Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Thua anh Chí Phèo

(Copy từ http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/chuyen-thuong-ngay/20151030/thua-anh-chi-pheo/993694.html ; đăng ngỳ 30/10/15)

TT - Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố nhà văn Nam Cao, tui thấy người ta nhận xét nhân vật Chí Phèo trường thọ trong đời sống văn học thật là chí lý...

DSCN9977
- Nào chỉ có trường thọ trong đời sống văn học đâu ông, tui thấy anh Chí Phèo hiện diện khắp nơi trong đời sống ngày nay.
- Cái gì? Chí Phèo hiện diện khắp nơi trong cuộc sống hôm nay?
- Chứ sao! Ví dụ nhé: bây giờ ai cũng học theo cái kiểu chửi của anh Chí Phèo! Nghĩa là chửi vung thần táng cả làng Vũ Đại, chửi trời chửi đất, nhưng chẳng cụ thể một ai nên ai cũng nghĩ nó chừa mình ra. Thời nay cũng thế, ông chửi mắng chung chung cứ là vô tư đi, miễn nhớ giùm một điều là đừng cụ thể nhé.
- Ừ, chí lý. Tui còn thấy hình bóng anh Chí Phèo qua cái nạn rạch mặt ăn vạ nữa.
- Nhưng, cũng có một điều của anh Chí Phèo mà người đời nay hiếm ai học được...
- Điều gì vậy ông?
- “Tao muốn làm người lương thiện!”. Thử hỏi có mấy tay lưu manh, mất đạo đức dám dũng cảm thốt ra một câu nói như thế cho chính bản thân mình? Vậy nên, một số người người thời nay còn thua anh Chí Phèo.
Bút Bi

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Nhà trường xin lỗi vì cô giáo đánh học trò bầm tím

Nhà trường xin lỗi vì cô giáo đánh học trò bầm tím

(Copy từ  http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20151030/nha-truong-xin-loi-vi-co-giao-danh-tro-bam-tim/993535.html ; đăng ngày  30/10/15)
TT – Chiều 29-10-15, ông Phạm Văn Hùng, giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên – Huế, đã đến Trường tiểu học Thuận Hòa (xã Hương Phong, thị xã Hương Trà) để chỉ đạo xử lý vụ cô giáo Phạm Thị Thanh Thảo đánh học sinh.

Ngay trong chiều 29-10-15, ông Ngô Cước – hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Hòa – đã tổ chức xin lỗi phụ huynh và học sinh do trước đó (ngày 26-10-15), cô giáo Phạm Thị Thanh Thảo đã dùng thước gỗ đánh nhiều em học sinh đến bầm tím người do viết bài chậm.

Sự việc này khiến nhiều phụ huynh bức xúc, kéo đến trường yêu cầu nhà trường làm rõ. 

Trong chiều 29-10, lãnh đạo cũng đã có kế hoạch họp với cô Thảo cùng đại diện phụ huynh để làm rõ vụ việc nhưng do cô Thảo vắng mặt nên cuộc họp phải tạm hoãn. Ông Phạm Văn Hùng đã chỉ đạo hướng giải quyết đối với vụ việc nói trên.

Theo đó, phía nhà trường phải sớm tìm cách liên lạc với cô Thảo, yêu cầu cô trở lại trường để tường trình sự việc. Đồng thời, buộc cô Thảo phải đến nhà từng phụ huynh để xin lỗi. Ban giám hiệu nhà trường phối hợp với Phòng GD-ĐT thị xã Hương Trà lập hội đồng kỷ luật để đưa ra mức kỷ luật đối với cô Thảo.

Trước mắt, nhà trường cần nhanh chóng điều chuyển giáo viên thay cô Thảo để đảm bảo việc học của học sinh không bị gián đoạn. Nhà trường cũng cần xem xét trách nhiệm của mình trong sự việc trên, phải giải thích và xin lỗi phụ huynh.

“Chúng tôi sẽ theo sát vụ việc này và xử lý nghiêm để đảm bảo niềm tin cho phụ huynh cùng học sinh” – ông Hùng nói.

An Bang

Bốn chiến đấu cơ Mỹ chặn 2 máy bay Nga

Bốn chiến đấu cơ Mỹ chặn 2 máy bay Nga

(Copy từ  http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20151030/bon-chien-dau-co-my-chan-2-may-bay-nga/993805.html ; đăng ngày 30/10/15)

TTO - Lệnh xuất kích được Mỹ đưa ra ngay khi phát hiện hai máy bay ném bom Nga cách tàu sân bay Mỹ ở Thái Bình Dương chỉ một hải lý.

Máy bay ném bom Tu-95 Bear của Nga được máy bay chiến đấu của lực lượng không quân hoàng gia Anh Typhoon hộ tống tháng 9-2014 - Ảnh: CNN
Máy bay ném bom Tu-95 Bear của Nga được máy bay chiến đấu của lực lượng không quân hoàng gia Anh Typhoon hộ tống tháng 9-2014 – Ảnh: CNN
CNN ngày 30-10-15 cho hay vụ việc xảy ra vào sáng ngày 27-10-15 trong vùng biển quốc tế phía đông bán đảo Triều Tiên. Hai chiếc Tu-142 Bear của Nga đã tiếp cận tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ ở độ cao hơn 150 mét. Vào thời điểm đó, chiếc tàu sân bay 100.000 tấn này đang tham gia tập trận với hải quân Hàn Quốc.
Tuyên bố từ Hải quân Mỹ cho biết ngay sau đó 4 chiến đấu cơ được vũ trang F/A-18 Super Hornets từ con tàu được lệnh xuất kích và hộ tống máy bay Nga ra khỏi khu vực.
“Việc máy bay Mỹ hộ tống chiến đấu cơ Nga ra khỏi khu vực hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ là quy trình vận hành tiêu chuẩn. Kiểu tương tác này từng xảy ra trước đây. Nhìn chung, vụ việc vẫn nằm trong giới hạn an toàn” - Trung tá Hải quân Mỹ William J. Marks cho biết, đồng thời nhấn mạnh trước đó Mỹ đã cố gắng liên lạc với các máy bay Nga nhưng không nhận được phản hồi.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ đưa máy bay chặn chiến đấu cơ của Nga. Hồi tháng 7, một sự kiện tương tự cũng đã xảy ra bên ngoài bờ biển California và Alaska. Trước đó 1 tháng, Hải quân Mỹ cũng công bố một video cho thấy máy bay Su-24 của Nga bay theo tàu khu trục trang bị tên lửa USS Ross của Mỹ khi tàu này đi qua vùng biển quốc tế ở biển Đen bên ngoài bán đảo Crimea.
Mỹ cũng đơn phương cáo buộc máy bay Nga nhiều lần tiếp cận phi cơ và máy bay không người lái của Mỹ ở Syria trong tháng trước.
HẢI YẾN

Đi tìm đàm phán trên thế mạnh

Đi tìm đàm phán trên thế mạnh

(Copy từ  http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20151029/di-tim-dam-phan-tren-the-manh/992182.html ; đã đăng ngày 29/10/15)
TT – Nổ lực tạo “sự đã rồi” của Trung Quốc qua kế hoạch “đảo hóa” trên biển Đông đã gặp cú phản đòn cứng rắn nhất từ trước đến nay.

Sau một thời gian dài đồn đoán, hải quân Mỹ đã đưa tàu chiến tiếp cận sát Trường Sa, xung quanh thực thể địa lý Subi. Lãnh nhiệm vụ này là tàu khu trục USS Lassen, thuộc lớp Arleigh Burke.

Từ năm 2009, cách tiếp cận “xác quyết nhưng phi quân sự” mà Bắc Kinh theo đuổi cố gắng che giấu xu hướng “quân sự hóa” tại các khu vực tranh chấp.

Những “nhát cắt nhỏ” và rải đều nhiều hướng khác nhau như tàu cá, giàn khoan, tàu hải giám… khiến đối thủ xót, nhưng không bị sốc và đau đớn kéo dài. Sự xuất hiện của 7 đảo nhân tạo của Trung Quốc làm thay đổi các đánh giá về ý định.

Trên phương diện hậu cần, tiếp vận và tăng cường khả năng chống xâm nhập/chống tiếm cận (A2/AD), các đảo nhân tạo thiếp lập một cuộc chơi mới.

Xu hướng sử dụng đảo này làm các căn cứ trung chuyển, tiếp liệu hay bàn đạp về quân sự là một “tuyên chiến” bán chính thức của Bắc Kinh về khả năng tập hợp, điều phối và sử dụng lực lượng không quân-hải quân tại tranh chấp biển Đông.

Nhiệm vụ của USS Lassen sẽ đóng vai trò như một “phép thử” với các các thực thể địa lý đang được xây mà Trung Quốc gọi là “đảo” tại khu vực Trường Sa của Việt Nam. Thách thức chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông không phải là mục tiêu của Mỹ.

Thiết lập một cuộc chơi theo cách Mỹ đã chơi trong suốt sau thế chiến thứ Hai, hay gần đây nhất là sau chiến tranh Lạnh, mới là ý định. Ý định này được lồng ghép qua bức tranh chiến lược quan hệ cạnh tranh quyền lực.

Một là không để khả năng các đảo nhân tạo này làm cơ sở cho việc triển khai sức mạnh quân sự theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.

Mặc dù Trung Quốc nhiều lần thông báo về việc dừng việc “cải tạo” hay “quân sự hóa”, quá trình này vẫn tiếp diễn, với nhiều hình thức khác, và tăng dần về mức độ.

Ngay tại Subi, hình ảnh vệ tinh mới nhất vào tháng 9-2015 cho thấy một phi đạo với chiều rộng 30 mét và dài 3.300 mét đang được hoàn thành.

Sự hình thành của phi đạo này cho phép Subi trở thành thực thể thứ ba trên khu vực biển Đông có sân bay sau đảo Phú Lâm và Chữ Thập, cho phép các máy bay tiếp tế và chiến đấu như Su-27/30 hay máy bay ném bom JH-7 có thể cất và hạ cánh.

Hai là việc tạo chủ quyền từ một bãi cạn nửa chìm nửa nổi được đắp cát thành hình hải của một hòn đảo thì không có ý nghĩa gì về mặt luật pháp quốc tế, cả về yêu sách chủ quyền, lẫn đòi hỏi về những quyền tài phán khác.

Với chiều dài khoảng 3,7 hải lý, trục ngắn hơn cỡ 2,7 hải lý, bản chất địa lý của Subi là một bãi cạn, mà đánh giá của nhiều tác giả và nhiều nguồn độc lập khác nhau cho rằng nên được phân loại vào dạng nửa nổi nửa chìm.

Theo Công Ước Luật Biển 1982, Subi không được hưởng quy chế lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế. Và vì thế Mỹ có quyền thực hiện quyền tự do hàng hải của mình (đi qua vô hại) tại các vùng biển xung quanh mà không cần có sự xin phép.

Trong thế mạnh khi cán cân quân sự còn chênh lệch, và tính toán được những bất ổn trong nội trị Trung Quốc, đây là thời điểm Mỹ nghĩ rằng có thể “đưa” Trung Quốc vào lại luật chơi.

Sức mạnh quân sự không phải là để tạo nên một cuộc xung đột. Vì người Mỹ hiểu rõ hơn cả cái giá phải trả của chiến tranh, đặc biệt với một cường quốc đang lên.

Hơn nữa, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và ảnh hưởng sâu sắc lẫn nhau về chính trị khiến một cuộc chiến, dù ngắn ngày, đối với cả hai là quá đắt. Thời điểm nội trị của nước Mỹ cũng không cho phép những “phiêu lưu” quân sự khác bên ngoài.

Vì thế đây không phải là một cuộc động binh để dành chiến thắng. Mà là dùng quân sự để tìm tư thế đám phán trên thế mạnh.

Tìm kiếm đàm phán trên tư thế mạnh cần một số bước kế tiếp nhất định. Trong đó, quan trọng nhất là tạo thế răn đe quân sự vừa đủ cho đối phương nóng mặt, mở các kênh ngoại giao để giữ nhiệt vừa đủ nóng nhưng không bốc cháy và thúc đẩy các kênh “thông tin” đồng loạt ra sân.

Mục tiêu của người Mỹ trong ngắn hạn là cho Trung Quốc biết Mỹ đang làm gì và muốn gì. Mục tiêu này đã hoàn thành ngay thời điểm tàu USS Lassen xuất kích.

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (giám đốc Trung tâm , nghiên cứu quốc tế Đại học KHXH&NV, TP.HCM)


Mỹ cứng rắn: Trễ còn hơn không bao giờ

Mỹ cứng rắn: Trễ còn hơn không bao giờ
Copy từ http://phapluattp.vn/the-gioi/phan-tich-binh-luan/my-cung-ran-tre-con-hon-khong-bao-gio-587939.html , đăng ngày - 30/10/15 lúc 07:03; mục Phân tích - Bình luận.
- Sự kiện Mỹ đưa chiếm hạm USS Lassen vào vùng 12 hải lý quanh đá Subi và Vành Khăn - các thực thể bị TQ đơn phương chiếm giữ, bồi đắp và xây dựng trái phép - khiến dư luận quốc tế, gồm cả Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, Úc tỏ thái độ đồng tình.
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện, bày tỏ vui mừng vì sau một thời gian dài Bộ Quốc phòng cố vấn, cuối cùng hải quân Mỹ cũng thực hiện tự do hàng hải trong 12 hải lý quanh các thực thể nhân tạo do TQ kiểm soát trái phép ở biển Đông.
Đã có nhiều ý kiến chỉ trích chính quyền Obama đã quá thận trọng trong suốt những năm qua trước một Bắc Kinh liên tục leo thang không chỉ về mặt tuyên bố yêu sách mà còn cả các hành động ở thực địa.
Thậm chí GS Học viện Hải quân Andrew Erickson còn “chê” Chiến lược An ninh biển vùng châu Á-Thái Bình Dương mà Lầu Năm Góc mới công bố hồi tháng 8-2015 là còn “trung dung” và thiếu sự quyết liệt dù Bắc Kinh đã và đang rất hung hăng, “dùng cơ bắp” chèn ép các láng giềng, trong đó có cả đồng minh của Washington.
Tàu USS Lassen Mỹ điều vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Trường Sa. Ảnh: Navsourc.org
Cứ ngỡ Mỹ sẽ chỉ tuyên bố “tỏ ra quan ngại” mà không hành động cho đến khi Tổng thống Obama hết nhiệm kỳ nhưng cuộc tuần tra lần này dù có ý nghĩa về mặt biểu tượng nhiều hơn là hiện diện sức mạnh cũng là hồi chuông cảnh báo Bắc Kinh, đồng thời mang đến sự an tâm tương đối cho các đồng minh cũng như đối tác của Mỹ.
Dù Lầu Năm Góc chỉ trích Nhà Trắng tuần tra biển Đông quá chậm, để Bắc Kinh có thời gian củng cố lực lượng cũng như các tuyên bố chủ quyền vô lý nhưng đó là một sự chậm trễ “có còn hơn không”.
Hiện chưa có nhiều cơ sở xoay chuyển quan điểm của TQ nhưng sự quay lại của Mỹ dù có trễ nhưng nếu nói nhiều hơn về chuyện các động thái sắp tới mang theo hiện diện sức mạnh chiến lược thì ít ra Obama cũng có thể tiếp tục nói nhiều hơn đến chuyện “tái cân bằng”.
ĐỖ THIỆN

Giải pháp cho kẹt xe ở ngã 6 Gò Vấp

Giải mã kẹt xe ngã 6 Gò Vấp: giải pháp xài liền của dân

(Copy từ http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20151029/giai-ma-ket-xe-nga-sau-go-vap-giai-phap-xai-lien-cua-dan/993151.html; đăng ngày 29/10/15.)

TTO –  Vấn đề khó chịu lớn nhất mà bạn đọc nêu ra ở khu vực này là vào những giờ cao điểm, có những đoạn đường rất ít xe chạy. Và từ khó chịu này, một loạt giải pháp cụ thể, xài được ngay đã được bạn đọc Tuổi Trẻ đưa ra. 

Tìm đường thoát ở khu vực ngã sáu Gò Vấp hướng từ đường Phạm Ngũ Lão đi Nguyễn Oanh chiều tối 16 -10 - Ảnh: Thanh Tùng
Tìm đường thoát ở khu vực ngã sáu Gò Vấp hướng từ đường Phạm Ngũ Lão đi Nguyễn Oanh chiều tối 16 -10 – Ảnh: Thanh Tùng
Diễn đàn của các bạn đọc như nóng lên với câu chuyện giải mã điểm nóng ngã sáu Gò Vấp, xe cộ luôn đông kinh khủng ở khu vực cửa ngõ này gồm hàng loạt tuyến đường trục ra vào khu trung tâm của TP: Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung, Nguyễn Văn Nghi.
Mở Nguyễn Kiệm thành đường hai chiều theo giờ
Hầu hết bạn đọc cho rằng lý do chính dẫn đến ùn ứ tại nút giao thông ngã sáu Gò Vấp là tại hai thời gian cao điểm trong ngày (7g sáng và 17g chiều) lưu lượng xe vào và ra trung tâm thành phố quá lớn, trong khi hai tuyến đường chính để vào, ra là Nguyễn Kiệm, Phạm Ngũ Lão quá nhỏ, không đáp ứng đủ không gian cho các xe di chuyển.
Một phần nhỏ nữa là do giao lộ Nguyễn Văn Công có rất nhiều xe cố ý vi phạm để băng ngang qua đường Nguyễn Kiệm (nếu không có cảnh sát giao thông).
Nhiều đề xuất của bạn đọc đề nghị mở lại đường Nguyễn Kiệm thành hai chiều cho xe máy đoạn từ vòng xoay Phạm Văn Đồng đến ngã tư Phú Nhuận. Có thể mở lưu thông theo giờ cao điểm kẹt xe buổi sáng và buổi chiều.
Cụ thể cho xe máy chạy hai chiều vào buổi sáng từ 4g-13g. Sau đó vẫn một chiều như cũ vì buổi chiều người đi làm về nhà lại kẹt xe tại đây. Buổi sáng đường Nguyễn Kiệm rất vắng.
Lý do theo các bạn đọc phân tích ở khu vực này mọi người đi về trung tâm thành phố nhiều, mà con đường ngắn nhất đi về trung tâm thành phố chính là con đường Nguyễn Kiệm.
Trước đây đường này hai chiều, nhưng nay chỉ cho chạy một chiều. Thay vì phải có một con đường mới song song với đường Nguyễn Kiệm cũ thì lại không có, mà thay vào đó là đường Hoàng Minh Giám nên con đường này luôn đầy ắp xe.
Có bạn đọc còn cho rằng nếu có làm cầu vượt sang đường Hoàng Minh Giám chưa hẳn giải quyết được nạn kẹt xe vì hiện nay nút thắt cổ chai quá nhiều.
Hầu hết ý kiến đề xuất của bạn đọc tập trung nhiều vào việc mở rộng đoạn Nguyễn Kiệm (từ vòng xoay Nguyễn Oanh đến vòng xoay Phạm Văn Đồng) vì cho rằng hai bên vỉa hè này còn rộng, một bên chủ yếu là hàng rào của Bệnh viện 175.
“Việc mở rộng đường Nguyễn Oanh, Nguyễn Kiệm, tính từ vòng xoay 2km là đảm bảo con đường này hết kẹt xe. Ở đây vỉa hè còn rất lớn nên chi phí giải phóng mặt bằng ít” – một bạn đọc khẳng định.
Ngoài ra, bạn đọc cũng cho rằng ngã ba rẽ vào Đào Duy Anh hai bên là vỉa hè của công viên Gia Định, có thể mở rộng để thoát tình trạng nút thắt cổ chai, vì là vỉa hè nên không ảnh hưởng tới cây xanh của công viên nhiều.
Mạnh xe nào xe nấy tìm đường thoát ở khu vực ngã sáu Gò Vấp hướng từ đường Phạm Ngũ Lão đi Nguyễn Oanh chiều tối 16 -10 nhìn từ trên cao - Ảnh: Thanh Tùng
Mạnh xe nào xe nấy tìm đường thoát ở khu vực ngã sáu Gò Vấp hướng từ đường Phạm Ngũ Lão đi Nguyễn Oanh chiều tối 16 -10 nhìn từ trên cao - Ảnh: Thanh Tùng
Giải tỏa và mở rộng các giao lộ
Các bạn đọc cũng cho rằng giải tỏa và mở rộng ở các giao lộ, nơi thắt nút cổ chai là giải pháp tối ưu cho những nơi thường xuyên kẹt xe.
Theo bạn đọc Quốc Tuấn, giải tỏa những điểm thắt như sau: thứ nhất, xin một phần đất quân đội và công viên Gia Định mở rộng một số tuyến đường như Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn, Phổ Quang và các tuyến đường song hành với đường Trường Sơn cùng các cầu vượt hay đường trên cao.
Thứ hai, xây cầu từ Nguyễn Thái Sơn qua sông Vàm Thuật sang đường Vườn Lài, quận 12 sẽ giải tỏa lớn trên ngã sáu Gò Vấp vì sẽ không đi đường vòng trên đường Nguyễn Oanh.
Thứ ba, lấy đất công viên đổi hạ tầng giải tỏa và chi phí xây dựng và mở rộng các tuyến đường. Xây thêm công viên trên đường Vườn Lài, quận 12 hoặc công viên ven sông Vàm Thuật (bờ quận Gò Vấp). Đấu giá đất quận 12 khi có cầu để làm kinh phí.
Một số bạn đọc còn cho rằng ngã sáu Gò Vấp bị khó khăn khi thoát từ trong vòng xoay ra đường Nguyễn Văn Nghi, lúc thoát bị giao cắt với đường Phạm Ngũ Lão làm cho xe trên đường Phạm Ngũ Lão bị dồn ứ.
Giải pháp tốt nhất cho khu vực này là phần tiếp xúc của đường Nguyễn Văn Nghi với vòng xoay quá nhỏ, nếu mở rộng để tăng lượng xe thoát khỏi, vòng xoay sẽ bớt kẹt xe.
Nhiều đề nghị xoay quanh việc giải tỏa mặt bằng, phóng lớn tuyến đường Phạm Ngũ Lão đủ để đáp ứng lưu lượng xe giờ cao điểm. Bố trí một đoạn dải ngăn cách ngăn không để người dân vi phạm luật băng ngang qua đường tại giao lộ Nguyễn Văn Công, Nguyễn Kiệm. Xây dựng thêm cầu vượt bằng sắt theo như kế hoạch để giảm áp lực cho các tuyến đường.
Dù có đi ngay ngắn đúng luồng tuyến thì xe cộ trên đường Phạm Ngũ Lão hướng về ngã sáu Gò Vấp chiều tối 16 -10 cùng dồn một cục - Ảnh: Thanh Tùng
Dù có đi ngay ngắn đúng luồng tuyến thì xe cộ trên đường Phạm Ngũ Lão hướng về ngã sáu Gò Vấp chiều tối 16 -10 cùng dồn một cục – Ảnh: Thanh Tùng
Nên thi công cầu vượt ngã sáu Gò Vấp
Không ít ý kiến bạn đọc cho rằng vẫn nên thi công cầu vượt ngã sáu Gò Vấp có hình chữ Y:  nhánh cầu chính nằm theo hướng đường Nguyễn Oanh – Nguyễn Kiệm dài 234m, rộng 6m và nhánh rẽ theo hướng đường Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Oanh dài 274m, rộng 6m.
Lý giải điều này, bạn đọc cho rằng thực tế cho thấy đường Nguyễn Oanh cộng đường Quang Trung đổ ra (hoặc ngược lại) Nguyễn Kiệm cộng đường Nguyễn Văn Nghi là chính. Lượng người quá lớn. Chỉ có cầu vượt mới đáp ứng được nhu cầu này.
“Nên xây cầu vượt, vừa đỡ tốn diện tích đất lại đỡ kẹt xe. Như vòng xoay ở công viên Gia Định nếu làm cầu vượt thì hay biết mấy chứ vòng xoay thì vẫn kẹt xe dài dài” – bạn đọc Nguyễn Thị Thanh Phượng góp ý.
Bạn đọc Đào Hoàng Ân lại cho rằng “nên làm thêm một tuyến đường trên cao nối dài từ công viên Gia Định qua vòng xoay Phạm Văn Đồng kéo dài hết Nguyễn Kiệm đi qua Bệnh viện 175 về tới Nguyễn Oanh. Con đường trên cao này sẽ giảm áp lực cho cả hai vòng xoay. Cho xe đi trên đó một chiều về Gò Vấp thôi thì Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Thái Sơn không cần mở rộng thêm”.
Điểm nóng kẹt xe ngã sáu Gò Vấp (quận Gò Vấp): thực trạng và giải pháp đề xuất - Đồ họa: Việt Thái - T.Thiên
Điểm nóng kẹt xe ngã sáu Gò Vấp (quận Gò Vấp): thực trạng và giải pháp đề xuất – Đồ họa: Việt Thái – T.Thiên
Võ Hương

Bí thuật phòng the của mỹ nhân xưa

Bí thuật phòng the của mỹ nhân xưa

(Copy từ http://kienthuc.net.vn/tham-cung/giat-minh-bi-thuat-phong-the-tao-bao-cua-my-nhan-xua-580289.html?ref=yfp, mục Thâm cung , đăng ngày 28-10-15  - Nội dung mơ hồ, tránh né những chi tiết chính xác,; đề tài này lâu lâu được các báo xào đi xào lại với các tựa giật gân để câu khách.)
Thời nay, người ta vẫn tò mò về những bí thuật phòng the táo bạo của các mỹ nhân xưa. Đó luôn là điều bí ẩn trong lịch sử loài người.
Nghệ thuật phòng the của mỹ nhân Trung Hoa
Dương Quý Phi là một trong tứ đại mỹ nhân trong lịch sử Trung Quốc được người đời sau nhắc tới như biểu tượng sắc đẹp của phụ nữ đời Đường. Tương truyền rằng khi “cung cấm” có dấu hiệu của tuổi tác, Dương Quý Phi đã dùng rất nhiều loại thuốc chiết xuất từ thiên nhiên như: Tinh dầu hoa nhài, dầu cây trinh nữ, tinh dầu huân y thảo, dầu đương quy, xà sàng tử,… để giúp thu hẹp “động thiên thai” của mình. Đặc biệt bà rất thích ăn trái vải do loại quả này có dược tính làm cho thể lực kiện khang. Vì thế, bà đã luôn giữ được khí sắc tuyệt vời và có tài chiều vị vua đáng kính của mình, không bao giờ bị thất sủng.
Bên cạnh đó, thuật “Hấp tinh đại pháp” - một cẩm nang tuyệt kỹ cho “bí thuật phòng the” nhưng lại thường được nhắc tới trong các bộ phim kiếm hiệp, cũng là bí kíp của mỹ nhân Trung Hoa xưa. Có nhiều câu chuyện xung quanh loại bí thuật kỳ lạ này, điển hình là tích truyện về nàng Hạ Cơ và phép hấp tinh của Cố Tiên Nương. Thực ra, bí mật này là phương pháp thái âm bổ dương, tức là dùng âm khí để bồi bổ cho dương khí. Điều này sẽ giúp cho người nam sau khi quan hệ trở nên khỏe mạnh, sinh lực dồi dào.
Theo Cố Tiên Nương, chuyện chăn gối phải có sự hòa hợp từ cả 2 phía. Sau khi người nam xuất tinh, người nữ phải lựa thế, dùng kỹ thuật đặc biệt giúp cho đàn ông già hóa trẻ, tinh thần phấn chấn, sảng khoái hơn bất cứ thứ thuốc bổ nào.
Bí kíp phòng the của người Ai Cập
Người Ai Cập có kiến thức rất chuyên sâu về vấn đề phòng the nếu xét ở góc độ y học. Từ hàng ngàn năm nay, những bí quyết về việc cải thiện sức khỏe tình dục, phòng bệnh lây qua đường tình dục đã được ghi lại trong những văn tự cổ. Thậm chí, họ còn xác định rõ được "điểm yếu của phái mạnh" là do vi khuẩn lây qua đường tình dục gây chứng yếu sinh lý, bất lực ở nam giới.
Đặc biệt, đỉnh cao của người Ai Cập chính là tìm ra cách quan hệ an toàn. Đây cũng là nơi, các phụ nữ đã phát minh ra cách tránh thai đầu tiên trên thế giới.
Cụ thể, họ đã pha một hỗn hợp keo (nhựa của một loài cây) có đặc tính diệt tinh trùng với mật ong và một số thành phần thực vật khác, đem làm ẩm chúng và đặt vào âm đạo để ngăn tinh trùng vào tử cung.
Bí mật chốn phòng the của người Ấn Độ
Kamasutra là một cuốn sách cổ Ấn Độ, viết bằng tiếng Phạn của thiền sư Bà la môn - Mallanaga Vatsyayana. Theo các nhà nghiên cứu, cuốn sách này hướng con người ta tới sự hòa hợp âm dương về thể xác lẫn tinh thần chứ không đơn giản là trong chuyện chăn gối.
Giat minh bi thuat phong the tao bao cua my nhan xua
Đặc biệt, phần lớn nội dung Kamasutra cung cấp kiến thức về cấu tạo cơ thể, đề cập tới diễn biến tâm lý của cả nam - nữ trước và sau khi làm “chuyện ấy”. Hình tượng nam và nữ được đề cập trong Kamasutra vô cùng hiện đại, tiến bộ. Do đó, xuyên suốt nội dung của mình, từ các tư thế yêu cho tới bí quyết hành xử khi đang yêu, Kamasutra đều khẳng định, nhấn mạnh sự hòa hợp, đồng cảm và chủ động từ cả hai giới nam, nữ.
Chuyện phòng the của người Nhật Bản
Dù không có nhiều tài liệu về chuyện phòng the của mỹ nữ Nhậ Bản, tuy nhiên những bức tranh mô tả về chuyện tình dục của người Nhật cổ xưa cũng được minh họa qua tranh Shunga.
Shunga miêu tả rất sinh động và tỉ mỉ những tập quán tình dục của người Nhật, bao gồm cả các thể loại như dị tính luyến ái, lạm dụng tình dục trẻ em, mối tình đồng giới nam - nam, nữ - nữ. Thậm chí cho tới ngày nay, Shunga vẫn để lại những ảnh hưởng vô cùng sâu sắc tới ngành công nghiệp tình dục của Nhật Bản.
Theo Một Thế Giới

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Cây bút biếm của Tuổi Trẻ Cười Đông Ki-Rét từ trần

Cây bút biếm của Tuổi Trẻ Cười Đông Ki-Rét từ trần

(Copy từ http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20151028/cay-but-biem-cua-tuoi-tre-cuoi-dong-kiret-tu-tran/992665.html ; đã đăng ngày 28/10/15)
TTO - Nhà thơ Trần Từ Duy, người được biết nhiều với bút danh Đông Ki-Rét, đã từ trần lúc 9g55 ngày 28-10-15(nhằm ngày 16-9 năm Ất Mùi), hưởng dương 57 tuổi, tại TP.HCM.
Chân dung cây bút biếm Đông Ki-Rét qua nét bút của họa sĩ Lan Vo
Chân dung cây bút biếm Đông Ki-Rét qua nét bút của họa sĩ Lan Vo
Nhà thơ Trần Từ Duy tên thật là Trần Văn Lĩnh, sinh ngày 23-3-1958 tại huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Nhiều người biết đến ông qua bút danh Đông Ki-Rét và Giáo sư tiến… tới hệ tại chức ký ở các tiểu phẩm trào phúng trên báo Tuổi Trẻ Cười từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Nhưng trong giới văn nghệ sĩ ông nổi tiếng là một nhà thơ. Tập thơ đầu tay mang tên Kẻ đa tình.
Nhà thơ Trần Từ Duy từ trần lúc 9g55 ngày 28-10-2015. Lễ nhập quan lúc 19g ngày 28-10 tại nhà riêng (số 44 Trần Văn Danh, Q.Tân Bình, TP.HCM). Lễ động quan vào lúc 6g sáng thứ bảy ngày 31-10-2015, an táng tại nghĩa trang chùa Tân Quy, thị trấn Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong thời gian cộng tác với báo Tuổi Trẻ Cười (TTC), ông có nhiều đóng góp cho tờ báo trong khâu nội dung, tổ chức trang mục, đánh dấu một giai đoạn phát triển của báo. Cuộc đời ông gắn kết với chất trào lộng, và sáng tác những câu chuyện tiếu lâm hài hước về thời cuộc kể hoài không biết chán trong những buổi trà dư tửu hậu cùng bạn bè.

Ông là người yêu quý Câu lạc bộ Họa sĩ Biếm của báo TTC, luôn quan tâm tới đội ngũ họa sĩ biếm TTC và tài trợ các buổi họp mặt của câu lạc bộ.

Ông còn là nhà tài trợ chính cho các chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ” giúp các em học sinh nghèo học giỏi ở Quảng Nam có cơ hội đến trường, đến nay đã được 10 năm…

Sự đóng góp của ông trong sự nghiệp phát triển tờ báo Tuổi Trẻ Cười nhất là sự đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ trong trong những năm qua luôn được Ban Biên tập ghi nhận và yêu quý.

Đối với các đồng nghiệp và bạn bè trong làng văn làng báo ông là một người bạn năng nổ và đa tài cũng như hào phóng! Ông cũng là người thành công trong việc kinh doanh ẩm thực với nhà hàng Đất Sét ở Q.10 và sau này là quán Cối Xay Gió ở Q.3.

Nhà thơ Trần Từ Duy người mà nhà thơ Bùi Giáng lúc còn sống thường gọi thân mật một cách hóm hĩnh: Trần Từ Duy tức là… Duy Từ Trần! Không ngờ những lời nói đùa ấy bây giờ lại vận vào ông.

Xin thắp một nén hương tưởng nhớ đến ông - một nhà thơ tài hoa, một nhà báo trào phúng, một người bạn chân tình trong làng văn nghệ sĩ thành phố.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Truy tố ba bị can vụ thảm sát Bình Phước hai tội danh

Truy tố ba bị can vụ thảm sát Bình Phước hai tội danh
Copy từ http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20151028/truy-to-ba-bi-can-vu-tham-sat-binh-phuoc-hai-toi-danh/992791.html , đăng ngày 28/10/15, mục Pháp luật.
Ngày 5­-7-15, Dương cùng Thoại đi cướp giết, nhưng bất thành. Thoại đổi ý, không đi nữa. Dương rủ Tiến tham gia. Ngày 7­7-15, Dương và Tiến đột nhập nhà các nạn nhân và lần lượt giết hại sáu người.
Bị can Dương được dẫn giải vào căn biệt thự để tiến hành thực nghiệm lại vụ án - Ảnh: Tuấn Duy
Ngày 28­-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Đức Xuân, viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Phước, cho biết đã hoàn tất cáo trạng vụ thảm sát sáu người trong một gia đình tại huyện Chơn Thành gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Ông Xuân cho biết đang làm các thủ tục để chuyển cáo trạng và hồ sơ vụ án sang TAND tỉnh Bình Phước xét xử theo pháp luật.
Dự kiến chiều thứ tư tuần tới (ngày 4­-11-15), Viện KSND tỉnh Bình Phước sẽ họp báo công bố nội dung của cáo trạng.
Truy tố hai tội danh
Ông Lê Đức Xuân cho biết viện KSND tỉnh Bình Phước đồng ý với kết luận điều tra của Công an tỉnh, truy tố ba bị can về tội “giết người” và “cướp tài sản”. Các bị can bị truy tố theo khoản 1 điều 93 và điều 133 Bộ Luật Hình sự. Theo nội dung của khoản 1, điều 93 quy định về "tội giết người", các bị can sẽ đối mặt với mức án cao nhất là tử hình.
Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bình Phước thống nhất với kết luận điều tra xác định trong vụ án này chỉ liên quan tới ba bị can: Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang, tạm trú tại huyện Hóc Môn, TP.HCM), Vũ Văn Tiến (tên gọi khác là Bé, 24 tuổi, nguyên quán Bình Phước, tạm trú tại huyện Hóc Môn, TP.HCM) và Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long, tạm trú tại Q.Gò Vấp, TP.HCM).
Quá trình điều tra, truy tố các bị can này lâu hơn bình thường do đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, lúc đầu chỉ có hai bị can,sau đó mới xuất hiện bị can thứ ba nên các cơ quan tố tụng phải củng cố lại lời khai, chứng cứ, làm lại lý lịch bị can ...
Dương (người đứng, bên phải) cùng Tiến (người đúng, bên trái) thực nghiệm hành vi khống chế các nạn nhân tại phòng ngủ trên lầu - Ảnh: Tuấn Duy
Vụ án man rợ
Theo ông Lê Đức Xuân, cáo trạng xác định Nguyễn Hải Dương là người chủ mưu trong vụ án này và đã có kế hoạch chuẩn bị rất bài bản để thực hiện hành vi phạm tội. Hai bị can còn lại là Vũ Văn Tiến đã trực tiếp hỗ trợ, tham gia cùng với Dương giết chết sáu người trong đêm 7­7. Còn bị can Trần Đình Thoại đã đi cướp giết cùng Dương trước đó nhưng bất thành.
Kết quả điều tra cho thấy Nguyễn Hải Dương quen biết Lê Thị Ánh Linh (nạn nhân trong vụ án) thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động, đã nhiều lần về nhà Linh chơi nhưng sau đó hai người đã chia tay. Cho rằng bị mẹ của Linh đã ngăn cản nên Dương nảy sinh ý định giết cả gia đình của Linh rồi sau đó sẽ tự tử.
Để thực hiện âm mưu của mình, Dương mua một số hung khí rồi rủ Trần Đình Thoại đi gây án với lý do Dương “bịa” ra là góp tiền mua gỗ cao su với bố của nạn nhân Linh nhưng không được trả nên phải cướp lại.
2g sáng 5­-7-15, Dương và Thoại chở nhau từ TP.HCM mang theo hung khí tới Bình Phước để ra tay. Nhưng khi tới nơi, Dương nhắn tin và gọi cho Dư Minh Vỹ (14 tuổi, nạn nhân của vụ án, là người bị Dương dụ ra mở cổng) nhiều cuộc mà Vỹ không trả lời nên cả hai bị can đành đi về.
Hôm sau, Thoại đổi ý không tiếp tục đi gây án cùng Dương nên Dương đã rủ Vũ Văn Tiến tham gia.
Vào đêm 7­-7-15, Dương và Tiến đột nhập nhà các nạn nhân và lần lượt giết hại sáu người gồm: ông Lê Văn Mỹ (47 tuổi, chủ công ty gỗ Quốc Anh), bà Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (42 tuổi, vợ ông Mỹ), Lê Quốc Anh (15 tuổi, con trai của ông Mỹ và bà Nga) bị giết chết tại tầng trệt căn biệt thự. Lê Thị Ánh Linh (20 tuổi, con gái của ông Mỹ và bà Nga, là người yêu cũ của Dương) và Dư Ngọc Tố Như (18 tuổi, cháu của bà Nga) bị giết chết trên lầu.
Còn Dư Minh Vỹ (14 tuổi, cháu của bà Nga) bị giết chết ngay gần tường rào ngoài cổng. Trong đó, Dương đã trực tiếp dùng dao đâm, còn Tiến là đồng phạm giúp Dương khống chế các nạn nhân.
Duy nhất con gái út của ông Mỹ là Lê Thị Gia Linh (tên thường gọi bé Na, 22 tháng tuổi) khi thấy bé khóc, Dương không giết hại mà dỗ cho bé ngủ rồi rời khỏi hiện trường.
Theo ông Lê Đức Xuân (ảnh), Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Phước, vụ án này sẽ được đưa ra xét xử công khai - Ảnh: Bùi Liêm
Sẽ xét xử công khai
Theo ông Lê Đức Xuân, tới nay cả ba bị can Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại đều đã được chỉ định luật sư bào chữa.
Sau khi tống đạt cáo trạng tới các bị can và gửi tới các cơ quan liên quan, dự kiến vụ án sẽ được đưa ra xét xử công khai để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa tội phạm.
Tuy nhiên, về địa điểm có xét xử lưu động tại huyện Chơn Thành (gần nơi xảy ra vụ án) hay không còn tùy thuộc phương án đảm bảo an ninh trật tự của địa phương nên chưa có quyết định cụ thể.
Theo kết quả giám định, hai bị can Dương và Tiến đã cướp được 5 chiếc điện thoại, 1 iPad, 1 máy tính xách tay và hơn 4 triệu đồng có tổng giá trị hơn 49,2 triệu đồng.
Khi xảy ra vụ án, trong nhà các nạn nhân còn có hơn 1,7 tỷ đồng nhưng các bị can đã không tìm thấy.
Bá Sơn - Bùi Liêm

Lại tranh cãi nên tách hai kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học

Lại tranh cãi nên tách hai kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học
Copy từ http://laodong.com.vn/xa-hoi/lai-tranh-cai-nen-tach-hai-ky-thi-tot-nghiep-va-thi-dai-hoc-391407.bld#FeedbackForm , đăng ngày 28/10/2015 , mục Xã hội.
GS Lâm Quang Thiệp (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, khi nhìn nhận về kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua đã có không ít bất cập. Theo ông, Bộ GDĐT đã khá “ôm đồm” trong việc tổ chức kỳ thi, khiến chất lượng kỳ thi giảm, không đạt được mục tiêu.
Sáng 28.10.15 tại Hà Nội, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ tổ chức hội thảo về thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Nhiều chuyên gia giáo dục hàng đầu đã có mặt để “mổ xẻ” những bất cập vừa qua của kỳ thi THPT Quốc gia. Theo đó, phần lớn ý kiến đều cho rằng Bộ GDĐT cần thay đổi phương thức thi vào năm 2016, không nên “trộn” hai kỳ thi vào làm một và để cho các trường ĐH tự chủ hoàn toàn về kỳ thi này.
GS Lâm Quang Thiệp cho rằng, tổ chức kỳ thi với cả hai mục tiêu khiến bộ GDĐT “ôm” hết việc vào mình. “Bộ GDĐT nên để cho sở GDĐT phụ trách phần thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó tập trung cho kỳ thi ĐH thật sự chất lượng trên cơ sở các trường ĐH tự chủ tuyển sinh. Bộ cũng không nên quy định điểm sàn vì mỗi trường đào tạo theo yêu cầu riêng của họ, “sàn” cả nước chính là tốt nghiệp THPT! Nếu theo phương án này bộ sẽ đỡ khổ!” – ông nói.
Đồng quan điểm, PGS Văn Như Cương (Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) chia sẻ, ông khá hoang mang khi kỳ thi “ngốn” quá nhiều sức lực của Bộ, các sở, trường, giáo viên và cả thí sinh. Ba mục tiêu giảm nhẹ căng thẳng, bớt áp lực tài chính và trường chọn được TS mà bộ đặt ra, theo ông đều chưa đạt được qua kỳ thi.
“Kỳ thi 2 trong 1 là 2 +1 hay 2 “quấn quýt” 1? Tích hợp là như thế nào? Ba củ su hào, cà rốt, cà chua cho vào một túi ni lông hay thái ra thành món súp thì mới gọi là tích hợp, đủ cơ sở để phân loại TS hay không? Tôi nói một ví dụ rất đơn giản, nếu cấu trúc đề thi là 10 câu, trong đó 60% câu hỏi cơ bản, 40% câu hỏi phân hóa dùng để xét tuyển ĐH. Cùng một bài thi 6 điểm, bộ sẽ đánh giá năng lực TS như thế nào với một bài được 6 điểm theo kiểu 6 + 0 và bài thứ hai là bài 4 + 2?” – ông nêu dẫn chứng.
Nhà giáo Văn Như Cương mạnh dạn đề xuất Bộ nên trả lại kỳ thi ĐH cho các trường tự chủ tuyển sinh. Ảnh: D.H
Còn theo ông Võ Thế Huân, kỳ thi chung này không khác gì bị “ép duyên” với nhau. Các trường ĐH tự nhiên phải “gánh” thêm việc là lo tốt nghiệp THPT cho TS, điều này không đảm bảo đúng phân cấp trong quản lý TS. “Tôi chưa bao giờ thấy kỳ thi nào kéo dài trong vòng 1 tuần như thế này, gây xáo trộn cuộc sống của nhiều gia đình, sự ảnh hưởng không nhìn thấy là năng suất LĐ, thời gian LĐ của toàn XH trong một thời gian như vậy!” – ông nói.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng Bộ nên mạnh dạn xem lại cách thức thi và nếu cần thiết, dù có phải tách hai kỳ thi một lần nữa. Theo nhà giáo Văn Như Cương, nên xét lại hai kỳ thi nhưng với quan điểm khác. Đó là: Kỳ thi THPT giao cho sở GDĐT và thi nhẹ nhàng, còn với xét tuyển ĐH, nên giao quyền tự chủ cho các trường, tùy theo nhu cầu đào tạo ngành nghề để các trường lựa chọn cách xét tuyển phù hợp.
Đề xuất bỏ điểm sàn, TS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng cho rằng, cần để TS chọn trường phù hợp theo kiểu tự chủ ĐH, thi theo yêu cầu bộ môn của trường thì sẽ hợp lý, đỡ tốn kém đi lại hơn. Ông Võ Thế Huân đồng tình với việc, nếu bộ vẫn tiếp tục kỳ thi chung, nhất thiết phải điều chỉnh bất cập của kỳ thi vừa rồi. Còn lại, nên nghĩ đến việc phân cấp thi tốt nghiệp THPT cho sở GDĐT. Với tuyển sinh ĐH, cần trả lại kỳ thi này cho các trường ĐH. Các trường sẽ tự quyết định thời gian, phương thức tuyển sinh, bộ chỉ thanh kiểm tra và giám sát thi, duyệt chỉ tiêu các trường.
Về tự chủ tuyển sinh, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT), cho hay, bộ không hề ép buộc các trường phải lấy kết quả thi để xét tuyển mà trường hoàn toàn có thể có phương án tuyển sinh riêng. “Vừa rồi đã có hơn 200 trường ngoài việc dựa một phần vào kết quả thi còn thêm nhiều hình thức tuyển sinh khác, Bộ không ngăn thậm chí còn giúp sức. Chúng tôi rất muốn hệ thống các trường ĐH tự lực được công tác tuyển sinh của mình, để chúng tôi cũng không phải vất vả như thế này! Các trường ĐH một phần chưa sẵn sàng, một phần chưa đủ lực để tự chủ tuyển sinh” – ông Trinh nói
Dương Hà

2 Thủ trưởng cơ quan điều tra bị xử lý vì để xảy ra bức cung, nhục hình

2 Thủ trưởng cơ quan điều tra bị xử lý vì để xảy ra bức cung, nhục hình
Copy từ http://laodong.com.vn/chinh-tri/2-thu-truong-co-quan-dieu-tra-bi-xu-ly-vi-de-xay-ra-buc-cung-nhuc-hinh-391281.bld , đăng ngày 28/10/2015, mục Chính trị.
Sáng 28.10.15, trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.
Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, năm 2015, số vụ án khởi tố mới là hơn 75 nghìn vụ, với hơn 109 nghìn bị can, giảm cả về số vụ và số bị can so với năm trước. Có hơn 115 nghìn đơn tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, lực lượng Công an đã xử lý đạt tỷ lệ hơn 91%.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đọc báo cáo trước Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, năm 2015, số vụ án khởi tố mới là hơn 75 nghìn vụ, với hơn 109 nghìn bị can, giảm cả về số vụ và số bị can so với năm trước. Có hơn 115 nghìn đơn tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, lực lượng Công an đã xử lý đạt tỷ lệ hơn 91%.
Có 4.452 băng nhóm tội phạm bị triệt phá. Tỷ lệ điều tra khám phá về tội phạm về trật tự xã hội đạt hơn 78%, trong án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng điều tra được hơn gần 92%. Bắt và vận động đầu thú được 9101 đối tượng bị truy nã, trong đó có 2063 đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm.
Các vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã được lãnh đạo Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo, điều tra khám phá kịp thời tạo niềm tin cho nhân dân, như các vụ thảm án xảy ra ở Bình Phước (6 người bị sát hại), Nghệ An (4 người bị sát hại) và Yên Bái (4 người bị sát hại)...Cơ quan điều tra các cấp đã điều tra đã thụ lý hơn 98.857 vụ án, với 157.885 bị can, giảm cả về số vụ và số bị can; Cơ quan Công an đã kết luận điều tra chuyển Viện KS truy tố 67.791 vụ 118.693 bị can, giảm cả về số vụ và số bị can.
"Hầu hết các vụ án, kinh tế tham nhũng đặc biệt là những vụ án thuộc diện theo dõi của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng theo dõi chỉ đạo đã được các cơ quan điều tra các cấp khẩn trương điều tra, kết luận, chuyển hồ sơ sang VKS truy tố. Đồng thời phát hiện tiếp tục điều tra làm rõ những vụ án kinh tế, tham nhũng lớn được dư luận quan tâm như vụ xảy ra ở Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương, Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu khí toàn cầu..." - Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, qua công tác điều tra cho thấy thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn, tội phạm giết người trong xã hội còn chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt thời gian gần đây xảy ra một số vụ thảm án gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Tội phạm mua bán người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng có chiều hướng gia tăng.
Về xử lý lực lượng Công an khi có vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra cũng được xử lý nghiêm minh. Năm 2015 lực lượng công an đã xử lý 26 điều tra viên vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, có 2 điều tra viên bị truy tố. Xử lý kỷ luật 2 thủ trưởng cơ quan điều tra vì để xảy ra bức cung, nhục hình.
Phát hiện 5 người kê khai tài sản không trung thực
Cũng trong buổi sáng cùng ngày, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015 trước Quốc hội. Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngành Thanh tra đã phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 46 vụ so với năm 2014) với số tiền 40,7 tỷ đồng. Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 351 vụ án, 813 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 178 vụ, 317 bị can. Con số này so với cùng kỳ năm trước giảm 61 vụ). Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 323 vụ, 806 bị can về các tội danh tham nhũng, truy tố 310 vụ, 697 bị can, so với năm 2014 giảm 19 vụ.
Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 260 vụ, 577 bị cáo về các tội danh tham nhũng (giảm 27 vụ so với năm 2014), số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 18,5%. "Đặc biệt là nhiều bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân (7 bị cáo) thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý tội phạm về tham nhũng, được dư luận đồng tình, ủng hộ" - ông Tranh cho biết.
Cũng theo ông Huỳnh Phong Tranh, năm qua đã có 46 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng đã bị xử lý trong đó 4 người bị xử lý hình sự; 37 người bị xử lý kỷ luật với các hình thức cách chức, khiển trách, cảnh cáo; 5 người đang xem xét các hình thức xử lý. Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2015 gây thiệt hại trên 950 tỷ đồng và 9.887 m2 đất; Cơ quan chức năng đã thu hồi được trên 505 tỷ đồng, đạt 55,8% và thu hồi được 2.887 m2 đất (đạt 29,2%).
Về tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập trong năm đạt 99,5%. Số bản kê khai đã công khai đạt tỷ lệ 98,3%. Có 1.225 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập, trong đó phát hiện 5 người kê khai không trung thực; đã tiến hành xử lý kỷ luật 2 người.
Phi Long

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Thơ Trần Nhã Thụy

Thơ Trần Nhã Thụy
Những ngày đau cần một chút dịu dàng
Copy từ http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/van-hoc-sach/20151025/tho-tran-nha-thuy-nhung-ngay-dau-them-mot-chut-diu-dang/990949.html , đăng ngày 25/10/15, mục Văn hóa - Giải trí.
Những ngày lạnh thèm một màu nắng ấm / Những ngày đau thèm một chút dịu dàng / Em vắng mãi biết ngày nào trở lại / Gượng dậy rồi, ngồi thở những tàn phai.
Ành tư liệu
Dựa
Buổi sáng anh dựa vào con mà thức dậy
Ngày anh dựa vào bè bạn mà đi
Đêm anh dựa vào người tình mà ngủ
Đời toàn sống dựa
Anh dựa vào không khí
Anh dựa vào đất đai
Anh dựa vào những cuốn sách
Anh dựa vào những niềm tin
Dựa vào cả những điều mà anh biết là không thật
Dựa vào quá khứ
Dựa tới tương lai
Nhưng những lúc thật sự một mình, anh biết dựa vào ai?
Biết dựa vào ai, ngoài bản thân mình
Anh dựa vào mình để sống với con
Anh dựa vào mình để sống với em
Anh dựa vào mình để sống cùng bè bạn
Anh dựa vào mình để thêm lần xác tín lý do tồn tại trên cõi đời này
Anh là ai mà dám dựa vào chính mình?
Câu hỏi không một bậc minh triết nào đáp nổi
Chỉ riêng anh mới tự trả lời
Dựa vào mình
Anh sống và yêu
Ca ngợi bánh tráng
Khó hơn cả ngồi thiền
Đó là
Nướng bánh tráng
* * * *
Ngồi trước một lò than
Xoay mỏng manh vành vạnh
Không quá chậm, không quá nhanh
Trở liên hồi như thở
Bánh dở
Nếu nướng chín không đều
Bánh dở
Nếu chỉ chín mà không thơm
Nhưng nên nhớ
Quá lửa
Mùi thơm sẽ hóa khét
* * * *
Nghệ thuật nướng bánh tráng
Luyện bảy kiếp mới thành
Khó hơn cả ngồi thiền
Đó là
Ăn bánh tráng
* * * *
Bẻ từng miếng giòn rụm
Bỏ vào miệng rồi nhai
Nghe sao mà dễ ợt
Nhưng không phải
* * * *
Bẻ mạnh bánh nát vụn
Nhai mạnh ồn lỗ tai
Nuốt nhanh đau cuống họng.
* * * *
Nghệ thuật ăn bánh tráng
Luyện chín kiếp mới thành
* * * *
Tay vuốt vào vành vạnh
Bẻ thật nhẹ và nhanh
Trước khi đưa vào miệng
Hít một hơi ngon lành
Bỏ nhanh vào trong miệng
Nhưng thật chậm khi nhai
Trong khi nhai bằng răng
Nhớ trộn thêm nước miếng
Trộn thêm chút nhớ nhung
Trộn thêm màu kỷ niệm
* * * *
Nhắm mắt và quán tưởng
Đang ngồi ở quê nhà
Trên thềm hè gió mát
Bên tai nghe tiếng hát
Trong tim nghe tiếng bánh tráng giòn tan
Vị bánh tráng ngon muốn … la làng
* * * *
Khó hơn cả ngồi thiền
Đó là
Làm một bài thơ ca ngợi bánh tráng.
* * * *
Hai câu
Ngồi trên mặt đất ban chiều
Trần chân xin cỏ một liều giảm đau
Bamboo Village Resort & Spa, Mui Ne, Vietnam
* * * *
Em ơi, anh muốn lên rừng
Sống như con khỉ chưa từng Đác Uyn
* * * *
Thế gian này lắm chiêu trò
Sao ta không thử giả đò thương nhau
* * * *
Another face from yemen
Kiếp này kiếp trước kiếp sau
Con người con chó con trâu vẫn mình
* * * *
Anh về nương náu buổi chiều
Định châm điếu thuốc, sợ nhiều khói cay.
* * * *
Eastern mysticism
Tàn Phai
Những ngày lạnh thèm một màu nắng ấm
Những ngày đau thèm một chút dịu dàng
Em vắng mãi biết ngày nào trở lại
Gượng dậy rồi, ngồi thở những tàn phai.
Trần Nhã Thụy
Yemeni bride costume

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

Tác giả bài thơ 'Buổi sáng': Phan Huyền Thư hãy xin lỗi độc giả

Tác giả bài thơ 'Buổi sáng': Phan Huyền Thư hãy xin lỗi độc giả
Copy từ http://www.tienphong.vn/van-nghe/tac-gia-bai-tho-buoi-sang-phan-huyen-thu-hay-xin-loi-doc-gia-923130.tpo ,đăng ngày 19/10/15, mục Văn nghệ.
Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan mong muốn được nghe lời xin lỗi từ Phan Huyền Thư - tác giả bị nghi ngờ đạo thơ của chị. Tác giả bài thơ 'Buổi sáng' còn cho biết, đã nhiều lần bị các tác giả "cầm nhầm" tác phẩm thơ của mình. Thậm chí, còn bê nguyên một bài thơ đăng trên nhật báo.
Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan
Bài thơ Bạch lộ in trong tập Sẹo độc lập (phát hành năm 2014) của Phan Huyền Thư vừa bị phát hiện có nhiều câu, chữ, tứ thơ tương đồng với tác phẩm Buổi sáng của tác giả Phan Ngọc Thường Đoan.
Trước nghi vấn đạo thơ, Phan Huyền Thư giữ im lặng. Hội nhà văn Hà Nội - nơi vừa trao giải cho tập thơ Sẹo độc lập - cho biết, họ đang chờ giải trình của Phan Huyền Thư nên chưa đưa ra bình luận gì.
Chia sẻ với PV, tác giả Phan Ngọc Thường Đoan thể hiện rõ quan điểm về sự việc.việc.
Khi biết bài thơ "Bạch lộ" của Phan Huyền Thư rất giống sáng tác của chị, chị phản ứng thế nào?
Tối 18/10/15, nhà báo Hà Quang Minh gọi điện thoại cho tôi để chia sẻ về việc anh phát hiện bài thơ của Phan Huyền Thư rất giống với bài Buổi sáng của tôi. Sau đó, tôi tìm lên mạng đọc những chia sẻ của Hà Quang Minh trên Facebook về việc này và tôi thấy bị sốc hơn. Bài thơ đó đánh dấu một dấu ấn cảm xúc của tôi, nó gắn với những kỷ niệm, những tình cảm đã qua mà tôi rất trân trọng. Có những người bạn đã cùng khóc với tôi qua bài thơ này. Nó là sáng tạo cá nhân, vì thế rất khó để có chuyện ai đó lại trùng ý tưởng, câu chữ đến như thế.việc.
Sau cảm giác ngỡ ngàng ban đầu, tôi đã gọi điện thoại cho nhà thơ Phan Hoàng - Phó Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM - vừa là để thông báo vừa là để chia sẻ về vụ việc.
Nhà thơ Phan Huyền Thư đã phản hồi với chị như thế nào?
Khoảng 30 phút sau khi tôi gọi cho nhà thơ Phan Hoàng, nhà thơ Phan Huyền Thư đã trực tiếp gọi điện thoại cho tôi. Ban đầu, cô ấy hỏi tôi nhận xét gì về vụ việc này, tôi trả lời thật lòng là tôi không biết nhận xét gì, vì tôi không phải là người phát hiện ra chuyện hai bài thơ giống nhau. Sau đó, cô ấy bày tỏ mong muốn tôi im lặng một thời gian vì cô ấy vừa trải qua chuyện lùm xùm với bài thơ của ông Du Tử Lê và cần để yên tĩnh trở lại. Phan Huyền Thư khóc, nói chưa từng đọc bài thơ Buổi sáng của tôi nhưng có nghe bài hát Catinat càfé sáng của nhạc sĩ Phú Quang. Cô ấy còn hẹn ngày 19/10/15 sẽ bay vào Sài Gòn để gặp gỡ tôi trực tiếp.
Bản nhạc "Catinat càfé sáng" do Phú Quang phổ từ bài thơ "Buổi sáng" của Phan Ngọc Thường Đoan và được ông in trong tập nhạc "Về lại phố xưa" (năm 2001) kèm theo đĩa. Phú Quang tự trình bày ca khúc này.
Điều gì khiến chị vẫn quyết định lên tiếng?
Tôi đã nhiều lần bị các tác giả "cầm nhầm" tác phẩm thơ của mình. Thậm chí, có tác giả trẻ còn bê nguyên bài thơ Nghĩ về hoàng hôn mẹ của tôi để đăng trên một nhật báo lớn. Nhưng đó là những học sinh, sinh viên, nên tôi tạm thấy không cần phải chấp nhặt. Ban đầu, với vụ Phan Huyền Thư, tôi cũng muốn im lặng. Nhưng sáng nay, tôi đọc được câu của Phan Huyền Thư viết trên trang cá nhân của cô ấy: “… bài này tôi viết trước, nhưng in sau”, tôi cảm thấy danh dự bị xúc phạm nên bắt buộc phải lên tiếng. Cô ấy muốn tôi im lặng, còn nhờ cả anh Phan Hoàng nói giúp, nhưng cách cô ấy giải thích trên mạng xã hội và với các bạn văn thơ lại đi theo ý: cô ấy chỉ có lỗi ở chỗ là in bài thơ Bạch Lộ sau bài thơ của tôi. Nếu nói như thế thì chẳng lẽ tôi là người đi lấy thơ cô ấy làm thơ của mình.
Chị mong muốn điều gì ở nhà thơ Phan Huyền Thư?
Lâu nay tôi rất quý Phan Huyền Thư - một người thuộc thế hệ trẻ, có tài và có năng lực. Nhưng ở chuyện này, tôi cần một tiếng nói rõ ràng từ cô ấy để độc giả, bạn nghề hiểu rõ hơn về vụ việc. Tôi mong Phan Huyền Thư xin lỗi công chúng - trong công chúng đó có tôi - những người đã yêu quý Phan Huyền Thư.
Còn nếu tôi không nhận được lời xin lỗi thì cũng chẳng hề gì, vì qua công luận, trắng đen đã rõ.
Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan (thường ký P.N.Thường Đoan). Chị tên thật là Nguyễn Thị Thanh Bình, quê Vĩnh Long, hiện công tác tại báo Văn nghệ TP HCM. Thường Đoan là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn TP HCM. Các tác phẩm đã xuất bản của chị: Lục bát cho khát vọng, Người đàn bà làm thơ và trăng, Đếm cát, Rũ người, Buổi sáng có nhiều chuyện kể…
Theo VnExpress