phải có trách nhiệm nuôi bà”. Chịu không nổi nữa người con này mới đem bà mẹ 75 tuổi đến Trung tâm dưỡng lão Hà Nội để gửi, trình bày hoàn cảnh xin được rút khoản đóng góp xuống còn 6 triệu đồng/tháng…
Trí óc bà Hạnh giờ lú lẫn lắm rồi, chẳng còn nhận ra nổi một ai nữa ngoài người con trai duy nhất. Suốt ngày bà lẩm bẩm rằng nhớ nó, rằng thương nó. Nhớ năm xưa nhà dột, chỗ ướt mẹ nằm chỗ khô các con vẫn ngủ ngon giấc. Nhớ năm xưa đói kém, cơm độn toàn bo bo mì hạt thì hạt cơm bà nhường con, hạt bo bo bà lén gắp bỏ vào bát mình. Nhớ năm xưa rét mướt, manh áo ấm bà cũng dành cho con còn mình chịu co ro, lạnh căm trong rách rưới. Thế mà trong suốt thời gian bà ở Trung tâm đến mấy tháng ròng anh con trai chỉ đến thăm mẹ duy nhất 1 lần, cho bà đúng 1 hộp sữa rồi thôi.
Mâu thuẫn phát sinh khi người chị cả lồng lộn lên đòi em gái mang mẹ về dù chị ta không đóng góp tiền để nuôi bà. Cuộc chiến liên miên giữa mấy người con bắt đầu. Đủ thứ bẩn thỉu văng vào mặt nhau. Đủ thứ mày tao, con kia, thằng nọ được đưa vào xung trận.
Người già với bữa ăn cô đơn
Ngồi một chỗ nghe các con cãi nhau, tuy không nói được nhưng bà vẫn hiểu nên cứ mếu máo. Như quả bóng được chuyền qua, chuyền lại giữa các người con, bà ra ra vào vào Trung tâm đến 3 lần. Lúc phe 4 người em thắng thì bà được gửi vào, lúc phe chị cả thắng thì bà lại bị lôi về. Sau nhiều lần “đại náo” nhà dưỡng lão, dọa đâm đơn kiện đi khắp nơi, rốt cuộc, người chị cả cũng chiếm được quyền nuôi bà. Không phải vì tử tế gì mà bởi có bà ngồi đó, dù không nói được vẫn là một tấm bình phong tốt để chị ta giành giật được chức thủ nhang ở chính ngôi đền năm xưa mẹ mình điều hành.
Ngôi đền đó quanh năm suốt tháng như một cái máy rút tiền ATM không bao giờ báo hết, báo lỗi. Ngày đầu tiên ở “nhiệm sở mới” chị ta lần mò không sót một khe kẽ nào để xem mẹ mình ngày xưa có còn giấu tiền hay giấu vàng không.
Bà Hạnh về được gần hai tháng rồi mà mới đây anh con trai duy nhất mới gõ cửa Trung tâm hỏi thăm khiến cho chị Thu ngạc nhiên bảo: “Cụ về lâu rồi, thế anh không biết gì à?”.
DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG (NNVN)
dvnien: Hôm nay (25-04-18 cũng là mùng 10 tháng 3 Âm lịch) là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: Tưởng nhớ và kính trọng Tổ tiên ở đền, miếu nhưng cũng phải chăm lo cho cha mẹ già trong chính ngôi nhà mình nha các bạn.

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

Lý do việc rà soát GS, PGS không đạt yêu cầu

Lý do việc rà soát GS, PGS không đạt yêu cầu
Copy từ http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/ly-do-viec-ra-soat-gs-pgs-khong-dat-yeu-cau-3353453/?paged=2 ;tác giả: TS Lê Hồng Sơn; đã đăng ngày 27/02/2018 07:42.
(Diễn đàn trí thức)- Nếu chỉ rà soát các ứng viên GS, PGS theo hồ sơ thì kết quả là con số 0, hoàn toàn không có gì lạ.
Vấn đề mang tính cốt lõi, sống còn ở đây là phải sục vào từng Hồ sơ để kiểm tra tính xác thực giữa các tiêu chuẩn, tiêu chí với thực lực của từng ứng viên thì mới phát hiện ra được những tiêu cực.
Phải kiểm tra, rà soát một cách thực chất chứ không thể theo kiểu hình thức, đối phó như vừa rồi. Đây là một biểu hiện của những sai trái trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách cho những người đạt học hàm GS, PGS từ vài chục năm trở lại đây. Những sai trái này theo tôi, có thể điểm qua như: Xem chức danh này là chức danh Nhà nước. Ở đây có "danh" và có "lợi".
"Danh" thì đã rõ, còn "lợi" ở đây là việc xem các loại học hàm này như những chức danh thuộc ngạch công chức để xếp lương: Theo Thông tư 28/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định, trường hợp đã được bổ nhiệm ngạch Giáo sư - Giảng viên cao cấp, mã số 15.109 thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01; Trường hợp đang giữ ngạch Giảng viên cao cấp, mã số 15.109 thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01 và được xếp lương lên một bậc trên liền kề của bậc lương chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm.
Còn trường hợp đang giữ ngạch Phó giáo sư - Giảng viên chính, mã số 15.110 thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01.
Đối với viên chức giảng dạy được công nhận hoặc bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01.
Việc xếp tương đương như vậy từ học hàm sang chức danh công chức là có sự bất hợp lý và thực tế cũng khá nhiều năm Bộ Nội vụ đã không chịu thực hiện theo cơ chế này. Vậy đến nay Nhà nước có dám sửa cho hợp lý hơn không?.
Chưa kể, kèm theo đó là khá nhiều chính sách có tính bổng lộc, lợi ích khác đã lôi kéo người ta sử dụng đủ mọi biện pháp, cách thức, kể cả tiêu cực, tham nhũng để đạt cho được việc bổ nhiệm vào chức danh GS, PGS. Khi đạt được rồi thì thở phào nhẹ nhõm việc cố gắng để duy trình chức danh này là khá dễ dàng, không có chút khó khăn nào.
Một hiện tượng mà dư luận đã nói nhiều cũng cần phải được xem xét một cách nghiêm túc để phân định rõ ràng đó là, sự phân định giữa lực lượng nhân sự là cán bộ công chức đang thi hành công vụ trong các cơ quan quản lý Nhà nước từ lập pháp, hành pháp tới tư pháp và các tổ chức đoàn thể trong hệ thống với lực lượng nhân sự đang đảm nhiệm việc giáo dục và đào tạo trong các cơ sở giáo dục và đào tạo cũng như cơ sở nghiên cứu khoa học.
Việc này chúng ta phân định chưa tốt, cho nên thực tế đã có sự lạm dụng, đã có hiện tượng cơ hội thực dụng chi phối. Khá nhiều người, khi đã đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo cao cấp trong bộ máy quản lý, cứ luôn mồm ra rả rằng quá tải, nhiệm vụ được giao quá sức mình, vậy thời gian và điều kiện đâu để tham gia công tác đào tạo và lập hồ sơ để được công nhận chức danh GS, PGS?
Thời gian vừa qua, có khá nhiều người trong số lãnh đạo khi được công nhận chức danh GS, PGS lập tức làm cho công luận nhìn nhận như một biểu hiện của cơ hội, thực dụng, của sự lạm quyền. Tôi cho rằng đây cũng là một biểu hiện của tiêu cực. Ngạch nào phải trả về đúng ngạch nấy. Người đã làm việc này thì khỏi làm việc khác.
Một khi mà cả hai việc, hai ngạch đều yêu cầu về thời gian, sức lực, yêu cầu sự cống hiến tận tâm, tận lực của đương sự, của một cán bộ, công chức. Thời gian đâu, sức lực đâu để tham lam, vơ vào như vậy?
Về Hội đồng xét duyệt, công nhận, tôi cho rằng cách làm của Hội đồng lâu nay vẫn rất hình thức, chưa đi vào thực chất để xem xét, kiểm tra, đánh giá của từng trường hợp.
Đây là hiện tượng, là biểu hiện của cách làm việc theo nguyên tắc "án tại hồ sơ", là chưa có các hoạt động kiểm tra, đánh giá một cách thực chất đối với từng trường hợp, từng hồ sơ.
Muốn Hội đồng đi vào thực chất trong hoạt động của mình, tôi cho rằng cần phải làm việc một cách cẩn trọng, có trách nhiệm, thực chất đối với từng hồ sơ, từng ứng viên, xem xét đánh giá sự chính xác, chuẩn mực của từng ứng viên thì mới có kết quả thực chất.
Vấn đề này cũng cần phải sửa ngay từ khâu định ra chủ trương, thể chế pháp luật thì mới làm chuẩn mực trong việc xem xét, đánh giá, công nhận chức danh GS, PGS.
TS Lê Hồng Sơn
Tin liên quan: Lý do xin lùi thời hạn rà soát giáo sư - Xem tại đây.

Đề nghị khai trừ Đảng Phó bí thư Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh

Đề nghị khai trừ Đảng Phó bí thư Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh
Copy từ http://plo.vn/thoi-su/de-nghi-khai-tru-dang-pho-bi-thu-dong-nai-phan-thi-my-thanh-766921.html ;tác giả: Vũ Hội ; đã đăng ngày 24/4/2018 - 11:35
(PLO)- Ban chấp hành đã bỏ phiếu và kết quả 2/3 số phiếu đề nghị khai trừ đảng đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Trưởng đoàn ĐBQH, Phó bí thư tỉnh ủy Đồng Nai.

Bà Phan Thị Mỹ Thanh - Phó Bí thư tỉnh Đồng Nai.
Theo nguồn tin báo Pháp Luật TP.HCM, UBKT Trung ương đã có cuộc họp thống nhất về mức kỷ luật các chức vụ trong Đảng đối với bà Mỹ Thanh. Dự kiến trong tuần này sẽ công bố mức kỷ luật đối với bà Mỹ Thanh.
Theo kết luận của UBKT Trung ương, trong thời gian giữ các cương vị tỉnh ủy viên, giám đốc Sở Công Thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Mỹ Thanh tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, chủ tịch HĐTV là vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng.
Tiếp đó, trong thời gian giữ cương vị ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh, bà Mỹ Thanh có vi phạm, khuyết điểm như: Ký các văn bản của UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Cường Hưng đầu tư dự án khu dân cư thương mại xã Phước Tân; vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng và quy định về những điều đảng viên không được làm.
Bà Mỹ Thanh cũng đã ký các văn bản của UBND tỉnh không thuộc lĩnh vực phụ trách để cấp phép và gia hạn cho Công ty Cường Hưng kinh doanh bến thủy, mặt bằng, vật liệu xây dựng, vi phạm quy chế làm việc của UBND tỉnh.
Ngoài ra, bà Mỹ Thanh còn ký văn bản chấp thuận hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án BOT đường chuyên dùng cho Hợp tác xã An Phát nhưng không thông qua tập thể UBND tỉnh, chưa báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư.
Bà Mỹ Thanh được xác định đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm khi kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, Nhà nước trong việc bà Mỹ Thanh đi nước ngoài.
UBKT Trung ương xét thấy những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân đồng chí, đến mức phải tiếp tục xem xét, xử lý kỷ luật.
Vũ Hội

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

Earth Day 2018

Earth Day 2018
End Plastic Pollution-Countdown to April 22
Copy từ https://www.earthday.org/ ;tác giả:Earth Day Network ; đã đăng ngày 22-04-2018.
Today’s annual Earth Day Doodle was created in partnership with one of the planet’s most influential advocates: Ethologist (animal behavior expert), conservationist, activist, and animal-lover Dr. Jane Goodall, who has dedicated her life to studying and protecting our environment. In it, Jane shares her personal message to the world on Earth Day 2018, including some of her inspiration and what we can all do to have a positive impact on our planet.
* * * * * * *
Plastic pollution is poisoning our oceans and land, injuring marine life, and affecting our health!
Help End Plastic Pollution by finding out how many plastic items you consume every year and make a PLEDGE to reduce the amount.
Earth Day 2018 is dedicated to providing the information and inspiration needed to fundamentally change human attitude and behavior about plastics.
Choose an option below to take further action to End Plastic Pollution on Earth Day and beyond!
Are you an individual?
Learn and act to End Plastic Pollution for yourself and your close communities.
Are you an organization?
Learn and act to End Plastic Pollution and organize for Earth Day and beyond.
Are you an educator?
Use our resources to teach and help others organize to End Plastic Pollution in your school or university.


Help End Plastic Pollution - Earth Day Network


A plastic mountain waiting for recycling, in this undated photo, in Christchurch, New Zealand.
Earth Day Network

Đà Nẵng: Hưởng ứng Ngày Trái đất năm 2018

Đà Nẵng: Hưởng ứng Ngày Trái đất năm 2018
Chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa
Copy từ http://vtv.vn/vtv8/da-nang-huong-ung-ngay-trai-dat-nam-2018-cham-dut-o-nhiem-rac-thai-nhua-20180422133755572.htm ;tác giả: VTV.vn ; đã đăng ngày 22/04/2018 14:35.
VTV.vn - Chương trình hưởng ứng Ngày Trái đất năm 2018 với chủ đề "Chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa" đã diễn ra sáng nay (22/4/18) tại TP. Đà Nẵng.

Một bức tranh của sinh viên thành phố Đà Nẵng trưng bày tại sự kiện
Sáng 22/4/18, tại Đà Nẵng, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Sơn Trà (Đà Nẵng) tổ chức Chương trình hưởng ứng Ngày Trái đất năm 2018 với chủ đề "Chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa". Chương trình nhằm tuyên truyền, vận động người dân hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường biển, giảm thiểu sử dụng túi nilon và thực hiện phân loại các chất thải để tái chế rác thải.
Chương trình diễn ra với các hoạt động ý nghĩa như: ra quân làm sạch bãi biển và phân loại rác thải vô cơ và hữu cơ, đổi rác lấy các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa; các gian hàng trưng bày, giới thiệu về môi trường để nâng cao nhận thức về giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa; các hoạt động tương tác, vui chơi, tìm hiểu về xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, triển lãm ảnh các hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức, câu lạc bộ trên địa bàn thành phố.
Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm CECR chia sẻ: Mọi người chúng ta hãy thay đổi thái độ, hành vi của mình trong việc ứng xử với môi trường, không được vứt, xả rác bừa bãi. Hãy cùng nhau, từ chính bản thân, gia đình mỗi người chúng ta giảm thiểu xả rác thải nhựa bằng cách giảm thiểu sử dụng túi nilon. Hãy góp nhặt, phân loại các loại rác còn sử dụng được để đưa vào tái chế, vận động tuyên truyền mọi người hãy cùng bảo vệ giữ cho môi trường luôn xanh, sạch, đẹp.
Tại buổi lễ, hơn 500 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, các hội đoàn thể, các câu lạc bộ, nhóm tình nguyện và người dân Đà Nẵng tham gia sự kiện và ra quân dọn vệ sinh môi trường.
Ngày Trái đất 22/4 hàng năm là một sự kiện môi trường được cả thế giới tổ chức, kêu gọi sự tham gia tích cực của mỗi người để bảo vệ hành tinh. Đây là năm thứ 7 liên tiếp Trung tâm CECR tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Trái đất, và là lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố biển Đà Nẵng. Chương trình Ngày Trái đất 2018 tại Đà Nẵng được tổ chức trong khuôn khổ Dự án "Đại dương không nhựa: Chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa vì một cộng đồng khỏe mạnh và thành phố xanh". Dự án nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành "Thành phố Xanh và Thông minh".
VTV.vn

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018

Ôn thi THPT quốc gia miễn phí trên Trường học kết nối

Phú Thọ
Ôn thi THPT quốc gia miễn phí trên Trường học kết nối
Copy từ http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/on-thi-thpt-quoc-gia-mien-phi-tren-truong-hoc-ket-noi-3924450-v.html ;tác giả: Hiếu Nguyễn ; đã đăng ngày 21/4/2018 10:27.
GD&TĐ - Ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ - cho biết, Sở GD&ĐT đã có hướng dẫn về việc tổ chức dạy ôn thi THPT quốc gia cho học sinh lớp 12 của tỉnh trên trang web Trường học kết nối.

Theo đó, nhằm hỗ trợ giáo viên cốt cán tổ chức hoạt động dạy và học trên “trường học kết nối” đạt hiệu quả cao, Sở GD&ĐT đề nghị Hiệu trưởng các trường THPT, PTDT NT tỉnh tiếp tục giới thiệu thầy cô giáo giỏi, có khả năng biên soạn và giảng dạy nội dung kiến thức ở mức độ vận dụng và vận dụng cao, tâm huyết dạy miễn phí trên “trường học kết nối” cho học sinh trong tỉnh.
Đồng thời, tạo điều kiện về cơ sở vật chất như: phòng Tin học; máy tính; mạng Internet cho thầy cô giáo cốt cán và các em học sinh có điểm khảo sát cao được sử dụng phục vụ vào hoạt động dạy và học trên “trường học kết nối” theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT.
Giám đốc Sở GD&ĐT cũng yêu cầu nhà trường cử giáo viên môn Tin học hướng dẫn, giúp đỡ thầy cô và học sinh trong việc đăng nhập, tạo bài học, tổ chức dạy và học trên trường học kết nối.
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc hoạt động của các thầy cô và học sinh; có hình thức khen thưởng, tuyên dương đối với những thầy cô giáo hoạt động tích cực và học sinh có thành tích cao trong quá trình dạy và học trên “trường học kết nối”.
Hiếu Nguyễn

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

Hà Nội: Phá đường dây mua bán hóa đơn hơn 1.000 tỷ

Hà Nội: Phá đường dây mua bán hóa đơn hơn 1.000 tỷ
Copy từ http://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ho-so-vu-an/ha-noi-pha-duong-day-mua-ban-hoa-don-hon-1-000-ty-345507.html ;tác giả: T.Nhung ; đã đăng ngày 09/12/2016 15:42.
Đường dây do Yến điều hành hoạt động từ khoảng năm 2012, giá trị hóa đơn các đối tượng bán đặc biệt lớn, ước tính trên 1.000 tỷ đồng.
Phòng An ninh Tài chính, Tiền tệ, Đầu tư, Công an Hà Nội (PA84) cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can đối với Trần Hồng Yến (SN 1972), Đại Ngọc Hải (SN 1972) và Đại Khánh Hà (SN 1993, cùng ở Hoàng Mai, Hà Nội) để làm rõ hành vi Mua bán trái phép hóa đơn.
Bắt giữ các đối tượng, cơ quan điều tra thu giữ nhiều tang vật cùng 1,5 tỷ đồng.

Tang vật vụ án.
Kết quả điều tra cho thấy, Yến trực tiếp mua lại các công ty hoạt động kém hiệu quả, sau đó chuyển nhượng thay đổi tên người đại diện pháp luật, trụ sở công ty... không hoạt động kinh doanh gì mà chỉ bán hóa đơn GTGT thu lợi bất chính.
Các công ty được Yến mua với giá 30- 40 triệu đồng, từ các đối tượng cò môi giới.
Quá trình hoạt động bán hóa đơn, Yến trực tiếp thỏa thuận, giao dịch với khách hàng hoặc qua môi giới về nội dung, sau đó các đối tượng khác viết, xuất cho khách.
Về giá bán, từ 200 - 300 nghìn đồng đối với hóa đơn nhỏ hơn 20 triệu; khoảng 2 - 3% đối với hóa đơn từ 20 triệu trở lên.
Riêng đối với hóa đơn từ 20 triệu trở lên, phải thực hiện chuyển khoản, khách hàng phải tự hoàn thiện hợp đồng mua bán để Yến ký, sau đó chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng hợp thức, Yến sẽ chỉ đạo đối tượng khác đi rút tiền và thanh toán với khách.
Theo cơ quan điều tra, đường dây do Yến điều hành hoạt động từ năm 2012, giá trị hóa đơn các đối tượng bán đặc biệt lớn, ước tính trên 1.000 tỷ đồng.
Để phục vụ điều tra, cơ quan công an yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp đã mua và sử dụng hóa đơn khống của các đối tượng trên chủ động liên hệ, báo cáo với cơ quan điều tra. Thủ trưởng các cơ quan tăng cường kiểm tra, không để việc mua bán hóa đơn khống quyết toán diễn ra tại đơn vị mình.
Các cơ quan quản lý tăng cường hậu kiểm sau khi cấp phép và kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép cho các doanh nghiệp.
Các cơ quan quản lý Nhà nước thường xuyên rà soát, tăng cường công tác hậu kiểm tra, kiểm tra, bịt kín sơ hở, không để các đối tượng lợi dụng thành lập các công ty ma để mua bán hóa đơn trái phép, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
T.Nhung

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018

Phải xóa trình trạng vô trách nhiệm trong hoạt động logistics

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
Phải xóa trình trạng vô cảm, vô lý, vô trách nhiệm trong hoạt động logistics
Copy từ https://laodong.vn/thoi-su/phai-xoa-trinh-trang-vo-cam-vo-ly-vo-trach-nhiem-trong-hoat-dong-logistics-601836.ldo ;tác giả: Khánh Hòa ; đã đăng ngày 17/04/2018 | 07:30.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc về logistics. Ảnh: VGP
Ngày 16.4, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về logistics, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ có chỉ thị về phát triển logistics và khẳng định, đã đến lúc tìm mọi cách để giảm chi phí vận tải, chi phí logistics.
Xoá bất cập, kéo giảm chi phí logistics xuống hơn nữa
Kết luận hội nghị toàn quốc về logistics, Thủ tướng cho rằng, cần giải quyết tình trạng vô cảm, vô lý, vô trách nhiệm và vô thời hạn để xoá bỏ các bất cập, giúp các sản phẩm Việt Nam ra thị trường có tính cạnh tranh cao và khẳng định, sau hội nghị sẽ có Chỉ thị về phát triển logistics.
Thủ tướng nêu rõ, dù đã có tiến bộ nhưng chi phí logistics ở Việt Nam còn quá cao, khó cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ nên phải giảm chi phí logistics xuống hơn nữa, trong đó, cần có biện pháp mạnh mẽ để giảm chi phí vận tải.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo cần phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng của khu vực và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics.
Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 tỉ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỉ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Để làm được mục tiêu này, cần quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống để tạo chuyển biến tình hình dịch vụ logistics, trong đó, đặc biệt, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp để làm tốt dịch vụ này. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc để giảm chi phí nhất là chi phí không chính thức.
Bên cạnh đó, cần có chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics hết sức cụ thể ở từng ngành, nhất là ngành giao thông vận tải và công thương với 5 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.

Chi phí logistics ở Việt Nam còn cao, nhất là trong lĩnh vực vận tải thủy. Ảnh: TL
Xây cơ chế, hỗ trợ gói tín dụng thúc đẩy phát triển hạ tầng
Một trong những điểm nhấn tại hội nghị lần này là đề xuất của Bộ GTVT về đầu tư kết cấu hạ tầng với cả nguồn vốn ngân sách và vốn kêu gọi từ nguồn xã hội hoá
Theo đó, bộ đề nghị Chính phủ trong việc cần có một cơ chế chính sách, hoặc một gói tín dụng để hỗ trợ việc phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt liên quan tới hạ tầng kết nối các phương thức vận tải, các cảng cạn - trung tâm trung chuyển hàng hoá cũng như phương tiện thuỷ nội địa và tàu sông pha biển để giảm tải cho giao thông đường bộ, giảm chi phí vận tải.
Liên quan tới đề xuất này, Thủ tướng đã có chỉ đạo xem xét xây dựng đề xuất về các gói tín dụng, từ gói tín dụng đầu tư phương tiện tới gói hỗ trợ đầu tư hiện đại hoá hệ thống xếp dỡ tới gói đầu tư đường sắt chuyên dụng kết nối với các cảng, các KCN. Thủ tướng yêu cầu, Bộ GTVT có đề xuất cụ thể các gói tín dụng để các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước tham gia đầu tư vào hệ thống giao thông, hệ thống kết nối các phương thức vận tải.
Cũng liên quan tới vấn đề này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, cần có giải pháp đồng bộ với lộ trình thực hiện phù hợp với nguồn lực và năng lực thực tế, trong đó, cần rà soát lại quy hoạch hạ tầng giao thông, điều chỉnh để đảm bảo kết nối các loại hình, vận tải và tuỳ theo đặc điểm mỗi vùng có kết nối các KCN, khu kinh tế, gắn quy hoạch hạ tầng với tái cơ cấu các ngành sản phẩm để đưa giao thông vào đó.
Phó Thủ tướng yêu cầu, các bộ liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn, trung hạn và hằng năm trên cơ sở quy hoạch để cụ thể hoá quy hoạch, chuẩn bị nguồn lực và chọn các dự án trọng tâm để tháo gỡ khó khăn kịp thời.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và để góp phần giảm chi phí vận tải cũng như chi phí logistic từ đó tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, ngày 17.4.2018, Báo Lao Động phối hợp cùng Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam tổ chức Toạ đàm truyền hình trực tuyến “Gỡ nút thắt hạ tầng, thúc đẩy phát triển giao thông đường thuỷ” để tạo ra một diễn đàn mở cho các chuyên gia, đại diện các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các tổ chức và người dân đang tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, bàn luận, đề xuất tìm hướng xây dựng giải pháp đồng bộ cho giao thông đường thuỷ.
Toạ đàm có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Xuân Sang cùng đại diện nhiều Cục, Vụ của Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, các Sở GTVT Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM… Toạ đàm có sự tham gia đồng hành của các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành gồm Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines, Tập đoàn Sun Group.
Toạ đàm bàn tròn được tường thuật trực tuyến trên báo Lao Động (Laodong.vn) với 2 đầu cầu Hà Nội (trụ sở Báo Lao Động số 6 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội) và TPHCM (tại Văn phòng Báo Lao Động tại TPHCM, 198 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, quận 3, TPHCM). K.H
Khánh Hòa

Khối tài sản “khủng” của ông Trần Văn Truyền bị phanh phui thế nào?

Khối tài sản “khủng” của ông Trần Văn Truyền bị phanh phui thế nào?
Copy từ http://kienthuc.net.vn/soi-xet/khoi-tai-san-khung-cua-ong-tran-van-truyen-bi-phanh-phui-the-nao-418944.html ;tác giả: Minh Hiếu (Tổng hợp) ; đã đăng ngày 25/11/2014 05:46.
(Kiến Thức) - Sự việc bắt đầu từ cuối năm 2013, báo Người cao tuổi “nổ phát súng” đầu tiên khi đưa tin về khối tài sản khủng của ông Trần Văn Truyền.
Ông Trần Văn Truyền sinh năm 1950 tại Bến Tre. Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX, X; Đại biểu Quốc hội khóa X, XII và Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam.
Trước đó, ông cũng từng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Ông nghỉ hưu vào tháng 9/2011. Và từ tháng 3 đến tháng 8/2011, chỉ 5 tháng trước khi nghỉ hưu, ông Trần Văn Truyền đã bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ và tương đương.
Cuối năm 2013, báo Người cao tuổi “nổ phát súng” đầu tiên đưa tin về khối tài sản khủng của ông Trần Văn Truyền. Theo nội dung mô tả của bài báo, ngoài một số biệt thự, lô đất sở hữu trước đây, ông Trần Văn Truyền đang triển khai một “dự án gia đình” trên lô đất khoảng 30.000m2 (3 héc-ta) tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre. Trong khuôn viên đó, ông Truyền đã và đang xây dựng một dinh thự hoành tráng và 4 căn nhà gỗ lợp ngói đỏ, gỗ thuộc nhóm gỗ đặc biệt không dùng đến một cái đinh sắt.

Căn biệt thự rộng lớn của gia đình ông Truyền ở quê nhà.
Đáng chú ý hơn, bài báo đó cũng cho hay, theo nguồn tin từ một số cán bộ Thanh tra Chính phủ và cán bộ ở Bến Tre, ông Truyền còn có 3 cơ ngơi ở TP HCM là phường Thảo Điền (Quận 2), ở Quận 5, ở khu đô thị “5 sao” Phú Mỹ Hưng do người thân đang quản lí, sử dụng. Và cũng xuất hiện tin đồn rằng cái giường “đặc biệt” của vợ chồng ông Truyền có giá trị khoảng nhiều tỉ đồng…
Ngay sau khi những thông tin này được đăng tải, ông Trần Văn Truyền đã lên tiếng trước báo giới. Khi đó, ông Truyền cho hay: “Tôi đã đọc bài báo nói về tôi. Tôi xác định rất nhiều thông tin trong bài báo đó không chính xác. Không hiểu người viết có dụng ý gì đó mà đưa ra suy luận rất không tốt như vậy”.
Dù ông Trần Văn Truyền đã lên tiếng thanh minh về nguồn gốc khối tài sản nêu trên, nhưng mới đây, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã có thông cáo báo chí về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông và có đề ra phương án thu hồi nhà, đất của ông.
Tài sản “nổi” của ông Truyền “khủng” ra sao?
Về cơ ngơi, ngôi dinh thự tại ấp 3, xã Sơn Đông, Bến Tre xây cất trên diện tích xây dựng hơn 16.000 m2 trong tổng diện tích chung lên đến 30.000 m2. Trong khuôn viên dinh thự này còn có một số gian nhà cổ làm bằng gỗ sưa là một loại gỗ quý hiếm, ngoài ra về kiến trúc thì Cổng chính đi vào dinh thự và dự án gia đình có màu sắc như sơn son thếp vàng.
Về nguồn gốc, căn biệt thự trước đây Tỉnh ủy Bến Tre đặc biệt cấp cho ông Trần Văn Truyền lúc còn làm Bí thư Tỉnh ủy ở Trung tâm phường 1, Bến Tre rộng chỉ chừng 300m2 vốn đây là trụ sở Hội Văn hóa nghệ thuật tỉnh bị cưỡng chế đập đi để xây biệt thự cho ông Trần Văn Truyền và hiện nay đã cho doanh nghiệp tư nhân thuê.
Ngoài ra, ông Trần Văn Truyền còn có 3 cơ ngơi ở TP HCM tại phường Thảo Điền (Quận 2), Quận 5 và khu đô thị Phú Mỹ Hưng do người thân đang quản lý, sử dụng. Người ta còn đồn rằng cái giường "đặc biệt" của vợ chồng ông có giá trị nhiều tỷ đồng.
Lý giải về khối tài sản của mình đang khiến dư luận băn khoăn, ông Trần Văn Truyền nói với Tri Thức Trẻ: “Thứ nhất, thông tin về căn "biệt thự" thì đúng là tôi có xây nhưng đó là căn nhà được dựng trên đất của con tôi mua từ lâu rồi”. Cũng theo ông Truyền, đồ đạc trong nhà là do ông tích cóp rất nhiều năm nay, cộng thêm các anh chị em mỗi người cho một chút, giờ làm nhà rồi thì ông mang đồ đạc đến. “Cái giường ngủ của vợ chồng tôi cũng bình thường chứ lấy đâu ra vài tỉ đồng”, ông Truyền nói tiếp.
Theo vị cựu Tổng Thanh tra Chính phủ này, diện tích đất nhà ông chỉ khoảng hơn 1 hecta. Khu đất này do ngày trước người ta để hoang hóa, con trai ông mua được với giá rẻ. “Tôi về, tôi mới trồng cây, gây dựng thành một cái vườn như ngày nay. Vậy mà có thông tin là đất nhà tôi rộng 30.000m2 thì tôi không hiểu lấy ở đâu ra?”, ông Truyền nói.
Trên báo chí, Phó Chủ tịch tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cũng lên tiếng xác nhận miếng đất rộng 1 hecta đó đã được con trai của ông Truyền mua từ lâu. “Hồi đó con ông Truyền mua là đất ao, đầm. Sau đó, ông Truyền về mới cải tạo lại để trồng chuối và cọ dầu”, ông Trọng khẳng định.
Lý giải về tiền để xây ngôi biệt thự trên mảnh đất này, chị Trần Thị Ngọc Huệ, con gái ông Truyền cho hay trên Tri Thức Trẻ: “Ba tôi có người em kết nghĩa ở quận 9, người này có xây cho ba một ngôi nhà nhưng ba không ở sau đó cô xuống dưới này thấy cuộc sống vất vả nên biếu ba một số tiền để ba làm nhà đó”.
Trong khi đó, trả lời báo chí khi được hỏi về thông tin ngôi nhà cấp 4 đất rộng 200m2 trước cổng chùa Bạch Vân, phường 5, TP Bến Tre gia đình ông Truyền vẫn cho thuê, Phó Chủ tịch tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho biết, căn hộ này ông Truyền đã trả lại tỉnh và hiện nay tỉnh đang cho Trung tâm thẩm định giá miền Nam thuê. Ông Trọng cũng cho hay ông đã từng vào ngôi nhà của ông Truyền ở xã Sơn Đông và thấy đồ đạc trong nhà cũng bình thường và “đâu có chiếc giường quý nào như phản ánh đâu”.
Khối tài sản của ông Truyền bị phanh phui như thế nào?
Ngày 12/ 6/2014, trong kỳ họp thứ 7 – Quốc hội khóa XIII, khi được hỏi về khối tài sản khổng lồ phát hiện ra sau khi Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền về hưu, ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng thanh tra Chính phủ hiện thời, cho biết hiện nay chưa có quy định về việc kê khai tài sản đối với cán bộ đã về hưu, mà chỉ có việc kê khai tài sản đối với cán bộ đương nhiệm. Với trường hợp này, khi còn đương nhiệm, ông Trần Văn Truyền đã thực hiện kê khai đầy đủ, không có dấu hiệu thiếu trung thực.
Ngày 24/7/ 2014, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã điều động cán bộ đến kiểm tra và xác minh tài sản của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Thời gian làm việc của đoàn kéo dài 90 ngày.
Đến ngày 21/11/2014, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố kết luận ông Truyền có sai phạm và kiến nghị thu hồi nhà cửa, đất đai đã vi phạm luật của ông.
Kết luận này ghi rõ, đồng chí Trần Văn Truyền là cán bộ xuất thân từ gia đình có công với cách mạng, có quá trình cống hiến lâu dài, đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương và cơ quan Trung ương, có những đóng góp thiết thực trong công tác xây dựng Đảng và chính quyền trên các cương vị và chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong thời gian còn đương chức và khi về nghỉ hưu, đồng chí đã có một số khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất. Theo đó, văn bản kết luận nêu rõ 6 sai phạm liên quan tới nhà cửa, đất đai của ông Truyền. Văn bản cũng cho biết, một số cơ quan chức năng đã làm sai khi không thực hiện lệnh thu hồi một số tài sản là nhà, đất của ông Truyền.
Ngày 23/11, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Nguyễn Thành Phong cho biết, mặc dù chưa nhận được kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương về sự vụ này nhưng tỉnh Bến Tre đã có động thái tích cực, xử lý nghiêm các vi phạm. Cụ thể, UBND tỉnh cũng đã có quyết định thu hồi thửa đất 598B5 Nguyễn Thị Định (phường Phú Khương, TP Bến Tre). Tỉnh Bến Tre đã có quyết định thu hồi thửa đất 598B5 và chuẩn bị tháo dỡ căn nhà tạm (hiện đang sử dụng làm đại lý bia). “Chúng tôi kiên quyết tháo dỡ căn nhà kho trả lại hiện trạng ban đầu. Các cá nhân sai phạm liên quan đến sự vụ này như đã nêu sẽ phải kiểm điểm xử lý nghiêm khắc”, ông Phong cho biết. Theo ông Phong, dự kiến ngày 26/11, UBKTTƯ sẽ đến tỉnh Bến Tre để công bố kết luận nêu trên.
Minh Hiếu (Tổng hợp)

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2018

Xử đưa hối lộ mà không có người nhận, đã ổn?

Xử đưa hối lộ mà không có người nhận, đã ổn?
Copy từ http://plo.vn/phap-luat/xu-dua-hoi-lo-ma-khong-co-nguoi-nhan-da-on-765462.html ;tác giả: Hoàng Yến ; đã đăng ngày 16/4/2018 - 06:20
(PL)- Các bị cáo mua bán logo “xe vua” khai chi tiết việc đưa hối lộ cho 80 cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông nhưng cơ quan điều tra không xử lý được các cán bộ này vì không có chứng cứ khác. Liệu chỉ xử đưa, môi giới hối lộ mà không có người nhận đã hợp lý?

Nhóm mua bán logo “xe vua” khi làm việc tại cơ quan điều tra. Ảnh: HY
Tội đưa hối lộ hoàn thành từ thời điểm người đưa hối lộ đã đưa tiền, tài sản và yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc có lợi cho người đưa hối lộ (không phụ thuộc vào người có chức vụ, quyền hạn đồng ý hay không). Trường hợp người đưa hối lộ mới chỉ yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn mà chưa đưa tiền, tài sản cụ thể thì tội phạm chỉ hoàn thành khi người có chức vụ, quyền hạn đồng ý nhận của hối lộ đó. Trường hợp người đưa hối lộ nhầm tưởng rằng người mà mình đưa hối lộ là người có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của mình nhưng trên thực tế người đó không có thẩm quyền thì người đưa hối lộ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ (phạm tội chưa đạt). Như vậy tội đưa hối lộ, người thực hiện hành vi phạm tội do cố ý và không cần xác định điểm cuối - người nhận thì vẫn xử lý được.
Luật sư: không xử lý được người nhận hối lộ là không triệt để
Dù pháp luật hình sự cho phép xử lý những người đưa hối lộ, môi giới hối lộ dù không chứng minh được người nhận hối lộ nhưng nhiều bạn đọc vẫn thắc mắc liệu điều này có hợp lý?
Luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND Tối cao) và luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn Luật sư TP.HCM) đều nhận xét trên thực tế rất nhiều vụ án cơ quan tố tụng chỉ xử lý hình sự người khai là trung gian môi giới hối lộ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi không làm rõ được người nhận hối lộ. Một vụ án có kết quả chỉ truy tố người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ mà không xử lý được người nhận hối lộ là không triệt để, không toàn diện vì chỉ mới làm rõ được một nửa sự thật, nhất là khi các bị cáo đã khai báo rất chi tiết.
Theo hai luật sư, đối với tội nhận hối lộ, nếu cơ quan tố tụng quyết tâm làm đến nơi đến chốn thì sẽ xử lý được người nhận hối lộ. Từ đó hai luật sư đề xuất nên có cơ quan giám sát hoạt động điều tra trong những vụ án như thế này để tránh khả năng có thể bỏ lọt tội phạm và người phạm tội nhận hối lộ.
Một số vụ tương tự
- Năm 2016, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Phạm Duy Định năm năm tù về tội đưa hối lộ, Đào Minh Nguyệt năm năm tù về tội làm môi giới hối lộ, Trần Tiến Hưng 30 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo hồ sơ, em gái của Định bị tạm giữ vì đánh bạc. Định nhờ Nguyệt tìm người lo cho em được thả ra. Nguyệt nhờ Hưng (cựu kiểm sát viên VKSND TP Hà Nội) giúp. Đoán hành vi của em Định ít nghiêm trọng, sau chín ngày bị tạm giữ sẽ được thả nên Hưng nảy sinh ý định lừa đảo. Sau khi nhận 170 triệu đồng từ Định, Hưng không liên hệ với ai, bỏ túi toàn bộ. Chưa dừng lại, Hưng gợi ý Định đưa thêm tiền để “chạy” cho em chỉ bị xử lý hành chính.
Sau đó, thấy em được hủy bỏ tạm giữ, Định đưa Nguyệt 20 triệu đồng để cám ơn Hưng. Tuy nhiên, khi biết em được thả là do chính sách khoan hồng của pháp luật, không phải do Hưng tác động, Định đã đến công an tố giác. Tháng 11-2014, Định gọi điện thoại nói muốn nhờ Hưng lo cho em chỉ bị xử lý hành chính. Khi việc giao dịch 140 triệu đồng và 500 USD giữa hai người đang diễn ra thì công an bắt quả tang.
- Năm 2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên y án Lê Nguyễn Thanh Giang 13 năm tù về tội đưa hối lộ; Nguyễn Văn Long 10 năm tù, Nguyễn Trọng Hoàng bảy năm tù, Phạm Tú Anh ba năm tù về tội làm môi giới hối lộ.
Theo hồ sơ, tháng 7-2009, Khổng Thị Quyết mở quầy bán vé số ở TP Biên Hòa và ghi số đề thuê cho Giang để hưởng hoa hồng. Chiều 24-7-2009, Quyết ghi đề cho khách thì bị Công an phường Hố Nai bắt quả tang, chuyển giao cho Công an TP Biên Hòa. Giang sợ Quyết khai ra mình nên nhờ cậu là Hoàng tìm cách lo lót để không bị xử hình sự.
Hoàng biết Long quen một số cán bộ Công an TP Biên Hòa nên nhờ Long giúp. Long ngại nhận tiền vì giữa Long và gia đình Hoàng có mối quan hệ thân tình nên từ chối rồi gọi cho Tú Anh nhờ lo giúp. Tú Anh sợ không làm, Long liền nói chỉ đứng ra nhận tiền từ Hoàng, còn Long sẽ lo mọi chuyện.
Long khai sau khi thống nhất, Long gọi điện thoại cho vợ trưởng Công an TP Biên Hòa thời điểm đó nhờ giúp. Bà này đồng ý với giá là 100 triệu đồng… Chiều 25-7-2009, Quyết được thả nên ngay tối đó Giang mang 100 triệu đồng đến đưa Tú Anh. Tú Anh đưa lại cho Long.
Tại CQĐT, Long khai đã đưa 100 triệu đồng cho vợ trưởng Công an TP Biên Hòa để “chạy án” nhưng bà này khai không quen, không lấy 100 triệu đồng từ Long nên cơ quan điều tra chưa đủ cơ sở buộc tội...
Hoàng Yến

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2018

Vì sao 3 cây cổ thụ “khủng” vẫn chưa thể rời Thừa Thiên - Huế?

Vì sao 3 cây cổ thụ “khủng” vẫn chưa thể rời Thừa Thiên - Huế?
Copy từ http://www.sggp.org.vn/vi-sao-3-cay-co-thu-khung-van-chua-the-roi-thua-thien-hue-511934.html ;tác giả: Văn Thắng ; đã đăng ngày 14/4/2018 19:03.
Ngày 14-4-18, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an Thừa Thiên - Huế cho biết, mặc dù kiểm lâm đã trả cây và chủ cây đã cho cắt tỉa, nhưng lực lượng CSGT vẫn giám sát chặt chẽ. Khi nào cây có đầy đủ giấy tờ hợp pháp mới được di chuyển khỏi địa bàn.
Hiện 3 cây cổ thụ đã hạ tải, hạ chiều cao và đã được cẩu lên 3 xe vận tải chuyên dụng của Công ty TNHH Thương mại và vận tải Hùng Dũng (đóng tại Hà Nội), chứ không phải xe của Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn (Quảng Bình) mà vào ngày 30-3 đã bị CSGT Thừa Thiên - Huế xử phạt vi phạm an toàn giao thông (Báo SGGP đã thông tin) khi chở 3 cây cổ thụ nói trên.
Tuy nhiên, các phương tiện của Công ty TNHH Thương mại và vận tải Hùng Dũng chở 3 cây cổ thụ lại đang dừng tại 3 vị trí khác nhau trên tuyến đường tránh Quốc lộ qua TP Huế thuộc địa bàn thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Cả 3 cây cổ thụ đã đưa lên xe và nằm chờ giấy phép vận chuyển.
Trung tá Hoàng Phước Tế, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát số 2 của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, phương tiện chở 3 cây cổ thụ không di chuyển nên lực lượng CSGT không thể kiểm tra các phương tiện này.
"Phương tiện chở cây di chuyển thì chúng tôi phải kiểm tra, đo đạc, chụp ảnh đàng hoàng. Nếu các phương tiện đảm bảo đầy đủ giấy tờ, thủ tục thì chúng tôi mới cho lưu thông trên đường", Trung tá Hoàng Phước Tế cho biết.
Trong khi trao đổi với báo chí, các tài xế phương tiện chở 3 cây cổ thụ cho rằng, chưa thể di chuyển vì đang chờ giấy phép chở cây từ phía Công ty TNHH Thương mại và vận tải Hùng Dũng gửi từ Hà Nội vào.
Hiện các xe chở cây chỉ có giấy phép lưu hành xe quá khổ, vận chuyển hàng siêu trường trên đường bộ có giá trị đến ngày 23-4-2018 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GT-VT) cấp nhưng chỉ cho chở thiết bị hàng hóa là “Thiết bị xe máy thi công”.
Các xe chở cây chỉ có giấy phép chở thiết bị hàng hóa là “Thiết bị xe máy thi công”.
Văn Thắng

Dự kiến lương hưu tăng thêm 6,92%

Dự kiến lương hưu tăng thêm 6,92%
Copy từ http://www.sggp.org.vn/du-kien-luong-huu-tang-them-692-511862.html ;tác giả: Mạnh Hòa ; đã đăng ngày 14/4/2018 08:25.
Theo dự kiến, từ ngày 1-7-2018, lương cơ sở tăng từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng (tăng 90.000 đồng/tháng, tức 6,92%). Đồng thời, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp hàng tháng cũng tăng tương ứng 6,92% so với số tiền thực lãnh từ thời điểm lương cơ sở tính theo mức mới.
Chính phủ hiện đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng. Nghị định dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2018.
Người dân TPHCM nhận lương hưu và trợ cấp BHXH tại bưu điện
Theo bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, dự kiến có 8 nhóm đối tượng được tăng lương hưu, trợ cấp BHXH trong đợt này.
Nhóm 1: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.
Nhóm 2: Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009, Nghị định số 121/2003, Nghị định số 09/1998 đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.
Nhóm 3: Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000, Quyết định số 613/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
Nhóm 4: Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130/CP của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.
Nhóm 5: Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 142/2008, Quyết định số 38/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhóm 6: Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 53/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhóm 7: Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 62/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhóm 8: Người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.
Mức lương cơ sở là mức lương áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động và lực lượng vũ trang. Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương, phụ cấp và thực hiện các chế độ khác đối với các đối tượng trên.
Mức lương cơ sở tăng, kéo theo mức phí mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình cũng tăng tương ứng. Hiện nay, người tham gia BHYT hộ gia đình mua thẻ bằng mức 4,5% lương cơ sở. Từ ngày 1-7, mức phí mua thẻ BHYT hộ gia đình sẽ tăng 48.000 đồng/thẻ/12 tháng (tăng từ 702.000 đồng/thẻ/12 tháng lên hơn 750.000 đồng/thẻ/12 tháng).
Từ người thứ 2, thứ 3, thứ 4 trong gia đình, mức phí mua thẻ BHYT sẽ giảm, lần lượt bằng 70%, 60% và 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ 5 trở đi, tiền mua thẻ chỉ bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Lương cơ sở tăng cũng dẫn tới nhiều chính sách tăng theo hướng có lợi cho người dân. Cụ thể, mức trợ cấp thai sản, trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng, trợ cấp hàng tháng… được tăng thêm tương ứng 6,92%.
Mạnh Hòa

Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố tấn công Syria

Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố tấn công Syria
Copy từ https://www.tienphong.vn/the-gioi/tong-thong-my-trump-tuyen-bo-tan-cong-syria-1261792.tpo ;tác giả: Minh Hạnh - Tùng Dương (Theo RT, The Guardian) ; đã đăng ngày 14/04/2018 08:24.
TPO - “Tôi đã ra lệnh cho lực lượng vũ trang Mỹ tiến hành tấn công các mục tiêu liên quan đến vũ khí hóa học của Tổng thống Syria Bashar al-Assad”, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố.


Ảnh: RIA Novosti
Phát biểu trực tiếp từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tuyên bố tiến hành các cuộc tấn công quân sự ở Syria để trả đũa cho vụ tấn công hóa học mà Washington cáo buộc do chính quyền Tổng thống Assad thực hiện hôm 7/4/18.
“Cách đây không lâu, tôi đã ra lệnh cho lực lượng vũ trang Mỹ tiến hành các cuộc tấn công chính xác nhằm vào các mục tiêu liên quan đến vũ khí hóa học của Tổng thống Syria Bashar al-Assad”, ông Trump nói.
“Một chiến dịch quân sự kết hợp giữa Mỹ, Anh và Pháp đang được tiến hành ở Syria”.
Ông Trump đề cập đến "quyền công bằng" đối với vai trò của Mỹ, Anh và Pháp trong khu vực Syria. Ông thúc giục người Mỹ cầu nguyện và kết thúc bài phát biểu bằng câu: "Chúng tôi cầu xin Chúa sẽ an ủi những đau khổ và dẫn dắt người dân nơi đây.”
Ngay sau phát biểu của ông Trump, Reuters đưa tin những tiếng nổ lớn đã xuất hiện ở Damascus.
TƯỜNG THUẬT TRỰC TIẾP
8 phút trước
Cuộc tấn công đúng thời điểm Syria vừa trở lại cuộc sống yên bình
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, Damascus đã bị Mỹ, Pháp và Anh tấn công đúng thời điểm Syria vừa trở lại cuộc sống yên bình.
“Người Syria đã phải trải qua Mùa xuân Ả Rập, sau đó là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, và giờ là những tên lửa Mỹ thông minh.
Cuộc tấn công được tiến hành nhằm vào một quốc gia có chủ quyền, vốn đã có nhiều năm cố gắng tồn tại dưới sự đe dọa của khủng bố.”
Bà Zakharova cho rằng những thế lực đứng đằng sau vụ tấn công nhằm vào Syria luôn rao giảng về đạo đức và tuyên bố rằng “mình là độc nhất vô nhị”.
“Trên thực tế, đúng là họ phải cực kì khác người thì mới tấn công thủ đô của Syria vào thời điểm đất nước này nắm trong tay cơ hội hòa bình.”


Ảnh: AP


Ảnh: AP
36 phút trước:
Theo một phóng viên của Tass, khu vực trung tâm Damascus – nơi một phái đoàn Nghị viện Nga đang lưu trú – không chịu ảnh hưởng bởi cuộc không kích của liên minh Mỹ, Pháp, Anh.
Những tiếng nổ lớn xuất hiện tại Damascus vào khoảng 4h45’ giờ địa phương.
Phái đoàn Nga đã tới Damascus hôm thứ Sáu, 13/4/18. Trước đó, họ đã ghé thăm Homs và Palmyra.
Minh Hạnh - Tùng Dương (Theo RT, The Guardian)

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2018

Để có tác phẩm chất lượng tốt dự Giải báo chí Quốc gia

Báo Nông thôn ngày nay:
Để có tác phẩm chất lượng tốt dự Giải báo chí Quốc gia
Copy từ http://nguoilambao.vn/de-co-ta-c-pha-m-cha-t-luo-ng-to-t-du-gia-i-ba-o-chi-quo-c-gia-n2498.html ;tác giả: Nhà báo Lưu Quang Định ; đã đăng ngày 13/07/2016, 15:03.
Mười năm qua cũng chính là thời gian mà Báo NTNN để lại dấu ấn đậm nét vè giải báo chí trong suốt hơn 32 năm từ khi xuất bản số đầu tiên đến nay.

Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng biên tập Báo Nông thôn ngày nay phát biểu, Ảnh: PV
Trong 10 năm qua, tôi đã nhiều lần được Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia mời chấm Sơ khảo, và mới đây nhất, được mời chấm Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ X – 2015. Để có được giải ở một sân chơi lớn nhất của báo chí trong nước không phải quá khó. Nhưng để được giải cao (giải A, giải B) trong bối cảnh báo chí đang phát triển nhanh cả về tốc độ lẫn chất lượng, sức mạnh tương tác với xã hội… là một điều không hề dễ dàng, đặc biệt là với các đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bằng chứng là sau khi đạt giải A – Giải Báo chí Quốc gia lần thứ II – 2007 với loạt bài “Một hạt thóc, 40 khoản đóng góp”, dù rất muốn, NTNN vẫn chưa lần nào đạt thêm lần nữa giải cao nhất này. Vì vậy, bên cạnh việc chỉ đạo, tạo điều kiện cho các phóng viên, dù trong điều kiện khó khăn, Ban Biên tập Báo NTNN đã quyết định tặng thưởng các tác giả được giải A, giải B bằng 100% trị giá giải thưởng mà Hội đồng Giải báo chí Quốc gia đã tặng.
Tôi rất tâm đắc với chủ đề của Hội thảo hôm nay. Câu hỏi “làm gì để có tác phẩm đạt giải cao của Giải Báo chí Quốc gia” đã từng được chúng tôi đưa ra thảo luận nội bộ từ năm 2011, sau hai năm liên tiếp “đi xuống” với việc chỉ đạt giải Khuyến khích ở giải Báo chí Quốc gia.
Từ trải nghiệm đã đạt được ở “Một hạt thóc, 40 khoản đóng góp” và đánh giá các tác phẩm đoạt giải Báo chí Quốc gia khác của Nông Thôn Ngày Nay, tôi xin chia sẻ một số điểm trước chủ đề của cuộc tọa đàm này:
Trước hết, để có tác phẩm chất lượng tốt dự giải Báo chí Quốc gia, trước hết là phải có tác phẩm tốt, chuẩn mực, và có hiệu ứng xã hội mạnh mẽ. Tác phẩm tốt có thể không dự giải báo chí Quốc gia vì nhiều lý do, trên thực tế, hầu hết các tác phẩm báo chí viết ra không phải đặt lên đầu mục tiêu dự giải báo chí mà xuất phát từ mục đích tôn chỉ của tờ báo, vì độc giả mục tiêu và giá trị xã hội mà tờ báo đó hướng tới, cổ vũ hoặc bảo vệ. Nói điều này là để phân biệt hai khái niệm “tác phẩm báo chí chất lượng tốt” và “tác phẩm báo chí chất lượng tốt dự giải Báo chí Quốc gia” có sự phân biệt do thể lệ hoặc tiêu chí đánh giá khác nhau. Chẳng hạn, một bài báo gai góc, một phóng sự ảnh trên NTNN góp phần khơi dậy lòng nhân ái của cộng đồng, thu hút các báo khác “tiếp lửa”, sau đó thu hút được hơn 300 triệu đồng để góp phần xây dựng một điểm trường tiểu học vùng cao cho học sinh nghèo, đó là một tác phẩm có tính tương tác xã hội rất tốt, nhưng thường thì không gửi đi dự giải Báo chí quốc gia, hoặc có gửi cũng khó được đánh giá cao.
Đóng góp ý kiến cho buổi tọa đàm hôm nay, tôi chỉ xin nêu 7 vấn đề trong phạm vi tác phẩm báo chí chất lượng tốt về đề tài “Tam nông”. Dù độc giả chủ yếu của chúng tôi là “nhà nông” và cán bộ cơ sở, nhưng có một thực tế là phần lớn những tác phẩm chọn đi dự giải báo chí Quốc gia của Báo NTNN lại đồng hành với “nhà nông” và hướng đến mục tiêu tương tác với lớp độc giả “nhà quản lý, nhà làm chính sách”.
Đề cao tính phát hiện vấn đề ẩn giấu dưới vẻ bình thường của cuộc sống.
Nhiều người cho rằng, viết về nông dân thì dễ viết. Đúng vậy. Nhưng viết cho nông dân, viết vì nông dân, để mang lai tương tác chính sách tích cực cho hàng ngàn, hàng triệu nông dân thì không phải dễ. Và viết cùng nông dân (tức đứng vào vị trí của người nông dân, cùng nông dân làm báo, viết và theo đuổi vấn đề đến khi ra kết quả) thì hoàn toàn không dễ chút nào. Đặc biệt trong điều kiện báo in đang gặp khó khăn và phát hành đang đi xuống, báo điện tử cạnh tranh khốc liệt để tìm lượng bạn đọc lớn, thì việc phát hiện các đề tài hay, dữ dội ẩn giấu dưới bề mặt bình thường của cuộc sống, ngày càng ít được chú ý đầu tư hơn; hoặc phát hiện được mạch nguồn, nhưng lại không tương tác mở rộng vấn đề, theo đến cùng vấn đề đến khi có kết quả. Tôi cho rằng, vai trò tích cực của các Tổng Biên tập ở khâu này là chọn được nhân sự chủ biên đề tài tốt, hiểu biết và có khả năng làm việc nhóm, kết nối rộng, xây dựng kế hoạch ít nhất 3-5 đề tài lớn trong năm. Chủ động chuẩn bị bao giờ cũng tốt hơn việc đến đâu làm đến đấy!
“Đăng lên báo có làm bớt được khoản nào không..?”- Đó là hồ nghi của anh Nguyễn Văn Tâm ở một xóm nằm sâu trong núi của xã Đồng Tiến (Phổ Yên, Thái Nguyên) khi phóng viên NTNN hỏi về những khoản phí mà anh phải đóng trên hạt lúa làm ra. Đó là ngày 15-4-2007, khi loạt bài “Một hạt thóc – 40 khoản đóng góp” vừa mới bắt đầu. “Cả nhà tôi làm ruộng 1 năm mới có thu nhập bằng 1 tháng của “người thành phố”, vậy mà các khoản phí thì nhiều lắm, không nhớ hết..?”.
Lúc đó, phóng viên của chúng tôi chỉ dám trả lời anh Tâm rằng sẽ đưa những giọt mồ hôi mặn chát của anh, nối dài tiếng nói của những người như anh lên Trung ương, có thể lên tới bàn nghị sự của Quốc hội, của Thủ tướng. Nếu hàng triệu nông dân cùng tha thiết một điều như anh, chắc chắn sẽ có thay đổi.
Không nghẹt thở như những loạt bài điều tra, không căng thẳng như những bài viết chống tham nhũng, Chuyên đề “Một hạt thóc, 40 khoản đóng góp” bắt đầu từ những câu chuyện bình dị như thế. Đeo bám mạch nguồn bình dị ấy suốt hơn 20 kỳ đăng báo, chúng tôi đã góp phần thúc đẩy Chính phủ, Quốc hội ra chính sách miễn giảm thuế phí cho nông dân với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng/năm, và được áp dụng từ 2008 cho đến nay.
Định lượng hóa vấn đề, thay vì hài lòng với định tính (chém gió)
Việc định lượng hóa trong các vấn đề báo chí nêu, rõ ràng đem lại sự tin cậy và sức mạnh thuyết phục lớn hơn nhiều, so với những bài chỉ có lập luận, ngay cả với thể loại bình luận, các con số bao giờ cũng có vai trò quan trọng khi dùng đúng cách. Cách đây 2 tuần, ngày 30-6, trong buổi Hội thảo “Nhà báo và vấn đề Chính sách cho nông dân” do TS Mai Đức Lộc chủ trì, các chuyên gia và nhà khoa học nông nghiệp tham dự khi đó như TS Đặng Kim Sơn (nguyên Viện trưởng IPSARD, hay nhà báo Hoàng Trọng Thủy – nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới, đã đặc biệt nhấn mạnh đến các con số thống kê tin cậy và việc vận dụng nó cùng với lập luận tương ứng của bài báo, đem lại sự thuyết phục như thế nào với bạn đọc, đặc biệt là nhà làm chính sách. Không phải con số đem lại giá trị, mà chính cách diễn giải các con số, nói cách khác là khả năng “đọc” được ý nghĩa con số và vận dụng, chuyển tải thành ngôn ngữ (text, box, biểu đồ...) của nhà báo, tòa soạn báo mới đem lại giá trị gia tăng cho tác phẩm. Và một sự thật là không nhiều nhà báo lĩnh vực Tam nông giỏi làm việc này.
Trong bài đầu tiên của loạt bài “Một hạt thóc, 40 khoản đóng góp”, con số trở nên nổi bật hơn: Xin trích dẫn “Các tỉnh nghèo nhất thường có có mức đóng góp “kịch liệt” nhất: Ninh Thuận (1.488.000 đồng/hộ), Phú Yên 1.208.000 đồng/hộ), Hà Tĩnh - một tỉnh nghèo nhưng có mức mức đóng góp rất cao, khoảng 1,1 triệu đồng/hộ. Còn TP. Hà Nội có mức thu thấp nhất với chỉ 106.000 đồng/hộ.
Xuất phát điểm của loạt bài này bắt đầu từ một cái tin 100 chữ của BTV Hồng Nga vào ngày 9-4-2007 về một đợt khảo sát của Cục HTX và Phát triển nông thôn. Gần như ngay lập tức, Ban biên tập - thư ký - phóng viên đã hội ý nhanh và xác định đây là một đề tài hấp dẫn, thiết thực và liên quan tới hàng chục triệu nông dân. Trong bối cảnh Việt Nam vừa gia nhập WTO và hỗ trợ cho nông nghiệp của ta còn quá thấp, giá tiêu dùng lại đang tăng từng ngày, đây là một cơ hội tốt để “chiến đấu” cùng nhà nông. Để làm “ra tấm ra món” cần có chuyên đề ít nhất là 5 bài từ Bắc vào Nam.
Trước hết, ngay trong ngày 10-4, bằng mọi cách phải có bài “định lượng” ban đầu về các khoản đóng góp của nông dân, và phải từ nguồn tin chính thức. Vì vậy, chúng tôi chọn bài phỏng vấn ông Lê Quý Đăng - Phó cục trưởng Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) để bắt đầu. Nếu loạt bài bắt đầu bằng một bài viết định tính ở cơ sở thì rất dễ làm nhưng sẽ khó tạo được một hiệu ứng mạnh mẽ tức thì. Theo nguồn tin chính thức này, đầu mục các khoản đóng góp của nông dân lên tới 28-40 khoản với tổng số tiền từ 200.000 - 1.500.000 đồng/hộ/năm tuỳ từng tỉnh.
Quan tâm hơn đến tít bài
Không chỉ vì dự giải Báo chí Quốc gia chúng tôi mới quan tâm đến tít, đây là câu chuyện của cả thế giới làm báo. Chúng tôi cho rằng, một cái tít hay về chữ nghĩa, cô đọng về ý tứ và tính thời sự đi thẳng vào lòng người, không lặp lại mô típ cũ đã từng có... là sự lao động nghiêm túc, sáng tạo của tác giả hoặc cả êkip làm báo. Có một cái tít hay, người làm báo đã “đoạt giải” của độc giả, trước khi chinh phục Giám khảo giải báo chí Quốc gia. Tôi cũng nhận thấy, cách đặt tít hay, khởi đầu thường mang tính sáng tạo cá nhân của người viết, hoặc người biên tập “hay chữ”.
Trong 10 năm qua, NTNN đã có nhiều tác phẩm dự giải Báo chí Quốc gia có được những cái tít khá tốt như: “Khi ông chủ đi làm thuê”, “Nhập từ con giống đến… cái máng lợn”, “Cơ hội vượt lên thách thức”, “Cử nhân giấu bằng đi làm công nhân”... Riêng tít “Một hạt thóc 40 khoản đóng góp” được chọn làm tít bài phỏng vấn khởi đầu và sau đó trở thành “linh hồn” cho cả loạt bài. Cho đến nay, sau gần 10 năm, chúng tôi đi về địa phương hay làm việc với các bộ ngành, nhiều nơi vẫn nhắc đến tên loạt bài này gắn liền với Báo NTNN.
Có một chuyện vui liên quan đến cái tít này, chính là ông Lê Quý Đăng, Phó Cục trưởng Cục HTX và Phát triển nông thôn, sau khi NTNN đăng bài phỏng vấn, ông đã gọi điện cho PV chia sẻ: Nội dung bài ổn, nhưng cái tít đã khiến ông bị cấp trên phê bình, vì mức phổ biển là 30 khoản đóng góp, còn đến 40 khoản thì có nhưng không phổ biến, và trên danh sách thuế, phí của người trồng lúa liệt kê đến 40 khoản. Ông Đăng đề nghị chỉnh lại là “30 khoản đóng góp”, nhưng Tòa soạn đã giữ nguyên cái tít nói trên.
Đi trước nửa bước, cộng hưởng sức mạnh của truyền thông
Một trong những giá trị được đánh giá cao của tác phẩm báo chí là tính mới của nội dung và hình thức thể hiện. Rất nhiều tác phẩm báo chí, nhất là thể loại điều tra đã nhấn mạnh giá trị độc quyền hoặc hoàn toàn đi trước mà không còn cơ hội nào cho các tác giả, các báo khác khai thác sâu thêm vấn đề đã đưa. Và NTNN cũng có nhiều tác phẩm tốt được thực hiện theo “chiến thuật” này.
Tuy nhiên, câu chuyện mà tôi muốn chia sẻ hôm nay, là câu chuyện “đi trước nửa bước”. Với những đề tài lớn, có tính nhạy cảm hoặc cần một không gian rộng, có nhạy cảm, cần vận động sự đồng thuận lớn trong từng giai tầng của xã hội, việc tác phẩm báo chí tốt đi trước một mình giữ độc quyền, vượt lên quá xa so với các đồng nghiệp báo khác, chưa chắc sẽ có lợi cho cộng đồng hơn là việc mình đăng trước một vài kỳ, để các báo đài khác cùng tham gia làm lan truyền rộng rãi hơn, đem lại sự đồng thuận cao hơn vấn đề mà tác phẩm báo mình đã nêu. Tất nhiên, để luôn đi trước nửa bước, thì Tòa báo cần phải chuẩn bị chu đáo 4-5 bước tiếp theo (kỳ xuất bản, sự kiện tương tác), bởi trước các vấn đề hay, các báo khác cũng quan tâm khai thác, và sẵn sàng vượt lên nếu mình bỏ lửng vấn đề.
Bằng cách này, các tác giả và cơ quan báo chí có chuyên đề hay, đi trước, chấp nhận để cái tôi cá nhân, hay danh tiếng của mình xuống dưới mục tiêu cao hơn là hiệu quả của tương tác truyền thông đối với xã hội trong vấn đề mà chuỗi tác phẩm đang đề cập. “Gái có công, chồng chẳng phụ”, một khi có hiệu ứng xã hội tốt, cộng đồng sẽ không quên người đi đầu.
Tuyến tác phẩm về chủ quán Xin chào của tác giả Hàn Ni (Báo Sài Gòn Giải Phóng) gần đây được sự cộng hưởng rộng rãi của truyền thông chính thống và truyền thông xã hội, có thể nói là điển hình cho câu chuyện đi trước nửa bước, mà cộng đồng vẫn thừa nhận giá trị của tác phẩm tốt đi đầu.
Đã quen với làm những chuyên đề sâu về tam nông, chúng tôi hiểu trong những vấn đề còn có sự tranh cãi, nếu chỉ khư khư “bản quyền” đề tài, nếu một mình NTNN lên tiếng thì chưa đủ mạnh. Phải làm sao để “nhất hô bá ứng”, tức là lôi cuốn các cơ quan truyền thông khác vào cuộc để làm rõ thêm tình cảnh của nông dân. Nhưng NTNN không thể nói với báo bạn “vấn đề hay lắm, các anh cùng làm đi”, mà phải có những bài có sức nặng liên tiếp. Sau 3-4 bài “phát động” đầu tiên của NTNN, các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao động, Kinh tế nông thôn và nhiều tờ báo khác đã cùng lên tiếng... Đặc biệt, Đài Truyền hình Việt Nam đã “trợ thanh” đắc lực cho NTNN bằng việc điểm báo ngày, điểm báo tuần đối với các bài viết của chuyên đề. Trong lần điểm báo cuối năm 2007, VTV1 đánh giá chuyên đề “một hạt thóc, 40 khoản đóng góp” tiêu biểu cho những bài báo có tác động xã hội tích cực nhất trong năm. Chính “dàn hợp xướng” ấy đã trở thành tác động có trọng lượng tới Quốc hội, Chính phủ trong các quyết sách miễn giảm thủy lợi phí và các khoản thuế phí khác từ năm 2008.
Phối hợp trang báo và sự kiện ngoài mặt báo.
Có một hiện tượng phổ biến là tác phẩm đạt giải cao Giải Báo chí Quốc gia thường gặp là những tác phẩm công phu, chuyên đề nhiều kỳ để chuyển tải nhiều góc cạnh của vấn đề (mở rộng dung lượng theo chiều dọc) hoặc chùm nhiều bài của một kỳ (mở rộng dung lượng theo chiều ngang). Theo tôi, đó chỉ là một trong những điều kiện biểu hiện giá trị của tác phẩm.
Điều mà một Tổng Biên tập có thể tạo thêm giá trị gia tăng cho tác phẩm tốt, trước là cho độc giả và cộng đồng, sau có thể dự thi Giải Báo chí Quốc gia, đó là tầm nhìn rộng mở, kết nối tác phẩm tốt trên mặt báo với sự kiện trên ngoài mặt báo. Sẽ thật tốt nếu như kết thúc một loạt bài nặng ký, báo tổ chức được các sự kiện đi kèm, gia tăng hiệu ứng tích cực cho xã hội. Điều này nhiều báo khác cũng như NTNN đã thực hiện (hội thảo cây trồng biến đổi gen, tọa đàm bàn tròn về sửa đổi luật đất đai...), nhưng theo quan sát của tôi, các tác phẩm đạt giải Báo chí Quốc gia, chưa có nhiều tác phẩm hội tụ được giá trị (đo đếm, ước lượng được) cả trong và sự kiện chủ động liên quan bên ngoài mặt báo.
Đứng trên vai người khổng lồ
Ngay cả với các nhà báo chuyên môn giỏi về Tam nông, hay lĩnh vực khác, cũng không thể biết hết các vấn đề. Đối với những điều tra xã hội, hay phản biện để xây dựng chính sách cho nông dân, thì lại càng cần đến trí tuệ các chuyên gia, nhà khoa học. Nếu chọn đúng chuyên gia giỏi mà lại là người của công chúng, khi phát ngôn, giới chức sẵn sàng lắng nghe thì hay nhất. Thậm chí, các chuỗi bài dự giải Báo chí Quốc gia, nên chọn cả bài trực tiếp của chuyên gia, nhà khoa học viết vào nhóm tác phẩm chính dự thi, thay vì vẫn thường để ở danh mục bài tham khảo như các báo vẫn thường xử lý.
Trong khi các chính trị gia, nhà quản lý có rất nhiều kênh truyền thông để phát ngôn, còn người nông dân thường hạn chế trong việc khái quát các vấn đề của mình, việc sử dụng các nghiên cứu của tổ chức và ý kiến chuyên gia giỏi, có tiếng nói phản biện uy tín đang trở thành một xu hướng mạnh mẽ của báo chí. Một khi sức mạnh của ngôn từ kết hợp với lập luận và chứng cứ khoa học, tác phẩm báo chí sẽ có sức thuyết phục rất lớn (chẳng hạn loạt bài về sửa đổi Luật Đất đai, có sự tham gia của GS.TSKH Đặng Hùng Võ, hay tác phẩm “Một hạt thóc, 40 khoản đóng góp” đã cuốn hút được nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học tham gia, trong đó có chùm bài “Đừng quên bài học Thái Bình năm 1997 (3 kỳ liên tiếp) của Giáo sư Tương Lai – nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học).
Vài đề xuất liên quan đến Giải báo chí Quốc gia
Đề xuất nghiên cứu sửa đổi quy định đánh giá chấm giải A Giải Báo chí Quốc gia theo xu hướng chọn vinh danh tác phẩm có tương tác tích cực, chuyển động xã hội có thể đo đếm được, ước lượng được; thậm chí cho phép nghiên cứu bầu chọn, lấy ý kiến tham khảo rộng rãi hơn trên môi trường mạng internet. Đây chính là cách làm cho các tác phẩm đạt giải cao thực sự có sức sống và lan tỏa, cũng chính là cách nâng cao uy tín giải Báo chí Quốc gia.
Bên cạnh đánh giá vinh danh tác giả qua tác phẩm là chủ yếu, đề xuất Hội Nhà báo VN nghiên cứu bầu chọn, vinh danh trực tiếp con người, 1 người tiêu biểu nhất của năm.
Sau 10 năm nhìn lại các giải A của các năm, nếu có một hội đồng bình chọn xếp loại vị trí từ cao xuống thấp các tác phẩm có giá trị đi cùng năm tháng, hẳn sẽ có rất nhiều điều suy ngẫm được rút ra./.


Nhà báo Lưu Quang Định
Tổng Biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

Nhóm bán logo xe 'vua' khai hối lộ CSGT, TTGT gần chục tỉ đồng

Nhóm bán logo xe 'vua' khai hối lộ CSGT, TTGT gần chục tỉ đồng
Copy từ http://plo.vn/phap-luat/nhom-ban-logo-xe-vua-khai-hoi-lo-csgt-ttgt-gan-chuc-ti-dong-764974.html ;tác giả: Hoàng Yến ; đã đăng ngày 12/4/2018 - 16:58.
(PLO)- Tại CQĐT, các bị cáo khai đã đưa hối lộ gần chục tỉ đồng cho 62 cán bộ CSGT và 18 cán bộ TTGT ở Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM.

Các đối tượng khi làm việc tại CQĐT.
Theo kế hoạch, TAND TP.HCM sẽ đưa ra xét xử băng nhóm in và bán logo xe "vua" vào hai ngày 19 và 20-4-18.
Theo cáo trạng, 10 bị cáo gồm Nguyễn Văn Thới, Trần Quốc Thái, Lê Thị Cẩm Vân, Mai Vân Thái Em, Huỳnh Tấn Thắng, Nguyễn Văn Phúc, Trần Trọng Nhân, Nguyễn Minh Thiên, Nguyễn Mai Hữu Nhân, Nguyễn Cảnh Chân (cán bộ Đội 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) bị truy tố về hai tội đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ.
Theo hồ sơ, từ tháng 1-2014 đến tháng 8-2015, Thới, Vân và các đồng phạm đã câu kết với một số tài xế, chủ xe tải thường lưu thông trên các tuyến đường thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM góp tiền đưa hối lộ CSGT, thanh tra giao thông (TTGT) để không bị xử phạt.
Thới, Thái tổ chức in logo có số “68” và chữ “Garage Thành Đô”, Vân in logo chữ “xe chở hàng” bán cho chủ xe, tài xế giá 2,5-3 triệu đồng/logo dán làm mật hiệu nhận biết khi bị TTGT, CSGT kiểm tra.
Mỗi tháng, Thới lập danh sách các xe mua logo bằng cách ghi biển số xe vào giấy để theo dõi. Để thuận lợi bán logo và hạn chế rủi ro, Thái còn giúp Thới thuê xe ôm đi canh gác các tuyến đường mà tổ tham mưu đặc biệt của Phòng CSGT Công an TP.HCM tuần tra, kiểm soát sau đó nhắn tin báo để biết né tránh.
Theo điều tra, Thới và Thái đã bán được khoảng 15.000 lượt logo, thu lời bất chính gần 23 tỉ đồng. Một phần số tiền này được dùng để đưa hối lộ. Trong đó, Thới đưa hối lội 79 lần với tổng số tiền gần 5 tỉ đồng, lần đưa nhiều nhất là 150 triệu đồng. Thới còn nhờ một người em họ 12 lần chuyển cho cán bộ thuộc Đội 1 (Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) tổng số tiền 1,2 tỉ đồng để đưa cho một số cán bộ CSGT khác.
Ngoài ra, Thới và Thái đưa cho các đội, trạm 1,3 tỉ đồng. Riêng Thái 39 lần đưa hối lộ với tổng số tiền 2,2 tỉ đồng và hưởng lợi 360 triệu đồng.
Số tiền còn lại hơn 17,8 tỉ đồng, Thới sử dụng nộp phạt cho các xe đã mua logo nhưng vẫn bị lập biên bản, trả tiền thuê xe ôm báo tin và bản thân hưởng lợi 1,3 tỉ đồng.

Bị cáo Lê Thị Cẩm Vân, người được xác định cầm đầu đường dây bán logo "vua".
Tại CQĐT, Vân, Thới và Thái khai nhận đã đưa hối lộ cho 62 cán bộ của đội, trạm trong lực lượng CSGT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM. CQĐT đã triệu tập, lấy lời khai của 62 cán bộ, chiến sĩ nêu trên nhưng những người này không thừa nhận hành vi.
Đối với lực lượng cán bộ TTGT, CQĐT tiến hành lấy lời khai 18 người. Kết quả không có người nào thừa nhận đã nhận tiền để không xử phạt các xe quá tải. Tiến hành nhận diện qua ảnh, Vân chỉ nhận diện được một đội phó của một đội TTGT TP.HCM.
Theo CQĐT, việc bán “logo xe vua” thu tiền đưa hối lộ cho một số cán bộ chức năng để không xử phạt xe quá tải là có thật. Nhưng ngoài lời khai của các bị can, không có tài liệu, chứng cứ khác chứng minh CSGT và TTGT đã nhận hối lộ nên không có cơ sở khởi tố.
Đối với chủ xe, tài xế mua “logo xe vua", công an tiến hành xác minh theo danh sách 1.682 xe mua “logo xe vua” của Vân, Thới. Kết quả cho thấy có 524 trường hợp thừa nhận, còn 1.158 trường hợp không thừa nhận hoặc không thể xác minh do thay đổi nơi cư trú. Xét những người này bỏ tiền mua logo để không bị xử phạt nhưng không biết Vân, Thới đưa hối lộ cho ai nên không có căn cứ để xác định họ là đồng phạm...
Hoàng Yến