Bí ẩn kết cục của Tứ đại mỹ nhân trong lịch sử Trung Quốc
Tứ đại mỹ nhân trong lịch sử Trung Quốc đều mang trên mình vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, họa nhường nguyệt thẹn nhưng cuộc đời lại đều là một tấn bi kịch.
1, Tây Thi
Tây Thi |
Cho đến bây giờ đối với lai lịch và kết cục của Tây Thi vẫn đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi và có không ít các giả thuyết khác nhau, trong đó có bốn giả thuyết tạo được sức thuyết phục nhất.
Thứ nhất là chìm dưới biển. Truyền thuyết kể rằng sau khi Câu Tiễn tiêu diệt nhà Ngô, phu nhân của ông đã lén sai người lừa Tây Thi ra ngoài, buộc đá quanh người nàng và đem ném xuống biển. Sau đó người ta tương truyền rằng dưới cát bùn tại Duyên Hải tìm được một loại sò giống với hình dạng đầu lưỡi con người, vì vậy mà gọi chúng là sò Lưỡi Tây Thi.
Thứ hai là ẩn cư. Trong "Thiếu Thất Sơn Phòng Bút Tùng" của Hồ Ứng Lân vào thời nhà Minh có ghi lại giả thuyết cho rằng Tây Thi vốn là tình nhân hoặc thê tử của Phạm Lãi. Sau khi Ngô Quốc bị diệt vong, Phạm Lãi đã cùng Tây Thi bỏ trốn và ẩn cư.
Thứ ba là rơi xuống nước. Rất nhiều người với tấm lòng lương thiện, không hy vọng rằng một nữ tử xinh đẹp yếu đuối lại phải gặp một kết cục bi thảm, nên họ đã dựa vào nội dung trong bài thơ "Cán Sa" của thi sĩ Tống Chi Vấn thời Đường để làm cơ sở, cho rằng sau khi nhà Ngô bị diệt vong, Tây Thi đã bỏ về cố hương, trong một lần giặt đồ không may rơi xuống nước mất mạng.
Thuyết thứ tư bị giết. Giả thuyết này được xem là một kết cục thực tế nhất. Ngô Vương sau khi tự vẫn, người Ngô trút cơn tức giận lên người Tây Thi, họ dùng vải gấm quấn chặt quanh người nàng rồi mang thả trôi sông.
2, Điêu Thuyền
Điêu Thuyền. |
Cái chết của Điêu Thuyền không miêu tả cụ thể, chỉ biết rằng có hai kết cục là "chết thảm" và "chết êm đẹp".
Thứ nhất, căn cứ theo điển tích “Trảm Điêu” thuật lại, sau khi Lữ Bố bị xử tử, Tào Tháo đã đem thê tử của Lữ Bố là Điêu Thuyền tặng cho Quan Vũ nhưng Quan tướng quân lại từ chối dung nạp vì sợ rằng tai tiếng của Điêu Thuyền sẽ làm vấy bẩn danh dự của ông. Cuối cùng Quan Vũ quyết định triệu gọi Điêu Thuyền vào chướng trong đêm, xuất kiếm chém mỹ nhân trong đau xót.
Thứ hai Điêu Thuyền xuất gia làm ni cô, cuối cùng thọ tận mà mất trong chùa, điều này được ghi lại trong truyện kịch "Cẩm Vân Đường ám định liên hoàn kế".
3, Vương Chiêu Quân
Vương Chiêu Quân |
Năm 33 trước Công Nguyên, Vương Chiêu Quân phụng mệnh Hán Nguyên Đế xuất giá kết thân, gả cho Nam hung nô Hô Hàn Tà. Năm 31 trước Công Nguyên, Hô Hàn Tà qua đời, Vương Chiêu Quân bắt buộc phải theo tập quán nối dây của Hung Nô và trở thành phi tần của con trai trưởng của Hô Hàn Tà là Phục Chu Luy Nhược Đề.
Bi kịch của Vương Chiêu Quân vẫn chưa dừng lại. 11 năm sau, người chồng thứ hai của Vương Chiêu Quân qua đời, nàng lại phải gả cho con trưởng của Phục Chu Luy, cũng là cháu nội của Hô Hàn Tà. Vương Chiêu Quân không thể tiếp tục chịu đựng được sự nhục nhã, cuối cùng quyết định dùng độc tự vẫn và được an táng tại Thanh Trủng.
4, Dương Quý Phi
Dương Quý Phi |
Trong lịch sử có rất nhiều cách nói về cái chết của Dương Quý Phi, nhưng cho đến nay phổ biến nhất chính là Dương Quý Phi chết tại dốc Mã Ngôi.
Vì sai lầm kế sách của Dương Quốc Trung, ải Đồng Quan bị phản quân công phá, thành Trường An đối diện với tình thế nguy cấp, Đường Huyền Tông dẫn theo Dương Quý Phi cùng cấm vệ quân và một số bá quan chạy về Tây Xuyên.
Khi chạy đến Mã Ngôi Dịch, các tướng sĩ đều đói mệt do thiếu thốn lương thực và phải di chuyển suốt một quãng đường dài. Trong khi đó thì Dương Quốc Trung và gia quyến đều được no đủ, nên các tướng sĩ lòng đầy căm phẫn nổi lên chống lại, cho rằng Dương Quốc Trung cấu kết với người Hồ. Dương Quốc Trung ra lệnh đàn áp loạn quân nhưng bị các tướng sĩ giết chết.
Cơn giận của các tướng sĩ vẫn chưa nguôi, tướng quân Trần Huyền Lễ đã nói với Đường Huyền Tông rằng: "Dương Quốc Trung mưu phản, không nên để Quý Phi hầu hạ ở bên bệ hạ nữa, xin bệ hạ vì quốc pháp mà cắt bỏ tình riêng".
Đường Huyền Tông trả lời: "Đây đều là lỗi của ta, Quý phi vô can, Quý Phi ở trong thâm cung, sao biết được Quốc Trung mưu phản". Tuy nhiên các tướng sĩ vẫn không phục, bức ép Đường Huyền Tông xử tử Dương Quý Phi thì họ mới tiếp tục phò trợ nhà Đường.
Đường Huyền Tông không còn cách nào khác, đành ban cho Dương Quý Phi một giải lụa trắng, đau xót quay đi không dám chứng kiến cảnh ái phi bị thi hành tử lệnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét