Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Thông tin chính thức về vụ 4 người tử vong trên phố Nguyễn Công Trứ

Thông tin chính thức về vụ 4 người tử vong trên phố Nguyễn Công Trứ

Tác giả: VIỆT THẮNG

Trưa 31/7/20, UBND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã thông tin về vụ 4 người tử vong trong vụ rơi thang công trình xây dựng khi lắp kính tại công trình 16 Nguyễn Công Trứ, phường Phạm Đình Hổ, Quận Hai Bà Trưng xảy ra vào khoảng 19h45 ngày 30/7.

Thông tin chính thức về vụ 4 người tử vong trên phố Nguyễn Công Trứ
Hiện trường vụ tai nạn lao động ở số 16 Nguyễn Công Trứ tối 30/7. (Ảnh Báo Thanh niên).

Trước đó, trong sáng 31/7/20, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã công bố danh tính 4 người bị tử vong.

Theo đó, 3 người bị tử vong ngay tại chỗ, gồm: Ông Nguyễn Thế Sơn (53 tuổi), ông Nguyễn Thế Bồng (64 tuổi) và bà Cao Thị Thúy (52 tuổi) đều ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Riêng anh Đặng Đình Thắng (28 tuổi), trú tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, nhưng cũng không qua khỏi.

Cả 4 người này đều là công nhân đang làm việc tại công trình trên.

Cũng trong buổi sáng, UBND quận Hai Bà Trưng đã họp với lãnh đạo UBND Phường Phạm Đình Hổ và các cơ quan có liên quan về vụ việc trên.

Theo thông tin của UBND Quận Hai Bà Trưng vào trưa 31/7: Vào hồi 19h50 ngày 30/7, UBND quận Hai Bà Trưng nhận được tin báo xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng sập sàn treo thao tác tại công trình xây dựng tại địa chỉ 16A phố Nguyễn Công Trứ, phường Phạm Đình Hổ, Quận Hai Bà Trưng.

Sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo lực lượng Công an quận, UBND phường Phạm Đình Hổ, Công an phường Phạm Đình Hổ, các cơ quan liên quan của thành phố, của quận khẩn trương cứu hộ, đưa người bị nạn đi cấp cứu, bảo vệ hiện trường, phân làn giao thông, bảm đảm an ninh trật tự tại khu vực, tháo dỡ phần sàn treo bị gãy còn mắc tại vị trí tầng 7 của tòa nhà để đảm bảo an toàn tại hiện trường.

Về nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng trên, theo UBND quận Hai Bà Trưng: Vào hồi 19h30, vụ tai nạn xảy ra tại công trình xây dựng ở địa chỉ 16A phố Nguyễn Công Trứ, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng.

Công ty Europe Window là đơn vị được thuê thi công lắp kính công trình. Sau đó Công ty Europe Window thuê tốp thợ trong đó có 4 nạn nhân vận chuyển một số vật liệu lắp đặt nhà vệ sinh từ tầng 1 lên tầng 7 của công trình.

Quá trình thi công, tốp thợ trên đã vận chuyển vật liệu lắp đặt nhà vệ sinh bằng sàn gondola ngoài trời. Ông Phạm Văn Bồng là người điều khiển sàn gondola và cả 4 người trên đều không sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động.

Khi điều khiển sàn tới tầng 7 của tòa nhà thì xảy ra sự cố, do không có dụng cụ bảo hộ lao động nên cả 4 người rơi xuống đất.

Các ông: Nguyễn Thế Bổng, Nguyễn Tiến Sơn; bà Cao Thị Thúy tử vong tại chỗ. Ang Đặng Đình Thắng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sau đó đã tử vong vào hồi 22h ngày 30/7. Trong 4 nạn nhân, Đặng Đình Thắng cũng chính là con trai của bà Cao Thị Thúy.

“Hiện UBND quận Hai Bà Trưng đã chỉ đạo Công an quận phối hợp với đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP Hà Nội, Viện KSND quận Hai Bà Trưng để xác định, làm rõ, xử lý vụ việc theo quy định” - đại diện UBND quận Hai Bà Trưng thông tin.

Được biết, ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng trên, UBND quận Hai Bà Trưng, UBND phường Phạm Đình Hổ đã tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân.

Theo đó, UBND quận Hai Bà Trưng hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 5 triệu đồng, UBND phường Phạm Đình Hổ hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 3 triệu đồng.

Chủ đầu tư, nhà thi công trước mắt đã hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 50 triệu đồng và chăm lo việc tổ chức tang lễ cho nạn nhân.

Thác K50 - công chúa của đại ngàn

Thác K50 - công chúa của đại ngàn

https://nld.com.vn/... đăng ngày 31-07-2020 - 07:15.Điểm đến hấp dẫn

Thác K50 được ví như nàng công chúa yêu kiều, thướt tha với mái tóc dài buông xõa nằm ẩn mình thật sâu giữa núi rừng Tây Nguyên

Thác K50 nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, vắt ngang ranh giới giữa 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định. Đoàn 7 người chúng tôi, từ những người xa lạ được kết nối với nhau vì một đam mê duy nhất là tìm về với thác K50.

Giờ tan tầm, từ TP HCM, chúng tôi bắt chuyến xe đi đêm để kịp tới huyện Kbang, tỉnh Gia Lai vào sáng sớm hôm sau. Do có liên hệ từ trước nên vừa tới bến xe Kbang, đoàn được hướng dẫn viên địa phương đón vào trạm kiểm lâm Khu Bảo tồn Kon Chư Răng. Từ đây, sẽ có hai hướng để tiếp cận thác K50 là đi bộ và đi xe chuyên dụng trên đường bê-tông.

Thác K50 - công chúa của đại ngàn - Ảnh 1.

Thác K50

Vì muốn được trải nghiệm hết cung đường, đoàn chúng tôi chọn cách đi bộ theo hướng Trại Bò và về bằng xe. Hướng đi từ Trại Bò rất đẹp, băng qua những thảm cỏ xanh ngút ngàn, đây đó vài cái chòi gỗ đơn sơ do người dân dựng tạm để trú nắng giữa buổi làm. Điều thú vị là ở đây người ta toàn nuôi trâu mà lại có tên là Trại Bò.

Qua những thảo nguyên xanh ngát là những con suối trong vắt, rừng dương xỉ khổng lồ cao ngang vai và tán rừng già mát lạnh ẩm ướt sau cơn mưa đêm trước. Nhờ mưa mùa hè tưới tắm nên khu rừng như bừng sáng, cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa lá ngát hương, lũ nấm cũng được dịp sinh sôi, diện trên mình những chiếc mũ xinh xinh mượt mà đầy màu sắc.

Cứ như thế, hết lội suối đến băng rừng, sau 4 giờ chúng tôi mới thấy bóng dáng nàng K50 đang buông mình trắng xóa giữa cái nền xanh ngút của rừng. Ngắm K50 một lát, chúng tôi tiếp tục leo lên đỉnh thác tìm nơi cắm trại và dùng bữa trưa.

Sau khi nghỉ ngơi cho lại sức sau một chặng đường dài, tầm xế chiều, chúng tôi lội ngược xuống chân thác. Thác K50 cao khoảng 50 m, đổ thẳng xuống từ một phiến đá khổng lồ tạo thành một vùng nước rộng. Từ tảng đá cao, nhảy ùm xuống dòng thác, trong cái lạnh tê tái, sự mệt mỏi trở nên vỡ vụn và những bộn bề lo toan của cuộc sống cũng tự nhiên tan biến.

Sau khi thỏa thuê vẫy vùng trong dòng nước mát, chúng tôi rời thác K50 tham quan Hang Én. Đường vào Hang Én bắt đầu từ con suối dưới chân K50, cắt ngang đi lên đoạn rừng già, luồn qua những cây to tới tảng đá lớn rồi leo thêm vài con dốc trơn sẽ thấy một con đường nằm ở lưng chừng thác, ngay sau tấm dải bạc khổng lồ bọt tung trắng xóa, đó là Hang Én. Hang Én được ví như đôi mắt nàng K50 và chỉ ở đây người ta mới có cảm giác gần gũi, chạm được con thác hùng vĩ.

Hoàng hôn cũng dần tắt hẳn, chúng tôi quay lại điểm cắm trại, chuẩn bị buổi tối thịnh soạn với thịt ngon, rượu nồng, lửa ấm cùng những người bạn...

Thác K50 - công chúa của đại ngàn - Ảnh 2.

Hang Én - đôi mắt của nàng K50

Sáng hôm sau, trước khi ra về, chúng tôi đi tham quan thác K40 - là một dòng chảy nhỏ bên phải K50. Dù không hùng vĩ bằng nhưng tôi đùa với nhóm bạn rằng K40 là nơi cung cấp dịch vụ ngâm mình và spa hảo hạng. Lòng thác là bể bơi thiên nhiên giữa rừng và dòng thác đổ xuống lực mạnh vừa đủ để làm thư giãn những đôi vai mệt nhoài.

Ngồi trên chiếc xe chuyên dụng vượt địa hình của lực lượng kiểm lâm để trở về. Con đường bê- tông xuyên rừng với những con dốc cao ngất ngưởng, những ổ voi ổ gà "khuyến mãi" thêm sình lầy khiến cả đoàn bị quăng quật tơi bời. Dù người lắc lư liên tục nhưng tâm trí tôi lắng lại chuyện đêm qua. Tôi cùng 2 người bạn trốn ngủ rủ nhau tìm một tảng đá to nằm thư giãn. Trong khoảnh khắc cả không gian bao trùm bởi màn đêm tĩnh mịch thì cùng lúc đó bầu trời lại sáng dần lên bởi muôn ngàn tinh tú. Mọi người bỗng dưng im bặt để thả mình vào một màn trình diễn đỉnh cao kết hợp hài hòa giữa tiếng thác đổ ầm ào và ánh sao huyền hoặc…

Chiếc xe bỗng thắng gấp làm tôi cũng thôi mơ mộng. Cuộc gặp gỡ nào cũng phải đến lúc chia tay, bao nhiêu cảm xúc vừa qua chỉ kịp gói ghém trong trái tim nhỏ bé này. 

Bí kíp chống vắt hiệu quả

Do đi rừng có nhiều vắt nên cần mặc quần áo dài tay. Bạn có thể pha nước muối rồi cho vào bình xịt dạng phun sương và mang theo bên người. Khi đi qua những đoạn rừng ẩm ướt dễ có vắt thì xịt nước muối vào giày, ống quần để vắt không bám vào. Nếu bị vắt bám vào thì chỉ cần xịt nước muối, nó sẽ nhả ra, cầm được máu.

Thác K50 - công chúa của đại ngàn - Ảnh 4.
Thác K50 - công chúa của đại ngàn - Ảnh 5.
Thác K50 - công chúa của đại ngàn - Ảnh 6.
Thác K50 - công chúa của đại ngàn - Ảnh 7.
Thác K50 - công chúa của đại ngàn - Ảnh 8.
Bài và ảnh: TRƯƠNG LAN

Điều lệ, thông lệ hay … hậu duệ?

Điều lệ, thông lệ hay … hậu duệ?

https://giaoduc.net.vn/... đăng ngày 31/07/2020 05:57. Xuân Dương

GDVN- Liệu câu chuyện “nâng đỡ không trong sáng” ở Thanh Hóa có lặp lại ở Bắc Ninh nhưng không phải với một cô gái mà là một “quý tử”?

Người Việt vốn đã quen với cách nói tắt “Ngũ ệ” (hậu duệ, đồ đệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ) hoặc “Tứ cờ - 4C” (con cháu các cụ).

Dù chọn cách nói nào thì cả hai “nhóm hậu bị” này cũng cho một kết quả, chiếm vị trí đầu bảng là “hậu duệ”, cụ thể là con, tiếp theo là cháu.

Trong khoảng thời gian ngắn trước khi tổ chức Đại hội Đảng khóa 13, rất nhiều văn bản đã được ban hành, chẳng hạn 27 biểu hiện suy thoái trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, 19 điều đảng viên không được làm hoặc Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Câu chuyện vị cử nhân cờ vua, thạc sĩ quản lý giáo dục Nguyễn Nhân Chinh, 36 tuổi, con trai Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đang làm Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh được điều động tham gia Ban thường vụ và chỉ định làm Bí thư Thành ủy thành phố Bắc Ninh đang khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi.

Ngoài những phân tích trong bài “Sao không bàn về quy định của Bộ Chính trị mà lại bàn chuyện bố con?” [1] thiết nghĩ cần phải có thêm những phân tích để biết Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện nghiêm túc Điều lệ Đảng và các quy định mà Trung ương mới ban hành trước thềm đại hội 13 như thế nào.

Theo quy định, thành phố trực thuộc tỉnh tương đương cấp huyện nên trong bài viết này “Huyện ủy” được hiểu tương đương “Thành ủy thành phố trực thuộc tỉnh”.

Thứ nhất, quy định trong Điều lệ Đảng:

Khoản 1, Điều 20 quy định:

“Hội nghị tỉnh uỷ, thành uỷ, huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ bầu ban thường vụ; bầu bí thư và phó bí thư trong số uỷ viên thường vụ; bầu uỷ ban kiểm tra; bầu chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra trong số uỷ viên uỷ ban kiểm tra”.

Như vậy, chức vụ Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy phải do Hội nghị tỉnh uỷ, thành uỷ, huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ bầu trong số uỷ viên thường vụ (hiện đã có đề nghị thí điểm bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội).

Vậy những trường hợp nào cấp ủy cấp trên được chỉ định hoặc điều chuyển người không nằm “trong số uỷ viên thường vụ” làm Bí thư cấp ủy cấp dưới?

Khoản 5, 6 điều 13 quy định:

“Từ tổ chức cơ sở đảng đến đảng bộ trực thuộc Trung ương nếu được thành lập mới, chia tách, hợp nhất, sáp nhập trong nhiệm kỳ, thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp chỉ định cấp uỷ chính thức; …

Đối với tổ chức đảng không thể mở đại hội được, cấp uỷ cấp trên trực tiếp chỉ định cấp uỷ của tổ chức đảng đó”.

Theo Thông báo của Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12, Trung ương tán thành trình Đại hội 13 giữ nguyên Điều lệ Đảng hiện hành, không bổ sung, sửa đổi.

Điều này có nghĩa là những quy định nêu trên vẫn có hiệu lực và toàn bộ đảng viên, tổ chức cơ sở đảng phải nghiêm chỉnh thi hành.

Thành ủy thành phố Bắc Ninh không thuộc diện “thành lập mới, chia tách, hợp nhất, sáp nhập trong nhiệm kỳ”, cũng không thấy có lý do gì để khẳng định “không thể mở đại hội”, vậy việc Tỉnh ủy Bắc Ninh cử con trai Bí thư Tỉnh ủy làm Bí thư Thành ủy thành phố Bắc Ninh có phù hợp với Điều lệ Đảng?

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Thanhtra.com.vn)

Thứ hai, những quy định ngoài Điều lệ Đảng

Người dân có một suy nghĩ đơn giản, rằng Điều lệ Đảng có thể xem như “Hiến pháp” trong Đảng, những quy định trong Điều lệ sẽ được “luật hóa” bởi các quy định, chỉ thị,… mà Trung ương (Ban Bí thư, Bộ Chính trị,…) ban hành.

Nói cách khác, loại hình văn bản như “Quy định”, “Chỉ thị”,… trong nội bộ Đảng có thể coi tương đương với các văn bản quy phạm pháp luật mà Quốc hội ban hành.

Ngày 07/10/2017, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 98-QĐ/TW “Về Luân chuyển cán bộ”. Phần giải thích từ ngữ đề cập đến hai hình thức “Luân chuyển” và “Điều động”, tuy nhiên toàn bộ văn bản chỉ đề cập đến “luân chuyển cán bộ”.

Những quy định liên quan đến “điều động cán bộ” không có trong Quy định số 98-QĐ/TW mà phải tìm trong Quy định số 105-QĐ/TW “Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử” ban hành ngày 19/12/2017.

Nếu đọc kỹ hai quy định số 98-QĐ/TW và 105-QĐ/TW sẽ thấy Tỉnh ủy và Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đã có sự khôn khéo khi đưa cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh (Bí thư Tỉnh đoàn) về làm lãnh đạo cấp huyện không theo quy trình “luân chuyển cán bộ” mà là “điều động, chỉ định” bởi khi luân chuyển cán bộ theo quy định số 98-QĐ/TW, người được luân chuyển “chủ yếu chỉ được bố trí làm cấp phó”.

Vậy Quy định 105-QĐ/TW đã mở rộng những quy định trong Điều lệ Đảng thế nào?

Trong thực tế, việc điều động cán bộ từ trung ương về địa phương hoặc ngược lại được thực hiện thường xuyên bởi các quyết định của Bộ Chính trị hoặc cơ quan chức năng của Đảng, chẳng hạn việc điều động bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội về làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên hoặc việc điều động, chỉ định bà Nguyễn Thị Thu Hà từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nhiệm kỳ 2015-2020,…

Như vậy, có thể thấy Tỉnh ủy Bắc Ninh thực hiện việc điều động, chỉ định con Bí thư Nguyễn Nhân Chiến làm Bí thư Thảnh ủy thành phố Bắc Ninh phù hợp với thông lệ và Quy định 105-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Vấn đề là Tỉnh ủy Bắc Ninh thực hiện quy trình điều động cán bộ đúng hay sai?

Khoản 1, điều 23 “Quy trình điều động cán bộ” trong Quy định 105-QĐ/TW ghi:

“1.1- Căn cứ quy hoạch cán bộ, nhu cầu công tác và năng lực, sở trường của cán bộ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo Cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, biện pháp điều động cán bộ thuộc phạm vi quản lý:

- Lập danh sách cán bộ cần điều động.

- Biện pháp thực hiện cụ thể đối với từng cán bộ.

1.2- Quy trình điều động thực hiện như trường hợp bổ nhiệm cán bộ từ nguồn nhân sự nơi khác nêu tại Mục 2.2, Điểm I, Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quy định này”.

Có hai khả năng có thể xảy ra:

Thứ nhất, “Ban thường vụ cấp ủy” tỉnh Bắc Ninh đã tuân thủ Quy định 105-QĐ/TW nghĩa là đã “xây dựng kế hoạch, biện pháp điều động cán bộ thuộc phạm vi quản lý”.

Diễn giải cụ thể hơn, liệu có phải Thường vụ tỉnh ủy Bắc Ninh “căn cứ vào nhu cầu cán bộ” của Thành ủy Bắc Ninh, tức là đã biết sẽ khuyết chức danh Bí thư Thành ủy nên đã “lập danh sách cán bộ cần điều động” và đã “xây dựng kế hoạch, biện pháp điều động cán bộ thuộc phạm vi quản lý” của Tỉnh ủy để thực hiện việc điều động, chỉ định con trai Bí thư Tỉnh ủy vào vị trí Bí thư Thành ủy thành phố Bắc Ninh?

Sao không bàn về quy định của Bộ Chính trị mà lại bàn chuyện bố con?Sao không bàn về quy định của Bộ Chính trị mà lại bàn chuyện bố con?

Thứ hai, “Ban thường vụ cấp ủy” tỉnh Bắc Ninh không thực hiện theo Quy định 105-QĐ/TW, tức là chưa có “quy hoạch cán bộ”, chưa “xây dựng kế hoạch, biện pháp điều động cán bộ” chưa có kế hoạch “lập danh sách cán bộ cần điều động”, do “đột xuất”, khuyết chức danh Bí thư Thành ủy Bắc Ninh nên buộc phải điều động bổ sung?

Nếu khả năng thứ hai xảy ra nghĩa là “Ban thường vụ cấp ủy” tỉnh Bắc Ninh không chuẩn bị “quy hoạch cán bộ” thì phải chăng nơi đây đang vận hành theo tư duy nhiệm kỳ?

Không biết Bí thư Nguyễn Nhân Chiến và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh có cho rằng hai khả năng nêu trên đều sai vì địa phương còn khả năng khác?

Tại Quy định số 105-QĐ/TW, mục 2.2, khoản 2, điều 6 quy định trách nhiệm của Ban Thường vụ tỉnh ủy như sau:

“Trên cơ sở đề nghị của đồng chí bí thư và thường trực tỉnh ủy, thành ủy, thảo luận và quyết định: Tuyển chọn, đánh giá, bố trí, phân công công tác; giới thiệu ứng cử, chỉ định; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm,…, và thực hiện chính sách đối với các chức danh … bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ huyện ủy, quận ủy và tương đương”.

Nếu không có đề xuất của “đồng chí Bí thư và thường trực tỉnh ủy” thì không thể điều động, bổ nhiệm bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ huyện ủy.

Từ “và” trong câu văn này cho thấy các mệnh đề liên kết phải đồng thời đúng:

1. Nếu thường trực tỉnh ủy đề xuất mà Bí thư không tán thành thì việc điều động bổ nhiệm cán bộ không được phép diễn ra, (điều này có thể do Bí thư liêm chính, không chấp nhận xu nịnh,…)

2. Nếu Bí thư Nguyễn Nhân Chiến đề xuất nhưng thường trực tỉnh ủy không tán thành thì con trai ông không thể ngồi vào ghế Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, (nghĩa là tập thể không tán thành ý muốn của cá nhân người đứng đầu).

Sự việc ở Bắc Ninh đã xảy ra, Bí thư Thành ủy thành phố Bắc Ninh đã nhận nhiệm vụ, nhưng vấn đề nghi vấn là việc điều động, chỉ định chức danh này đã được thảo luận như thế nào tại Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh?

Theo quy định tại khoản 2.2, mục 2, điều 2 Quy định số 105-QĐ/TW thì:

“Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm đề xuất và tổ chức thực hiện các quyết định của tập thể về cán bộ và công tác cán bộ trong lĩnh vực được phân công phụ trách”.

Như vậy, nếu ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh là người “đề xuất và tổ chức thực hiện các quyết định của tập thể” trong việc cử con trai mình làm Bí thư Thành ủy có phải là tuân thủ quy định của Trung ương hay đây còn là sự vận dụng “sáng tạo” các quy định của cấp trên vào hoàn cảnh cụ thể của … gia đình?

Trong số 19 điều đảng viên không được làm, điều 10 và 11 ghi:

“10. Can thiệp, tác động đến cá nhân, tổ chức để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đi học, cấp đất, cấp nhà sai quy định. Ép buộc, mua chuộc cá nhân hoặc tổ chức để bao che, giảm tội cho người khác.

11. Vì lợi ích cục bộ hoặc vụ lợi cá nhân mà chủ trì, tham mưu, đề xuất, tham gia ban hành các quyết định, quy định trái với chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

Nếu quả có việc Bí thư Tỉnh ủy “đề xuất và tổ chức thực hiện” việc điều động, chỉ định con trai làm Bí thư Thành ủy thì điều này khác với việc “Can thiệp, tác động đến cá nhân, tổ chức để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm” như thế nào?

Một số biểu hiện suy thoái trong 27 biểu hiện mà Trung ương công bố ghi:

“Vướng vào "tư duy nhiệm kỳ", chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích;

Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.

Liệu câu chuyện “nâng đỡ không trong sáng” ở Thanh Hóa có lặp lại ở Bắc Ninh nhưng không phải với một cô gái mà là một “quý tử”?

Để giải quyết các vấn đề dư luận đặt ra, muốn người dân tâm phục, khẩu phục quyết định của tổ chức đảng tỉnh Bắc Ninh, thiết nghĩ Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nên sớm xem xét, tránh những xì xào không đáng có trước thềm đại hội 13.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/sao-khong-ban-ve-quy-dinh-cua-bo-chinh-tri-ma-lai-ban-chuyen-bo-con-post211119.gd

Xuân Dương

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Nghiêm minh kỷ luật Đảng

Nghiêm minh kỷ luật Đảng

Tác giả: NAM VIỆT

Để kỷ luật một đảng viên, nhất là bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng, các tổ chức đảng đã phải tiến hành xem xét hết sức kỹ lưỡng, không gây oan khiên cho ai nhưng cũng không để vi phạm nào bị bỏ lọt; càng không xuê xoa, dung túng.

Từ trái sang: Các ông Nguyễn Hữu Tín,Đào Anh Kiệt, Nguyễn Văn Điều bị khai trừ ra khỏi Đảng.
Từ trái sang: Các ông Nguyễn Hữu Tín,Đào Anh Kiệt, Nguyễn Văn Điều bị khai trừ ra khỏi Đảng.

Ngày 28/7/20, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, để xem xét, thi hành kỷ luật một số cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Trong đó có 3 trường hợp đảng viên vi phạm bị khai trừ ra khỏi Đảng, là các ông Nguyễn Hữu Tín (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh); Đào Anh Kiệt (nguyên Thành ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM) và Nguyễn Văn Điều (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình).

Nhìn lại từ trước tới này, ít nhất là trong vòng gần 4 năm với Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, có thể thấy số đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật bị khai trừ ra khỏi Đảng là khá lớn. Trong đó có cả những đảng viên ở cương vị cao, cả về chức vụ chính quyền lẫn chức vụ trong Đảng.

Với kỷ luật Đảng, có những mức độ khác nhau tùy theo mức độ vi phạm, nhưng với mức độ buộc phải khai trừ ra khỏi Đảng là hình thức nặng nhất.

Qua những quyết định khai trừ đảng viên vi phạm ra khỏi Đảng có thể thấy sự nghiêm khắc, nghiêm minh của Đảng, kiên quyết loại bỏ khỏi hàng ngũ những ai có những sai phạm đến độ không thể giáo dục. Họ đã đánh mất chất cộng sản, đã xúc phạm lời thề thiêng liêng trong buổi lễ kết nạp họ vào Đảng.

Để kỷ luật một đảng viên, nhất là bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng, các tổ chức đảng đã phải tiến hành xem xét hết sức kỹ lưỡng, không gây oan khiên cho ai nhưng cũng không để vi phạm nào bị bỏ lọt; càng không xuê xoa, dung túng.

Nhưng đáng tiếc, từ những vụ án đã và đang chuẩn bị đem ra xét xử thời gian qua cho thấy công tác cán bộ, công tác kỷ luật Đảng ở một số nơi đã làm không tốt. Từ đó để lọt vào đội ngũ những kẻ xấu, phá hoại từ bên trong phá ra, làm suy giảm niềm tin của xã hội vào Đảng, Nhà nước.

Vì thế trong tình hình mới càng cần phải siết chặt hơn nữa kỷ luật Đảng, sự nghiêm minh của pháp luật, mà trước hết là công tác cán bộ từ cơ sở; công tác đấu tranh phê bình ngay từ cơ sở, mà ở đây là từ cấp chi bộ. Nếu “mũ ni che tai”, lấy nhắc nhở phê bình là chính trước khuyết điểm thì cũng có thể coi là làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng, từ đó dung dưỡng mầm họa.

Từ chi bộ, công tác xây dựng Đảng  cần phải được đề cao hơn nữa, dân chủ đi liền với kỷ cương, không để sự việc âm ỉ theo chiều hướng xấu. Để rồi khi vỡ lở, không chỉ người sai phạm bị kỷ luật mà tổ chức đảng nơi người đó sinh hoạt cũng sụt giảm uy tín.

Trở lại với việc 3 cá nhân sai phạm bị khai trừ ra khỏi Đảng mới đây, hai trường hợp (ông Nguyễn Hữu Tín và Đào Anh Kiệt) thì “không có gì phải bàn” vì trước đó khá lâu họ đã đã bị Toà án nhân dân TPHCM xử phạt tù và đang chấp hành án tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Nhưng đáng chú ý là trường hợp thứ 3: ông Nguyễn Văn Điều, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Thái Bình đã vi phạm nghiêm trọng Quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương và vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia gây hậu quả rất nghiêm trọng, đã bị khởi tố hình sự. Nói là đáng chú ý vì sự sai phạm của ông này còn “mới tinh”.

Trước đó, vào tối 8/5/2020, tại thành phố Thái Bình, ông Điều điều khiển xe ôtô biển số 29A - 995.83 trên đường Trần Thủ Độ đã va chạm với một người đi xe đạp. Vụ tai nạn khiến một người phụ nữ cao tuổi bị hất văng, đập vào xe máy đang chạy cùng chiều và sau đó tử vong; người đi xe máy bị thương.

Tai nạn giao thông là không ai mong muốn, nhưng quan trọng là thái độ của người gây ra tai nạn. Thật không thể chấp nhận là sau khi gây tai nạn ông Điều tiếp tục điều khiển xe bỏ chạy hơn 3 km, cho đến khi đến khi đâm tiếp vào một cổng sắt mới dừng lại.

Như vậy là từ khi gây ra vụ tai nạn (ngày 8/5) cho tới khi chính thức Ban Bí thư ra quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Điều (thông báo ngày 28/7) thời gian chưa tới 3 tháng. Đây là vụ xử lý kỷ luật (ở khung nặng nhất đối với đảng viên, lại là người có chức có quyền) được dư luận đánh giá là nhanh, kiên quyết.

Ở đây xin không bàn thêm về tư cách của một người như ông Điều, mà muốn nói rằng dư luận hết sức ủng hộ và tin tưởng vào quy trình xử lý kỷ luật nhanh chóng, rõ ràng của Đảng.

Nếu so với trường hợp ông Nguyễn Hữu Tín và ông Đào Anh Kiệt thì càng thấy lần này kỷ luật của Đảng rất chặt, rất nhanh: ông Tín bị khởi tố ngày 18/9/2018; ông Kiệt bị khởi tố cùng ngày - có nghĩa là sự việc đã chính thức diễn ra từ 2 năm trước.

Nguyên Tổng Giám đốc Vinafood II gây thất thoát hơn 130 tỷ đồng

Nguyên Tổng Giám đốc Vinafood II gây thất thoát hơn 130 tỷ đồng

Bị can Huỳnh Thế Năng (nguyên Tổng Giám đốc Vinafood II) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

16 bị can trong vụ Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) gây thiệt hại cho công ty gần 133 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: Báo Đời sống và Pháp luật)
16 bị can trong vụ Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) gây thiệt hại cho công ty gần 133 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: Báo Đời sống và Pháp luật)

Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 16 bị can trong vụ Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) bị thiệt hại gần 133 tỷ đồng. Trong đó, ông Huỳnh Thế Năng (nguyên thành viên HĐTV kiêm tổng giám đốc Vinafood II) bị truy tố về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Nhiều bị cáo bị khởi tố

Các bị can nguyên là cán bộ Công ty Lương thực Trà Vinh bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” gồm: Trần Văn Tâm (cựu Giám đốc Cty Lương thực Trà Vinh), Nguyễn Tấn Vinh (cựu Kế toán trưởng), Phan Văn Hiệp (cựu Giám đốc Xí nghiệp Cầu Kè), Cao Minh Chiểu (cựu Kế toán), Nguyễn Nhất Thống (cựu Trưởng Phân xưởng Tân An Luông) và Cao Tấn Được (cựu Kế toán).

Các bị can bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Lê Hoàng Minh (cựu Giám đốc Xí nghiệp Càng Long), Lê Châu Giang (cựu Phó Giám đốc Xí nghiệp Càng Long), Võ Văn Sen (cựu Giám đốc Công ty CP Đại Phúc), Hồ Phú Lộc (cựu Giám đốc Công ty chế biến lương thực Thanh Nhàn), Nguyễn Thị Liễu (cựu Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đại Phúc) và Nguyễn Vĩ Long (cựu Kế toán Xí nghiệp Càng Long).

Các bị can nguyên là cán bộ của Vinafood II bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Huỳnh Thế Năng (nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam); Vũ Bá Vinh (Trưởng ban kiểm soát); Huỳnh Văn Tranh (Kiểm soát viên phụ trách chung); Trịnh Ngọc Thuận (nguyên Trưởng phòng kế toán).

Lập khống các chứng từ lấy hơn 5 tỷ đồng mua hai căn nhà

Cáo trạng xác định, từ năm 2012 đến tháng 10/2017, bị can Trần Văn Tâm (nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh) đã có hành vi chỉ đạo nhân viên cấp dưới lập hồ sơ chứng từ khống để che giấu kết quả kinh doanh thua lỗ, thất thoát tài sản của Công ty Lương thực Trà Vinh. Việc làm này đã gây thiệt hại cho Công ty hơn 128 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị can Tâm còn chỉ đạo bị can Nguyễn Tấn Vinh (Kế toán trưởng), Phan Văn Hiệp (Giám đốc xí nghiệp Cầu Kè), Nguyễn Nhất Thống (Trưởng phân xưởng Tân An Luông), Cao Tấn Được và Cao Minh Chiều (kế toán công ty) lập khống các chứng từ lấy hơn 5 tỷ đồng của Công ty Lương thực Trà Vinh để hợp thức hóa mua hai căn nhà...

Đối với ông Huỳnh Thế Năng và các cá nhân thuộc Vinafood II, cáo trạng xác định họ đã thiếu trách nhiệm, không thực hiện và thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao trong công tác kiểm tra, giám sát việc kiểm kê tài sản, lập báo cáo tài chính… để Trần Văn Tâm và đồng phạm lợi dụng thực hiện hành vi gây thiệt hại cho tổng công ty số tiền gần 133 tỷ đồng.

Cụ, do Công ty Lương thực Trà Vinh là đơn vị kinh doanh hạch toán phụ thuộc, không có vốn và tài sản riêng nên theo quy định, hàng năm Vinafood II cấp hạn mức tín dụng, bảo lãnh, ủy quyền cho Công ty Lương thực Trà Vinh vay vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh. Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Vinafood II chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm tra giám sát việc thực hiện Quy chế quản lý tài chính và các nội dung thuộc trách nhiệm quản lý.

Và để kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh và bảo toàn vốn của Công ty Lương thực Trà Vinh, Vinafood II phải thực hiện các nhiệm vụ kiểm kê tài sản lập báo cáo tài chính, thanh tra, kiểm tra, nhưng các cá nhân có trách nhiệm tại Tổng Công ty Vinafood II đã thực hiện không đầy đủ nhiệm vụ được giao dẫn đến không phát hiện được hành vi vi phạm của bị can Tâm và đồng phạm.

Trong đó, các bị can Huỳnh Thế Năng, Vũ Bá Vinh, Huỳnh Văn Tranh, Trịnh Ngọc Thuận thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm kê tài sản, kiểm tra, giám sát về tài chính kế toán, huy động và sử dụng vốn vay tại Vinafood II, dẫn đến không phát hiện ra sai phạm, tiếp tục cấp vốn bảo lãnh cho Công ty Lương thực Trà Vinh vay vốn, tạo điều kiện cho Trần Văn Tâm và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài.

Buông lỏng quản lý gây thiệt hại nhiều tỷ đồng

Cáo trạng nêu quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Năng đã không làm hết trách nhiệm trong công tác kiểm tra giám sát về tài chính, kế toán, tình hình huy động và sử dụng vốn tại Công ty Lương thực Trà Vinh.

Cụ thể, năm 2014, bị can Năng ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính, ủy quyền cho cấp dưới ký hợp đồng kiểm toán chứng kiến việc kiểm kê Công ty Lương thực Trà Vinh để kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm. Tuy nhiên, nội dung các hợp đồng này không quy định ràng buộc công ty kiểm toán phải chứng kiến đầy đủ hoạt động kiểm kê tài sản.

Do đó, công ty kiểm toán chỉ cử Kiểm toán viên chứng kiến việc kiểm kê. Kiểm toán viên không ký biên bản kiểm kê nên không phát hiện sai phạm. Việc làm này dẫn đến Tổng Công ty lương thực Miền Nam không quản lý được thực trạng tài sản của Công ty lương thực Trà Vinh. Trong khi, Công ty Lương thực Trà Vinh là 1 trong 15 đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng Công ty Vinafood II, phải lập báo cáo tài chính của đơn vị phù hợp với kỳ báo cáo của Tổng Công ty.

Từ năm 2013-2017, Trần Văn Tâm (nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh) chỉ đạo nhân viên thực hiện việc báo cáo gian dối kết quả kinh doanh nhưng Vinafood II chỉ tổng hợp các báo cáo, không giám sát lại. Bị cáo Huỳnh Thế Năng (nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam) ký các báo cáo tài chính của Vinafood II dựa trên báo cáo gian dối của Công ty Lương thực Trà Vinh nên các báo cáo tài chính của Vinafood II từ năm 2013-2016 bị sai lệch hoàn toàn về kết quả kinh doanh. Viện KSND tối cao xác định, Huỳnh Thế Năng có hành vi thiếu trách nhiệm dẫn đến Vinafood II không phát hiện được gian dối tại Công ty Lương thực Trà Vinh, gây thiệt hại cho Vinafood II 44,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, Viện KSND tối cao nhận định, các nhân viên kế toán, thủ quỹ Công ty Lương thực Trà Vinh và nhân viên thủ kho, thủ quỹ các phân xưởng, xí nghiệp trực thuộc, có hành vi ký hồ sơ chứng từ khống theo chỉ đạo của cấp trên là trái với Luật kế toán. Tuy nhiên, các cá nhân này đều không được biết động cơ, mục đích, chỉ  thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên nên cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra làm rõ để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo VOV

Phát hiện 11 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào TPHCM

Phát hiện 11 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào TPHCM

TPO - TPHCM phát hiện 11 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Những người này trú ở một chung cư tại quận Bình Thạnh.

Tối 29/7/20, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, TPHCM phát hiện 11 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép trú ở một chung cư tại quận Bình Thạnh. Cơ quan chức năng đã tiến hành cách ly và lấy mẫu xét nghiệm những người này.

Theo ông Dũng, ngoài 11 đối tượng kể trên, thời gian qua tại TPHCM phát hiện 29 trường hợp nhập cảnh trái phép. Tất cả các trường hợp này được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Phát hiện 11 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào TPHCM - ảnh 1Bệnh viện quốc tế City ở Bình Tân, nơi bệnh nhân COVID-19 đến. Ảnh Ngô Bình

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, việc nhập cảnh trái phép gây nên nhiều nguy cơ khiến công tác phòng chống dịch bệnh trở nên khó khăn hơn. Do đó, ông Dũng đề nghị người dân tuyệt đối đề cao cảnh giác và hỗ trợ ngành y tế bằng cách liên hệ với cơ quan chức năng nếu thấy trường hợp khả nghi.

Trước đó ngày 27/7, tại quận 12, cơ quan chức năng phát hiện 8 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép cùng với 1 người Việt Nam.

Trước tình trạng nhập cảnh trái phép, UBND TPHCM yêu cầu Công an TPHCM tiếp tục chỉ đạo công an địa phương quản lý chặt công tác quản lý tạm trú, tạm vắng và cư trú trên địa bàn; vận động quần chúng nhân dân thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương khi phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép trong cộng đồng để có biện pháp xử lý. Xử lý nghiêm các đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép vào thành phố (nếu có).

Bộ Công an cũng đã chỉ đạo công an các tỉnh thành tăng cường rà soát, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở lưu trú, các khu vực, địa điểm tập trung đông người nước ngoài, rà soát, xác minh các đối tượng nhập cảnh trái phép, không khai báo tạm trú trên địa bàn, phối hợp lực lượng chức năng tiến hành cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm các đối tượng nêu trên, đồng thời công khai thông tin về người nước ngoài nhập cảnh trái phép theo quy định.

Xác minh phát hiện, phối hợp xử lý các đường dây đưa người từ nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Công an các đơn vị, địa phương tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép theo quy định, đặc biệt tại các địa phương có đường mòn, lối mở, cửa khẩu...

Tính đến cuối ngày 29/7, tại TPHCM có hơn 9000 người từ Đà Nẵng vào TPHCM đến khai báo y tế. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cũng đã lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho hơn 6000 trường hợp. Con số người từ Đà Nẵng vào TPHCM đến khai báo y tế sẽ còn tăng lên nữa trong những ngày tới. Mỗi ngày TPHCM có thể lấy mẫu xét nghiệm đến 3000 mẫu.

Cuối ngày 29/7, tại TPHCM có 2 ca mắc COVID-19 là bệnh nhân 449 và bệnh nhân 450. Bộ Y tế thông báo khẩn tìm người đến 4 nơi bệnh nhân đã ghé ở TPHCM.

Cụ thể, tại Bệnh viện Triều An (425 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân) từ thời điểm 21-22 giờ ngày 21/7.

Tại Bệnh viện quốc tế City (số 3 đường 17A, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) từ thời điểm 10 giờ ngày 21/7 đến ngày 22/7.

Tại khách sạn Thanh Danh 2 (số 624 Nguyễn Chí Thanh, phường 4, quận 11) từ ngày 21/7 đến 22/7.

Tại trung tâm thương mại AEON MALL Bình Tân (số 1 đường số 17A, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) từ ngày 22/7 đến ngày 26/7.


Ca bệnh COVID-19 tại TPHCM trốn khỏi bệnh viện vì lý do 'không tiện nói'

Nói về lý do nữ bệnh nhân 450 bỏ trốn khỏi bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết trường hợp này đi khỏi bệnh viện không phải bệnh nhân sợ bệnh mà vì lý do khác 'không tiện nói'.

Cách ly 121 nhân viên y tế TPHCM tiếp xúc bệnh nhân COVID-19

Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết thêm, đã lấy mẫu xét nghiệm 121 nhân viên y tế, bác sĩ có tiếp xúc với bệnh nhân, kết quả âm tính. Hiện các trường hợp này đã thực hiện cách ly theo quy định.

Bệnh nhân COVID-19 tại TPHCM là võ sư, tiếp xúc nhiều người

Hiện TPHCM đã xác định được 104 trường hợp tiếp xúc gần, 55 trường hợp tiếp xúc xa với hai bệnh nhân COVID-19. Trong đó tại bệnh viện Chợ Rẫy có 27 trường hợp tiếp xúc gần và được xét nghiệm cho kết quả âm tính.

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

Bảo đảm an toàn khi liên lạc qua email

Bảo đảm an toàn khi liên lạc qua email

Chuyên gia của BBC trong lĩnh vực tìm kiếm thông tin trên mạng, Paul Myers, giải thích lý do vì sao các phóng viên cần nhận thức được độ bảo mật sơ sài, kém an toàn của các thiết bị mà họ sử dụng, và những việc các phóng viên cần làm để bảo vệ thông tin, bảo vệ chính bản thân mình.

Thông tin bạn lưu trong máy tính hoặc điện thoại, thiết bị di động rất dễ rơi vào tay người khác.

Có thể do bạn bỏ quên đâu đó, có thể do bị giới chức tịch thu tại chốt kiểm tra an ninh sân bay, hoặc bị lấy đi theo lệnh của tòa án, cảnh sát. Chưa kể nguy cơ bị tin tặc tấn công để lấy đi những thông tin của bạn.

Bạn cần nhận thức được tất cả các nguy cơ trên và cần biết những cách phù hợp để bảo vệ thông tin, nguồn cung cấp tin cho bạn, và bảo vệ chính bản thân bạn.

Dưới đây là một số điều bạn nên biết để bảo vệ thông tin khi liên lạc qua thư điện tử:

Email tiết lộ rất nhiều thông tin về người gửi

Việc gửi email không khác gì việc bỏ một chiếc bưu thiếp trơ trọi không phong bì vào thùng thư: ai cũng có thể đọc được nội dung.

Một email sẽ đi qua một loạt các máy tính khác nhau trước tới được địa chỉ của người nhận, và danh tính của chiếc máy tính gửi ra email (địa chỉ IP) sẽ được tiết lộ cùng với nội dung viết trong email, dòng tiêu đề và tên những người nhận thư.

Bạn cần hiểu rõ điều này khi tác nghiệp trong môi trường phức tạp, thù nghịch.

Về phần mình, bạn có thể dùng metadata (xem phần giải thích về metadata trong bài Bảo đảm an toàn khi lên mạng) trong các thư điện tử để lần ra gốc gác thư. Đôi khi ta có thể biết được vị trí gửi thư đi, công ty, tổ chức nơi người gửi làm việc, nhà cung cấp dịch vụ internet cho nơi gửi thư, ngày giờ gửi thư. Nhà cung cấp dịch vụ internet có khi còn cho biết cả nơi sống hoặc làm việc của người dùng dịch vụ.

Tất nhiên, người khác cũng có thể dễ dàng biết được những thông tin đó về bạn một khi họ kiểm tra email bạn gửi ra, nếu bạn chỉ gửi đi theo cách thông thường.

Do vậy, nếu không muốn bị phát hiện, bạn cần chọn áp dụng biện pháp thích hợp để che giấu hoặc thay đổi dữ liệu.

My laptop

Mật khẩu

Mật khẩu là thứ dễ bị khám phá ra nhờ cách tấn công 'từ điển': đối tượng có thể đoán ra mật khẩu của bạn bằng cách ghép các từ, các con số trong từ điển lại với nhau.

Vì vậy, bạn nên dùng các con số, chữ cái được lựa chọn ngẫu nhiên khi đặt mật khẩu. Để tăng độ an toàn, bạn nên đặt mật khẩu dài, khó đoán, gồm cả chữ cái, chữ số, biểu tượng và chữ in hoa.

Nên sử dụng các mật khẩu khác nhau cho các chương trình email, phần mềm khác nhau. Với các câu chuyện đặc biệt nhạy cảm, hãy tạo mật khẩu riêng, khó đoán.

Nếu ghi xuống mật khẩu đã chọn, hãy đảm bảo là chỉ có một mình bạn hiểu được nội dung đó. Không bao giờ chọn 'nhớ mật khẩu' cho các nội dung nhạy cảm khi lướt mạng.

Tuy nhiên, các cơ quan an ninh thường để ý tới các tin nhắn, email được bảo vệ kỹ càng. Cho nên đôi khi sẽ là khôn ngoan hơn nếu ta "giấu cái kim trong đống rơm", khiến cho tin nhắn của ta trôi lẫn đi trong dòng lưu lượng thông tin internet khác.

Trong một số trường hợp, gửi tin nhắn qua Facebook thậm chí còn an toàn hơn là dùng cách gửi email với các mã hóa phức tạp.

Các mạng ảo riêng tư (VPN)

VPN là các kết nối và phần mềm che giấu địa chỉ IP của bạn và mã hóa hoạt động của bạn. Chúng sẽ giúp bảo vệ an toàn cho bạn khi bạn dùng internet ở các quốc gia cấm hoạt động online.

Ví dụ như ở Trung Quốc, nhiều trang mạng bị chặn. Dùng VPN, bạn sẽ vượt qua được các hạn chế của Trung Quốc để xem thông tin trên internet.

Nếu tác nghiệp trong môi trường thù nghịch và sợ bị phát hiện, hoặc sợ việc dùng internet của bạn bị theo dõi, bạn rất nên dùng VPN.

Bạn cũng có thể dùng VPN khi vào internet, mạng xã hội và email từ điện thoại di động. Để biết cách bảo mật cho điện thoại di động, hãy xem hướng dẫn của BBC tại đây.

Phòng chống virus và malware (phần mềm độc hại)

Virus là bất kỳ cái gì có thể lây lan từ máy tính này sang máy tính khác. Thậm chí những câu chuyện hoang đường nơi đô thị cũng có thể bị coi là virus nếu được lan truyền trên truyền thông xã hội.

Malware nhằm xâm nhập sự riêng tư cá nhân, tấn công bạn bằng rất nhiều nội dung quảng cáo khác nhau, hoặc làm hư hại máy tính, thiết bị.

Malware tiết lộ không chỉ email mà còn cả các nội dung khác có trong máy như file văn bản, tin nhắn, danh bạ liên lạc, các cuộc điện thoại, việc dùng internet, và việc vào mạng xã hội của bạn.

Có những malware chuyên đánh cắp thông tin trong danh bạ liên lạc rồi mạo danh bạn gửi đi các email tới những người trong danh bạ. Tuy nhiên, malware không nhất thiết phải có khả năng lây lan sang các máy tính khác.

Một số malware có thể làm ảnh hưởng chất lượng công việc mà bạn đang theo đuổi.

Nếu bạn lưu toàn bộ các nội dung ghi chép và các số điện thoại, thông tin liên lạc cần thiết cho việc điều tra, viết tin bài trong máy tính, thì đối tượng mà bạn đang điều tra có thể sẽ nắm được hết nếu họ cài được virus hoặc malware vào máy tính của bạn.

Cách làm là họ cài đặt một công cụ tiếp cận từ xa (RAT - remote access tool), hoặc một Trojan vào máy tính của bạn.

Các RAT này xâm nhập máy tính thông qua các file đính kèm email, hoặc qua các trang mạng mà bạn vào xem nếu trình duyệt internet của bạn không được cập nhật, bằng cách lừa bạn tải về phần mềm đó, hoặc mở file đính kèm email.

Một khi máy tính bị cài đặt malware, người khác có thể nghe được bạn nói gì thông qua microphone trong máy, nhìn được bạn thông qua camera của máy, và thậm chí lần được dấu vết từng bước di chuyển của bạn từ nơi này tới nơi khác (nếu bạn mang laptop theo người).

Nếu theo đuổi một chủ đề phức tạp, nhạy cảm, bạn phải luôn cài đặt phần mềm chống virus và chấp nhận việc phải luôn sẵn sàng rơi vào các tình huống rủi ro.

Trong trường hợp điều tra một vụ rất khó, rất nguy hiểm, bạn nên cân nhắc mua một laptop mới chỉ để dùng riêng cho cuộc điều tra đó, rồi dán băng keo lên webcam của máy để tránh bị theo dõi, phát hiện.