Thứ Năm, 16 tháng 5, 2024

Trung ương giới thiệu nhân sự để bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội

 Thời sự

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 16/05/2024 17:02

Trung ương giới thiệu nhân sự để bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Quang cảnh Hội nghị Trung ương 9 - Ảnh: N.BẮC

Quang cảnh Hội nghị Trung ương 9 - Ảnh: N.BẮC

Theo thông cáo của Văn phòng Trung ương, tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định giới thiệu nhân sự để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 và Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Hiện nay bà Võ Thị Ánh Xuân, phó chủ tịch nước, đang giữ quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước bắt đầu từ ngày 21-3, sau khi Quốc hội khóa XV thông qua nghị quyết việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Võ Văn Thưởng vào cùng ngày.

Theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.

Quy trình bầu Chủ tịch nước sẽ được thực hiện theo các bước:

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

- Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước. Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

- Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

Cũng theo quy định của Hiến pháp, sau khi được bầu, Chủ tịch nước sẽ tiến hành tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp. Lời tuyên thệ được Quốc hội, nhân dân và cử tri cả nước ghi nhận, giám sát trong suốt nhiệm kỳ.

Đối với Quốc hội, hiện nay, Phó chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Ông Mẫn được phân công điều hành từ ngày 2-5, sau khi Quốc hội khóa XV thông qua nghị quyết việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Vương Đình Huệ vào cùng ngày.

Về quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội sẽ được thực hiện theo các bước:

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội.

- Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch Quốc hội. Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín.

- Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội.

Cũng theo quy định của Hiến pháp, sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội sẽ tiến hành tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp. Lời tuyên thệ được Quốc hội, nhân dân và cử tri cả nước ghi nhận, giám sát trong suốt nhiệm kỳ.

Tổng bí thư: Đất nước ta đã vững vàng vượt qua nhiều khó khăn, thử tháchTổng bí thư: Đất nước ta đã vững vàng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đất nước ta đã vững vàng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, tiếp tục đạt được những kết quả to lớn, khá toàn diện.

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2024

Vừa ra tù rủ đồng bọn mang súng đi cướp, bị người dân bắt tại chỗ

 Pháp luật

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 14/05/2024 15:26

Vừa ra tù rủ đồng bọn mang súng đi cướp, bị người dân bắt tại chỗ

TIẾN VĂN
và Chí Hạnh 

Người đàn ông 40 tuổi tuổi ở An Giang vừa chấp hành xong án phạt tù tội cướp tài sản, đã rủ đồng bọn mang theo súng, bình xịt hơi cay tiếp tục đi cướp.

Khẩu súng ông Vương mang theo để đi cướp tài sản - Ảnh: TIẾN VĂN

Khẩu súng ông Vương mang theo để đi cướp tài sản - Ảnh: TIẾN VĂN

Ngày 14-5-24, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Thành, tỉnh An Giang cho biết đang tạm giữ hình sự Huỳnh Thế Vương (40 tuổi, ngụ huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) để điều tra hành vi cướp tài sản.

Ông Vương vừa chấp hành xong án phạt tù cùng tội danh trên. Khi vừa trở về địa phương, Vương điện thoại rủ Ngô Văn Hiếu (28 tuổi, ngụ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) đi cướp giật tài sản để kiếm tiền tiêu xài.

Tối 13-5, Hiếu điều khiển xe gắn máy chở Vương chạy trên quốc lộ 91 để tìm người cướp tài sản.

Khi đến thị trấn An Châu, huyện Châu Thành nhóm Hiếu và Vương thấy ông Nguyễn Hoàng Sơn (54 tuổi, ngụ tại địa phương) đang điều khiển xe máy có đeo dây chuyền vàng, chở vợ và cháu gái 6 tuổi.

Vương kêu Hiếu chạy bám theo ông Sơn rồi áp sát để Vương giật dây chuyền.

Lúc giật, Vương bị ngã nên bị ông Sơn chạy đến khống chế. Hiếu cầm dao chạy đến giải vây, còn Vương móc súng mang theo trong người ra. Ông Sơn nhanh trí chụp lấy cây súng và tri hô.

Người dân xung quanh chạy đến hỗ trợ ông Sơn khống chế Vương bàn giao cho công an. Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm 1 sợi dây chuyền vàng 18k trọng lượng hơn 13 chỉ, 1 khẩu súng (chưa giám định loại súng gì), 1 bình xịt hơi cay…

Riêng Hiếu đã nhanh chân lên xe tẩu thoát.

Công an huyện Châu Thành đang huy động lực lượng, phương tiện truy bắt Hiếu.

Đi phượt hết tiền nên che biển số xe, cướp giật tài sảnĐi phượt hết tiền nên che biển số xe, cướp giật tài sản

Trong quá trình đi phượt, khi đến địa bàn tỉnh Ninh Thuận thì hết tiền, Nguyễn Thành Chung (ở tỉnh Đồng Nai) đã cướp giật túi xách của 2 cháu gái ở TP Phan Rang - Tháp Chàm.

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2024

Lời kêu cứu từ đất khát - Kỳ 3: Nguồn nước ngầm chết vì khoai tây chiên

 Thời sự Phóng sự

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 10/05/2024 10:35

Lời kêu cứu từ đất khát - Kỳ 3: Nguồn nước ngầm chết vì khoai tây chiên

Tại phiên điều trần căng thẳng kéo dài 12 tiếng đến tận đêm 23-4-2024 (giờ địa phương), Hội đồng quản lý nước của bang California (Mỹ) đã bỏ phiếu nhất trí kiểm soát nước ngầm tiểu lưu vực hồ Tulare dưới hình thức bắt buộc đóng phí dùng nước ngầm.

Bơm nước ngầm tưới đồng khoai tây bang Minnesota - Ảnh: cdn.forumcomm.com

Bơm nước ngầm tưới đồng khoai tây bang Minnesota - Ảnh: cdn.forumcomm.com

Bơm lượng nước dù nhỏ từ các tầng nước ngầm cũng có thể làm giảm lượng nước bề mặt nếu tuyết tan và nước mưa không kịp bổ sung nhanh chóng.

GS.TS JOHN NIEBER (Đại học Minnesota)

California thu phí sử dụng nước ngầm

Bang California sẽ bắt đầu thu phí sử dụng nước ngầm vào cuối năm 2024 đối với các đối tượng sử dụng nhiều, trừ hộ gia đình cá nhân, cộng đồng khó khăn và tổ chức công cộng như trường học.

Đây là lần đầu tiên California đưa ra quy định thu phí nước ngầm gần một thập niên sau khi cơ quan lập pháp bang thông qua đạo luật về quản lý bền vững nước ngầm.

Đạo luật yêu cầu đến năm 2040, các khu vực bị đe dọa về nước ngầm phải có kế hoạch bổ sung nước cho tầng nước ngầm. Phần lớn trong 89 khu vực nước ngầm bị đe dọa đã trình kế hoạch như thu gom nước mưa, bỏ hoang một số diện tích đất nông nghiệp ít giá trị.

Tuy nhiên sáu lưu vực ở Central Valley - trung tâm nông nghiệp lớn của bang - vẫn "bình chân như vại".

Ở California, hai đơn vị chủ chốt sử dụng nước ngầm nhiều nhất là Công ty nông nghiệp J.G. Boswell và Công ty Sandridge Partners sở hữu hàng chục ngàn ha trồng cà chua, các loại hạt và trang trại nuôi bò sữa.

Nếu quy định thu phí sử dụng nước ngầm của California không gây biến động đáng kể, các bang khác có thể sẽ ban hành quy định tương tự để đối phó với tình trạng xài nước ngầm vô tội vạ như hiện nay.

Tại bang Minnesota nổi tiếng có 10.000 hồ nước, trong đợt hạn hán vào mùa hè năm 2021, trời nắng như đổ lửa làm cây cối héo rủ, sông hồ khô cạn và mực nước ngầm giảm mạnh.

Tại Warren trồng nhiều củ cải đường, cơ quan thủy cục phải hạ máy bơm xuống 19,2m mới có thể tiếp tục cung cấp nước cho hơn 1.500 dân, kể cả các bệnh viện và viện dưỡng lão. Một cụ bà ở ngoại ô Warren cho biết do giếng nhà khô cạn, bà phải lái máy cắt cỏ đến nhà hàng xóm xin nước đổ vào chai.

Ông Trevor Milbrett ở Eagle Bend thỉnh thoảng phải chở vợ đang mang thai và đứa con mới biết đi về nhà cha mẹ ruột để tắm và ăn tối vì nhà có lúc không có nước. Ngư dân đánh bắt cá hồi trên sông Straight lòng như lửa đốt vì nước sông ấm dần lên.

Trong lúc trời hạn hán năm 2021, Bộ Tài nguyên nước của bang Minnesota đã nhận được nhiều đơn khiếu nại liên quan đến nước ngầm. Tại Red Lake, ông Allan Armstrong cho biết nhà ông không có nước uống suốt một tháng.

Cha mẹ ông sống gần đó không còn nước giếng vào lúc cha ông đang cần được chăm sóc cuối đời tại nhà. Đơn khiếu nại của ông nhấn mạnh: "Chúng tôi cần nước ngay bây giờ!".

Cách nhà ông Armstrong khoảng 4,8km có trang trại của gia đình Austin Tersteeg. Gia đình này đào giếng mới có lưu lượng 1,9m3/phút để tưới bắp và đậu nành.

Mức sử dụng nước của họ tuy nằm trong giới hạn cho phép hằng năm nhưng vẫn làm khô giếng của gia đình ông Armstrong và ba gia đình khác. Chính quyền bang đã yêu cầu gia đình Tersteegs phải trả hơn 10.000 USD là chi phí để đào giếng mới cho gia đình ông Armstrong.

Theo điều tra của báo The New York Times, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến cạn kiệt xảy ra trên toàn nước Mỹ. Thủ phạm chủ yếu là các trang trại nông nghiệp. Bang Minnesota vào đầu những năm 1960 có ít hơn 50 giấy phép xây dựng giếng tưới tiêu.

Đến năm 2022, số lượng giếng đã tăng hơn 7.000. Hàng ngàn giếng bơm cung cấp nước tưới cho khoai tây và các loại cây trồng cần nhiều nước như bắp, đậu nành, củ cải đường. Tháng 5-2023, cơ quan lập pháp bang Minnesota đã phải ban hành quyết định phạt nặng nếu bơm quá nhiều nước ngầm.

Sông Straight, Minnesota gần cạn kiệt vào tháng 9-2023 - Ảnh: mnprairieroots.com

Sông Straight, Minnesota gần cạn kiệt vào tháng 9-2023 - Ảnh: mnprairieroots.com

Củ khoai tây đẹp mắt ngốn nhiều nước ngầm

Muốn hiểu vì sao các trang trại lớn ở Minnesota sử dụng nhiều nước, chúng ta cần xem xét tính thẩm mỹ của củ khoai tây. Người tiêu dùng Mỹ muốn món khoai tây chiên kiểu Pháp không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn phải đẹp mắt.

Cuối những năm 1960, Bộ Nông nghiệp Mỹ còn đặt ra các tiêu chuẩn phân loại tự nguyện dành riêng cho khoai tây và khoai tây chiên.

Ví dụ khoai tây chiên nếu có vết sẫm màu thì không thể gọi là khoai tây chiên hạng A. Do đó, nông dân phải bảo đảm củ khoai tây không bị u sần dễ tạo màu không đồng đều.

Muốn củ khoai tây có hình dạng trơn láng thì phải trồng trên đất cát mềm mịn giúp khoai dễ phát triển và phải bảo đảm khâu tưới nước.

Củ khoai tây thuôn dài sẽ dễ đưa vào máy cắt lát trong các nhà máy chế biến khoai tây chiên và cho ra số lượng khoai tây chiên nhiều hơn, vì vậy mang lại nhiều tiền hơn.

Theo điều tra, các trang trại lớn ở Minnesota đã bơm gần 24.000m3 nước ngầm, tức nhiều hơn mức giấy phép, trong đó gần 1/3 lượng nước ngầm liên quan đến Công ty R.D. Offutt Farms. Công ty này có trụ sở chính tại Bắc Dakota, là một trong các nhà sản xuất khoai tây lớn nhất nước Mỹ.

Bang Minnesota đã cố gắng hạn chế sử dụng quá mức nước ngầm bằng cách xem xét mức độ ảnh hưởng của giếng đến khu vực xung quanh để cấp giấy phép, tuy nhiên hệ thống cấp phép không ổn.

Tầng nước ngầm ở Pineland Sands rất lớn nhưng cũng rất mong manh vì có nhiều chỗ nông. Khai thác nước từ các điểm nông này có thể ảnh hưởng đến nước bề mặt, làm giảm mực nước sông hoặc các vùng nước khác.

Những gì xảy ra ở bang Minnesota là lời cảnh báo cho phần còn lại của nước Mỹ. Bà Ellen Considine - giám sát viên thủy văn của Bộ Tài nguyên thiên nhiên bang - nhận xét: "Chúng ta sử dụng nước ngầm rất nhiều, mở rộng sang các tầng nước ngầm mà chúng ta chưa hiểu rõ lắm, ở những nơi mà giếng nước gia đình chưa từng cạnh tranh với nguồn nước ngầm". Kết quả là "chúng ta có thể sẽ để lại không đủ nước ngầm cho thế hệ tương lai".

Ba phương pháp bổ sung nước ngầm

Có nhiều lý do cần bổ sung thêm nước cho các tầng nước ngầm, như phải bổ sung thêm nước vì các tầng nước ngầm cạn kiệt do khai thác quá mức, pha loãng nước để cải thiện chất lượng nước ngầm (giảm bớt một số hóa chất như nitrat và thuốc trừ sâu), chống nước mặn xâm nhập vào tầng nước ngầm ven biển.

Ba phương pháp bổ sung nước như sau:

Bơm vào bể thấm: Bơm nước từ sông lúc triều cường hay lũ lụt vào mạng lưới đường ống dẫn đến các bể thấm. Số nước này sẽ dần dần thấm vào mạch nước ngầm làm tăng thêm nước ngầm nhằm bảo tồn lượng nước có thể bị thất thoát do nước chảy ra biển hoặc bốc hơi.

Bơm trực tiếp: Đưa nước trực tiếp vào tầng nước ngầm thông qua các giếng. Kỹ thuật này đòi hỏi phải giám sát tỉ mỉ để bảo đảm chất lượng nước bơm vào.

Bổ sung nước gián tiếp: Dẫn nước từ sông đến tầng chứa nước phù sa bằng cách lắp đặt các trạm bơm gần bờ sông. Trong quá trình này, nước được lọc một phần nhờ đặc tính tự nhiên của bờ.

*******************

Ông Juan Francisco Abellaneda ở vùng đông nam Tây Ban Nha xuất khẩu mỗi năm 3.000 tấn rau quả cho các siêu thị châu Âu nhờ sử dụng nước sông Tagus ở miền trung. Nay ông chỉ biết than trời vì sông Tagus sẽ bị hạn chế chuyển dòng. Chuyển nước từ sông dư thừa đến nơi khô hạn không phải lúc nào cũng có ích.

>> Kỳ tới: Chuyển nước các dòng sông - lợi hay hại?


Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

Campuchia phản hồi về yêu cầu chia sẻ thông tin chi tiết dự án kênh đào Phù Nam Techo

 Thế giới

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 07/05/2024 12:46

Campuchia phản hồi về yêu cầu chia sẻ thông tin chi tiết dự án kênh đào Phù Nam Techo

Phó thủ tướng Campuchia Sun Chanthol nhấn mạnh nước này "không lơ là trách nhiệm chia sẻ thông tin chi tiết về dự án kênh đào Phù Nam Techo cho Việt Nam, cả chính thức và không chính thức".

Phối cảnh 3D dự án kênh đào Phù Nam Techo do Bộ Giao thông công chánh Campuchia công bố gần đây - Ảnh: Chính phủ Campuchia

Phối cảnh 3D dự án kênh đào Phù Nam Techo do Bộ Giao thông công chánh Campuchia công bố gần đây - Ảnh: Chính phủ Campuchia

Trong một cuộc họp ngày 7-5, Phó thủ tướng Sun Chanthol đã dẫn Hiệp định Mekong năm 1995 quy định rằng các hoạt động ảnh hưởng đến các nhánh của con sông phải được "thông báo" cho ủy ban liên hợp của Ủy hội sông Mekong (MRC), theo báo Khmer Times.

Video: Campuchia nói gì trước yêu cầu chia sẻ thông tin dự án kênh đào Phù Nam Techo?

Ông Sun Chanthol khẳng định Campuchia đã thực hiện trách nhiệm này bằng thông báo về kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo) cho ủy ban vào ngày 8-8-2023.

"Campuchia có nghĩa vụ thông báo cho ủy ban hỗn hợp biết trước khi tiến hành xây dựng và không bắt buộc phải tham vấn trước hoặc phải có thỏa thuận cụ thể từ các nước thành viên MRC" - Phó thủ tướng Campuchia nói, giải thích rằng kênh đào Phù Nam Techo chỉ sử dụng sông Bassac vốn chỉ là nhánh của sông Mekong.

Ông Sun Chanthol nhắc lại lập trường của Campuchia rằng nước này không lơ là trách nhiệm chia sẻ thông tin chi tiết về dự án Phù Nam Techo cho Việt Nam, cả chính thức và không chính thức. "Nếu các anh cần thông tin đó, vui lòng yêu cầu MRC cung cấp thông tin", ông nhấn mạnh.

Tiếp đó, giải thích về lo ngại kênh đào Phù Nam Techo làm giảm lưu lượng sông Mekong, Phó thủ tướng Campuchia nói rằng dự án chỉ cần 5m3/s, tương đương 0,053% lưu lượng sông. Ông khẳng định kênh đào Phù Nam Techo thậm chí còn góp phần giảm nhẹ lũ lụt ở miền Nam Việt Nam.

"Chúng tôi hướng tới một dự án không chỉ mang lại lợi ích cho Campuchia mà còn cho các nước láng giềng của chúng tôi" - ông nói.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Campuchia cũng nhấn mạnh dự án kênh đào Phù Nam Techo có sự tham gia của nhiều tổ chức như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ban thư ký Ủy hội sông Mekong và Công ty TNHH Tư vấn vận tải Đường thủy CCCC, một công ty con của Công ty Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC).

Trước đó, ngày 5-5, trả lời câu hỏi về việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam "rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia" theo tinh thần của Hiệp định Mekong năm 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy hội sông Mekong và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

"Chúng tôi mong rằng Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong để chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong cùng các biện pháp quản lý phù hợp..." - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ.

Thời gian qua, các lãnh đạo Campuchia khẳng định quyết tâm xây dựng kênh đào Phù Nam Techo, cho rằng dự án sẽ có lợi cho toàn dân. Nước này cũng bác bỏ các lo ngại liên quan đến con kênh, cho biết người dân ủng hộ mạnh mẽ dự án.

Dự án Phù Nam Techo trị giá 1,7 tỉ USD

Trong thông báo vào tháng 8-2023 cho MRC về ý định xây dựng kênh đào Phù Nam Techo, Campuchia cho biết mục đích của dự án là nhằm phục vụ giao thông đường thủy nội địa và kết nối đường thủy.

Thông báo đề cập đến kế hoạch xây dựng một tuyến đường thủy dài 180km, sâu 5,4m, rộng 80-100m, có sức tải tàu 1.000 DWT, sẽ nối thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kep ven biển. Con kênh sẽ có 3 âu thuyền để duy trì mực nước cho tàu bè qua lại và 11 cây cầu bắc qua kênh. Dự án sẽ khởi công vào cuối năm nay với kinh phí dự kiến 1,7 tỉ USD và kênh Phù Nam Techo sẽ hoạt động từ năm 2028.

Việt Nam lên tiếng trước các phát biểu của Campuchia về kênh đào Phù Nam TechoViệt Nam lên tiếng trước các phát biểu của Campuchia về kênh đào Phù Nam Techo

Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ, tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia khi xây kênh đào Phù Nam Techo, nhưng đề nghị phối hợp chia sẻ thông tin về dự án này.

BÌNH LUẬN HAY15

  • Vũ Trung
    Ta không thể cản họ làm điều này được vì đó là lợi ích của quốc gia họ. Nhưng ta bị ảnh hưởng là chắc chắn, còn mức độ ảnh hưởng ra sao thì khi họ làm xong mới biết chính xác. Tóm lại giờ ta phải lo nhà ta, tìm ra phương án để khắc phục những ảnh hưởng. Phải trong thế chủ động đừng để bị động.

Lời kêu cứu từ đất khát - Kỳ 2: Hoa hướng dương nở vàng trên đất cháy

 Thời sự Phóng sự

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 09/05/2024 10:44

Lời kêu cứu từ đất khát - Kỳ 2: Hoa hướng dương nở vàng trên đất cháy

Gạo, lúa mì, bắp, đay và rau là các loại cây trồng quan trọng, phổ biến đối với nông dân Bangladesh.

Đất cằn cỗi bỏ hoang ven biển Bangladesh có thể sẽ được phủ xanh bởi cây hoa hướng dương - Ảnh: Mongabay

Đất cằn cỗi bỏ hoang ven biển Bangladesh có thể sẽ được phủ xanh bởi cây hoa hướng dương - Ảnh: Mongabay

Thế nhưng biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao và nhiều yếu tố khác khiến một khu vực ven biển rộng lớn của Bangladesh vẫn cằn cỗi trong mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 5) do đất canh tác bị nhiễm mặn, trồng cây nào chết cây đó. Nhưng đã có một loài cây đã giúp nông dân vượt qua khó khăn chính là hoa hướng dương.

Sáng kiến trồng hoa hướng dương là tia hy vọng cho người nông dân ở các huyện ven biển, biến đất cằn cỗi thành biển hoa vàng.

BASHIR AHMED

Biến đất hạn mặn thành biển hoa vàng

Anh nông dân Asim Shikhari ở huyện Patuakhali (thuộc phân khu Barisal giáp vịnh Bengal) không thể trồng trọt gì vào mùa khô. Thường anh chỉ làm một vụ trong năm.

Anh trồng lúa mùa Aman vào mùa mưa (gieo vào tháng 6 - 7, thu hoạch vào tháng 11 - 12) rồi bỏ đất hoang vì đất bị nhiễm mặn.

Anh bộc bạch trên trang Mongabay (Mỹ): "Khi tôi thử trồng lúa trên vùng đất mặn này, cây mạ mọc lên chuyển sang màu vàng rồi khô héo. Tôi đã thử vận may trồng dưa hấu, đậu xanh và các loại đậu hạt khô nhưng đều thất bại".

Nhìn thấy thiệt hại do hạn mặn với cây trồng, người dân địa phương đã gọi vùng đất này vào mùa khô là "vùng đất cháy" vì không thể trồng được cây gì. Trong những tháng mùa khô, phần lớn đất đai ven biển trở nên hoang hóa vì nhiễm mặn, do đó sinh kế của nông dân cũng bị ảnh hưởng.

Sau khi các siêu bão Sidr và Aila tấn công miền nam Bangladesh vào năm 2007 và năm 2009 khiến đất trồng trọt nhiễm mặn nhiều hơn do nước biển xâm nhập, các tổ chức phi chính phủ đã cung cấp miễn phí cho nông dân Bangladesh hạt hướng dương và phân bón đồng thời hướng dẫn họ cách thức trồng trọt.

Một trong những tổ chức đó là tổ chức phát triển quốc tế mang tên Ủy ban Phát triển nông thôn Banglsdesh (BRAC). Tổ chức này đã cấp cho anh nông dân Asim Shikhari 12kg hạt giống hướng dương vốn dễ thích nghi với độ mặn của đất.

Anh bắt đầu trồng hoa hướng dương lần đầu tiên trên miếng đất 1,2ha vào mùa khô năm trước. Anh kể lại: "Tôi đã thu hoạch được khoảng 75 maund (2.800kg) hạt hoa hướng dương từ vụ này, bảo đảm thu được khoảng 170.000 taka (1.550 USD)".

Phấn khởi với kết quả đó, trong mùa vụ 2023 - 2024, anh đã mở rộng diện tích trồng hoa hướng dương trên 3,6ha đất. Tương tự như anh, 130 nông dân trong vùng cũng đã trồng hoa hướng dương trên diện tích hơn 40ha.

Bangladesh sản xuất khoảng 46 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm gồm khoảng 39 triệu tấn gạo, 1 triệu tấn lúa mì và 6 triệu tấn bắp ngô.

Theo Bộ Nông nghiệp Bangladesh, trong 8,8 triệu ha đất canh tác có 400.000ha không thể sử dụng được vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân hạn hán và nhiễm mặn.

Viện Phát triển nghiên cứu đất Bangladesh (SRDI) dự báo do biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng cao, khoảng 53% diện tích vành đai ven biển sẽ bị tình trạng nhiễm mặn ảnh hưởng trực tiếp.

Ông Bashir Ahmed - giám đốc dự án thuộc chương trình biến đổi khí hậu của tổ chức BRAC - nhận xét: "Sáng kiến trồng hoa hướng dương là tia hy vọng cho người nông dân ở các huyện ven biển, biến đất cằn cỗi thành biển hoa vàng. Một số nông dân thậm chí còn mong muốn thành lập doanh nghiệp chế biến dầu hướng dương để tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập".

Ông Jashim Uddin ở Cục Khuyến nông giải thích: "Có thể trồng hoa hướng dương trên khắp đất nước, nhưng khu vực ven biển cho năng suất tốt nhất. Những khu vực này có độ mặn cao, vì vậy không thể trồng lúa mùa Boro. Mù tạt cũng không phải là lựa chọn tốt để trồng trên đồng nhiễm mặn, nhưng trồng hoa hướng dương và đậu nành lại là lựa chọn đúng đắn".

Hoa hướng dương có khả năng chịu mặn và phát triển nhanh, tạo thu nhập cho nông dân ven biển Bangladesh - Ảnh: BRAC

Hoa hướng dương có khả năng chịu mặn và phát triển nhanh, tạo thu nhập cho nông dân ven biển Bangladesh - Ảnh: BRAC

Hoa hướng dương giải quyết nhu cầu dầu ăn

Ông Tousif Ahmed Qureshi - giám đốc cấp cao chương trình biến đổi khí hậu của tổ chức BRAC - ghi nhận: "Đất khu vực ven biển và các tầng nước ngầm ở Bangladesh đều có độ mặn cao do hiện tượng nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng.

Ngoài ra, lốc xoáy và sóng thủy triều gây thiệt hại cho đê điều nên nước mặn xâm nhập cản trở sản xuất nông nghiệp". Trong bối cảnh ấy, trồng hoa hướng dương có thể mang lại thu nhập cho nông dân.

Viên chức Ashim Kumar Das - phụ trách nông nghiệp tại thị xã Koyra (huyện Khulna) - giải thích: "Thông thường nhiều vùng đất rộng lớn bị bỏ hoang sau khi thu hoạch lúa mùa Aman và khoảng 1.200 - 1.300ha đất được sử dụng trồng dưa hấu. Năm nay, chúng tôi đã thử đề nghị nông dân trồng hoa hướng dương trên lối đi ruộng dưa hấu".

Báo Bdnews24 (Bangladesh) nhận xét nông dân canh tác hoa hướng dương ngoài tăng thêm thu nhập còn góp phần giải quyết bài toán đáp ứng nhu cầu dầu ăn trong nước. Hạt hoa hướng dương chứa tới 45 - 55% hàm lượng dầu.

Nhu cầu dầu ăn của Bangladesh vào khoảng 2,4 triệu tấn/năm, trong đó chỉ khoảng 300.000 tấn dầu ăn được sản xuất trong nước từ hạt mù tạt, hạt mè, hạt hướng dương và phần còn lại phải nhập khẩu.

Chính phủ đã đưa ra nhiều sáng kiến hướng tới sản xuất 1 triệu tấn dầu ăn vào năm 2025 mà không ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo.

Cục Khuyến nông ghi nhận có ít nhất 0,9 triệu ha đất nhiễm mặn tại các khu vực ven biển và hầu hết chỉ trồng một vụ duy nhất hoặc bỏ hoang. Ước tính nếu canh tác đúng cách, diện tích đất này có thể mang lại từ 1,2 - 1,3 triệu tấn hạt có dầu, cho ra từ 400.000 - 450.000 tấn dầu ăn, tương đương 16% nhu cầu dầu ăn trong nước.

Ông Jashim Uddin tính toán: "Hiện tại đã có 10% nhu cầu dầu ăn được sản xuất. Nếu sản xuất thêm 16%, chúng ta có thể đáp ứng tổng cộng 26% nhu cầu dầu ăn trong nước".

Trồng hoa hướng dương trên vùng đất mặn ven biển không cản trở nông dân trồng lúa mà còn đáp ứng nhu cầu dầu ăn trong gia đình họ hoặc họ còn có thể mang đi bán.

Ông Uddin khẳng định trồng hoa hướng dương tốt hơn trồng đậu nành vì dễ làm ra dầu ăn hơn. Nông dân có thể đem hạt hướng dương tới nhà máy chế biến dầu ăn ở địa phương để làm ra dầu ăn mang về dùng, còn đối với đậu nành thì chưa được.

GS.TS Holly Michael tại Đại học Delaware (Mỹ) là nhà địa chất thủy văn ven biển đã nghiên cứu nước trên bề mặt đất liền và biển trong 25 năm nay. Trên tạp chí The Conversation (Mỹ), bà đã đưa ra một số giải pháp nhằm ngăn chặn nước mặn xâm nhập như sau:

* Hạn chế khai thác nước mặt và bơm nước ngầm.

* Bơm nước thải đã qua xử lý vào các tầng nước ngầm dễ bị tổn thương để tăng lực đẩy đẩy lùi nước mặn xâm nhập.

* Bơm nước ngầm nhiễm mặn hoặc lắp đặt rào chắn ngầm có thể chặn nước mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền.

* Xây dựng đê hoặc duy trì hệ thống cồn cát sạch để ngăn nước mặn từ biển. Phương pháp này có tác dụng ngăn lũ lụt và nước mặn xâm nhập trên bề mặt chứ không phải dưới lòng đất.

Một khi nước ngầm đã nhiễm mặn thì khó có thể loại bỏ muối, lúc đó chỉ có thể xây dựng nhà máy khử muối và chuyển sang trồng cây chịu mặn như hoa hướng dương.

*********

Tại phiên điều trần căng thẳng kéo dài đến tận đêm, Hội đồng quản lý nước của bang California (Mỹ) đã bỏ phiếu áp đặt đóng phí sử dụng nước ngầm. Tình trạng khai thác tầng nước ngầm ở Mỹ đã đến mức báo động. Tại bang Minnesota, nước ngầm cạn kiệt còn liên quan đến món khoai tây chiên.

>> Kỳ tới: Nguồn nước ngầm chết vì khoai tây chiên