Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

Khuyến khích di cư lao động ra nước ngoài an toàn


Khuyến khích di cư lao động ra nước ngoài an toàn



Khuyến khích di cư lao động ra nước ngoài an toàn
(PL)- Sau thảm kịch 39 lao động bị chết tại Anh, Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam đã phát đi cảnh báo về tình hình di cư bất hợp pháp, kêu gọi di cư lao động an toàn, có trật tự, hợp thức và dễ dàng.
Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam (VN) Chang-Hee Lee cho biết: “Khi quyền của lao động di cư được tôn trọng và hành trình di cư của họ được an toàn, bản thân họ, gia đình và cả xã hội có thể được hưởng lợi từ nguồn kiều hối gửi về cũng như nâng cao được kỹ năng tay nghề”.
Gửi về nhà 2,5-3 tỉ USD mỗi năm
ILO ghi nhận số lượng người dân VN ra nước ngoài làm việc gia tăng. Riêng trong năm 2019 đã có hơn 142.000 người lao động xuất cảnh đi làm việc theo hợp đồng. Theo ước tính của Chính phủ, người lao động di cư gửi về nhà 2,5-3 tỉ USD mỗi năm. Ngoài ra, các báo cáo cũng cho thấy sự gia tăng đối với luồng di cư không hợp thức sang các nước trong khu vực và châu Âu.
Di cư lao động không hợp thức đề cập tới hiện tượng người dân di chuyển ngoài khuôn khổ pháp luật quy định hoặc các hiệp định quốc tế liên quan tới việc nhập cảnh và xuất cảnh từ quốc gia xuất phát, quốc gia trung chuyển hoặc quốc gia điểm đến. Di cư lao động không qua các kênh hợp thức khiến người lao động có nguy cơ bị bóc lột lao động, hạn chế khả năng tiếp cận hỗ trợ và công lý.
ILO nhấn mạnh việc tăng cường các kênh di cư hợp thức thông qua giảm chi phí và đơn giản hóa các quy trình phức tạp để từ đó tăng số lượng lao động đi qua các kênh này. 
ILO duy trì nguyên tắc đã được thông qua tại Công ước 181 về các tổ chức dịch vụ việc làm tư nhân năm 1997 và Nghị định thư 2014 liên quan đến Công ước 29 về lao động cưỡng bức năm 1930, rằng người lao động, đặc biệt là lao động di cư phải được bảo vệ khỏi sự lạm dụng và hoạt động tuyển dụng phi pháp. Nợ nần khi di cư sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro bị mua bán và cưỡng bức lao động. Lao động di cư do vậy cần phải được đảm bảo rằng họ không phải trả bất kỳ phí hoặc chi phí tuyển dụng nào.
Một nghiên cứu gần đây của ILO và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho thấy người lao động có rất ít khả năng kiểm soát sự thành công hay thất bại trong quá trình di cư, cho dù quyết định lựa chọn di cư của họ là theo kênh nào.
Nghiên cứu này cũng đã chỉ ra rằng người lao động VN  phải trả chi phí cao nhất so với một số nước trong khu vực để đi làm việc ở nước ngoài. Lao động cũng phải vay mượn khoản tiền lớn nhất và làm việc trong khoảng thời gian lâu nhất lên đến 11 tháng để có thể chi trả các khoản nợ. Hơn 3/4 lao động VN được phỏng vấn trả lời rằng họ bị vi phạm quyền lao động khi làm việc ở nước ngoài.
ILO khuyến nghị Chính phủ VN hiện đang xem xét, sửa đổi pháp luật liên quan đến việc quản trị lao động di cư ra nước ngoài. Đây chính là cơ hội quan trọng để cải thiện khung pháp lý về di cư lao động và giúp các kênh di cư hợp thức trở nên hấp dẫn hơn đối với người dân.
Khuyến khích di cư lao động ra nước ngoài an toàn - ảnh 1
Một người dân ở Hà Tĩnh tìm cơ hội làm việc ở Anh vừa mất tích. Ảnh: ĐẶNG TRUNG
Đem tiền về chỉ để xây nhà
Theo báo cáo giám sát gần đây nhất của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về người lao động (NLĐ) VN đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2010-2017 tại Nghệ An và Hà Tĩnh, nhiều lao động không được tư vấn về doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài nên bị lừa gạt, phải qua “cò” gây tốn kém.
Thậm chí doanh nghiệp ký hợp đồng không đúng với thực tế khiến NLĐ phải về nước sớm hoặc thu nhập thấp, nhất là NLĐ ở miền núi vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số chưa nắm được chính sách, chế độ, tình hình nhu cầu lao động và thị trường.
ILO khuyến nghị sử dụng các thuật ngữ “di cư lao động”, “dịch chuyển lao động” thay vì “xuất khẩu lao động” bởi “lao động không phải là hàng hóa”. 
Cạnh đó, việc công khai, minh bạch thông tin các doanh nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chưa đầy đủ, cụ thể nên khó khăn cho lao động lựa chọn doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp đào tạo tay nghề, ngoại ngữ và đào tạo định hướng còn hạn chế, dẫn đến chất lượng lao động thấp, khó tham gia thị trường các nước hoặc sang làm việc không đảm bảo yêu cầu, phải về nước sớm.
Tại Nghệ An, bình quân hằng năm có 12.000-13.000 người đi làm việc có thời hạn. Nguồn thu ngoại tệ gửi về qua ngân hàng đạt hơn 250 triệu USD/năm. Báo cáo của tỉnh cho thấy hiện 12.435 NLĐ của tỉnh đang làm việc ở vùng biên giới không có hợp đồng lao động.
Theo đoàn giám sát, tại Hà Tĩnh và Nghệ An người đi xuất khẩu lao động đem về nguồn kinh phí tốt nhưng chỉ tập trung vào xây nhà, mua sắm đồ đạc cá nhân chứ ít đầu tư phát triển sản xuất. Do đó, chưa phát huy được những nguồn lực này trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Lao động ở nước ngoài gửi về Hà Tĩnh trên 4.000 tỉ đồng mỗi năm
Từ năm 2010 đến 2017, Hà Tĩnh có 50.270 người đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng, bình quân mỗi năm có 6.300 người. Số lao động này tập trung chủ yếu ở các huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc. Trong 10 năm liên tục Hà Tĩnh đứng thứ ba cả nước về số lao động đi làm việc nước ngoài, chiếm gần 1/3 tổng số chỉ tiêu giải quyết việc làm của toàn tỉnh.
“Hoạt động xuất khẩu lao động đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho NLĐ và nguồn ngoại tệ cho địa phương. Chỉ tính riêng số tiền lao động gửi về cho gia đình đã đạt trên 4.000 tỉ đồng/năm…” - đoàn giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về NLĐ. 
PHONG ĐIỀN - VIẾT LONG

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

Vụ 1,8 triệu tấn nhôm suýt tuồn sang Mỹ: Thị trường VN tiêu bao giờ cho hết?


Vụ 1,8 triệu tấn nhôm suýt tuồn sang Mỹ: Thị trường VN tiêu bao giờ cho hết?

https://tienphong.vn/... đăng ngày 30-10-19 06:51.

TP - Tổng cục Hải quan cho biết, 1,8 triệu tấn nhôm tạm nhập tái xuất ở cảng Bà Rịa – Vũng Tàu chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, được phát hiện từ năm 2016. Với số lượng nhôm khổng lồ này, không biết bao giờ thị trường Việt Nam mới tiêu thụ hết.

Cảng biển nước sâu Bà Rịa - Vũng Tàu  Ảnh: PV
Cảng biển nước sâu Bà Rịa - Vũng Tàu Ảnh: PV

Chiều tối 29/10, chia sẻ với Tiền Phong, một lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, 1,8 triệu tấn nhôm tạm nhập tái xuất là vụ có nguy cơ gian lận xuất xứ lớn nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, vụ này được phát hiện từ năm 2016.
“Chủ yếu số nhôm trên được nhập từ thị trường Trung Quốc rải rác thêm từ một số thị trường khác. Doanh nghiệp nhập theo diện tạm nhập để tái xuất sang Mỹ. Tuy nhiên, phát hiện có dấu hiệu nghi vấn, Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu kiểm tra cụ thể. Doanh nghiệp sau đó không dám làm thủ tục xuất đi Mỹ mà chuyển sang nhập khẩu hẳn về Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam không biết bao giờ mới tiêu thụ hết số lượng nhôm khổng lồ này”, vị này cho hay.
 Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, doanh nghiệp nhập khẩu là Cty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam.

Vụ 1,8 triệu tấn nhôm suýt tuồn sang Mỹ: Công ty nào nhập khẩu?

Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, doanh nghiệp nhập khẩu 1,8 triệu tấn nhôm là Cty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam, đóng tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Cuối năm 2016, báo Mỹ Wall Street Journal có bài điều tra về 500.000 tấn nhôm đùn (để sản xuất nhôm) được chuyển từ San José Iturbide (Mexico) đến Việt Nam, có liên quan tới doanh nghiệp này.
 Cuối năm 2016, báo Mỹ Wall Street Journal có bài điều tra về 500.000 tấn nhôm đùn (để sản xuất nhôm) được chuyển từ San José Iturbide (Mexico) đến Việt Nam. Theo điều tra của Wall Street Journal, số nhôm xuất phát từ Mexico hiện ở Việt Nam có khả năng liên quan đến một trong những người giàu nhất Trung Quốc. Đó là ông Liu Zhongtian, Chủ tịch Cty Nhôm China Zhongwang Holdings.
Theo Wall Street Journal, Cty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam nằm trong diện nghi vấn. Doanh nghiệp này được thành lập với mục tiêu đầu tư nhà máy sản xuất nhôm định hình, do hai người mang quốc tịch Úc (gốc Trung Quốc), là ông Jacky Cheung và ông Wang Tong góp vốn làm chủ đầu tư.
 Theo giấy phép đầu tư do Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp, thời hạn hoạt động của dự án mà doanh nghiệp này đầu tư là 37 năm, kể từ năm 2011. Trong dự án này, ông Jacky Cheung góp vốn gần 500 tỷ đồng, còn ông Wang Tong góp gần 4.500 tỷ đồng. Toàn bộ hàng hóa sản xuất ở nhà máy của doanh nghiệp này sẽ được xuất khẩu, với quy mô 200.000 tấn/năm.
 Trước đó, tại buổi làm việc vào cuối tháng 5/2016 với đoàn kiểm tra do Bộ Công Thương chủ trì, Cty Nhôm Toàn Cầu Việt Nam cho biết đã nhập khoảng 1,5 triệu tấn nhôm (chủ yếu từ Trung Quốc và chủ yếu là nhôm hình -mã HS 7604) về Việt Nam.
 Tại buổi họp liên ngành ngày 28/10, thông tin về vụ việc này được ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) nói.
 Theo ông Cẩn, nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, trong khi nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%. Do đó, các doanh nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhập khẩu mặt hàng nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm với trị giá lên tới hàng tỷ USD.
 Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan khác kiểm tra, xác định và ngăn chặn kịp thời, nên số nhôm này chưa thể xuất khẩu.
 Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, cơ quan này đã phối hợp với Hải quan Mỹ xác minh, làm rõ về vụ việc nhập khẩu nhôm với giá trị rất lớn như trên. Đáng chú ý, các đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ đã đến Việt Nam để phối hợp điều tra.
 Theo báo cáo của Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu, số lượng nhôm tồn lên đến 1,8 triệu tấn với trị giá khoảng hơn 4 tỷ USD.

Theo ông Cẩn, nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, trong khi nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%. Do đó, các doanh nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhập khẩu mặt hàng nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm với trị giá lên tới hàng tỷ USD.

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

Tưởng nhớ sự chính danh

Tưởng nhớ sự chính danh

Trần Ngọc Châu
https://www.thesaigontimes.vn/... đăng ngày 29/10/2019, 22:21.

(TBKTSG Online) - Võ Như Lanh, Tổng biên tập đầu tiên của nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) mất đúng 9g5 phút sáng Chủ nhật 23-11-2014, nhằm 2-10 theo lịch âm. Và hôm nay, gia đình và bạn bè anh làm giỗ lần thứ 5 để tưởng nhớ một con người mà họ thấy xứng đáng để nhớ.
Nhà báo Võ Như Lanh (hàng đứng, thứ hai từ trái qua) tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn cách nay 24 năm.
Nhà báo Võ Như Lanh (bên trái ảnh) trong 1 buổi lễ tại báo Tuổi Trẻ năm 2005. Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Tôi nhớ như in cách đây 5 năm: Phạm Văn Nhứt – một đồng nghiệp chung của tôi và Lanh ở báo Tuổi Trẻ - gọi điện báo tin buồn đó khi tôi đang tắm biển Mũi Né, Phan Thiết. Mới sáng thứ Năm (20-11-2014) tôi vào thăm anh ở Phòng 26 khu “điều trị theo yêu cầu” (tức Trại 5, Bệnh viện Chợ Rẫy) thì Lanh đã không còn nói nổi.
8 giờ sáng, khu bệnh viện yên tĩnh. Tôi nói chuyện với chị Mười Thanh (Đỗ Thị Hòa), vợ Lanh vừa từ Canada về cách đó một tuần về sức khỏe của anh, về thời tiết, về hy vọng.
Anh nằm nghiêng lắng nghe và đôi mắt lờ đờ, tôi cảm nhận những giọt nước mắt đang chảy ra lặng lẽ.
Khi ngồi trên xe, tôi đã gọi cho Vũ Kim Hạnh, cựu Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, người đã thay thế anh một cách xuất sắc, khi anh được cấp trên gửi ra Hà Nội học trường Đảng cao cấp.
Suốt những tháng anh bệnh, thỉnh thoảng tôi ghé, một mình hoặc với Hằng Nga, Ba Lãng, Huỳnh Sơn Phước, những "đồng chí” và bạn, từ thời xây dựng báo Tuổi Trẻ thành một tờ báo chuyên nghiệp vào những năm 80 của thế kỷ trước và vào “đêm trước của Đổi Mới", như cách gọi của anh em báo Tuổi Trẻ thời ấy.
Tôi biết Lanh không hẳn tin đạo Phật như một tôn giáo (dù anh tin vào lý thuyết đạo Phật như một khoa học), nhưng bài kinh cầu mà chiếc máy đọc nhỏ nhẹ, thầm thì trên bàn thờ anh, như nhắc nhở những ai đến thăm anh về điều thiện - ác (cặp phạm trù bền vững nhất trong tất cả các cặp phạm trù).
Nhà báo Võ Như Lanh (trái) chia tay đội ngũ Thời báo kinh tế Sài Gòn khi xin nghỉ hưu sớm 3 năm.
Trong tất cả những đồng nghiệp làm báo mà tôi quen biết từ Bắc chí Nam thì Võ Như Lanh là người làm báo cách mạng chuyên nghiệp nhất, dù anh chẳng có một ngày học trong trường báo chí.
Khi tôi chân ướt chân ráo từ Tổng đội Thanh niên Xung phong về báo Tuổi Trẻ, thì anh đã là tổng biên tập. Câu đầu tiên mà anh nói với tôi khiến tôi một chút… vỡ mộng: “Tôi sẽ gửi anh xuống xưởng dệt 13 ở quận 4".
“Để viết phóng sự?”, tôi hỏi. “Không, anh làm công nhân ở đó hai tháng, anh phải sống đời công nhân để sau này viết về thợ thuyền cho nó thật”. Trời ơi!
Mới đây tôi gặp một bạn trên facebook, bạn này viết: “Em cám ơn anh, vì nhờ có bài báo anh viết trên Tuổi Trẻ mà em được kết nạp Đoàn, rồi vào Đảng và sau này làm phó tổng giám đốc. Rồi cô bí thư Đoàn nhà máy phải lòng em luôn và bọn em trở thành vợ chồng”.
Hai bạn ấy bây giờ có biệt thự và con cái đều đi du học. Vợ bạn ấy nay là một lãnh đạo ngành dệt Việt Nam.
Tôi không nhớ tôi đã viết gì về cái nhà máy mà khi tôi đến để được làm thợ thì ông quản đốc nói ngay: Thôi, thôi, ông mà đứng máy, chỉ làm máy và sản phẩm hư thôi. Ông cứ ở yên đây 2 tháng, sau đó tôi chứng nhận cho ông thật tốt, thế là được chứ gì!”.
Chắc chắn Lanh cũng chẳng quan tâm chuyện đào tạo phóng viên đâu. Và Lanh đã tạo một “phong trào” ở báo Tuổi Trẻ mà tôi cho là chuyên nghiệp: “Chống văn nghệ hóa báo chí”.
Bởi vì thời ấy chúng tôi chỉ “tô hồng” sự kiện. Chúng tôi thổi lên làn gió: “Về trước kế hoạch” trong các nhà máy, mà không biết rằng các nhà máy vì chạy theo số lượng nên sản phẩm làm ra ào ạt để thi đua, mà chất lượng thì không đạt yêu cầu. Thời nghèo khó, ai cần hàng tốt làm gì! Đủ là được.
Cho nên Tổng biên tập Võ Như Lanh chống lại những kiểu “tô hồng” như vậy. Đến nỗi, lúc ấy, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Phạm Trọng Cầu thường đến tòa soạn chơi cũng bị vạ lây!
Sáng nay tại lễ giỗ 5 năm của Lanh, tôi có kể rằng vào những ngày Lanh nằm bệnh, tôi có nói với anh: “Cái anh làm tốt nhất ở Saigon Times Group, không phải là các ấn phẩm kinh tế và tiếng Anh, mà là khu nhà ở của nhân viên báo ở quận 2 và Quỹ học bổng Saigon Times Foundation. “Anh cười hiền: "Tại sao ông khoa trương như vậy?” - “ Đơn giản thôi: vì các tờ báo là của nhà nước, còn nhà ở của nhân viên là sở hữu tư nhân, trong khi Quỹ Saigon Times là thuộc dạng “phi chính phủ” (NGO)”.
Anh xin nghỉ hưu sớm 3 năm và tôi nhớ anh có nói anh muốn một bạn trẻ thay anh điều hành cơ quan chính phủ (tờ báo), còn anh sẽ làm “phi chính phủ”, tức là Quỹ Saigon Times.
Hàng ngàn bạn trẻ đã được cấp học bổng hay học phí, nhỏ thôi, nhưng “những ngọn nến” cũng sáng mà, nhất là trong bóng đêm. Chúng tôi đã tự đốt lên một ngọn nến như thế: Lanh Memorial!
Cũng không cần gọi tên làm gì. Lanh, khi còn sống, rất ghét thói háo danh.
Nhưng tôi vẫn muốn tưởng nhớ tính “chính danh” của anh trong nghề nghiệp!

Đoàn hướng dẫn viên du lịch TP. Hồ Chí Minh trải nghiệm du lịch tại Bến Tre

Đoàn hướng dẫn viên du lịch TP. Hồ Chí Minh trải nghiệm du lịch tại Bến Tre

http://baodongkhoi.vn/... đăng ngày 29/10/2019 - 07:02.


BDK.VN - Trong hai ngày 28 và 29-10-2019, đoàn famtrip của Chi hội Hướng dẫn viên du lịch TP. Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ Hướng dẫn viên du lịch Bến Tre đã có chuyến tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch, các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn các huyện Bình Đại, Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú.
Trải nghiệm giăng câu trên cồn Bà Tư.

Trải nghiệm giăng câu trên cồn Bà Tư.
Chuyến tham quan nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hội viên là hướng dẫn viên du lịch trau dồi, rèn luyện kỹ năng nghề.
Đây cũng là dịp để giao lưu, gắn kết giữa các doanh nghiệp lữ hành với các cơ sở kinh doanh du lịch của địa phương. Qua đó, du lịch tỉnh giới thiệu các điểm đến, làm cơ sở cho các doanh nghiệp lựa chọn điểm đến, thiết kế các tour tuyến mới, phát triển sản phẩm du lịch Bến Tre.
Đoàn đã đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại các điểm, như: tham quan đê ốc viết ở cồn Chày Mười (xã Thới Thuận, huyện Bình Đại), trải nghiệm giăng câu bắt cua, bắt cá tại homestay Cồn Bà Tư (xã Thới Thuận, huyện Bình Đại), đình Long Thạnh, chùa Vạn Phước, homestay Út Trinh (xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại), di tích Đồng Khởi (xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam), nhà cổ Huỳnh Phủ (xã Đại Điền,  huyện Thạnh Phú)…
Dịp này, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Quốc Phong cũng đã chia sẻ các thông tin về chương trình Lễ hội Dừa lần V năm 2019 đến đoàn.
Tin, ảnh: Thanh Đồng

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

TP.HCM bì bõm với triều cường, miền Bắc trở rét

TP.HCM bì bõm với triều cường, miền Bắc trở rét

https://tuoitre.vn/... đăng ngày 28/10/2019 08:16.



TTO - Khối không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam và gây mưa cho miền Bắc nước ta, trong khi ở miền Nam, triều cường có thể cao hơn 1,7m gây ngập nhiều nơi, trong đó có TP.HCM.

TP.HCM bì bõm với triều cường, miền Bắc trở rét - Ảnh 1.
Ngập do triều cường tại đường Trần Xuân Soạn, quận 7 chiều 27-10 - Ảnh: D.PHAN
Chiều 27-10, đỉnh triều cường đã đạt 1,58m tại trạm Phú An và 1,6m tại trạm Nhà Bè khiến nhiều tuyến đường ở TP.HCM bị ngập nước. 
Dự báo hôm nay 28-10 đỉnh TRIỀU CƯỜNG đạt 1,63m lúc 4h30 và 1,68m lúc 16h30. 
Tiếp đến, ngày 29-10, đỉnh triều sẽ lên mức 1,65m lúc 5h20 và 1,7m lúc 17h30, sau đó đỉnh triều hạ dần nhưng vẫn còn mức cao. 
Cơ quan chức năng cảnh báo đỉnh triều vượt 1,7m gây ngập ít nhất tại 11 tuyến đường: Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), đường Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (Q.7), Phú Định (Q.8), đường Hồ Học Lãm (Q.8 - Bình Tân), đường Nguyễn Văn Hưởng (Q.2), quốc lộ 50, đường Chánh Hưng nối dài, đường quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh) và đường Bình Quới, Bình Lợi (Q.Bình Thạnh).
Nhiều khu vực khác ở Nam Bộ, triều cường lên cũng gây ngập ở một số nơi của Vĩnh Long, Cần Thơ...
Trong khi đó tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, dự báo từ trưa 28-10, do ảnh hưởng không khí lạnh sẽ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông. 
Từ sáng sớm 29-10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông. Không khí lạnh làm giảm nhiệt độ tại khu vực Bắc Bộ xuống còn 17-20 độ C ở vùng đồng bằng, vùng núi xuống 14-17 độ C, khu vực núi cao có nơi giảm dưới 10 độ C.
Diễn biến thời tiết ngày và đêm 28-10:
Phía Tây Bắc Bộ có mưa vài nơi, từ trưa có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông, gió nhẹ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh, đêm và sáng sớm trời rét, độ ẩm từ 60-98%. Nhiệt độ thấp nhất từ 17 - 20 độ V, có nơi dưới 17 độ C; cao nhất từ 24 - 27 đô C̣, riêng Lai Châu-Điện Biên 27-30 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ có mưa vài nơi, từ trưa có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông, gió nhẹ; từ trưa chuyển hướng đông bắc cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh, đêm và sáng sớm trời rét, độ ẩm từ 60-98%. Nhiệt độ thấp nhất từ 17 - 20 độ C, có nơi dưới 17 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C; cao nhất từ 24 - 27 độ C.
Thủ đô Hà Nội có mưa vài nơi, từ trưa có mưa, mưa rào và dông, gió nhẹ; từ trưa chuyển hướng Đông Bắc cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh, đêm và sáng sớm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất từ 18 - 21 độ C, cao nhất từ 24 - 27 độ C.
Các tỉnh từ Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế ngày có mưa rào và dông vài nơi; riêng phía Bắc chiều tối và đêm nhiều mây, có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông, gió nhẹ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh, phía Bắc đêm và sáng sớm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất từ 21 - 24 đô C̣, phía Bắc 18-21 độ C; cao nhất từ 28 - 31 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rào và dông vài nơi, gió Đông Bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất từ 23 - 26 độ C, cao nhất từ 30 - 33 độ C.
Khu vực Tây Nguyên có mưa rào và dông vài nơi, gió Đông Bắc đến Đông cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ 19 - 22 độ C, cao nhất từ 28 - 31 độ C.
Khu vực Nam Bộ có mưa rào và dông vài nơi, chiều tối có mưa rào và dông rải rác, gió Đông Bắc đến Đông cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ 24 - 27 độ C, cao nhất từ 31 - 34 độ C.
TP.HCM khẩn cấp gửi công văn về triều cường có thể vượt 1,7m ngày 29-10TP.HCM khẩn cấp gửi công văn về triều cường có thể vượt 1,7m ngày 29-10
TTO - Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, triều cường tháng 10 sẽ vượt 1,7m vào ngày 29. Lo ngại triều cường gây thiệt hại nặng như đợt triều cường đầu tháng, TP.HCM đã ban hành công văn khẩn để ứng phó.
LÊ PHAN

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

Quê nhà ‘lòng như lửa đốt’ khi con đi 'du lịch' qua Anh rồi mất liên lạc

Quê nhà ‘lòng như lửa đốt’ khi con đi 'du lịch' qua Anh rồi mất liên lạc

https://tuoitre.vn/... đăng ngày 27/10/2019 20:45.



TTO - Nhiều gia đình ở huyện Yên Thành, Nghệ An có con "đi du lịch" ở các nước châu Âu đang nóng ruột chờ thông tin xác định danh tính 39 người chết trong container ở nước Anh.

Quê nhà ‘lòng như lửa đốt’ khi con đi du lịch qua Anh rồi mất liên lạc - Ảnh 1.
Ông Nguyễn Đình Sắt bên tấm di ảnh của con. Anh Nguyễn Đình Tứ - con trai ông Sắt, mất liên lạc với gia đình nhiều ngày qua - Ảnh: DOÃN HÒA
Ngày 27-10-19, PV Tuổi Trẻ Online đến xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) - nơi có 3 gia đình đang chờ thông tin từ cơ quan chức năng xác định danh tính các nạn nhân trong vụ 39 người chết trong container tại thị trấn Grays, cách thủ đô London (nước Anh) 32km về phía Đông.
Cơ quan công an đã lấy mẫu máu, tóc và móng tay của người có quan hệ ruột thịt nghi của nạn nhân để đưa qua nước Anh để phục vụ việc xác định danh tính, quốc tịch. Dù chưa có thông tin chính thức về danh tính nạn nhân trong vụ việc song các gia đình đều mong chờ một phép nhiệm mầu sẽ đến với con em họ.
Từ sáng sớm, nhiều bà con chòm xóm đã đến nhà ông Nguyễn Đình Sắt - ngụ xóm Phú Xuân, xã Đô Thành - để động viên, hỏi thăm hay hay tin con trai ông Sắt mất liên lạc nhiều ngày qua.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi đi nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh N.Đ.T. - 26 tuổi, con trai ông Sắt, vay mượn ngân hàng hơn 300 triệu đồng để đi xuất khẩu lao động ở Rumani. Sau đó, anh T. tiếp tục sang Đức kiếm việc làm.
Quê nhà ‘lòng như lửa đốt’ khi con đi du lịch qua Anh rồi mất liên lạc - Ảnh 2.
Gia đình ông Sắt lập bàn thờ vái vọng anh T. - Ảnh: DOÃN HÒA
Quê nhà ‘lòng như lửa đốt’ khi con đi du lịch qua Anh rồi mất liên lạc - Ảnh 3.
Vợ con đau buồn khi mất liên lạc với anh T. - Ảnh: DOÃN HÒA
"Ngày 23-10, gia đình tôi mất liên lạc với con. Cũng từ thời điểm đó, khi nghe tin có 39 người chết trong container ở Anh, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông tin nào từ con", ông Sắt kể.
Đến chiều tối 25-10, cả gia đình ông Sắt như rụng rời chân tay khi nghe tin từ người quen đang làm việc ở Anh báo về anh T. theo xe hàng rời nước Đức để qua Anh. Không còn hi vọng con trở về, gia đình ông lập vội bàn thờ vọng con từ quê nhà.
Thường ngày, anh T. gọi điện qua mạng xã hội cho vợ để biết công việc. Vợ anh T., chị Hoàng Thị Thương (25 tuổi), khóc ngất, phải nhờ người thân dìu khi hay tin chồng có thể bỏ mạng ở xứ người. Vợ chồng anh T. có 2 đứa con, đứa đầu 4 tuổi, đứa nhỏ mới hơn 1 tuổi.
"Anh nói qua đó cố gắng làm việc dành dụm tiền về trả nợ, nuôi con mà sao giờ không có tin gì anh ơi…!", chị Thương nức nở.
Quê nhà ‘lòng như lửa đốt’ khi con đi du lịch qua Anh rồi mất liên lạc - Ảnh 4.
Ông Lê Minh Tuân nóng ruột khi mất liên lạc với con nhiều ngày qua.- Ảnh: DOÃN HÒA
Quê nhà ‘lòng như lửa đốt’ khi con đi du lịch qua Anh rồi mất liên lạc - Ảnh 5.
Gia đình đã gởi giấy tờ tùy thân anh H. qua Anh để nhờ xác minh danh tính- Ảnh: Doãn Hòa
Cách nhà ông Tứ không xa, gia đình ông Lê Minh Tuân (ngụ xóm Yên Hội, xã Đô Thành) cũng đang nóng ruột khi xem các bản tin thời sự về vụ 39 người chết trong thùng xe container ở nước Anh.
Con trai ông Tuân, anh L.V.H. (30 tuổi), cũng mất liên lạc với gia đình từ ngày 21-10. Ông Tuân kể hơn 3 tháng trước, con ông vay mượn 22.000 USD để đi xuất khẩu lao động với mong ước được "đổi đời". Anh H. "đi du lịch" qua Hi Lạp rồi qua Pháp. Nếu qua Anh, anh H. phải đóng thêm 11.000 bảng Anh cho người môi giới.
"Trước ngày qua Anh, con trai tôi có gọi về cho vợ nói sẽ qua Anh xin việc, cũng từ đó gia đình tôi không có thông tin gì về con nữa", ông Tuân nói. Người đàn ông 57 tuổi này mong không có điều tồi tệ xảy ra với con ông.
Cùng ở xã Đô Thành còn có chị B.T.Nh. (19 tuổi) đi làm ở Đức mất liên lạc với gia đình từ ngày 23-10. Gia đình chị Nh. đã gửi giấy tờ tùy thân qua nước Anh để nhờ xác minh liệu rằng chị Nh. có nằm trong số 39 người tử vong trong thùng xe container đông lạnh hay không? Dù có dự cảm xấu nhưng gia đình chị Nh. vẫn hi vọng chị Nh. có thể đang còn sống và thất lạc đâu đó ở xứ người.
Quê nhà ‘lòng như lửa đốt’ khi con đi du lịch qua Anh rồi mất liên lạc - Ảnh 6.
Gia đình chị B.T.Nh. cũng nóng lòng chờ tin từng giờ - Ảnh: DOÃN HÒA
Ông Nguyễn Văn Hà - chủ tịch UBND xã Đô Thành, huyện Yên Thành, cho biết đến nay xã đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng xác minh 3 người ở xã đi xuất khẩu lao động mất liên lạc với gia đình. Được biết, ở xã Đô Thành hiện có 1.470 lao động đang làm việc ở các nước châu Âu.
Tại Nghệ An, đến thời điểm này có 7 gia đình trình báo con mình "mất liên lạc" khi qua Anh kể từ ngày 23-10 - đây cũng là thời điểm nhà chức trách ở Anh phát hiện 39 thi thể trong thùng xe container.
Đến nay, một lãnh đạo huyện Yên Thành xác nhận ở huyện này có 4 người đi lao động ở châu Âu hiện đang mất liên lạc với gia đình. Chính quyền các địa phương đang tích cực phối hợp với nhà chức trách, công an tạo điều kiện để phối hợp sớm xác minh danh tính nạn nhân nghi là công dân ở địa phương.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, tại nhiều địa phương ở Yên Thành, hơn 10 năm trở lại đây đang nở rộ phong trào đi lao động ở các nước châu Âu "chui" bằng hình thức "du lịch". Mỗi trường hợp này phải đóng cho người môi giới từ 16.000 USD hơn 22.000 USD nếu vào được các nước thành công.
Vụ 39 thi thể ở Anh: Xác định danh tính người chết ra sao?Vụ 39 thi thể ở Anh: Xác định danh tính người chết ra sao?
TTO - Cảnh sát Anh đã bắt đầu kiểm tra để xác định danh tính của 39 thi thể trong container ở hạt Essex. Cách để xác định danh tính người chết trong những trường hợp như thế này ra sao?
DOÃN HÒA