Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

Giải mã nguy cơ chiến tranh Trung – Ấn: Bờ vực chiến tranh còn bao xa?

Giải mã nguy cơ chiến tranh Trung – Ấn: Bờ vực chiến tranh còn bao xa?

TPO - Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra lệnh cho Quân đội Trung Quốc (PLA) nghĩ về những tình huống xấu nhất có thể xảy ra và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, đó là một thông điệp bất thường được cho là nhắm vào nước láng giềng Ấn Độ.

Lính biên phòng Trung Quốc và Ấn Độ trên biên giới giữa hai nước
Lính biên phòng Trung Quốc và Ấn Độ trên biên giới giữa hai nước

Tuyên bố ngày 26/5/20 của ông Tập được đưa ra trong cuộc họp thường niên với các đại diện quân sự tham dự kỳ họp quốc hội tại Bắc Kinh. Nhà lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng đang đề cập sự leo thang căng thẳng gần đây dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) gần 3.500 km giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Hai nước có đường biên giới trên bộ chưa được phân giới rõ ràng dài nhất thế giới.

Nhưng bất chấp những lời hùng biện của ông Tập và việc cả hai quốc gia đang triển khai hàng ngàn binh sĩ đến các khu vực miền núi nơi hai bên đối đầu, rất ít nhà quan sát quân sự tin rằng cuộc chiến tranh biên năm 1962 của hai nước lớn châu Á đang lặp lại.

Thời đó, Ấn Độ chứng kiến các cuộc tấn công lớn của Trung Quốc kéo dài từ Kashmir ở phía tây đến phía đông dãy Hy Mã Lạp Sơn. Cuộc chiến đó đã kết thúc trong một thất bại đối với Ấn Độ, thể hiện rõ ưu thế quân sự của Trung Quốc.

Hiện tại, quân đội Ấn Độ, được trang bị và chuẩn bị tốt hơn cho các tình huống sau cuộc chiến 1962. Họ rõ ràng đã có những bai học, dù cay đắng. Thêm nữa, hội nhập kinh tế, trao đổi thương mại trong nhiều thập kỷ cũng đã giảm thiểu rủi ro của một cuộc xung đột toàn diện, theo nhận định của một bài báo trên Asia Times.

Sự leo thang căng thẳng gần đây đã xảy ra khi các binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ gần một đường biên giới ở Sikkim vào đầu tháng Năm. Cuộc tranh cãi được nói là bắt đầu khi lính Trung Quốc hét lên với lực lượng Ấn Độ rằng Sikkim không phải là lãnh thổ của Ấn Độ và họ nên rời khỏi khu vực. Bảy người Trung Quốc và bốn người Ấn Độ đã bị thương trong vụ đụng độ nhưng không có phát súng nào được bắn.

Vùng núi Ladakh, một lãnh thổ của Ấn Độ được tách ra khỏi bang Jammu và Kashmir từ tháng 8/2019, trở thành điểm nóng tiếp theo. Để cải thiện kết nối dọc theo biên giới đôi khi không ổn định của mình, Ấn Độ đang xây dựng những con đường mới trong khu vực,  nằm cách LAC 10 km, theo các nguồn tin Ấn Độ.

Trung Quốc tranh luận về cách Ấn Độ diễn giải vị trí của LAC và xem công trình đường bộ là mối đe dọa tiềm tàng đối với phần lãnh thổ biên giới xa xôi mà họ đang đóng giữ, bao gồm cả con đường cao tốc chiến lược được xây dựng từ Kashgar ở phía tây Tân Cương đến thủ phủ Lhasa của Tây Tạng vào giữa những năm 1950 để kết nối hai vùng lãnh thổ xa xôi và thường xuyên bất ổn.

Đường cao tốc đó chạy qua một khu vực gọi là Aksai Chin, do Trung Quốc kiểm soát nhưng được xác định là lãnh thổ Ấn Độ trên bản đồ Ấn Độ. Truyền thông Ấn Độ nói rằng những người lính Trung Quốc trong những ngày gần đây đã xâm nhập vào vùng lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát khoảng ba km.

Để đáp lại những gì Bắc Kinh coi là khiêu khích từ Ấn Độ, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, gần đây đã đăng một số bản tin và bài xã luận với giọng điệu mạnh mẽ khác thường về vấn đề biên giới.

Vào ngày 18/5, họ cáo buộc Ấn Độ chịu trách nhiệm về việc xây dựng các cơ sở quốc phòng bất hợp pháp qua biên giới vào lãnh thổ Trung Quốc tại thung lũng Galwan ở Ladakh. Được viết bởi “nhóm phóng viên Thời báo Hoàn cầu”, bài báo nói rằng nếu Ấn Độ leo thang va chạm, quân đội Ấn Độ có thể phải trả giá đắt.

Tiếp sau đó là một bài xã luận mạnh mẽ hơn vào ngày 25/5, cáo buộc những người lính Ấn Độ đã cố tình gây xung đột với lính Trung Quốc. Bài xã luận nói mặc dù mối quan hệ Trung Quốc với Mỹ đang rất căng thẳng, môi trường quốc tế đối với Trung Quốc tốt hơn nhiều so với năm 1962 khi Ấn Độ tấn công trước và bị đánh bại thảm hại trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc. Năm 1962, sức mạnh quốc gia của Trung Quốc và Ấn Độ là tương đương nhau. Ngày nay, ngược lại, GDP của Trung Quốc gấp khoảng năm lần Ấn Độ.

Bài của Asia Times nhận định: Sẽ có rất ít sử gia đồng ý với Thời báo Hoàn cầu rằng Ấn Độ là bên chủ động trong cuộc chiến năm 1962. Đó cũng không phải là cuộc chiến hoàn toàn về các khu vực biên giới tranh chấp.

Câu chuyện phổ biến trong nhiều năm này được dựa trên một cuốn sách có tựa đề “Cuộc chiến với Trung Quốc của Ấn Độ”, xuất bản năm 1970, tác giả là Neville Maxwell, một nhà báo Úc gốc Anh (Ấn Độ là thuộc địa cũ của Anh-PV). Maxwell lập luận rằng Ấn Độ đã kích động chiến tranh bằng cách thiết lập các tiền đồn quân sự mới dọc theo biên giới tranh chấp phù hợp với ý đồ của thủ tướng lúc bấy giờ là  Jawaharlal Nehru với “chính sách hướng về phía trước”, đưa ra chưa đầy một năm trước khi chiến sự nổ ra.

Tuy nhiên, nghiên cứu lưu trữ gần đây đã chỉ ra rằng Trung Quốc bắt đầu chuẩn bị cho hành động quân sự từ đầu năm 1959 và cuộc chiến có liên quan nhiều hơn đến các vấn đề thuộc nội bộ Trung Quốc, bao gồm cả chiến dịch Đại nhảy vọt thảm khốc được phát động vào cuối những năm 1950 dẫn đến nạn đói lan rộng và làm dấy lên sự phản đối trong Đảng Cộng sản chống lại nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông.

“Đó cũng là lúc Trung Quốc muốn truất phế Ấn Độ khỏi vai trò thống lĩnh trong Phong trào Không liên kết, liên kết với các quốc gia mới độc lập ở châu Á và châu Phi, thay thế bằng sự lãnh đạo của Trung Quốc đối với các phong trào cách mạng mà sau này Bắc Kinh gọi là “Thế giới thứ ba”, tác giả Sumit Sharma từ Mumbai, Ấn Độ nhận định trên Asia Times.

Tranh chấp biên giới Trung - Ấn: Ông Trump bị khước từ đề nghị làm trung gian hòa giải

New Delhi vừa chính thức từ chối đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong cuộc đối đầu căng thẳng ở biên giới hai nước trong suốt 3 tuần qua.

Nguy cơ chiến tranh biên giới Trung - Ấn đến mức nào?

Nếu Bắc Kinh coi New Delhi là trở ngại chính cho việc hiện thực hóa tham vọng thống trị châu Á của họ, một cuộc đụng độ dữ dội hơn các xung đột lẻ tẻ vừa qua dọc biên giới Trung-Ấn rất có thể xảy ra.

Phía sau đụng độ biên giới Trung-Ấn

Một cuộc đụng độ trên biên giới giữa các lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ hôm thứ Bảy tuần trước đã dẫn đến thương tích nhỏ cho binh lính, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Ấn Độ xác nhận với CNN.

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Vụ người da màu chết thảm: Biểu tình lan đến Washington, Nhà Trắng bị phong tỏa

Vụ người da màu chết thảm: Biểu tình lan đến Washington, Nhà Trắng bị phong tỏa

TPO - Một nhóm người biểu tình đã tập trung bên ngoài Nhà Trắng để phản đối vụ George Floyd, buộc Sở Mật vụ Mỹ phải lập tức phong tỏa Nhà Trắng khi căng thẳng giữa cảnh sát với người biểu tình lên cao.

Người biểu tình đối mặt với lính mật vụ tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters
Người biểu tình đối mặt với lính mật vụ tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters

Theo RT, những người biểu tình tập trung tại khu vực Tây Bắc thủ đô Washington (Mỹ) tối thứ Sáu, 29/5, khiến một đại lộ dẫn đến Nhà Trắng phải đóng cửa.

Cảnh sát lập tức xuất hiện trước Nhà Trắng với rào chắn và các thiết bị chống bạo loạn.

Ở một số thời điểm, căng thẳng đã lên cao khi những người biểu tình cố tìm cách phá bỏ rào chắn của cảnh sát.

Tuy nhiên, các cuộc đụng độ lập tức được giải quyết mà không ai bị thương và không có người nào bị bắt giữ.

 
 Người biểu tình và cảnh sát xô xát bên ngoài Nhà Trắng. Nguồn: Twitter 

Sở Mật vụ Mỹ quyết định phong tỏa Nhà Trắng để đảm bảo an toàn. Khoảng 10 nhân viên báo chí Nhà Trắng đã mắc kẹt ở cánh Tây vì lệnh phong tỏa.

Sau khoảng một giờ, những người biểu tình bắt đầu rời khỏi Nhà Trắng, trong khi một cuộc biểu tình khác vẫn đang diễn ra tại Công viên Lafayette gần đó.

Lệnh phong tỏa Nhà Trắng hiện đã được dỡ bỏ, và cảnh sát đã rút khỏi khu vực này.

Trước đó, sự tức giận của cộng đồng người da màu ở Minneapolis (bang Minnesota) đã lan rộng ra khắp nước Mỹ sau khi một người đàn ông da màu có tên George Floyd tử vong vì bị cảnh sát đè chân lên cổ khống chế suốt hơn 5 phút.

Vụ việc xảy ra hôm thứ Hai, 25/5, khi George Floyd (46 tuổi) bị cáo buộc phạm tội giả mạo. Video từ hiện trường cho thấy Floyd đã bị đè nghiến xuống đường và bị cảnh sát Chauvin quỳ lên cổ. Trong lúc đó, Floyd liên tục rên rỉ: “Tôi không thở được”. Dù được xe cứu thương chuyển tới bệnh viện cấp cứu nhưng Floyd vẫn không qua khỏi và tử vong sau đó.

Ngay sau sự cố, 4 sĩ quan cảnh sát Minneapolis đã bị sa thải. Giới chức Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết sẽ điều tra vụ việc trên.

Đoàn xe của Vệ binh quốc gia Mỹ rầm rập kéo đến Minneapolis

Ngày 29/5, Tổng thống Donald Trump đã gửi hơn 500 lính của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ đến thành phố Minneapolis, bang Minnesota - nơi đang rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd.

Biểu tình lan khắp nước Mỹ sau vụ người da màu bị cảnh sát ghì cổ đến chết

Sự tức giận của cộng đồng người da màu ở Minneapolis (bang Minnesota) đã lan rộng ra khắp nước Mỹ sau khi một người đàn ông da màu có tên George Floyd tử vong vì bị cảnh sát đè chân lên cổ khống chế suốt hơn 5 phút.

Tiết lộ bất ngờ về viên cảnh sát đè cổ khống chế khiến người da màu tử vong

Sĩ quan Dereck Chauvin (44 tuổi) đã trở thành tâm điểm của các cuộc biểu tình trên đường phố Minneapolis (bang Minnesota, Mỹ) và hiện đang bị điều tra sau khi có hành vi khống chế một nghi phạm da màu bằng cách quỳ lên cổ người này suốt gần 8 phút, khiến nghi phạm tử vong.

Theo RT

Châu Âu lưỡng lự đối đầu Trung Quốc vì Hong Kong

Châu Âu lưỡng lự đối đầu Trung Quốc vì Hong Kong

TP - Các lãnh đạo châu Âu không muốn làm như Mỹ trong việc đe doạ trừng phạt Trung Quốc về vấn đề áp luật an ninh mới lên Hong Kong, dù theo kế hoạch, các ngoại trưởng EU họp trong ngày 29/5/20 để cố đạt được quan điểm chung.

Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn đạt được thỏa thuận đầu tư quan trọng giữa EU với Trung Quốc trong năm nayẢnh: AP
Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn đạt được thỏa thuận đầu tư quan trọng giữa EU với Trung Quốc trong năm nayẢnh: AP

Các ngoại trưởng Mỹ, Canada, Úc và Anh ngày 28/5 ra tuyên bố chung chỉ trích Bắc Kinh công bố sẽ áp luật an ninh quốc gia mới với Hong Kong. Anh để ngỏ khả năng cấp quyền công dân cho thêm nhiều người Hong Kong nếu Bắc Kinh thực sự áp luật mới. Trước những căng thẳng gia tăng vì thành phố cựu thuộc địa của Anh, Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhà lãnh đạo có tiếng nói quan trọng bậc nhất trong Liên minh châu Âu (EU), cho biết bà vẫn muốn EU đạt được một thoả thuận đầu tư quan trọng với Trung Quốc trong năm nay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28/5 nói rằng, Mỹ sẽ đưa ra các chính sách mới trong cuộc họp báo mà ông chủ trì vào ngày 29/5 (giờ Mỹ) về Trung Quốc vì “chúng tôi không hài lòng với Trung Quốc”, còn EU vẫn mắc kẹt trong việc bày tỏ quan ngại về ngoại giao. Quan chức phụ trách ngoại giao EU, ông Josep Borrell, nói rằng, ông “quan ngại sâu sắc” về bước đi của Quốc hội Trung Quốc.

Trước đó, ông khẳng định, EU “rất coi trọng vấn đề giữ gìn quyền tự trị cao cho Hong Kong”, nhưng tuần này lại nói rằng, ông không nghĩ “các biện pháp trừng phạt Trung Quốc sẽ là giải pháp cho vấn đề”. Bà Merkel cũng nói rằng, EU cần duy trì đối thoại mang tính xây dựng, còn trả đũa về thương mại không nằm trong chương trình nghị sự của các ngoại trưởng EU trong cuộc họp ngày 29/5.

“Các biện pháp trừng phạt không được bàn đến, quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc đơn giản là rất quan trọng”, tạp chí Mỹ Politico dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao EU. Quan chức này nói rằng, luật mới cho Hong Kong có thể là “một nhân tố thay đổi cuộc chơi” khi đang có nhiều vấn đề đặt ra về pháp quyền của thành phố 7 triệu dân, nơi đang thu hút nhiều nhà đầu tư châu Âu. Nhưng vấn đề quan trọng là liệu việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát Hong Kong có ảnh hưởng đến thoả thuận đầu tư của EU với Trung Quốc hay không. Đức muốn hoàn tất thoả thuận này tại thượng đỉnh EU - Trung Quốc dự kiến diễn ra ở Leipzig, Đức vào tháng 9 năm nay, dù trước khi vấn đề Hong Kong nóng lên, hai bên đã bất đồng trong vấn đề quyền tiếp cận thị trường cho các công ty châu Âu.

Khác với quan điểm của bà Merkel, ông Reinhard Buetikofer, đại biểu người Đức trong Nghị viện châu Âu và là chủ tịch phái đoàn phụ trách quan hệ với Trung Quốc, kêu gọi các ngoại trưởng EU trong cuộc họp ngày 29/5 cần “lên tiếng rõ ràng và lên án việc Bắc Kinh tấn công vào quyền tự trị của Hong Kong”.

Ông cũng kêu gọi các nước châu Âu cân nhắc lại hợp tác với hãng viễn thông Trung Quốc Huawei vì “lãnh đạo Trung Quốc phớt lờ luật quốc tế”. Trong khi đó, ông Borrell nói rằng, “áp lực phải chọn phe (giữa Mỹ và Trung Quốc) đang tăng lên…, cần chiến lược mạnh mẽ hơn với Trung Quốc”. Bà Merkel thừa nhận, EU có nhiều khác biệt lớn với Trung Quốc về các vấn đề như pháp quyền và tự do, nhưng nên có cách tiếp cận khác Mỹ, chứ không nên đối đầu công khai.

Mỹ phối hợp với các đồng minh gây sức ép với Trung Quốc vì luật an ninh Hong Kong

Mỹ đang phối hợp với các đồng minh như Anh, Úc và Canada để gia tăng sức ép lên Trung Quốc nhằm trừng phạt việc nước này áp luật an ninh quốc gia lên Hong Kong.

Mỹ, Trung khẩu chiến về Hong Kong

Quốc hội Trung Quốc hôm qua thông qua nghị quyết cho phép áp dụng luật mới tại Hong Kong, trong khi phái đoàn Mỹ và Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc (LHQ) khẩu chiến về vấn đề này.

Trung Quốc chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất vì luật Hong Kong

Trung Quốc đã “chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất” từ phản ứng của cộng đồng quốc tế sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tuyên bố Hong Kong không còn quyền tự trị cao với đại lục.

Những thi thể bị ném xuống biển trong đêm

Những thi thể bị ném xuống biển trong đêm

TPO - “Không ai biết có bao nhiêu người đã chết. Có thể là 50 người hoặc hơn”, bà Khadiza Begum nhớ lại.

Bà Khadiza Begum. (Ảnh: BBC)
Người phụ nữ 50 tuổi này là một trong 396 người Hồi giáo Rohingya cố tìm cách sang Malaysia nhưng cuối cùng phải trở về Bangladesh sau khi con tàu chở họ bị mắc kẹt trên biển suốt 2 tháng. 
Bà ước tính số người chết dựa trên số lượng đám tang mà con trai bà, một tu sĩ Hồi giáo, tham dự trên con tàu.
Những kẻ buôn người không đưa được họ đến đích mong muốn. 
Bà Khadiza đi khỏi Myanmar vì tình trạng bạo lực giữa lực lượng nổi dậy và quân đội. Nước láng giềng Bangladesh cho họ nơi trú ẩn, lập ra trại tị nạn lớn nhất thế giới cho những người Hồi giáo Rohingya. 
Khoảng 1 triệu người Rohingya đang trú trong khu tị nạn Cox's Bazar của Bangladesh. Một số người trong đó, như bà Khadiza, mơ ước cuộc sống tốt đẹp hơn ở Malaysia, quốc gia nằm phía bên kia của Vịnh Bengal. Nhưng giấc mơ của bà Khadiza trở thành cơn ác mộng.

Bà nhớ lại cách những kẻ buôn người trên tàu cố che giấu cái chết của những người xấu số trên con tàu chật kín người. 
“Họ sẽ chạy cả hai động cơ để không ai nghe thấy âm thanh nước bắn lên khi các thi thể bị ném xuống”, bà kể. 
Bà nói rằng các thi thể thường bị ném xuống biển trong đêm. “Tôi biết chắc có ít nhất 14 -15 phụ nữ chết”. 
Cái chết của một phụ nữ ngồi gần khiến đến giờ bà Khadiza vẫn bị ám ảnh. Bị mất nước nghiêm trọng, người phụ nữ đó ban đầu bị mất phương hướng, sau đó hành động kỳ lạ. “Tôi vẫn ám ảnh vì cái chết của bà ấy, vì bà ấy chết ngay trước mắt chúng tôi”, bà Khadiza kể. 
Người phụ nữ đó đi cùng 4 người con. Chỉ con gái lớn 16 tuổi được thông báo rằng mẹ đã chết.
“Mấy đứa còn lại không biết gì, cứ khóc mãi”, bà Khadiza cho biết. 
“Thi thể được ném xuống biển ngay lập tức”, bà Khadiza kể. 

Khadiza cũng có 4 người con. Bà và các con trở thành vô gia cư từ năm 2017, sau khi chồng và một con trai bà thiệt mạng trong đợt bạo lực ở bang Rakhine, Myanmar. 
Tình hình căng thẳng buộc bà phải chạy sang Bangladesh và ở trong trại tị nạn Cox's Bazar cùng các con. 
Sau khi gả chồng cho con gái lớn, bà mơ ước con trai và con gái còn lại của bà có cuộc sống tốt hơn. “Cuộc sống của chúng tôi quá khó khăn. Tôi không thấy tương lai nào ở trại tị nạn”, bà nói. 
Những chuyện bà nghe được về người Royingya vượt biển thành công sang Malaysia thôi thúc bà bán nữ trang để góp đủ 750 USD trả cho những kẻ buôn người để chúng cho bà và hai con lên tàu. 

Vào một đêm tháng Hai năm nay, bà nhận được cuộc gọi mà bà đang chờ đợi. Bà giữ kín ý định của mình nên chỉ nói với hàng xóm rằng bà sẽ đi xa để chữa bệnh. 

Trong đêm tối, bà khoá cửa rồi dẫn hai con đi cùng. 
Một người đàn ông gặp họ gần trạm xe buýt, hướng dẫn họ đi đến một trang trại nơi bà gặp vài trăm người nữa. Nhóm người này được đưa lên tàu rồi rời Vịnh Bengal. 
“Tôi đã lên kế hoạch nhiều tháng. Tôi muốn một cuộc sống tốt hơn. Tôi mơ ước cuộc sống tốt hơn ở một quốc gia mới”, bà nói với BBC. 
Sau 2 ngày, bà và những người khác được chuyển sang tàu to hơn, đông người hơn. 
Bà Khadiza nói rằng bà thậm chí còn không có chỗ duỗi chân. “Ở đó có những gia đình đi cùng con họ. Tôi nghĩ phải đến hơn 500 người”, bà kể. 
Những thi thể bị ném xuống biển trong đêm - ảnh 1Con tàu của họ lênh đênh trên biển suốt 2 tháng. (Ảnh minh hoạ)
Những thuỷ thủ ở khoang trên, phụ nữ ở khoang giữa, còn đàn ông ở khoang dưới cùng. Thuỷ thủ đoàn là người Myanmar. 
Trên tàu không có đủ đồ dùng cơ bản như nước và đồ vệ sinh. Khadiza cho biết bà chỉ rửa ráy 2 lần trong 2 tháng, ngay trước mặt những người khác, bằng nước lấy từ dưới biển. Nhà vệ sinh là 2 ván gỗ, ở giữa có một cái lỗ. 
“Vài ngày sau khi chúng tôi bắt đầu hành trình đến Malaysia, một cậu bé rơi qua cái lỗ ấy xuống biển, và không được cứu”, bà Khadiza kể. 
Đó là trường hợp tử vong đầu tiên trong nhiều cái chết mà bà chứng kiến. 
Nhưng không thuyền nào xuất hiện.
Đại dịch COVID-19 khiến Malaysia siết chặt kiểm soát an ninh. Lực lượng bảo vệ bờ biển tuần tra thường xuyên hơn, khiến người di cư khó lọt qua. 
Thuyền trưởng nói với những người tị nạn rằng họ không thể vào bờ. Hy vọng của bà Khadiza tan biến vì đại dịch. Tàu phải quay đầu, nhưng họ đối mặt với tình trạng thiếu thực phẩm và nước.
Ở chiều đi, nhóm người tị nạn được phát cơm, đôi khi là đậu lăng, hai lần mỗi ngày, cùng với một cốc nước. Rồi sau đó, họ được ăn mỗi ngày một bữa, rồi hai ngày một bữa, chỉ có cơm không.
Thiếu nước ngọt khiến nhiều người không chịu được. 
Khadiza kể rằng trong cảnh tuyệt vọng, một số nước uống cả nước biển. Họ lấy quần áo nhúng xuống biển rồi vắt vào miệng. 
Vài ngày sau, từ bờ biển Thái Lan, một thuyền nhỏ do nhóm buôn người sắp xếp đã cung cấp cho tàu của họ những đồ dùng thiết yếu. Nhưng khi chờ có cơ hội khác vào Malaysia, tàu của họ bị hải quân Myanmar chặn. Thuyền trưởng và 3 thuỷ thủ bị bắt, nhưng sau đó được thả. 
Lần thứ hai và lần cuối cùng họ cố gắng vào Malaysia cũng kết thúc thất bại. Điều rõ ràng nhất với họ là con tàu chẳng thể đi đến đâu. 
Họ lênh đênh trên biển, không có hy vọng được vào bờ. “Mọi người trở nên tuyệt vọng. Chúng tôi luôn hỏi nhau rằng chúng tôi có thể sống sót trong bao lâu”, Khadiza kể. 
Sau đó, một nhóm trong số người tị nạn cầu cứu thuyền trưởng hãy cho họ vào bờ ở bất kỳ đâu, dù ở Myanmar hay Bangladesh. Nhưng thuyền trưởng từ chối vì cho rằng quá mạo hiểm. Họ có thể bị bắt và tịch thu tàu.
Khi con tàu trôi vô định trên Vịnh Bengal, những chuyện tố cáo thuỷ thủ đoàn cưỡng hiếp và tra tấn bắt đầu nổi lên. 
“Mọi việc bắt đầu mất kiểm soát. Tôi nghe thấy chuyện một thuỷ thủ bị tấn công đến chết rồi ném xác xuống biển”, Khadiza nói. 
Có 10 thuỷ thủ người Myanmar giám sát gần 400 người tị nạn. “Họ nhận ra họ không thể chống lại và thắng được”, bà kể. 
Thuỷ thủ đoàn đòi thêm tiền để thuê thuyền nhỏ đưa họ vào bờ. Những người trên tàu phải nộp thêm 1.200 USD nữa. 
Vài ngày sau, một thuyền nhỏ tiếp cận họ. Ngay lập tức, thuyền trưởng và hầu hết thuỷ thủ đoàn bỏ chạy.
Những trên tàu lái con tàu về phía Bangladesh, với sự giúp đỡ của 2 thuỷ thủ còn lại. 
“Tôi rất vui khi cuối cùng cùng nhìn thấy bờ sau 2 tháng”, bà Khadiza nhớ lại. 
Họ quay lại Bangladesh. Người dân địa phương đã báo lực lượng bảo vệ bờ biển Bangladesh khi thấy họ trông quá thê thảm. 
Sau 2 tháng cách ly, Khadiza quay lại trại tị nạn, nhưng nơi ở của bà đã bị gia đình khác chiếm mất. 
Giờ thì bà đang cùng con gái và con trai sống ở một nơi chật chội. 
“Tôi đã mất tất cả cho giấc mơ của mình. Đừng bao giờ phạm sai lầm như tôi”, bà nói. 

Theo BBC

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

Bộ Y tế kêu gọi: Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, ngừng hút thuốc sớm giúp ngăn ngừa bệnh tật

Bộ Y tế kêu gọi: Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, ngừng hút thuốc sớm giúp ngăn ngừa bệnh tật
Thái Bình - https://suckhoedoisong.vn/... đăng ngày 29/05/2020 16:18.
Suckhoedoisong.vn - Bộ Y tế muốn gửi đến những người hút thuốc thông điệp: Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, ngừng hút thuốc sớm là phương pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa bệnh tật, đặc biệt là trong tình hình phòng chống dịch COVID-19

 

Ngày 29/5/20, tại Hà Nội, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 - 31/5 với chủ đề “Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá" với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, thành phố, Tổ chức Y tế Thế giới và đông đảo sinh viên Trường đại học Y tế Công cộng.

Hơn 90% người bệnh ung thư phổi có hút thuốc lá

Tại lễ mít tinh, các chuyên gia y tế cảnh báo, thuốc lá liên quan tới 6/8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, các căn bệnh, như: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, ung thư... Điều đáng nói là có đến hơn 90% người bệnh ung thư phổi có hút thuốc lá. Nếu hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 26 lần so với người không hút thuốc.

Kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực (ngày 1/5/2013), tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức và hành vi của người dân về phòng, chống tác hại thuốc lá. Cụ thể, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới nước ta giảm khoảng 2,1% (từ 47,4% xuống 45,3%); tỷ lệ nữ giới hút thuốc giảm 0,3% (từ 1,4% xuống 1,1%).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Bộ Y tế muốn gửi đến những người hút thuốc thông điệp: Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, ngừng hút thuốc sớm là phương pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa bệnh tật, đặc biệt là trong tình hình phòng chống dịch COVID-19 như hiện nay                      Ảnh Lê Hảo

Tại lễ mittinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, ngày thế giới không thuốc lá năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới lựa chọn chủ đề “Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá" nhằm thông tin tới cộng đồng tác hại của việc hút thuốc lá, phơi nhiễm với khói thuốc lá; đồng thời kêu gọi các quốc gia thực hiện những chính sách mạnh mẽ để bảo vệ cộng đồng, đặc biệt là bảo vệ giới trẻ trước nguy cơ sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điếu truyền thống cũng như các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các tỉnh, thành phố triển khai công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.

Các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá đang ngày càng được triển khai rộng khắp trên toàn quốc. 63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá. Nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa nội dung của phòng chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ.

Các cơ quan, đơn vị cũng đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động và treo biển cấm hút thuốc tại cơ quan, đơn vị; tổ chức lễ ký cam kết thực hiện xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá.

Theo kết quả điều tra của một số địa phương năm 2018, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam đã giảm. 12 tỉnh có tỉ lệ hút thuốc giảm và thấp hơn so năm 2015, như Quảng Ninh, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Thái Bình, Yên Bái, Lạng Sơn, Ninh Bình, Nghệ An, Phú Thọ, Hoà Bình, Quảng Trị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, TS Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cùng nhiều đại biểu tham dự lễ mittinh cùng chuẩn bị đạp xe hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 - 31/5

Ảnh Lê Hảo

Số liệu tổng hợp từ báo cáo 5 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá của các bộ, ngành, địa phương cho thấy trên 90% lãnh đạo bộ và lãnh đạo các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu biết về quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, quy định về nơi làm việc không khói thuốc. 90% cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức và người lao động các cơ quan, ban ngành từ tinh, huyện, xã được tiếp cận thông tin về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác phòng chống tác hại thuốc lá cũng còn gặp rất nhiều khó khăn. Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới vẫn rất cao với 45,3% nam giới trưởng thành hút thuốc.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng, đặc biệt ở nhóm học sinh, sinh viên, thanh niên

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Gần đây, trên thị trường xuất hiện một số sản phẩm thuốc lá mới, thường gọi là “thuốc lá điện tử", “thuốc lá làm nóng". Các sản phẩm này cũng gây hại đến sức khỏe như thuốc lá điếu thông thưởng. Nguy hiểm hơn, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng hiện đang được các tập đoàn thuốc lá trên thế giới nhắm tới giới trẻ, tiềm ẩn nguy cơ sử dụng ma túy và các chất kích thích khác ảnh hưởng xấu đến lối sống, hành vi cua giới trẻ, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Hiện nay, nhiều quốc gia đã cấm mua bán, sử dụng đối với sản phẩm này. Thuế và giá các sản phẩm thuốc lá còn thấp, sản phẩm thuốc lá còn dễ tiếp cận, vì vậy trong thời gian tới chúng ta còn cần nhiều nỗ lực trong việc phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là ngăn ngừa sử dụng thuốc lá trong giới trẻ”.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết thêm, điều đáng lo ngại hiện nay là tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử lại tăng, đặc biệt ở nhóm học sinh, sinh viên, thanh niên...

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) phát biểu tại lễ mittinh                      Ảnh Lê Hảo

Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng (như thuốc điếu sử dụng tẩu), thuốc lá kiểu mới, các chiến dịch quảng cáo hiện đang "tấn công" vào thanh niên, như giới thiệu nhiều thiết kế "sành điệu", sử dụng tiện lợi, hương vị mới làm cho giới trẻ coi nhẹ những rủi ro với sức khỏe. Trong khi đó, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này cũng có nhiều thành phần gây hại đến sức khỏe con người, rất khó kiểm soát.

Nhân dịp này, thay mặt Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kêu gọi các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá.

“Bộ Y tế muốn gửi đến những người hút thuốc thông điệp: Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, ngừng hút thuốc sớm là phương pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa bệnh tật, đặc biệt là trong tình hình phòng chống dịch COVID-19 như hiện nay và góp phần xây dựng môi trường trong lành cho mỗi người, cho từng gia đình và cho toàn xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kêu gọi.

 

Hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 - 31/5, Văn phòng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá phát động Chiến dịch “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử”.

Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên về tác hại của thuốc lá, khuyến khích phát triển lối sống lành mạnh, có ý thức xây dựng môi trường không khói thuốc trong cộng đồng. Tại Việt Nam, Chiến dịch được tiến hành với một chuỗi các hoạt động lớn trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông bắt đầu từ ngày 25/5/2020.

Thái Bình