Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Hội thảo về du học

Bài báo sau đây phổ biến vài kinh nghiệm cá nhân có thể có giá trị cao với vài cá nhân khác đang ấp ủ giấc mơ du học; nhưng tác giả lại chọn title mang tính giật gân: Du học sinh: Ở đâu con cũng sống được trừ ở gần bố mẹ.
Hội thảo về du học
Copy từ http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/du-hoc/318510/du-hoc-sinh-o-dau-con-cung-song-duoc-tru-o-gan-bo-me.html, đăng ngày 30-07-16, mục Giáo dục > Du học.
Sáng 30/7/16, hàng trăm học sinh THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội) đã có mặt tại hội trường Sunwah để lắng nghe những chia sẻ vô cùng hữu ích của người đi trước – những bạn trẻ đã nộp đơn thành công vào các trường đại học các nước: Hà Lan, Nhật Bản, Canada, Anh, Mỹ.
Hội thảo thu hút hàng trăm học sinh THPT Chuyên ngữ tham dự. Ảnh: Nguyễn Thảo
CNN Conference 2016 là hội thảo được tổ chức thường niên bởi Global CNNers – tổ chức du học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ nhằm tạo cầu nối giữa các thế hệ học sinh CNN ở khắp nơi trên thế giới, cùng chia sẻ, giao lưu kinh nghiệm nộp hồ sơ, xin học bổng, trải nghiệm văn hoá, cuộc sống ở quốc gia du học.
Chia sẻ tại hội thảo, Hoàng Hữu Phong – nam sinh giành học bổng dự bị đại học Nhật Bản 150 ngàn yên/ tháng chia sẻ, tình yêu với nước Nhật và dự định du học Nhật Bản của cậu đã nhen nhóm từ rất lâu khi thấy “đây đúng là xã hội mà mình mong muốn được học tập và sinh sống”.
Phong bắt đầu học tiếng Nhật từ khi bước vào lớp 10 và chỉ trong vòng 1 năm, cậu đã đạt trình độ N2 – một cấp độ đáng ngưỡng mộ trong thời gian ngắn. Với học bổng dự bị đại học, sau khi kết thúc chương trình phổ thông, Phong sẽ phải thi vào đại học Nhật giống như học sinh bản xứ - một thách thức không hề dễ dàng.
Ngô Hương Ly và Hoàng Hữu Phong – 2 khách mời của phònghội thảo du học sinh Nhật Bản. Ảnh: Nguyễn Thảo
Trong khi đó, Ngô Hương Ly – tân sinh viên ĐH Tsukuba niên khoá 2020 lại chọn một lộ trình khác. Nếu như Hữu Phong nộp hồ sơ xin học bổng bằng tiếng Nhật thì Hương Ly chọn lợi thế tiếng Anh là “vũ khí” cạnh tranh.
Tuy nhiên, cô bạn cựu sinh viên ĐH Ngoại thương cho rằng, dù có nộp đơn bằng ngôn ngữ nào thì trong quá trình học tập ở đất nước này cũng nên học tiếng Nhật để tăng khả năng cạnh tranh.
“Các ngành như kỹ thuật, sinh học, công nghệ có nhiều học bổng lớn vì Nhật phát triển những ngành này nhất. Tuy nhiên, đây là những ngành khó học, đặc biệt với con gái” – Ly chia sẻ.
Cả hai khách mời ở nhóm Nhật Bản đều đồng ý rằng nên tỉnh táo khi chọn ngành, không nên chọn ngành mình không thích chỉ vì học bổng tốt.
Về việc chuẩn bị hồ sơ du học Nhật, Hương Ly cho biết các trường Nhật không quá quan trọng hoạt động ngoại khoá như các trường Anh, Mỹ, bài luận cũng đơn giản hơn rất nhiều. Còn theo Hữu Phong, trong vòng phỏng vấn, ứng viên nên chú ý hơn một chút tới thái độ và tác phong vì người Nhật vốn dĩ rất coi trọng lễ nghĩa.
“Không quá quan trọng hoạt động ngoại khoá không có nghĩa là không cần có bất cứ hoạt động gì. Bởi vì những hoạt động này là thứ định nghĩa mình là người như thế nào. Bạn không nhất thiết phải là lãnh đạo các dự án này kia, bạn có thể tham gia những hoạt động hướng nội theo đúng tính cách của mình, phù hợp với định hướng nghề nghiệp, con người mình và vẫn được đánh giá cao” – Ly chia sẻ.
Một điều cần chú ý với các ứng viên muốn du học Nhật là không nên rải hồ sơ quá nhiều, chỉ nên cô đọng ở 2-3 trường mình thích nhất, vì các trường Nhật thu phí hồ sơ khá cao.
“Thường thì 2-2,5 triệu mỗi trường, như trường của mình lên tới tận 4 triệu, và các trường Nhật đều yêu cầu nộp hồ sơ qua đường bưu điện, chứ không nhận qua email”.
Nguyễn Trần Hoàng Anh – sinh viên năm nhất HANUniversity of Applied Sciences (Hà Lan) chia sẻ những câu chuyện trải nghiệm ở đất nước châu Âu này. Ảnh: Nguyễn Thảo
Khác với không khí sôi động, ồn ã của nhóm du học Mỹ, những câu chuyện của nhóm Hà Lan được chia sẻ một cách trầm lắng và riêng tư hơn.
Đã có kinh nghiệm một năm học tập tại Hà Lan, Nguyễn Trần Hoàng Anh tiết lộ một số thông tin khá thú vị về con người, đất nước châu Âu này.
“Dân Hà Lan rất chăm chỉ. Có thể có những bạn trẻ lười học nhưng làm thì rất chăm vì không làm thì không có tiền. Đến tuổi 18 là các bạn bị "đá" khỏi nhà luôn. Bố mẹ chỉ trả tiền học thôi, còn lại bạn phải tự vay Chính phủ tiền ăn ở, thuê nhà. Nếu bạn đi làm thêm kiếm tiền thì số nợ này sẽ đỡ hơn”.
“Làm thêm ở Hà Lan lương không cao và bạn cần phải có giấy phép lao động. Có một điều rất hay ho ở các nước châu Âu, là bạn sống ở Hà Lan nhưng có thể đạp xe sang Bỉ, Đan Mạch chơi một lúc rồi quay về nhờ hiệp ước về đi lại tự do của một số nước. Thế nên, cũng có nhiều du học sinh Hà Lan sang Bỉ, Đức đi làm để có lương cao hơn” – Hoàng Anh chia sẻ.
Trả lời câu hỏi về tính cách của người Hà Lan, nam sinh HANUniversity of Applied Sciences nói vui rằng người Hà Lan rất “to mồm, coi trọng sự trung thực, trung thành nhưng cũng là những người rất cứng đầu”.
Nguyễn Hoàng Thuỳ Dương – tân sinh viên Ryerson University (Canada) cho rằng đi du học không nên trở thành mục tiêu duy nhất của cuộc đời. Ảnh: Nguyễn Thảo
Tham gia nhóm Canada là hai cô gái xinh xắn nhưng, không kém phần cá tính.
Cả Đào Thị Hương Giang – tân sinh viên University of Toronto và Nguyễn Hoàng Thuỳ Dương – tân sinh viên Ryerson University đều chung quan điểm: Hãy xác định bạn muốn đi du học vì cái gì.
Thuỳ Dương chia sẻ, dù mình thích đi du học nhưng đó không phải là vấn đề sống chết. Nếu bố mẹ không đủ khả năng tài chính, nếu mình không được trường nhận thì học trong nước vẫn tốt. Đi du học không phải vì cái danh hay vì những thứ phù phiếm.
Hương Giang và Thuỳ Dương đều có một điểm chung là từng học phổ thông ở Canada trước khi bước chân vào ngưỡng cửa các trường đại học ở nước này.
Giang kể, em từng mất 2 năm để thuyết phục bố mẹ cho đi du học. Khi đặt chân tới đất nước mơ ước, mỗi buổi sáng thức dậy em đều chìm trong cảm giác ngất ngây, sung sướng vì đã đạt được ước mơ của mình.
“Nhưng cảm xúc đó chỉ kéo dài 2 tuần, vì mình không biết tiếp theo mình sẽ làm gì ở đây”.
Giang thừa nhận, đó chính là sự thiếu định hướng, sự thiếu chuẩn bị ngay từ đầu của mình và khuyên các em đi sau đừng bao giờ để điều đó xảy ra.
Trong khi đó, Thuỳ Dương muốn gửi thông điệp tới các bậc phụ huynh: Đừng bao bọc thái quá khi các em đã 16, 17 tuổi rồi.
“Các cô chú hãy thả con ra để các em va vấp, thậm chí là vấp ngã”.
Bản thân từng rơi vào trường hợp bị bố mẹ chăm lo một cách thái quá, cô gái cá tính này từng tuyên bố rằng: “Ở đâu con cũng sống được trừ ở gần bố mẹ”.
Nguyễn Thảo

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Công nghiệp tình dục Thái Lan: Từ lạc thú đến khổ đau

Công nghiệp tình dục Thái Lan: Từ lạc thú đến khổ đau
(Copy từ http://dantri.com.vn/su-kien/cong-nghiep-tinh-duc-thai-lan-tu-lac-thu-den-kho-dau-20160726203523386.htm  , tác giả: Chu Thường Xuân ; đã đăng ngày  27/07/17 lúc 07:08.)
Mại dâm bị coi là bất hợp pháp nhưng nhiều thập niên qua Thái Lan lại gắn với hình ảnh ngành công nghiệp du lịch tình dục. Và, cái giá cho nền công nghiệp này là sự bi đát đến cùng cực.
Kobkarn Wattanavrangkul, nữ Bộ trưởng đầu tiên của ngành du lịch Thái tuyên bố sẽ đẩy lùi hình thức du lịch tình dục nhằm xóa bỏ nạn buôn bán phụ nữ và bóc lột tình dục. “Chúng tôi muốn du lịch Thái Lan có chất lượng. Công nghiệp tình dục cần phải được xóa bỏ. Du khách không đến Thái Lan để mua vui. Họ đến đây vì một nền văn hóa tươi đẹp”, Kobkarn nói. Mục tiêu này là một trong những nỗ lực đưa Thái Lan trở thành điểm đến sang trọng, thu hút du khách giàu có trên thế giới. Bà Kobkarn quyết tâm làm sạch hình ảnh du lịch của Thái Lan ngay sau khi nhậm chức vào năm 2014.
Nhà hàng Cabbages & Condom mọc lên khắp nơi
Dự tính phi thực tế?
Các nhà chứa mọc lên tại Thái Lan từ năm 1960, khi đất nước này trở thành chốn ăn chơi của lính Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam. Theo báo cáo năm 2014 của UNAIDS - Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS, có khoảng 123.530 lao động tình dục ở Thái Lan. Tính toán của 2 chuyên gia kinh tế người Mỹ vào năm 1998 cho thấy, mỗi năm ngành du lịch mang lại 4 tỉ USD cho Thái Lan. Tuy nhiên, hai chuyên gia này cũng nhấn mạnh, khi ngành du lịch Thái Lan càng phát triển thì trọng tâm của nó càng lệch vào du lịch tình dục.
Do đó, các chuyên gia nói rằng việc xoá bỏ hoàn toàn ngành mại dâm tại Thái Lan là rất khó khăn, bởi vì nó đã bám rễ quá sâu vào guồng máy kinh tế. Thậm chí, nhiều tờ báo tại Thái Lan đánh giá mục tiêu của bà Kobkarn là phi thực tế. Ước tính, du lịch đóng góp 10% GDP của Thái Lan và loại bỏ hoàn toàn ngành công nghiệp mại dâm chắn chắn sẽ khiến ngành du lịch của Thái Lan chao đảo. Nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Thế giới dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Thái Lan sẽ giảm từ 2,5% trong năm 2015 xuống còn 2% trong năm nay, mức dự báo tăng trưởng ảm đạm nhất khu vực.
Năm 2004, chúng tôi đến Thái Lan trong khóa học của Quỹ Tưởng niệm Đông Dương (IMMF) về ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh ADIS. Khóa học dành cho học viên các nước Đông Nam Á. Tại Bangkok, chúng tôi gặp “vua condom” Thái Lan là Nghị sĩ Mechai Viravaidya tại nhà hàng Cabbages & Condom (cải bắp và bao cao su). Khắp nhà hàng chỗ nào cũng trưng bày đủ loại condom đầy màu sắc như một bảo tàng sống động về một dụng cụ tránh thai đã có tới 3.000 năm lịch sử của loài người...
“Không thể ngăn những chàng trai đến với những cô gái. Vấn đề là làm sao họ đến với nhau một cách an toàn”, ông Mechai mỉm cười nói. Những nhà hàng Cabbages & Condom mọc lên khắp nơi là hình thức cổ động và giáo dục thanh niên Thái Lan không e ngại sử dụng các biện pháp tự bảo vệ mình và cộng đồng. Thời điểm đó, Thái Lan có 700.000 người nhiễm AIDS và dịch bệnh này trở thành đại họa của Thái Lan.
Mới đây, Thái Lan được ca ngợi là “một thế hệ mới không HIV” khi tỷ lệ phòng tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con mà Thái Lan đạt được có thể xem là ngang với các nước phát triển tại Bắc Mỹ và châu Âu. Tất nhiên, trong cuộc chiến này, có phần góp sức không nhỏ của những nhà hàng Cabbages & Condom hay ông Mechai... Thế nhưng, nỗ lực này chưa giải quyết gốc rễ của vấn đề.
Và câu chuyện của Việt Nam
Trong năm 2004, tôi may mắn là một trong những học viên đầu tiên của Việt Nam khởi đầu khóa học về tuyên truyền dịch lây nhiễm từ những khu đèn đỏ. Thầy giáo người Mỹ Jeff Hodson đưa các học viên tới Patpong để thực địa và phỏng vấn khi trời đã nhá nhem tối.
Hàng trăm cô gái Go Go Girl trên người gần như chỉ còn bộ đồ lót, tràn ra đường mời chào khách. Cả một con đường tràn ngập những quán bar, tiệm massage, kaoraoke, sàn nhảy... Tất cả ngập ngụa trong khói thuốc, rượu bia, nhạc mạnh, những màn múa gợi dục khiến cho người ta có cảm giác rằng bản năng và thú tính được tự do ở đây.
Nhưng bất ngờ, người trợ lý cho khóa học là Jom, một giảng viên địa phương, giải thích: “Đây là khu ăn chơi mở ra để phục vụ khách du lịch nước ngoài, không có người bản địa. Bởi vì, người bản địa lai vãng ở đây nếu bị phát hiện sẽ bị người thân và láng giềng khinh bỉ”. Những gì Jom giải thích là một mâu thuẫn khó giải thích khi Thái Lan, một đất nước của Phật giáo, lại đầy rẫy những chốn ăn chơi khét tiếng như Patpong, Nana Plaza và Soi cowboy...
Chúng tôi di chuyển lên Chiangmai, phía Bắc Thái Lan, trong đầu vẫn thắc mắc về mâu thuẫn này. Chiangmai vẫn là những quán bar mọc lên ở khắp nơi. Trong quán vẫn vô số phụ nữ đứng khoe thân, trên người đánh số cẩn thận để khách hàng gọi mua vui. Có một đám đàn ông cũng từ Việt Nam đang sôi nổi bàn tán và chỉ trỏ: “Con áo hồng, chọn con áo hồng”. Các sex worker ở đây đa phần đến từ các tỉnh nghèo miền Bắc Thái Lan. Một cô gái với khuôn mặt dày phấn xanh đỏ, có chiếc váy ngắn cộc màu hồng đính số 28 giải thích: “Gia đình tôi rất nghèo. Tôi cần kiếm tiền nuôi gia đình. Nhưng đây không phải cuộc đời tôi”. Cô và hàng ngàn cô gái nghèo khác của Thái Lan ở đường cùng của vòng xoáy nghèo khổ và cám dỗ.
Nhưng điểm đến đặc biệt của nhóm học viên IMMF là các cơ sở chăm sóc người HIV/AIDS Wat Phra Baht Nam Phu (Chùa có dấu chân Đức Phật) trên ngọn đồi ở ngoại ô thành phố cổ Lopburi. Nếu chưa hình dung được địa ngục thì đây chính là địa ngục: bạn sẽ có lối đi thẳng qua khu bệnh viện với hàng trăm người bệnh HIV/AIDS nằm la liệt hai bên. Những tiếng rên la, rì rầm, gào thét, những bộ da bọc xương di chuyển vật vờ như những bóng ma giữa ban ngày. Trong những hình hài thoi thóp với những đôi mắt vô hồn, dường như từ lâu phần người đã rời bỏ họ.
Điểm cuối cùng là một khu vườn yên tĩnh và có một bức tượng lớn mang hình hài một con người đau đớn. Tất cả ngỡ ngàng khi biết rằng bức tượng được làm từ xương của những bệnh nhân ở đây. Xung quanh bức tượng là những bao nhỏ, chất cao quá đầu người. Trong bao cũng là di cốt của những bệnh nhân từng được chăm sóc những ngày cuối đời ở đây...
Hành trình từ Patpong đến Wat Phra Baht Nam Phu là đi từ đắm đuối lạc thú của con người đến điểm cuối cùng là khổ đau và chết chóc. “Đó là cái giá phải trả cho một Thái Lan phát triển du lịch bằng mọi cách. Chúng tôi còn phải trả giá bằng đạo đức của cả một dân tộc”, Jom nói. Và bây giờ ngành du lịch Thái quyết tâm lấy lại đạo đức của dân tộc và trả lại nụ cười cho một nền du lịch sạch sẽ.
Giới chức Việt Nam nhiều lần tuyên bố chưa thấy “du lịch tình dục” tại Việt Nam. Nhưng thực tế, nhiều điểm du lịch bị dư luận công kích quyết liệt khi để nạn mại dâm bùng phát như Sầm Sơn, Quất Lâm, Bãi Cháy... Việt Nam cũng đang tranh luận quyết liệt về việc có nên hợp pháp hóa mại dâm hay có nên quy hoạch những “khu nhạy cảm”, phần mềm quản lý mại dâm... cách nói khác đi của việc thừa những công nhân tình dục như Thái Lan hơn 10 năm trước.
“Mại dâm và dịch bệnh để lại hậu quả lớn hơn nhiều tại các nước nghèo, trình độ quản lý yếu kém, tham nhũng tràn lan... Muốn đẩy lui mại dâm, cũng là đẩy lui dịch bệnh, trước hết phải tạo được việc làm, cuộc sống tốt đẹp cho thanh niên và người dân”, Giám đốc Sarah McLean từng chia sẻ.
Vâng, dù tranh luận và trước khi đưa ra quyết định nào thì hãy một lần tới Wat Phra Baht Nam Phu.
Chu Thường Xuân

Nữ sinh mang "vàng" sau 16 năm chờ đợi

Nữ sinh mang "vàng" sau 16 năm chờ đợi
Copy từ http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/guong-mat-tre/317323/nu-sinh-mang-vang-sau-16-nam-cho-doi.html ,đăng ngày 24-07-16 , mục Giáo dục > Gương mặt trẻ.
Năm nay, cả 4 thành viên của đội tuyển Olympic Sinh học Việt Nam đều đạt huy chương, nhưng cô gái Vũ Thị Chinh (Trường THPT Chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) vui hơn cả.
Đã từ rất lâu, kể từ năm 2000, Việt Nam mới có thêm một huy chương vàng Olympic, bổ sung vào "bộ sưu tập" ở môn này lên con số 2.
Chinh không giấu nổi sự sung sướng: “Em rất bất ngờ!”.
Em Vũ Thị Chinh,nữ sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Cô nữ sinh quê huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, cho biết em đến với môn Sinh học xuất phát từ những tò mò khám phá biến đổi về sinh lý, về con người và mọi thứ xung quanh.
Để theo đuổi niềm đam mê Sinh học, lên lớp 9 Chinh thuyết phục bố mẹ và quyết tâm thi vào Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Để có thể theo học, Chinh xin ở ký túc xá và kể từ đó tập quen dần với cuộc sống tự lập. Học xa nhà muôn vàn khó khăn, nhưng ngay từ những ngày đầu, Chinh đã ấp ủ ước mơ đạt được huy chương Vàng quốc tế.
Với chị Nhữ Thị Trường, mẹ của Chinh, điều vui nhất là cô con gái đã đạt được ước mơ mà từ trước đến nay luôn ấp ủ. “Năm ngoái Chinh từng giành giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia nhưng không lọt được vào đội tuyển thi quốc tế”, chị Trường kể.
Chị Trường cho hay Chinh là một đứa con rất ngoan, chịu khó và đặc biệt ngay từ nhỏ đã rất thương bố mẹ. “Gia đình tôi làm nông, nên ngay từ lớp 5, cứ đi học về là cháu lao vào giúp đỡ bố mẹ mà không từ bất cứ một việc gì”.
Suýt mất cơ hội vì nhà nghèo
Hỏi về thành tích của con, câu nói mà người mẹ liên tục nhắc đến là “nhờ công lớn của các thầy cô và nhà trường”. Bởi theo chị, cho con lên đây học cũng vì con quá đam mê, chứ gia đình làm nông thuần túy, thậm chí không đủ tiền nuôi con ăn học.
Không ít lần chị Trường tưởng không thể tiếp tục cho con theo học được ở Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên bởi kinh tế gia đình quá eo hẹp.
Thậm chí, đến đầu năm lớp 12, chị Trường từng ngỏ ý định kéo Chinh về quê học. “Lúc đấy tôi đã nói với cháu là bây giờ nếu con theo tiếp thì mẹ sẽ không thể có đủ tiền để đóng học phí. Dù rất buồn, nhưng chắc thương bố mẹ, nó không nói gì và cũng đã đồng ý, nghĩ tới việc về quê để tiết kiệm cho gia đình”, chị Trường kể.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng Vũ Thị Chinh
Nhưng rồi nhờ có sự quan tâm đặc biệt và thuyết phục của cô giáo chủ nhiệm Đỗ Thị Thanh Huyền, gia đình đành để con tiếp tục. “Thậm chí nhiều khi con thiếu thốn, gia đình chưa kịp trợ cấp, cô Huyền tự bỏ tiền túi ra giúp cháu luôn. Nghe con gọi về năn nỉ cho theo nốt năm nay để toại nguyện ước mơ, thương cháu quá nên rồi vợ chồng tôi cũng đành bấm bụng cho con theo học tiếp”.
Cuộc sống khó khăn, để nuôi hai con ăn học, chị Trường quyết định lên thành phố Hải Dương làm cho một xưởng làm bánh để kiếm thêm thu nhập. Điều này đồng nghĩa với việc phải chấp nhận xa nhà và mỗi tuần chị mới về nhà được một lần.
Không phụ lòng mẹ, với sự nỗ lực, chăm chỉ trong học tập, Vũ Thị Chinh đã chứng minh được bản thân khi liên tiếp đoạt giải Nhất học sinh giỏi Quốc gia lớp 11 và giải Nhì ở năm lớp 12 trước khi giành được “vàng” từ đấu trường quốc tế.
Chia sẻ về phương pháp học, Chinh cho rắng quan trọng nhất vẫn là tự học. Trước một vấn đề, em thường xuyên tự đặt ra các câu hỏi liên quan rồi cố gắng tự mình đi tìm câu trả lời để tìm hiểu sâu về vấn đề đó.
Để có thể phân tích sự việc, hiện tượng của môn Sinh học, Chinh thường nghiên cứu thông qua hình ảnh. Theo Chinh, các hình ảnh sẽ tóm lược một cách ngắn gọn và dễ nhớ nhất về phần lý thuyết của một bài học.
Nói về dự định trong tương lai, Chinh cho biết sẽ đăng ký theo học ngành Y đa khoa Trường ĐH Y Hà Nội và mong muốn trở thành bác sĩ giỏi trong tương lai.
Thanh Hùng
Bài báo đem lại phấn khởi và niềm vui cho xã hội và riêng cho ngành giáo dục, nhưng tại sao lại đưa chữ "mang" vào tựa bài báo ? Ghép với chữ " nữ sinh" làm mình cứ nghĩ vẩn vơ chuyện xấu!

Chúng ta có cứu được rừng không?

Chúng ta có cứu được rừng không?

(Copy từ http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/317839/chung-ta-co-lam-duoc-khong-co-cuu-duoc-rung-khong.html ; đăng ngày 28-07-16 lúc 05:00)
“Chúng ta có thể làm được không, có cứu rừng được không? Nếu quyết tâm làm, ta làm được, và cần 100 năm”, nhà văn Nguyên Ngọc quả quyết.
Là một người có nhiều gắn bó với rừng Tây Nguyên, nhà văn Nguyên Ngọc kể, “tôi có một người bạn thân, dân tộc Cơtu, tên là Priu Pram. Như một nhà hiền triết, sau khi nghỉ hưu, anh ấy về quê sống một mình, bám lấy rừng kiền kiền nổi tiếng ở quê anh, và từng ngày  lội rừng, tích cóp từng hạt kiền kiền bé tý, được mấy bao đầy. Trước khi chết, anh giao mấy bao hạt kiền kiền đó cho tỉnh, như một lời trăng trối với trách nhiệm giữ rừng.
Nhớ lại hôm tôi đến thăm, anh Priu Pram đã cho tôi xem mấy hạt kiền kiền ấy. Đó là loại cây cao lớn, vạm vỡ, mấy người ôm cũng không giáp được vòng tay. Nhưng hạt của nó thì bé tí, chỉ như hạt vừng.
Bây giờ, rừng kiền kiền từng lừng danh ở quê hương anh Priu Pram đã bị quét sạch bong. Hỏi lại, mấy bao hạt giống đã được anh Priu Pram gom góp và gửi lại như một di chúc, người ta bảo bỏ đâu đó rồi quên rồi, và cũng mất hẳn rồi.
Lâm tặc, phá rừng, tiếp tay cho lâm tặc
Chúng ta có cứu được rừng không? Ảnh minh họa. Kienthuc
Trồng lại rừng cho Tây Nguyên vừa là chuyện ở tầm vĩ mô, lại vừa như tâm nguyện của anh bạn Cơtu luôn chắt chiu, kiên trì, tỉ mỉ và đầy thương yêu”.
Tại hội thảo An ninh nguồn nước phục vụ phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Tây Nguyên vừa tổ chức tại Pleiku cuối tuần trước, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hoá Tây Nguyên trứ danh Nguyên Ngọc đã viết: “Rừng ở Tây Nguyên nghĩa là Nước. Vai trò quan trọng nhất, vai trò chủ yếu, quyết định của rừng, ở nơi nào cũng vậy, càng đặc biệt ở Tây Nguyên, là để giữ nước. Để mưa ào xuống không biến ngay thành lũ tàn phá mà được giữ lại đấy, tằn tiện từng giọt, cho chính Tây Nguyên và cho tất cả các vùng xung quanh. Cho cả một mảng rộng lớn Nam Đông Dương. Đơn giản vì Tây Nguyên ở trên cao. Tây Nguyên là cái tháp nước cho cả vùng rộng lớn này. Phá rừng Tây Nguyên là ta triệt phá cái tháp nước sinh tử ấy”.
Những trăn trở này của ông cũng là trăn trở của người dân Tây Nguyên, những người sống có trách nhiệm ở khắp nơi trên hành tinh này.
Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp,  từ năm 2008 – 2014, độ rừng che phủ của Tây Nguyên đã mất hơn 358.000ha, tương đương mỗi năm mất đi 51.2000ha rừng tự nhiên.
Chính việc xây thuỷ điện ồ ạt trên sông Sesan và sông Sêrêpok - hai trong những dòng sông chính ở Tây Nguyên, đã tác động mạnh mẽ và thiếu bền vững tới hệ sinh thái tự nhiên.
Theo Thiếu tướng Trần Đình Thu, Uỷ viên chuyên trách, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, sản xuất và mở rộng đất nông nghiệp, thuỷ điện…  đều quá lớn dẫn đến phá vỡ quy hoạch rừng. Việc mất cân đối nguồn nước nghiêm trọng đã để lại hệ lụy cực kỳ nghiêm trọng không chỉ nội vùng Tây Nguyên, mà còn cho vùng hạ lưu rộng lớn phía nam.
Gợi nhắc của tướng Thu khiến nhiều người nhớ lại hồi cuối năm 2015 và 2016 vừa qua. Dịp đó Việt Nam trải qua đợt hạn mặn lớn nhất trong lịch sử 100 năm. Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên là những vùng chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề.
Bi kịch này quá thấm!
Tại hội thảo lần này, giới nghiên cứu lại gợi mở thêm nhiều giải pháp cho việc không thể chần trừ đó là cứu rừng. Ai cũng thấy, phải kiểm soát chặt các dự án thủy điện, phải dừng hết các dự án chưa triển khai; phải quản lý điều hoà nguồn nước…
Bằng những trải nghiệm qua nhiều năm tháng, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng tất cả những biện pháp kỹ thuật đó đều đúng, nhưng vẫn chưa đủ để có thể cứu rừng.
Ông bảo, “điều cốt tử bây giờ là phải trả lại cơ chế tự nhiên”.

Ông kể cách làm của người Ấn Độ, lưu giữ lại các loại hạt giống của các loại cây tự nhiên. Sau đó đi máy bay rải xuống những khu rừng đã bị phá. Những giống đó sẽ phát triển theo cơ chế tự nhiên.
“Chúng ta có thể làm được không, có cứu được rừng không?”, Nhà văn hỏi đầy trăn trở.
Tại Hội nghị tìm các giải pháp khôi phục rừng Tây Nguyên tổ chức tại Đăk Lăk hôm 20/6. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo với quyết tâm chính trị rất cao về việc đóng cửa rừng tự nhiên và không cho chuyển đổi đất rừng nghèo sang đất nông nghiệp.
Sáng 21/6/2016 một lần nữa ông nhắc lại chỉ đạo này tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk.
Giờ chờ xem, các cấp triển khai rốt ráo thế nào.
Hoàng Hường
Cảnh trong phim In the line of fire (Trong tầm lửa đạn).

Những người sống mãi

Những người sống mãi
Copy từ http://www.baohagiang.vn/van-hoa/201607/nhung-nguoi-song-mai-677047/ , đăng ngày 27-07-16, mục Văn hóa.
BHG- Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã lùi xa 37 năm. Nhưng câu chuyện về những con người đã hy sinh vì cuộc chiến ấy chúng ta không bao giờ được quên, bởi trong mỗi tấc đất biên cương, họ đã hiến dâng xương máu, cả tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ, giữ gìn.
Minh họa: Phương Thảo
Những ngày đầu tháng 7 này, anh em cựu chiến binh chúng tôi có dịp trở lại chiến trường xưa - nơi đã từng diễn ra các trận đánh vô cùng ác liệt của bộ đội ta chống lại xâm lấn biên giới của địch tại Mặt trận huyện Vị Xuyên, những năm 1979 - 1989, để được thắp nén nhang thơm tưởng nhớ đồng đội, và cũng là lòng tri ân các anh đã lấy thân mình che chở chúng tôi, các anh đã hóa thành những cột mốc đường biên cho đất nước này mãi mãi bình yên.
Con đường từ thành phố Hà Giang lên Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy dài 20 km nay đã rộng mở, trải nhựa áp phan, xe bon bon nhộn nhịp. Hai bên đường là một màu xanh trù phú của rừng, của những thửa ruộng lúa, ngô... Trong những năm 79, 80 của thế kỷ trước, tuyến đường này cày lên đất đá, gập gềnh những vết đạn pháo của kẻ thù; chỉ có những chuyến xe chở hàng, xe quân sự chở đạn, lương thực, thực phẩm, những đoàn dân công đi trong đêm phục vụ cho chiến trường Vị Xuyên với những địa danh khói lửa: Làng Pinh, Hang Dơi, Cóoc Nghè, Đồi Đài, Đồi Cô Ích, Pa Hán...
Từ ngã ba Thanh Thủy ngược lên phía Bắc khoảng hơn 20 cây số là đến các xã biên giới rẻo cao Xín Chải, Lao Chải, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày... sinh sống và một số thôn biên giới của xã biên giới Thanh Thủy...; trong thời kỳ chiến tranh biên giới chỉ là đường mòn, hay những đoạn đường mở vội, đường cụt, nay đã được mở mới, trải nhựa hoặc bê-tông đi lại thuận lợi. Trên đường, chúng tôi gặp những người dân đi lại bằng xe máy vượt dốc, cua đèo rất tự tin... Cảm nhận về sự đổi mới của một vùng cao biên giới Vị Xuyên sau hơn 30 năm chiến tranh, lòng chúng tôi thật bồi hồi xúc động!
Cùng đi với chúng tôi có Thượng tá Nguyễn Đình Tác, Trưởng Ban khoa học quân sự, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, kiêm hướng dẫn viên. Vượt qua những đoạn đường nhựa ngoằn nghèo, chênh vênh, hẹp, thỉnh thoảng có chỗ mặt đường bị vỡ, đọng lại đất bùn do mưa lũ xói lở, xe ô tô vẫn đến được chân cao điểm 468, điểm tiếp giáp với các cao điểm 772, 685, 1509 - nơi đây bộ đội ta làm điểm tập kết, chuẩn bị mọi điều kiện để tiến công địch lấn chiếm biên giới. Đứng trên cao điểm 468 có thể quan sát được cả một khoảng không gian rộng lớn của các cao điểm trên đường biên giới - nơi đã diễn ra những trận đánh vô cùng ác liệt, ngoan cường, dũng cảm của bộ đội ta chống quân địch lấn chiếm sâu vào biên giới từ những năm 1979 đến năm 1989.
Đây rồi! Vẫn địa hình năm xưa. Vẫn những ngọn núi cao mây bao phủ. Vẫn miệng hàm hổ dằn dữ phía điểm cao 772, những dãy núi giống cánh tay chỉ ngang trời như phân định bờ cõi. Vẫn con suối Nặm Ngặt của người Dao, chảy từ đỉnh 1509 biên giới, nhẩn nha xuôi về cuối xã Thanh Thủy để đổ ra Sông Lô về xuôi. Vẫn còn đây những hầm bê-tông chữ A, cốt sắt hở ra hoen rỉ, một thời là mái nhà cho tổ ba người, tiểu đội, trung đội sống chung, họ đã làm điểm tựa để vượt lên những trận mưa pháo, đạn của quân địch và những trận đánh phản kích, tiến công của đồng đội tôi bảo vệ biên giới...
Sự khốc liệt của chiến tranh tàn phá, mà hơn 30 năm sau, quanh các cao điểm, độ xanh của đồi núi cũng chưa phủ được là bao, bởi bom, mìn của ta, địch gài trong chiến đấu quá dầy đặc, cây cỏ, dây leo mọc um tùm, đường đi lối lại, khe suối cũng biến đổi, sơ đồ thất lạc... nên cũng gặp nhiều khó khăn cho các đợn vị bộ đội dò gỡ mìn, giải phóng đất cho đồng bào các dân tộc sản xuất và trồng rừng.
Theo chỉ dẫn của anh Tác, chúng tôi lên thắp hương tại Nhà tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên, được dựng trên đỉnh điểm cao 468 thuộc xã biên giới Thanh Thủy, Vị Xuyên, do Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu Mặt trận Vị Xuyên khởi xướng từ tấm lòng đóng góp xây dựng của các cựu chiến binh Sư đoàn 356, trực tiếp tham gia chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên và nhiều cơ quan, đoàn thể, đơn vị, các nhà hảo tâm trong cả nước, tỉnh Hà Giang, ủng hộ kinh phí lên đến hàng tỷ đồng. Trước khi xây dựng Nhà tưởng niệm này, thể theo nguyện vọng của các cựu chiến binh Sư đoàn Sao Vàng, tại chân điểm cao 468 đã xây dựng một Đài hương để tưởng niệm các các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại các điểm cao trong chiến đấu. Hiện nay Đài hương vẫn được đặt nguyên tại vị trí cũ.
Nhà Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên được cắt băng khánh thành sáng 25.6 2016. Ngôi nhà thiết kế 3 gian, có điện thờ chính giữa và các gian thờ cạnh... với tổng kinh phí trị giá trên 6 tỷ đồng. Ngôi nhà mang đậm nét văn hóa đền, chùa tâm linh truyền thống Việt Nam; lưng tựa vào núi, thế tả long, hữu hổ... Đây là công trình thể hiện lòng khát khao của đồng đội và nhân dân, xin được tri ân công ơn các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương để bảo vệ biên cương Tổ quốc; đồng thời cũng là nơi để hương hồn các liệt sĩ “hội tụ” theo tâm linh, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam và đồng bào cả nước đến dâng hương.
Thật ngẫu nhiên, chúng tôi được gặp chị Lê Thị Hải Châu, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn - đầu tư - xây dựng Giang Phú, thành phố Hà Giang, đơn vị thi công Nhà tưởng niệm, cho biết: Nhà tưởng niệm có được là nhờ tình cảm cảm động của các cựu chiến binh Sư đoàn 3 Sao Vàng, do ông Đỗ Văn Nghiêm, Trưởng Ban Liên lạc Hội bạn chiến đấu Mặt trận Vị Xuyên, hiện ở Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội đứng ra tổ chức, vận động, sau chuyến thăm, gặp mặt cựu chiến binh Sư đoàn 356 tham gia chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2014.
Hưởng ứng nghĩa cử này, ông Nguyễn Công Chiến, cựu chiến binh Sư đoàn 3 Sao Vàng đã ủng hộ 1,4 tỷ đồng. Tiếp theo là rất nhiều tập thể, cá nhân là cựu quân nhân, cán bộ, nhân dân trong cả nước và tỉnh Hà Giang quyên góp ủng hộ xây dựng, để kịp hoàn thành nhân Kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7. Với uy tín và trách nhiệm cao trong xây dựng một số công trình có ý nghĩa văn hóa tâm linh, Giám đốc Lê Thị Hải Châu đã lăn lộn với nhiệm vụ được giao, chị coi đây là niềm vinh dự, tự hào, trách nhiệm, với quyết tâm rất cao để tổ chức thi công đúng thời gian, bảo đảm chất lượng tốt.
Được mục sở thị, chúng tôi mới thấy công việc thi công Nhà tưởng niệm gian nan, vất vả như thế nào. Phải tạo mặt bằng Nhà từ một cao điểm độ cao 468 mét so mặt nước biển, đường vận chuyển cát xây, đá hộc, gạch, xi-măng, sắt thép, gỗ đường kính lớn, có những phiến đá nặng hàng tấn lên vv..., trong khi đó đường ô-tô mở đến cao điểm hẹp, dốc cao, cua nhiều, bên ta-luy dựng đứng, bên vực sâu... Nhưng với tình cảm “Uống nước nhớ nguồn”, giám đốc Lê Thị Hải Châu đã ngày đêm bám công việc, liên hệ cùng với các cấp, ngành, cơ quan; đặc biệt là đại tá Đoàn Quốc Việt, Chỉ huy Trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Giang rất quan tâm, chỉ đạo tích cực bộ đội công binh đến cao điểm dò gỡ mìn để kịp thi công và còn ủng hộ công trình tri ân 500 triệu đồng. Những người tham gia thi công công trình đã không quản ngày đêm, mưa lạnh, thời tiết không thuận lợi để hoàn thành công việc.
Đặc biệt là ban đầu thi công chủ yếu bằng phương pháp thủ công, như : Khoan phá đá, vận chuyển vật liệu đều bằng tay... vì cao điểm không thể đưa cơ giới lên được... Chỉ trong vòng 3 tháng thi công, công trình Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên có diện tích 1.500 m2 đã được cắt băng hoàn thành đúng thời gian, chất lượng được đánh giá tốt, đẹp, trong sự vui mừng, chứng kiến của lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Giang, một số đơn vị bộ đội tham gia chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên và nhân dân trong vùng; đã thắp lên niềm tin, lòng biết ơn vô hạn đối với những người con ưu tú không tiếc tuổi thanh xuân của mình bảo vệ biên giới Tổ quốc.
Thật may mắn trong chuyến đi, chúng tôi được hòa vào tình cảm của những cựu chiến binh, cán bộ của Đoàn đại biểu UBND tỉnh Vĩnh Phúc do đồng chí Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu và Đoàn đại biểu của UBND tỉnh Hà Giang, do đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu, đến dâng hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7. Những bó hoa cúc vàng, cúc trắng được đặt trang trọng trên bàn thờ, gợi lại cho chúng tôi một liên tưởng đầy cảm động: Ngày ấy các anh ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất biên cương chỉ ở tuổi mười tám, đôi mươi, tâm hồn trong trắng, vơi bao ước mơ khát vọng của tuổi trẻ, như những bông hoa cúc kia... Giờ các anh đã hòa vào mảnh đất này thành những màu xanh của cỏ cây, hoa lá, những nương lúa, nương ngô vàng ngọt che chở, nuôi sống đồng bào... Cảm động biết bao khi chúng tôi được Thượng tá Nguyễn Đình Tác kể về những trận đánh lịch sử, anh dũng, kiên cường của bộ đội ta giai đoạn 1979-1989, đặc biệt những năm 1984-1985 tại các điển cao 1509, 772, 685... Mặt trận Vị Xuyên, với sự tham gia của con em hơn 50 tỉnh, thành phố cả nước, trong đó có nhiều con em tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng vv... đã ngã xuống, đến nay còn rất nhiều liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Nhà nước, gia đình, đồng đội... nhiều năm nay đi tìm các anh, nhưng núi cao, vực sâu, rừng rậm, khe suối chênh vênh, bom mìn... cài lại dày đăc. Với sự quyết tâm rất lớn của Nhà nước, cơ quan, đơn vị và đồng đội, nhiều liệt sĩ đã được tìm thấy và đưa các anh về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia huyện Vị Xuyên.
Hôm khánh thành Nhà tưởng niệm, có một cụ bà đã trên 80 tuổi, quê Vĩnh Phúc, lên Mặt trận Vị Xuyên để đến tận nơi con mình hy sinh, nay chưa tìm được hài cốt; phòng khi cụ về với tổ tiên thì cũng an lòng. Nhưng điều mong mỏi khát khao đó của cụ rất tiếc anh em đồng đội của con trai cụ và bộ đội Hà Giang không thực hiện được, vì vị trí ấy cao điểm 685, 772 hiện nay còn hàng ngàn quả mìn cũ gài lại đang tiếp tục phá. Cụ đã đứng lặng, từ Nhà tưởng niệm nhìn sang ngọn núi cao điểm 685 sương đang giăng, mây trắng bay vần vũ. Nước mắt cụ chảy dài... Mọi người bên cụ không ai cầm được nước mắt... Không biết có phải tâm linh hay không, trời đang sáng bỗng đổ mưa, những hạt mưa nhè nhẹ đọng lại trên mái tóc bạc của cụ như sự chia sẻ tình cảm của người con với mẹ mình...
Từ Nhà tưởng niệm phóng tầm mắt nhìn ra phía trước là các cao điểm 1509 mây phủ mịt mù, bên dưới là bình độ 600; phía trên bên phải là bình độ 1300, 1200, thấp theo hình cánh cung là các cao điểm 772, 685... thuộc xã biên giới Thanh Thủy... Nơi đây đã diễn ra các trận đánh vô cùng ác liệt, ngoan cường và dũng cảm của quân ta với quân xâm lược, ngày 12.7.1984, bộ đội ta giành giật lại từng góc chiến hào, từng tấc đất của Tổ quốc, và kéo dài gần 10 năm (1979 – 1989), với nhiều sư đoàn tham gia như: Sư đoàn 313, Sư đoàn 316 ; Sư đoàn 356, Sư đoàn 322, 314... các Trung đoàn, lữ đoàn độc lập... Đặc biệt điểm cao 772, 685, 1509 bộ đội ta đã đánh tiến công, phòng ngự hàng trăm trận, tiêu diệt rất nhiều sinh lực, vũ khí, trang thiết bị của địch, làm cho quân địch vô cùng hoảng sợ, hoang mang một thời gian dài... Hai cao điểm 772, 685 đã có 2 cá nhân và 1 tập thể được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; nhiều đơn vị và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công các loại...
Chúng tôi được biết, ngày khánh thành Nhà tưởng niệm tại cao điểm 468, đồng chí Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, nhiều tướng lĩnh, quan chức các tỉnh, lãnh đạo tỉnh Hà Giang, văn nghệ sĩ trong nước, nhà hoạt động xã hội, nhà sư vv... đã đến đây thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên và tặng quà. Đặc biệt ngày khánh thành Nhà tưởng niệm, anh thương binh tên Khôi, cựu chiến binh Sư đoàn 3 Sao Vàng, bị thương tại Mặt trận Vị Xuyên, mù cả hai mắt, cụt một chân, vẫn vượt hàng trăm cây số lên đây để thắp hương tri ân nghĩa tình đồng đội...
Ông Lê Chí Hiệp, năm nay trên 70 tuổi, nguyên là nhà giáo, quê gốc xã Đông A, Đông Hưng, Thái Bình, đã lập nghiệp ở Hà Giang hàng chục năm nay; là bố của Giám đốc Lê Thị Hải Châu - đơn vị thi công Nhà tưởng niệm, ông tâm sự: Tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân nói bao nhiêu cũng chưa đủ. Làm một việc gì dù nhỏ nhất nếu được để tỏ lòng biết ơn các liệt sĩ thì hãy làm. Bản thân tôi thấy con gái nhận thi công công trình có ý nghĩa này, tôi nói với con cho tôi lên công trình đã 3 tháng nay để giúp anh em lo công việc hàng ngày đón khách đến, quét dọn nhà cửa, hương khói Nhà tưởng niệm...
Ông kể cho chúng tôi câu chuyện về tình đồng đội của 8 chiến sĩ Sư đoàn 356, hôm lên khánh thành Nhà tưởng niệm, được biết liệt sĩ Nguyễn Hữu Thanh, Tiểu đoàn trưởng của mình đã hy sinh tại cao điểm 772, nay chưa được đưa về quê hương do hoàn cảnh gia đình rất khó khăn; anh em đã lo chu tất việc đưa hài cốt Thủ trưởng của mình về quê hương Quảng Bình vv... Kể hết sao được những tình cảm, tấm lòng, sự tri ân của tình đồng đội, tình nghĩa quân dân, tình cảm kính trọng những người con ưu tú đã chấp nhận hy sinh tuổi xuân của mình để bảo vệ biên cương Tổ quốc, cho đất nước mãi mùa xuân. Trong tâm khảm chúng ta, họ là những người sống mãi với non sông đất nước, với nhân dân Việt Nam.
Tạm biệt đồng đội! Tạm biệt các anh hùng liệt sĩ trên Mặt trận biên giới Vị Xuyên, chúng tôi ra về khi trời bắt đầu buông màn sương từ từ phủ lên các cao điểm, giống như tấm chăn đời thường hàng ngày khi còn sống các anh vẫn đắp. Nhìn các cao điểm mờ dần rồi khuất hẳn trong sương mây, ấy là lúc các anh - đồng đội của chúng tôi vào giấc ngủ.
Các anh hãy yên giấc ngủ! Biên giới giờ đã phân định có sách trời chứng giám. Chúng tôi, những đồng đội của các anh và nhân dân, luôn luôn ở bên cạnh các anh. Chúng tôi biết nếu kẻ thù bội ước sách trời sẽ không tha. Tổ quốc ta sẽ không tha. Nhân dân ta sẽ không tha. Và lời thề đánh giặc bảo vệ biên giới Tổ quốc sẽ vang lên: “Sống bám đá - chết hóa đá - bất tử”*!
Sống bám đá - chết hóa đá - bất tử
Vị Xuyên, tháng 7. 2016* Lời khắc vào báng súng AK trên điểm cao 685 của liệt sĩ, AHLLVT nhân dân - Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh, 3 lần bị thương vẫn chỉ huy chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên.
Bút ký: Đặng Quang Vượng
Vẻ đẹp nên thơ, bình dị với những ngôi nhà trình tường cổ kính của Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Thiên Hương, thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà giang.

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

15 lời khuyên xử thế để cả đời được lợi

15 lời khuyên xử thế để cả đời được lợi
Copy từ http://petrotimes.vn/15-loi-khuyen-doi-nhan-xu-the-de-ca-doi-duoc-loi-454586.html ,đăng ngày 21-07-16 , mục Xã hội.
Một danh nhân triết học từng nói: “Thói quen thực sự là một loại sức mạnh vừa ngoan cường lại to lớn. Nó có thể làm chúa tể cuộc đời của con người. Cho nên, ai cũng cần phải thông qua giáo dục mà bồi dưỡng nên một loại thói quen tốt đẹp.” Vì vậy, hãy nhớ kỹ 16 lời khuyên về nguyên tắc đối nhân xử thế dưới đây để cả đời được lợi!
(Ảnh minh họa/Nguồn: Sưu tầm)
1. Khiêm tốn có thể đem lại nhân duyên tốt đẹp
Người hiểu biết nông cạn, kiến thức không rộng thường hay không khiêm tốn. Người có kiến thức rộng lớn, bản lĩnh nhất định là người khiêm tốn.
Khiêm tốn có thể giúp bạn thi triển ra tài năng trên con đường sự nghiệp. Cho nên, trong cuộc sống hãy ít đàm luận về những điều mình đắc được. Làm người nhất định phải học được cách cúi đầu thì mới trưởng thành được!
2. Tuân thủ nghiêm ngặt tín nghĩa sẽ được ngàn vàng
Người thường xuyên nói dối thì điều đạt được chính là “cho dù nói thật cũng không ai tin”. Thành thật, thủ tín là cái gốc của làm người. Thành thật, thủ tín cũng là vũ khí sắc bén của mỗi người.
3. Lúc sống bình an phải nghĩ đến lúc gian nguy
Người xưa có câu: Lo lắng nguy hiểm nên mới cầu an, lo lắng bị rớt lại nên mới có thể tiến lên. Cho nên biết trước được nguy cơ thì mới không ngừng tiến lên.
4. Giữ thể diện cho người khác chính là giữ thể diện cho mình
Một khi bạn làm mất thể diện của người khác thì cuối cùng người bị tổn hại cũng chính là bản thân mình. Cho nên, cố gắng đừng bao giờ làm tổn thương lòng tự trọng của người khác, đừng tùy tiện làm mất thể diện của người khác.
5. Đừng vì việc nhỏ mà tức giận
Tính cách tốt là bộ trang phục tốt nhất trong các mối quan hệ với người khác. Cảm xúc phẫn nộ sẽ khiến bạn không thể làm tốt được việc gì. Hơn nữa, tức giận cũng chính là làm tổn hại đến bản thân. Cho nên, phải học được cách đừng tức giận, làm người đừng dễ dàng bị tức giận.
6. Độ lượng hơn người sẽ giúp thành tựu được đại nghiệp phi phàm
Người mà luôn khoan dung, độ lượng với khuyết điểm, sai lầm của người khác thì sẽ luôn thắng được lòng người, khiến mọi người luôn muốn ở gần. Xung quanh họ giống như có một loại từ trường hút người vậy! Khoan dung là cánh cửa lớn để dẫn đến thành công.
Khoan dung là đại pháp bảo giúp thành lập được mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Nó khiến con người trở thành một người khí phách, to lớn.
7. Làm người tối kỵ là cao ngạo
Người luôn cao ngạo thì sẽ bị chính sự cao ngạo ấy hủy diệt. Sự cao ngạo sẽ khiến cho sự nghiệp của bạn khó mà phát triển được. Làm người đừng cuồng vọng, cao ngạo, đó cũng chính là cấp cho mình một đường lui.
8. Làm bất luận việc gì cũng phải để một đường lui
Làm việc gì cũng cần phải để cho mình một đường lui. Người độ lượng rộng rãi có thể bao dung người khác. Không nên làm gì, nói gì cũng làm đến tận tuyệt, cùng cực.
9. Việc nhỏ không nhẫn thì sẽ loạn đại mưu
Từ xưa đến nay, người làm được việc lớn thì nhất định là người có tâm nhẫn nhịn. Có thể nhẫn nhịn người khác mới có thể được cơ hội.
Nhẫn là việc mà một người thường khó có thể làm được, nhưng người có thể nhẫn mới có thể thành tựu được việc mà người thường không thể làm được.
10. Chịu thiệt là phúc
Chịu thiệt là phúc, phải có cho đi thì mới được nhận lại, có xả bỏ mới có đắc được. Làm người mà có thể chịu được một chút thiệt nhỏ thì sẽ đắc được những lợi ích lớn, cho nên phải có gan chịu thiệt.
11. Nắm chắc điểm mấu chốt của nguyên tắc, đừng vì việc nhỏ mà hỏng việc lớn
Người quân tử “biết thân biết phận”, “an phận thủ thường” và chuẩn bị tốt tất cả, chờ đợi thời cơ mà Thiên mệnh an bài. Người tiểu nhân luôn làm những việc mạo hiểm để đạt được những thứ không nên được. Đối với việc lớn mà muốn thành thì không thể hồ đồ.
12. Muốn làm thành đại sự phải “co được giãn được”
Con người khi gặp tình thế khó khăn phải làm được tạm thời lùi một bước nếu không tất sẽ bị đổ xuống cho đến lúc diệt vong. Người có thể “co được giãn được” thì khi giải quyết sự việc, giải quyết vấn đề mới được thông suốt, mới làm thành được sự nghiệp lớn.
summer tanager male
13. Học được từ chối, cự tuyệt
Miễn cưỡng đồng ý không bằng thẳng thắn, thành thật cự tuyệt. Làm người phải hiểu được rằng, có rất nhiều việc phải biết cự tuyệt!
14. Đối với người khác, đừng cầu toàn, trách cứ
Quá nghiêm khắc với người khác cũng là quá nghiêm khắc với bản thân mình. Phải có lòng khoan dung, độ lượng và biết suy nghĩ cho người khác bởi vì luôn trách cứ người khác sẽ khiến bạn tự cô lập bản thân, tứ bề khốn đốn.
15. Làm người phải có lòng biết ơn
Người xưa dạy rằng, nhận được một ơn huệ nhỏ như giọt nước cũng phải báo đáp như dòng suối. Biết cảm ơn sẽ khiến trong lòng bạn tràn đầy tình yêu thương. Con người phải luôn mang trong mình lòng biết ơn, mỗi người đều phải học được lòng biết ơn, biết ơn trời đất, biết ơn cha mẹ, anh chị em, bạn bè…biết ơn vạn vật.
Mai Trà (Nguồn: ĐKN)
tennessee warbler

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Tướng quân đội TQ tham ô tiền tấn, nhà đầy phim sex

Trung Quốc:

Tướng quân đội tham ô tiền tấn, nhà đầy phim sex

(Copy từ  http://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/317592/tuong-quan-doi-tham-o-tien-tan-nha-day-phim-sex.html , đăng ngày 26-07-16 lúc 08:18 )
Tòa án quân sự Trung Quốc hôm 25/7 đã tuyên án tù chung thân với Thượng tướng Quách Bá Hùng, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, vì nhận hối lộ.

Theo Tân Hoa xã, tòa nhận định Quách Bá Hùng lợi dụng chức vụ, mưu lợi cho người khác trong việc đề bạt chức vụ, để nhận được tiền của phi pháp. Hành vi của Quách Bá Hùng đã cấu thành tội nhận hối lộ, nên phải nhận án tù chung thân, tước quyền chính trị suốt đời, tịch thu toàn bộ tài sản, truy thu toàn bộ tang vật, tang khoản giao nộp quốc khố và tước quân hàm Thượng tướng.

Trả lời phỏng vấn của Tân Hoa xã, đại diện tòa án trên cho hay, số tiền nhận hối lộ của Quách Bá Hùng đặc biệt lớn, tình tiết phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau khi bị bắt, Hùng đã thành thật khai báo tội lỗi, chân thành nhận tội, hối tội, truy thu được toàn bộ tang vật nên hội đồng xét xử đã đưa ra phán quyết như ở trên. Ngoài ra, do vụ án có một số chứng cứ phạm tội liên quan đến bí mật quân sự nên phiên tòa được xử không công khai theo quy định pháp luật.
quan tham, tham nhũng, quan tham Trung Quốc, tham nhũng Trung Quốc, nhận hối lộ, án chung thân, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu
Quách Bá Hùng khi còn đương chức

Trước đó, báo Đông Phương đưa tin, mặc dù các chi tiết về tội lỗi của Quách Bá Hùng chưa được chính thức công bố, nhưng sau khi Hùng ngã ngựa, các tin tức về sự tham nhũng hủ bại của ông ta đã nhanh chóng lan truyền. Với vị trí của mình, Hùng đã tổ chức bán lon và chức vụ để thu tiền, tham ô kinh phí quân sự. Có tin tính đến năm 2010, tài sản của Hùng đã vượt quá 10 tỷ NDT (35.000 tỷ VND).

Quách Bá Hùng có tài sản vào loại giàu nhất nước. Tuy tuổi tác đã ngoài 70, nhưng Hùng vẫn rất háo sắc. Theo báo chí hải ngoại, Hùng đã nhiều lần bị tố cáo phạm tội ngoại tình, nhưng do địa vị rất cao nên đều được bỏ qua. Giống như các quan tham khác, Hùng đã bao nuôi hơn 10 người tình. Nếu đã ưng ý người đẹp nào, Hùng liền nhờ Phó chủ tịch Quân ủy Từ Tài Hậu (đã chết) điều về các đoàn văn công quân đội, rồi bao nuôi.

Ngoài bao nuôi các người tình, Hùng còn có lối sống hoang dâm vô độ. Năm 2015, khi khám xét nhà riêng của Hùng, các nhân viên điều tra đã thu được tới hơn 500 đĩa phim sex và 120 cuốn tạp chí khiêu dâm.

Một nội dung quan trọng trong những tội của Quách Bá Hùng là ra sức bán quan tước. Ngày 16/7/2014, xuất hiện một bức thư tố cáo, trong đó nói rằng Hùng tới tấp đề bạt thân tín, người nhà, thư ký, cảnh vệ. Bức thư cho biết, trong số 4 tướng trẻ nhất toàn quân có 3 người thuộc “Quách gia quân”, trong đó có Quách Chính Cương, con trai Hùng.

Quách Chính Cương từng công khai rêu rao: “Tư lệnh Quân khu Quảng Châu Từ Phẩn Lâm, Chính ủy Thẩm Dương Chử Ích Dân đều là thuộc cấp đáng tin cậy do một tay ba tôi đề bạt, cũng là những tướng trẻ nhất, khóa tới vào Quân ủy chẳng thành vấn đề. Tư lệnh Mã của quân đoàn 31, chính ủy Trương của quân đoàn 47, Phó tư lệnh Bắc Kinh Lưu Chí Cương, Chủ nhiệm Phạm ở Lan Châu... đều sẽ vào ban lãnh đạo các quân khu!”.
quan tham, tham nhũng, quan tham Trung Quốc, tham nhũng Trung Quốc, nhận hối lộ, án chung thân, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu
Quách Chính Cương, con trai Quách Bá Hùng, cũng đã bị bắt
Khi giữ chức Phó chủ tịch Quân ủy, Hùng được giao quản lý Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Trang bị. Các tướng lĩnh thuộc hai hệ thống này đều do ông ta quyết định, nên Hùng mặc sức bán quan chức, nhận hối lộ.
Các tướng lĩnh được tấn phong có giá theo cấp: Thiếu tướng từ 5 đến 10 triệu NDT (tức 17,5 đến 35 tỷ VND), Trung tướng từ 10 đến 30 triệu NDT. Ai đưa nhiều hơn thì người đó được. Từng có chuyện một thiếu tướng ở Quân khu Nam Kinh hối lộ cho Hùng 10 triệu NDT để được lên Trung tướng và Hùng đã gật đầu đồng ý, nhưng sau đó một người khác biếu 20 triệu để xin đúng vị trí đó, Hùng đã lạnh lùng giành ghế đó cho người đến sau.
Mặt khác, Hùng đã lợi dụng chức trách được giao quản lý Tổng cục Trang bị để kiếm chác nhờ hoạt động buôn bán vũ khí. Tin cho biết, Bộ Tổng tham mưu có một cơ sở bí mật đặt ở Quảng Châu để thu thập tình báo ở Đông Nam Á, chức năng chính là hoạt động tình báo, nhưng Hùng đã lợi dụng biến thành ổ nhóm buôn bán vũ khí trang bị để kiếm tiền.
Ngày 17/10/2015, báo điện tử Ifeng đưa tin, Trương Mộc Sinh, thân tín của Chính ủy Tổng cục Hậu cần Lưu Nguyên, trong một lần nói chuyện đã bộc lộ tình hình tham nhũng hủ bại trong quân đội. Trương nói về các quan tham Từ Tài Hậu, Cốc Tuấn Sơn và nói “còn có đại quan tham không chỉ mua bán chức tước mà còn dám tham ô cả kinh phí quân sự”. Khi đó đã có ý kiến, người mà ông Sinh nói tới chính là Phó chủ tịch Quân ủy Quách Bá Hùng.
Sau đó xuất hiện “Bức thư công khai thứ 2 gửi cán bộ, chiến sĩ toàn quân” trong đó tố cáo Quách Chính Cương, con trai Hùng trong một lần say rượu đã lớn tiếng chửi chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra và tuyên bố với các bạn nhậu: “Có kẻ muốn hạ gục gia đình tôi. Đúng là nằm mơ giữa ban ngày, hơn một nửa cán bộ toàn quân là do gia đình tôi đề bạt, đều đang giữ chức cả đấy!”.
Bức thư còn tố cáo nguồn tiền tham nhũng của Quách Bá Hùng ngoài bán chức, bán đất quốc phòng, còn chiết khấu tỷ lệ kinh hoàng từ số ngân sách dùng để mua vũ khí đạn dược và trang bị của toàn quân. “Số kinh phí quân sự khổng lồ đã rơi vào két sắt của gia tộc nhà Quách Bá Hùng”.
Quách Bá Hùng năm nay 74 tuổi. Tháng 3/2015, khi quân đội Trung Quốc công bố hạ gục 14 con “Hổ tham nhũng” là cán bộ cấp quân đoàn trở lên, trong đó có Thiếu tướng Quách Chính Cương, con trai Hùng. Những thông tin về sự hủ bại của gia tộc họ Quách lần đầu tiên được quân đội chính thức xác nhận.
Quách Bá Hùng năm nay 74 tuổi. Tháng 3/2015, khi quân đội Trung Quốc công bố hạ gục 14 con “Hổ tham nhũng” là cán bộ cấp quân đoàn trở lên, trong đó có Thiếu tướng Quách Chính Cương, con trai Hùng. Những thông tin về sự hủ bại của gia tộc họ Quách lần đầu tiên được quân đội chính thức xác nhận
Ngày 9/4/2015, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định tiến hành điều tra về mặt tổ chức đối với Quách Bá Hùng. Kết quả cho thấy, Hùng lợi dụng chức vụ để mưu lợi cho người khác trong việc thăng quan tiến chức rồi trực tiếp hoặc thông qua người nhà nhận hối lộ , vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng, tình tiết nghiêm trọng, ảnh hưởng cực xấu.
Ngày 30/7/2015, Bộ Chính trị Trung Quốc họp, thông qua “Báo cáo xin ý kiến của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Quân ủy về tình hình điều tra đối với Quách Bá Hùng”, quyết định khai trừ đảng tịch của Hùng, chuyển giao vấn đề phạm tội nhận hối lộ nghiêm trọng và manh mối phạm tội cho cơ quan kiểm sát xử lý theo pháp luật. Ngày 5/4/2016. Viện Kiểm sát quân sự Trung ương kết thúc điều tra về vụ án Quách Bá Hùng nhận hối lộ, chuyển sang Tòa án quân sự Trung ương thẩm tra, khởi tố.

Ngô Tuyết

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

Cách dạy đặc biệt của cô giáo giúp một lớp có 3 điểm 10 Toán

Cách dạy đặc biệt của cô giáo giúp một lớp có 3 điểm 10 Toán
Copy từ http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/316774/cach-day-dac-biet-cua-co-giao-giup-mot-lop-co-3-diem-10-toan.html ,đăng ngày 21-07-16 , mục Giáo dục > Tuyển sinh.
Ba nữ sinh của lớp chuyên Anh Trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) đều đạt được điểm tuyệt đối môn Toán là điều rất thú vị ở kỳ thi năm nay. Cả ba em đều cho rằng, có được kết quả này công lớn thuộc về cô giáo dạy Toán Phùng Thị Vân.
Không tin vào mắt khi nhận được kết quả
Ba chủ nhân của những điểm 10 này các là em Nguyễn Quỳnh Anh, Nguyễn Anh Linh Giang và Phan Thanh Huyền. Dù làm hết bài thi, nhưng cả ba đều không nghĩ đến chuyện bản thân có thể giành được điểm số tuyệt đối.
Thanh Huyền chia sẻ: “Hôm đi thi em rất tự tin vào kết quả của mình nhưng không nghĩ đến điểm 10 vì không dễ để đạt được. Chỉ đến khi nhìn thấy một điểm 10 trong bảng tra cứu, em như vỡ òa trong hạnh phúc”.
Nguyễn Anh Linh Giang
Huyền tiếp tục đón nhận tin vui khi cô bạn Linh Giang cũng báo đạt được điểm 10. Linh Giang không giấu nổi niềm vui: “Em cũng rất bất ngờ nhưng thấy xứng đáng với công sức mình bỏ ra trong cả một năm học. Ban đầu biết lớp có 2 điểm 10 thì đã vui rồi, khi biết có thêm Quỳnh Anh được nữa thì bọn em sung sướng, thức trắng để buôn chuyện cả buổi tối hôm đó luôn. Sau đó, cả 3 đã hẹn nhau để cùng đi ăn mừng”.
Nguyễn Quỳnh Anh
Do bị nghẽn mạng, Quỳnh Anh là người biết điểm 10 cuối cùng và lúc đó em nắm được thông tin cả tỉnh Thanh Hóa chỉ có 3 điểm 10 môn Toán. “Hôm tra cứu điểm em như không tin nổi vào mắt mình. Cả tỉnh chỉ có 3 điểm 10 môn Toán lại cùng đều rơi vào lớp em nên cả lớp vui quá. Thậm chí bọn em còn nghĩ đến cả chuyện có khi nào do hệ thống nhập sai, chứ câu chuyện hy hữu quá”.
Phan Thanh Huyền
Học chuyên Anh nhưng cả 3 cô nàng đều có niềm đam mê Toán học. Bí quyết học tốt môn Toán của cả ba đơn giản là ngoài học kỹ kiến thức trong sách giáo khoa, thường xuyên tìm kiếm các bài toán hay đề thi trên mạng hoặc trong sách tham khảo, nâng cao để giải.
Việc học lớp chuyên Anh không hề ảnh hưởng đến thời gian của 3 nữ sinh dành cho môn Toán. Thậm chí các em còn dành thời gian học Toán nhiều hơn Tiếng Anh, bởi việc có nền tảng tốt từ đầu giúp các em có lợi thế và không quá khó để lĩnh hội kiến thức môn chuyên.
Bí quyết không để “rơi” điểm
Cô giáo Phùng Thị Vân (áo xanh) và cô giáo Quy chủ nhiệm lớp chuyên Anh.
Cả 3 em đều cho rằng cách trình bày bài thi làm sao để ăn được tối đa điểm là hết sức quan trọng và đây là bí quyết chung mà các em học được từ cô Phùng Thị Vân, giáo viên dạy Toán cho các em trong suốt 3 năm THPT.
Quỳnh Anh chia sẻ: “2 tháng cuối cô bắt đầu cho chúng em làm đề và chấm chữa từng bài, chỉ cho từng học sinh những lỗi về trình bày, diễn đạt để khắc phục. Cô bao quát hết tất cả các dạng bài chứ không chỉ tập trung vào những dạng thường xuất hiện trong đề thi các năm”.
Theo Quỳnh Anh, điều này khiến cho khi gặp những câu hỏi lạ thì học sinh không bị tâm lý và có thể bước vào bài thi mà không bị “ngợp”.
Linh Giang nhận xét: “Từ dạy cho đến chữa bài và chấm bài cô Vân đều rất chỉn chu và tỉ mỉ. Cô chữa từng lỗi một cho chúng em, thậm chí chữ nào viết sai cô cũng gạch chân bằng bút đỏ. Ý đúng nhưng câu lập luận thiếu hoặc lủng củng, cô vẫn trừ điểm để học trò nhớ”.
Cô giáo Phùng Thị Vân (áo xanh) chụp kỷ yếu cùng tập thể lớp chuyên Anh Trường THPT Lam Sơn.
Còn theo Thanh Huyền, cô Vân dạy cho em lối tư duy rằng những bài có thể làm được thì phải cố gắng lấy được hết điểm. Làm đến đâu chắc đến đó, sau mới tính đến chuyện xử lý các bài tập khó. “Việc cô tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ giúp chúng em học được tính cấn thẩn, trân trọng những điều mà mình làm được”, Huyền nói.
Về điều này, cô Phùng Thị Vân chia sẻ: “Thói quen trình bày cẩn thận, rõ ràng, câu từ chắc chắn sẽ giúp các em không phải mất thời gian tư duy trình bày bài. Có nghĩa là khi biết cách làm sẽ viết được ngay, dành thời gian để làm những bài tập khó”.
Việc chấm, chữa bài để rèn cho học sinh điều này khiến cô Vân mất nhiều thời gian hơn song cô Vân cho rằng đó là trách nhiệm của mình với học trò và với nghề giáo.
Ngoài việc giảng dạy kiến thức, cô Vân còn được đánh giá là người biết cách truyền nhiệt huyết, đặc biệt rất tâm lý. Cô vẫn thường kể chuyện, tâm sự với học sinh nhiều chuyện về cuộc sống. Do đó cô trò bớt khoảng cách, trở nên gần gũi hơn. Cô Vân chia sẻ: “Ngày thường, ngoài trao đổi trên lớp, cô trò vẫn thường chat, trao đổi tài liệu với nhau qua Facebook. Thậm chí tôi nhận được thông tin về điểm 10 thứ ba qua tin nhắn Facebook của Quỳnh Anh lúc 2h sáng. Hôm đó thì cô và trò cùng chat đến sáng vì vui quá không ngủ được”.
Cô Vân cho rằng, quan niệm khoảng cách giáo viên- học trò giờ đã là điều xưa cũ. Ngoài những giờ học trên lớp, thầy cô phải là những người bạn để có thể nắm bắt tâm tư của học sinh, khiến cho mối quan hệ thầy trò tốt đẹp hơn. “Chính vì vậy không chỉ tôi mà các giáo viên Trường THPT Chuyên Lam Sơn luôn cố gắng làm sao tạo cho học trò một cảm giác thân thiện, gần gũi”, cô Vân nói.
Với tổng điểm 3 bài thi chưa tính ưu tiên là 25.9 (Toán 10, Anh 7.9 và Vật lý 8), Quỳnh Anh dự kiến sẽ đăng ký nguyện vọng vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Còn Thanh Huyền với 27.2 điểm (Toán 10; Văn 8.5; Tiếng Anh 8.7) và Linh Giang với 27.13 điểm (Toán 10, Tiếng Anh 9,63; Văn 7,5) cho biết sẽ nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo khối D vào Trường ĐH Ngoại thương.
Thanh Hùng