Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Mùa phượng hẹn về

 

Mùa phượng hẹn về

GD&TĐ - Ngọn gió biển mơn man xua tan cái nóng nực của buổi chiều hè. Xa xa, cây phượng vĩ xòe những chùm hoa lửa trên con đường về Bến Thốc, Đồ Sơn, nơi sắp diễn ra hội nghị khoa học do Bộ tổ chức.
Mùa phượng hẹn về

Những cánh phượng rơi đầy lối vào cổng hội trường gợi cho Hồng bao ký ức một thuở sinh viên. Đang lan man với bao suy nghĩ, chợt sau lưng có tiếng gọi: “Hồng!”.

Giật thột mình, Hồng quay người lại. Người đàn ông có khuôn mặt chữ điền, da hơi sạm nắng, mắt đeo kính đen, gọng vàng nhìn Hồng trân trân. Thoảng qua phút chốc ngỡ ngàng, Hồng thốt lên: “Anh Vũ!”. Hai người đưa ánh mắt nhìn nhau giây lát, rồi lặng im sóng đôi trong dòng người lần lượt tựu về.

Đêm, trăng thượng tuần nhạt nhòa trong ánh điện lung linh trên Bến Thốc. Vũ và Hồng ngồi bên gốc phượng già đang nghiêng mình xòa mái tóc xanh. Bóng hai người đổ dài trên mặt biển. Thỉnh thoảng những con sóng xô bờ làm cho bóng hai người hòa vào nhau lung linh.

Ngọn gió hây hẩy, làm cơ thể sảng khoái sau một ngày vất vả đường trường. Những cánh phượng hồng lả tả trên bờ vai xua tan không khí im lặng. Vũ nhìn Hồng cất tiếng: “Em ổn chứ! Hiện nay em công tác ở đâu?”. Nhìn vào xa xăm, tiếng Hồng như trầm lắng: “Em ổn! Hiện tại em làm quản lý của một trường trung học cơ sở ở Tây Nguyên. Còn anh?”. “Anh hiện là giáo viên trung học cơ sở huyện nhà”.

Tiếng sóng êm ả trong đêm đang dìu dặt vỗ về bờ đá như đánh thức nỗi lòng của hai người. Bến Thốc không xô bồ, ồn ào của đô thị, nó mang âm hưởng của một miền quê thanh bình, gợi lại trong tâm trí hai người những kỷ niệm một thời xa xưa. Vũ nhìn Hồng. Tuy hơi gầy, tóc lưa thưa sợi bạc nhưng Hồng đang còn sở hữu một vẻ đẹp thuần khiết của người con gái phố thị.

*

Vai lỉnh kỉnh ba lô, tay xách túi, đôi guốc cao gót vô tình làm Hồng vấp vào hòn đá nhô lên. Chân đau nhói, mặt đang nhăn nhó. Gặp Vũ cùng đường, anh mang dùm ba lô cho Hồng. Một nụ cười cảm ơn nở trên đôi môi của cô. Vũ nhìn Hồng với ánh mắt đầy thiện cảm: “Không sao là tốt rồi!”.

Hồng khập khễnh theo Vũ rảo bước về nhập học trường sư phạm tỉnh. Vũ học khoa Văn, phòng nội trú của anh đối diện khoa Toán của Hồng. Hằng ngày ngoài giờ lên lớp hai người thỉnh thoảng gặp nhau nơi nhà ăn tập thể. Hồng nhỏ nhắn, hơi dong dỏng, miệng luôn nở cười tươi, mắt tròn xoe cũng có duyên. Ánh mắt hai người đang tìm kiếm nhau như để hò hẹn.

Buổi chiếu phim trên sân trường đã kết thúc. Mọi người lần lượt ra về. Vũ chần chừ nán lại đến gần Hồng cất tiếng “e hèm” như để tạo sự chú ý của cô. Hồng thấy Vũ, lòng cô rạo rực. Thời gian như chững lại. Bên tai Hồng thoảng nghe tiếng thầm thì: “Chúng mình đi chơi nhé”.

Một loáng sau, hai người đã kề bên nhau dưới gốc phượng già, bên hồ cá của trường. Ngồi bên Vũ, Hồng nhìn anh với ánh mắt thân thiết, như còn đó hình ảnh hôm gặp nhau trên đường đến trường. Cô lắng nghe Vũ kể chuyện về quê anh. Quê Vũ nằm bên con sông Rào Đá. Những mái nhà lá đơn sơ nép mình bên gốc cây sung nếp, đổ bóng xuống dòng sông như bức tranh thủy mặc.

Trên bến là con thuyền nhỏ, mui thuyền lợp bằng lá cọ. Đêm đêm Vũ cùng bố khua nhẹ mái chèo buông lưới, thả câu. Những đêm gió mát, trăng thanh, ngồi trên thuyền ngắm trăng. Ánh trăng soi bóng lung linh như ai đánh rơi chiếc đĩa khổng lồ trên mặt nước trong xanh. Vào mỗi mùa sim chín, khu đồi sau nhà Vũ đầy quả tím ngắt, tròn vo. Mới cắn, vị ngọt đã thấm vào từng tế bào nơi cuống họng.

Chiều về những đàn trâu đủng đỉnh, trên đê. Tiếng mỏ lốc cốc, đều đều như đang kéo hoàng hôn xuống núi. Hồng như bị mê hồn tới miền quê mà cô đang tưởng tượng ra. Một khung cảnh nên thơ. Và ước một ngày sẽ được đến nơi đây. Buổi gặp gỡ đầu tiên đã để lại cho Hồng một tình cảm luyến lưu.

Giọng nói của người con trai vùng núi thật thà, mộc mạc đang kéo Hồng gần gũi với Vũ hơn. Còn Vũ, anh thao thức không ngủ. Sự dịu dàng, thùy mị của Hồng như đang rẽ lối vào trái tim anh.

Những tối thứ Bảy, Chủ nhật bạn bè đi chơi, xem phim, đôi trai gái lại hẹn nhau bên gốc phượng thân quen. Hai người trao đổi kiến thức về những môn học chung. Tuy học toán nhưng Hồng cũng bàn luận về kiến thức văn, thơ với Vũ hết sức sôi nổi như chính cô là sinh viên khoa Văn vậy.

Hồng thích bài thơ “Hoa lúa” của Hữu Loan và cất giọng: “…Em mang nguồn ân ái/ Căng ngực trẻ hai mươi/ Và trong mắt biếc nhìn anh/ Em gái quê si tình/ Chưa bao giờ được yêu đương trọn vẹn...”.

Vũ tròn xoe mắt lắng nghe từng lời thơ như nỗi lòng người bạn gái đang tỏ tình. Tuy Hồng học toán mà hồn thơ cháy bỏng yêu thương. Cảm xúc trào dâng, Vũ ôm chầm lấy Hồng, vội vàng đặt một nụ hôn lên má: “Anh yêu em”. Hồng không phản ứng gì, cứ để vòng tay anh bên vòng eo thon thả, nhìn Vũ nhỏ nhẹ: “Đừng anh! Chúng mình còn phải học đã!”.

Vốn là một chàng trai rụt rè, vậy mà hôm nay không biết ma lực nào đã xúi giục anh thức dậy bản năng con trai. Nghe Hồng nói vậy, Vũ vội rụt tay về, ngượng nghịu nhặt hòn sỏi ném xuống hồ cá, miệng ấp úng: “Nhưng tình cảm anh dành cho em là thật”. Gió như ngừng thổi, cây phượng tỏa bóng im lìm đang chứng kiến nụ hôn đầu Vũ trao cho Hồng.

Thi tốt nghiệp xong, Hồng đưa Vũ về thăm nhà như để ra mắt chàng rể tương lai. Nhà Hồng ở thị xã Đồng Hải cách trường gần chục cây số. Căn nhà hai tầng với những giàn hoa hồng leo tuyệt đẹp, đậm hương đang nở rộ. Chậu hoa ngọc hân rực rỡ sắc màu với những chùm hoa trên đỉnh, xinh xắn trước sân nhà.

Những chồi hoa thanh anh li ti đang cựa mình trong ngọn gió mùa hạ. Vũ như ngây ngất trước vẻ đẹp của những loài hoa mà anh chưa bao giờ nhìn thấy. Vũ đảo mắt nhìn quanh. Cạnh hiên nhà, những dải hoa đo đỏ của cây lộc vừng rủ xuống như kết đèn dây trang trí nơi công viên. Phía dưới cây lộc vừng là hòn non bộ.

Dòng suối nhân tạo đang róc rách như chào đón hoàng tử xa lạ bước vào một vương quốc thần tiên. Trong nhà, bộ bàn ghế, tủ quần áo bóng lộn màu vecni làm cho Vũ choáng ngợp. Ngồi trên bộ ghế sa-lông soi cả hình người, cầm ly nước thủy tinh sáng như pha lê mà tay Vũ cứ run run.

Bố Hồng đi làm, chỉ có mẹ ở nhà. Vũ đứng dậy lễ phép cúi chào bà. Mẹ Hồng khoảng trên bốn chục tuổi, duyên dáng với bộ đầm trông còn trẻ lắm. Những nét duyên trên thân thể bà và con gái như làm một.

Sau bữa cơm, cả nhà quây quần, bố Hồng nhìn mọi người một lượt: “Các con có điều gì muốn nói thì cứ mạnh dạn trình bày”. Hồng nháy mắt ra hiệu cho Vũ. Mặt Vũ đỏ lựng như gấc, anh e dè cất tiếng ấp úng: “Dạ! D… ạ”. Nói xong Vũ vò đầu, vò tai không biết nói gì thêm.

Thấy tình thế khó xử, Hồng góp vào: “Dạ thưa bố, mẹ! Hai đứa chúng con đã tìm hiểu và yêu nhau. Giờ đã ra trường xin báo cáo với bố mẹ biết. Và cho gia đình anh Vũ qua lại kết tình thân với nhà ta ạ”. Lấy hết can đảm, Vũ cất tiếng: “Dạ! Thưa hai bác chúng cháu yêu nhau thật lòng”. Như trút được gánh nặng, Vũ thở phào như lần đầu lên bục giảng.

Mẹ Hồng nhìn Vũ, rồi nhìn chồng thăm dò: “Cháu đã suy nghĩ kỹ chưa? Hồng nhà bác là lá ngọc cành vàng, e không hợp với cháu đâu. Kết bạn thì được chứ yêu đương là bác không đồng ý đâu. Cháu đi tìm đám khác thì hơn. Hồng nhà bác có bao nhiêu đứa con nhà qúy phái đeo đuổi nó”.

Bố Hồng lên tiếng: “Cái bà này nói gì vậy. Yêu đương là quyền của các con lựa chọn. Theo bác, cháu về nói bố mẹ xem ngày nào tốt lành về đây chơi, hai gia đình chuyện trò, tâm sự”. Vũ về rồi, mẹ kêu Hồng vào nhà. Mặt bà đăm đăm, khó chịu: “Thằng ấy là bạn trai con đó hả? Không hợp đâu con. Cái thằng quê mùa, nơi khỉ ho cò gáy. Mày lấy nó về để cạp đất à! Cả thành phố này thiếu gì con nhà quý phái, giàu có mà con đâm đầu vào đứa kiết xác mồng tơi”.

“Con với anh Vũ yêu nhau thật lòng. Anh Vũ là người tốt, học giỏi. Mà làm vợ anh ấy thì đã sao!”. “Không được. Mẹ cấm, mẹ đã dạm cho con một đám “môn đăng hộ đối” rồi. Mày mà lấy thằng Vũ thì đừng nhìn mặt mẹ. Không nghe lời là mẹ chết cho mày coi”.

Vũ thờ thẫn kém ăn, ít ngủ. Tâm trí anh chao đảo. Những lời nói của mẹ Hồng như xoáy vào can ruột anh, như con dao đang cứa vào sợi dây tơ duyên giữa anh và Hồng mà lâu nay hai người đã tạo dựng.

Thấy tâm trạng của con không được tốt, bố Vũ nhìn con thăm dò: “Bố thấy con mệt mỏi! Hay bị hỏng tốt nghiệp rồi hử? Anh mà thi rớt là không xong với bố đâu nhé. Bố mẹ nghèo khổ, nhịn ăn nhịn mặc cho anh mấy năm ăn học, bây giờ trả công cho bố mẹ như vậy là anh đừng nhìn mặt bố đấy!”.

Vũ lẳng lặng không trả lời bố. Lòng anh rối bời như tơ vò. Không biết tình yêu của anh với Hồng thật hay ảo. Hồng có yêu anh thật lòng không. Tại sao mẹ Hồng lại nói những lời làm tổn thương mình như vậy. Bao nhiêu câu hỏi cứ giày vò tâm trí anh.

Một ngày đẹp trời, nguyện theo ý con, bố mẹ Vũ đánh tiếng về nhà Hồng chơi. Nhưng khi vừa đến ngõ đã nghe tiếng ồn ào trong nhà. Hóa ra lúc sáng sớm, mẹ Hồng uống thuốc ngủ, giờ bà mê man. Người nhà đang cuống cuồng gọi xe đưa bà đi bệnh viện.

Biết mẹ Hồng làm vậy để phản đối con gái, mẹ Vũ khuyên: “Thôi con ạ! Đám này không hợp với con đâu. Về nhà mẹ tìm cho đám khác”. Vũ buồn lắm. Không ngờ mọi sự việc lại phức tạp lên như vậy. Biết làm sao đây. Mấy hôm rồi sao không thấy tin tức gì của Hồng cả?

Đang lan man với bao day dứt, Vũ nghe tiếng mẹ: “Vũ ơi! Con ra xem ai đến đây này”. Mẹ Vũ đi trước, tay xách làn, theo sau là một cô gái dắt chiếc xe đạp phượng hoàng, nước sơn bóng loáng, tiếng líp kêu tanh tách. “Hồng”. Vũ chạy đến cất tiếng gọi to.

Chiếc thuyền đưa hai người xa bến. Ánh trăng non lờ mờ cũng đủ soi rõ khuôn mặt rạng rỡ của Hồng. Mái chèo nhè nhẹ đưa đến gốc sung già bên bến sông, Vũ dừng lại buộc thuyền.

Ngồi trong khoang thuyền, Hồng tựa đầu bên vai Vũ nhỏ nhẹ: “Quê anh đẹp lắm. Sông nước hữu tình, hiền hòa như con người làng quê anh vậy. Mong một ngày không xa em sẽ là cô dâu của bến sông này. Ngày đi dạy học, đêm về cùng nhau thả lưới, du ngoạn trên sông”.

Vũ không nhìn Hồng, cất tiếng khô khan: “Em mơ mộng quá. Anh làm gì có diễm phúc ấy! Nhà anh nghèo, không xứng với em đâu. Như mẹ em nói, em còn có bao chàng trai quý phái, giàu có đang đợi… Thôi! Chúng mình chia tay đi”. “Anh nói gì vậy Vũ. Anh không tin tình yêu chúng mình sao? Em yêu anh thật lòng, không có gì có thể ngăn cản nổi. Em sẽ chứng minh điều đó”. Nói rồi Hồng ôm chặt Vũ đặt lên môi những nụ hôn nồng thắm. Vũ đón nhận những nụ hôn của Hồng với cảm xúc trào dâng.

Anh đáp lại Hồng bằng những nụ hôn ngây ngất. Cảm giác đê mê trên cơ thể hai người. Dưới ánh trăng huyền ảo thân thể nõn nà của Hồng gợi cho Vũ những xúc cảm mãnh liệt. Vũ cởi áo. Bộ ngực vạm vỡ của người con trai đang lồ lộ trước mắt Hồng.

Hồng nằm xuống nhắm mắt chờ đợi, một cảm giác hưng phấn tột độ mà lâu nay cô chưa từng có. Bỗng nhiên, Vũ mặc lại áo, kéo Hồng ngồi dậy. Không! Mình không thể… Mình làm điều này rồi sẽ làm khổ Hồng mà thôi. Cảm giác xấu hổ, buồn tủi, hụt hẫng, cô ôm Vũ khóc nức nở.

Cầm tờ quyết định lên công tác tại trường nội trú huyện, Vũ cứ nghe văng vẳng tiếng bố bên tai: “Liệu bề công tác tốt. Chuyện lấy vợ, bố sẽ tính. Bố đã uống rượu thề với người ta rồi. Con biết phong tục quê ta và biết tính bố rồi đó. Con không hợp với Hồng đâu. Tình yêu là tình yêu, hôn nhân là hôn nhân. Ngày tháng sẽ qua đi. Mọi thứ sẻ ổn”.

Hồng về dạy thành phố, nơi ngôi trường đầy đủ phương tiện. Bố Hồng đã sắp xếp cho cô. Cuối tuần, Hồng đạp xe lên thăm Vũ. Vũ thường xuyên ở lại trường để lo việc học hành, đời sống cho học sinh. Mỗi lần Hồng lên thăm Vũ, cô thường mua quà cho anh và những đồ dùng phục vụ sinh hoạt cá nhân.

Vũ ngại ngùng: “Anh tự lo được mà. Em làm vậy anh ngại lắm!”. Hồng nhìn Vũ âu yếm: “Anh chịu khó yên tâm công tác ở đây một thời gian, bố em sẽ sắp xếp đưa anh về dạy thành phố. Rồi chúng mình làm lễ cưới để được hạnh phúc bên nhau”.

Vũ lặng lẽ không phản đối, cũng không ra vẻ đồng tình. Trong lòng anh con tim yêu đang mất thăng bằng. Lấy Hồng làm vợ. Còn đó bao nhiêu sự cản trở. Còn đó lời của bố: “Anh không nghe lời, anh đừng gọi tôi là bố”. Còn đó lời mẹ Hồng: “Không nghe lời là mẹ chết cho coi”. Nhưng tình yêu của Vũ với Hồng là chân thật. Biết làm sao đây.

Cái cân “bên tình bên hiếu…” đang giày vò, giằng xé trong lòng anh. Nhìn Hồng, anh nói: “Hồng! Tình yêu của chúng mình là thật. Nhưng việc không đồng tình của mẹ em và sự ngăn cản của bố anh đang ngăn cách chúng ta. Chúng mình chia tay nhau cho tròn chữ hiếu…”. Cắt lời Vũ, Hồng nghẹn ngào: “Em mãi yêu anh. Em không thể nào xa anh được. Không có gì ngăn cản được chúng ta. Anh hứa đi”.

Một ngày đông, trời lâm thâm mưa. Hồng gò lưng đạp xe trong giá rét lên thăm Vũ. Hồng gõ cửa. Không có người đáp lại. Hồng đẩy nhẹ cửa liếp bước vào. Cô há hốc mồm, chân tay líu khíu không đứng vững, mặt tái mét khi thấy Vũ đang cùng một cô gái ở trần nằm trong chăn.

Hồng rú lên một tiếng rồi bước vội ra ngoài. Ông bảo vệ trường nghe tiếng chạy lại. Tang chứng đã rõ. Vũ bình thản ký vào tờ biên bản, như không có việc gì xảy ra. Anh cảm thấy như mình khôn khéo bày ra mẹo này để rứt bỏ mối tình của hai người một cách dễ dàng.

*


Một luồng gió ào qua. Sóng vỗ bờ ì oạp đưa hai người về với thực tại. Vũ nhìn Hồng: “Từ cái ngày chúng mình chia tay nhau đến giờ em đi đâu bặt tin?”. Hồng ngậm ngùi kể chuyện cho Vũ nghe. Em về rồi lòng buồn rười rượi. Giận anh thì ít mà hờn tủi thì nhiều. Ngày thì việc lớp, việc trường. Đêm thao thức không ngủ được, người gầy rạc, xác xơ. Ngày tháng khắc khoải trôi qua, nét xuân xanh dần chuyển sang thu ảm đạm.

Em lấy chồng theo sự sắp đặt của mẹ, rồi theo chồng vào công tác Tây Nguyên. Sốt rét, khí hậu khắc nghiệt, đời sống kham khổ, đứa bé trong bụng không kịp chào đời. Em khóc hết nước mắt, cứ thầm gọi tên anh. Nhan sắc ngày càng tồi tệ, sức khỏe xuống cấp không đáp ứng cuộc sống cho chồng. Chúng em chia tay nhẹ nhàng như chưa hề chồng vợ.

Mẹ bắt em về quê dạy học nhưng em nhất quyết không về. Vừa mặc cảm, vừa muốn làm lại từ đầu, em đi học lên đại học. Một giáo viên trong trường nhỏ hơn em một tuổi đã yêu thương em. Mặc dù gia đình anh ấy ngăn cản, nhưng chúng em vẫn đến với nhau.

Hồng nhìn Vũ: “Chồng em không đẹp trai như anh, nhưng anh ấy hơn anh là dám vượt lên để giành lấy tình yêu. Không yếu đuối, bạc nhược trốn chạy trước khó khăn như anh. Hiện tại chúng em có một cháu trai đang học cấp III”. Vũ nắm tay Hồng, bàn tay mềm mại, dịu mát như xưa nhưng Vũ cảm thấy lành lạnh: “Em tha lỗi cho anh. Anh tưởng việc làm của anh là đúng, để giải thoát cho nhau, trọn tình chữ hiếu. Anh có ngờ đâu đó là một quyết định ngu xuẩn chưa từng có”.

Rồi Vũ kể chuyện về anh: Cái việc hôm đó là do anh dàn dựng. Anh tưởng mọi chuyện êm đẹp như kế hoạch, nào ngờ gậy ông đập lưng ông. Trong cuộc thỏa hiệp không có màn lập biên bản. Vậy mà cô gái đã tráo trở chơi xỏ. Sau hôm đó, Phòng Giáo dục triệu tập anh, ông Trưởng phòng nói: “Cậu Vũ! Cậu hãy làm bản kiểm điểm về quan hệ bất chính với cô Hải và trình bày rõ sự việc”. “Báo cáo lãnh đạo, đó là một màn kịch để người yêu em bỏ em thôi”.

Ông Trưởng phòng đập bàn: “Phim với kịch cái gì, biên bản anh ký sờ sờ ra đó. Làm người ta có bầu rồi chối bỏ hả! Người nhà cô Hải đang đệ đơn kiện lên Phòng Giáo dục đây. Anh xem đi”.

Anh không xem cũng biết đơn nói gì rồi. Cô ấy tên Hải, con của một ông sếp to trên tỉnh. Từ chỗ cuộc sống sung túc, chơi bời nên không chồng có chửa. Nghẹn ức đến tận cổ, nhưng giấy trắng mực đen làm sao chối cãi được.

Ông trưởng phòng nhìn anh với ánh mắt cương quyết: “Cậu về suy nghĩ đi. Một là cưới cô Hải làm vợ, hai là làm đơn ra khỏi ngành. Tùy cậu. Đời còn trẻ nên suy nghĩ thấu đáo, đừng làm ảnh hưởng đến ngành, tổn thương cô Hải, làm khó dễ với gia đình”.

Anh lặng lẽ ra về. Đúng là không có cái dại nào như cái dại nào. Anh ân hận vô cùng. Trong lòng nỗi nhung nhớ em cứ trào dâng. Anh là thằng tồi tệ, đã làm mất em, mất đi một tình yêu trong sáng. Nhưng muộn mất rồi. Hôm sau, anh đưa đơn xin thôi việc, ông Trưởng phòng Tổ chức cán bộ trợn mắt: “Đồ ngu! Lấy con của sếp tiền đồ, tương lai sáng rạng, muốn gì có nấy. Ăn sung mặc sướng không ưng lại ưng làm thằng bần hàn. Cậu chỉ gật một cái là êm. Mà bọn tôi cũng được nhờ nữa chứ”.

Bố mẹ buồn lắm. Ông cụ bực dọc la mắng suốt ngày. Anh đi đây đó ít hôm mong sao được thanh thản tâm hồn. Rồi làm đơn đi nghĩa vụ quân sự. Hết ba năm nghĩa vụ, ra quân anh xin trở lại nghề dạy học, được Phòng Nội vụ chấp nhận cho trở lại trường xưa.

Hồng đưa mắt nhìn Vũ như thông cảm: “Vậy gia đình vợ con nay sao anh?”. “Anh độc thân. Đi bộ đội về anh bị sốt rét liên miên, chữa hết cách này, thuốc nọ mới khỏi. Rồi bệnh quai bị biến chứng đã cướp đi khả năng làm bố của anh. Mặc dầu có một cô giáo lỡ thì thương hoàn cảnh của anh, muốn làm vợ anh nhưng anh từ chối, mình không thể làm khổ họ”.

Hồng nắm chặt bàn tay Vũ, động viên: “Anh Vũ. Em thương anh nhiều lắm. Nghe chuyện anh kể, lòng em như có muối xát. Thôi chuyện đã qua rồi, hãy cho nó qua đi. Chúng mình mãi sẽ là đôi bạn tốt, hãy cùng tiếp bước trên con đường công tác”.

Vũ đặt nụ hôn vội vàng lên trán Hồng. Hồng nhìn Vũ với ánh mắt sâu thẳm, lặng buồn: “Đừng anh, chúng mình đã hai thứ tóc. Những kỷ niệm về tình yêu hãy giấu kín và cho nó ngủ yên trong lòng. Hẹn anh mùa phượng đến, chúng mình quay lại trường, tìm lại kỷ niệm xưa anh nhé”.

Vũ gật đầu chia tay, ánh mắt hai người nhìn nhau đầy lưu luyến. Tiếng đôi chim đi ăn đêm vù qua, đang bay nhanh về tổ, hòa cùng sóng biển rì rào vỗ về bờ đá.

Nhà Sáng tác VHNT Đà Nẵng, tháng 6 năm 2022

Kiểm tra Phòng khám Đông y, phát hiện nhiều sai phạm động trời

 Kinh tế - Văn hóa - Thể thao

Kiểm tra Phòng khám Đông y, phát hiện nhiều sai phạm động trời

dvnien copy từ https://cand.com.vn/..., trang web này đăng ngày 21/11/2013, 12:35
CAND

Sáng ngày 12/11/13 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã bất ngờ tiến hành kiểm tra Phòng khám Đông y của "Đông y Trần Sưởng Lâm" - hay còn gọi là Trần Quốc Lâm, Trần Cooc Lắm, tại các nhà số 302, 308, 179 đường Đỗ Ngọc Thạnh, và nhà số 93 đường Tân Khai, phường 4, quận 11, TP HCM. Tại đây, Thanh tra Sở Y tế đã phát hiện nhiều sai phạm động trời.

Theo những quảng cáo của "thầy" Trần Sưởng Lâm, thì "thầy" đã có hơn 20 năm chữa trị bằng Đông y với kinh nghiệm gia truyền. Phương châm của "thầy" là: "Lấy con người làm trung tâm, liên tục phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, vì sức khỏe cộng đồng".

Chưa hết, "thầy" còn "nổ" rằng: "Trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Đông y Trần Sưởng Lâm rất vinh dự tự hào đóng góp một phần… Phương pháp chữa bệnh của Đông y Trần Sưởng Lâm là lấy y học cổ truyền làm chủ đạo, kết hợp với y học hiện đại nhằm đạt hiệu quả cao nhất…".

“Thầy” Lâm chữa bệnh cho nhân dân ra sao?

Hơn 1 tuần lễ trước ngày bị kiểm tra, trong vai bệnh nhân, chúng tôi đến phòng khám của "thầy" Lâm ở số nhà 302 đường Đỗ Ngọc Thạnh, phường 4, quận 11. Mặc dù những quảng cáo của "thầy" nghe kêu như sấm nhưng cơ sở khám chữa bệnh của "Đông y Trần Sưởng Lâm" lại không hề có bất kỳ một tấm bảng hiệu nào. Dù mới 8 giờ 30 phút, nhưng bên trong nhà "thầy" đã có hơn 20 người bệnh, người vừa bó thuốc xong, đang đợi cho thuốc khô để ra về; người đang chờ đến lượt mình được "thầy" khám.

Hỏi thăm một phụ nữ khoảng 30 tuổi, chị cho biết chị tên Huệ, nhà ở cư xá Đài ra đa Phú Lâm, quận 6, mấy bữa trước lúc từ trên lầu xuống, chị bị trẹo cổ chân: "Em đi bác sĩ khám, chụp phim, bác sĩ nói không sao rồi kêu mua băng thun về băng ép, kết hợp uống thuốc và hạn chế di chuyển trong khoảng 5 đến 7 ngày là lành. Nhưng công việc của em là bỏ mối bia, nước ngọt cho khách, không đi không được. Nghe nói thầy Lâm chữa về xương khớp rất hay, lại mau khỏi nên em đến nhờ thầy chữa".

Một người khác là anh Thuận, ở Bình Chánh, cánh tay trái vẫn còn đang bó thuốc, cho biết: "Tui bị tai nạn, gãy xương. Được người quen cho số điện thoại của thầy Lâm là 38554553 nên tui gọi. Chắc lúc đó thầy bận nên thầy kêu tui ghi lại email của thầy, là transuonglam@yahoo.com, rồi dặn tui khai bệnh qua email. Sau đó, thầy hẹn tui đến bó thuốc".

Đang trong lúc nói chuyện, một phụ nữ tóc hớt ngắn như con trai, là nhân viên của "thầy" bước ra, gọi chị Huệ chuẩn bị bó thuốc. Thoạt tiên, cô nhân viên này lấy một mảnh nylon màu xanh, kêu chị Huệ đặt bàn chân vào. Tiếp theo, cô đổ một hỗn hợp bột nhão màu vàng sậm, phủ lên quá mắt cá chân chị Huệ rồi cuốn mảnh nylon lại. Sau đó, cô dùng một mảnh vải, bọc bên ngoài với lời dặn ngồi đợi chừng phút 15 cho khô rồi hãy về.

Tôi hỏi chị tiền khám, tiền thuốc là bao nhiêu? Chị Huệ vừa đưa tôi xem 3 gói thuốc, vừa trả lời: "Tất cả là 1,8 triệu đồng, chưa kể tiền chụp X-quang. Thầy dặn cứ mỗi gói chia làm hai, đem về tự bó ngày 2 lần, sáng và chiều. Bó hết 3 ngày thì khỏi".

"Thầy" Lâm đọc phim X-quang và chẩn đoán bệnh.

Tới lượt tôi vào khám. “Thầy” Lâm mặt mũi phương phi với bộ râu con kiến, nhìn tôi từ đầu đến chân trước khi kêu tôi ngồi xuống chiếc ghế  đối diện với bàn làm việc của "thầy". Trên bàn, tôi thấy có một bộ máy tính còn trên bức tường cạnh bàn làm việc, là một hộp đèn chuyên dùng đọc phim X-quang.

"Thầy" hỏi: "Anh bị cái gì?". Tôi thưa: "Bữa qua ăn tiết canh lòng heo, bữa nay đầu gối đau quá trời". "Thầy" phán: "Gút rồi. Gút nó phá hủy các khớp nên đau là đúng thôi. Bây giờ đi chụp phim nghe. Chụp xong cầm về tôi coi, tôi bó thuốc". Tôi hỏi: "Chụp ở đâu thầy?". "Thầy" Lâm nói: "Qua số 93 đường Tân Khai, ngay cạnh đây nè. Còn không biết đường thì tôi kêu người đưa đi".

Nhân viên của "thầy Lâm" đang bó thuốc cho một phụ nữ.

Cũng như cơ sở số 302 của "Đông y Trần Sưởng Lâm", căn nhà số 93 đường Tân Khai không hề có bảng hiệu mặc dù nó là điểm chụp X-quang. Sau khi đóng 270 nghìn cho nhân viên làm nhiệm vụ thu tiền, tôi được một người, tự xưng là "kỹ thuật viên" nhưng không đeo bảng tên đưa vào phòng trong. Thú thật là vừa nhìn thấy phòng chụp X-quang, tôi đã vãi linh hồn vì đó chỉ là một căn phòng bình thường. Tất cả các vách tường đều không lót chì hoặc tráng barit để cản tia phóng xạ, kỹ thuật viên cũng không mặc áo bảo hộ có phủ chì còn máy X-quang thì không rõ thuộc thế hệ nào.

Lắp phim xong, kỹ thuật viên kêu tôi lên bàn, ngồi duỗi thẳng từng chân ra, bấm nút chụp cái toách rồi bảo tôi ở lại 15 phút chờ tráng phim. Theo nguyên tắc, để chẩn đoán bệnh lý hoặc tổn thương xương, khớp, hầu hết bệnh nhân được yêu cầu chụp 2 phim, một chụp thẳng và một chụp nghiêng nhưng ở cơ sở khám chữa bệnh của "thầy" Trần Sưởng Lâm, mỗi bên chân tôi chỉ được chụp một phim thẳng thì chẳng hiểu "thầy" Lâm" sẽ chẩn đoán thế nào?--PageBreak--

Khi “y học cổ truyền” kết hợp “y học hiện đại”

Cầm 2 tấm phim về số 302 đường Đỗ Ngọc Thạnh, tôi lại phải đợi gần nửa tiếng nữa vì "thầy" Lâm đang bận khám cho một người khác. Tranh thủ khoảng thời gian này, tôi hỏi chuyện một số bệnh nhân xung quanh. Tất cả mọi người đều cho biết việc đầu tiên khi vào gặp "thầy" Lâm rồi sau khi hỏi bệnh, "thầy" đều yêu cầu phải qua nhà 93 đường Tân Khai chụp phim X-quang.

Ông Kha, 54 tuổi, nhà ở đường Nguyễn Văn Luông, quận 6, nói: "Tôi bị đau lưng gần 3 tháng nay. Sau khi chụp phim, thầy bảo tôi bị gai đốt sống, bó thuốc, thoa thuốc cả tháng rồi mà chưa bớt". Tôi hỏi nếu chưa bớt sao ông không đi bệnh viện? Ông Kha trả lời: "Nghe người ta nói thầy này hay lắm, chữa bệnh bằng cách kết hợp Đông - Tây y nên tôi ráng theo xem sao".

Ông Phú, 63 tuổi, ở đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú cho biết: "Hai bữa trước, vợ tôi lau nhà mà tôi không biết. Lúc đó tôi đi chơi bên hàng xóm về và vừa bước vô, tôi trượt chân, té ngửa. Đến khuya, chỗ háng tôi đau dữ dội nên con tôi đưa tới đây, bó thuốc". Cầm tấm phim lên coi, tôi biết ông bị gãy cổ xương đùi nên tôi nói nhỏ với ông là nên đến ngay bệnh viện. Nghe tôi nói xong, ông Phú nhìn tôi. Trong cái nhìn ấy, tôi đọc được suy nghĩ của ông, rằng tôi rành về bệnh tật như vậy mà sao lại còn tới đây… bó thuốc! (Sau này, tôi được biết càng bó thuốc càng đau nên ông Phú đã vào bệnh viện và đã được mổ thay cổ xương đùi).

Rồi cũng đến lượt tôi. Xem xong tấm phim, "thầy" Trần Sưởng Lâm kết luận tôi bị "tổn thương đĩa đệm ổ khớp". "Thầy" phán: "Cái "gút" nó phá hủy hết chất nhờn trong khớp của anh nên anh đau (trong lúc thật sự thì tôi chẳng đau đớn gì và sáng sớm hôm ấy, tôi còn đi bộ thể dục 3km). May là anh gặp tôi chứ nếu không thì… liệt luôn".

Tôi hỏi: "Vậy chữa bao lâu khỏi hả thầy?". "Thầy" Lâm tiếp: "Anh phải kết hợp bó thuốc, thoa thuốc. Thuốc thoa mỗi ngày 2 lần sáng, chiều. Thoa xong chừng 15 phút thì bó. Thời gian đầu anh phải bó 6 thang trong 12 ngày. Sau đó nghỉ 30 ngày rồi bó tiếp 4 thang trong 8 ngày là hết gút".

Chai thuốc thoa mà "thầy" Lâm đưa tôi có dung tích chừng nửa lít, màu nâu sậm, bên ngoài hoàn toàn không nhãn mác, không thành phần, ngửi thấy mùi rượu và mùi thảo mộc hăng hắc, còn thuốc bó thì y như… vỏ trấu, đựng trong bịch nylon. Hai loại "thần dược" ấy, "thầy" Lâm tính giá 1.950.000 đồng. Lấy lý do không mang theo đủ tiền, tôi xin hẹn chiều quay lại.

Buổi chiều, lúc tôi quay lại phòng khám 302 đường Đỗ Ngọc Thạnh thì không thấy "thầy" Trần Sưởng Lâm đâu, mà thay vào đó là một thanh niên cỡ 20 tuổi, xưng là con trai "thầy", thay "thầy" khám bệnh, bó thuốc. Lúc này, có hơn 30 người ngồi chờ đến lượt mình còn ở phòng điều trị lâm sàng phía trong là khoảng 10 người, nửa nằm nửa ngồi trên những chiếc ghế nệm, kẻ bó chân, bó đùi, người bó tay, bó lưng, cảnh tượng chẳng khác gì một trạm cấp cứu dã chiến. Phía bên ngoài, ngay trên vỉa hè, hai nhân viên của phòng khám đang đổ thuốc ra tấm vải nhựa lớn rồi chia thành từng gói để bán cho bệnh nhân. Hỏi thăm, tôi được biết có mấy người bệnh tới khiếu nại vì mất tiền triệu, nhưng bệnh vẫn hoàn bệnh nên thầy tránh mặt.

Theo một số bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, thì khi bị gãy xương, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng hai cách. Nếu gãy xương kín, ít di lệch, bệnh nhân được nắn, chỉnh rồi bó bột nhằm cố định vết gãy. Nhưng nếu gãy xương hở, giập nát mô, cơ, có tổn thương thần kinh, mạch máu hoặc gãy xương phức tạp thì phải mổ để giải quyết. Với người già yếu, có bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch hoặc sức khỏe quá kém mà gãy cổ xương đùi thì thay vì mổ, họ được bắt nẹp bất động để chống xoay chứ không bó bột. Riêng với đau lưng do thoát vị đĩa đệm, đau khớp do bệnh gout, gai đốt sống thì đắp thuốc, bó thuốc không bao giờ lành, chưa kể còn có thể bị nhiễm trùng.

Lương y Huỳnh Văn Khiết, cho biết: "Một số trường hợp bó thuốc, đắp thuốc có hiệu quả nhưng chỉ là những bệnh nhẹ, chẳng hạn như bong gân, trật khớp đã được nắn chỉnh đúng phương pháp, còn các chấn thương khác như gãy xương, biến dạng khớp do gout thì nên vào bệnh viện".

Một nhân viên của "thầy" Lâm đang "bào chế" thuốc.

Phòng khám “Đông y Trần Sưởng Lâm” bị buộc ngừng hoạt ‘động

Sáng ngày 12/11/13, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã tiến hành kiểm tra những cơ sở khám chữa bệnh của "Đông y Trần Sưởng Lâm". Theo ghi nhận của đoàn thanh tra, tại phòng khám 302 Đỗ Ngọc Thạnh có hàng chục bệnh nhân nhưng ông Trần Sưởng Lâm và con trai ông là Trần Gia Nguyên chưa trình được giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề, đồng thời phát hiện nhiều bao dược liệu, thuốc thoa, thuốc gói, thuốc đắp không rõ xuất xứ, không nhãn mác, liều lượng sử dụng, chưa đăng ký với Sở Y tế.

Tại nhà số 308, có 5 bệnh nhân đang được một nhân viên tên Trịnh Cẩm bó thuốc. Tại nhà số 179 - cả hai đều nằm trên đường Đỗ Ngọc Thạnh - có 4 người đang được nhân viên tên Võ Diệp Hương bó thuốc nhưng không có lương y theo dõi.

Khi thấy nhà 320, 308, 179 bị kiểm tra, cơ sở X-quang 93 đường Tân Khai đã vội vã đóng cửa. Lúc đoàn thanh tra cùng chính quyền địa phương yêu cầu ông Trần Sưởng Lâm mở cửa, thấy có một kỹ thuật viên và một người làm nhiệm vụ thu tiền ở trong nhà. Tiến hành kiểm tra, đoàn thanh tra phát hiện 1 máy X-quang, thiết bị rửa phim và nhiều phim X-quang cùng 6 hồ sơ bệnh nhân đã được chụp. Cơ sở này không xuất trình được giấy phép, không có giấy chứng nhận an toàn bức xạ. Người đọc kết quả phim không phải là bác sĩ, mà là cha con ông Trần Sưởng Lâm dù cả hai chưa hề trải qua một lớp đào tạo nào.

Sau khi lập biên bản vi phạm và niêm phong thuốc men để kiểm định, Thanh tra Sở Y tế đã yêu cầu ông Trần Sưởng Lâm phải ngừng hoạt động 3 phòng khám và cơ sở chụp X-quang ngay lập tức, đồng thời phải treo biển báo nghỉ hoạt động. Bên cạnh đó, đoàn thanh tra giao chính quyền địa phương quản lý, theo dõi việc chấp hành pháp luật của "Đông y Trần Sưởng Lâm"

Nhóm PV Thời sự

Trong veo” và … ao nhà

 GÓC NHÌN

“Trong veo” và … ao nhà

dvnien copy từ https://giaoduc.net.vn/..., trang web này đăng ngày 24/11/2022 06:36
  Xuân Dương
GDVN- Bộ phận “trong veo” có hùng hậu, có đủ mạnh để chống lại bộ phận “xanh lè” (vì cố tình hoặc “trót” nhúng chàm)?

Báo Giaoducthoidai.vn - cơ quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong bài “Cố nhân dạy: Nước quá trong thì không có cá, người tốt quá thì không ai chơi” có đoạn:

“Nếu bạn sống quá tốt, mù quáng cho đi lòng tốt mà không biết cân nhắc, cũng sẽ tự rước họa vào người. Nên nhớ, nếu bạn cho người 1 bát cơm lúc đói kém, họ sẽ biết ơn bạn vô cùng. Thế nhưng ngày hôm sau, hôm sau nữa bạn vẫn cho đi, đến một ngày bạn dừng lại, họ sẽ oán hận bạn vô cùng. Vậy nên, thay vì cho người một con cá, hãy cho họ cái cần và phương pháp thả câu”. [1]

Đoạn văn ngắn nêu trên dường như muốn trao cho con người một triết lý: “Cái gì quá cũng không tốt”, yêu quá là không tốt, ghét quá là không tốt, tốt quá cũng là không tốt bởi “sống quá tốt” sẽ “rước họa vào người”.

“Trong veo” và … ao nhà  ảnh 1

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh. Ảnh: vtv.vn

Đọc bài báo này chợt liên tưởng đến phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại cuộc tiếp xúc cử tri hôm 16/11/2022 về chuyện trả đất dịch vụ cho dân.

Năm 1997, Nhà nước có chủ trương thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án và sẽ trả cho người bị thu hồi đất nông nghiệp mảnh đất ở nơi khác để làm dịch vụ thay vì làm nông nghiệp.

Tại huyện Mê Linh, sau 25 năm, đến năm 2022 nông dân vẫn chưa nhận được đất dịch vụ. Lỗi đương nhiên không phải là của người dân, lỗi cũng không phải do cơ chế, chính sách bởi nhiều địa phương đã thực hiện xong việc trả đất cho dân.

Lỗi thuộc về chính quyền cấp huyện không quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và không chủ động đề xuất phương án đền bù. Đây chính là lý do khiến ông Trần Sỹ Thanh phải cảnh báo đội ngũ lãnh đạo huyện Mê Linh:

“Thế hệ lãnh đạo đương nhiệm hơn chỗ khác vì là thế hệ sau, không dính dáng gì cả thì dũng cảm mà làm. Nếu mọi việc không được giải quyết rồi mỗi lúc một chính sách thì mọi thứ càng ngày càng khó. Mình chẳng dính dáng gì mình không sợ. Mình trong veo thì sợ cái gì”. [2]

Chuyện một cá nhân “trong veo” sống giữa một tập thể cũng “trong veo” nên chẳng sợ cái gì có lẽ cần bàn cho thấu đáo.

Nếu chỉ có một vài cá thể “trong veo”, xung quanh “vừa trong vừa đục” hoặc “đục ngầu” thì không thể biết điều gì sẽ xảy ra.

Người viết ủng hộ quan điểm của ông Trần Sỹ Thanh bởi đó là ủng hộ lẽ phải, ủng hộ những người dám dấn thân chống lại cái xấu, chống lại các nhóm lợi ích – đặc biệt là “Nhóm lợi ích đất đai” đang làm xói mòn niềm tin của người dân.

Tuy nhiên, giữ mình “trong veo” vẫn là chưa đủ, ngày nay, không phải như thời “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/Dấn thân vô là phải chịu tù đày/Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/Là thân sống chỉ coi còn một nửa” (thơ Tố Hữu) nhưng vẫn đòi hỏi sự dũng cảm, đôi khi còn là sự hy sinh lợi ích cá nhân và gia đình.

Phải chăng vì cố giữ cho mình “trong veo” chừng nào hay chừng nấy nên mới có người thực hiện phương châm “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”?

Người viết cho rằng không nên ép mọi người phải “trong veo” và cũng đừng ảo tưởng xây dựng một xã hội toàn người “trong veo”. Vì thế, ai không muốn “trong veo” hãy tạo điều kiện để cho họ tránh sang một bên, nhường chỗ cho người khác.

Cũng không nên thành kiến, chê bai những người vì muốn giữ mình “trong veo” đã khiến cho người thân gặp điều phiền muộn.


Chuyện người lao động chọn … "hội đồng"

Vấn đề là hiện nay, bộ phận “trong veo” có hùng hậu, có đủ mạnh để chống lại bộ phận “xanh lè” (vì cố tình hoặc “trót” nhúng chàm)?

“Trả lời phỏng vấn về phòng, chống tham nhũng tại buổi họp báo sau khi bế mạc Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nói: “Tôi khẳng định đây là cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ quyết liệt. Vừa qua mới hạn chế nó, ngăn ngừa nó một bước thôi. Còn tiền, còn chức, còn quyền, người ta không tu dưỡng được thì còn xảy ra tham nhũng”. [3]

Trong các lập luận người ta hay nói đến điều kiện cần và đủ, điều kiện cần là một trong những yếu tố để đạt được mục đích nào đó, điều kiện đủ thì hội tụ nhiều yếu tố, khi hội tụ đủ các yếu tố đó thì sẽ đạt được kết quả.

Từ phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể dựa vào định nghĩa về điều kiện cần và đủ để cho rằng điều kiện cần cho tham nhũng là “có quyền” còn điều kiện đủ là “có chức, có tiền và không tu dưỡng được”.

Có một “bộ phận nho nhỏ” cán bộ, công chức không thuộc diện “trong veo” bởi được ấp nở và ươm trồng ở “ao ta” và với họ “dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn”!

Để hiểu về đặc sản “ao ta”, đành phải dẫn giải lòng vòng một chút những gì diễn ra tại một tỉnh cách không xa Hà Nội.

Năm 2012, báo Tuoitre.vn trong bài “Cảnh cáo hai chủ tịch UBND tỉnh” dẫn kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với ông Bùi Thanh Quyến – Bí thư tỉnh Hải Dương như sau:

“Ông Bùi Thanh Quyến cần rút kinh nghiệm và tự phê bình nghiêm túc việc chưa thường xuyên khuyên bảo, giáo dục con trai tự giác, gương mẫu chấp hành đầy đủ các quy định của Luật đất đai; chưa dứt khoát trong việc để con trai mua và sử dụng đất ở Ninh Thành, Ninh Giang, trong đó có một số khâu chưa đảm bảo đầy đủ các quy định, thủ tục gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và Đảng bộ”. [4]

Năm 2015, báo điện tử Vtc.vn có bài: “Vì sao Bí thư Hải Dương 'thoát' vụ bị tố cáo bằng cấp năm 2015?”. Bài báo cho biết:

“Ông Nguyễn Mạnh Hiển (Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương – NV) từng bị nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Tỉnh uỷ Hải Dương tố cáo sử dụng bằng cấp không hợp pháp, tuy nhiên sự việc sau đó bị quên lãng”.

Bài báo còn dẫn lời người tố cáo: “Tôi nghĩ rằng lúc bấy giờ Bí thư Tỉnh uỷ Bùi Thanh Quyến cũng bao che việc ấy”. [5]

Cũng vẫn Vtc.vn viết: “Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho biết trước Đại hội Đảng XII ông đã có ý kiến đến các cơ quan chức năng về bằng cấp của ông Nguyễn Mạnh Hiển nhưng không được xem xét thấu đáo”. [6]

Chuyện xảy ra trong năm 2022 với dàn lãnh đạo Hải Dương còn “hoành tráng” hơn rất nhiều so với những năm trước.

Cơ quan điều tra đã bắt tạm giam ông Phạm Xuân Thăng - nguyên bí thư Tỉnh ủy và ông Phạm Mạnh Cường - nguyên Giám đốc Sở Y tế Hải Dương để điều tra những sai phạm liên quan đến vụ Công ty Việt Á "thổi giá" kit xét nghiệm COVID-19.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký các quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Xóa tư cách Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Dương Thái; Khiển trách đối với ông Lương Văn Cầu, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2016-2021; Khiển trách đối với ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2021 - 2026 do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về đảng.

Phải chăng chuyện xảy ra năm 2022 ở Hải Dương được “di truyền” từ năm 2012 và phải chăng sự “trong veo” nhưng đơn thương độc mã của ông Phó trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Tỉnh uỷ Hải Dương sẽ chẳng mang lại kết quả gì?

Câu chuyện trả đất dịch vụ cho người dân huyện Mê Linh sau đúng một phần tư thế kỷ vẫn chưa đến hồi kết nhưng người dân có thể tin tưởng Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội bởi với ông Trần Sĩ Thanh “Hà Nội không vội được đâu” đã là chuyện của dĩ vãng./.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoducthoidai.vn/co-nhan-day-nuoc-qua-trong-thi-khong-co-ca-nguoi-tot-qua-thi-khong-ai-choi-post402777.html

[2]https://tuoitre.vn/chu-tich-ha-noi-tran-sy-thanh-minh-cu-trong-veo-thi-so-gi-20221116140826789.htm

[3] http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/phong-chong-tham-nhung-cuoc-chien-khong-ngung-nghi/17468.html

[4] https://tuoitre.vn/canh-cao-hai-chu-tich-ubnd-tinh-521201.htm

[5] https://vtc.vn/vi-sao-bi-thu-hai-duong-thoat-vu-bi-to-cao-ve-bang-cap-nam-2015-ar352522.html

[6] https://vtc.vn/nguyen-tong-bi-thu-le-kha-phieu-toi-tung-co-y-kien-bang-cap-bi-thu-hai-duong-nguyen-manh-hien-ar353171.html

Xuân Dương

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

Nhà thầu cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo phải đóng cửa mỏ đất đắp

 Thời sự

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/27/02/2023 18:20

Nhà thầu cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo phải đóng cửa mỏ đất đắp

Ngày 27-2-23, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận chủ trì cuộc họp liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo xin gia hạn khai thác 6 mỏ đất đắp.

Nhà thầu cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo phải đóng cửa mỏ đất đắp - Ảnh 1.

Một mỏ đất đắp phục vụ cho dự án cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo ở xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận đã hết thời hạn khai thác - Ảnh: ĐỨC TRONG

Đối với dự án cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, trước đó tỉnh Bình Thuận cấp phép cho các nhà thầu khai thác đất đắp tại 6 mỏ theo cơ chế đặc thù. Thời hạn khai thác tương đương với kế hoạch hoàn thành của dự án ban đầu là cuối năm 2022. 

Do dự án chậm tiến độ và được gia hạn thêm 6 tháng.

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải), hiện nhu cầu đất đắp cho đường gom, đường dân sinh của dự án cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo khoảng 920.000m3.

Nhưng giấy phép khai thác đã hết nên các nhà thầu không có nguồn đất đắp, trong khi thời hạn hoàn thành dự án theo cam kết điều chỉnh không còn nhiều. Việc này khiến nhà thầu cũng như chủ đầu tư vô cùng khó khăn trong thi công.

Các nhà thầu, chủ đầu tư đã nhiều lần xin Chính phủ gia hạn khai thác các mỏ, đồng thời vừa khai thác vừa hoàn tất thủ tục mới hy vọng kịp tiến độ. Phía tỉnh Bình Thuận cũng cùng kiến nghị như vậy đến Chính phủ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn trường hợp trên không có cơ sở gia hạn khai thác. Bộ cho rằng do các nhà thầu đã chậm trễ nộp thủ tục xin gia hạn sau khi giấy phép hết hạn.

Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận yêu cầu các nhà thầu đóng cửa mỏ, bàn giao đất cho địa phương, hoàn thành nghĩa vụ liên quan đến giấy phép đã cấp trước đây.

Các nhà thầu phải làm lại hồ sơ cấp phép khai thác mới. Trong thời gian hoàn thành các thủ tục, các nhà thầu không được phép khai thác.

Nhà thầu cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo phải đóng cửa mỏ đất đắp - Ảnh 3.

Do không có đất đắp nên hạng mục đường dẫn lên cầu vượt cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo giao với quốc lộ 28 ở huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận trơ trọi bê tông - Ảnh: ĐỨC TRONG

Đại diện một nhà thầu cho biết do các mỏ đất đắp trên lần đầu được cấp phép theo cơ chế đặc thù nên các nhà thầu không có kinh nghiệm trong việc làm thủ tục cũng như phương án gia hạn.

Nhùng nhằng thủ tục gia hạn mỏ đất đắp, cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo nguy cơ lại lỗi hẹnNhùng nhằng thủ tục gia hạn mỏ đất đắp, cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo nguy cơ lại lỗi hẹn

Nhiều nhà thầu, chủ đầu tư dự án cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Bình Thuận đang sốt ruột vì mỏ đất đắp vẫn chưa gia hạn được. Trong khi đây là giai đoạn nước rút để kịp đưa dự án vào khai thác, nếu không tiến triển thì nguy cơ dự án lại lỗi hẹn.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2023 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay

 Kinh doanh

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 03/02/2023 13:56

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2023 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 14-3 với rất nhiều hoạt động sôi nổi, đặc biệt du khách sẽ có cơ hội thưởng thức cà phê miễn phí tại lễ hội. Lễ hội năm nay được đánh giá có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Ngày 3-2, tại TP.HCM, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp báo thông tin về Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023.

Được sự đồng ý của Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 với chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới" từ ngày 10 đến 14-3-2023 tại TP Buôn Ma Thuột và một số địa phương của tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, bên cạnh các nội dung khai mạc, bế mạc, lễ hội đường phố, trong khuôn khổ sự kiện còn có hàng loạt hoạt động như cuộc thi video giới thiệu về cà phê Buôn Ma Thuột, biểu diễn vở ca kịch Khát vọng Dam Săn, lễ hội ánh sáng, triển lãm ảnh nghệ thuật, hội thi chế tác sản phẩm mỹ phẩm từ cây cà phê, hội đua thuyền độc mộc, hội voi Buôn Đôn, hội thảo chuyên ngành cà phê... Đặc biệt, với chương trình Ngày hội cà phê, du khách có cơ hội thưởng thức đặc sản cà phê miễn phí...

Theo ông Thái Hồng Hà - giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Đắk Lắk, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần này có 18 hoạt động chính thức và nhiều hoạt động hưởng ứng, được tổ chức với quy mô lớn hơn so với 7 lần tổ chức trước đó.

Ban tổ chức cho biết lễ hội lần này do hoa hậu H'Hen Niê làm đại sứ truyền thông, đây cũng là lần thứ 2 hoa hậu đảm nhận trọng trách này.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cà phê hiện là mặt hàng nông sản xuất khẩu thứ 2 của Việt Nam, sau lúa gạo. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1,68 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch khoảng 3,9 tỉ USD.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2023 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay - Ảnh 2.

Ngày 3-2, tại TP.HCM, đông đảo khách mời đến tham dự buổi họp báo Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột - Ảnh: N.TRÍ

Giáo hội đề nghị lễ cầu an phải tránh các yếu tố mang hình thức dịch vụ tâm linhGiáo hội đề nghị lễ cầu an phải tránh các yếu tố mang hình thức dịch vụ tâm linh

Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản gửi ban trị sự giáo hội các tỉnh, thành phố, tăng ni các chùa về việc tổ chức lễ cầu an đầu năm, trong đó yêu cầu phải tránh các yếu tố mang tính hình thức dịch vụ tâm linh.