Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Lại tranh cãi nên tách hai kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học

Lại tranh cãi nên tách hai kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học
Copy từ http://laodong.com.vn/xa-hoi/lai-tranh-cai-nen-tach-hai-ky-thi-tot-nghiep-va-thi-dai-hoc-391407.bld#FeedbackForm , đăng ngày 28/10/2015 , mục Xã hội.
GS Lâm Quang Thiệp (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, khi nhìn nhận về kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua đã có không ít bất cập. Theo ông, Bộ GDĐT đã khá “ôm đồm” trong việc tổ chức kỳ thi, khiến chất lượng kỳ thi giảm, không đạt được mục tiêu.
Sáng 28.10.15 tại Hà Nội, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ tổ chức hội thảo về thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Nhiều chuyên gia giáo dục hàng đầu đã có mặt để “mổ xẻ” những bất cập vừa qua của kỳ thi THPT Quốc gia. Theo đó, phần lớn ý kiến đều cho rằng Bộ GDĐT cần thay đổi phương thức thi vào năm 2016, không nên “trộn” hai kỳ thi vào làm một và để cho các trường ĐH tự chủ hoàn toàn về kỳ thi này.
GS Lâm Quang Thiệp cho rằng, tổ chức kỳ thi với cả hai mục tiêu khiến bộ GDĐT “ôm” hết việc vào mình. “Bộ GDĐT nên để cho sở GDĐT phụ trách phần thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó tập trung cho kỳ thi ĐH thật sự chất lượng trên cơ sở các trường ĐH tự chủ tuyển sinh. Bộ cũng không nên quy định điểm sàn vì mỗi trường đào tạo theo yêu cầu riêng của họ, “sàn” cả nước chính là tốt nghiệp THPT! Nếu theo phương án này bộ sẽ đỡ khổ!” – ông nói.
Đồng quan điểm, PGS Văn Như Cương (Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) chia sẻ, ông khá hoang mang khi kỳ thi “ngốn” quá nhiều sức lực của Bộ, các sở, trường, giáo viên và cả thí sinh. Ba mục tiêu giảm nhẹ căng thẳng, bớt áp lực tài chính và trường chọn được TS mà bộ đặt ra, theo ông đều chưa đạt được qua kỳ thi.
“Kỳ thi 2 trong 1 là 2 +1 hay 2 “quấn quýt” 1? Tích hợp là như thế nào? Ba củ su hào, cà rốt, cà chua cho vào một túi ni lông hay thái ra thành món súp thì mới gọi là tích hợp, đủ cơ sở để phân loại TS hay không? Tôi nói một ví dụ rất đơn giản, nếu cấu trúc đề thi là 10 câu, trong đó 60% câu hỏi cơ bản, 40% câu hỏi phân hóa dùng để xét tuyển ĐH. Cùng một bài thi 6 điểm, bộ sẽ đánh giá năng lực TS như thế nào với một bài được 6 điểm theo kiểu 6 + 0 và bài thứ hai là bài 4 + 2?” – ông nêu dẫn chứng.
Nhà giáo Văn Như Cương mạnh dạn đề xuất Bộ nên trả lại kỳ thi ĐH cho các trường tự chủ tuyển sinh. Ảnh: D.H
Còn theo ông Võ Thế Huân, kỳ thi chung này không khác gì bị “ép duyên” với nhau. Các trường ĐH tự nhiên phải “gánh” thêm việc là lo tốt nghiệp THPT cho TS, điều này không đảm bảo đúng phân cấp trong quản lý TS. “Tôi chưa bao giờ thấy kỳ thi nào kéo dài trong vòng 1 tuần như thế này, gây xáo trộn cuộc sống của nhiều gia đình, sự ảnh hưởng không nhìn thấy là năng suất LĐ, thời gian LĐ của toàn XH trong một thời gian như vậy!” – ông nói.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng Bộ nên mạnh dạn xem lại cách thức thi và nếu cần thiết, dù có phải tách hai kỳ thi một lần nữa. Theo nhà giáo Văn Như Cương, nên xét lại hai kỳ thi nhưng với quan điểm khác. Đó là: Kỳ thi THPT giao cho sở GDĐT và thi nhẹ nhàng, còn với xét tuyển ĐH, nên giao quyền tự chủ cho các trường, tùy theo nhu cầu đào tạo ngành nghề để các trường lựa chọn cách xét tuyển phù hợp.
Đề xuất bỏ điểm sàn, TS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng cho rằng, cần để TS chọn trường phù hợp theo kiểu tự chủ ĐH, thi theo yêu cầu bộ môn của trường thì sẽ hợp lý, đỡ tốn kém đi lại hơn. Ông Võ Thế Huân đồng tình với việc, nếu bộ vẫn tiếp tục kỳ thi chung, nhất thiết phải điều chỉnh bất cập của kỳ thi vừa rồi. Còn lại, nên nghĩ đến việc phân cấp thi tốt nghiệp THPT cho sở GDĐT. Với tuyển sinh ĐH, cần trả lại kỳ thi này cho các trường ĐH. Các trường sẽ tự quyết định thời gian, phương thức tuyển sinh, bộ chỉ thanh kiểm tra và giám sát thi, duyệt chỉ tiêu các trường.
Về tự chủ tuyển sinh, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT), cho hay, bộ không hề ép buộc các trường phải lấy kết quả thi để xét tuyển mà trường hoàn toàn có thể có phương án tuyển sinh riêng. “Vừa rồi đã có hơn 200 trường ngoài việc dựa một phần vào kết quả thi còn thêm nhiều hình thức tuyển sinh khác, Bộ không ngăn thậm chí còn giúp sức. Chúng tôi rất muốn hệ thống các trường ĐH tự lực được công tác tuyển sinh của mình, để chúng tôi cũng không phải vất vả như thế này! Các trường ĐH một phần chưa sẵn sàng, một phần chưa đủ lực để tự chủ tuyển sinh” – ông Trinh nói
Dương Hà

Không có nhận xét nào: