Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Hát cho đại gia: Quạt tiền thay tiếng trống chầu

Copy từ http://nld.com.vn/20120323110431714p0c1020/hat-cho-dai-gia-quat-tien-thay-tieng-trong-chau.htm ;tin ngày 23/03/12,mục Văn hóa-Giải trí .

Hát cho đại gia: Quạt tiền thay tiếng trống chầu

 

Nếu trước đây người cầm chầu ở sân đình hát chầu mỗi mùa cúng kỳ yên gõ nhịp trống khen phạt nghệ sĩ qua cảm nhận từ câu ca, điệu hát thì nay thay vào đó là những chiếc quạt kẹp tiền ném liên tục lên sàn diễn

Không chỉ hát bên bàn nhậu, xu hướng nghệ sĩ hát cho đại gia còn xuất hiện ở các đình, chùa, miếu tại hầu hết tỉnh, thành phía Nam, nơi mà các đại gia sau khi làm ăn khấm khá, về quê nhà bái lạy tổ tiên, phô trương sự giàu có của mình bằng những suất hát miễn phí phục vụ xóm làng. Và nghệ sĩ ngôi sao kiếm bạc triệu nhờ những sô diễn này.

Không cần tuồng, cứ mỗi bài 10 triệu đồng

Nếu trước đây người cầm chầu ở sân đình mỗi mùa cúng kỳ yên gõ nhịp trống khen phạt nghệ sĩ qua cảm nhận dở hay từ câu ca, điệu hát thì ngày nay ở các mùa chầu đại lễ, tiếng trống chầu không còn nữa mà thay vào đó là những chiếc quạt kẹp tiền ném liên tục lên sàn diễn. Thường một sô cúng đình do đại gia về làng “vinh quy bái tổ” có giá trọn gói từ 50 triệu đến 80 triệu đồng gồm âm thanh, ánh sáng, phông màn, trướng gấm, dàn nhạc, hậu đài, phục trang...

Nghệ sĩ Tú Sương và NSƯT Kim Tử Long trong vở Lưu Kim Đính tại đình An Trị, Tân An - Long An

Riêng các nghệ sĩ ngôi sao được mời tăng cường giá từ 8 triệu đến 15 triệu đồng. NSƯT Lệ Thủy, NSƯT Vũ Linh, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Kim Tử Long, Vũ Luân, Kim Tiểu Long, Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Bình Tinh, Chinh Nhân… là những nghệ sĩ của sân khấu cải lương được mời hát chầu nhiều nhất trong mùa cúng đình hằng năm. Thường nghệ sĩ ngôi sao chỉ hát từ 2 đến 4 bài ca cổ và ca nhạc hoặc diễn một lớp trong những vở tuồng nổi tiếng. Danh hài Hoài Linh có khi nhận hát giá từ 45 triệu đến 60 triệu đồng/suất nhưng anh rất ít khi nhận lời hát cúng đình vì bận lịch quay phim.

NSƯT Vũ Linh đã từng được mời hát chỉ một lớp trong vở Lưu Kim Đính nhưng vẫn được khán giả chờ đón để xem. Anh cho biết: “Hát cúng đình đều hát cương, không dựa theo tuồng, ai nhớ câu ca nào thì cứ hát theo kiểu của mình, cái hay của người bạn diễn là sự đối đáp cho có vần, có chuyện. Thế nhưng, tôi rất chậm trong việc hát cương kiểu đó. Phải hát đúng kịch bản, đúng vai tuồng thì tôi mới nhận lời”. Một lần một đại gia trả 5.000 USD chỉ để yêu cầu NSƯT Vũ Linh diễn vai Lữ Bố (vở Phụng Nghi Đình) nhưng anh từ chối vì: “Trong sự nghiệp của tôi, có hai vai diễn mà tôi chưa bao giờ diễn, đó là Lữ Bố và Thi Sách. Vai Lữ Bố là vai để đời của NSND Thanh Tòng, còn vai Thi Sách là nhân vật bất hủ của thầy tôi - NSƯT Thanh Sang nên tôi không dám vượt qua mặt hai người nghệ sĩ bậc thầy mình, lại càng không dám hát cương, phá mất tinh thần của vai diễn khi bản thân mình chưa từng diễn qua”.

Trong một lần theo chân một ngôi sao xuống Đồng Tháp xem hát cúng đình, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước cách thức tổ chức cúng lễ kỳ yên quái đản của một “đại gia” ở đây. Ông này ở Anh về nước xây khu nghĩa trang gia tộc và tự hào khi “mua đứt” sân đình để tổ chức đại nhạc hội cầu yên. Thay cho tiếng trống kèn cúng đình quen thuộc bằng nhạc hip hop, ông tùy tiện lên sân khấu giật micro hò hét, nói chen vào giữa lúc nghệ sĩ đang diễn vở Phụng Nghi Đình, khi thì chỉ Lữ Bố mắng “thằng này dê gái bỏ mẹ, thấy con gái đẹp là nhào vô, sao mày giống tao quá vậy?”. Khi thì “đại gia” chỉ nhân vật Điêu Thuyền rồi phán: “Con này ngu quá, có hai chồng sướng gần chết còn làm bộ khóc”. Nói xong cười hô hố, mặc cho mấy bô lão áo dài khăn đóng nghiêm trang chỉnh tề ngồi dưới sân đình lắc đầu ngao ngán.

Khi đã chếnh choáng hơi men, “đại gia” này vào hậu trường đề nghị các nghệ sĩ trong vở Phụng Nghi Đình không cần hát theo tuồng, biết hát bài nhạc nào thì lên hát, mỗi bài sẽ được thưởng 10 triệu đồng. Một số nghệ sĩ từ chối, số còn lại cứ thế đếm tiền khi ca 60 năm cuộc đời, Túp lều lý tưởng, Nắng có còn xuân… dù đang hóa trang nhân vật Đổng Trác, Quan Tư Đồ, Lý Nhu, Lữ Bố… vở tuồng khép lại giữa chừng, ngôi sao được thưởng hậu hĩ, chỉ có những nghệ sĩ tự trọng với nghề thì ngồi bó gối một góc sân đình.

Những chuyện không tử tế

Một đại gia phất lên nhờ mua bán đất một thời bao trọn gánh hát xuống Long Xuyên (An Giang) biểu diễn. Mê làm nghệ sĩ nên đại gia này xin được hát lớp Cao Quân Bảo quỳ xin tội Lão Thái Quân (bà nội của nhân vật Cao Quân Bảo) trong vở Thập tứ nữ anh hào. Nhưng vì không biết ca nên phải nhờ một nam nghệ sĩ thu sẵn tiếng, đến khi Cao Quân Bảo cất giọng thì bấm MD để phát tiếng hát. Không ngờ, người bấm đĩa đã bấm nhầm, thay vì Cao Quân Bảo ca, lúc đó Mộc Quế Anh cất giọng. Quê với bà con khán giả đến xem hát, đại gia này đập phá cảnh trí, sỉ nhục bầu đoàn nghệ sĩ, vì đã bỏ hơn 150 triệu đồng để được một lần làm nghệ sĩ nhưng không thành.

Thực tế, việc đi hát cho đại gia còn có những chuyện chẳng tử tế như nghệ sĩ ngôi sao hét giá và ăn chặn tiền của anh em trong đoàn. Việc giật mối, giành sô đã làm cho tình đồng nghiệp tổn thương. Giềng mối đạo đức bị phá vỡ, văn hóa ứng xử càng kém đi đối với một số ngôi sao dựa hơi đại gia để sát phạt đồng nghiệp. Mới đây, trong một sô hát cúng đình cho đại gia ở Long An, hai nghệ sĩ thiếu đường choảng nhau, đại gia đã mời nghệ sĩ A làm bầu nhưng vì số tiền cát sê bị kê lên quá cao, hơn 80 triệu đồng nên giờ chót, nghệ sĩ B chơi trò phỗng tay trên, chỉ nhận với giá 50 triệu đồng. Thay cho sự thuyết phục về mặt chất lượng nghệ thuật, một bên sẵn sàng ngăn cản những diễn viên trẻ tham gia hát dàn bao cho sô ăn “bớt lương” này, một bên thì kêu các diễn viên ở các đoàn tỉnh với giá rẻ bèo để “tinh gọn” cho đỡ kinh phí.

Người đứng giữa là những diễn viên trẻ chịu nhiều thiệt thòi, vì họ phải lo mọi thứ từ ráp sân khấu, làm vệ sinh cho đến biểu diễn, giặt ủi phục trang… nhưng chỉ lãnh vài trăm ngàn đồng cho một ngày làm việc. Nạn ngôi sao khi nhận thầu kê giá trên trời nhưng chi thù lao cho anh em quá thấp cũng là điều tệ hại khiến nghệ sĩ nhìn nhau trong sự khinh rẻ.

 

Biến dạng văn hóa truyền thống

 

Điều khiến cho dư luận trong giới sân khấu quan tâm đó là việc cấp phép biểu diễn tại các chương trình hát cúng đình, cầu yên do một số nghệ sĩ ngôi sao tự phát đứng ra tổ chức dưới sự chi tiền của đại gia. Chất lượng nghệ thuật từ các sô diễn này thường tạp nhạp, không lường trước bởi sự nhố nhăng, bôi bác của các nghệ sĩ chỉ cốt chiều lòng đại gia. Với suy nghĩ diễn miễn phí cho người dân ở địa phương nên khâu hậu kiểm không được cơ quan quản lý tiến hành đúng theo quy trình. Các nghệ sĩ cho rằng hát cúng đình không bao giờ bị kiểm tra và cứ thế, những hoạt động biểu diễn không tử tế nơi sân đình do các đại gia chi phối đã làm cho không gian văn hóa truyền thống mang tính tôn nghiêm bị ám màu đen tối.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

 

Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

Lại kể chuyện hạt na

Copy từ bán nguyệt san Thuốc & Sức khỏe số 447 (1.3.2012), trang 11.

Lại kể chuyện hạt na

BS Huỳnh Ngọc Tựng

 

Trong TSK số 195, tôi có giới thiệu trường hợp ông Tám H. và ông Năm L. nhờ người đưa đò sang sông Hàm Luông trong đêm vì có việc cần gấp. Tất nhiên là bị từ chối. Đang lúc năn nỉ ỉ ôi,ông Tám nghe có tiếng rên rỉ trong buồng. Hỏi ra mới biết vợ ông chèo đò bị nhức răng từ trưa đến giờ còn nhức.

Trúng tủ, ông bèn giở ngón nghề, ra điều kiện nếu chữa hết nhức răng thì ông phải đưa đò sang trong đêm. Thế là ông Tám bước ra sân, trong bóng tối, lấy ra một hạt na lúc nào cũng có đem theo. Cắn vỡ lấy riêng nhân (giấu nghề) bảo người chồng cho vào hố răng bị hà. Quả nhiên chỉ 5 phút sau là hết nhức. Người chủ đò vẫn giữ lời hứa nhưng lại ra điều kiện phải nhậu xong một con gà luộc rồi mới đưa đi.

Lần này không còn cách nào hơn đành phải nhận. Ba người chỉ mới nhâm nhi vài ly rượu với quả bần chín thì đứa con đã đưa ra con gà vừa luộc xong. Thế là ba người đàn ông lai rai đến hừng đông có tiếng gà gáy mới đi được.

Quả na

 

Cháu tôi đọc bài báo này, khi ăn na có để dành hạt phòng khi cần đến. Đến khi lấy ra dùng thì mới biết có con sâu mọt hoặc con kiến đục vào ăn hết nhân. Cháu tôi "sáng kiến" nghĩ ra cách ngâm rượu nhân hạt na. Kể từ đấy, đầu trên xóm dưới, cả xóm, ai có nhức răng thì đến xin vài giọt rượu để chữa cầm cự chờ lúc đi chữa răng, mà họ cũng không cần phải làm sẵn để dùng.

Các bé gái bán trú ở vườn trẻ mẫu giáo. Nhiều năm ngủ trưa cùng nhau cho đến lớn, có đôi khi một số cháu bị lây con chí. Hạt na nấu lấy nước dùng gội đầu trị chí thì nhiều người đã biết. Nhiều tờ báo đã giới thiệu rồi, vừa rồi, bạn tôi gọi điện thoại đến nói đã biết nấu hạt na trị chí, nhưng nay đã có sẵn rượu hạt na (ngâm cả vỏ hạt) thì có dùng được hay không, dùng cách nào. Tôi hỏi lại kỹ từ bạn này, sau khi đọc bài trong TSK số 401, không dùng riêng nhân mà dùng búa đập dập hạt na ngâm rượu.

 

Tôi bảo chắt lấy rượu, để cháu nằm ngữa, xoa rượu này lên tóc, dùng khăn trùm lại để không bị dây ra mắt. Sau 1 giờ thì gội rữa. Quả nhiên, cháu đã khỏi và sau đó các trứng cũng bị ung không nở được.

Qua kinh nghiệm "dân gian" này, tôi đề nghị các bạn làm như sau:

- Để dùng trị chứng nhức răng: Dùng khoảng 40 hạt na, đập vỡ, bóc lấy nhân ngâm với khoảng 30 ml rượu, đựng trong lọ nút kỹ.

- Để dùng trị chí: Dùng khoảng 200g hạt na đập dập, ngâm với 500ml rượu xoa vào tóc.

Làm như vậy tốn kém không đáng kể, nhưng có sẵn để dùng khi cần. Ngay ở nông thôn có lúc cần đến, chỉ có quả na non không dùng được.

BS.Huỳnh Ngọc Tựng