Sau sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy, huyện Sanamsay, tỉnh Attapeu (Lào), Ban Biên tập Báo Người Lao Động nhận định vùng thảm họa có rất nhiều người Việt Nam và lập tức cử phóng viên đến hiện trường để tác nghiệp.

Nghẹt thở từng phút

Chúng tôi nhận được lệnh phải đi ngay. Từ TP HCM, nếu đi đường hàng không thì phải bay quá cảnh một quốc gia, chuyển tiếp 3 sân bay và đi đường bộ hơn 300 km mới đến vùng lũ ở huyện Sanamsay. Nếu suôn sẻ phải mất 30 giờ mới đến nơi.

Không thể chờ đợi thêm, chúng tôi quyết định ra Bến xe Miền Đông đón một chiếc xe đường dài để xuyên đêm lên cửa khẩu Bờ Y (tỉnh Kon Tum). Sau khi hoàn tất thủ tục xuất cảnh, chúng tôi đặt chân đến nước bạn với nhiều lo âu.

Lo lắng trước mắt là ngôn ngữ giao tiếp và đường sá ở vùng cần tiếp cận. Đường khó đi và thảng hoặc mới gặp một khu dân cư nhỏ. Sau nhiều lần quá giang các loại phương tiện của dân địa phương, chúng tôi tiếp cận trung tâm tỉnh Attapeu.

Vào rốn lũ Xe Pian - Xe Namnoy - Ảnh 1.

Cảnh ngập lụt trong vụ vỡ đập thủy điện tại hạ Lào tháng 7-2018

Đường vào nơi lũ chia cắt còn cách hơn 40 km nhưng theo nhận định của người dân ở đây thì vào đấy là điều không thể. Bởi nhiều đoàn xe đã vào đó nhưng đều quay trở về, vì con đường độc đạo đang bị nước cuốn nhiều đoạn.

Trực thăng được các lực lượng cứu hộ của Lào huy động để vận chuyển hàng tiếp tế và y - bác sĩ. Chúng tôi được hứa cho đi theo trực thăng nhưng chờ đến lượt là phải khoảng 2 ngày sau. Sốt ruột, lo lắng. Không ít bà con người Việt Nam đang sống ở trung tâm tỉnh gửi gắm chúng tôi khi vào bên trong làng thì hỏi thăm giùm người thân của họ, vì đã mấy ngày không liên lạc được.

Chúng tôi quyết định mượn một chiếc xe máy của một người dân Lào để tìm cách tiến sâu vào vùng lũ. Quá trình di chuyển liên tục được bà con hai bên đường khuyên nên dừng lại vì rất nguy hiểm.

Càng vào sâu, bánh xe càng lún vào bùn đất. Mưa liên tục. Không dưới 10 lần chiếc xe ngã nhào. Người đầy bùn bẩn. Hai bên đường, những căn nhà không còn nguyên vẹn, xác động vật phơi đầy trước mắt.

Vào rốn lũ Xe Pian - Xe Namnoy - Ảnh 2.

Phóng viên Báo Người Lao Động cùng đoàn cứu trợ trao nước suối, thực phẩm cho người dân trong vùng lũ

Mất gần 5 giờ, chúng tôi mới đến khu hành chính huyện Sanamsay. Hai bên đường tối om. Người dân phải đốt lửa để soi đường đi lại. Tiếng khóc, tiếng la cứ thét lên. Tiếng mọi người giục nhau đưa thi thể người chết ra khỏi bùn đất. Bầu trời chỉ thấy ánh sáng khi trực thăng bay phía trên rọi đèn xuống. Chợ Sanamsay có khoảng một nửa số tiểu thương là người Việt Nam. Họ trầm tư, lo lắng.

Khu tập kết giải cứu người có trên 1.000 dân đang vật vờ. Mỗi căn phòng ngủ chứa đến 40-50 người, chỉ vừa đủ chen lưng nhau. Thiếu thốn đủ thứ. Nhưng đến bữa ăn, họ vẫn xếp hàng trong trật tự.

Khi thấy chúng tôi, biết là phóng viên từ Việt Nam đến, một vài người dân Lào ở khu tập trung vội kéo tay chúng tôi ra phía sau nhà để giới thiệu một phụ nữ Việt Nam tên Thoa, vừa được cấp cứu. Người này thấy chúng tôi thì vội gượng dậy, nhờ quay giùm một đoạn hình ngắn để gửi về gia đình ở quê.

"Ba mẹ ơi! Chồng ơi! Em là Vy Thị Thoa, quê Thanh Hóa nè. Em an toàn nha" - dứt lời, Thoa ngã gục xuống gối. Một lúc sau, Thoa kể: "Chắc tôi là người may mắn nhất. Đêm đó, đang dọn cửa hàng thì nghe tiếng động lớn. Trong vòng 30 phút, nước ngập nhà và đẩy đi một đoạn dài. Nước chảy xiết và tôi chỉ kịp níu một cây dừa để trèo lên. Thâu đêm chỉ thấy nước bốn bề".

Chúng tôi lập tức tìm một góc nhỏ giữa khu tập trung để gửi những đoạn video này về tòa soạn. Trong khoảnh khắc ấy, tôi hy vọng người thân của Thoa xem được những hình ảnh đó đầu tiên.

Từ câu chuyện của Thoa, chúng tôi nỗ lực quần thảo trong hàng chục căn phòng tạm cư để tìm kiếm thêm những người đồng hương. Biết đâu sẽ còn những người Việt mong muốn được báo tin bình an với gia đình. Tiếng la "ai là người Việt Nam" cứ thế lan hết nơi này sang nơi nọ.

Thời điểm chúng tôi tác nghiệp, hệ thống mạng internet tại Lào gặp rất nhiều trục trặc. Việc truyền ảnh về đã gặp rất nhiều khó khăn chứ nói gì đến những thước phim. Tuy nhiên, chúng tôi đã nỗ lực hết khả năng để ghi nhận thông tin.

Tình người nơi xứ lạ

Xong việc thì đã gần nửa đêm. Chúng tôi rơi vào trạng thái đói và mệt. Xung quanh tối om, tang tóc. Không còn cách nào hơn là phải vào nhà dân Lào để xin tạm cư. Khổ là cuộc nói chuyện giữa chúng tôi và họ chỉ có thể bằng ngôn ngữ hình thể.

Một người dân tên Savongsay, dùng tay ra dấu mời chúng tôi cứ ăn ngủ tại nhà anh cho tiện công việc. Vợ anh tức tốc vào bếp nấu cơm, dọn chỗ ngủ và liên tục ra dấu tay cần gì cứ nói để vợ chồng cô giúp. Chúng tôi cảm giác như là những đứa con ở xa nay về nhà.

Vào rốn lũ Xe Pian - Xe Namnoy - Ảnh 3.

Phóng viên Báo Người Lao Động tác nghiệp tại khu vỡ đập thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy

Ngày thứ 2, chúng tôi may mắn được theo chân một đoàn cứu trợ của chính phủ Lào. Trước khi khởi hành, chính quyền đề nghị chúng tôi phải chuẩn bị thêm quần áo, thức ăn vì rất có thể sẽ bị mắc kẹt do lũ đợt 2 đang ập đến.

Chiếc xe địa hình lăn bánh vào sâu bên trong, những cảnh hoang tàn hiện ra. Hàng trăm căn nhà trơ trọi, xiêu vẹo ngâm trong bùn lầy. Nghe tiếng động cơ, hàng chục đứa trẻ bì bõm giữa bùn để chạy ra xin nhận tiếp tế. Trong số đó có 2 đứa trẻ chừng 4 và 7 tuổi đã mất cả cha lẫn mẹ do lũ 2 hôm trước cuốn trôi. Không rõ suốt 48 giờ trôi qua, chúng đã ăn uống gì để cầm hơi? 

Nước là thứ quý nhất

Có ở trong vùng lũ mới thấy nước là thứ quý giá nhất, bởi xung quanh đều ô nhiễm. Xác động vật thối rữa, mùi tử khí cứ xộc lên nồng nặc, khó thở. Không ít lần chúng tôi rơi vào cảnh máy ảnh trong tay run lên từng cơn. Hình như là nỗi sợ hãi khi chứng kiến quá nhiều người chết. Dù vậy, chúng tôi vẫn động viên nhau cố gắng truyền những hình ảnh chân thật, giàu cảm xúc nhất về tòa soạn.

Bài và ảnh: Lê Phong