Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Thanh long hữu cơ của ông Ba Tây đi Mỹ

Thanh long hữu cơ của ông Ba Tây đi Mỹ

Copy từ http://sgtt.vn/Kinh-te/161122/Thanh-long-huu-co-cua-ong-Ba-Tay-di-My.html;tin ngày 25/02/12,mục Kinh tế.


SGTT.VN - Nhà ông Huỳnh Văn Tây (Ba Tây) ở ấp Mỹ Xuân, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An cả tuần nay vừa bận rộn chuẩn bị thu hoạch thanh long vừa tiếp khách liên tục. Hay tin 12 tấn thanh long hữu cơ của ông Ba Tây được đóng thùng bán sang Mỹ, nhà nông trồng thanh long cùng huyện Châu Thành (Long An), từ Chợ Gạo (Tiền Giang) sang tận mắt xem, cả ông Nghiêm từ Bình Thuận cũng vào.


Chín đỏ trên cây
Thanh long chín đỏ trên cây


Liều thử để biết thực hư


Thế nhưng, mấy năm qua thấy diện tích thanh long ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang đều tăng quá nhanh mà tiêu thụ vẫn chủ yếu trông vào thị trường Trung Quốc với giá nóng, lạnh vô chừng, ông Ba Tây đâm lo. Ông biết nhiều công ty cũng mở được trên 20 thị trường khác cho thanh long, trong đó thị trường Mỹ “ăn hàng” nhiều, đã vượt 1.500 tấn/năm.

Vậy mà gần đây, nhiều lô hàng thanh long xuất sang Mỹ dù đã được chiếu xạ nhưng vẫn không được thông quan vì cơ quan quản lý Thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cho biết lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong trái thanh long vượt mức cho phép, làm cho việc xuất khẩu thanh long sang Mỹ ngưng trệ.


Ông Ba Tây (Bìa trái)Ông Ba Tây (bìa trái) trao đổi với các nhà vườn và bà Lê Thị Tú Anh về chất lượng thanh long hữu cơ.


Ông Ngô Xuân Nghiêm, trưởng bộ môn VietGAP của hợp tác xã dịch vụ thanh long hữu cơ Phú Hội (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) nhìn nhận dù đã vận động nông dân thực hiện quy trình GAP, bón phân hữu cơ, nhưng tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách vẫn xảy ra vì nông dân sợ khi thu hoạch trái không có vẻ ngoài đẹp.


Nghe công ty Vermitechnology ở Mỹ muốn trồng thử nghiệm thanh long ở Việt Nam bằng phân bón hữu cơ sinh học Black Casting và Vermaplex, không sử dụng thêm bất kỳ loại phân nào khác và không cả thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo thanh long hữu cơ 100%, ông Ba Tây liều thử cho vụ mùa năm nay dù hợp đồng bao tiêu chưa được ký. Thấy ông Ba Tây quyết tâm tìm “chân lý mới” cho trái thanh long Việt Nam sống trên thị trường quốc tế, công ty cổ phần Nông nghiệp GAP đã đồng hành, đưa kỹ sư theo sát quy trình thử nghiệm với ông Ba Tây.


Nghĩ ông Ba Tây dám bỏ đến 700 trụ thanh long đang cho thu hoạch bình thường để thử nghiệm trồng theo phương pháp hữu cơ, ông Chín Tranh cùng xã hơi “nhát tay” cũng trồng thử mười trụ vì muốn có cái để đối chứng thực hư.


Hai, ba ngày nữa, 700 trụ thanh long hữu cơ của ông Ba Tây mới thu hoạch xong để mang đi chiếu xạ, đúng ngày 29.2.2012, công ty cổ phần nông nghiệp GAP cho lên máy bay xuất đi Mỹ. Ông Chín Tranh hái một trái thanh long hữu cơ đầu tiên mới chín trong vườn nhà mình mang đến để mọi người thẩm định, ai ăn thử cũng nhìn nhận trái thanh long hữu cơ chắc ruột và vị ngọt đậm đà hơn.


Đã đến lúc nghĩ đến đường dài cho nông sản


Bà Lê Thị Tú Anh, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần Nông nghiệp GAP, nói: “Thử thanh long như thế mới chỉ là khẳng định chất lượng cảm quan”. Công ty mạnh dạn chi 40.000 USD tiền máy bay để lô hàng thanh long hữu cơ đầu tiên của ông Ba Tây đến Mỹ sớm nhất, có tin vui nhanh nhất về việc kiểm định chất lượng: đạt tiêu chuẩn thanh long hữu cơ vào thị trường Mỹ. Trước đây, thanh long xuất sang Mỹ thường được bán ở những nơi nhiều người Việt và người Hoa sinh sống.


Tin tưởng sự tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ của ông Ba Tây sẽ chinh phục các cơ quan kiểm nghiệm khó tính ở Mỹ, công ty Vermitechnology (ở Florida, Mỹ) đã tiếp thị dọn đường cho thanh long hữu cơ từ Việt Nam vào hệ thống cửa hàng thực phẩm hữu cơ ở New York, Florida và các tiểu bang có mức sống cao.


Ông Ba Tây nhẩm tính, chi phí ông bỏ ra để trồng thanh long hữu cơ gấp 2 – 3 lần tuỳ theo vụ thuận hay vụ nghịch, nhưng bù lại lợi nhuận vụ nghịch tăng thêm khoảng 15 – 40 triệu đồng/vụ/ha, vụ thuận có thể tăng tới 60 – 70 triệu đồng/vụ/ha. Điều quan trọng mà ông Ba Tây muốn gửi gắm đến người trồng thanh long không phải là lợi nhuận tăng thêm bao nhiêu, mà là đã đến lúc nghĩ đến đường dài cho nông sản Việt Nam nói chung và thanh long nói riêng bằng việc thay đổi tập quán canh tác, theo đúng xu hướng dùng thực phẩm hữu cơ an toàn của thế giới thì mới mong tồn tại và phát triển.


Bà Tú Anh cho biết thêm, sau khi lô hàng thanh long hữu cơ 12 tấn của ông Ba Tây được công nhận, công ty Vermitechnology sẽ yêu cầu công ty cổ phần nông nghiệp GAP tổ chức mở rộng diện tích thanh long hữu cơ 50ha ở Long An trong năm nay, cung cấp phân hữu cơ theo phương thức trả chậm cho nông dân. Thời gian đầu, các lô hàng thanh long hữu cơ vẫn bị buộc chiếu xạ. Nếu nông dân tuân thủ đúng quy trình 100% hữu cơ, thì sau hai năm không phát hiện sai sót gì, thanh long hữu cơ trên vùng trồng của Châu Thành, Long An sẽ được hiệp hội Sản phẩm hữu cơ của Mỹ thẩm định và chứng nhận sản phẩm hữu cơ (organic), được bỏ quy định chiếu xạ.


Xương rồngXương rồng


bài và ảnh: Các Ngọc


Thanh long ra hoa


Xin mời giải khátXin mời mọi người giải khát!


Xin mời giải khát


Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Thác Mai - mùa cây thay lá

Nơi có mùa cây thay lá
Copy từ http://sgtt.vn/Am-thuc-du-lich/161152/Noi-co-mua-cay-thay-la.html ;đăng ngày 24/02/12,mục Ẩm thực - Du lịch.
 
SGTT.VN - Mail cho vài người bạn xem những tấm ảnh chụp trên đường có hàng cây đang thay lá đủ màu vàng, nâu, đỏ…; dưới mặt đường là những thảm lá khô hay từng mảng hoa dại, ai cũng hỏi tôi: “Mới đi nước nào về vậy?” Ý nghĩ từ lâu trong tôi rằng “Đồng Nai có gì mà du lịch!” đã thay đổi. Tôi khoái chí khoe bạn: “Mình vừa du ngoạn thác Mai về!”
 
Giữa rừng ngắm cây thay lá
 
Nhóm bạn liệt kê những nơi hoang sơ mà dân du lịch “bụi” hay đến ở Định Quán, Đồng Nai. Nghe địa danh thác Mai – bàu Nước Sôi khá lạ, tôi đề nghị đi thử. Đến lúc này, anh Bình – một tay chuyên thiết kế du lịch “bụi” mới tiết lộ anh đã đến thác Mai vài lần. Anh kể, mai rừng mọc nhiều ở khu vực gần thác, có lẽ vậy mà có tên thác Mai.
 
Đường vào thác Mai
Đường vào thác Mai mùa cây thay lá
Chỉ hơn hai tiếng đi ôtô từ TP.HCM theo quốc lộ 20 hướng về Đà Lạt, đến ngã ba Thanh Tùng, chúng tôi đã thấy tấm bảng hướng dẫn đường vào thác Mai – bàu Nước Sôi. Để khai thác du lịch, địa phương đang mở rộng lối mòn cũ thành con đường vừa hai ôtô lớn chạy ngược chiều nhau.
 
Chỉ mất 30 phút cho 22km, nhưng đi chừng 10km đã hiện ra những hàng cây rừng hai bên đường đang thay lá với màu vàng, nâu, đỏ, xanh non chen lẫn nhau tuyệt đẹp. Trên mặt đường chưa rải nhựa, hoa dại vươn lên khoe sắc thành từng thảm bên cạnh những mảng lá khô. Bấm tấm ảnh đầu tiên, mọi người buột miệng: “Tìm đâu xa nơi có mùa cây thay lá!”. Ông Giang Văn Thuận, trưởng phòng tổ chức hành chính Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú cho biết: mùa cây thay lá từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, cũng là mùa khí hậu ở đây mát mẻ nhất. Chúng tôi thả bộ chụp ảnh, vào bàu Nước Sôi cảnh vật đã níu chân người. Cánh rừng dày ôm quanh bàu đang thay lá, đổ bóng xuống mặt nước phẳng lặng, trong như gương.
Nghe suối nhạc giữa rừng nguyên sinh
 
Đôi lần thấy mấy chú gà rừng chạy ra đứng giữa đường ngơ ngác và nghe tiếng rì rào của thác nước. Thác Mai là một trong những thắng cảnh được tạo thành khi dòng sông La Ngà lượn qua những ghềnh, bãi đá mênh mông, rồi xuyên rừng đổ ra sông lớn Đồng Nai. Ông Thuận cho biết, ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú đang quản lý 14.000ha rừng ở đây. Trong đó chiều dài sông La Ngà chảy qua địa phận lâm trường tới 40km, đi đến đâu sông hợp với rừng, với ghềnh, bãi đá tạo cảnh quan đẹp đến đó. Khu vực thác Mai đã được đầu tư cho khách tham quan là 12ha, bàu Nước Sôi 7ha.
 
Thác Mai trải dài cứ đoạn nước lững lờ như hồ, rồi lại đến đoạn nước chen lấn đổ ào; xoáy vào những tảng đá tung bọt trắng xoá. Một quần thể đá được dòng nước gọt giũa qua thời gian tạo thành những hình thù kỳ thú nối dài, trải rộng hai bên bờ hoặc kết nối ở giữa dòng. Vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thác Mai, nhóm chúng tôi nghỉ chân trên tảng đá rộng như chiếc giường đá giữa một bên là nước chảy róc rách êm tai với một bên nước chảy xiết đổ thành thác. Những cung bậc thanh âm của nước trong cảnh hoang sơ rừng nguyên sinh khiến mọi người ngây ngất...
 
Nhiều cây cổ thụ có rễ dây dài, to xoắn lại, các bạn trẻ bám vào rễ đong đưa thích thú. Ông Thuận cho biết, hết mùa cây rừng thay lá, sang tháng tư đến tháng sáu sẽ là mùa hoa rừng nở, thác Mai – bàu Nước Sôi lại đẹp ở một góc nhìn khác. Mấy năm nay, thác Mai đã trở thành nơi các đôi nam nữ chọn chụp ảnh cưới. Cả trong ngày Tình nhân, những đôi bạn trẻ cũng tìm cảm xúc tình yêu ở chốn hoang sơ, lãng mạn này.
 
bài và ảnh: Các Ngọc
 
Thác Mai – bàu Nước Sôi được bình chọn là một trong mười cảnh đẹp của Đồng Nai, hiện ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú vừa khai thác vừa bảo tồn. Vé tham quan 15.000 đồng/ người, ôtô 10.000 đồng, xe gắn máy 5.000 đồng.
Trong khu sinh thái, dịch vụ ăn uống không đầy đủ, du khách có thể ăn các bữa chính ở nhà hàng tại trạm dừng Tân Phú, cách ngã ba Thanh Tùng khoảng 30km. Thực đơn ở đây phong phú: hủ tíu, phở, bún bò Huế, bánh mì bò kho 28.000 đồng/tô; cơm dĩa 25.000 – 30.000 đồng; cơm phần 50.000 – 80.000 đồng tuỳ món. Có các món đặc biệt được chế biến từ cá trèn leo, cá lăng của sông La Ngà, rau nhíp rừng, ếch đồng hấp mướp hương…
Thức uống chỉ 8.000 – 12.000 đồng/ly. Có thể gọi điện thoại 061.3605733 đặt ăn để tiết kiệm thời gian.
 

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Bắt được cá rồng nặng gần 50kg trên sông Hậu

 

Bắt được cá rồng nặng gần 50kg trên sông Hậu

Copy từ http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120224/bat-duoc-ca-rong-nang-gan-50kg-tren-song-hau.aspx ; tin ngày 24/02/12, mục Đời sống.

Con cá rồng khổng lồ nặng gần 50kg, dài gần 1,7m được hai người dân ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long bắt được trên sông Hậu, đoạn gần khu vực công viên Bến Ninh Kiều vào tối 22-2-12.

Sau khi bắt được cá rồng, do không biết đây là loại cá cảnh quý nên hai người này đã đánh chết cá và tấp vào chợ xóm Chài (P.Hưng Lợi, Q.Cái Răng, TP Cần Thơ) bán cho người dân. Do đây là lần đầu nhìn thấy con cá rồng, có vảy to tròn, màu đỏ... nên người dân sợ không dám mua. Sau đó, con cá rồng này được hai người dân khiêng vào miếu Bà Chúa Xứ ở xóm Chài nhờ chôn.

Con cá rồng khổng lồ bắt được trên sông Hậu - Ảnh: T.Sáng

 

Sáng 23-2, nhiều người dân trong khu vực xóm Chài đổ xô về khu vực miếu Bà Chúa Xứ để tận mắt xem cá rồng khổng lồ. Nhiều người sành chơi cá cảnh hay tin cũng tìm đến với ý định mua lại. Chứng kiến cảnh cá đã chết nằm trên sân, nhiều người tiếc rẻ. Anh Nguyễn, chủ tiệm cá cảnh ở Q.Ninh Kiều, cho biết nếu còn sống, con cá rồng này có giá vài chục triệu đồng trở lên. Khoảng 10g ngày 23-2-2012, theo yêu cầu của nhiều người dân, ban quản lý miếu Bà Chúa Xứ đã mang cá rồng đi chôn.

Theo Tuổi Trẻ

 

Xăng dầu lại tiếp tục vượt biên

Copy từ http://sgtt.vn/Cac-cuoc-thi/161143/Xang-dau-lai-tiep-tuc-vuot-bien.html;tin ngày 24/02/12,mục Sự kiện ảnh.

Xăng dầu lại tiếp tục vượt biên

SGTT.VN - Từ đầu năm 2012 đến nay, một số tuyến biên giới tỉnh An Giang, Tây Ninh tái xuất hiện tình trạng buôn lậu xăng dầu qua Campuchia.

Vận chuyển xăng dầu bằng vỏ lãi để vượt biên.

 

Đối tượng vận chuyển chủ yếu là cư dân biên giới, vận chuyển nhỏ lẻ bằng xe máy, chở can nhựa từ 200 – 300 lít/chuyến, đi bằng đường mòn. Chị Nguyễn Thị Xuân, ở thị trấn Long Bình huyện An Phú, An Giang, thuê đất làm lúa ở Campuchia cho biết: “Campuchia đang khan hàng trong khi nông dân cần xăng để phục vụ thu hoạch và vận chuyển lúa mùa. Do đó, nhiều người vận chuyển xăng sang Campuchia bán kiếm lời”.

Theo Quản lý thị trường Tây Ninh, hiện giá xăng và dầu diesel trong nước và Campuchia chênh lệch khoảng trên 2.000 đồng/lít (giá bán lẻ), nên tình hình buôn lậu mặt hàng này có chiều hướng gia tăng.

tin, ảnh: Lê Hoàng Yến – T.H

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Những thiên đường hoa đẹp mê đắm


Những thiên đường hoa đẹp mê đắm
Copy từ http://laodong.com.vn/Doi-song/Nhung-thien-duong-hoa-dep-me-dam/46948.bld ; tin ngày 22/02/12, mục Đời sống; 10 ảnh.
Sắc tím mộng mơ của oải hương, màu vàng rực rỡ của hoa cải hay màu trắng tinh khôi của hoa cúc dại.... mỗi cánh đồng hoa lại mang một vẻ đẹp riêng khiến bất cứ ai khi lạc bước vào cũng có cảm giác như đang lạc vào cõi thần tiên.
Hoa oải hương trên dãy Alpe - Lavender field on Alpe - Explored
Ảnh 1:Hoa oải hương trên dãy Alpe - Lavender field on Alpe

Ảnh 2: Provence - thành phố cổ kính nằm ở đông nam nước Pháp chính là thiên đường của hoa oải hương. Vào khoảng tháng 6, những cánh đồng hoa bắt đầu khoe sắc tím ngắt cũng là lúc khách du lịch tìm đến với xứ sở oải hương lãng mạn Provence.

Cánh đồng tình yêu - Love field
Trên những thung lũng của dãy An-pơ nổi tiếng, có những cánh đồng hoa bạt ngàn. Dừng chân giữa cảnh thiên nhiên phóng khoáng, trải dài tầm mắt đến tận chân trời. Không gian tràn đầy mùi hoa oải hương - hoa của tình yêu, lồng lộng từng cơn gió. Sau những ngày chật chội nơi thành phố, thật sảng khoái khi đến chốn này.

hoa oai huong
Bình minh trên đồi Oãi hương.

hoa oai huong dep tuyet
Bình minh trên đồi Oãi hương tuyệt đẹp.

Hokkaido

Hokkaido Flowers
(Ảnh trên laodong.com.vn không hiện ra - mình thế bằng ảnh trên trang flickr - không biết có hợp vời lời bình không?)  Nét quyết rũ của Hokkaido là những thảm hoa bảy sắc cầu vồng. Nằm ở tận cùng phía bắc Nhật Bản, mỗi dịp hè đến, vùng đất này lại chuyển mình khi rất nhiều loài hoa đua nhau khoe sắc. Ngoài hoa oải hương, Hokkaido còn có những cánh đồng hoa anh túc, hoa cải dầu, hoa đậu Lupin, hoa loa kèn, hoa hướng dương, hoa xô đỏ..

Hokkaido Foliage
Hokkaido Foliage, by AJ Brustein/flickr.
Tulip, Hà Lan
Holland
Holland Amsterdam :Xứ sở hoa Tulip : những vườn hoa, cánh đồng hoa Tulip trải dài khắp mọi nơi, Hà Lan còn có những lễ hội hoa và sở hữu vườn hoa lớn nhất thế giới Keukenhof.

DSCN4799
Hà Lan còn có những lễ hội hoa và sở hữu vườn hoa lớn nhất thế giới Keukenhof.

Hoa hồng Bulgaria
Hoa hồng
Ảnh 5: Dù không phải là quê hương của loài hoa hồng nhưng ngày nay, hoa hồng đã nở rộ khắp đất nước Bulgaria với hàng nghìn loài khác nhau.

Hoa cải dầu, Menyuan, tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc

Ảnh 6: Khoảng tháng 7 hàng năm là thời điểm hàng triệu mẫu hoa cải dầu nở vàng óng ả, làm sống dậy cả vùng núi hoang sơ.

Hoa hướng dương, Ấn Độ


Hoa cúc dại, Amsterdam, Hà Lan
Hoa cúc dại

Carlsbad, Mỹ
Hoa mao lương ở Carlsbad
Ảnh 9: Mỗi luống hoa một sắc màu khiến du khách không thể không dừng chân khi ghé qua vùng nông trại nổi tiếng với những cánh đồng hoa mao lương ở Carlsbad, thuộc thành phố San Diego.

Hoa anh túc, Worcester, Anh
Hoa anh túc
Ảnh 10:

Linh Nhi (Ảnh: Xinhuanet)

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Xin chữ đầu năm

Copy từ http://sgtt.vn/Cham-cham-ma-cuoi/158567/Xin-chu-dau-nam.html

Xin chữ đầu năm

SGTT.VN - Uống càphê xong, mời ông tới nhà tôi xem chữ!

– À, vậy ra tết vừa rồi ông cũng đi xin chữ về treo. Ông xin chữ “Nhẫn”, “Tâm”, hay “Đức”, “Phúc”?

 

Phố Câu Đối

Ảnh minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật

 

– Mấy chữ đó xưa quá, lạc hậu rồi. Tôi xin chữ “Fú”.

– “Phú” chứ, sao ông phát âm thều thào như người rụng răng vậy?

– Không phải “Phú” mà “Fú”, tôi yêu cầu ông đồ viết F thay cho Ph. Vì thời bây giờ muốn giàu phải có chút yếu tố nước ngoài, với lại cũng nên học tập đám trẻ pha tiếng tây cho nó teen, ông ạ!

– Ờ, phải công nhận bây giờ ai cũng chỉ muốn có tiền, muốn được giàu có, thậm chí giao tiếp với thần thánh, trời Phật, tiền nhân gì thì người ta đều dùng đến tiền bạc. Chữ “Fú” của ông đắt thật, nghĩ mà tủi cho hai chữ của tôi...

– Ông xin chữ gì?

– “CK”.

– Hỏng! Chăm chăm xài hàng hiệu thì làm sao giàu nổi?

– “CK” đây là viết tắt của từ “cần kiệm”. Tôi muốn răn mình năm nay phải thắt lưng buộc bụng hơn nữa để mong đối phó với khủng hoảng kinh tế còn lan rộng.

– Nhưng vì sao phải viết tắt?

– Đã cần kiệm thì phải viết tắt cho nó đỡ tốn giấy tốn mực, tốn thù lao trả thầy đồ chứ sao nữa. Ờ, giờ mới thấy nhờ viết tắt mà hai chữ của tôi còn có thêm một công dụng nữa, đó là nếu năm nay giá cả tiếp tục leo thang, giao thông tiếp tục rối ren, trị an tiếp tục bất ổn... thì tôi sẽ mượn cái chữ “Fú” của ông về gộp với hai chữ “CK” của tôi...

– Thành cái giống chi?

– Thế mà cũng đòi nói tiếng tây. Gộp lại, nó sẽ thành cái từ có thể xả bớt stress khi bực bội!

Người già chuyện

 

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

Thương hiệu Agribank bị tổn hại

Thương hiệu Agribank bị tổn hại
Copy từ http://www.baomoi.com/Thuong-hieu-Agribank-bi-ton-hai/126/7802760.epi; 2 ảnh; đăng khoảng cuối tháng 01/2012, mục Kinh tế-Tài chính.
(Petrotimes) - Tham ô, chiếm đoạt tài sản vốn là câu chuyện đạo đức cá nhân. Tuy nhiên khi nó được đặt trong một tập thể, một thương hiệu thì hành vi ấy sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp, thậm tổn hại ngay uy tín của thương hiệu ấy.
Và, đó có phải là câu chuyện của thương hiệu ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Agribank sau những “scandal” tham ô, chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng gây sửng sốt trong dư luận thời gian qua?
Giao dịch tại Ngân hàng Agribank.
Ngày 29/1/2012 vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội vừa kết thúc điều tra vụ án “tham ô tài sản, đánh bạc, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mỹ Đức (Agribank Mỹ Đức) Hà Nội, đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố 6 bị can thuộc cán bộ của Agribank Mỹ Đức.
Do thua cuộc bóng đá quá nhiều, các bị can này đã quyết toán khống hàng trăm sổ tiết kiệm của khách hàng chiếm đoạt 46 tỉ đồng. Đây không phải là lần đầu cán bộ một chi nhánh của Agribank tham ô, chiếm đoạt tài sản người dân và số tiền 46 tỉ của người dân ở Mỹ Đức mất đi do hành vi tham ô ấy là con số rất nhỏ nếu so với sai phạm nghiệm trọng của Công ty cho thuê tài chính 2 – một công ty con của ngân hàng Agribank trong năm qua. Sai phạm của Công ty cho thuê tài chính 2 gây thất thoát một số tiền khổng lồ là 3000 tỉ đồng tiền ngân sách của nhân dân đóng góp nhằm xây dựng đất nước.
Nhắc đến câu chuyện về Công ty cho thuê tài chính 2, kết quả kiểm toán Công ty này thực sự là một câu chuyện rùng rợn về sự tàn nhẫn của những cán bộ kinh doanh trong việc sử dụng đồng tiền của nhân dân.
Chỉ là một công ty con của ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhưng trong một năm 2009, đơn vị kinh doanh này có thể thua lỗ được tới 3000 tỉ đồng, tương đương với tổng thu nhập trung bình của hơn 10 vạn người Việt Nam trong suốt một năm ròng đổ mồ hôi, sôi nước mắt.
Lê Văn Hiển (Trưởng phòng kế toán ngân quỹ Agribank Mỹ Đức); Lê Quang Khải, Nguyễn Thanh Hải (đều là nhân viên giao dịch Agribank Mỹ Đức)
Số tiền khổng lồ này đã biến mất theo con đường nào? Sự dốt nát của những người quản lý doanh nghiệp? Hay sự quay lưng của vận may trên thương trường? Nếu đó là đường đi của 3000 tỉ đồng, người dân đóng thuế nuôi ngân sách có thể sẽ cảm thấy nhẹ lòng hơn trước sự mất mát này. Song, kết quả kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước công bố năm 2011 không phải một liều thuốc giảm đau!
Theo kết quả kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước, trong số rất nhiều sai phạm của Công ty cho thuê tài chính 2 như huy động vốn sai nguyên tắc, vô trách nhiệm trong khâu thẩm định hồ sơ khách hàng… thì những hợp đồng mua bán khống mới thực sự bộc lộ sự vô trách nhiệm đến nhẫn tâm của doanh nghiệp này đối với tài sản của nhân dân.
Chỉ riêng với hợp đồng mua một chiếc xe cẩu trị giá 65 tỉ đồng, công ty này đã gây thiệt hại tới 33 tỉ đồng khi giá thị trường của chiếc xe này chỉ có 32 tỉ đồng. Không những thế, hàng ngàn tỉ đồng đã được doanh nghiệp này chi ra chỉ để mua… vịt trời.
Đó là những hợp đồng mua dây chuyền sản xuất, mua những con tàu biển đã được giải ngân mà không hề thấy mặt mũi ở đâu. Thật khó để tưởng tượng điều gì khiến cho những con số tiền tỉ lại dễ dàng bị ném qua cửa sổ theo cách đó.
Cho thuê tài chính không phải là một ngành kinh doanh mới mẻ và xa lạ. Các quy chuẩn, nguyên tắc kinh doanh trong lĩnh vực này đều đã được quy định cụ thể và rõ ràng. Vì vậy, không thể coi số tiền lỗ 3000 tỉ kể trên là kết quả của sự ngu dốt thuần túy của ban lãnh đạo doanh nghiệp này khi mà tất cả những nguyên tắc tài chính sơ đẳng nhất cũng đã bị bỏ qua một cách “hồn nhiên”.
Đặc biệt, họ đều là những cán bộ ngân hàng, được đào tạo bài bản về nghiệp vụ tài chính. Và cho dù ban giám đốc công ty tài chính 2 không biết gì về nghiệp vụ tài chính đi chăng nữa thì “nó lú chú nó cũng phải khôn” như dân gian vẫn nói.
Tuy nhiên, cơ quan chủ quản của doanh nghiệp này là Agribank lại không hề “nhìn” ra những nguy cơ thua lỗ do cách làm ăn đó. Ngay cả khi dư nợ cho vay của Công ty cho thuê tài chính 2 đã vượt 1.600 tỉ đồng, công ty vẫn được Agribank bảo lãnh cho vay vốn tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam 400 tỉ đồng với mục đích trả nợ cho ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Và cho dù việc trả nợ chẳng hề được thực hiện, Agribank vẫn bình chân như vại, chẳng hề tỏ ra lo lắng, hay băn khoăn. Điều này cho thấy, quá trình kinh doanh theo kiểu động đâu lỗ đấy của Công ty cho thuê tài chính 2 hoàn toàn nằm trong sự dữ liệu của công ty mẹ là Agribank.
Điều kỳ lạ hơn, dù hạn mức bảo lãnh của Agribank để Công ty cho thuê tài chính 2 vay tiền của Bảo hiểm xã hội là 400 tỉ đồng, song Bảo hiểm xã hội vẫn sẵn sàng cho vay tới hơn 1000 tỉ đồng! Rõ ràng, đây không phải là vấn đề quản lý yếu kém của các doanh nghiệp Nhà nước, mà câu chuyện cho thấy những đồng tiền xương máu của người dân đã được đưa đường chỉ lối để biến mất một cách dễ dàng. Vật chất không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi. Đồng tiền cũng thế! 3000 tỉ đồng của nhân dân cũng không hề tự nhiên mất đi. Nó được chuyển hóa thành những phi vụ kinh doanh lỗ vốn và dĩ nhiên ai đó có lãi.
Đó là câu chuyện rùng rợn của Agribank năm vừa rồi, còn năm nay là câu chuyện của một hành vi gian manh, tráo trở của 6 cán bộ chi nhánh Mỹ Đức, họ chẳng khác nào là những kẻ cướp của người dân ngoài đường. Cả 6 bị can trong vụ việc dùng trang mạng IBET chơi cá độ những trận túc cầu lớn nhỏ khắp thế giới.
Ban đầu trò đỏ đen mang về cho họ một số tiền thắng cược không nhỏ nhưng rất nhanh sau đó vận đen kéo đến, có khi một tuần thua 3 tỉ đồng. Do thua quá nhiều, họ bàn nhau làm thủ tục tất toán khống tiền gửi tiết kiệm của khách. Họ quyết toán khống trên máy tiền gửi 177 sổ tiết kiệm của khách hàng, chiếm đoạt gần 46 tỉ đồng gồm cả tiền gốc và lãi. Hành vi ấy chẳng khác nào một kẻ lưu manh ăn chơi túng thiếu rồi sinh ý định đi ăn cướp để trả nợ, tiêu xài!
Việc tham ô 46 tỉ đồng do thua cá độ bóng đá của cán bộ Agribank Mỹ Đức hay việc làm thua lỗ tới 3000 tỉ đồng của Công ty cho thuê tài chính 2 không chỉ là câu chuyện của đạo đức cán bộ, câu chuyện quản lý. Đó là câu chuyện rùng rợn về sự nhẫn tâm của con người đối với đồng loại.
Sự chuyển hóa của những khoản tiền khổng lồ thông qua những phi vụ kinh doanh lỗ như Công ty cho thuê tài chính 2 vốn khiến cho rất nhiều điều nghịch lý bỗng trở nên dễ hiểu. Đó là người ta sẽ không còn ngạc nhiên khi ở một đất nước vào hàng nghèo nhất thế giới mà lại trở thành thị trường tiêu thụ hàng xa xỉ tiềm năng. Và đó cũng là đất nước mà những ngôi nhà triệu đô thường được bán trao tay. Uy tính thương hiệu Agribank đã phải trả giá rất đắt cho những “sự cố” như thế. Song, rõ ràng Agribank chỉ là một cái tên gọi, nó chẳng có lỗi gì, tất cả là ở con người. Người tốt làm nó được nhân dân tin tưởng, kẻ xấu làm nó lụi tàn, thế thôi!
Lê Trúc