Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Hé lộ nguyên nhân vụ kẻ xấu rải hóa chất phá hoại Quốc lộ 1A

Hé lộ nguyên nhân vụ kẻ xấu rải hóa chất phá hoại Quốc lộ 1A
Copy từ http://dantri.com.vn/xa-hoi/he-lo-nguyen-nhan-vu-ke-xau-rai-hoa-chat-pha-hoai-quoc-lo-1a-1090843.htm ; đăng ngày 28/06/15 ,mục Xã hội. 7 ảnh
Sau khi báo Dân trí đăng tải bài “Kẻ xấu rải hóa chất phá hoại Quốc lộ 1A”, dư luận cho rằng, mặt đường hư hỏng là do chất lượng công trình kém, thi công không đảm bảo yêu cầu thiết kế. PV Dân trí đã vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân vụ việc...
Các thông số kỹ thuật đều đạt và vượt yêu cầu thiết kế
Chiều 27/6/15, PV Dân trí đã cùng lãnh đạo Sở GTVT Quảng Bình (Đơn vị chủ đầu tư) và một số đơn vị liên quan “mục sở thị” Dự án mở rộng QL 1A đoạn đi qua địa phận tỉnh Quảng Bình thuộc các gói thầu số 10 và 14, đoạn từ Km649+700 - Km657+8025,89 và Km663+900 - Km671+228,94 và Km672+821,54 - Km717+100 do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (Tập đoàn Sơn Hải) là đơn vị thi công.
Ghi nhận của PV Dân trí tại hiện trường cho thấy, mùi xăng vẫn còn bốc lên nồng nặc, phần bê tông nhựa bị rải hóa chất bới lên chỉ cần dùng tay bóp nhẹ đã nát vụn. Tại một số vị trí, mặt đường bị sủi bọt trắng, bong tróc, hư hỏng nghi do kẻ xấu dùng hóa chất phá hoại hiện đã được đơn vị thi công xử lý tạm thời nhằm đảm bảo giao thông, một số điểm đang được khoanh vùng để theo dõi mức độ hư hỏng.
Tại một số vị trí, mặt đường bị sủi bọt trắng, bong tróc, hư hỏng do kẻ xấu dùng hóa chất rải lên (Ảnh chụp ngày 23/6/15, Sở GTVT Quảng Bình cung cấp).
Ông Vũ Anh Minh, Phó Giám đốc Ban QLDA Khu vực chuyên ngành Giao thông Quảng Bình (Sở GTVT Quảng Bình), người trực tiếp phụ trách dự án này cho biết, hiện tại các điểm bị kẻ xấu dùng hóa chất phá hoại kết cấu mặt đường, Sở đã chỉ đạo đơn vị thi công cắt bỏ để thảm lại mặt đường, lấy mẫu thí nghiệm và lưu mẫu để phục vụ công tác điều tra. Đối với những vị trí xuất hiện hóa chất vào ngày 24/6, đơn vị thi công đã dùng nước tẩy mặt đường để giảm thiểu hư hỏng, khoanh vùng để theo dõi mức độ hư hỏng. Tuy nhiên, một số vị trí vẫn bị hóa chất thấm vào mặt đường nên nguy cơ ảnh hưởng đến kết cấu mặt đường.
Sau khi phát hiện các điểm bị đổ hóa chất, đơn vị thi công đã dùng nước tẩy rửa bớt để giảm thiểu hư hỏng, cắt bỏ và vá lại tạm thời, chờ kết quả xét nghiệm (Ảnh: Văn Lịnh)
Ông Minh cũng phân tích thêm, nhìn bằng mắt thường tại các điểm đang in vệt hóa chất, mùi xăng vẫn còn bốc lên nồng nặc, những điểm này chỉ cần lấy thanh sắt nhỏ hoặc vật cứng chọc nhẹ là bê tông nhựa sẽ bong tróc, vỡ vụn. Còn đối với những điểm khác, không có vệt hóa chất đổ lên thì mặt đường rất cứng và không thể bới lên.
“Những điểm bị bong tróc, hư hỏng, chúng tôi nghi do kẻ xấu sử dụng hóa chất dùng trong phòng thí nghiệm để chiết xuất kiểm tra hàm lượng nhựa trong bê tông nhựa, có thể là Axit sunfuric (40%) hòa với xăng hoặc Tricloethylen, một loại hóa chất chuyên dùng để thí nghiệm tách chiết bê tông nhựa. Còn nếu dầu máy động cơ đổ xuống mặt đường thì cũng phải mất một thời gian rất lâu mới có thể xảy ra sự cố rạn nứt, hư hỏng”, ông Minh nêu nghi vấn.
Các tiêu chuẩn kỹ thuật của kết cấu mặt đường các gói thầu số 10 và 14 thuộc Dự án mở rộng QL 1A đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình do Tập đoàn Sơn Hải thi công đều đạt và vượt yêu cầu thiết kế công trình (Ảnh: Sở GTVT Quảng Bình cung cấp)
Trả lời nghi vấn để xảy ra sự cố mặt đường bị bong tróc như vừa qua là do chất lượng công trình kém, thi công không đảm bảo yêu cầu, ông Vũ Anh Minh khẳng định: “Về các tiêu chuẩn kỹ thuật của kết cấu nền mặt đường các gói thầu số 10 và 14 thuộc Dự án mở rộng QL 1A đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình đều đạt và vượt yêu cầu thiết kế công trình. Việc này đã có kiểm định và gửi văn bản báo cáo lên Bộ GTVT và các đơn vị liên quan”
Hé lộ nguyên nhân kẻ xấu phá hoại mặt đường bằng hóa chất
Trao đổi về động cơ phá hoại trên, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc, Tập đoàn Sơn Hải cho hay, trước đó, nhiều đoạn QL 1A vừa đưa vào sử dụng đã xuất hiện vệt hằn lún bánh xe, hư hỏng, xuống cấp. Để xảy ra tình trạng trên, các đơn vị thi công đã đổ lỗi do các yếu tố khách quan như thời tiết nắng nóng, xe quá tải, vật liệu thi công,… nên đã đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh kinh phí và thời gian bảo hành.
Một nguồn tin riêng của PV Dân trí cũng cho hay, trong cuộc họp giao ban thường kỳ mới đây, nhiều đơn vị thi công công trình mở rộng, nâng cấp QL 1A đã kiến nghị lên Bộ GTVT cho rải thảm bằng nhựa Polymer tại một số địa điểm dễ xuất hiện vệt hằn lún, hư hỏng như: đường đèo, nút vòng xuyến, trạm thu phí,… Tuy nhiên do chi phí cao hơn khoảng 1,7 lần so với thảm bê tông nhựa thông thường nên đề xuất này không được Bộ GTVT chấp thuận.
Một số điểm bị kẻ xấu rải hóa chất dài cả chục mét và hiện vẫn còn dấu tích (Ảnh: Văn Lịnh)
Việc này lãnh đạo Bộ GTVT cũng đã giải thích, rằng ở Quảng Bình hiện đang có 6 gói thầu thi công bằng phương pháp rải thảm bê tông nhựa thông thường và chưa xuất hiện tình trạng hằn lún vệt bánh xe, đặc biệt trong đó có các gói thầu của Tập đoàn Sơn Hải, đơn vị đầu tiên tự nguyện cam kết bảo hành trong vòng 5 năm không có sụt lún, không hằn lún vệt bánh xe, và thực tế là sau khoảng 2 tháng thời tiết nắng nóng đỉnh điểm vừa qua, bề mặt đường vẫn rất tốt, không xuất hiện hằn vệt bánh xe.
Trước sự cố trên, ông Nguyễn Quang Minh cho rằng, động cơ phá hoại ở đây không phải của một cá nhân mà do một nhóm kẻ xấu cố tình phá hoại đường của Tập đoàn Sơn Hải. Nhóm người xấu này muốn chứng minh với lãnh đạo Bộ GTVT là không có nhà thầu nào thi công QL 1A mà không bị hư hỏng trước thời gian bảo hành.
Bê tông nhựa được đào lên có mùi xăng nồng nặc, chỉ cần dùng tay bóp nhẹ là đã vỡ vụn (Ảnh: Đặng Tài)
Trước đó, tháng 7/2014, Tập đoàn Sơn Hải đã ký cam kết với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng bảo hành gói thầu 10 và 14 trên tuyến QL 1A đoạn qua Quảng Bình trong vòng 5 năm không hằn lún vệt bánh xe.
Ngay sau đó, Bộ trưởng GTVT đã yêu cầu các nhà thầu khác học tập, nâng mức bảo hành lên 4 năm thay vì 1 năm theo quy định hiện hành. Việc này đã khiến một số nhà thầu không đồng tình.
Bảng cam kết bảo hành trong vòng 5 năm không hằn lún vệt bánh xe của Tập đoàn Sơn Hải (Ảnh: Đặng Tài)
Cũng trong chiều ngày 27/6/15, trong quá trình kiểm tra hiện trường cùng các ban ngành liên quan, PV Dân trí đã nhận được thông tin rất quan trọng liên quan đến nhóm đối tượng phá hoại mặt đường. Đó là vào trưa ngày 24/6/15, nhân viên kế toán của một công ty đóng gần khu vực xảy ra sự cố phát hiện hai thanh niên đi xe máy, đầu đội mũ bảo hiểm, mặt bịt khẩu trang, tay xách một can nhựa màu vàng, mắt cứ nhìn qua nhìn về rồi sau đó nhanh tay rải “chất lạ” lên mặt đường.
Treo thưởng 50 triệu đồng cho người cung cấp thông tin về kẻ phá hoại
Liên quan đến việc kẻ xấu rải hóa chất phá hoại QL 1A, ông Nguyễn Viết Hải, Tổng Giám đốc, Tập đoàn Sơn Hải cho biết, công ty sẽ trao số tiền thưởng 50 triệu đồng cho người cung cấp thông tin, hỗ trợ công tác điều tra của các cơ quan chức năng nhằm sớm tìm ra kẻ phá hoại. Phía công ty khẳng định sẽ giữ bí mật toàn bộ thông tin liên quan đến cá nhân người cung cấp.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình (Đơn vị chủ đầu tư) cho hay, ngay sau khi sự việc xảy ra, Sở đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hiện trường và bước đầu nhận định có dấu hiệu chủ định của con người nên Sở đã có văn bản gửi Công an tỉnh và báo cáo nhanh cho Cơ quan Công an huyện Bố Trạch vào cuộc điều tra, làm rõ, đồng thời báo cáo diễn biến vụ việc lên Bộ GTVT.
Thượng tá Đặng Văn Hoành, Trưởng Công an huyện Bố Trạch cho biết, đơn vị đang khẩn trương điều tra, xác minh thông tin và làm rõ các nội dung liên quan đến sự việc nhằm sớm tìm ra đối tượng phá hoại tài sản quốc gia, đồng thời đơn vị cũng đã lấy mẫu tại hiện trường gửi ra Viện khoa học kỹ thuật hình sự, Bộ Công an để xác định nguồn gốc hóa chất trên.
Đặng Tài – Văn Lịnh

Một mình giữa đại dương-11

Một mình giữa đại dương-11
Dịch giả: Phan Quang ; Thể loại: Khoa học.
(Copy từ http://www.lequydonhanoi.edu.vn/upload_images/S%C3%A1ch%20Khoa%20h%E1%BB%8Dc%20T%E1%BB%B1%20nhi%C3%AAn/motminhgiuadaiduong%20-%20Phan%20Quang.pdf ; sách gồm 73 trang, cuối mỗi trang có ghi http://motsach.info;Đây là chương 11/34 - ở trang 24, 25 và 26.)
Chương 11: Điều bí ẩn ở Cô-lum-brét
Chiều 30 tháng năm, hai chàng hết sức mừng rỡ. Sau bảy mươi hai giờ kể từ khi tầm mắt không còn trông thấy bờ biển nước Pháp, bắt đầu xuất hiện giữa bầu trời hoàng hôn đỉnh núi Tô-rô, điểm cao nhất trên đảo Mi-noóc. Từ trưa, Giắc đã dự kiến việc này, sau khi xác định tọa độ của xuồng. Ngay trong những điều kiện bình thường, dựa vào độ cao mặt trời lúc đứng bóng để xác định tọa độ, đối với A-lanh đã là việc khó hiểu nổi. Trong hoàn cảnh dập dềnh trên chiếc mảng cao su đầu ngọn sóng, làm được việc đó, anh cho là một kỳ tích tuyệt vời. Anh càng mừng là mình có một bạn đồng hành dồi dào kinh nghiệm.
-Đảo Mi-noóc đấy! Đất đấy
Niềm vui thấy đất nhói lên trong tim những người đắm tàu, gần như một cảm giác đau đớn. Có lẽ cũng đã đến lúc cập bờ, vì đã hai ngày hai người đến bữa chỉ có nuốt vẻn vẹn mấy thìa tảo vào bụng. Than ôi, đâu đã đến lúc hết gian nan như hai chàng vội tưởng. Nhìn thấy đất, tưởng như nó đã trong tầm tay, ấy thế mà còn phải mất mười hai ngày đêm ròng rã nữa, tức là gấp đôi thời gian kể từ khi xuất phát cho đến lúc này, chiếc xuồng mới vào được tới bờ.
Đắm tàu là như vậy đó. Giá biết trước, có lẽ lúc này họ tuyệt vọng chứ không mừng vui. Nhưng họ đâu đã ý thức được hết khó khăn. Mỗi người còn nhẩm tính trước những việc mình sẽ làm khi đặt chân lên bờ. Sẽ đánh những bức điện cho ai, nội dung ra sao. Bữa ăn đầu tiên trong một quán ăn đầy vẻ thôn dã ven bờ biển lạ, được hình dung với những chi tiết mê ly. Giữa lúc viễn cảnh tươi đẹp đang được vẽ nên thì bỗng dưng gió lặng, cũng đột ngột như khi gió nổi lên. Mảnh vải buồm ủ rũ. Hai người ngó quanh. Bầu trời sập tối. Phía đông nam, mây đen vần vụ: sắp có cơn giông. Hai người vội vã chuẩn bị đón những thử thách đầu tiên.
Hạ buồm. Buông neo nổi. Kéo tấm bạt che xuồng. Rồi ngồi nghỉ, chờ cho giông tố tan. Giông tố cùng với đêm đen lúc này cũng vừa xộc tới. A-lanh và Giắc ngồi sát vào nhau, chân co lại, một tư thế không lấy gì thoải mái song tránh được những cơn gió quật thẳng vào người. Sóng lớn thi nhau ập xuống chiếc Ngược đời. Ngồi trong xuồng, hai người nghe biển gào thét không phải bên cạnh mà ngay trên đầu. Chiếc xuồng cao su vẫn bám được mặt biển. Qua những giờ phút này, mới thật sự tin tưởng về sự đằm ổn tuyệt vời của nó. Sóng to, song trong xuồng không vật gì bị lay động, thậm chí A-lanh có thể mở sổ ghi nhật ký. Trong khi đó, bên ngoài sóng vẫn điên cuồng. Suốt thời gian dài dằng dặc chờ đợi cơn giông tan, hai người bạn không nói nhiều với nhau, nhưng đều nhẩm tính xem cơn giông này sẽ giạt chiếc xuồng đến tận đâu. Giắc lấy một tờ giấy, tính tính toán toán, rồi tuyên bố:
-Chắc chắn chúng ta sẽ giạt vào bên trong vịnh Va-lăng-xơ. A-lanh mở cuốn Chỉ dẫn hàng hải ra, tham khảo về vùng này. Vịnh Va-lăng-xơ là một vùng khá nguy hiểm, ở đó có nhiều hướng gió mạnh và lộn xộn. Hai người vốn biết rõ điều đó, cho nên cố hướng hành trình của mình sao cho khỏi bị giạt vào vịnh này. Nhưng, trước giông bão, với thân phận những kẻ đắm tàu, họ còn biết làm gì hơn lúc này. Chỉ còn một cách là bình tĩnh đương đầu với rủi may, hơn nữa cũng còn phải giữ cho thần kinh thanh thản để hồi phục sức khỏe đã giảm sút ít nhiều. Thời gian trôi qua trong sự thấp thỏm mong chờ, trong khi chiếc xuồng vô tình có lẽ đang tiếp tục đưa hai nhà du hành càng chệch xa mục tiêu ban đầu
Đến sáng, biển vẫn động. Sương mù dày đặc, tới mức ngồi đằng lái không nhìn rõ mũi xuồng. Cũng may dần dần nó mỏng bớt. Hai người giật mình nhìn theo một chiếc tàu lớn, cách Ngược đời có mấy trăm mét, đang mở hết tốc lực chạy về phía cảng Bác-xơ-lon. Đúng trưa, mặt trời ló. Giắc đo tọa độ, hy vọng biết chính xác vị trí của chiếc xuồng, nhưng không đạt kết quả. Anh cho rằng nó đã vào bên trong vịnh, ở một vùng có cơ man là đảo nhỏ, gọi là quần đảo Cô-lum-brét. Như vậy có nghĩa là đang giăng ra trước hai người không chỉ một, mà là hai cái bẫy: gió dữ và đá ngầm. Đột nhiên, một âm thanh lạ tai vọng tới. A-lanh và Giắc vội ra khỏi nơi đang ngồi tránh gió, sẵn sàng đối phó với mọi bất trắc.
Cả hai chợt lặng người trước một nỗi lo sợ bất thần. Cách chiếc xuồng khoảng một trăm mét, về mạn trái, một khối trắng phau trông tưởng như mơ hồ nhưng lại hiển hiện, thân hình đồ sộ của một động vật thời tiền sử đang lừ đừ tiến đến. Bất giác, A-lanh với khẩu súng chuyên bắn dưới nước và nạp đạn.
Lúc này, cái khối trắng đã tới gần hơn, hai người kinh hoàng nhận rõ đó là một con cá voi trắng, thuộc loại hiếm thấy ở Địa Trung Hải, dài đến ba mươi mét. Sau phút thảng thốt, A-lanh vứt súng, chộp máy quay phim, cố thu vào ống kính hình ảnh con vật khổng lồ đang tiếp tục bơi tới. Hai người nín thở, chờ đợi điều không may có thể xảy ra. A-lanh chăm chăm hướng ống kính vào đôi mắt đỏ ngầu của con vật, trong khi Giắc lo lắng theo dõi từng động tác của đuôi nó. Chỉ cần con vật cáu tiết, cái đuôi ấy sẽ. quét khỏi mặt biển chiếc xuồng tí tẹo. Hai người động viên lẫn nhau: đã từng gặp cả một đàn cá voi, mà có điều gì không may xảy ra đâu. Ấy thế mà vẫn chẳng làm sao yên tâm được trước con vật đơn độc khổng lồ. Nhưng, tới sát chiếc xuồng, nó hiền lành ngụp xuống rồi lại ngoi lên và lượn quanh một vòng, như muốn khoe với hai chàng làn da bụng trắng phau. Thế rồi, nó rẽ quặt và chậm rãi khuất dần trong sương mù.
Chưa hết xúc động, A-lanh và Giắc đang bàn tán về con vật hiếm thấy, thì bỗng dưng cả hai cùng vểnh tai nghe ngóng. Phải chăng con cá voi là vật báo hiệu nhiều hiện tượng quái dị sẽ diễn ra, hai là chỉ vì nó đã tác động quá mạnh vào thần kinh hai người? Khoảng một lát sau khi cá voi đi khuất, qua sương mù, hai người nghe rõ mồn một tiếng rúc còi báo động.
Tiếng rúc làm hai người cùng đứng phắt dậy. Thật ra, trước đó nhiều lần tai A-lanh đã nghe, nhưng lúc ấy tiếng rúc còn xa xôi, mơ hồ. Không tin hẳn thính giác của mình, anh chưa nói cho Giắc rõ. Có lúc anh suy nghĩ: hay là chiếc xuồng bị giạt đến một nơi nào đó gần bờ? Song anh tự bác bỏ ý kiến của mình ngay. Anh cho vì lúc này quá trông mong được tới bờ, cho nên liên tưởng như vậy. Bây giờ thì tiếng rúc ấy rõ quá, không có gì đáng hoài nghi nữa. Hai người cùng nghe. Và đương nhiên tiếng rúc ấy chỉ có thể phát ra từ một nơi có người, có lúc nó lớn tới mức át cả tiếng hai người trao đổi với nhau. Trong sương mù, rất khó xác định vị trí xuất phát của một tiếng còi. A-lanh cho rằng tiếng rúc từ tây nam vọng đến. Giắc lại nghĩ nó từ hướng tây bắc. Hai người cố bình tĩnh mở bản đồ ra xem. Theo dự đoán của Giắc về vị trí của chiếc xuồng lúc này, thì điểm đất gần nhất là một hòn đảo nhỏ xíu, thuộc nhóm Cô-lum-brét, cách đây chừng mươi hải lý về phía nam.
Bỗng dưng, không hiểu sao, cả hai người đều cùng có chung một cảm giác là đang bị một tai họa đe dọa: đột ngột dội lên tiếng máy nổ ầm ầm, át cả tiếng còi lúc này vẫn tiếp tục rúc. Chết rồi, chắc là một con tàu đồ sộ nào đó sắp bổ nhào vào chiếc Ngược đời. Gần tới mức này thì khó có cách nào tránh khỏi tai họa.
Không ai bảo ai, hai người vội vớ lấy bất cứ vật gì trong tầm tay có thể phát nên tiếng. A-lanh cầm một cái đinh sắt -nó vốn là ốc vít của dụng cụ ép hoa quả, được mang theo để rút nước trong thân cá -gõ vào một cái nồi. Giắc thì dùng một nắp hộp đập vào chiếc cà mèn. Như lên cơn sốt, hai người đập, gõ liên hồi, tạo nên những tiếng chát chúa giữa tiếng máy nổ và còi rúc liên hồi. Những âm thanh kỳ dị đang hòa lẫn hoặc đối chọi nhau ấy bỗng dưng im bặt. Im lặng đến se lòng. Im lặng đến bất ngờ làm cho cả A-lanh và Giắc đều sửng sốt khó chịu.
Hai người cùng ngừng tay. Đột nhiên, tiếng động cơ, rồi tiếp ngay sau đó là giọng rền rĩ của chiếc còi một lần nữa lại dội vang. A-lanh ý thức, nếu hiện tượng này cứ tiếp tục một hồi nữa, dễ thường anh đến phát điên mất. Tuy vậy, anh vẫn còn đủ tỉnh táo để theo dõi và suy xét. Nhìn đồng hồ: mười phút. Đã được mười phút, mười phút dài chưa từng có trong đời anh, kể từ khi những tiếng động kỳ dị vang lên thì tất cả cùng tắt đột ngột. Im lặng.
Im lặng trở lại cũng bất thần như khi các tiếng động cất lên. Đúng vào lúc ấy, như có phép thần, một làn gió xua tan hẳn sương mù, mặt biển lúc này quang đến tận chân trời hiện ra mồn một mênh mông, vắng lặng. Không có gì, tuyệt đối không có một vật gì trong vòng bán kính ba mươi ki-lô-mét. Hai người tưng hửng. Không, không thể nào giác quan của hai anh đã rối loạn tới mức cùng sinh ra ảo giác. Nhưng, giữa lúc đầu óc đang rối bòng bong, thần kinh căng thẳng, thật khó dùng lý trí phân tích hiện tượng mà từ đó trở đi hai người mỗi lần nhắc đến lại gọi là "điều bí ẩn ở Cô-lum-brét".
Hai người nhất trí, ngay sau phút thảng thốt ấy, hãy cố quên đi cơn ác mộng vừa xảy ra, cho dù nó có thực, để trong đêm tới, khỏi bị ám ảnh một lần nữa. Việc cấp bách lúc này là phải giữ cho thể lực đừng sút kém thêm. Về sau, đối chiếu cảm giác của từng người lúc đấy, hai người nghĩ đến khả năng có một chiếc tàu ngầm nổi lên mặt nước lấy không khí. Nhưng tàu ngầm không trang bị loại còi rúc để báo hiệu khi có sương mù, như các tàu đi biển thông thường.
Và do đó, điều bí ẩn vẫn còn là bí ẩn. Có lẽ ở thời đại nào cũng vậy thôi, những người đắm tàu vẫn chịu mọi sự trớ trêu ma quái của biển làm tội làm tình.
Nguồn: http://motsach.info

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Cô dâu 8 tuổi - Ôi thần linh ơi

Cô dâu 8 tuổi - Ôi thần linh ơi
Copy từ http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150626/co-dau-8-tuoi-oi-than-linh-oi-hon-nhau-het-hai-ngay/766983.html ,đăng ngày 26/06/15, mục Văn hóa - Giải trí.
Bộ phim Cô dâu 8 tuổi - bộ phim có số tập dài nhất từ trước đến nay (1.872 tập) đang phát sóng trên truyền hình Việt bỗng trở thành đề tài bàn tán, khen chê dữ dội nơi khán giả.
Nữ diễn viên chính Avika Gor (giữa) cách đây bảy năm, nay đã trở thành thiếu nữ 18 tuổi. Tháng 12-2014, cô từng đến VN giao lưu với khán giả và quảng bá cho bộ phim - Ảnh: T.L.
“Ôi thần linh ơi!”. Đó là câu cảm thán thường xuyên xuất hiện trong phim Cô dâu 8 tuổi và nay câu nói này trở thành câu cửa miệng của nhiều người.
Không những thế, Cô dâu 8 tuổi còn trở thành nguồn cảm hứng dồi dào cho việc sáng tác các clip hát, thơ và những bình luận “ngất trên cành quất”.
Một bài “bình phim” bằng thơ có tựa Ôi thần linh ơi! được truyền nhau trên cộng đồng mạng như sau:
“Hôn nhau mất hết hai ngày
Vờn nhau thì nó phải dây một tuần
Hai đứa gặp nhau tần ngần
Quay mặt từng đứa phải gần hết phim
Nhạc thì giật thót cả tim
Diễn viên thì nó đứng im lờ đờ
Cận mặt như cái ảnh thờ
Chiếu đi chiếu lại hàng giờ chưa xong
Nói chung là rất dài dòng
Ngàn tám trăm tập chiếu ròng mấy năm
Hàng xóm có cụ chín nhăm (95)
Tối nào cụ ấy cũng nằm xem phim
Hôm nay cụ mới biết tin
Gần mười năm nữa là phim hết rồi
Nghe xong cụ thấy bồi hồi
Sợ rằng lúc đấy đã ngồi trên cao...”.
Cảnh trong phim Cô dâu 8 tuổi
Trên YouTube ngày 25-6, một clip nhạc chế vừa được tung lên và ngay lập tức được nhiều người quan tâm. Chỉ trong hai ngày, clip này đã có hơn 42.000 lượt người xem: “... Eo ơi có bao nhiêu 60 năm cuộc đời/ Mất ba năm rồi tôi mắc xem cô dâu/ Nhưng khi xem phim giờ đây tôi thành ghiền/ Eo ôi, tôi sống được bao/ Ơ dài thế, còn sống không được bao...”.
Trên các diễn đàn cũng sôi nổi những lời bình về bộ phim. Little-Oyster trên webtretho nhận xét: “Cả nhà xem Cô dâu 8 tuổi bắt đầu thấy ngán ngẩm. Xem cô Ghena mang thai từ tháng 12-2014 đến giờ vẫn chưa đẻ”.
Chuyện phim lôi kéo sự quan tâm của các khán giả nữ.
Bên cạnh các ý kiến chê bai phim dài dòng, vẫn có một số lượng khán giả bày tỏ sự thích thú và với Cô dâu 8 tuổi như chia sẻ của Max Buy-VNa cũng trên trang webtretho ngày 24-6-15:
“Những fan hâm mộ của bộ phim phải kể tới các chị em phụ nữ chúng ta. Mặc kệ độ dài bộ phim 1.800 tập đi nữa, độ nóng của phim ngày càng tăng. Bản thân tôi thấy bộ phim dường như phản ánh được những tâm sự thầm kín nhất của các chị em khi về làm dâu...”.
Bùi Thảo trên trang web của kênh Today TV cũng bày tỏ: “Xem phim hơi sốt ruột vì nhiều khi chỉ có một tình tiết nhỏ, ví dụ như khóc mà cũng mất khoảng 1/3 bộ phim, nhưng mà xem tôi thấy hay vì phim cảm động, thiết thực và lôi cuốn người xem...”.
Nhiều diễn viên trong phim có tuổi nhỏ và xinh xắn.
Giải thích về số tập phim “khủng”, ông Lâm Chí Thiện - tổng giám đốc Tập đoàn IMC, đơn vị quản lý kênh Today TV - cho biết:
“Cô dâu 8 tuổi dài 1.872 tập nhưng mỗi tập chỉ dài khoảng 25 phút, tương đương với 900 tập phim. Chúng tôi đã phát sóng được hết hai phần và chuẩn bị phát sóng từ phần 3 cho đến phần 6, khoảng cuối năm nay sẽ hoàn tất 2/3 bộ phim. Nếu khán giả tiếp tục yêu cầu, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục phát sóng phim này”.
Ông chia sẻ quan điểm: “Theo tôi, số tập dài hay không là do khán giả quyết định. Cô dâu 8 tuổi hiện tại vẫn đang là bộ phim được nhiều khán giả xem. Chỉ số người xem (rating) luôn đạt mức cao: trung bình khoảng 4.0. Theo yêu cầu của nhiều khán giả, từ ngày 27-6, chúng tôi sẽ phát sóng mỗi ngày hai tập phim”.
Ông Cherian M. Chacko - giám đốc Công ty Berserk, công ty đang giữ bản quyền Cô dâu 8 tuổi - cho biết phim đã “xuất khẩu” đến 26 nước và cũng được yêu thích bởi phim khai thác các mâu thuẫn trong các mối quan hệ gia đình gần gũi người xem.
Cô dâu 8 tuổi tiêu biểu cho làn sóng phim truyền hình Ấn Độ đã và đang "đổ bộ" đến VN.
Không chỉ phim Cô dâu 8 tuổi, các phim Ấn Độ khác như Vợ tôi là cảnh sát, Hẹn tái hôn, Trái tim mỹ nhân... cũng có số tập dài vời vợi (Phim Ấn Độ trên màn ảnh Việt: Nhanh đến nhưng mau chán?, Tuổi Trẻ ngày 7-6-15).
Dù sự dài dòng là “hương vị riêng” của phim Ấn Độ khiến khán giả màn ảnh nhỏ - đặc biệt là các khán giả trẻ - ngao ngán, nhưng dù vậy Cô dâu 8 tuổi mang về cho kênh Today TV một khoản thu đáng kể. Quảng cáo vẫn đổ vào ào ào mặc cho giá tiền quảng cáo trong giờ phát sóng phim cao ngất ngưởng (25 triệu đồng/spot quảng cáo 10 giây, 30 triệu đồng/spot quảng cáo 15 giây, 40 triệu đồng/spot quảng cáo 20 giây và 50 triệu đồng/spot quảng cáo 30 giây).
Ôi thần linh ơi! Có dài thêm nữa thì cũng có sao đâu!
Sự khác biệt giữa truyền hình Âu - Mỹ và châu Á
Phim truyền hình phương Tây và châu Á có sự đối lập rất lớn. Các bộ phim châu Á được phát liên tục trên truyền hình liền mạch trong khoảng vài tháng cho đến khi kết thúc. Nhìn chung, phần lớn các loạt phim truyền hình châu Á như của Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc hay Ấn Độ đều dài lê thê, có khi lên đến hàng trăm tập, tình tiết chậm chạp, dài dòng, khán giả không cần theo dõi kỹ càng vẫn có thể nắm hiểu rõ nội dung chính của loạt phim.
Ngược lại, các loạt phim truyền hình Âu - Mỹ thường được chia theo mùa. Mỗi mùa dài khoảng 10 - 20 tập, mỗi tập 45 - 50 phút, phát mỗi tuần một tập. Mỗi tập phim thường giải quyết rốt ráo một vấn đề, một diễn biến và mỗi mùa có đường dây câu chuyện riêng biệt. Do đó, các bộ phim truyền hình Âu - Mỹ thường diễn biến nhanh, dồn dập, buộc khán giả phải tập trung theo dõi để nắm bắt nội dung phim.
Thông thường mỗi mùa được chiếu trong từng năm. Một số bộ phim bắt đầu bằng tập “thăm dò” (pilot), thử phản ứng của khán giả. Nếu thu hút được người xem, nhà sản xuất sẽ quyết định tiếp tục sản xuất phim và trình chiếu. Nếu tập pilot bị chê, kế hoạch làm phim có thể bị hủy bỏ.
Tương tự, việc loạt phim kéo dài nhiều mùa hay không tùy thuộc vào sự hưởng ứng của khán giả. Nếu tỉ lệ người xem thấp, nhà sản xuất có thể quyết định chấm dứt phim ở mùa một hoặc hai. Những bộ phim truyền hình Âu - Mỹ thành công có thể kéo dài tới 9 - 10 mùa (chiếu liên tục trong 9 - 10 năm), thậm chí hơn, ví dụ như CSI (Đội điều tra hiện trường), Criminal minds (Tâm lý tội phạm), How I met your mother (Khi bố gặp mẹ)...
Từ đầu năm 2010 đến nay, rất nhiều nhà phê bình đánh giá truyền hình Mỹ đang bước vào giai đoạn vàng son với hàng loạt tác phẩm xuất sắc như Breaking bad (Nổi loạn), Game of thrones (Trò chơi vương quyền), House of cards (Sóng gió chính trường), True detective (Thám tử chân chính), The walking dead (Xác chết biết đi)...
Sơn Hà
Chân dung "cô dâu 8 tuổi" - nữ diễn viên Avika Gor.
Hoàng Lê

Chỉ hơn 50% trẻ được tiêm văcxin viêm gan B ngay sau sinh

Chỉ hơn 50% trẻ được tiêm văcxin viêm gan B ngay sau sinh
Copy từ http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/chi-hon-50-tre-duoc-tiem-vacxin-viem-gan-b-ngay-sau-sinh-3205645.html ,đăng ngày 24/04/15 , mục Thời sự.
Tỷ lệ trẻ Việt Nam được tiêm văcxin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh hiện chỉ khoảng 50%, năm 2014 tụt xuống còn 20%. Điều này làm tăng nguy cơ trẻ mắc bệnh, biến chứng thành xơ gan, ung thư gan khi trưởng thành.
Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, tỷ lệ trẻ được tiêm văcxin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh ở Việt Nam từng đạt đến 90%. Tuy nhiên, sau một vài sự cố liên quan đến tiêm chủng, đến nay tỷ lệ này giảm mạnh và chưa thể phục hồi. Cụ thể, năm 2011 là 55%, năm 2012 tăng mạnh lên 75% nhưng trong năm tiếp theo lại giảm xuống 56%. Thấp nhất là năm 2014 chỉ còn 20%. Đây là thực trạng rất đáng báo động.
Tiêm văcxin là cách phòng bệnh cho trẻ hiệu quả nhất. Ảnh: N.Phương.
Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, việc tiêm văcxin viêm gan B cho trẻ ngay sau sinh là cần thiết vì nếu mẹ có virus viêm gan B thì đến 90% sẽ truyền lại cho con. Mũi tiêm này phòng được 85-90% các trường hợp lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con.
“Những năm gần đây dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp. Nếu việc tiêm chủng văcxin phòng bệnh không được duy trì, trẻ không được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại là rất lớn”, tiến sĩ Phu nói.
Ông lấy dẫn chứng năm 2014, dịch bệnh sởi bùng phát tại Mỹ, Canada và một số nước châu Âu do người dân không được tiêm chủng, mặc dù tại Mỹ bệnh sởi đã được công bố thanh toán từ năm 2000. Trên thế giới đã có ít nhất 10 nước ghi nhận bệnh bại liệt và có xu hướng gia tăng, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo tình trạng khẩn cấp tại một số nước khu vực Nam Á và bệnh có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam.
Tại Việt Nam, dịch bệnh sởi xảy ra vào năm 2014 cũng là bài học đắt giá. Năm 2015, một số trường hợp mắc bệnh ho gà khi mới 2-4 tháng tuổi; bệnh sởi khi mới 9-12 tháng tuổi. Nguyên nhân là các bà mẹ không đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.
Trước thực trạng người dân không đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, sáng 24/4/15, tại tỉnh Bắc Giang, Bộ Y tế tổ chức mít tinh hưởng Tuần lễ Tiêm chủng - một sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới, nhằm kêu gọi người dân đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch. Tiêm chủng được công nhận là một trong những biện pháp can thiệp y tế thành công và hiệu quả nhất.
Viêm gan B ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Nếu phát bệnh mà không được điều trị đúng cách hay tích cực phối hợp điều trị triệt để thì từ viêm gan B cấp tính sẽ phát triển thành viêm gan B mãn tính. Viêm gan B mãn tính sẽ dễ biến chứng thành xơ gan và ung thư gan.
Nam Phương
Ý kiến bạn đọc
Không phải trường hợp nào cũng phải tiêm ngay trong vòng 24h sau sinh vì nếu như mẹ đã tiêm phòng viêm gan B rồi thì sao cứ nhât nhất phải cho bé tiêm phòng viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh?
bunmahb - 15:02 24/04
Mình sanh ở Từ Dũ, mới được có 12 tiếng bác sĩ đã gọi bế cháu đi tiêm rồi!
Linh - 16:48 24/04
Mình ở Đức trẻ e sinh ra đến gần 1 tuoi moi tiêm phong viêm gan B. Moi sinh ra chi được uống vitamin K
Kim Bery - 01:56 25/04
Sao mình thấy quảng cáo ở bệnh viện là : chỉ tiêm B đối với trẻ mà mẹ bị B nhể ????
Hùng Mạnh - 16:39 24/04
hiện tại tiêm véc xin phải xếp hàng và trả tiền rất cao mà họ còn ko tiêm nữa,
wwvanngoc - 12:54 27/05

Một mình giữa đại dương-10

Một mình giữa đại dương-10
Dịch giả: Phan Quang ; Thể loại: Khoa học.
(Copy từ http://4phuong.net/ebook/13730237/25496222/chuong-10-ban-moi-ca-voi.html )
Chương 10: Bạn mới: cá voi
Những người ít đi xa, mỗi lần ra biển sẽ còn thấy yên tâm chừng nào đất liền trong tầm mắt. A-lanh ngạc nhiên thấy mình mặc dù rất quyết tâm và không phải là ít dày dạn với sóng nước, vẫn không phải lo âu khi biết rằng từ phút này đất liền sẽ mất hút. Xuồng tiếp tục đi theo hướng nam -tây nam. Với hướng này, theo sự chỉ dẫn của bản đồ hàng hải, sẽ gặp một dòng hải lưu đẩy nó hơi chệch về hướng tây một ít. Điều hơi buồn là phần nửa con mê-ru để dành, hai chàng đã xơi gọn mà vẫn chưa đánh bắt thêm được gì. Đành nhịn, biết làm sao! Không hiểu sao một con cá đã cắn câu, mà những con khác lại không.
Mỗi bữa lại đành uống nước mặn và lót dạ vài thìa tảo thay... bánh mì. Về chuyện uống, dù sao cũng không còn đáng lo nhiều lắm, vì Giắc đã tiếp tục dùng nước biển một cách bình thường. Ngày 29 tháng năm, Ngược đời gặp hai tàu chở hàng, một kéo cờ Hy Lạp, một cờ Anh, đi sát bên cạnh. Cả hai tàu đều rúc còi chào. Đó là điều đặc biệt, vì mấy ngày trước, cũng như những ngày sau đó, các tàu khác đều tỏ ra như tuyệt nhiên không biết chút gì về chuyện thực nghiệm của hai người. Vô tình hay cố ý? Có thể vì chiếc xuồng cao su quá thấp, là là dưới ngọn sóng, các tàu khác không nhận ra chăng? Với lại làm sao tất cả mọi người biết có hai chàng trai đang tự nguyện làm những người bị nạn đắm tàu?
Dù sao đi nữa, kết luận rút ra từ thực tế ấy là những người đắm tàu bao giờ cũng chỉ nên trông cậy trước hết vào sức mình. Phải chủ động đón tìm sự cấp cứu, chứ đừng khoanh tay ngồi chờ những người khác đến cứu mình. Đêm ấy gió tiếp tục thuận. Xuồng tiếp tục đi theo hướng đã định. Cái đói giày vò dữ hai chàng.
A-lanh trực ca đầu. Có lẽ vì đói, mọi giác quan của anh rất tỉnh táo. Khoảng mười một giờ đêm, giữa sự im lặng mênh mông, chợt anh nghe có tiếng rì rầm lạ lùng từ biển vọng lên. Phải chăng chỉ là ảo giác? Tự nhiên cảm thấy lo âu, anh biện luận: người trên bờ thì xa, quá xa. Và vào giờ này, trừ một vài người thân yêu, có ai nghĩ tới hai chàng đắm tàu? Những tiếng kỳ lạ tiếp tục vọng lên từ biển kia là thế nào? Phải chăng đấy là tiếng những con cá heo thỉnh thoảng vẫn lượn lờ quanh chiếc xuồng con mảnh mai? Nghĩ vậy, nhưng anh vẫn không sao bớt ngạc nhiên vì tiếng rì rào không những tiếp tục, đều đặn như lúc đầu, mà hơn nữa còn rõ rệt hơn.
Nỗi băn khoăn cũng như sự hiếu kỳ làm cho anh tỉnh táo suốt cả đêm, những mong trời chóng sáng. ánh sáng bình minh vừa rạng đủ cho A-lanh nhìn thấy quanh chiếc xuồng con của mình nhiều hình ma đồ sộ màu xám nhạt, lấp lánh như kim loại. Anh nắm tay lay Giắc:
-Cá voi! Giắc cũng đã dậy. Hai người đếm được chừng một chục con. Chúng chậm chạp lượn quanh chiếc xuồng theo hình những vòng tròn đều đặn. Thân chúng dài chừng hai mươi đến ba mươi mét. Thỉnh thoảng một con bơi thẳng đến, khi chỉ còn cách xuồng có mấy mét, mới chịu ngụp xuống sâu.
A-lanh và Giắc nom rất rõ hình dáng đuôi con vật ở phía bên này chiếc Ngược đời trong khi đầu nó đã ngoi lên phía bên kia. Trông chúng bình yên, ngoan ngoãn, như có thiện ý đối với kẻ đắm tàu. Tuy vậy, là một người đi biển nhiều kinh nghiệm, Giắc hết sức lo âu trước sự xuất hiện bất ngờ này. Anh sợ chẳng may một con quá hứng chí hoặc vì vụng về mà ngoi lên hơi sớm, hoặc quệt đuôi vào chiếc xuồng. Mặt trời lên, đám cá voi mới tản đi.
Cả ngày 30 tháng năm, chẳng có gì lạ xảy ra, nghĩa là hai nhà đi biển vẫn chưa câu thêm được con cá nào. Họ gần như đã quen với lối sống không bình thường. Chỉ còn một ẩn số: nếu xảy ra bão,
A-lanh cho là được, vì anh đã gặp bão trên chiếc xuồng tương tự ở biển Măng-sơ trong chuyến đi từ Anh trở về Pháp mùa thu năm ngoái, Giắc kém tin hơn, song vẫn mong chờ cơ hội xảy ra để chấp nhận cuộc thử thách. Dù sao, trải qua hiểm nghèo giữa Địa Trung Hải thường xuyên có rất đông tàu bè đi lại, còn hơn là sau này bất thần gặp bão giữa Đại Tây Dương, khi đã cách xa đất liền hàng nghìn hải lý.
Nguồn: http://vnthuquan.org/

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Bị Trung Quốc xua đuổi,ngư dân Philippines kêu cứu LHQ

Bị Trung Quốc xua đuổi,ngư dân Philippines kêu cứu LHQ
Copy từ http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20150626/bi-trung-quoc-xua-duoi-ngu-dan-philippines-keu-cuu-lhq/767046.html ,đăng ngày 26/06/15, mục Thế giới.
Một nhóm 30 ngư dân Philippines vừa gửi đơn khiếu nại đề nghị Liên Hiệp Quốc (LHQ) can thiệp để ngăn chặn việc họ bị tàu Trung Quốc xua đuổi khỏi vùng đánh bắt hải sản quen thuộc trên Biển Đông.
Quốc kỳ Philippines cắm ở bãi cạn Scarborough - Ảnh: Radio Australia
Theo AFP, luật sư Harry Roque đại diện các ngư dân Philippines cho biết lá đơn đã được gửi qua đường thư điện tử đến Cao ủy Nhân quyền LHQ và các cơ quan khác thuộc LHQ ở Geneva (Thụy Sĩ).
Trong đơn, các ngư dân cáo buộc tàu Trung Quốc đã xua đuổi họ, không cho họ kiếm sống ở vùng biển gần bãi cạn Scarborough.
Luật sư Roque cho biết: “Các ngư dân yêu cầu một giải pháp”. Ông kể nhiều ngư dân đang phải sống trong tình cảnh khổ cực, phải đi đánh bắt ở các vùng nước nông ít tôm cá, trong khi vợ của họ phải đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài để hỗ trợ kinh tế cho gia đình.
Hồi tháng 4-2015, chính quyền Philippines cũng cáo buộc cảnh sát biển Trung Quốc dùng súng uy hiếp và cướp toàn bộ hải sản do nhiều ngư dân Philippines đánh bắt được ở vùng bãi cạn Scarborough.
Trong một trường hợp khác, cảnh sát biển Trung Quốc dùng vòi rồng xua đuổi một nhóm ngư dân Philippines khiến thuyền của họ bị hư hại.
Trong lá đơn dài 22 trang, các ngư dân kể hồi tháng 4-2014, cảnh sát biển Trung Quốc còn dùng thuyền cao tốc và súng máy xua đuổi họ. Khi đó một số cảnh sát biển Trung Quốc hét lên rằng: “Cút đi, cút đi, đây là đảo của Trung Quốc”.
Các ngư dân yêu cầu LHQ “nhắc nhở và buộc Trung Quốc ngừng các hành vi vi phạm nhân quyền, bao gồm quyền sinh kế và quyền sống” của họ.
D. Kim Thoa

"Hà bá" nuốt 4 căn nhà

"Hà bá" nuốt 4 căn nhà
Copy từ http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20150626/ha-ba-nuot-4-can-nha/767142.html ,đăng ngày 26/06/15 , mục Bạn đọc.
Liên tiếp trong hai ngày 24 và 25-6-15, tại đoạn sông Vàm Cái Mít thuộc ấp Hòa Định, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng khiến bốn căn nhà đổ sụp xuống sông.
Hiện trường vụ sạt lở bờ sông tại xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) - Ảnh: Th.Nhơn
Ông Phạm Hữu Nhân, phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Thới, cho biết bốn căn nhà nói trên gồm hai nhà dân, một nhà nấu ăn và một kho chứa vật tư nông nghiệp.
Chiều dài đoạn sạt lở kéo dài 50m, ăn sâu vào đất liền khoảng 8m và đang có dấu hiệu tiếp tục sạt lở trong thời gian tới. Ước tính thiệt hại ban đầu trên 300 triệu đồng.
Theo ông Nhân, nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do địa thế sông sâu, nước chảy xiết khiến dòng chảy chạy sát vào bờ. Ngoài ra, những ngày qua trên địa bàn liên tục xảy ra những cơn mưa lớn khiến mực nước sông dâng cao, ảnh hưởng đến nền chân phía dưới gây sạt lở nghiêm trọng.
Ngay khi xảy ra sạt lở, lãnh đạo UBND xã Vĩnh Thới đã điều động hơn 100 người bao gồm cán bộ, lực lượng dân quân tự vệ, cơ động hỗ trợ người dân di dời đồ đạc, của cải.
“Đối với những hộ bị ảnh hưởng, xã đã bố trí cho vào ở những nhà dân an toàn xung quanh. Lãnh đạo xã đã lập biên bản báo cáo sự việc lên lãnh đạo huyện và kiến nghị đề xuất mức hỗ trợ 2 triệu đồng cho các hộ bị thiệt hại” - ông Nhân nói.
Thành Nhơn

Một mình giữa đại dương-9

Một mình giữa đại dương-9
Dịch giả: Phan Quang ; Thể loại: Khoa học.
(Copy từ http://4phuong.net/ebook/13730237/25493717/chuong-9-song-gio-tro-treu.html .)
Chương 9: Sóng gió trớ trêu
Gió vẫn thổi đều. Xuồng lướt chậm trên mặt nước. Giắc đã ngủ yên. Vừa mới tối, quanh chiếc xuồng, đã có hoạt động sôi động của biển. Dường như mọi động vật ở gần đều lần đến đây để quan sát hai nhà hàng hải hiếm thấy. Có những âm thanh phì phò như hơi thở biển. Có tiếng động do những con cá bay vọt lên khỏi mặt nước rồi rơi xuống. Tiếng sóng vỗ mạn xuồng, nỉ non, lào thào.
Thoạt nghe, A-lanh không tránh khỏi cảm giác rờn rợn. Nhưng khi tai đã quen thì mọi tiếng động hầu như biến mất, chỉ còn lại sự lặng yên mênh mông của biển. Đêm đầu tiên này, gió thuận từ đất liền thổi ra mãi cho đến sáng. Giắc và A-lanh hy vọng mau tới được vùng có đều đặn chế độ gió đất -biển và biển -đất xen kẽ, mà nhiều nhà thơ từng gọi là hơi thở phập phồng của đại dương. Quả vậy, buổi sáng biển thở ra gió từ khơi thổi vào bờ.
Sau khi dừng lại một chốc vào ban trưa như thể để lấy hơi, biển hít vào: lúc này gió từ đất liền lại thổi ra khơi. Nguyên nhân của hiện tượng ấy là : buổi sáng, sau khi mặt trời mọc, đất liền hấp thụ nhiệt và được hun nóng lên nhanh hơn biển; không khí nóng bốc lên cao nhường chỗ cho không khí mát hơn từ mặt biển thổi vào, hình thành gió biển. Nhưng nếu biển hấp thụ nhiệt chậm hơn đất thì đêm đến, nó lại giữ hơi nóng lâu hơn, tạo nên một sự chuyển động không khí theo chiều ngược lại. Như vậy, chiếc Ngược đời cần tranh thủ hướng gió ban đêm, còn ban ngày thì theo dõi chặt chẽ để lái chiếc xuồng sao cho khỏi bị giạt vào bờ.
Đêm đầu tiên cho thấy việc thay nhau thức để trực là rất cần. Riêng một đêm đầu này đã gặp cả chục chiếc tàu, chở khách có, hàng có. Chiếc xuồng nhỏ bé lại quá thấp, là là mặt nước, thường bị sóng che, từ các tàu khác khó nhìn thấy, dễ xảy ra tai nạn do va chạm. Mỗi lần thấy xuất hiện một con tàu, và nhìn hướng đi của nó có thể nguy hiểm cho mình, người trực dùng đèn pin chiếu ánh sáng lên cánh buồm. Hình ảnh một vệt sáng chợt lóe lên giữa biển rồi chợt tắt biến đâu chẳng gợi lên trong đầu óc những thủy thủ còn ít nhiều mê tín, huyền thoại xa xưa về những con thuyền ma lênh đênh trên sóng? Sáng hôm sau, đúng như quy luật, gió đổi chiều.
Hai người thả bánh lái phụ, hy vọng cho xuồng tiếp tục trôi chênh chếch so với bờ biển, dĩ nhiên là chậm song ít ra cũng đỡ lo phải giạt vào quá gần đến mức chạm đá ngầm vùng ven. Cái đói bắt đầu hành hạ. Cảm giác đói mới đầu chỉ giống như khi ta chờ đợi một bữa ăn nấu muộn. Bây giờ nó đã trở thành một ám ảnh thường xuyên, và biểu hiện cụ thể bằng những cơn co thắt ở dạ dày, "cồn cào ruột gan" như người ta thường nói. Ngoài cảm giác khó chịu ấy ra, A-lanh vẫn thấy người thoải mái. Xem chừng Giắc có nôn nao hơn.
Tiến hành cuộc kiểm tra sức khỏe đầu tiên trên biển. Lưỡi Giắc hơi khô. Mạch chậm nhưng đều. Chưa có dấu hiệu nghiêm trọng về mất nước cơ thể. (Dù A-lanh hết lời khuyên nhủ và đã uống trước để làm gương, Giắc vẫn chưa chịu dùng nước mặn). Cả hai người đều bị táo bón. Nếu A-lanh không cảm thấy khát và Giắc tuy khô họng nhưng vẫn còn chịu được, thì cả hai đều bị cái đói giày vò. Cả hai đều nghĩ tới khúc bánh mì giăm-bông họ đã không thiết ăn trước lúc lên đường. Tiếc ơi là tiếc. Tiếc và thèm.
Miên man, một ý nghĩ không hay chợt đến: tại sao đang yên lành, lại vô cớ mang thân ra hứng lấy cảnh này? Những con hải âu đáng yêu bay quanh quẩn gần xuồng, cách chừng mươi mét, như gửi lời thăm hỏi. Sự xuất hiện của nhiều hải âu làm hai chàng tin tưởng. Chim bắt được cá, tại sao ta lại không? Hôm ấy rất đẹp trời, biển lặng. A-lanh quay phim được khá nhiều cảnh kỳ thú. Điều buồn duy nhất là vẫn chưa kiếm ra được một thứ gì cho vào miệng, trừ vài thìa tảo. Cũng có thể kiếm nhiều tảo hơn, nhưng chiếc lưới thả xuống vớt tảo làm cản tốc độ của xuồng lúc này chưa xa bờ là mấy, hai anh còn ngay ngáy lo gió không thuận kéo dài. A-lanh kiên trì nói với Giắc:
-Nếu lúc này anh không chịu dùng nước mặn, nấn ná ít nữa, khi quá trình mất nước của cơ thể đã bắt đầu thì lúc ấy uống nước biển không những chẳng có tác dụng mà còn nguy hiểm nữa là khác.
May sao, Giắc nghe ra, và bắt đầu nhấp một ngụm. Sự kiện nhỏ nhặt ấy làm hai người bạn đồng hành cùng vui hẳn lên. Một sự bất ngờ thú vị xảy đến: đêm ấy cũng như những đêm tiếp sau, sáng ra thu được chừng nửa lít nước ngọt đọng ở đáy xuồng. Đo độ ẩm không khí rất cao, hơi nước ngưng tụ, và cũng nhờ các vật liệu trong xuồng đều còn mới, chưa bị nhiễm mặn, hai anh có thể dùng một miếng bọt xốp thấm hút từng tí một. Lượng nước ấy chẳng đáng là bao so với nhu cầu của hai con người cao lớn. Dù sao, đó cũng là một nguồn phụ trợ; hơn nữa nó ngọt ngào thật sự, nuốt xuống đến đâu, thấm mát ruột gan tới đó.
Suốt ngày không nhìn thấy bờ. Nhưng họ biết mình cách đất liền chẳng bao xa. Sở dĩ không nhìn thấy là vì một lớp sương mù do hơi nóng bốc lên là là mặt biển. Khoảng sáu giờ chiều bờ lại hiện ra. Hai người chưa kịp xác định tọa độ thì mặt trời đã lặn. Nhưng vừa lúc ấy, ánh sáng hải đăng rọi tới. Qua ánh sáng và nhịp độ của luồng chiếu, hai người nhận ra mình chưa cách xa điểm xuất phát được bao nhiêu. Còn có thể gặp nguy hiểm vì đá ngầm ven bờ khá nhiều ở quãng này. Qua đêm Thứ hai, hai nhà đi biển vẫn còn hết sức lạc quan, tuy bụng đói cồn cào. Điều bất thường không may là gió hướng biển -đất tự nhiên nổi mạnh. A-lanh ghi nhật ký :
“Chiếc Ngược đời cứ quanh quẩn ở đây, chứ không thể nào ra nổi ngoài khơi ư? Và như thế, nó sẽ thất bại như những người bi quan tiên đoán."
27 tháng năm quả là một ngày đáng ghi nhớ. Khoảng xế chiều, A-lanh đang mơ màng, sợi dây câu quấn quanh cổ chân, chợt có cảm giác chân mình bị giật mạnh. Anh rút kinh nghiệm ngay: từ nay, không thể làm chuyện ngu ngốc như vừa rồi. Nếu chẳng may con cá cắn câu ấy thật lớn, thì có phải cổ chân anh đã bị dây câu cứa đứt mất rồi không? Một chú mê-ru vừa cắn câu. Hai người kéo con cá quý lên, vừa cảm tưởng như mình đang đi giữa sa mạc bỗng kéo được gàu nước ngọt đầu tiên từ giếng thơi. Thân cá được ép, rút hết nước, sau đó xẻ làm đôi. Ăn nửa đuôi, còn nửa đầu dành cho bữa sáng mai. Thoạt tiên, đưa miếng cá sống phơn phớt hồng lên miệng, cả hai người đều có cảm tưởng buồn nôn, Giắc có vẻ còn lợm giọng hơn A-lanh, vì A-lanh dù sao cũng đã từng nếm món cá sống khi còn ở trong phòng thí nghiệm. Anh thấy mình có trách nhiệm ăn trước, làm gương cho bạn.
Nào! Hãy cho rằng cá sống ngon đi. Miếng đầu tiên trôi qua khỏi họng. Thắng lợi. Định kiến lâu đời của con người đã vượt qua. Hai người tiếp tục ăn cá sống, bất chấp mọi kiến thức và tập tục của con người văn minh. Và kỳ lạ sao, càng ăn càng cảm thấy món này vừa ngon vừa bổ. Nửa con cá còn lại được mang đặt trên tấm bạt phơi khô để dành. Từ đó trở đi, ngày nào câu được cá, hai anh đều ăn sống một cách tự nhiên. Cũng chẳng có gì lạ. Mỗi nền văn hóa đều có cách ăn uống riêng, và cũng có những thứ kiêng cữ nhất định. Có bao giờ người châu Âu ăn châu chấu hoặc nhộng tằm? Nhưng ai dám bảo nhộng tằm không bổ?
Người theo đạo hồi không động đến thịt lợn. Nhiều bộ tộc ấn Độ lại có thái độ như vậy đối với thịt bò. Có những người không ăn được thịt ngựa, thịt mèo, thịt chó. Nhưng, nếu nấu nướng thật thơm tho, rồi bảo đấy là thịt cừu hoặc thịt thỏ thì họ vẫn chén đàng hoàng và có khi còn nắc nỏm khen ngon là khác.
Có những dân tộc rất thích ăn cá hon khói, trong khi nhiều người khác lại sợ món đó. Xét cho cùng, quan niệm về ăn uống chẳng qua do hoàn cảnh, thói quen cũng như định kiến lâu đời tạo nên mà thôi. Ngày hôm ấy trời nắng, gió nhẹ. Dạ dày bớt trống rỗng, hai chàng trai càng thêm lạc quan. Gặp một chiếc tàu của hải quân đi tuần tra bờ biển, viên chỉ huy tủm tỉm cười mời hai vị đắm tàu uống bia ướp lạnh. Hai anh tươi cười từ chối.
Đêm đến, may quá, gió từ đất liền lại nổi lên. Chiếc Ngược đời xa bờ hơn nữa. ánh đèn lửa trên đất heo hút dần rồi lần lượt tắt. Chiếc xuồng đã đưa hai chàng ra được ngoài khơi. Ra đến đây, sẽ không có nguy cơ bị giạt trở lại bờ nữa, như những người bi quan vẫn quả quyết.
Nguồn: http://vnthuquan.org/

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Lắng nghe tâm mình

Lắng nghe tâm mình
Copy từ http://kienthuc.net.vn/ngo/lang-nghe-tam-minh-518012.html; đăng ngày 25/06/15,mục Thiền > Ngộ.
Quán sát tâm con người, ngài Thế Thân nhận thấy có tám thức tâm vương và 51 tâm sở. Tám thức tâm vương là nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý thức, mạt-na thức và A-lại-da thức.
Phổ Hiền Bồ-tát dạy nếu là người trí nên suy nghĩ những gì khi chết mà mang theo được thì nên tích cực tu hành, cái gì không mang theo được thì bỏ lại trần gian. Vì vậy, chúng ta cần quán tưởng tâm mình, vì chúng ta biết khi chết, mọi thứ vật chất đều phải bỏ lại, tài sản, danh vọng, địa vị cũng bỏ. Có người chưa chết nhưng đã mất địa vị xã hội là đã phải bỏ trước rồi, trước hay sau gì cũng phải bỏ. Tuy nhiên, nếu nói tất cả đều phải bỏ, tiền tài, danh vọng, quyền lợi vật chất cho đến cuối cùng cũng bỏ luôn cái mạng này thì quan tâm làm gì. Phật không dạy chúng ta tu tiêu cực như vậy.
Thầy học kinh Pháp hoa với một giáo sư, ông nói đạo Phật đào tạo người cứu đời, giúp người và phải làm lợi ích cho số đông, cho chư Thiên và loài người. Phật tử cần cân nhắc tâm tưởng chúng ta làm sao dung hòa được việc làm lợi ích cho người mà không bị dính mắc với thành quả, vẫn buông bỏ được.
Ảnh minh họa.
Quán tưởng về tâm chúng ta, đầu tiên chúng ta thấy có hai phần là phần chân và phần giả. Đương nhiên chúng ta bỏ phần giả, vì có giữ cũng mất. Nhưng phần chân tâm không bao giờ mất, vọng thức thì mất. Quán sát tâm con người, ngài Thế Thân nhận thấy có tám thức tâm vương và 51 tâm sở. Vì vậy, chúng ta suy nghĩ, bỏ phần vật chất bên ngoài, hướng về tâm quan sát, thấy có tâm vương và tâm sở đúng như ngài Thế Thân dạy. “Sở” là sở hữu, là lệ thuộc; 51 tâm sở là sở hữu của tâm vương. Khối vật chất bên ngoài chúng ta không nói tới, vì chủ đề là tâm. Phật dạy tâm là chủ, tất cả mọi việc do tâm quyết định. Tâm vương gồm có tám thức là nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt-na-thức và A-lại-da-thức. Nhưng đối với 51 tâm sở lệ thuộc tám thức tâm vương, chúng ta phải thực tập và chuyển hóa nó cho tốt, vì 51 tâm sở tác động mạnh đến cuộc sống, nên chúng ta cần quan sát và điều chỉnh.
Trong 51 tâm sở có 6 căn bản phiền não, 20 tùy phiền não lệ thuộc 6 căn bản phiền não là thế lực xấu và 11 thiện tâm sở. Phật dạy Tỳ-kheo tu hành, muốn đắc đạo, cái gì xấu ác đã sanh phải đoạn trừ, cái ác chưa sanh thì ngăn chặn lại, không cho sanh, để hạt giống ác trong tâm mất hẳn; đó là tâm xấu, không phải hành động xấu bên ngoài. Và cái thiện sanh rồi, ráng nuôi lớn; cái thiện chưa sanh thì tìm cách tạo cho sanh. Cho nên người tu ngồi yên, nhưng điều chỉnh tâm, vì Phật dạy tất cả mọi việc do tâm quyết định, tâm quyết định lời nói, hành động của chúng ta. Nếu thực tập pháp này, chúng ta bước chân vào thế giới Phật, hay vào dòng Thánh, dù chưa là Thánh. Bấy giờ chưa làm gì, nhưng thành tựu được như vậy, trở thành người Hiền nghĩa là được mọi người nhìn mình có thiện cảm. Thực tập pháp này, ác trong lòng chúng ta đoạn, thiện tăng trưởng thì mọi loài thấy chúng ta, lòng họ thanh thản và tiến hơn một bước, họ quý mến ta.
Thật vậy, Phật tại thế, Ngài vào rừng ở, khỉ tìm đến dâng trái, voi ôm bình bát của Phật xuống sông múc nước. Ở thời hiện đại, chúng ta thấy những người thuần hóa thú vật là họ cảm thông với con vật, thương yêu nó, tức thiện tâm sanh, nên con vật cũng thương người chủ. Phát xuất từ lòng tốt của con người mà cảm hóa được người khác, cảm hóa được loài vật. Và từ tâm tốt thể hiện thành hành động tốt, làm lợi ích cho số đông, cho chư Thiên và loài người.
Điển hình như gần đây, Thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời trong lúc ông không còn là Thủ tướng, nhưng người dân Singapore nghĩ về ông vô cùng thương tiếc với tất cả tấm lòng. Trước kia, Singapore là một cảng của Mã Lai, diện tích không bằng thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ông về làm Thủ tướng một bán đảo nhỏ, chỉ một thời gian sau, ông đã nâng kinh tế nước này lên tầng cao mới, thu nhập của người dân cao nhất thế giới. Việt Nam mới nâng mức thu nhập của người dân thành phố được khoảng một ngàn đến hai ngàn đô một năm. Trong khi người dân Singapore mỗi năm, họ có được bốn mươi ngàn đô một đầu người.
Từ một nước nghèo, dân làm thuê mướn ở bến cảng, nhưng đời sống của họ đã được nâng cao vượt bậc. Rõ ràng ông Lý Quang Diệu thể hiện đúng lời Phật dạy làm lợi ích cho số đông, nên ông được mọi người quý trọng. Khi kinh tế Việt Nam đổi mới, ông chủ trương đầu tư vào Việt Nam xây dựng khu công nghiệp ở Bình Dương. Trước kia, thầy lên Bình Dương hoằng pháp, bố thí, giúp đỡ người nghèo thì lúc đó, tỉnh này là một trong những tỉnh nghèo của Việt Nam. Nhưng từ khi Singapore đầu tư vào tỉnh này, đã giải quyết được việc làm cho người dân ở đây và cả những người không có việc làm ở miền Bắc, miền Trung cũng vô làm ở khu công nghiệp Bình Dương. Vì vậy, với sự đầu tư của Singapore, tỉnh Bình Dương ngày nay trở thành một trong năm tỉnh có mức đóng góp cao nhất cho Nhà nước, cho nên dân Việt Nam cũng trân trọng ông Lý Quang Diệu; Chính phủ, Quốc hội và Bộ Ngoại giao nước ta đã đến viếng lễ tang và ghi vào sổ tang những việc làm tốt của ông đối với Việt Nam.
Từ tâm tốt, ông Lý Quang Diệu đã thể hiện thành hành động tốt. Quý vị tự nhận mình là Phật tử, nên soi rọi lòng mình xem mình có thật tốt chưa. Đối với thầy, không nhất thiết là Phật tử, nhưng phải là có tấm lòng giống Phật thì người đó là bạn của chúng ta. Thầy nghĩ với quan điểm rộng, tôn giáo ở thế kỷ XXI kết hợp được những người tốt làm cho trái đất này sạch, đẹp, an ổn, không còn là tôn giáo nói xấu nhau, giết nhau, giành giựt nhau. Theo Phật cũng được, theo Chúa cũng được, miễn làm cho nhân loại sống an vui, làm cho trái đất này trong sạch.
Tất cả chúng ta tự soi rọi tâm mình, quán sát lại tâm coi điều kiện nào tạo thành người tốt, người xấu. Ngài Thế Thân chia hai, tâm tốt và tâm xấu. Tâm xấu phải loại bỏ, tâm tốt cần phát triển. Ngoài ra, còn có 24 bất tương ưng tâm sở là nó luôn nghĩ ngược lại, gọi đó là phản ứng của nội tâm, khi thì nó nghĩ như vầy, khi thì nghĩ ngược lại. Thí dụ mình khởi niệm tốt, muốn làm việc thiện, nhưng lại suy nghĩ có nên làm hay không và nó thường tìm lý do từ chối việc tốt
Tâm ác nếu có, chúng ta phải cắt bỏ, chưa có thì đừng tập. Một là lòng tham. Phật dạy cắt bỏ lòng tham, không phải cắt bỏ tài sản. Nhiều người tu hành bỏ tài sản, bỏ công ăn việc làm là sai lầm. Và khi lòng tham chúng ta bỏ rồi, tài sản chúng ta có mất không. Có thể nói tài sản không mất, địa vị không mất, đôi khi tài sản còn nhiều hơn, địa vị của chúng ta cao hơn. Đừng hiểu lầm theo hướng tiêu cực. Thời Phật tại thế, ông Cấp Cô Độc chuyên làm việc thiện, đầu tiên là ông bình đẳng cúng dường, cúng dường Sa-môn là đệ tử Phật và cúng cho Sa-môn ngoại đạo, cúng cho Bà-la-môn mà ông gọi là hàng cao thượng nên cúng dường.
Sa-môn từ bỏ quyền lợi cá nhân, lo việc chung, không phải là người trốn đời, tiêu thụ. Sa-môn là nhà hiền triết không cần vật chất, công danh để dấn thân làm lợi ích cho đời. Đức Phật là người đầu tiên làm việc này, Ngài dạy đệ tử đến đâu phải làm lợi ích cho nơi đó, không phải hưởng thụ. Sa-môn sống độc thân để được tự do làm được nhiều việc hơn, làm việc cao cả. Hàng Bà-la-môn là người trí thức học rộng, hiểu nhiều, làm nhiều lợi ích cho xã hội, họ là thượng tầng kiến trúc. Xã hội nào có nhiều người trí thức, chắc chắn phải tốt và phát triển nhanh. Ông Lý Quang Diệu lên làm Thủ tướng, ông dùng tiền đào tạo nhiều trí thức. Lúc thầy ở Nhật, thấy nhiều sinh viên Singapore qua Nhật học kỹ thuật để phát triển Singapore. Giới trí thức là vốn quý nhất của dân tộc. Ngoài ra, người đi dạy đạo đức cũng giúp cho xã hội tốt đẹp.
Giới Bà-la-môn trí thức và hàng Sa-môn đạo đức, hai thành phần này được coi như đỉnh cao phát triển xã hội. Ông Cấp Cô Độc cúng dường những người này, không kỳ thị là mình theo đạo Phật rồi chống đạo khác. Ngoài ra, còn có giới công nhân thợ thuyền. Giới trí thức Bà-la-môn là người sáng tạo, còn thợ thuyền trực tiếp tạo ra của cải. Nếu giới công nhân thợ thuyền chịu ảnh hưởng của người đạo đức thì họ trở thành người tốt thích làm cho người khác hưởng, không thích hưởng của người khác. Những người sản xuất có được tâm niệm như thế sẽ tạo cho xã hội phát triển dễ dàng.
Ông Cấp Cô Độc bố thí, cúng dường, nhưng không nghèo, mà của cải còn tăng thêm. Ông cúng dường Sa-môn là người phát triển trí tuệ, ngày nay gọi là cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo. Ở thế kỷ XIX, Minh Trị Duy Tân của Nhật cấp học bổng cho sinh viên để nâng trình độ trí tuệ, thể hiện tinh thần học Phật của người Nhật là đào tạo giới trí thức. Nhưng đôi khi chúng ta sai lầm, đào tạo nhưng không sử dụng. Thực tế cho thấy ở nước ta, nhiều người có bằng cấp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ để treo đó, không làm gì cho cuộc đời. Vì vậy, chúng ta cần nghĩ thêm là đào tạo để sử dụng, vì bỏ tiền đầu tư cho họ học có bằng cấp, treo đó thì lãng phí vô cùng. Thời thầy còn là học tăng, một thầy đậu tú tài cũng khó có, nhưng ngày nay, hàng trăm tiến sĩ, hàng ngàn cử nhân không sử dụng được, quả là lãng phí.
Ông Cấp Cô Độc bố thí, cúng dường đúng pháp, nên công việc làm ăn tốt thêm, xã hội chịu ảnh hưởng Phật giáo trở thành tốt đẹp, phát triển. Theo Phật, đầu tiên xây dựng tâm con người không tham lam, cái gì không phải của mình không sử dụng. Người không có tâm tham, cái gì mình sử dụng không hết thì cho người khác, nghĩa là đổi tâm tham thành tâm bố thí. Của cải nhiều thì ban rải và có trí tuệ thì làm theo Cấp Cô Độc là ông cung cấp cho đời sống của thợ thuyền đầy đủ, nên ông đi chùa, nghe pháp, nhưng sự nghiệp của ông lớn thêm, vì công nhân của ông không tham, không thâm lạm là nhờ họ học theo tấm gương của người chủ rất tốt, không tham mà luôn lo lắng cho họ được ấm no.
Ngoài ra, sản phẩm của họ làm ra, chính họ được hưởng. Cấp Cô Độc theo Phật dạy, tiền làm ra không được dùng quá 50%, để 30% tái tạo sản xuất, còn 20% đầu tư vào việc đạo đức là bố thí, cúng dường. Thầy nhắc các Phật tử không nên làm việc thiện quá 20% mình có. Có Phật tử quá tốt, làm hết tài sản, thậm chí vay mượn để cúng dường, bố thí. Làm quá số này, coi chừng bị phá sản, nghèo khổ bao vây thì tâm ác sanh ra. Thực tế đã có người bị như vậy là từ tâm thiện mà sanh ra tâm ác, như vậy không thực hiện đúng lời Phật dạy rằng tâm thiện chưa sanh thì phải tạo điều kiện cho sanh, tại sao lại chuyển thành ác.
Cấp Cô Độc thể hiện tâm từ bi bằng cách chăm sóc, quan tâm đến công nhân, họ mới hết lòng với ông. Mình thương con vật, nó quấn quít mình, mình thương người giúp việc, họ cũng thương lại mình, đó là tu tập thiện tâm sở. Khi có nhiều của cải, chúng ta sử dụng tiền của đó để làm việc công đức như giúp đỡ người hoạn nạn, xây trường học, xây cầu, giúp học sinh vượt khó...
Theo Phật, cắt bỏ lòng tham, không phải cắt bỏ vật chất, địa vị. Chúng ta không có lòng tham và xây dựng người cũng không có lòng tham như chúng ta, đó là Cực lạc của Phật Di Đà giáo dưỡng người như thế. Có người nghĩ niệm Phật để vãng sanh. Thầy nói không phải vậy. Vãng sanh Cực lạc phải có điều kiện và điểm quan trọng then chốt là tâm trí lắng yên như vào thiền định thì Phật và Thánh chúng mới phóng quang tiếp độ. Tâm lắng yên là ác tâm không còn, không còn tham, sân, si, ngã mạn thì tâm mới đứng yên. Vì vậy, ban đầu Phật dạy cắt bỏ tâm ác và sanh thiện tâm là: tín, tàm, úy, vô tham, vô sân, vô si, tinh tấn, khinh an, bất phóng dật, hành xả và bất hại. Chúng ta phải tu mười một thiện tâm này, để nó khởi lên và lớn dần trong tâm chúng ta là tu tâm.
Đầu tiên chúng ta khởi thiện tâm bất hại, tức cái gì có hại cho cuộc đời, hại người, hại vật thì dứt khoát không làm. Biết có hại mà vẫn làm là ác. Và khi chúng ta tu thiện tâm sở này, không hại ai thì sẽ có được tâm nhẹ nhàng gọi là khinh an. Mặc dù chưa đạt được nhứt tâm bất loạn, chỉ mới có tâm nhẹ nhàng trước thiện ác, khen chê của cuộc đời thì không bao giờ mình nhăn trán, chau mày. Vì họ thanh thản, nên mọi loài thấy họ cũng được thanh thản theo. Người xấu nhưng không thấy mình xấu, cứ nghĩ người khác xấu. Nhưng Phật dạy rằng mọi người là tấm gương cho mình soi bóng. Người thấy chúng ta xấu thì phải tự biết rằng chúng ta xấu. Kinh Viên Giác dạy nếu là bậc chân tu thì không thấy lỗi người, mà thấy lỗi mình. Thấy lỗi mình bằng cách nếu bị người khi dể, mắng nhiếc, phải biết mình lỗi, nên phải trốn, sợ người thấy chúng ta, họ ghét mắng thì ta càng thêm tội. Coi cuộc đời đối xử với mình như thế nào, coi phản ứng của người đối với mình ra sao là biết được tâm của mình thì tu được.
Ngoài ra, tâm khinh an là tâm lúc nào cũng thanh thản. Tâm khinh an có được do đoạn tham, sân, si. Vì vậy, tu thiện của chúng ta là đoạn tham và tu vô tham thì thấy vật không phải của ta, không lấy, cho nên không nợ ai là điều an lạc nhất. Người khuấy động, hay cám dỗ mình, nhưng mình không động theo họ, không động theo sự cám dỗ, nghĩa là thanh thản giữa cuộc đời, đó là thiện tâm sở mà chúng ta đạt được. Từ tâm vô tham, vô sân, vô si và kế là tâm bất phóng dật. Thông thường, tâm nghĩ đến tốt xấu của cuộc đời, nghĩ đến người này, người nọ; nhưng tu theo Phật, tâm bắt đầu đứng yên, nghĩa là chúng ta cột tâm lại. Theo kinh nghiệm của thầy, khi tâm chưa đứng yên, thầy lạy sám hối và tụng Pháp hoa, đem tâm mình cột vô kinh điển Đại thừa, cột vô Hồng danh Phật, giúp cho tâm mình mở rộng vô biên nhờ tiếp nhận kinh Đại thừa là pháp hành của Bồ-tát. Cụ thể chúng ta thấy trong kinh Pháp hoa, Phật giới thiệu Bồ-tát Quan Âm và chúng ta suy nghĩ về Quan Âm thì Phật dạy rằng tâm chúng ta cũng tốt theo Bồ-tát. Quan Âm đi đến đâu, tâm chúng ta hướng tới đó. Quan Âm nguyện ở Ta-bà, không về Cực lạc. Thuở nhỏ, thầy tụng Pháp hoa, thấy Quan Âm nguyện ở Ta-bà, tại sao mình về Cực lạc, về đó để hưởng thành quả của người khác hay sao. Làm cho người khác hưởng thích hơn. Chừng nào Quan Âm về Cực lạc thì thầy về Cực lạc. Về sau, thầy đọc kinh Hoa nghiêm thấy Bồ-tát Phổ Hiền nguyện khi mãn duyên ở Ta-bà, ngài về Cực lạc: “Nguyện tôi lúc mạng sắp lâm chung. Trừ hết tất cả các chướng ngại. Tận mặt gặp Phật A Di Đà. Liền được vãng sanh cõi Cực lạc…”.
Khi mình theo chân Quan Âm đi Ta-bà làm đủ thứ việc thì tâm Ta-bà sanh ra, chướng nghiệp sanh ra, không về Cực lạc được. Còn Bồ-tát Quan Âm làm tất cả mọi việc trên cuộc đời, nhưng việc không vướng tâm Ngài, đó là tùy duyên giáo hóa. Vì vậy, Phổ Hiền dạy chúng ta làm tất cả mọi việc, nhưng lúc lâm chung, tất cả những thứ này đều bỏ lại trần gian. Làm không từ chối việc khó khổ nào, nhưng vừa làm vừa buông là hành xả. Nếu xả không được, chắc chắn không về Cực lạc. Phải có tâm hành xả. Nhiều thầy tu lo nhiều Phật sự, nhưng bất đắc kỳ tử, chướng ngại nghiệp sanh ra. Vì vậy, Phổ Hiền nhắc rằng làm nhiều, nhưng phải xả, nhất là lúc lâm chung, phải cắt đứt tất cả mọi việc thế gian mới vãng sanh Cực lạc.
Phổ Hiền nói không phải về Cực lạc để hưởng phước sung sướng. Vì hưởng phước sung sướng thì ở cõi Trời đã có, nhưng Bồ-tát nhắc về Cực lạc để nhận sự thọ ký của Phật Di Đà. Thầy nhớ Hòa thượng Trí Hải nói rằng lâm chung, ngài về Cực lạc vài ba ngày để nhờ Phật Di Đà thọ ký, xong thì ngài quay lại đây để làm việc với quý thầy. Về Phật Di Đà thọ ký là xác minh lại việc làm nào của mình được và cái chưa được, rồi lạy Phật Di Đà về Ta-bà tiếp tục việc của Đức Thích Ca giao cho chúng ta. Ở đây tu một ngày bằng tu ở Cực lạc mười kiếp. Ở đây phát Bồ-đề tâm làm được nhiều việc.
Tu hành, ngồi yên quán sát tâm và điều chỉnh tâm để đạt được diệu lực vô tác, tức không làm, nhưng kết quả có được lớn lao vô cùng. Quán chiếu tâm và đoạn ác tâm, phát huy thiện tâm thì mọi loài thấy ta, họ phát tâm. Trước kia, chúng ta muốn dạy người, muốn làm, nhưng không được. Nay buông bỏ tất cả để điều chỉnh tâm trong sáng, không làm, nhưng mọi việc tự tốt theo tâm thanh tịnh của chúng ta. Quán sát nội tâm xem ác tâm đoạn chưa, thiện tâm sanh chưa. Theo Phật, thiện tâm sanh thì không cần vật chất, nhưng vật chất tốt và địa vị cao thể hiện ý nghĩa bỏ tất cả, nhưng được tất cả. Cầu cho những người hữu duyên đều trở thành pháp khí Đại thừa, trở thành Quan Âm, Phổ Hiền trong tương lai, làm được nhiều việc tốt đẹp cho đời, cho đạo hơn nữa.
Theo Hòa thượng Thích Trí Quảng/ Giác Ngộ

Vác balô tiền đi mua đất

Vác balô tiền đi mua đất
Copy từ http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20150625/vac-balo-tien-di-mua-dat/766566.html; đăng ngày 25/06/15,mục Kinh tế .
Phú Quốc đang có đợt sốt đất cao nhất trong vòng 10 năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại. Có những lô đất chỉ trong vài tháng đã qua 5-7 đời chủ và giá cũng vọt lên 3-4 lần...
Công trường xây dựng mọc lên khắp nơi trên đảo Phú Quốc - Ảnh: Đình Dân
Đảo Phú Quốc những ngày này đang như một đại công trường với các siêu dự án rầm rộ thi công, đi kèm theo đó là giá nhà đất tăng từng ngày. Có những lô đất chỉ trong vài tháng đã qua 5-7 đời chủ và giá cũng vọt lên 3-4 lần..
Ghi nhận của PV Tuổi Trẻ tại nhiều nơi ở Phú Quốc, cũng như xác nhận của cơ quan quản lý về đất đai đều cho thấy đây là đợt sốt đất cao nhất trong vòng 10 năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Vừa đặt chân đến Phú Quốc, chúng tôi đã được các “cò” đất kéo về những điểm “nóng” của thị trường nhà đất tại đây như: bãi Ông Lang (xã Cửa Dương), bãi Trường (xã Dương Tơ), Gành Dầu, Bà Kèo... Tại các khu vực này giá đất đang tăng chóng mặt mỗi ngày.
Có một công đất ban đầu trả 500 triệu, khách này vừa đi khách khác tới môi giới hét 550 triệu đồng, cứ thế khách sau đến giá cứ bị môi giới đẩy lên cao ngất ngưởng
Ông Lê Quang Minh (trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Phú Quốc)
Giá lên vùn vụt
Ở Phú Quốc người dân bán đất theo công, một công tương ứng 1.000m2.
Tại bãi Ông Lang, ông Nguyễn Văn Trãi - một “cò” đất - dẫn chúng tôi đi xem từng lô đất đang rao bán tại đây. Không lô nào giá dưới 2 tỉ đồng, trung bình mỗi lô đất có giá 20-40 tỉ đồng, thậm chí có lô sát biển chào giá tới 200 tỉ đồng.
Vốn là một chủ đầu tư bất động sản trong đất liền ra mua đất, nay thấy thị trường Phú Quốc quá sôi động, ông Trãi kiêm luôn việc làm “cò” cho các chủ đất là Việt kiều và người nước ngoài đang sở hữu các lô đất ở bãi biển.
Ban đầu ông Trãi chỉ một loạt khu đất nông nghiệp chủ yếu là vườn cây lâu năm nhưng giá thấp nhất cũng khoảng 2 tỉ đồng/công. Càng đi về phía biển, các lô đất có giá càng cao. Trong đó, 5 công đất (5.000m2) ngay sát bờ biển (tên địa phương là Eo Xoài) được chào bán với giá 200 tỉ đồng. Khi người mua tỏ ý nghi ngờ tính pháp lý của các lô đất, ông Trãi lập tức mở cốp xe lôi ra một mớ bản vẽ sơ đồ vị trí và cam kết chúng tôi khỏi phải lo.
“Trước khi đặt tiền mua, các anh cứ mang sơ đồ bản vẽ vị trí lô đất lên Ban quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc để kiểm tra xem có vướng quy hoạch không, được xây dựng bao nhiêu tầng. Nếu thấy ổn mới chồng tiền tiến hành giao dịch chính thức” - ông Trãi cam kết.
Thấy khách còn đắn đo, “cò” Trãi bồi thêm: “Bây giờ mấy anh hỏi giá mà không mua ngay, chỉ 1-2 ngày sau quay lại giá đã cao hơn nhiều rồi. Hai năm trước tôi mua một lô đất 2,1 tỉ đồng, giờ có người trả 17 tỉ tôi còn chưa bán”. Theo lời ông Trãi, ông hiện đang là chủ sáu lô đất ở nhiều vị trí đắc địa trên đảo Phú Quốc, với giá trị các lô đất được đẩy lên gấp 5-7 lần so với thời điểm hơn một năm trước.
Vòng xuống khu Gành Dầu (phía bắc đảo) xe chưa kịp dừng, các “cò” đất đã bủa vây khách từ xa đến. Khi có hai khách từ Hà Nội ngỏ ý muốn mua đất để đầu tư, “cò” Hưng bám riết rồi dẫn khách đến khu đất rộng 3.800m2 của một Việt kiều, có giá 45 tỉ đồng. Tại đây, đi sâu vào phía đất liền là lô đất 2.700m2, có sổ đỏ đã sang tay ba chủ trong vòng một năm qua, giá cũng được đẩy lên xấp xỉ 
30 tỉ đồng.
Bà Nga (trú ở Hà Nội), chủ một miếng đất ở khu này, cho hay: “Giá đất Phú Quốc thay đổi từng ngày, mua chừng 10 ngày là có lời tiền tỉ ngay. Tôi mua một miếng đất ở TP.HCM mấy năm qua không lên được bao nhiêu, nay bán đi mua ở Phú Quốc giờ giá đã lên gấp năm lần”.
Theo hồ sơ chuyển nhượng, miếng đất của bà Nga trước đây được một người dân địa phương bán cho Việt kiều Đức với giá 
1 tỉ đồng/công. Sau đó ông này bán cho một nhà đầu tư ở TP.HCM giá 2,2 tỉ đồng/công, nay bà Nga mua với giá 4 tỉ đồng/công
Giá đất ở Phú Quốc "ăn theo" các dự án nghìn tỉ đang được rầm rộ triển khai tại đây - Ảnh: Đình Dân
Những “đại gia” balô tiền mặt
Tại một số quán cà phê sang trọng trên các trục đường chính của thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc) như Bưu Điện, Bảo An... những ngày này dễ bắt gặp cảnh tượng các “đại gia” xách balô tiền mặt hàng chục tỉ đồng đi mua đất. Còn lực lượng “cò” đất tay xách nách ôm hàng đống bản photocopy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Mua bán đất giờ đây đang trở thành chủ đề chính của người dân và khách thập phương đến đảo ngọc này. Nhiều nhóm “cò” đã hình thành và thỏa thuận ngầm với nhau để đẩy giá đất tại đây lên.
Chủ một quán cà phê trên đường 30-4 (thị trấn Dương Đông) cũng là một người môi giới bất động sản cho hay: “Khách đến quán toàn “cò” đất và giới đầu cơ. Nhiều khách đến từ Hà Nội, họ mang cả balô tiền, sẵn sàng chồng tiền mặt bạc tỉ ngay giữa lô đất họ chấm”.
Tại khu vực ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ có một “làng” khu du lịch để bảng rất to trước cổng “Làng Phú Sơn - Hà Nội”. Người dân địa phương cho biết những ngôi nhà nghỉ dưỡng nằm san sát và một số khách sạn đang mọc lên phần lớn của người sống ở Hà Nội vào mua đất xây lên. Khách du lịch tập trung tại đây cũng đa số là người Hà Nội nên người dân hay gọi nơi đây là “làng Hà Nội”.
Mới đây khi UBND huyện Phú Quốc đấu giá một lô đất công 3.000m2, cả hội đồng đấu giá bật ngửa khi giá tăng chóng mặt. Thời điểm năm 2013 lô đất này đưa ra giá sàn 11 triệu đồng/m2 nhưng không có ai mua, đến khi đưa ra đấu giá lần hai khách hàng giành nhau mua, giá đội lên 31-32 triệu đồng/m2. Hơn 30 lô đất mỗi lô 110m2 bán được với giá trên 2,9 tỉ đồng/lô.
Chủ một doanh nghiệp bất động sản chuyên về đất nền tại TP.HCM cho biết Phú Quốc giờ như miếng bánh nhỏ rất ngon không chỉ giới đầu tư, đầu cơ trong nước tranh giành mà cả nhà đầu tư nhỏ lẻ nước ngoài cũng vào cuộc.
“Ba, bốn năm trước giới đầu tư TP.HCM vào nhiều, công ty chúng tôi cũng mua gần 30ha ở bãi Trường và An Thới, sau đó bán một lô 8ha. Đến nay còn lô hơn 20ha tại An Thới, giá đã vọt lên gấp 4-5 lần rồi” - vị này nói.
Nguy cơ vỡ bong bóng
Theo ông Đoàn Văn Đức - chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Phú Quốc, từ tháng 6-2014 đến nay giá đất chuyển nhượng nhiều khu vực tăng rất mạnh. Đến nay nhiều khu vực đã tăng 4-5 lần so với 12 tháng trước.
“Thu thuế từ bất động sản vì vậy tăng đột biến gấp hơn năm lần, từ 1,5 tỉ đồng/tháng lên hơn 10,5 tỉ đồng/tháng. Kê khai thuế liên quan đến nhà đất tăng đến mức chúng tôi không thể ngờ được, đến nay bộ phận nhân viên thuế gần như quá tải. Nhiều hôm nhân viên phải làm việc đến 9g tối vẫn chưa giải quyết xong hồ sơ” - ông Đức thông tin.
Trong sáu tháng đầu năm 2015, tại Chi cục Thuế huyện Phú Quốc có gần 4.500 hồ sơ kê khai thuế liên quan đến nhà đất (bình quân mỗi tháng 750 hồ sơ), trong đó 80% là kê khai chuyển nhượng, mua bán.
Nếu căn cứ bảng giá đất của UBND huyện Phú Quốc, khu vực đắt đỏ nhất như đường Trần Hưng Đạo, 30-4, Nguyễn Trung Trực... chỉ 8 triệu đồng/m2 nhưng thực tế hiện nay giá đất bị đẩy lên trên 
15-20 triệu đồng/m2.
Theo ông Đức, giá đất tăng chóng mặt kể từ khi Phú Quốc có quyết định của Chính phủ là đặc khu kinh tế (vào tháng 6-2014). Đến tháng 10-2014 Phú Quốc lên đô thị loại 2. Tiếp đó là các dự án lớn như Vingroup đưa vào hoạt động ở bãi Dài, các trục đường lớn đưa vào hoạt động, sân bay quốc tế Phú Quốc mở đường bay thẳng đến các thành phố lớn... người dân các vùng miền đổ về càng tạo thêm sốt đất cho Phú Quốc.
“Nhiều người đến Phú Quốc mang theo cả bao tiền mặt hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng mua đất như mua rau. Thị trường đã lên đỉnh điểm, nguy cơ vỡ bong bóng rất cao”- ông Đức cảnh báo.
Bán đất gửi tiền ngân hàng
Đất sốt nên nhiều người bỏ công việc thường ngày chuyển qua làm “cò” đất. Vốn dĩ làm nghề rẫy nhưng do giá đất lên nên anh Cảnh (ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, gần làng Phú Sơn - Hà Nội) quyết định chuyển nghề dẫn khách mua đất ở khu vực này. Một số người khác thấy giá đất lên cũng quyết định bán rẫy lấy tiền gửi ngân hàng.
Tại Văn phòng công chứng số 1 trên đường 30-4, khu phố 1, thị trấn Dương Đông, chúng tôi tiếp xúc với gia đình anh H. - ngụ ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương - đang đi ký giấy tờ để bán đất.
Mẹ ruột anh H. cho hay gia đình quê gốc ở tỉnh Quảng Bình, di cư ra đảo Phú Quốc hơn 15 năm nay. Hai vợ chồng già gần 80 tuổi có sáu người con, sống cảnh nghèo túng mãi nên đành mang sáu công đất đi bán với giá 1,4 tỉ đồng/công.
“Bán đất rồi vợ chồng tui chia tiền cho mấy đứa nó. Chúng tôi già yếu rồi cũng chỉ cần giữ lại một ít gửi ngân hàng để ăn dần” - mẹ anh H. bày tỏ. Cũng tại đây, ngoài gia đình anh H. chúng tôi còn chứng kiến nhiều nông dân ăn mặc lam lũ đến chờ làm thủ tục bán đất.
Chi cục Thuế huyện Phú Quốc quá tải với hồ sơ khai thuế nhà đất. Trong ảnh: nhân viên bộ phận chuyên trách hồ sơ thuế nhà đất Chi cục Thuế huyện Phú Quốc với đống hồ sơ cao ngút - Ảnh: Đình Dân
Sốt đất lần thứ hai
Theo ông Lê Quang Minh - trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Phú Quốc, thời điểm diễn ra cơn sốt đất lần thứ nhất là do giới đầu cơ bung tiền mua đất đón đầu quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch đảo Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao tầm cỡ quốc gia, khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, khi đó cơ sở hạ tầng trên đảo gần như chưa có gì. Các dự án thu hút đầu tư được giao cấp đất chủ yếu để “xí phần” chờ cơ hội. Mặt khác, phần lớn giới đầu cơ đất lại phải vay tiền ngân hàng nên chỉ một thời gian ngắn bong bóng bất động sản xì hơi, thị trường chuyển nhượng đất đai Phú Quốc tạm lắng suốt gần 10 năm sau.
Còn cơn sốt đất lần này dự báo kéo dài bởi Phú Quốc nay đã gần như lột xác, có hạ tầng cơ bản hoàn thiện với đường trục nam - bắc đảo rộng sáu làn xe, đường vòng quanh đảo, hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế, điện lưới quốc gia..
“Tôi có hỏi một phụ nữ từ Hà Nội ra Phú Quốc mua đất là tiền ở đâu nhiều tới mức bỏ ra vài chục tỉ đồng như vậy, thì người này trả lời mình bán đất ở Hà Nội mua đất Phú Quốc và hi vọng có lãi to” - ông Minh kể lại.
Ông Minh cũng xác nhận có những mảnh đất được chuyển nhượng lòng vòng qua rất nhiều chủ trong thời gian ngắn. Theo ông Minh, hiện tại mỗi ngày văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất phải chứng nhận giao dịch cho khoảng 60 hồ sơ, đây là con số kỷ lục chưa từng thấy ở Phú Quốc.
Và tính đến thời điểm này, mới chỉ ghi nhận dân đảo Phú Quốc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác, rồi những người này tiếp tục chuyển nhượng nhiều lần, chưa thấy dân Phú Quốc mua lại bất kỳ mảnh đất nào.
“Họ bỏ ra cả chục tỉ đồng mua một mảnh đất nông nghiệp rồi thuê người trồng tràm, xà cừ... bỏ đó, mua đi bán lại lòng vòng, không thấy bất kỳ ai đầu tư kinh doanh hay trồng trọt, chăn nuôi gì. Điều này cho thấy đất đai ở Phú Quốc đang bị đầu cơ đẩy giá” - ông Minh nói.
Đình Dân - Khoa Nam - Duy Khánh

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Bão số 1: Hàng trăm du khách Cát Bà sống không điện, nước

Bão số 1: Hàng trăm du khách Cát Bà sống không điện, nước
Copy từ http://kienthuc.net.vn/doc-30s/bao-so-1-hang-tram-du-khach-cat-ba-song-khong-dien-nuoc-517506.html, đăng ngày 11:10 24/06/2015, mục Xã hội.
Khoảng 8h sáng nay 24/06/15, bão số 1 cách đảo Cát Bà 30km về phía Nam. Trao đổi với PV Kiến Thức, đại diện Đồn biên phòng Cát Bà cho biết, đến 10h sáng ngày 24/6, ở đảo Cát Bà gió vẫn yên. Toàn bộ dân và tàu ở Cát Bà, huyện Cát Hải đã về nơi tránh bão. Trong buổi sáng, gió vẫn ở cấp 6 – cấp 7.
Tại đảo Cát Bà, chỉ có mưa nhỏ nhưng do sự cố mất điện, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. (Ảnh: Hải Ninh).
Ban quản lý Vườn Quốc gia Cát Bà cho biết, 23h đêm ngày 23/6, trạm biến áp cung cấp điện cho Vườn Quốc gia Cát Bà bị nổ. Có hơn 100 khách du lịch và toàn bộ cán bộ Công nhân viên của Vườn đang sống trong cảnh mất điện, mất nước chờ bão qua.
Hiện chưa có sự cố nghiêm trọng nào do bão lũ.
Trong sáng ngày 24/6, PV Kiến Thức đã cố gắng liên lạc với huyện đảo Bạch Long Vỹ nhưng mất liên lạc. Tuy nhiên, theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ, do ảnh hưởng của bão, ở đảo Bạch Long Vĩ đã có gió giật mạnh cấp 11-12.
Tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, tính đến 10h sáng 24/6, gió đã mạnh lên cấp 7, trời có mưa vừa, có lúc mưa to. Thời điểm này trên địa bàn TP Hạ Long vẫn chưa xảy ra sự cố do mưa gió. Các tàu thuyền đã tìm nơi tránh bão an toàn.
Tại đảo Cô Tô, sáng 24/6, vẫn chưa chịu ảnh hưởng lớn của bão. Hiện, sức gió trên địa bàn huyện đảo là cấp 7, giật cấp 8, thỉnh thoảng có kèm những đợt mưa vừa. Đến thời điểm này trên toàn huyện đảo đều an toàn.
Tại bãi biển Minh Châu (Vân Đồn), sáng 24/6 người dân vẫn chơi ngoài bãi biển
Cảnh báo lũ quét trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của cơn bão số 1 (Kujira) nên các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, đợt mưa này sẽ kéo dài trong 2 ngày 24 - 25/6. Trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 2 - 4m, hạ lưu từ 1 - 2m, nhưng đỉnh lũ trên các sông còn dưới mức báo động 1.
Lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đặc biệt một số khu vực như: Huyện Quan Hóa, Mường Lát, Quan Sơn, Thường Xuân, Lang Chánh tỉnh Thanh Hóa; các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp tỉnh Nghệ An. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
Cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh
Ở đảo Bạch Long Vĩ có gió giật mạnh cấp 11 - 12, ở đảo Cô Tô có gió giật mạnh cấp 9, ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng có gió giật mạnh cấp 6 - 7. Ở ven biển các tỉnh Quảng Ninh – Nam Định, khu vực Bắc Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Vào lúc 5h ngày 24/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh - Thái Bình khoảng 70km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là khoảng từ 75 đến 90km một giờ), giật cấp 12 - 13.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10km và còn có khả năng mạnh thêm trước khi đi vào đất liền.
Đến 16h ngày 24/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh-Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (tức là khoảng từ 60 đến 90km một giờ), giật cấp 10-11.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9 - 10, giật cấp 12 - 13. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Khu vực ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 11 - 12; các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió giật cấp 7 - 8. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Đến 4h ngày 25/6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,4 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40km một giờ).
Từ 24 đến 25/6, ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa vừa, mưa to đến rất to. Trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lên ở thượng lưu từ 3 - 6m, ở hạ lưu từ 2-3m.
Nguy cơ cao xuất hiện lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1
Hồng Liên