Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Giải mã Thất Sơn (Kỳ 3)

Giải mã Thất Sơn được đăng thành 3 kỳ.
Giải mã Thất Sơn (Kỳ 3)
Copy từ http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=702&id=512982 , đăng ngày 28/02/14; mục Phóng sự điều tra.
TẤM BIA TRẤN YỂM
Men theo con đường vòng quanh núi Sam (TP.Châu Đốc), chúng tôi tìm nơi có tấm bia trấn yểm vùng Thất Sơn. Hỏi chùa Bồng Lai thì không ai biết, người dân địa phương chỉ biết là chùa Bà Bài. Qua khỏi một cây cầu sắt chênh vênh, men theo kinh Vĩnh Tế mùa cạn nước, cuối cùng chúng tôi tới được nơi cần đến.
Đang giờ nghỉ trưa nhưng nghe có khách đường xa, cô út Diệu An - người giúp việc công quả trong chùa - vẫn nhiệt tình đón tiếp. Cô út Diệu An tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Lan, 43 tuổi, vào chùa được 13 năm. Chùa Bà Bài thực ra là chùa Bồng Lai do ông cố đặt. Ở đây có thẻ của Phật Thầy cắm phía trước, còn tấm bia phía sau chùa. Nói đoạn, cô Diệu An tự giới thiệu về chùa bằng bốn câu thơ: “Thấp thoáng bên bờ kinh Vĩnh Tế / Bồng Lai cổ tự dáng uy nghiêm / Mái nghiêng lẫn khuất chen cành lá / Cao vút hàng sao lặng gốc thềm”.
Tấm đá yểm
Vào năm Tự Đức thứ 12 (Kỷ Mùi, năm 1859), ngày 15-2 quân Pháp tấn công thành Gia Định. Các nhà ái quốc quyết chí đứng lên chiêu binh chống Pháp, trong đó có lãnh binh Trương Công Định, thiên hộ Võ Duy Dương, quản cơ Nguyễn Văn Lịch (tức Nguyễn Trung Trực)... Trong số này, ở Tân Trụ (Long An) có ông Huỳnh Văn Đức. Ông mời ăn, phục rượu say, tổ chức giết hết lính Pháp. Tàu Pháp hay tin càn quét rất gắt, không có vũ khí chống lại, dân trong thôn phải lánh nạn. Ông Đức nhắm hướng bảy núi ngày đêm băng rừng, vượt sông cả tháng trời mới đến vùng núi Tượng. Tại đây, ông Đức gặp ông Phạm Thái Chung. Hai người lần ra đến Bà Bài, chọn chỗ phát hoang cất cái am nhỏ đặt tên là “Bồng Lai Tự” vào năm 1861. Ông Đức làm ông Tăng giữ am, ông Chung đi chữa bệnh cứu người. Gặp năm dịch tả hoành hành, ông Chung chỉ dùng cây, lá tầm thường mà trị hết bệnh. Dân chúng kéo đến am quá đông nên bá tánh đề nghị ông Chung xây chùa. Ngày 15-1-1876, chùa được xây dựng và vẫn lấy tên cũ. Bấy giờ, người ta gọi ông Chung là ông Đạo Lập (vì lập nên chùa Bồng Lai). Dân chúng Bà Bài tôn trọng ông nên gọi là Đức Tiên Sanh hay Đức Sư Cố.
Trong quyển Khảo cứu lịch sử giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương (tác giả Trần Văn Quế - nguyên giảng sư lịch sử trường Đại học Vạn Hạnh và Văn khoa Sài Gòn trước năm 1975) thì ông Đạo Lập là một trong 12 vị đệ tử của Phật Thầy Tây An. Mười hai vị đệ tử được mọi người gọi là “thập nhị hiền thủ”. Sinh thời, Phật Thầy đặt cho ông Đạo Lập pháp danh Sùng Đức Tiên Sinh. Hiện trong bài vị thờ ông tại chùa lại ghi là Bồng Lai La Hồng Tiên Sinh.
Nữ sĩ Mộng Tuyết nhóm “Hà Tiên tứ tuyệt” (gồm Mộng Tuyết và chồng là thi sĩ Đông Hồ, Lư Khê và Trúc Hà) từng đưa ông Đạo Lập vào bút ký Ông Đạo Lập quá hải.
Nhắc đến ông Đạo Lập, cô út Diệu An sôi nổi hẳn lên: “Từ ngày còn nhỏ, cha mẹ, ông bà tôi hay kể chuyện về ông Đạo Lập lắm. Ông còn được Phật Thầy truyền cho tài đi mây về gió, thiêng dữ lắm”.
Trên bước đường vân du hóa chúng, một hôm Đức Tiên Sanh đến vùng Hà Tiên, phát hiện một tấm đá yểm nằm sâu dưới lòng đất. Ngài về chùa quy tụ một số người đến đào, khoảng vài thước phía dưới. Lấy được tấm đá yểm lên, trên mặt đá có khắc rất nhiều chữ Tàu, ngài bảo: “Đây là tấm yểm của Tàu, muốn làm tiêu vượng khí của nước Nam, không cho dân tộc Việt xuất anh hùng, hào kiệt”. Ngài cho xóa một phần chữ trên tấm đá, chỉ còn lại một hàng ghi như sau: “Hoàng Thanh - Càng Long ngũ thập thất niên trọng thu cốc đáng” (tạm dịch: Đời nhà Thanh, vua Càng Long năm thứ 57 vào mùa thu) rồi cho chuyển tấm đá về Bồng Lai Tự - Bà Bài chôn bên cạnh chùa.
Chùa Bồng Lai
Người đời sau nhận xét: Có thể tấm đá yểm do dòng họ Mạc ở Hà Tiên lập nên vì bấy giờ vùng này là giang sơn của họ. Họ Mạc đến đây ước chừng khoảng năm 1674, tức sau thời gian chúa Nguyễn vào Nam (1558), thiết lập Đàng Trong. Cũng vì muốn thu mình đợi thời cơ nên chúa Nguyễn đã tấn phong tước công cho Mạc Cửu (Mạc Linh Công) quyền làm tổng trấn. Họ Mạc chôn những tấm yểm để phá long mạch nước Nam, theo thuật phong thủy của người Tàu.
Đưa chúng tôi ra sau chùa, giữa những cơn gió mát lạnh, cô út Diệu An lui cui vào bên trong nơi thờ tấm đá yểm để lau chùi. Chúng tôi nhìn thấy tấm bia bằng đá sa thạch, cao khoảng 90 cm, ngang 40cm. Giữa mặt bia có vẻ như từng có chữ nhưng bị đục xóa trắng.
Việc này có lẽ Đức Phật Thầy Tây An (Đoàn Minh Huyên - PV) đã biết nên cho ông quản cơ Trần Văn Thành đi trồng năm cây thẻ ở khắp nơi, có thể để khống chế các tấm bia yểm kia chăng? Đó là khoảng năm 1849 - 1856. Lúc bấy giờ vùng đất An Hà (An Giang - Hà Tiên) dân cư thưa thớt, đa số rừng rậm nên rất nghèo khổ. Phật Thầy dùng gỗ Làu Táu mang về tiện thành búp sen trên đầu mỗi cây, giao năm đoàn khai hoang đến vùng nào thì cắm cây thẻ nơi ấy để làm hiệu lệnh. Đoàn 1 giao cho ông Tăng Chủ (Bùi Văn Thân) và Đình Tây (Bùi Văn Tây) khai hoang vùng Hưng Thới - Xuân Sơn (Tịnh Biên). Đoàn 2 giao cho ông Trần Văn Thành vùng Láng Le (Châu Phú). Đoàn 3 giao cho ông Đạo Ngoạn (Đặng Văn Ngoạn) vùng Sa Đéc. Đoàn 4 giao cho ông Đạo Xuyến (Nguyễn Văn Xuyến) vùng Châu Phú. Đoàn 5 giao cho ông Đạo Lập (Phạm Thái Chung) vùng Hà Tiên.
Một vài cụ niên lão trong ban quản tự hiện nay như: Sáu Hạnh, Ba Thanh, Tư Hạt tuổi đời cũng trên dưới 80 cho hay, thuở nhỏ mỗi lần Tết đến hay cúng chùa họ đều theo cha mẹ. Tất cả đều thấy cây thẻ cắm cao khoảng 6-7 tấc.
Theo cư sĩ Nhật Huỳnh, mãi đến khi ngôi chùa bị quân Mỹ bắn sập vào năm 1966, dân xóm Bà Bài tản cư không còn ai. Trong khoảng thời gian này, không biết ai đến cưa cây thẻ đem về tặng ông chủ tiệm Minh Hiệp (người Hoa, chuyên sưu tầm đồ cổ ở Châu Đốc). Không biết vô tình hay hữu ý, ông này tiện thành hai khúc. Một khúc làm đế, khúc kia dựng lên trên rồi đặt lên bệ để thờ. Ngoài ra, ông cũng sưu tầm được cây gậy của ông Đạo Lập, trước do chùa Bồng Lai cất giữ.
Một thời gian sau, ông chủ tiệm đau nặng qua đời. Có lẽ người nhà cho rằng mang vật lạ về thờ là điềm gở nên đem hiến cho chùa Châu Long (Châu Đốc). Đến năm 1987, có hai người nữ một tăng và một tục, đêm ngủ nằm mộng thấy có người đến bảo “hỗ trợ bà con xóm Bà Bài xây dựng lại chùa Bồng Lai của ông Đạo Lập và bảo quản cây thẻ của Phật Thầy”. Hai vị nữ là sư cô tục danh Nguyễn Thị Tròn (quê Định Mỹ, Thoại Sơn), người còn lại là Thạch Thị Bé Tư (ngụ núi Cấm, huyện Tịnh Biên).
Cho là điềm báo bất thường, cả hai người sáng hôm sau quyết định đi tìm chùa. Khi đến sát kinh Vĩnh Tế, họ phát hiện ngôi chùa đổ nát như trong giấc mơ. Họ tìm gặp ban quản tự nói về cây thẻ. Quý vị trong ban quản tự mới nhớ lại cây có trong búp sen lúc nhỏ hay thấy. Moi tìm trong đống đổ nát, họ phát hiện cây thẻ vẫn còn y đó, bên cạnh hai phách chân cột phướng nhưng đã bị cưa mất một đoạn. Tin đồn ra ngoài, nhiều người bệnh đến vạt một chút mang về nấu uống nên cây thẻ hiện nay có hình đầu nhọn.
Sau khi chùa được xây lại, ban quản tự cho xây thêm mái che cây thẻ để bảo quản, mọi người cũng gọi là dinh Ông Thẻ. Về khúc thẻ bị cưa, có người cho biết khúc thẻ hiện ở chùa Châu Long, ban quản tự cho người đến xin về nhưng chỉ còn phần đế, phần trên bị thất lạc. Mãi sau này, chùa Châu Long mới tìm được phần trên giao cho chùa Bồng Lai. Bà con cho thử chất liệu của khúc thẻ và cây thẻ quả cùng một loại cây nên tin và để thờ trong chùa. Về sau con cháu ông chủ tiệm Minh Hiệp cũng mang cây gậy của ông Đạo Lập giao trả cho chùa. Hiện giờ cả hai vật trên được thờ cạnh bài vị Đức Tiên Sanh.
Bí ẩn lăng Thoại Ngọc Hầu
Đối diện di tích chùa Bà, lăng Thoại Ngọc Hầu tựa lưng vào núi Sam (TP. Châu Đốc), nằm ở vị trí cương thổ của vùng đầu nguồn sông Hậu, là một trong những bí ẩn của vùng bảy núi. Ngoài lăng mộ ông và hai phu nhân còn có rất nhiều ngôi mộ vô danh khác. Giai thoại kể, một đoàn hát bội đã được chôn sống hoặc tuẫn tiết khi vị tướng tài ba này qua đời, để phục vụ ca hát cho ông ở thế giới bên kia.
Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại (1761 - 1829), một danh tướng của triều Nguyễn. Ông sinh ngày 25-11-1761 tại Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ông là người chỉ huy đào kinh Vĩnh Tế, kinh Thoại Hà... để phát triển nông nghiệp và mở đường từ Châu Đốc đi núi Sam, Châu Đốc đi Lò Gò và Sóc Trăng. Ông có công lớn khai phá nhiều vùng đất phía Tây Nam Tổ quốc. Vì lập được nhiều công to và được phong nhiều chức tước trong đó có tước Hầu nên người ta quen gọi theo danh tước Thoại Ngọc Hầu. Trong 52 năm phụng sự triều Nguyễn, Thoại Ngọc Hầu đã nhiều lần đi sứ sang Xiêm, Lào, đã mấy lần Bảo Hộ Cao Miên (nên còn có danh xưng Bảo Hộ Thoại), từng gom dân khai khẩn đất hoang lập nhiều làng, xã trù phú, đã nhiều lần xông pha nơi trận tiền giết giặc phò vua, đảm trách nhiều chức vụ hành chính quân sự quan trọng.
Năm 1818, theo lệnh vua, Nguyễn Văn Thoại dùng 1.500 sưu dân vừa Miên vừa Việt đào kinh Tam Khê hay kinh Đông Xuyên. Khi hoàn tất được vua Gia Long khen thưởng và cho lấy tên Thoại đặt cho con kinh là Thoại Hà. Thoại Hà chảy bên núi Sập nên nhà vua cũng cho cải tên núi Sập lại là Thoại Sơn để đánh dấu công trình lớn lao của Nguyễn Văn Thoại. Thoại Ngọc Hầu cho soạn một bài văn khắc vào bia đá đánh dấu kỷ niệm này. Bốn năm sau, bia đá khắc xong gọi là bia Thoại Sơn được dựng lên bên núi. Thoại Sơn được long trọng khánh thành vào năm 1822.
Cổng chính lăng Thoại Ngọc Hầu
Sự tiện lợi của con kinh Vĩnh Tế càng về lâu càng thấy rõ. Do đó mà sau khi Thoại Ngọc Hầu mất được bảy năm, đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836) khi triều đình cho lệnh đúc Cửu đỉnh để làm quốc bảo và tượng trưng cho sự miên viễn của hoàng gia, vua cho chạm hình kinh Vĩnh Tế vào Cao đỉnh. Đến nay, kinh Vĩnh Tế vẫn là một thủy đạo hữu ích lớn cho việc thông thương vận tải. Từ vàm kinh ở bờ Hậu Giang (Châu Đốc) thẳng đến cửa Giang Thành (Hà Tiên) dài 98.300m, sở dĩ lưu thông được là nhờ nơi dòng nước đào bằng tay nói trên.
Ông mất tại Châu Đốc ngày 6 tháng 6 âm lịch năm Kỷ Sửu (1829), thọ 68 tuổi. Theo gia phả thì ông mất vì bệnh nhưng không nói rõ bệnh gì. Khi được tin, Minh Mạng truy phong cho ông chức Tráng Võ Tướng Quân, Trụ Quốc Đô Thống, thưởng 1.000 quan tiền, gấm loại tốt 5 cây, lụa 10 tấm và vải 30 tấm. Con trai ông là Nguyễn Văn Lâm được tập ấm hàm Kỵ Úy. Đám tang của ông được cử hành trọng thể với vô số người tham dự. Khi đưa linh cữu của ông từ dinh Bảo Hộ (ở Châu Đốc) đến chân núi Sam để chôn cất, đoàn người đưa đám dừng lại ở nhiều chặng, ở mỗi chặng đều có thiết đại lễ để cúng tiễn biệt.
Khu lăng hiện nay là do đích thân Thoại Ngọc Hầu thiết kế và xây dựng trước khi mất. Khu lăng của ông đồ sộ nhất ở khu vực núi Sam. Phía ngoài được bao quanh như bức tường thành. Bên trong cổng lăng, chính giữa nền sân rộng, bằng phẳng là phần mộ Thoại Ngọc Hầu. Mộ phu nhân chính thất Châu Thị Tế nằm bên phải. Ngôi mộ của phu nhân thứ thất Trương Thị Miệt nằm bên trái hơi thấp hơn mộ chính thất. Điều này còn chứng tỏ ngoài khả năng quân sự, kinh tế, Thoại Ngọc Hầu còn rất giỏi về xây dựng và kiến trúc.
Mộ hình thoai thoải
Đường vào lăng là chín bậc thang mà tương truyền là vị tướng người Quảng Nam này đã cho mời thợ từ Đồng Nai xa xôi đến để xây dựng. Nguyên liệu chính là đá ong. Phía mặt tiền là ngôi long đỉnh bên trong phục chế lại bia “Thoại Sơn” do ông Nguyễn Văn Thoại dựng năm 1821 bên triền núi Sập sau khi đào xong kinh Thoại Hà. Từ sân lăng nhìn vào là hai cánh cổng có mái vòm hình bán nguyệt, hai bên trụ chạm khắc hai hàng liễn đối.
Sau phần mộ của Thoại Ngọc Hầu có tấm bia "Vĩnh Tế Sơn" bằng đá sa thạch, khắc 730 chữ dựng từ năm 1828 (bốn năm sau khi đào kinh Vĩnh Tế). Lăng Thoại Ngọc Hầu hoàn thành cuối những năm 20 của thế kỷ 19. Trải qua bao năm tháng, lăng vẫn còn nét uy nghi diễm lệ, là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Để ghi công ơn Thoại Ngọc Hầu, hàng năm cứ đến ngày 6-6 (âm lịch), nhân dân quanh vùng đến làm lễ tưởng niệm ông. Dân cư địa phương gọi kính cẩn là “lăng Ông” hay “Sơn lăng”, hoặc có tên mỹ miều hơn là phủ thờ khâm sai thống chế. Di tích này được Bộ Văn hóa thông tin (cũ) xếp hạng từ năm 1980.
Điều đặc biệt ở lăng là rất nhiều khu vực có mộ. Các ngôi mộ nhỏ, không ghi danh. Nhiều công trình nghiên cứu nói đó là của dân, của thuộc hạ Thoại Ngọc Hầu ngã bệnh vì sơn lam chướng khí khi đào kinh Vĩnh Tế, Thoại Hà, được ông cho lính bốc cốt về đây. Trong khu mộ Thoại Ngọc Hầu còn có 14 ngôi mộ khác được chôn thành nhóm liền nhau, vật liệu bằng ô dước và hồ vôi. Tất cả đều mang những dáng vẻ rất riêng, cái thì hình núm tròn, có cái hình bầu dục.
Bên ngoài, khoảng 30 mộ phần phía bên trái lăng có hình thù to lớn khác nhau. Có cái thì hình bầu dục, thoai thoải, có bia đá phía trước nhưng có cái thì như mộ đất không dựng bia. Bên phải lăng cũng có nhiều mộ nhỏ với hình thức không giống như bên trái. Đây là điều rất lạ lùng.
Trong số các ngôi mộ vô danh này, nhiều bậc cao niên từng kể rằng có một đoàn hát bội Quảng Nam được Thoại Ngọc Hầu tuyển mộ vào biên giới Tây Nam để phục vụ cho ông và gia quyến uống trà, ngắm trăng, đối tửu. Sau khi ông mất, vì quá yêu thương ông, họ đã uống thuốc quyên sinh để phục vụ ông ở miền cực lạc. Hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định điều này nhưng trong dân gian thì râm ran bàn luận. Duy chỉ có điều, đối với vị tướng người miền Trung lãnh trách nhiệm dẹp yên ở biên cương Tây Nam thì chắc chắn “món” hát bội là không thể thiếu bởi thời xưa đó là “món” văn hóa dân gian rất thông dụng.
Trong các nấm mộ này còn hai mộ được đồn đoán của hai chị em song sinh, con của đào hát, cũng “đi theo” mẹ và ân nhân là ông Thoại Ngọc Hầu. Dựa vào lối xây mộ thoai thoải, hình tượng giống như gò bồng đảo của thiếu nữ, nhiều người xác định mộ chí này là của hai chị em gái.
Tháng 9-2010 trong quá trình tu bổ lăng Thoại Ngọc Hầu, nhiều di vật đã được phát hiện. Tại hội nghị khảo cổ học toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2011, 523 hiện vật, hàng trăm dấu tích được công bố. TS Phạm Hữu Công, một trong các thành viên của Hội đồng giám định nói, một điều rất lạ là trong dân gian hầu như không có những câu chuyện khẩu truyền về đồ tùy táng của Thoại Ngọc Hầu và hai bà vợ như đối với các nhân vật lịch sử khác, kể cả những ký ức về cuộc sống gia đình ông. Hơn 180 năm nay kể từ khi xây dựng xong, lăng Thoại Ngọc Hầu đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, nhưng tuyệt nhiên chưa có lần nào tìm thấy đồ tùy táng chôn theo, cho đến khi tu bổ lăng lần thứ 10 vào năm 2010, công nhân phát hiện một lằn sụp xuống tại khu vực mộ ông và phu nhân. Sau đó, công cuộc khai quật được phép tiến hành hết sức khẩn trương trong bốn ngày, thu hơn 500 hiện vật và hàng trăm tàn tích đồ gỗ, kim loại... Hiện vật tùy táng của Thoại Ngọc Hầu và phu nhân được chôn không phải trong mộ, mà ở bên ngoài cách huyệt mộ chỉ 40 cm theo quy cách “nam tả nữ hữu”, tức là đồ tùy táng của bà chôn bên phải mộ bà, đồ tùy táng của ông chôn bên trái mộ ông. Đây là một phát hiện ngẫu nhiên nhưng rất quan trọng, vì thường các nhà khảo cổ chỉ nhắm ngay huyệt mộ mà ít chú ý khu vực chung quanh hoặc trong vòng thành mộ.
Cho đến nay trong các quan đại thần của Việt Nam chưa từng có danh nhân nào để lại một khối lượng di vật phong phú như ở lăng Thoại Ngọc Hầu. Tất cả đã phản ánh chân thực về cuộc sống của tầng lớp quan lại cấp cao nước ta đầu thế kỷ 19 nói chung và khu vực biên giới phía Tây Nam đất nước nói riêng, trong mối quan hệ với các nước, nhất là trong cuộc sống của gia đình ngài Thoại Ngọc Hầu mà trước đây chưa từng được biết đến. Vì thế việc bảo quản, gìn giữ, nghiên cứu, phục dựng... để đi đến thành lập một bảo tàng Thoại Ngọc Hầu tại TP.Châu Đốc là việc rất cần thiết, có ý nghĩa.
Hết
AN HÒA - HẢI VĂN

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Giải mã Thất Sơn (Kỳ 2)

Giải mã Thất Sơn được đăng thành 3 kỳ.
Giải mã Thất Sơn (Kỳ 2)
Copy từ http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=702&id=512897, đăng ngày27/02/14; mục Phóng sự điều tra.
Thành trì quật khởi trên đỉnh núi
Sát biên giới Campuchia còn có ba dãy núi nằm trong Thất Sơn thuộc huyện Tri Tôn là núi Dài, núi Nước và núi Tô. Trên mảnh đất hồi sinh này, những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, những trường học ê a tiếng học trò đang khép lại một quá khứ với nhiều nỗi đau.
Núi Dài có tên là Ngọa Long Sơn, dài nhất trong Thất Sơn, 8km. Vì có địa hình hiểm trở và dốc nên ngọn núi này xưa kia từng là căn cứ bí mật của quân và dân An Giang trong những năm kháng chiến. Ngày nay, Ngọa Long Sơn vẫn lưu giữ những vết tích của chiến tranh xưa. Du khách đến tham quan có thể ghé thăm ô Tà Sóc (suối ông Sóc) nằm trên điểm cao của núi Dài thuộc ấp An Ninh, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, cách thị trấn Tri Tôn 11km. Đây là một vùng sơn lâm hiểm trở, từ năm 1962 đến 1967 là căn cứ của Tỉnh ủy An Giang và nhiều cơ quan trực thuộc. Ngoài Điện Trời Gầm, nơi đặt cơ quan tỉnh ủy, còn có Điện Huỳnh Liên, Vồ Cò, Vồ Cỏ Xã... là những cứ điểm quan trọng. Đặc biệt trên đồi Ma Thiên Lãnh có hang rộng chứa hàng nghìn người. Từ căn cứ địa này, Tỉnh ủy An Giang đã chỉ đạo quân và dân đánh đuổi nhiều nhóm thổ phỉ và nhiều lần kháng lại các cuộc càn quét của quân đội Mỹ, quân đội Việt Nam cộng hòa...
Theo lời kể, năm 1969 một tiểu đội tiền tiêu của Đoàn 61 chủ lực Miền bị máy bay địch ném bom sập miệng hang. Bảy chiến sĩ kẹt lại bên trong, lúc đầu đơn vị tiếp lương thực bằng cách dùng ống tre đưa sữa, cháo loãng... Mấy ngày sau, vì địch càn quét liên tục, đơn vị đành phải bỏ lại đồng đội để rút về rừng U Minh.
Khu du lịch của ông Sơn
Qua những thăng trầm, núi vẫn âm u rậm rạp, chỉ có những lối mòn mà đồng bào tìm lên hái thuốc hay bắt bò cạp bán cho người Kinh ngâm rượu, nhiều nhất chợ Tịnh Biên (An Giang). Chỉ cách biên giới nước bạn một cây cầu sắt, bà con hai nước thông thương qua lại và món bò cạp bắt từ núi Dài nổi tiếng khắp vùng. Núi có nhiều cây thuốc trị bệnh, thưa vắng người ở nên thú dữ còn nhiều.
Núi Dài đi qua các xã Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc, Lê Trì thuộc huyện Tri Tôn. Từ huyện Tịnh Biên đi về phía huyện Tri Tôn, dọc đường chúng tôi trông thấy cảnh người dân mạ lúa dưới bóng mát của những cây thốt nốt. Xa xa là núi Dài chạy tít tắp đường chân trời như một bức tường thành kéo dài không có điểm dừng.
Tài nguyên ở núi Dài gồm: đá xây dựng, cát núi, đất sét cao-lanh (dùng làm sứ cách điện cao cấp) và nước khoáng thiên nhiên. Đặc biệt, diatomite được phát hiện ở xã Lê Trì, nằm cách mặt đất từ 1,8 - 2,2m. Bề dày khoảng 1,7 - 2m, trữ lượng dự báo từ 800.000 - 1.000.000 tấn. Các loại diatomite có ở đây đều lẫn sắt hoặc chất hữu cơ rất cao nên thường có màu xám đen hoặc vàng. Diatomite núi Dài có thể sử dụng rộng rãi trong công nghiệp lọc hoạt tính, đặc biệt lọc bia, rượu, dầu ăn. Đất sét bentonite cũng được tìm thấy tại xã này với trữ lượng khá lớn. Đây là một loại đất chứa nhiều khoáng montmorillonite. Nguyên liệu này rất thông dụng trong công nghiệp, đặc biệt dùng làm chất tẩy rửa dầu nhớt, hút nhờn và làm dung dịch trong các giếng khoan dầu nhớt.
Nằm gần núi Dài là núi Cô Tô, gọi tắt là núi Tô (Phụng Hoàng Sơn, thuộc xã Cô Tô, huyện Tri Tôn) cao 614m, dài 5.800m. Đây là một vùng bán sơn địa và do cấu tạo địa chất đặc biệt, nhiều nơi bên trong núi là một hệ thống hang động ngầm như tổ ong vĩ đại, rất kiên cố. Khu vực núi Tô có nhiều điểm tham quan và nổi bật là đồi Tức Dụp, có nghĩa nước quanh năm. Đồi nằm ở sườn phía tây núi Cô Tô, cách thị trấn Tri Tôn khoảng 18km. Trước năm 1975, ngọn đồi được báo chí gọi là ngọn đồi “Hai triệu đôla” do số bom đạn của Mỹ dội xuống đây được tính ra đồng đôla Mỹ. Đây là căn cứ địa dùng để chống Mỹ của một số quân và dân tỉnh An Giang. Nhờ nơi này trập trùng đá với những lối đi quanh co lúc rộng lúc hẹp, lúc cheo leo và bên trong là những hang động rộng lớn mà khi xưa được dùng làm hang Tuyên huấn của Tỉnh ủy An Giang, kho vũ khí, nơi ăn ở, trạm xá và hội trường có sức chứa khoảng 150 người.
Núi Dài
Nằm ở sườn phía đông núi Cô Tô là một hồ nước có vẻ đẹp hoang sơ, nước hồ luôn xanh biếc và phẳng lặng. Hồ rộng chừng 5 héc-ta, có dung tích khoảng 400.000m³ được đào trong những năm 1986 - 1994, để sử dụng tưới tiêu cho hàng trăm héc-ta ruộng rẫy và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng. Tính đến năm 2009, đây là hồ nhân tạo lớn nhất của tỉnh An Giang. Một số điểm trên núi đáng tham quan khác là Mũi Tàu, Mũi Hải, Vồ Hội lớn, Vồ Hội nhỏ, suối Cây Giông, Pháo đài và Bàn chân tiên.
Trong mường tượng của chúng tôi, núi Nước chắc cũng cao như các ngọn núi khác nhưng thật ra không phải. Nó chỉ là ngọn đồi, nằm khuất sau cổng một ngôi chùa. Từ Tỉnh lộ 955B rẽ vào khoảng 600m, ngọn núi này nằm cạnh một khu dân cư. Núi Nước (Thủy Đài Sơn) là ngọn núi nhỏ nhất của dãy Thất Sơn, cao 54m, chu vi 1.070m, nằm giữa những cánh đồng rộng lớn. Mặc dù vùng này có nhiều ngọn núi cao hơn (như núi Trà Sư, Ba Thê...) nhưng núi Nước được liệt vào hàng bảy núi có thể do sự tác động bởi những quan niệm thần bí, siêu nhiên trong dân gian...
Ông Ba Lợi cho biết khi chưa có đê bao chống lũ, vào mùa nước nổi (khoảng tháng 7 đến cuối tháng 10 âm lịch), xung quanh núi là một biển nước mênh mông. Vì lẽ đó, núi có tên là núi Nước.
Ông Nguyễn Văn Tọt (bìa trái) kể về núi Dài Năm Giếng
Ngay chân núi có chùa Linh Bửu do Ngô Lợi (giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa) cho xây dựng vào ngày 9-6-1884 (Giáp Thân). Tương truyền, trên đỉnh núi thuở xưa ai đó đã chôn sâu một trụ đá khắc chữ Hán, cốt để trấn yểm long mạch, nhưng sau này bị giáo chủ Ngô Lợi cho đào lên phá hủy. Tuy nhỏ và dáng dấp như một hòn non bộ lớn nhưng núi cũng có ít cây cổ thụ, một ít hang động nhỏ.
Ngày nay, trong thiền tự, núi Nước được minh chứng là một khối đá hình chữ nhật được thờ tự. Bên ngoài có một khối sắt bảo vệ. Núi không cao, nằm trơ trọi giữa tứ bề ruộng lúa, khuất sau những vạt tràm, bên kia là Campuchia. Ngọn núi này có khối đá hình dấu chân được truyền là chân tiên. Nếu như núi Cấm cao nhất trong dãy Thất Sơn thì núi Nước là nhỏ nhất.
Lên núi làm giàu
Nằm ở phía đông thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 70km về hướng tây theo Quốc lộ 91, rẽ qua Tỉnh lộ 948 sẽ gặp hai ngọn núi nằm đối diện nhau là núi Két và núi Dài Năm Giếng. Núi được bao bọc bởi những ngọn khác như núi Đất, núi Trà Sư, núi Bà Đắc.
Được gọi là núi Két vì ở độ cao khoảng 100m tính từ chân núi, bên vách phía tây gần trên đỉnh có một tảng đá khổng lồ nằm nhô ra, theo sự mường tượng của nhiều người nó gần giống mỏ chim két (tức chim anh vũ).
Đường lên đỉnh núi Két dài khoảng 600m, được xây bậc thang và đều có hành lang an toàn. Đi dần lên núi có các địa điểm đáng tham quan như: Sân Tiên, Giếng Tiên, Điện Chư Thần, Điện Phật Thầy, Điện Phật Mẫu, Điện Ngọc Hoàng, Điện Huỳnh Long, Điện Ba Cô, Điện U Minh, Điện Chư Vị Năm Non Bảy Núi và tiêu biểu nhất là mõm ông Két cùng với nhiều truyền thuyết dân gian. Gần chân núi có ba di tích rất được nhiều người đến thăm viếng và chiêm bái hơn cả đó là đình Thới Sơn, chùa Thới Sơn, chùa Phước Điền, vì đều gắn liền với thời lưu dân đi mở đất và với giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương.
Trên đỉnh núi Dài Năm Giếng
Ở độ cao 100m là mõm ông Két, mặc dù vách đá cheo leo nhưng chủ nhân đã cho xây dựng một sân rộng vừa ngắm cảnh vừa làm điểm dừng chân. Sau lưng mõm ông Két là điện thờ Chư Vị Năm Non Bảy Núi, những người có công khai khẩn vùng Thất Sơn, riêng Năm Non là cụm từ chỉ địa danh năm “chỏm” cao gọi là “vồ” gồm: vồ Bồ Hong, vồ Bướm, vồ Đầu, vồ Bà, vồ Tiên Tuế. Bên ngoài điện có hai câu: “Trên Năm Non rồng phụng tốt tươi (tả)/ Miền Bảy núi mà sau báu quý (hữu)”. Tiếp tục lội lên Bãi Sân Tiên (mỏm núi) phải mất một giờ mới đến nơi, được xem nhiều hạng mục xây dựng. Nơi đây không khí lạnh như Đà Lạt, gió lồng lộng mát rượi xua đi cơn mệt mỏi. Núi Két bây giờ đã hình thành một khu du lịch tâm linh do tư nhân xây dựng. Người ta ví von rằng vợ chồng ông Nguyễn Văn Sơn (61 tuổi) - Nguyễn Thị Hòa Liên (63 tuổi) là chủ núi ở đây.
Sinh ra ở huyện Châu Phú (An Giang), ông Sơn từng lên Sài Gòn bôn ba tìm việc. 19 tuổi, ông lui về đây tìm kế sinh nhai. Lúc đầu, ông làm nghề gánh đào (điều lộn hột) thuê cho các nương rẫy nên mới có biệt danh Sơn “đào”. Làm lụng tích lũy mãi ông mới có một ít tiền để mua bán đào rồi mua củi khô của các chủ vườn đào bỏ đi để mang xuống núi kiếm lời. Qua vài năm, ông cũng có số dư ngon lành. Thấy các chủ nương rẫy bán đất rẻ, ông lấy tiền tiết kiệm mua hết. Chẳng mấy chốc ông đã có trong tay 20 héc-ta đất núi và quyết định làm khu du lịch.
Như con dã tràng, vợ chồng ông lúc đầu phải lấy công làm lời để cải tạo lối mòn, phát từng bụi rậm làm đường đi cho du khách. Một khối cát dưới núi chỉ có giá 300 nghìn đồng nhưng thuê nhân công cõng lên đỉnh núi trả giá một triệu đồng. Trời không phụ lòng người, khách đến đây chiêm bái ngày một đông. Từ tiền lời bán vé (8.000 đồng/vé), ông đưa điện và nước lên núi để phục vụ du khách. Du khách có thể nằm võng hoặc ngủ lại trên núi đều được phục vụ tận tình. Ông Sơn bảo: “Nơi đây có rất nhiều điều linh thiêng, làm du lịch văn hóa gắn với tâm linh nhất định sẽ thành công. Không có đường đi sẵn mà đi mãi sẽ thành đường”. Nghĩ vậy nên suốt ngày ông cùng gia đình chăm lo cho từng hạng mục để thu hút khách phương xa. Nhìn cách làm du lịch rất tinh tế của ông Sơn, chúng tôi liên tưởng đến ông già Mà Giá ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) cũng rất sáng tạo khi làm một khu du lịch trên con đường nối hoa và biển.
Đối diện núi Két trên con đường dẫn về biên giới là núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), còn được gọi là núi Dài Nhỏ. Đây là ngọn núi cao thứ tư trong Bảy Núi thuộc tỉnh An Giang. Núi cao 265m, chu vi 8.751m thuộc thị trấn Nhà Bàng, riêng vách phía tây và đông thuộc địa phận xã An Phú, xã Văn Giáo (Tịnh Biên). Sở dĩ có tên núi Dài Năm Giếng vì trên núi có năm nơi mặt đất trũng sâu như giếng nước. “Giếng tiên” này giống ở đỉnh núi Ba Thê (huyện Thoại Sơn, An Giang) nằm ở hướng ngược lại. Núi tuy hiểm trở nhưng có nhiều cảnh đẹp, nhiều vườn cây trĩu trái quanh năm như ổi, xoài, bưởi, mận, sầu riêng, thanh long... cho nên có người mô tả “nhìn theo hướng mỏ Két của núi Két, phía trước mặt là dãy Ngũ Hồ Sơn, có thể ví như một hòn non bộ khổng lồ tuyệt đẹp”. Ngoài ra, nơi đây còn có nguồn tài nguyên là đá xây dựng thuộc nhóm sáng màu mịn hạt và đá ốp lát dùng để trang trí.
Muốn lên đỉnh núi, chúng tôi phải chạy xe máy cả chục kilômét xuyên qua những đường mòn độc đạo được cổ thụ che mát, không có nắng lọt qua giống như đi trong... đường hầm.
Dừng chân ở đỉnh núi, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Tọt (55 tuổi), trước đây là dân phường Phú Hiệp, TP.Châu Đốc nay vào làm rẫy, trồng xoài. “Hồi xưa vua Gia Long vào đây ở, cắm gươm vào đất tạo thành năm giếng. Từ nhỏ, tôi đã được cha mẹ kể như vậy đó” - ông Tọt nói. Đi tiếp một đoạn là một xóm du mục với những căn nhà rách nát, trống trước dột sau. Họ lên đỉnh núi sống để làm nghề nương rẫy và chăn nuôi heo, gà. Chủ nhân ngôi nhà đầu tiên là chị Nguyễn Thị Hậu (29 tuổi). Chị có hai con đang học lớp 2 và 5, Trường THCS Nhà Bàng dưới chân núi. Chồng chị - anh Nguyễn Văn Hoài làm nghề đốn củi. Chị giới thiệu: “Tui phụ chồng làm nghề bán củi. Mang củi từ đây xuống lộ (đường) bán được 90 nghìn đồng một mét để bỏ mối cho lò bánh. Dân ở đây xài nước giếng đào, mùa hạn thì chở nước nhà lên. Sống trên đây để mần đất rẫy, đất của nhà mà!”.
Cạnh chòi chị Hậu là chòi của bà Phan Thị Duyên (55 tuổi), chồng là Võ Văn Phúc (60 tuổi). Họ có một đứa con gái tên Võ Thị Hồng Điệp, được gả chồng từ năm 19 tuổi. Nhà họ trước đây gần chợ Nhà Bàng nhưng vài năm qua, khi cuộc sống túng thiếu đã chuyển lên núi làm nương rẫy.
Ông Phan Văn Quang (55 tuổi) và vợ Nguyễn Thị Khánh (53 tuổi) có năm đứa con, nhà gần chợ Nhà Bàng nhưng hơn 20 năm qua đã lên núi làm nương rẫy. Cùng đi với ông là cậu em trai Phan Văn Tiếp. Ông Quang nói rằng, hằng năm cứ đến ngày 12-8 là ngày viếng Phật thầy Tây An hay rằm tháng 7, tháng 10 thì dòng người hành hương lên núi rất đông, chứ ngày thường vắng lắm. Ngoài đường này, muốn lên đỉnh núi còn có đường đi từ nghĩa trang Tịnh Biên. Mùa mưa ở đây có nước, phải dự trữ nước mưa xài dần. Mùa mưa từ tháng 12 đến Tết Nguyên đán. 17 tuổi, ông Quang đi bộ đội ở huyện đội, làm vệ binh từ năm 1975 đến 1978. Ông từng chốt cặp (sát) biên giới xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn. Hiện ông cùng cậu em trai lấy đá núi để xây nhà tạm, trông giữ vườn vú sữa, xoài.
Gởi xe máy ở chòi ông Quang, chúng tôi phải leo dốc để lên đỉnh. Vượt qua những nương rẫy đang mùa xanh lá, lội bộ cả cây số, chúng tôi lên tới đỉnh núi. Từ đây nhìn ra xa là con kênh Vĩnh Tế nối ra biển Đông mang tên phu nhân của tướng quân Thoại Ngọc Hầu. Trên bát ngát gió trời là một ngôi miếu và năm giếng nước được hình thành từ đá núi. Người địa phương nói rằng, nơi này rất linh thiêng và kỳ bí là vì vậy.
(Còn tiếp) - Xem tiếp kỳ (3)tại đây.
AN HÒA - HẢI VĂN

Quý hơn vàng!

Nói hay đừng:
Quý hơn vàng!
Copy từ http://laodong.com.vn/noi-hay-dung/quy-hon-vang-182833.bld , đăng ngày 27/02/14; mục Nói hay đừng.
- Theo bác, có lệnh cấm cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) uống bia rượu trong giờ làm việc và giờ nghỉ ăn trưa không?
- Bảo có thì có, nói không là không.
- Nói kiểu gì vậy?
- Kiểu nó thế. Đã có một số tỉnh ở miền núi, miền Nam có lệnh cấm, vì thực tình tớ đã nhiều năm đi “thực địa” ở các vùng này nên hiểu vấn đề. Người dân làm ăn quanh năm suốt tháng, còn CBCCVC cũng xin nói thực tình là ít việc, không đông người dân hay các cơ quan, đơn vị đến giải quyết nhiều như các tỉnh miền xuôi và các tỉnh lớn. Vì thế, nên CBCCVC không phải là “vác ô”, nhưng có nhiều thời gian để càphê, cầu lông và “giao lưu” (nhậu). Uống nhiều thành quen, uống quen thành nghiền, nghiền lâu thành nát. Vì thế những nơi “nát” buộc phải cấm.
- Hôm 25.2.2014, trong cuộc họp về ATGT, bác Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến UBATGT Quốc gia cần phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng và ban hành quy định toàn quốc không bia rượu trong giờ hành chính.
- Như thế là “nát rượu” rồi?
- Không ai nói thế, nhưng tình hình TNGT cho thấy có “một bộ phận không nhỏ” tài xế say rượu khi lái xe.
- Còn nghiện ma túy cũng vẫn được lái nữa thì sao?
- Hôm nay không bàn ma túy, nói bia rượu thôi.
- Bia rượu nói mãi nghe chán cả tai. 3 tỉ lít bia, nhiều triệu lít rượu, 5 triệu con chó, hàng chục nghìn lít cồn đánh vécni mang về pha thành rượu Hà Nội 29, uống vào đi luôn…
- Đấy là việc của cả nước, toàn dân. Ta đang nói cấm CBCCVC uống rượu trong giờ hành chính. Mỗi ngày có 24 giờ, cấm được 8 giờ (vàng ngọc) là quý lắm rồi.
- Thế hóa ra với CBCCVC chúng ta vàng ngọc cũng không là gì, một khi đã đến điểm hẹn “giao lưu”, hoặc nói như anh em văn nghệ sĩ và cán bộ Hà Nội là “ta ngồi với nhau”. Rượu quý hơn vàng.
- Tất nhiên không ai mang rượu đổi lấy vàng, nhưng có vàng, có ngọc thì ta lại “ngồi với nhau”.
- Tớ nghĩ có khi phải có một đạo luật thay cho việc chỉ đánh thuế. Rượu lậu thì thuế nào đánh được. Nhà em nấu chủ yếu để lấy bã phục vụ chăn nuôi.
- Luật thì lúc nào, lĩnh vực nào cũng cần, nhưng bác xem có luật nào ai cũng phải chấp hành nghiêm chỉnh 100% không? Tình trạng lách luật, trái luật, bất chấp luật pháp tràn lan thì sao?
Lý Sinh Sự

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Hoa vông vang

Truyền ngắn của Đỗ Tốn:
Hoa vông vang
Copy từ http://www.dactrung.com/Bai-tr-3189-Hoa_vong_vang.aspx ;
Hồn lưu lạc chưa hề thờ một chúa
Yêu một người ta dâng cả tình thương - H.C
Ngày ấy Đỗ là một chàng trai mười tám, lòng đang tưng bừng mới nở, trông ai cũng đẹp. Suốt ngày vui cười, sẵn sàng yêu đương, chàng thấy tương lai toàn mầu rực rỡ. Đang đầy tin tưởng, một hôm chàng gặp Phượng Trinh, một nữ học sinh tóc còn cặp sau gáy. Tuy không biết nàng bao nhiêu tuổi nhưng Đỗ cứ cho là mười sáu; và chàng nhủ thầm: "Chỉ mười sáu mới có thể có được đôi mắt sáng thế".
Lúc ấy là một buổi trưa mùa đông; dưới gió qua vòm cây, Phượng Trinh đang cười trong ánh nắng rung rinh cùng mấy chị em bạn học. Đỗ mong ước gì đâu mà sao khi vừa gặp chàng vội ngây người đứng ngắm rồi kêu khẽ: "Người trong mộng của ta đây rồi". Tay xách cặp, chân đi đôi guốc phi mã gót cao, lúc ấy Trinh mặc chiếc áo mầu xanh gió thổi tung bay thấp thoáng ánh mặt trời. Thế là lòng chàng trai mới mẻ vội chọn nàng giữa trăm bông thắm; Đỗ đi xa xa theo Trinh... thì ra Trinh đi qua nhà chàng, nàng ở phố gần đấy.
Từ đấy mỗi ngày hai buổi tan học, Đỗ vội vàng đạp xe thật nhanh về để ngắm Trinh qua và những chiều nào được nghỉ sớm thì chàng đi bộ lên gần trường Trinh học đứng đợi nàng về để lẳng lặng đi theo sau. Song vì yêu quá chàng đâm rút rát nên chỉ dám nhìn thôi vả lại sợ Phượng Trinh cho lẫn mình vào con nhà phường phố bậy bạ nên chàng chỉ theo xa xa. Theo đến gần nhà mình thì Đỗ đi sang bờ hè bên kia rảo bước về cửa nhà đứng đợi. Bao giờ chàng cũng nhìn Trinh đi ngang qua với đôi mắt si ngây... và cũng nhiều lần chàng theo đến tận nhà. Cứ như thế mãi, dần dần Trinh cũng hiểu, vì đã có nhiều bận Đỗ thấy Trinh vào trong nhà, rồi vừa đóng cổng vừa đưa lén mắt ngập ngừng trông trộm chàng. Phượng Trinh cũng đã để ý tới chàng trai si mê mình. Mỗi chiều đi học về thường thường nàng hay đi thật chậm vui chuyện ríu rít cùng hai chị em bạn về cùng đường, có bận Đỗ thấy Trinh đứng lại vui thú cười rũ rượi để rơi cả cặp sách như một con chim non say nắng mới, Trinh luôn luôn ríu rít cười nói rả rích làm vui cả lòng Đỗ đứng nhìn.
Từ ngày gặp đôi mắt nhung huyền ảo tươi sáng của Phượng Trinh lòng Đỗ đã mang một nỗi yêu thương không cùng. Chàng đi hỏi dò các bạn quanh vùng về người mơ ước thì biết Trinh theo đạo Gia tô ngoan ngoãn. Gia đình Đỗ cũng theo đạo Gia tô nhưng là con trai nghịch ngợm, chàng không bao giờ đi lễ ở nhà thờ và cũng chẳng cần biết đức Chúa Trời là ai. Tuy thế từ ngày biết là sáng chủ nhật nào Trinh cũng đi lễ ở nhà thờ thì mặc dầu trời có rét mướt, Đỗ cũng dậy sớm đi lễ rất ngoan chứ không ngủ trưa như trước nữa. Hôm nào được trông thấy Trinh, hôm nào được luồng mắt đen của nàng nhìn lại, dù là bất ngờ, Đỗ ra về cũng sung sướng hát nghêu ngao rầm cả nhà. Và tối tối chàng thường đi qua nhà Trinh để được trông thấy cây dừa trúc đào trong sân trước cửa, chỉ thế thôi cũng đủ cho Đỗ trở về ngủ những giấc mê yên lành mà luôn luôn Trinh hiện ra tươi cười.
Hoa vông vang
Tuổi trẻ có một lần và chỉ có một lần mới mẻ nhất Đỗ yêu không có tận cùng bờ bến. Sách học của chàng chỉ nhằng những tên Phượng Trinh viết đủ các kiểu.
Sau những ngày đi nhà thờ, Đỗ mới biết là có nhiều chàng trai khác cũng đi nhà thờ ngắm Trinh như chàng... nhưng chưa có ai được lọt vào mắt đen! Riêng Đỗ được nàng để ý. Đỗ cũng cho một phần là do gia đình chàng mà Trinh đã biết, tỏ ra chàng không phải là con nhà bậy bạ, tình chàng là tình chân thật. Mỗi lần sáng chủ nhật đi nhà thờ, hễ Đỗ thấy dưới luồng mắt của mình Trinh e lệ luống cuống bước mau nép vào bên chị dâu là chàng cũng đủ thấy vui sướng cả ngày, mấy ngày.
Hoa mai nở!... Mùa đông qua: Tết đến! Bên bát thủy tiên hương thơm vấn vít, lòng trai run run lần đầu Đỗ cắm bút viết mấy lời chúc mừng năm mới, anh viết cho Trinh.
Rồi một buổi đầu xuân, Đỗ hỏi Tân, một cô bạn học của Phượng Trinh, thì Đỗ mới biết Trinh là tên gọi ở nhà, chứ ở trường chỉ gọi nàng là Phượng thôi. Tân nói lại cho Đỗ biết là các bạn ở lớp đã biết chuyện Đỗ theo Phượng và trêu chế Phượng nhiều lắm... nhưng Phượng không hề cãi lại mà chỉ đỏ mặt cười chạy trước những dịp cười của các bạn...
- "Phượng yêu Đỗ rồi đấy"...
Tân nói thế làm Đỗ sung sướng ngây cả người rồi hỏi:
- Thật à?... Thế thì tôi chết mất!
Chàng trai mới có mười chín, mỗi khi sung sướng quá là chỉ kêu chết.
Từ đấy Đỗ là người sung sướng. Có khi chàng đứng nói chuyện một mình với bờ thang là thường; có bận người chú vui tính của Đỗ bắt gặp cười bảo:
- Đứng cười một mình thế thì chó nó cũng biết.
Thế là hai chú cháu nhìn nhau hể hả... và lòng Đỗ vui tưng bừng, bình tĩnh mất hết. Có lúc chàng ôm lấy thằng nhỏ hét:
- Tao yêu mày lắm.
Rồi Đỗ viết một lá thư mà chàng đã tốn bao công nắn nót gọt rũa. Những ngày ấy là những ngày sung sướng hồi hộp mà bao cảnh mộng xôn xao trong lòng! Tới một hôm Đỗ dừng xe đạp ở bên đường đợi xe Trinh đi học về qua. Từ xa Đỗ đã nhận được một chiếc xe; đến lúc trông rõ Trinh, Đỗ ngượng nghịu cố mỉm cười làm Trinh cũng phải buồn cười luống cuống thẹn ngoảnh đi. Đỗ đạp xe theo, nhưng mãi cũng không dám đi gần, chàng cảm động quá. Được nửa phố, Đỗ lấy hết can đảm liền đạp xe đi kèm cạnh xe Trinh. Giọng nói đã lạc cả tự nhiên; Đỗ ngập ngừng:
- Chào Trinh.
Trinh cũng cảm động và thẹn, nàng chỉ đỏ mặt mỉm cười đưa chiếc mùi xoa lên miệng bẽn lẽn cắn thoáng nhìn lại Đỗ rồi lại nhìn đi ngay, mắt long lanh rộn ràng bao lời êm ái. Trời, luồng mắt làm Đỗ choáng váng ngây ngất muốn nói mà chẳng nên lời. Đỗ thò tay thả phong thư vào trong xe Trinh. Như sực tỉnh, Trinh vẫn mỉm cười cầm phong thư đưa trả lại miệng kêu khẽ giọng rất thanh:
- ấy chết!...
Nhưng Đỗ đã hãm xe lùi lại phía sau.
Hồi hộp đợi mấy hôm cũng không thấy Phượng Trinh giả nhời, Đỗ suốt ngày băn khoăn trông ngóng người đưa thư! Rồi có một buổi kia Đỗ gặp Tân, nàng nói:
- Đỗ bỏ một lá thư vào xe Phượng phải không? Phượng nhờ tôi nói với Đỗ từ rày đừng làm thế nhỡ người ngoài người ta trông thấy thì người ta coi Phượng vào hạng người gì... có muốn nói gì cứ nói thì hơn...
Nghe xong Đỗ tươi tỉnh đưa tay lên gãi gáy bừng bừng sung sướng rồi đáp:
- Lúc ấy còn nói thế khỉ gì được mà nói!
Không biết Phượng Trinh có hiểu cho anh như thế? Chỉ biết sau đó Đỗ luôn luôn viết thư nhờ Tân đưa thì Trinh nhận. Nhưng mê say chàng đòi hỏi quá nhiều! Đôi lúc Trinh cũng đáp lại nhưng nói sao được tấm lòng thành thực si mê của chàng trai mười chín, kể sao được hết nỗi bồng bột! Tuy Trinh có trả lại nhưng ít lắm, chẳng đủ lấp một chút không gian to tát của lòng Đỗ! Trinh đã trả lại ít hay chính Đỗ đòi mong quá nhiều!... Nhưng lấp sao được lòng anh thuở ấy, lấp sao được biển cả đương lúc sóng tình dồn dập!
Chàng trai yêu đắm đuối buổi ban đầu thì còn đâu là bờ bến! Đỗ không cần, không nghĩ gì ngoài "Phượng Trinh của anh" ra. Hôm nào được Trinh đi học về đã vào đến trong nhà mà còn ngó lại một cái là chàng đủ sung sướng ầm ỹ. Những hôm ấy có ai tra hỏi gì đâu mà Đỗ cứ vui mừng kể cho chị nghe nào Trinh mặc mầu áo gì, Trinh nhìn lại thế nào... Và có lần Đỗ khoe: "Chị ạ, hôm nay rét, cô Trinh mặc một cái áo măng tô hơi ngắn hơn áo trong một tí, nhưng em trông lại càng thấy đẹp chị ạ, một vẻ đẹp riêng".
Dần dần chị dâu của Trinh cũng biết Đỗ yêu Trinh (có lẽ Trinh nói). Vì nhiều lần gặp Đỗ, chị nhìn chàng trai rồi nhìn cô em chồng cười tinh ranh làm Trinh xấu hổ bám nép vào tay chị cười.
Những lúc đó Đỗ sung sướng đứng nhìn bộ tóc cặp xõa xuống lưng rung rinh vui thú.
Có một hôm chủ nhật Đỗ cùng cha đi săn bắn về mệt nên hôm sau Đỗ nằm nghỉ ở nhà rồi viết một lá thư cho Tân. Trong thư chàng nói: "Thế nào, Tân đã xin hộ Trinh cho tôi một tấm ảnh chưa, cố vào nhá, trăm sự nhờ Tân đấy! à, hôm qua tôi vừa đi săn về, mệt và mệt, phải nằm nhà nghỉ... nhưng nhớ Trinh lắm...". Vài hôm sau Tân nói nàng có cho Phượng xem mảnh thư ấy, và mặc dầu nó nguệch ngoạc nhỏ bé, Phượng cũng đã xin lấy cả thư đó. Và Đỗ sung sướng đến ngạt thở khi Tân bảo:
- Thư nào của Đỗ, Phượng cũng giữ cất đi cả...
Thôi, hồn Đỗ phơi phới như lên tới trời xanh!... Và những lúc ấy, những lúc quá tin tưởng ấy, anh đã tưởng đời anh sẽ theo một con đường nhất định. Nhưng tính Đỗ cũng rất trẻ con, trong thư luôn luôn chàng viết những câu không đâu, chẳng hạn: "Cái mũi Trinh trông ngon như viên kẹo đrra-giê ấy" hoặc "tôi thích bắt Trinh mang thả trên đồi cỏ để xem Trinh ca hát chạy nhảy như một con sơn ca". Tuy thế Trinh cũng trả lời: "Thư Đỗ viết vớ vẩn lắm"... nhưng Trinh sung sướng.
Một hôm Đỗ đang đứng ngóng đợi xe Trinh thì có một nữ học sinh đi qua tươi cười nhìn chàng. Lòng trai đang đầy nhựa mạnh sẵn sàng yêu đương, không cưỡng được trước nụ cười cùng đôi mắt đưa tình của cô học sinh tinh nghịch Đỗ nhận ngay mối tình dễ dãi... tuy trong lòng chàng, Phượng Trinh vẫn là vị chúa có một ngai riêng cao quý mà không ai chạm tới được; lúc nào Trinh chả là hoa thơm cỏ quý của lòng anh; nhưng trong một lúc, chỉ trong một lúc thôi Trinh thoáng có ý tưởng rằng Đỗ cũng chỉ như một chim trời thấy rừng xanh thì sà xuống để mai mốt lại bay đi!... Trinh buồn!... nàng hơi ngờ! Một hôm Đỗ viết thư cho Trinh, trong có câu "thời gian trôi chảy, tuổi trẻ qua mau... Trinh còn đợi đến bao giờ mới đáp lại tiếng gọi của lòng tôi" thì nàng giả nhời: "đã có người đáp lại rồi còn gì!" Chàng trai chết đứng người, chàng nguyền rủa chàng, rồi chàng buồn lo hối hận vật vã thâu đêm.
Làm thế nào Trinh hiểu được bây giờ, làm thế nào...
Song mặc thế, tình giữa hai người vẫn bền chặt nhưng cũng vẫn mơ hồ.
Đã mấy tháng giời theo đuổi mà vẫn chưa lần nào Đỗ được Trinh hẹn hò cho gặp riêng một lần. Người thiếu nữ ngoan ngoãn vẫn tin ở tình chàng trai, nhưng chỉ sẵn lòng đợi chàng đến hỏi làm vợ. Tình yêu mà nàng hiểu là thành thực chỉ có thể đưa tới cuộc hôn nhân... mà Đỗ cũng thực muốn thế. Song mới có mười chín tuổi chàng đã tính đến chuyện vợ con sao được. Vả lại chưa được cùng nhau hẹn hò một câu, chàng trai chưa dám chắc gì mà dạm hỏi... tuy đã bao lần trong mắt Phượng Trinh chàng tưởng được thấy hạnh phúc, chàng đọc thấy, nhận thấy một vẻ dịu dàng xô đẩy lòng chàng.
"Hay đó chỉ là một hạnh phúc đơn sơ khó kiếm" Đỗ vẫn băn khoăn tự hỏi thế những lúc không hiểu.
Sao không hẹn với nhau một câu, sao không thả hết tình yêu? Nhưng duyên số...
Rồi một ngày chủ nhật mà gió đã nóng, Đỗ lang thang ở phố thì nghe thấy một giọng nói vui vẻ bay đến tai:
- Phượng đâu? Sao lại đi chơi một mình thế? Không đi với Phượng à?...
... Tiếp theo một dịp cười - Đỗ ngơ ngác nhìn lên thì ra Tuyết, cô bạn học cùng lớp với Phượng Trinh đang đứng trên bao lơn tươi cười nói xuống. Đỗ mỉm cười cảm ơn. Độ năm phút sau bất ngờ Đỗ gặp Phượng Trinh thật. Nàng mặc áo mầu tím, đang đi mua hàng may áo nực cùng hai chị. Gặp Đỗ, Trinh bẽn lẽn không dám nhìn, nhưng có một lần Đỗ bắt gặp mắt Trinh ghé qua gáy chị nhìn trộm mình làm chàng sung sướng run cả người. Hôm sau Đỗ vội nhờ Tân đưa cho Trinh một lá thư, trong có đoạn:
"Hôm qua đi phố chơi, tôi đang lang thang thì nghe thấy một giọng nói từ trên trời bay xuống hỏi: "Phượng đâu? Sao lại đi chơi một mình thế, không đi với Phượng à? Tôi nhìn lên thì Tuyết, Trinh ạ - Đây, đối với tất cả thì Phượng là của tôi đấy, thế mà tôi cứ chưa dám chắc! Trinh thử hỏi hộ cô Phượng, cô Phượng có cái mũi xinh xinh ấy mà, xem Phượng có phải là của tôi không?".
Tuy thế Trinh cũng chỉ trả lời Đỗ: "Thư Đỗ viết vớ vẩn lắm".
Thời gian qua mau! Hoa cánh phượng đà phơi sắc đỏ rực rỡ dưới nắng vàng gay gắt. Thế là mùa hè đã tới mà hai người vẫn chưa có một lời hò hẹn tuy trong lòng họ thành thực yêu nhau! Người thiếu nữ nền nếp giữ gìn theo luân lý cổ truyền đã đưa chàng trai vào chỗ rừng rậm của tâm tình. Đỗ cảm thấy Trinh yêu chàng đấy, nhưng không hiểu được tại sao nàng lại không cho gặp riêng. Mùa hè đã vô tình chia rẽ mối tình thơ ngây; không còn ai đưa hộ thư của Đỗ đến tay Trinh nữa.
Song tuy xa cách, Đỗ vẫn một lòng tin vào duyên số, tin vào tình yêu, tin vào Trinh chàng vẫn còn nhớ rõ những lúc Trinh từ trong nhà e lệ nhìn ra, những nụ cười, những gót chân luống cuống bước mau, những đôi mắt ngượng ngùng bắt gặp... đôi mắt tươi sáng như tráng nước thu trong đã bao lần làm chàng ngây ngất. Đỗ đã vẫn bảo: "Thật anh chưa từng thấy một đôi mắt đẹp hơn trong đời, mà anh có nói thì chắc em lại chớp mau e thẹn". Đỗ tự an ủi trong những ngày xa cách Đỗ chỉ biết nhớ lại.
Nghỉ hè xong thì Tân ở quê, không ra đi học nữa. Trinh theo học một trường khác. Thế là không còn ai đưa thư hộ Đỗ nữa, chàng chỉ biết đứng nhìn theo xe Phượng Trinh. Sao Đỗ không đến tận bên nàng mà thổ lộ nỗi lòng? Có lẽ chàng e ngại! Chàng trai mới mười chín tuổi ấy mà! ở đâu thì chàng hung hăng lắm, nhưng khi trước mắt người yêu thì chàng ngoan ngoãn như một con hươu non. Vả lại Đỗ vẫn tin là Trinh yêu mình, hơn nữa chàng sợ nhỡ đến bên làm Trinh phật ý thì sao. Năm ấy hai người ít gặp nhau lắm. Một hôm sắp tới mùa hè, Đỗ đi qua nhà Phượng Trinh... Nhìn vào, chàng thấy Trinh đang bế một đứa cháu nhỏ, con của người anh nàng; Trinh yêu trẻ con lắm. Đỗ đã thấy nhiều chiều vừa đi học về, là nàng vứt cặp chạy vội vào giành lấy đứa bé ở trong tay u nó. Hôm nay Trinh cũng đang tươi cười bế cháu, nhưng lúc nhìn ra thấy Đỗ đang ngắm mình, nàng liền nghiêng đầu hôn đứa nhỏ, mắt đắm đuối vẫn không rời chàng trai.
Đỗ ra về sung sướng đến đau khổ, chàng biết là chiếc hôn đó riêng tặng chàng. Bữa nay cũng như đã bao lần đôi mắt ướt của Phượng Trinh làm lòng chàng xao xuyết ngây ngất... Nhưng càng thấy Phượng Trinh cũng yêu mình mà không được thổ lộ nỗi lòng, Đỗ càng đau khổ bứt rứt. Dần dần thời gian qua, không làm sao được, Đỗ đành lẳng lặng buồn rầu trông mối tình xa cách, không phương gì nối lại. Tuy biết là chia rẽ nhưng chẳng hiểu tại sao tự đáy lòng sâu, Đỗ vẫn có một tia tin vu vơ, cái tin vô lý của lòng trai chưa hề biết thất vọng.
* * *
Những giấc mộng đẹp sao hay ngắn ngủi, tuổi trẻ vô tình qua mau như đàn mòng khoang vun vút bay qua cánh đồng rộng để vội vã biến vào cảnh trời mùa đông u ám. Nghỉ hè năm sau đã lại tới, rồi tới mùa thu! Một hôm đang ở rừng quê thì Đỗ được bạn viết thư cho biết tin Trinh đi lấy chồng. "Cưới chạy tang, bố chết... trông Trinh chẳng vui gì sốt cả v.v...".
Như những vết thương đứt quá mạnh làm ta tê đi không thấy đau, mấy ngày đầu Đỗ không thấy buồn, nhưng sau, nhiều lúc tự nhiên chàng thấy như mất một mục đích trong đời, chàng cảm thấy trong lòng chán nản. Tuy thế chàng vẫn yêu Trinh như trước và vẫn mang máng tin là Trinh yêu mình. Đỗ vẫn nói một mình: "Cứ để mặc anh tin em nhá".
Chẳng nỡ trở lại ngay chốn cũ, lấy cớ vì năng thức đêm đọc sách nên tâm thần suy nhược, nay cần tĩnh dưỡng, Đỗ ở tịt lại nơi đồi quê tĩnh mịch. Lang thang giữa chốn núi sông điệp điệp, bạn cùng cây cỏ xanh tốt, chàng mong sẽ thấy lại nỗi yên vui... nhưng ngày tháng qua, biết mấy lần trăng rằm đã mọc sau đồi cỏ mà cũng chỉ đủ rọi thêm choáng váng vào cõi lòng tỉnh thức bâng khuâng.
Chàng trai muốn quên mau. Song những ngày buồn nản qua không vội vã nên có lúc dừng ngựa mơ màng ngắm lá vàng bay giữa rừng vắng anh lại đau thương nhắn hỏi:
- Gió ơi, sao làm tình chóng đứt?...
Hoa tình rụng rời, bình tĩnh cũng dần dần trở lại, nhưng trong lòng Đỗ đã bớt tin tưởng!
Với gió đông về, cuộc đời học sinh lại nối tiếp... giữa chốn bạn bè náo nức vui tươi nơi nhà trường, lòng trai đã nhanh bước mau trở lại yêu đời. Rồi một bữa đến, một bữa đông lành mà ánh mặt trời chợt bừng sáng chan hòa giữa gió lạnh vang vang đê mê đứng ngẩn trông theo tà áo tươi mầu đang phấp phới đi vào trong nắng gió, Đỗ lại thấy lòng bỗng rộn đập tưng bừng. Cứ thế mà qua mãi, người đời tha hồ bảo yêu có một lần. Đỗ chẳng tin; hoa thì tàn nhưng lòng luôn luôn nở lại, cũng vì thế sau Phượng Trinh biết mấy chuyện tình thơ ngây đã tan vỡ! Kể sao cho thấu những nỗi vô lý chốn tình trường; chỉ vì lòng trai quá bồng - bột - si - mê nên tình chẳng bền đâu! Tuy thế nhiều hôm bất ngờ tình cũ lại vẩn lên trong lòng, Đỗ lại mang ảnh Phượng Trinh ra ngắm rồi rầu rầu nói sẽ: "Nhưng chưa có mối tình nào đẹp như tình em... Trinh ạ".
Khá lớn lên, chàng trai sớm vội đua theo các bạn vào cuộc đời chơi bời phóng đãng; dần dần chàng đã trở thành khôn khéo; quen ra vào nơi tửu điếm nên chàng nói dối đã không ngượng lời, mắt đầy gian trá, nhưng lúc ấy thì người đời lại tin chàng. Từ một đứa trẻ Đỗ đã thành một người, và những mối tình dễ dãi ở mọi chốn chơi bời: cứ tiếp tục mà qua mãi. Giữa cái cuộc vui nhả nhớt, chàng đắm say tươi cười; thật lòng chàng trai quên sầu cũng dễ như yêu, nhưng lòng anh đã kém trong sạch, bây giờ khó tìm đâu cho thấy được vẻ sợ sệt rút rát si mê ngây thơ thuở mười tám: một ít vẻ đẹp đã mất.
Đỗ đã yêu khắp nơi đến nấc cùng, đâu chàng cũng yêu đến si dại, tuy thế vị ngọt hoa tàn của chuyện qua vẫn mang máng ủ ấp lòng Đỗ một nỗi nhớ thương nhẹ nhàng như làn gió thoảng qua của một buổi sớm nào êm dịu xa xôi. Đỗ vẫn chẳng thể quên được người xưa, luôn luôn lòng chàng như nhớ tiếc mối tình ngây thơ cũ, như thiếu nắng dịu, thiếu vẻ nồng nàn mà mắt Trinh chiếu lại. Đã bao lần yêu, đã bao lần sóng gió trong lòng, mà khi lắng hết chỉ riêng hình Trinh còn lại như vẫn còn sau cơn bão táp một cây cổ thụ. Chuyện qua đã ăn rễ sâu vào tận thớ tim Đỗ.
Sau đấy ít lâu Đỗ thôi học và về ấp ở với cha mẹ. Hồn Đỗ phức tạp, chàng yêu đồng núi quê hương nhưng chàng cũng không quên làn không khí say sưa của cuộc đời chơi bời; từ nơi ấy Đỗ luôn luôn trở về thủ đô. Một hôm gặp Tuyết nàng nói cho Đỗ biết:
- "Phượng khen Đỗ bây giờ ngoan lắm, về quê làm ăn rồi, lần nào đến nhà tôi chơi, Phượng cũng nhắc đến Đỗ..."
Ngây cả người, Đỗ không hiểu sao Phượng Trinh lại biết mình về quê làm ăn, mà mình có làm ăn gì đâu!... Nhưng Tuyết đã nhìn chàng nói nhỏ:
- Phượng vẫn yêu Đỗ lắm...
Trời, Đỗ muốn khóc lên được! Thấy Đỗ ngây đờ yên lặng, Tuyết mỉm cười nói tiếp:
- Lần nào gặp tôi Phượng cũng nhắc đến Đỗ, cũng như Đỗ gặp tôi cứ hỏi chuyện Phượng ấy mà... Sao hai người không lấy nhau nhỉ...
... Rồi Tuyết kể:
- Ngày sắp cưới Phượng ấy, Phượng có chạy đến tôi nói chuyện. Tôi có hỏi sao không lấy Đỗ có hơn không thì Phượng nói: "Tại Đỗ không đến hỏi... mà đợi thì biết đến ngày nào!" Với lại Phượng cũng không biết Đỗ có ý định lấy Phượng không mà đợi cơ!... Phượng bảo:
"Chả nhẽ em lại mang giầu cau đến hỏi Đỗ à?..."
Nghe xong, Đỗ đau đớn hỏi trách:
- "Sao Tuyết không nói cho tôi biết ngay từ ngày ấy"... thì Tuyết giả nhời:
- Ngày ấy tôi cũng có ý tìm Đỗ, nhưng hình như Đỗ ít khi có mặt ở Hà Nội thì phải...
Khẽ gật đầu, Đỗ yên lặng bâng khuâng.
Từ đấy chàng chỉ biết mang câu duyên số ra để tự an ủi và từ đấy chàng càng tin chắc rằng chẳng bao giờ nữa Phượng Trinh quên mình, chàng vẫn nhủ thầm:
- Ai quên được những ngày đẹp đẽ trong đời...
Chuyện qua Đỗ vẫn giữ quý như một kho vàng. Lắm lúc bâng khuâng nghĩ lại, Đỗ vẫn thường cau có tự hỏi: "Sao lại cứ nhớ, sao không quên đi cho tâm hồn được thư thái"... nhưng rồi chàng lại nói ngay: "Không, đừng bắt ta quên, ta muốn nhớ cho đến lúc mãn chiều... ở đời có những vết thương êm ái. Như ta lúc này ai dám bảo nhẹ buồn khổ là khi đó dư âm của một thời rạo rực, trở về vang lại trong hồn". Và những khi ở Hà Nội, Đỗ vẫn hay đi nhà thờ, nhưng nay không phải vì ai nữa mà tin tưởng ở đạo giáo. Vả lại xuân đầu chỉ có một lần, chàng không muốn bỏ một cái gì của những ngày tuổi trẻ tươi thắm đã qua.
Một hôm vô tình Đỗ đi xe ngang qua nhà chồng Trinh. Nhìn vào, chàng thấy Trinh đang đứng trong căn vườn nhỏ như mơ màng. Có thế thôi mà về tới nhà chàng cũng sung sướng mãi và cả ngày nhắc nhở": Có lẽ phút này Trinh đang nghĩ đến ta, có lẽ... có lẽ!". Rồi trên quyển sổ tay biên trăm thức lặt vặt, chàng viết mấy dòng: "Có lẽ như ngày nào đôi mày hơi đưa lên, em nhìn vào nơi nào không định. Nghĩ gì thế em? Thôi, nghĩ hạnh phúc quá mơ hồ, cuộc đời éo le bất trắc. Em, trông gì ở nơi xa ấy, có phải là anh? Em, sao chẳng đáp lại tiếng gọi của lòng anh?".
Viết thế, Đỗ lại nhớ tới câu mà trước kia Trinh trả lời "Đã có người đáp lại rồi còn gì" thế là chàng lại đấm vào má vò đầu rứt tóc hối hận. Trinh bây giờ đã hiểu lòng chàng mà sao Trinh ngày ấy lại trả lời chàng thế, Phượng Trinh có hiểu đâu lòng trai thuở ấy đương thời mới ở say sưa cảnh đẹp yêu mến cỏ hoa, mê giọng chim, tiếng hót, khao khát tình yêu... như một con hươu non xông vào rừng thẳm để tìm cỏ quý, nhưng anh đã ăn cả cỏ dại lá lạ ở dọc đường! Hoa đẹp nhiều quá, lòng đang mới mẻ, anh giữ sao được không hái một hai bông gần. Đôi lúc nghĩ lại, Đỗ vẫn bực tức kêu lên:
- Họ bảo thế là bạc tình! Thật họ không hiểu, nhưng ta nói làm sao được! Ta không bao giờ bạc tình mà chỉ nhiều tình quá...
Ngày tháng qua đi, càng lớn lên càng bận công việc nhiều; ngoài những giấc mơ ngắn ngủi, chả mấy khi Đỗ còn được gặp Trinh như xưa mà cũng chẳng chả mấy khi Đỗ còn được gặp Tuyết để nàng kể cho nghe ít chuyện về người cũ. Nhưng cứ tết đến, mỗi lần ngửi lại hương thủy tiên nhắc nhở xa khơi, mỗi lần thấy xuân về nở trên cành đào Đỗ lại thấy hoa tình cũ cũng nở lại trong lòng mình, vì thế năm nào chàng cũng vẫn gửi lời chúc mừng năm mới đến người xưa. Tuy chỉ vài dòng ngắn ngủi Trinh cũng hốt hoảng đọc vội đoạn cầm ép lên ngực nhìn trời chớp mau. Những lúc đó đôi mắt đen trong sáng lại mờ ánh lệ.
Họa hoằn có một đôi khi bất ngờ gặp lại trên đường từ xa Đỗ thường đứng lại bên vỉa hè vờ vĩnh đợi ai để ngắm Trinh qua... và cặp mắt nhung diễm lệ lại mở to xao động ánh tươi vui khi vô tình đặt tới người cũ,... rồi thôi, cả hai đều bâng khuâng không cười nói với bạn nữa, mà chỉ yên lặng để nghe tiếng thỏ thẻ xôn xao.
Ngắm Trinh qua một buổi rất gần, Đỗ thấy đôi mắt của nàng đã kém vẻ tươi cười như thầm bảo "Em không được sung sướng". Đỗ biết Trinh đã hiểu lòng mình, nhưng còn đâu nữa! Lúc hai người biết được tình sẽ bền chặt mãi mãi thì ai hay chả đã quá muộn rồi. Tuy thế Đỗ vẫn sung sướng với mối tình lỡ làng, mà chàng biết sẽ là nguồn an ủi cho chàng suốt đời, sẽ là của cải vô giá của tuổi trẻ mà chàng còn giữ lại được. Đỗ nhận thấy vẻ trong sáng của đôi mắt người yêu sẽ mãi mãi là ánh sáng của đời chàng. Tình yêu xui Đỗ đôi khi có những mộng tưởng không ngờ, cũng như lắm lúc chàng tin rồi ra sẽ có ngày giọng Trinh nói khẽ bên tai: "Ước gì đôi ta cùng bé lại".
Bất ngờ một hôm Đỗ gặp lại Tuyết, hai người vui vẻ trò chuyện xa gần, nhưng rồi cũng nhắc đến Phượng Trinh... Đỗ hỏi:
- Vừa rồi mới gặp, tôi trông Trinh có vẻ buồn ấy... gia đình Trinh có chuyện gì không vui không?
Tuyết cười đáp:
- Sao Đỗ lại hỏi thế. Phượng Trinh ngoan lắm. Chồng Phượng không trách Phượng điều gì cả... Bố mẹ chồng cũng thế...
Đến lúc Đỗ nhíu đôi mày vui vẻ băn khoăn mỉm cười nói:
- Không biết tại sao tôi trông Phượng như không được vui. Phượng có được sung sướng không? thì Tuyết thoáng cười buồn:
- Đỗ cũng biết tính Phượng trẻ con vui đùa là thế, mà chồng thì tính nết như ông cụ ấy...
Tuyết ngừng lại, mắt chớp bâng khuâng rồi mỉm cười nhìn Đỗ nói tiếp:
- Lấy Đỗ thì cố nhiên là vui hơn... à ngày xưa ấy mà, độ Phượng chưa đi lấy chồng ấy, một lần Phượng thấy trong sách ảnh của tôi có tấm ảnh của Đỗ chụp ngồi ở đống rơm, thế rồi Phượng cứ lấy, làm tôi phải đòi mãi...
Đỗ đứng yên lặng bùi ngùi trong sung sướng! Thấy bạn có vẻ buồn tiếc, Tuyết hạ giọng:
- Thôi chả cần Đỗ ạ, hình Đỗ ở trong tim Phượng cũng đủ rồi.
Từ đấy mỗi lần gặp người yêu cũ là Đỗ thấy như mình đang sống lại thời say mê thuở mười tám. Trong mắt Phượng Trinh chàng thấy lại một ít tuổi nhỏ, một chút nắng sưởi ấm cho lòng chàng ấm dịu, chút nắng thừa của một thời xa xôi. Nhưng lúc đó Đỗ chỉ biết đứng nhìn theo cho tới nẻo đường đã khuất mà tà áo Trinh còn phấp phới bay rồi chàng bàng hoàng ngẩn ngơ nói một mình:
- Trời ơi, đôi mắt đen quá, sáng quá, phải chăng là những tấm gương phản chiếu mầu tươi sắc thắm của những ngày rực rỡ...
Đến một hôm chẳng hẹn trước, Tuyết rủ Đỗ đến nhà Phượng Trinh chơi. Gặp lại bao nỗi ngượng ngùng, Trinh càng sung sướng. Xong bẽn lẽn cũng ruộm hồng đôi má; còn Đỗ thì ngày ngày cảm động ngắm bạn lòng cũ. Trước mặt chàng trai giọng Trinh nói chuyện với Tuyết mất cả tự nhiên; Đỗ ngồi nhìn trong lòng lâng lâng sung sướng, có một lúc Trinh quay sang mỉm cười e thẹn hỏi Đỗ:
- Độ này không hay gặp ông đi lễ.
Phượng Trinh gọi Đỗ bằng "ông"! Nhưng làm thế nào, nàng đã có chồng! Nghe Trinh gọi mình như thế, Đỗ thấy nhói vào tim, nhưng hiểu tình thế mới, chàng vội trả lời:
- Độ này tôi ở nhà quê luôn... thỉnh thoảng mới về Hà Nội, thành ra Trinh không gặp...
Ngừng một tị, Đỗ mỉm cười nói tiếp :
- Mấy lại ngày xưa tôi có đi lễ bao giờ đâu,... từ ngày biết Trinh tôi mới đi nhà thờ đấy chứ. Trinh đã cứu vớt một linh hồn mà Trinh không biết...
Răng trên khẽ cắn lên môi dưới e thẹn, Trinh mỉm cười đỏ hồng cả mặt, rồi đưa ngón tay cong cong lên miệng cắn cắn cảm động, đoạn nàng nhìn Tuyết cười ngượng nghịu cất tiếng bảo:
- Đi lễ thế thì chảảả... được phúc.
Nhưng mắt nàng sáng ngời, phải chăng vì duyên cũ! Ánh sáng ấy cũng đủ khêu lại lòng Đỗ ngọn lửa đã gần tàn; và trông Trinh cười đắm say. Đỗ thấy nụ cười tươi thắm ấy như đưa chàng vào một vườn nắng nhẹ gió vừa. Đỗ ra về với ít hoa nở lại trong lòng với ít tin tưởng rằng sẽ chẳng bao giờ hương tình cũ đến nỗi tan bay hết. Đời còn tươi đẹp và tươi lại vườn tình đang úa. Đỗ sung sướng trở lại nơi đồi núi quê hương và mang theo trong tim đôi mắt tươi cười của Trinh, đôi mắt trong sáng như tráng làn nước trong đã bao lần làm anh ngây ngất khi buổi đầu dịu dàng nhìn lại...
Vài hôm sau, một chiều vừa cưỡi ngựa đi chơi núi về thì Đỗ nhận được một phong thư, trong Tuyết viết: "Hôm qua Phượng lại đằng tôi chơi và bảo: "Hôm nọ, lúc vào tới phòng tiếp khách thoạt trông thấy Đỗ, Phượng choáng váng ngạc nhiên đứng dừng lại...".
Thôi thế cũng đủ làm Đỗ sung sướng đến rưng rưng nước mắt. Tay vẫn cầm tờ giấy lơ đãng chàng lững thững đưa bước ra phía đồi sau nhà. Trời mát tóc thoảng nhẹ bay phất phơ trên trán... bâng khuâng vô tình đứng trông những bông vông-vang phất phơ trên bụi cỏ đang kín đáo cúp lại trong gió chiều êm đềm, Đỗ lại thấy lòng bỗng tràn đầy tin tưởng như buổi mới... và man mác hy vọng, chàng như khẽ:
- Hoa còn có loài chiều hôm cúp vào để sớm mai nở lại em ạ, thì tình ta sao chả có lúc nối theo...
* * *
Người sửa: CaNgo 11/30/2001 2:20:20 PM
Số lần đọc: 3,223 (Tính đến 5:13 PM 2/26/2014)
Nguồn: không rỏ
Đăng bởi: Thành Viên ()
Người gửi: Ngọc Dung
Chân thành cảm ơn Người gửi( Ngọc Dung) và trang http://www.dactrung.com/

Đi tới định mệnh với ‘Những cây cầu ở quận Madison’

Đi tới định mệnh với ‘Những cây cầu ở quận Madison’
Copy từ http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/phim/diem-phim/di-toi-dinh-menh-voi-nhung-cay-cau-o-quan-madison-2920085.html , đăng ngày 07/12/13, mục Giải trí.
Được đánh giá là tác phẩm chuyển thể xuất sắc, bộ phim làm sống lại lần nữa tình yêu đời thường nhưng chân thành và cảm động của một cuộc gặp gỡ muộn màng trong đời.
Năm 1992, cuốn tiểu thuyết The Bridges of Madison County (Những cây cầu ở quận Madison) của tác giả Robert James Waller ra đời và trở thành hiện tượng xuất bản tại Mỹ. Chỉ ba năm sau đó, bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết này xuất hiện trên màn ảnh rộng và tiếp tục thu hút sự chú ý của hàng triệu khán giả.
Clint Eastwood vừa làm đạo diễn vừa đóng vai nam chính bên cạnh nữ chính là Meryl Streep.
Bộ phim lấy bối cảnh những năm 1960 tại miền nông thôn Iowa của nước Mỹ. Francesca đang sống bình yên bên gia đình nhỏ, chăm sóc căn bếp xinh xắn của mình và ngắm nhìn những đứa con lớn lên. Robert Kincaid là một nhiếp ảnh gia theo chủ nghĩa xê dịch, đang thực hiện bộ sưu tập các bức ảnh chụp những chiếc cầu. Họ gặp nhau vào một ngày mùa hè tháng tám. Robert dừng xe trước cổng nhà Francesca để hỏi đường đến cây cầu có mái che nổi tiếng thuộc quận Madison. Từ đó, hai người bắt đầu bốn ngày định mệnh trong cuộc đời.
Nếu có bộ phim nào cần nhiều tinh tế hơn cả để chuyển tải tinh thần của cuốn tiểu thuyết cô đọng như The Bridges of Madison County thì không nghi ngờ gì đó chính là phim của Clint Eastwood. 198 trang cuốn tiểu thuyết được chuyển thể thành 135 phút trên phim không thừa, không thiếu một tình tiết nào.
Từ tiếng nhạc rè rè phát ra trên radio, tiếng côn trùng râm ran giữa mùa hè, tiếng những chú chó sủa vang phá tan buổi trưa yên tĩnh, những bãi ngô xác xơ dưới nắng thắng tám cho đến những con đường bụi tung mịt mù… tất cả gợi nên không khí một miền quê oi ả, nóng bức và cũ kỹ. Cùng với đó, những chi tiết như tiếng đóng cửa bất thình lình của người chồng, căn bếp chật chội và quen thuộc, những bữa cơm kiệm lời mà Francesca chỉ đóng vai trò là người phục vụ… tạo cảm giác về một cuộc sống tẻ nhạt, lạnh lẽo đang bủa vây người phụ nữ mỗi ngày.
Meryl Streep làm nên linh hồn của bộ phim với diễn xuất tinh tế, chuẩn xác và giàu cảm xúc. Trong tạo hình đơn giản với mái tóc búi gọn phía sau, những bộ váy màu nhạt cũ kỹ và ánh mắt bao dung, hồn hậu; Meryl hoá thân hoàn chỉnh vào vai Francesca - người phụ nữ tận tụy, yêu thương của gia đình.
"Những cây cầu ở quận Madison" được đánh giá là một trong những phim tình cảm hay nhất mọi thời đại.
Nhưng Robert Kincaid đã đến và làm dậy sóng những tháng ngày trôi qua trong yên ả, bình lặng của cô. Francesca như lột xác hoàn toàn bằng sự tươi mới của những cảm xúc người đàn ông lạ mang đến. Cuộc gặp gỡ định mệnh đầu tiên của hai người diễn ra không vồn vã nhưng cũng không thiếu kịch tính. Cả hai dường như đều biết sẽ còn có gì đó xảy ra sau câu chuyện hỏi đường nên không giấu được sự ngập ngừng trong từng câu hỏi. “Tôi sẽ chỉ đường cho anh hoặc tôi sẽ đi cùng anh đến đó”. Một mối quan hệ luôn bị dằn vặt bởi những lựa chọn đã bắt đầu khi hai người nhìn thấy nhau.
Clint Eastwood dùng một góc máy hoàn hảo để ghi lại cuộc nói chuyện giữa Francesca và Robert về một miền đất khác và những ước mơ theo tiếng gọi của tự do trên xe. Máy quay đặt bên ngoài khoang xe, thu lại vừa vặn hai nhân vật ngồi bên nhau, chật chội trong từng cử chỉ qua ô cửa nhỏ. Họ chạm vào nhau khi Robert với tay lấy bao thuốc. Francesca nhận ra mình bối rối đến mức hai tay trở nên thừa thãi không biết đặt vào đâu. Những cảm xúc cứ thế đầy dần lên trong những khuôn hình cận cảnh. Những nếp nhăn trên gương mặt Francesca và Robert giãn ra trong một thoáng hình ảnh của tuổi trẻ hiện về.
Trong khi Meryl Streep mong manh và ngọt ngào đến thế trong tình yêu thì Clint Eastwood lại hoá thân xuất sắc trong hình ảnh một người đàn ông phong trần, người nghệ sĩ của tự do. Cách ông nhìn thẳng vào mắt Francesca khi hỏi đường hay cách làm chủ mọi cuộc đối thoại bằng chất giọng nhẹ nhàng, từ tốn đã chinh phục hoàn toàn không chỉ trái tim của Francesca mà còn trái tim của hàng triệu khán giả. Clint Eastwood chứng tỏ mình hiểu thấu các nhân vật đến đâu khi tự vào vai nhiếp ảnh gia tự do và phối hợp ăn ý với Meryl Streep suốt cả câu chuyện.
Cũng như hầu hết bộ phim khác mang phong cách của đạo diễn tài hoa này, The Bridges of Madison County không thể thiếu những mâu thuẫn, xung đột. Hai người đàn ông - một người luôn làm Francesca giật mình bởi những tiếng đập cửa, một người luôn biết cách xoay tay nắm nhẹ nhàng và khép cửa từ tốn. Không gian của căn bếp nhỏ, của buồng lái xe cũng trở thành một đối cực đầy dụng ý khác với những cánh đồng tít tắp được quay ngoại cảnh, tràn ngập ánh sáng tự nhiên.
Một khoảnh khắc đáng nhớ của hai nhân vật Francesca và Robert.
Tuy nhiên, xung đột chính trên tất cả những yếu tố mâu thuẫn, đối lập ấy chính là nội tâm giằng xé của Francesca - người phụ nữ luôn cảm thấy cô độc trong chính ngôi nhà của mình. Cô vẫn say sưa kể về vùng đất xinh đẹp nơi miền quê Italy, vẫn khao khát những chuyến đi, vẫn biết cách mua cho mình bộ váy mới trong buổi hẹn hò, vẫn muốn yêu và được yêu như thời còn con gái. Nhưng mặt khác, căn bếp nhỏ và những đứa con vẫn níu chân cô lại nơi đây. Bốn ngày ngắn ngủi được sống trong hạnh phúc bên Robert cũng là bốn ngày cô phải đấu tranh tư tưởng để đưa ra quyết định của mình.
Vứt bỏ tất cả để sống nốt giấc mơ thời thiếu nữ, để tận hưởng trọn vẹn những dư vị ngọt ngào của tình yêu hay hy sinh bản thân mình để làm tròn trách nhiệm với người chồng và những đứa con? Đã có lúc tình yêu đối với Robert đủ mãnh liệt khiến Francesca nghĩ rằng cô sẽ theo anh.
Nhưng sau cùng, bản năng đàn bà với thiên chức làm mẹ và ý thức về danh dự cá nhân giữa một xã hội định kiến trong cô đã chiến thắng. Cuộc chia tay của họ chỉ nhanh gọn trong một ánh nhìn vài giây khi hai chiếc xe chờ đèn đỏ dưới cơn mưa. Không một lời từ biệt hay hứa hẹn nào được nói ra. Phải chăng cũng chính vì thế mà mối tình ấy chưa bao giờ kết thúc?
Mỗi nhân vật với từng cử chỉ, ánh mắt, lời nói đã trở nên sinh động và gần gũi trên màn ảnh như khi ta đưa tay lật giở những trang sách. Giản dị nhưng hoàn hảo và vừa vặn đến từng góc máy, từng khuôn hình, từng lời thoại - đó là cách Clint Eastwood đã kể lại câu chuyện tình khó quên theo cách của mình. Cũng như Robert sinh ra để gặp được Francesca, Meryl Streep với khả năng làm chủ cảm xúc cùng lối diễn xuất tinh tế đã chứng minh cô sinh ra để dành cho “những cây cầu ở quận Madison”.
Anh Mai
Clint Eastwood: Ngày sinh: 31/5/1930;Nơi sinh: San Francisco, California. Đầu năm 2006, người nghệ sĩ gạo cội này đã vinh dự nhận giải thưởng Thành tựu trọn đời, ghi danh vào tổng số hơn 30 đạo diễn do DGA từng trao tặng. Bên cạnh những cái tên “cổ thụ” như Alfred Hitchcock hay Steven Spielberg, Clint Eastwood nổi lên như một hình tượng đầy cá tính trên màn ảnh và vô cùng giản dị trong đời sống.
Meryl Streep: Ngày sinh: 22/6/1949; Nơi sinh: Summit, New Jersey.
Cha là một nhân viên trong một công ty thuộc ngành dược và mẹ là một nghệ sĩ quảng cáo . Meryl có hai em trai là Harry và Dana , đã từng di cư đến Basking Ridge , sau đó chuyển đến Bernardsville , nơi tập trung đông cộng đồng dân cư giàu có ở New Yersey .
Robert Kincaid chụp ảnh Francesca trên cầu Cedar.
Năm 14 tuổi , cô đã hiểu thấu bản chất của mình , cô đã từ chối đeo hàm răng giả và nhuộm tóc vàng. Suốt mùa bóng năm đó , Meryl hát trong đội hợp xướng , làm việc trong toà soạn báo chí của trường và tất nhiên trở nên nổi bật hơn hết trong lễ tốt nghiệp của chính cô. Cô bắt đầu diễn xuất trong trường tại Bernarssville với vai đầu tiên trong"Li'l Abner " và "Oklahoma" Cô cùng đã hoàn tất 3 năm học kịch nghệ của trường , tốt nghiệp năm 1975. Sau đó , Meryl đóng vai Helene trong "Amidsummer's Night Dream", Bertha bị ràng buộc trong "The Father "của Strindberg , "Happy End" của Hallenkjah Lil.
Streep đến New York năm 1975, Sau thành công ban đầu với "in "Trelawney of the Wells" , Meryl thử giọng cho hai nhà sản xuất của rạp Phoenix , cô có được vai diễn trong""27 Wagons full of Cotton" của Tenesse William và "A Memory of Two Mondays" của Arthur Miller. Meryl còn sánh vai cùng Lithgow và Hurt trong xuất phẩm kế tiếp của Phoenix "Secret Service".
Suốt những năm gian khổ, cái chết của vị hôn phu năm 1978 , Meryl làm việc cho đài NBC , "Holocaust", một câu chuyện dài xúc động người xem toàn thế giới , nó giúp Meryl trở nên nổi tiếng trong đêm đó. Với vai diễn trong Inga Helms Weib , Meryl có giải thưởng Emmy vào năm 1979.Micheal Cimino đã chọn cô vào bộ phim gây tranh cãi của ông "The Deer Hunter" , cô diễn vai Linda , người tình của một tướng Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Vai diễn của Meryl nhận được sự khen ngợi của các nhà phê bình điện ảnh , nó giúp cô trở thành nữ diễn viên trẻ nhiều hứa hẹn của điện ảnh những năm cuối của thập kỉ 70 .Và được môi giới công nhận với đề cử Quả Cầu Vàng , Oscar đầu tiên năm 1979.
"Silkwood" năm 1983 được khen thưởng nồng nhiệt , lại một đề cử Oscar vai nữ chính xuất sắc nhất cho Meryl Streep .Sau khi hợp tác với Robert De Niro trong " Falling in Love ", vai chính trong "Plenty" của Fred Schepisi, được chiếu tại Pháp và Mỹ. Năm 1985 , Meryl nhận vai Karen Blixen trong cuốn sách "Out of Africa" của cô , được đạo diễn bởi Sydney Pollack .bộ phim được biết đến như một trong những chuyện tình tuyệt vời nhất trong lịch sử điện ảnh . Meryl một lần nữa thể hiện tài năng xuất chúng của mình nhưng ko có tên trong danh sách đề cử oscar ==>> một nhầm lẫn mà viện hàn lâm bị cả thế giới công nhận.
Các phim như "Before and After", "Marvin’s Room", "Dancing at Lughnasa"và bộ phim xúc động "One True Thing"...Năm 1997 , cô có phim "...Frist Do No Harm ", làm cho truyền hình . Sau đó là phim "Music of My Heart" , vai diễn của Meryl Streep trong phim giúp cô có đề cử Oscar lần thứ 12 , ngang bằng với huyền thoại Katherine Hepburn cho số lần đề cử nhiều nhất trong lịch sử giải Acamedy Award.
Cô đóng vai Clarissa Vauginn , một biên tập đang dự định làm một buổi tiệc ăn mừng chiến thắng của người bạn cô trong "The Hours", được đề cử Oscar thứ 13 . "Adaptiation "của Spike Jonze , Meryl thủ vai tác giả Susan Orlean , với diễn xuất thật tinh tế , mang lại cho Meryl Streep đề cử lần thứ 14 , một con số khổng lồ đã làm nên huyền thoại Meryl Streep trong lịch sử điện ảnh thế giới , vượt qua huyền thoại một thời Katherine Hepburn.
Năm 2003 , là năm mà những giải thưởng vàng luôn thuộc về cô : giải Ce'sar , giải Sư Tử Vàng tại Berlin Film Festival ...Meryl đã trở lại và dẫn đầu cuộc chơi của mình , bằng chứng là các giải thưởng Quả Cầu Vàng , giải Thành Tựu Sự Nghiệp suốt đời cũng như giải thưởng nữ chính trong giải phim truyền hình hay những series ngắn năm 2004!!!
Meryl Streep đã giành được tổng cộng 3 giải Oscar, 8 giải Quả cầu vàng, 3 giải của Hội phê bình phim New York, 1 giải Cannes, 2 giải SAG, 1 giải Tony, 2 giải Emmy, 2 giải BAFTA cùng bốn đề cử Grammy. Tính đến nay, Meryl Streep đã được đề cử giải Oscar 17 lần và Quả cầu vàng 22 lần, đạt kỷ lục nhiều nhất của cả 2 giải thưởng. Meryl Streep còn là một trong số ít điễn viên đã đoạt đủ bốn giải thưởng diễn xuất lớn là Oscar, Quả cầu vàng, SAG và BAFTA.

Những Cây Cầu Ở Quận Madison - Chương 09

Những Cây Cầu Ở Quận Madison
Robert James Waller
Chương 09
Tái bút
Copy từ http://4phuong.net/ebook/76069667/432503612/chuong-09.html ;
* * *
Con ó đêm ở Tacoma
Trong thời gian tôi viết về câu chuyện của Robert Kincaid và Francesca Johnson, tôi càng muốn tìm hiểu chi tiết về cuộc đời của Kincaid thì tôi càng ít biết về ông và cuộc sống của ông.
Chỉ một vài tuần trước khi cuốn sách này được in ra, tôi đáp máy bay đi Seattle. Một lần nữa, tôi cố gắng tìm những thông tin bổ túc về Robert Kincaid.
Ý tưởng này chợt đến với tôi khi tôi nghĩ rằng là một người yêu nhạc và bản thân ông ta cũng là một người chơi ghi-ta, Robert Kincaid hẳn phải quen biết với một ai đó trong giới âm nhạc và nghệ sĩ ở Puget Soud. Người có trách nhiệm ở Tiểu ban Nghệ thuật và Sân khấu của tờ Seattle Times đã giúp tôi nhiều. Ông ta chưa hề nghe nói về Robert Kincaid, nhưng ông để cho tôi tham khảo tất cả danh mục của tờ báo từ năm 1975 đến 1982, giai đoạn mà tôi quan tâm.
Khi lật qua những số in vào năm 1980, tôi gặp một bức hình chụp một người da đen chơi nhạc nhạc Jazz, một tay thổi saxo có biệt danh là John ”Ó đêm“ Cummings và bức ảnh ký tên Robert Kincaid. Nghiệp đoàn nhạc công địa phương đưa tôi địa chỉ của Cummings, cũng cho tôi biết thêm là ông ta không còn chơi nhạc với tư cách chuyên nghiệp nữa đã năm năm nay. Ông ta ở một con phố nhỏ nơi khu công nghiệp ở Tacoma, chỗ xa lộ 5 dẫn đến Seattle.
Tôi đã phải lui tới nhiều lần nơi căn hộ Cummings mới gặp được ông ta. Lúc đầu, ông ta có vẻ không muốn nói, nhưng khi thấy rằng tôi thành thật quan tâm đến Robert Kincaid, ông trở nên nhiệt tình và nói huyên thuyên. Những trang sau đây là lời nói của Cummings do tôi ghi lại - có sửa đôi chút chữ nghĩa - khi đó ông này đã bảy mươi tuổi. Tôi chỉ mở máy ghi âm và nghe ông kể về Robert Kincaid.
Bài phỏng vấn "Ó đêm" Cumming
Khi đó tôi chơi cho một ban nhạc ở Seattle và tôi cần một tấm ảnh đen trắng để quảng cáo. Tay chơi bass trong ban nhạc có nói với tôi về một gã sống trên một hòn đảo gần đấy chụp coi bộ được lắm. Y ta chẳng có điện thoại nên tôi phải viết nhắn vài chữ.
Y ta đến, té ra là một lão trông tàng lắm, mặc quần jean, đi ủng và dây đeo quần màu cam. Y ta lôi ra mấy cái máy ảnh cũ xì đến phát khiếp, côi bộ không còn dùng được khiến tôi phải la lên: Ô là là!
Y bảo tôi đứng dựa vào bức tường sáng cầm cây saxo và yêu cầu tôi chơi chứ đừng ngừng lại. ừ chơi thì chơi, trong chừng ba phút gì đó. Nhìn kỹ, tôi thấy y ta trông cũng được, có cặp mắt xanh lạnh buồn mà tôi chưa hề thấy trước đó bao giờ.
Một lúc, y ta bắt đầu chụp. Rồi y hỏi tôi có thể chơi bài ”Lá úa“ không. ừ chơi thì chơi. Tôi chơi chừng mươi phút trong khi y thay hết máy ảnh này đến máy ảnh khác và chụp. Rồi y bảo: ”Tốt rồi, mai ông có ảnh“.
Ngày sau, y mang anh lại cho tôi và tôi té ngửa. Người ta đã chụp tôi hàng tá nhưng chưa có bức nào sánh được với những tấm này. Y bảo tôi trả y 50 đôla, với tôi số tiền đó không đắt lắm. Y ta cám ơn tôi và khi đi ra, y hỏi tôi chơi ở đâu. Tôi trả lời: ”ở quán Shorty“.
Hôm sau, khi ở trên bục, tôi nhìn xuống thính giả và thấy nơi một bàn khuất trong góc, y đang ngồi lặng lẽ lắng nghe. Từ đó y thường đến quán mỗi tuần một lần, luôn luôn vào ngày Thứ ba, luôn luôn uống bia, nhưng không uống nhiều.
Đôi khi lúc ngừng chơi, tôi ghé lại bàn y và nói chuyện ít phút. Y trầm lặng, không nói gì nhiều nhưng rất dễ thương. Y luôn luôn nhã nhặn yêu cầu tôi chơi bài ”Lá úa“.
Biết nhau một ít, người ta dễ thân nhau. Tôi rất thích đi dọc hải cảng ngắm nhìn những chiếc tàu, té ra y cũng vậy. Vì thế chúng tôi hay ngồi trên ghế đá chuyện vãn suốt buổi chiều. ừ thì chuyện lẩm cẩm của hai lão già cảm thấy mình hết còn hữu dụng, đã ở bên lề cuộc đời.
Thường y hay dắt theo con chó. Trông khá đẹp. Y gọi nó là ”Con Đường“.
Y có biết về ma thuật. Những tay chơi nhạc jazz cũng vậy. Cho nên chúng tôi hợp nhau. Anh bạn biết đấy, anh bạn chơi một khúc đã chơi hàng ngàn lần mà nay đột nhiên hàng tá ý tưởng mới mẻ vọt ra từ cây ”xắc“ của anh bạn thì không phải chúng có được từ bộ óc của anh bạn đâu. Y nói với tôi rằng nhiếp ảnh và đời sống nói chung cũng thường như vậy. Và y thêm: ”Làm tình với người đàn bà mình yêu cũng vậy“.
Y đang nghiên cứu một kỹ xảo để tạo ra hình ảnh từ âm nhạc. Một ngày nọ, y bảo tôi: ”John, anh thấy cái điệp khúc mà anh luôn chơi trong nhịp thứ bốn của bài ”Người đàn bà kiêu kỳ“? Tôi nghĩ là tôi đã bắt được cái này vào ảnh sáng nay. ánh sáng chiếu trên nước đúng hệt như ý toi muốn và con hạc xanh bay một vòng trong ống ngắm của tôi, tất cả đều cùng một lúc. Chính là tôi đã thật sự nghe và thấy điệp khúc của anh. Tôi đã dựa vào đó để đưa vào máy ảnh“.
Y dùng tất cả thời gian để nghiên cứu việc chuyển âm nhạc thành hình ảnh. Coi bộ điều này ám ảnh y dữ lắm. Tôi cũng chẳng biết y sống bằng gì nữa. Y cũng chẳng nói gì nhiều về mình. Tôi chỉ biết là y từng đi nhiều nơi để chụp ảnh chứ không biết gì khác hơn. Một ngày nọ, tôi hỏi y về cái miếng bạc gắn nơi sợi dây chuyền y đeo ở cổ. Nhìn gần, tôi thấy trên đó có khắc chữ ”Francesca“. Tôi mới hỏi y: ”Chắc là một cái gì đặc biệt lắm?“.
Y không nói gì một lúc, chỉ nhìn làn nước. Rồi y hỏi: ”Anh có rảnh không?“. Có chứ, hôm đó ngày Thứ hai, tôi được nghỉ, nên tôi bảo y tôi có đủ thì giờ.
Thế là y bắt đầu nói, như thể người ta mở một cái vòi nước vậy. Y nói suốt cả buổi chiều rồi gần như suốt buổi tối luôn. Tôi có cảm giác như y giữ tất cả những điều đó sâu trong lòng từ quá lâu rồi.
Y chẳng bao giờ giờ nói cho tôi họ của người đàn bà, cũng như câu chuyện xảy ra ở đâu. Nhưng mà, anh bạn ạ, cái lão Kincaid này quả là một nhà thơ khi y nói về bà ta. Bà này hẳn phải là một cái gì đáng kể, một cái gì linh thiêng lắm. Y cũng đọc cho tôi đoạn đầu của một bài viết về bà ấy - cái gì về chiều vô tận, nếu tôi nhớ không lầm. Tôi nhớ là khi đó tôi nghĩ nó giống những bài sáng tác ngẫu hứng của Ornette Coleman vậy.
Và anh bạn ơi, y vừa nói vừa khóc. Y khóc, những giọt nước mắt to bự, cái loại nước mắt mà phải già người ta mới có thể khóc thế được, cái điệu khóc mà một tay saxo có thể chơi. Sau đó tôi mới hiểu tại sao y bao giờ cũng muốn tôi thổi bài ”Lá úa“. Ông bạn ạ, tôi bắt đầu thấy yêu cái lão này. Một con người có những tình cảm như thế đối với một người đàn bà thì đáng cho ta yêu lắm chứ.
Thế là tôi bắt đầu nghĩ về y và người đàn bà của y. Nghĩ về cái mà y gọi là ”những phong cách của tiền nhân“. Tôi tự nói: ”Mình sẽ chơi về cái sức mạnh ấy, về cái tình yêu ấy, những cái ”phong cách của tiền nhân“ ấy phải phát ra từ cây kèn của mình“. Cái ấy thật trữ tình.
Thế là tôi viết cái bản nhạc này. Tôi muốn sử dụng một thủ pháp đơn giản, sắc sảo. Viết những cái phức tạp thì rất dễ. Cái khó là đơn giản. Tôi hì hục suốt ngày cho đến khi thành công. Rồi tôi viết lại và soạn luôn hoà âm cho dương cầm và thụ cầm. Rồi một tối nọ, tôi chơi bài đó trên sân khấu.
Y có mặt, tối Thứ ba, như mọi lần. Được, tối hôm đó quán yên tĩnh, chỉ có chừng hai mươi khách, người ta cũng chẳng thật chú ý chúng tôi cho lắm.
Y ngồi im, chăm chú nghe như bao giờ, tôi tuyên bố trong mi-crô: ”Tôi sẽ chơi một bản nhạc do chính tôi viết tặng một người bạn. Bài đó tên là ”Francesca“.
Vừa nói tôi vừa nhìn y. Y đang quan sát chai bia nhưng khi nghe tôi nói ”Francesca“ y từ từ ngẩng đầu lên, đưa hai tay lùa vào mái tóc bạc xám, thắp một điếu camel và đôi mắt xanh của y đăm đăm nhìn tôi.
Cây ”xắc“ của tôi chưa bao giờ chơi hay đến như vậy. Tôi làm cho nó khóc than cho cả ngàn cây số và cho những năm dài cách biệt. Có một khúc buồn trong khổ đầu của bài lặp theo tên của người đàn bà ấy: ”Fran...ces...ca“.
Khi tôi chơi xong, y đứng thẳng lên, mỉm cười rồi lắc nhẹ đầu, trả tiền và bước ra. Sau đó, tôi luôn luôn chơi bài này khi thấy y đến. Y có đóng khung một bức ảnh chụp chiếc cầu có mái che cũ kỹ đem tặng tôi để cám ơn. Bức ảnh treo kia kìa. Y chẳng bao giờ nói y chụp ở đâu, nhưng dưới chỗ y ký tên có ghi ”Cầu Roseman“.
Một chiều Thứ ba nọ, cách đây bảy hay tám năm, không thấy y đến. Tuần tiếp theo cũng vậy. Tôi nghĩ y bị bệnh hay gặp chuyện gì đó. Tôi bắt đầu lo ngại. Tôi xuống cảng, hỏi thăm. Chẳng ai biết y cả. Cuối cùng, tôi phải đáp tàu đi qua hòn đảo chỗ y ở. Đó là một túp lều cũ kỹ nằm gần bờ nước.
Tôi đang đi quanh lều thì một người hàng xóm bước ra hỏi tôi tìm gì. Tôi trả lời. Người hàng xóm bảo rằng y đã chết cách đây khoảng mười ngày. Anh bạn ơi, nghe thế tôi hết sức đau lòng. Cho đến bây giờ cũng vậy. Tôi thực sự yêu mến y ta. Có một cái gì lạ nơi con người y. Tôi cho rằng y biết những điều mà chúng ta không hiểu được.
Tôi hỏi người hàng xóm về con chó. Ông ta không biết. Ông ta cũng không biết cả tên Robert Kincaid nữa. Thế là, tôi bèn gọi bên chỗ ”phú de“ để hỏi cho chắc và quả họ đang giữ con chó. Tôi bèn đến lãnh về và đem cho thằng cháu. Lần cuối cùng tôi thấy, thằng cháu tôi và ”Con Đường“ thích nhau lắm. Điều đó làm tôi vui.
Thế là gần hết chuyện. Không lâu sau khi tôi biết chuyện xảy ra cho Kincaid, cánh tay trái của tôi bị tê khi chơi kèn quá hai mươi phút. Có chuyện không ổn ở cột sống của tôi. Thế là tôi thôi việc.
Nhưng mà ông bạn ạ, tôi bị ám ảnh bởi câu chuyện y kể, về y và về người đàn bà. Thế là, vào tất cả những tối Thứ ba, tôi đều lấy cây saxo ra và chơi bản nhạc tôi đã viết tặng y. Tôi chơi ở đây và chỉ để cho chính tôi nghe.
Tôi cũng chẳng hiểu tại sao, khi chơi, tôi luôn luôn nhìn vào tấm ảnh y tặng. Tôi không biết rõ, nhưng có một cái gì đó khiến tôi không thể rời mắt khỏi bức ảnh khi chơi bản nhạc này.
Tôi còn ở đây, trong hoàng hôn của cuộc đời. Tôi làm cho cây kèn già nua khóc lên. Tôi chơi bản nhạc dành cho một người đàn ông tên là Robert Kincaid và một người đàn bà mà y gọi là Francesca.
Hết chương 09, Cảm ơn các ban đã đọc đến hết truyện - Xin mời đọc một bài bình luận tại đây  .
* * *
Copy từ http://4phuong.net/ebook/