Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Lễ hội đầu năm: nơi hội ngộ thói hư tật xấu?

Lễ hội đầu năm: nơi hội ngộ thói hư tật xấu?
Copy từ http://tuoitre.vn/Ban-doc/594040/le-hoi-dau-nam-noi-hoi-ngo-thoi-hu-tat-xau.html , đăng ngày 17/02/14; mục .
Những biểu hiện đáng buồn, đáng suy ngẫm trong những lễ hội đầu năm như chen lấn hỗn loạn, giành giật, giẫm đạp, xả rác, rải tiền lẻ, buôn thần bán thánh... đang tiếp tục làm "nóng" bạn đọc.
Vì đâu những điểm đến văn hóa, hoạt động văn hóa trở thành chốn eo sèo như chợ vỡ và khiến cộng đồng kinh hãi, âu lo vì những ứng xử thiếu văn hóa?
Ranh giới nào phân định giữa niềm tin thuần khiết, những ước nguyện thuần khiết với sự mê tín đến bất chấp những chuẩn mực cư xử? Vì đâu nhiều người có ấn tượng xấu về các lễ hội, vốn thay vì đó là hành trình thư thái đầu năm với bao mong ước đẹp?
Tuổi Trẻ Online trích đăng một số ý kiến của bạn đọc.
Cảnh tượng chen chúc quen thuộc tại đền Trần sau giờ khai ấn - Ảnh: Nguyễn Khánh. Size gốc 680-382.
Thần có phù hộ những người phá đền?
Theo tôi, cảnh giành giật lộc, bẻ cành hái hoa, chen lấn tại đền Trần là hành động vô ý thức. Các thần thấy cảnh này cũng lo tìm đường thoát thân chứ nói gì đến phù hộ cho những người đến tàn phá nơi ở của mình. Những người đem đồ dâng cúng rồi giành giật, cãi vã nhau thì xét cho cùng cũng do lòng ích kỷ.
Ai cũng muốn giành cái tốt nhất, lợi nhất về mình thì thiên hạ này sẽ còn nhiều cảnh hỗn tạp nữa. Ở các nước phương Tây, người ta giàu có lên là do họ có ý tưởng, phương pháp kinh doanh, môi trường kinh doanh, luật lệ cũng như tính kỷ luật của họ tốt chứ đâu phải vì cái ấn.
Cuối cùng xin mượn một câu hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn để khép lại ý kiến: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?
Huu Hau
Tham lam từ chính những nguyện cầu
Bài viết Cả xã hội đang quá mê tín rất hay, mô tả được một bức tranh hỗn độn trong việc đi chùa cúng lễ của người Việt chúng ta biến thành những trò mê tín mất văn hóa.
Những hành động chưa đẹp tại lễ hội khác gì kiểu buôn thần bán thánh, phá tan nát hình ảnh thanh tịnh nơi cửa chùa. Ai cũng biết nhiều người mua bán đi cầu xin mua may bán đắt đến mức "mua 1 đồng bán lại 10 đồng". Những tập tục mê tín này đang ngày càng lan rộng trong suy nghĩ của rất nhiều người Việt.
Tấn Tài Saigon
Ở đâu cũng chen lấn, giành giật
Không chỉ ở những lễ hội mà từ quầy bán hàng, cân hàng cho đến quầy bán vé, bến xe... nhiều người Việt đều chen lấn, tranh giành để được việc cho riêng mình. Đó là một văn hóa sống ích kỷ rất phổ biến hiện nay trong xã hội. Lễ hội chỉ là những cao điểm của tác phong sống ấy mà thôi. Thật đáng buồn!
Anh Vũ
Thói hư tật xấu lộ qua lễ hội
Với những hiện tượng như báo chí đã nêu tại lễ hội đền Trần (Nam Định) như những năm trước đây và nhất là những hình ảnh xấu xí tại lễ hội năm Giáp Ngọ này, tôi nghĩ đã quá đủ căn cứ để Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch có quyết định về việc dẹp ngay những lễ hội kiểu lễ hội phát ấn tại đền Trần như thế này.
Thật không hiểu nổi từ một tục lệ thông thường dịp đầu năm mới chẳng ăn nhập gì với việc ban phước cầu may, vậy mà hết người này đến người khác ra sức cổ súy cho lễ khai ấn. Thế là một tâm lý "tranh giành" xuất hiện, ai cũng mong muốn có ấn để lấy may nên sẵn sàng gây ra cảnh chen lấn, hỗn loạn. Qua lễ hội chỉ thấy lộ ra những thói hư tật xấu của người Việt chúng ta.
Văn Vũ
Hỗn loạn tại lễ hội cướp phết Hiền Quan (tỉnh Phú Thọ) khi hàng nghìn thanh niên chen nhau giẫm đạp để tranh giành quả phết với hi vọng mang lại may mắn cho gia đình - Ảnh: Nguyễn Khánh. Size 680-382
Thần linh đâu cần tiền?
Sao những người nhét tiền lẻ vào những nơi thờ cúng họ không nghĩ đó là một việc làm vô nghĩa vì thần linh đâu cần tiền? Sao không gửi tặng số tiền ấy cho người nghèo, những người xung quanh đang đói khát? Hay họ bỏ tiền ra để mua sự may mắn chăng? Hãy sống có đức, biết giúp đỡ mọi người thì may mắn sẽ tới thôi.
Hoài Thao
Mong thần linh lao động hộ mình?
Có những người không chịu làm ăn siêng năng rồi đi nhét tiền đút lót thần linh, mong thần linh lao động hộ mình. Có sức, có khả năng, có lẽ còn mong thần linh làm tôi tớ cho mình, như sắm một ông thần đèn!
Nguyễn Thị Gái
Cần hướng dẫn chu đáo
Việc đi chùa, cúng tiền là việc tốt, tạo phước báu, nhưng việc nhét tiền vào tay Phật là không thể hiện lòng thành kính, tiền phải được bỏ vào thùng công đức, nhang chỉ thắp 1 nén chứ không phải một bó để... cả tượng và người cùng ngửi khói. Việc này thiết nghĩ các sư thầy cần dán bảng thông báo, phát loa hoặc trực tiếp nhắc nhở người đi viếng thì dần dần có thể sẽ cải thiện được, làm hình ảnh đi chùa sẽ trở nên văn minh và thành kính hơn.
Thao
Phật tại tâm
Dẫu biết rằng tin tưởng vào thần linh cũng là một nét đẹp văn hóa trong bản sắc người Việt, thế nhưng điều này chỉ cần được lưu giữ trong thâm tâm của mỗi người, Phật ở trong tâm. Những hành động chen lấn, rải tiền, xả rác... nơi lễ hội như thế này chỉ làm xấu đi vẻ đẹp văn hóa tâm linh của mỗi người và có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc ở chính nơi mà họ đang tôn sùng.
Trần Thị Yến
Tin bài liên quan:
Cầu may gặp nạn ở núi Sam, xem tại đây .
Cả xã hội đang quá mê tín , xem tại đây .
Chúng ta hiểu về lễ hội quá mù mờ, xem tại đây  .
"Hôm qua em đi chùa Hương, em bị lấn thấy thương", xem tại đây .
Ảnh dự thi Online cùng tết Việt của bạn đọc Nguyễn Như Ý. Size 680-382.
Lễ hội đền Trần: Chốn linh thiêng thành khu chợ vỡ, xem tại đây  .

Không có nhận xét nào: