Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Kiểm tra Phòng khám Đông y, phát hiện nhiều sai phạm động trời

 Kinh tế - Văn hóa - Thể thao

Kiểm tra Phòng khám Đông y, phát hiện nhiều sai phạm động trời

dvnien copy từ https://cand.com.vn/..., trang web này đăng ngày 21/11/2013, 12:35
CAND

Sáng ngày 12/11/13 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã bất ngờ tiến hành kiểm tra Phòng khám Đông y của "Đông y Trần Sưởng Lâm" - hay còn gọi là Trần Quốc Lâm, Trần Cooc Lắm, tại các nhà số 302, 308, 179 đường Đỗ Ngọc Thạnh, và nhà số 93 đường Tân Khai, phường 4, quận 11, TP HCM. Tại đây, Thanh tra Sở Y tế đã phát hiện nhiều sai phạm động trời.

Theo những quảng cáo của "thầy" Trần Sưởng Lâm, thì "thầy" đã có hơn 20 năm chữa trị bằng Đông y với kinh nghiệm gia truyền. Phương châm của "thầy" là: "Lấy con người làm trung tâm, liên tục phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, vì sức khỏe cộng đồng".

Chưa hết, "thầy" còn "nổ" rằng: "Trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Đông y Trần Sưởng Lâm rất vinh dự tự hào đóng góp một phần… Phương pháp chữa bệnh của Đông y Trần Sưởng Lâm là lấy y học cổ truyền làm chủ đạo, kết hợp với y học hiện đại nhằm đạt hiệu quả cao nhất…".

“Thầy” Lâm chữa bệnh cho nhân dân ra sao?

Hơn 1 tuần lễ trước ngày bị kiểm tra, trong vai bệnh nhân, chúng tôi đến phòng khám của "thầy" Lâm ở số nhà 302 đường Đỗ Ngọc Thạnh, phường 4, quận 11. Mặc dù những quảng cáo của "thầy" nghe kêu như sấm nhưng cơ sở khám chữa bệnh của "Đông y Trần Sưởng Lâm" lại không hề có bất kỳ một tấm bảng hiệu nào. Dù mới 8 giờ 30 phút, nhưng bên trong nhà "thầy" đã có hơn 20 người bệnh, người vừa bó thuốc xong, đang đợi cho thuốc khô để ra về; người đang chờ đến lượt mình được "thầy" khám.

Hỏi thăm một phụ nữ khoảng 30 tuổi, chị cho biết chị tên Huệ, nhà ở cư xá Đài ra đa Phú Lâm, quận 6, mấy bữa trước lúc từ trên lầu xuống, chị bị trẹo cổ chân: "Em đi bác sĩ khám, chụp phim, bác sĩ nói không sao rồi kêu mua băng thun về băng ép, kết hợp uống thuốc và hạn chế di chuyển trong khoảng 5 đến 7 ngày là lành. Nhưng công việc của em là bỏ mối bia, nước ngọt cho khách, không đi không được. Nghe nói thầy Lâm chữa về xương khớp rất hay, lại mau khỏi nên em đến nhờ thầy chữa".

Một người khác là anh Thuận, ở Bình Chánh, cánh tay trái vẫn còn đang bó thuốc, cho biết: "Tui bị tai nạn, gãy xương. Được người quen cho số điện thoại của thầy Lâm là 38554553 nên tui gọi. Chắc lúc đó thầy bận nên thầy kêu tui ghi lại email của thầy, là transuonglam@yahoo.com, rồi dặn tui khai bệnh qua email. Sau đó, thầy hẹn tui đến bó thuốc".

Đang trong lúc nói chuyện, một phụ nữ tóc hớt ngắn như con trai, là nhân viên của "thầy" bước ra, gọi chị Huệ chuẩn bị bó thuốc. Thoạt tiên, cô nhân viên này lấy một mảnh nylon màu xanh, kêu chị Huệ đặt bàn chân vào. Tiếp theo, cô đổ một hỗn hợp bột nhão màu vàng sậm, phủ lên quá mắt cá chân chị Huệ rồi cuốn mảnh nylon lại. Sau đó, cô dùng một mảnh vải, bọc bên ngoài với lời dặn ngồi đợi chừng phút 15 cho khô rồi hãy về.

Tôi hỏi chị tiền khám, tiền thuốc là bao nhiêu? Chị Huệ vừa đưa tôi xem 3 gói thuốc, vừa trả lời: "Tất cả là 1,8 triệu đồng, chưa kể tiền chụp X-quang. Thầy dặn cứ mỗi gói chia làm hai, đem về tự bó ngày 2 lần, sáng và chiều. Bó hết 3 ngày thì khỏi".

"Thầy" Lâm đọc phim X-quang và chẩn đoán bệnh.

Tới lượt tôi vào khám. “Thầy” Lâm mặt mũi phương phi với bộ râu con kiến, nhìn tôi từ đầu đến chân trước khi kêu tôi ngồi xuống chiếc ghế  đối diện với bàn làm việc của "thầy". Trên bàn, tôi thấy có một bộ máy tính còn trên bức tường cạnh bàn làm việc, là một hộp đèn chuyên dùng đọc phim X-quang.

"Thầy" hỏi: "Anh bị cái gì?". Tôi thưa: "Bữa qua ăn tiết canh lòng heo, bữa nay đầu gối đau quá trời". "Thầy" phán: "Gút rồi. Gút nó phá hủy các khớp nên đau là đúng thôi. Bây giờ đi chụp phim nghe. Chụp xong cầm về tôi coi, tôi bó thuốc". Tôi hỏi: "Chụp ở đâu thầy?". "Thầy" Lâm nói: "Qua số 93 đường Tân Khai, ngay cạnh đây nè. Còn không biết đường thì tôi kêu người đưa đi".

Nhân viên của "thầy Lâm" đang bó thuốc cho một phụ nữ.

Cũng như cơ sở số 302 của "Đông y Trần Sưởng Lâm", căn nhà số 93 đường Tân Khai không hề có bảng hiệu mặc dù nó là điểm chụp X-quang. Sau khi đóng 270 nghìn cho nhân viên làm nhiệm vụ thu tiền, tôi được một người, tự xưng là "kỹ thuật viên" nhưng không đeo bảng tên đưa vào phòng trong. Thú thật là vừa nhìn thấy phòng chụp X-quang, tôi đã vãi linh hồn vì đó chỉ là một căn phòng bình thường. Tất cả các vách tường đều không lót chì hoặc tráng barit để cản tia phóng xạ, kỹ thuật viên cũng không mặc áo bảo hộ có phủ chì còn máy X-quang thì không rõ thuộc thế hệ nào.

Lắp phim xong, kỹ thuật viên kêu tôi lên bàn, ngồi duỗi thẳng từng chân ra, bấm nút chụp cái toách rồi bảo tôi ở lại 15 phút chờ tráng phim. Theo nguyên tắc, để chẩn đoán bệnh lý hoặc tổn thương xương, khớp, hầu hết bệnh nhân được yêu cầu chụp 2 phim, một chụp thẳng và một chụp nghiêng nhưng ở cơ sở khám chữa bệnh của "thầy" Trần Sưởng Lâm, mỗi bên chân tôi chỉ được chụp một phim thẳng thì chẳng hiểu "thầy" Lâm" sẽ chẩn đoán thế nào?--PageBreak--

Khi “y học cổ truyền” kết hợp “y học hiện đại”

Cầm 2 tấm phim về số 302 đường Đỗ Ngọc Thạnh, tôi lại phải đợi gần nửa tiếng nữa vì "thầy" Lâm đang bận khám cho một người khác. Tranh thủ khoảng thời gian này, tôi hỏi chuyện một số bệnh nhân xung quanh. Tất cả mọi người đều cho biết việc đầu tiên khi vào gặp "thầy" Lâm rồi sau khi hỏi bệnh, "thầy" đều yêu cầu phải qua nhà 93 đường Tân Khai chụp phim X-quang.

Ông Kha, 54 tuổi, nhà ở đường Nguyễn Văn Luông, quận 6, nói: "Tôi bị đau lưng gần 3 tháng nay. Sau khi chụp phim, thầy bảo tôi bị gai đốt sống, bó thuốc, thoa thuốc cả tháng rồi mà chưa bớt". Tôi hỏi nếu chưa bớt sao ông không đi bệnh viện? Ông Kha trả lời: "Nghe người ta nói thầy này hay lắm, chữa bệnh bằng cách kết hợp Đông - Tây y nên tôi ráng theo xem sao".

Ông Phú, 63 tuổi, ở đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú cho biết: "Hai bữa trước, vợ tôi lau nhà mà tôi không biết. Lúc đó tôi đi chơi bên hàng xóm về và vừa bước vô, tôi trượt chân, té ngửa. Đến khuya, chỗ háng tôi đau dữ dội nên con tôi đưa tới đây, bó thuốc". Cầm tấm phim lên coi, tôi biết ông bị gãy cổ xương đùi nên tôi nói nhỏ với ông là nên đến ngay bệnh viện. Nghe tôi nói xong, ông Phú nhìn tôi. Trong cái nhìn ấy, tôi đọc được suy nghĩ của ông, rằng tôi rành về bệnh tật như vậy mà sao lại còn tới đây… bó thuốc! (Sau này, tôi được biết càng bó thuốc càng đau nên ông Phú đã vào bệnh viện và đã được mổ thay cổ xương đùi).

Rồi cũng đến lượt tôi. Xem xong tấm phim, "thầy" Trần Sưởng Lâm kết luận tôi bị "tổn thương đĩa đệm ổ khớp". "Thầy" phán: "Cái "gút" nó phá hủy hết chất nhờn trong khớp của anh nên anh đau (trong lúc thật sự thì tôi chẳng đau đớn gì và sáng sớm hôm ấy, tôi còn đi bộ thể dục 3km). May là anh gặp tôi chứ nếu không thì… liệt luôn".

Tôi hỏi: "Vậy chữa bao lâu khỏi hả thầy?". "Thầy" Lâm tiếp: "Anh phải kết hợp bó thuốc, thoa thuốc. Thuốc thoa mỗi ngày 2 lần sáng, chiều. Thoa xong chừng 15 phút thì bó. Thời gian đầu anh phải bó 6 thang trong 12 ngày. Sau đó nghỉ 30 ngày rồi bó tiếp 4 thang trong 8 ngày là hết gút".

Chai thuốc thoa mà "thầy" Lâm đưa tôi có dung tích chừng nửa lít, màu nâu sậm, bên ngoài hoàn toàn không nhãn mác, không thành phần, ngửi thấy mùi rượu và mùi thảo mộc hăng hắc, còn thuốc bó thì y như… vỏ trấu, đựng trong bịch nylon. Hai loại "thần dược" ấy, "thầy" Lâm tính giá 1.950.000 đồng. Lấy lý do không mang theo đủ tiền, tôi xin hẹn chiều quay lại.

Buổi chiều, lúc tôi quay lại phòng khám 302 đường Đỗ Ngọc Thạnh thì không thấy "thầy" Trần Sưởng Lâm đâu, mà thay vào đó là một thanh niên cỡ 20 tuổi, xưng là con trai "thầy", thay "thầy" khám bệnh, bó thuốc. Lúc này, có hơn 30 người ngồi chờ đến lượt mình còn ở phòng điều trị lâm sàng phía trong là khoảng 10 người, nửa nằm nửa ngồi trên những chiếc ghế nệm, kẻ bó chân, bó đùi, người bó tay, bó lưng, cảnh tượng chẳng khác gì một trạm cấp cứu dã chiến. Phía bên ngoài, ngay trên vỉa hè, hai nhân viên của phòng khám đang đổ thuốc ra tấm vải nhựa lớn rồi chia thành từng gói để bán cho bệnh nhân. Hỏi thăm, tôi được biết có mấy người bệnh tới khiếu nại vì mất tiền triệu, nhưng bệnh vẫn hoàn bệnh nên thầy tránh mặt.

Theo một số bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, thì khi bị gãy xương, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng hai cách. Nếu gãy xương kín, ít di lệch, bệnh nhân được nắn, chỉnh rồi bó bột nhằm cố định vết gãy. Nhưng nếu gãy xương hở, giập nát mô, cơ, có tổn thương thần kinh, mạch máu hoặc gãy xương phức tạp thì phải mổ để giải quyết. Với người già yếu, có bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch hoặc sức khỏe quá kém mà gãy cổ xương đùi thì thay vì mổ, họ được bắt nẹp bất động để chống xoay chứ không bó bột. Riêng với đau lưng do thoát vị đĩa đệm, đau khớp do bệnh gout, gai đốt sống thì đắp thuốc, bó thuốc không bao giờ lành, chưa kể còn có thể bị nhiễm trùng.

Lương y Huỳnh Văn Khiết, cho biết: "Một số trường hợp bó thuốc, đắp thuốc có hiệu quả nhưng chỉ là những bệnh nhẹ, chẳng hạn như bong gân, trật khớp đã được nắn chỉnh đúng phương pháp, còn các chấn thương khác như gãy xương, biến dạng khớp do gout thì nên vào bệnh viện".

Một nhân viên của "thầy" Lâm đang "bào chế" thuốc.

Phòng khám “Đông y Trần Sưởng Lâm” bị buộc ngừng hoạt ‘động

Sáng ngày 12/11/13, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã tiến hành kiểm tra những cơ sở khám chữa bệnh của "Đông y Trần Sưởng Lâm". Theo ghi nhận của đoàn thanh tra, tại phòng khám 302 Đỗ Ngọc Thạnh có hàng chục bệnh nhân nhưng ông Trần Sưởng Lâm và con trai ông là Trần Gia Nguyên chưa trình được giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề, đồng thời phát hiện nhiều bao dược liệu, thuốc thoa, thuốc gói, thuốc đắp không rõ xuất xứ, không nhãn mác, liều lượng sử dụng, chưa đăng ký với Sở Y tế.

Tại nhà số 308, có 5 bệnh nhân đang được một nhân viên tên Trịnh Cẩm bó thuốc. Tại nhà số 179 - cả hai đều nằm trên đường Đỗ Ngọc Thạnh - có 4 người đang được nhân viên tên Võ Diệp Hương bó thuốc nhưng không có lương y theo dõi.

Khi thấy nhà 320, 308, 179 bị kiểm tra, cơ sở X-quang 93 đường Tân Khai đã vội vã đóng cửa. Lúc đoàn thanh tra cùng chính quyền địa phương yêu cầu ông Trần Sưởng Lâm mở cửa, thấy có một kỹ thuật viên và một người làm nhiệm vụ thu tiền ở trong nhà. Tiến hành kiểm tra, đoàn thanh tra phát hiện 1 máy X-quang, thiết bị rửa phim và nhiều phim X-quang cùng 6 hồ sơ bệnh nhân đã được chụp. Cơ sở này không xuất trình được giấy phép, không có giấy chứng nhận an toàn bức xạ. Người đọc kết quả phim không phải là bác sĩ, mà là cha con ông Trần Sưởng Lâm dù cả hai chưa hề trải qua một lớp đào tạo nào.

Sau khi lập biên bản vi phạm và niêm phong thuốc men để kiểm định, Thanh tra Sở Y tế đã yêu cầu ông Trần Sưởng Lâm phải ngừng hoạt động 3 phòng khám và cơ sở chụp X-quang ngay lập tức, đồng thời phải treo biển báo nghỉ hoạt động. Bên cạnh đó, đoàn thanh tra giao chính quyền địa phương quản lý, theo dõi việc chấp hành pháp luật của "Đông y Trần Sưởng Lâm"

Nhóm PV Thời sự

Không có nhận xét nào: