Cài app: coi chừng bị giăng bẫy
https://tuoitre.vn/... đăng ngày 09/10/2019 09:31.
TTO - Không có ứng dụng di động (app) nào thật sự miễn phí. Nếu không phải trả tiền, bạn vẫn phải đánh đổi một giá trị nào đó mới được sử dụng app. Đó là chưa kể những app cố tình 'giăng bẫy' người dùng.
Theo khảo sát của dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam Q&Me, người Việt sử dụng trung bình 16,8 app mỗi tuần - một con số không hề nhỏ với người dùng smartphone.
Vô tư cài app
Một dạo cộng đồng mạng Facebook tràn ngập những bức ảnh "chúng ta sẽ ra sao khi già đi?" qua ứng dụng có tên Faceapp.
Để sử dụng app này, người dùng phải cung cấp ảnh hiện tại của mình và nó sẽ trả về một bức ảnh khác được gọi là "bạn sẽ như thế này khi già".
Faceapp ngay lập tức gây "bão" trên mạng xã hội toàn cầu. Theo một thống kê, chỉ sau vài ngày, lượt tải Faceapp đã tăng đột biến lên hơn 12 triệu lượt.
Và cũng ngay sau đó, nhiều chuyên gia đã lên tiếng "tố cáo" ứng dụng này đang thu thập thông tin là khuôn mặt của người dùng.
Thậm chí Mỹ còn yêu cầu điều tra Faceapp vì sự nguy hại của "quyền truy cập đầy đủ và không thay đổi đối với dữ liệu và hình ảnh cá nhân" mà app này yêu cầu người dùng phải chấp nhận khi sử dụng app. Dù vậy, đông đảo người dùng vẫn không mấy bận tâm!
Nếu chịu khó xem yêu cầu quyền truy cập của nhiều app đang cài hoặc sẽ cài trên smartphone của mình, người dùng dễ thấy những đòi hỏi kỳ cục.
Chẳng hạn một ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh lại đòi có quyền truy cập và xem nội dung tin nhắn SMS; một ứng dụng đèn pin lại đòi quyền truy cập kho hình ảnh, video, âm thanh; một ứng dụng chơi game lại đòi tất cả các quyền truy cập vào tài khoản, danh bạ của người dùng...
Người dùng vô tư cài và xài mà chẳng cần quan tâm đến việc đọc điều khoản sử dụng.
Sự riêng tư đã thành không tưởng
Mới đây, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội đã phát hiện một ứng dụng giả danh Bộ Công an được sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dùng.
Kẻ xấu sẽ gọi điện cho nạn nhân bất kỳ, đe dọa rằng họ có liên quan đến một vụ án, sau đó đề nghị họ cài đặt ứng dụng này để công an theo dõi và bảo vệ họ. Ai lỡ cài rồi tức là cho phép kẻ xấu có quyền nhận, xem và gửi tin nhắn văn bản SMS trên điện thoại của mình.
Từ đó, chúng có thể lấy được tin nhắn mã OTP dùng để xác thực các giao dịch ngân hàng hay đăng nhập tài khoản.
Kết hợp với các thủ đoạn lừa đảo khác, chúng có thể chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, các tài khoản dịch vụ khác và trục lợi từ đó. Vụ việc được phát hiện sau khi nhiều người dùng bị đánh cắp đến hàng trăm triệu đồng do cài đặt ứng dụng trên.
Đó chỉ là một trong những hậu quả cụ thể người dùng Việt đang đối mặt bởi sự dễ dãi trong việc cài đặt các ứng dụng di động.
Kết quả khảo sát hành vi trực tuyến của người dùng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hãng bảo mật Kaspersky cho thấy có 22% người dùng chia sẻ thông tin về tài khoản mạng xã hội để tham gia giải các câu đố vui; 18,9% để nhận được phần mềm, dịch vụ hoặc quà tặng...
Dù hơn một nửa (55,5%) người tham gia khảo sát trong các nhóm tuổi 16-24 và 25-34 tin rằng sự riêng tư trực tuyến là không tưởng trong thế giới số.
Nguy hại hơn, theo ông Yeo Siang Tiong - tổng giám đốc Hãng bảo mật Kaspersky khu vực Đông Nam Á: "Thoạt nhìn, hành vi đổi dữ liệu cá nhân trên mạng xã hội để tiêu khiển cá nhân tưởng là vô hại. Nhưng với tỉ lệ cao người dùng sử dụng thiết bị cá nhân để làm việc cơ quan, khi một tài khoản xã hội của nhân viên bị đánh cắp có thể đồng nghĩa với việc toàn bộ hệ thống bảo vệ trực tuyến của doanh nghiệp bị tấn công".
Đừng "trao chìa khóa mở cửa phòng riêng"
Ăn uống, đi lại, giải trí, mua sắm, vay tiền... mọi nhu cầu của con người đều có "kính thưa các loại app" vây quanh. Được gì, mất gì khi hồn nhiên cài app lên mọi thiết bị của bạn? Là thông tin cá nhân, là danh bạ điện thoại, tất tần tật mọi nhu cầu cuộc sống cá nhân đều bị lộ.
Thay vì vội vã cài đặt app nào đó theo trào lưu, bạn hãy cố gắng đọc phần giới thiệu về app, điều khoản sử dụng và một số nhận định về app của những người đã sử dụng trước.
Khi cài đặt và khởi chạy app, bạn sẽ nhận được những yêu cầu xét duyệt về quyền truy cập của app đối với các tài khoản, dữ liệu cá nhân của mình.
Hãy xem xét thật cẩn thận từng yêu cầu một vì bạn đang quyết định có "trao chìa khóa mở cửa phòng riêng" của mình cho app hay không.
Thực tế, khi có một app nổi tiếng sẽ có thêm nhiều app "ăn theo" có tên gần giống, nếu không cẩn trọng, người dùng có thể cài nhầm app và nhận hậu quả khôn lường.
Nên cài đặt app từ kho ứng dụng chính thống của hệ điều hành như Google Play (hệ điều hành Android) hay App Store (iOS) thay vì tải về từ các trang web, diễn đàn trên mạng vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét