Panorama Mã Pì Lèng cũng phải gọi bằng "cụ"
Tòa nhà Panorama trên đỉnh Mã Pì Lèng xây không phép, cả nước hoảng hốt và lên tiếng phản đối. Nhưng, Panorama không nhằm nhò gì với chuyện ở Đồng Nai...
Xin thưa, cỡ Panorama hay tòa nhà 8B Lê Trực ở Hà Nội từng gây sóng gió trên các kênh truyền thông chẳng ăn thua gì công trình 15 Đồng Khởi, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Tòa nhà Panorama Mã Pì Lèng nằm giữa sườn núi hoang vắng, có thể nói là khuất mắt thiên hạ, còn công trình to vật, nằm ngay giữa trung tâm thành phố nhưng cũng che mắt được thiên hạ mới là chuyện lạ.
Nói thẳng, thiên hạ ở đây không phải là ai khác mà là các cơ quan quản lý. Có thể chính quyền thấy rõ, nhưng vì lý do nào đó, không ngăn chặn được và nó lừng lững mọc lên. Nếu báo chí không lên tiếng, chỉ thẳng mặt để nói điều phải quấy, có lẽ, nó cũng chìm vào im lặng. Và cũng chưa chắc, kể cả báo chí lên tiếng, thì tòa nhà này vẫn cứ được hoàn thành việc xây dựng các công trình còn lại và được xử lý bằng cách làm đẹp hồ sơ, bổ sung cho phù hợp và xử phạt lấy lệ.
Thử làm một sự so sánh để thấy sự "khủng khiếp" của quyền lực nhóm. Tòa nhà Panorama Mã Pì Lèng diện tích xây dựng 226 m2, diện tích sàn gần 500 m2 và gần 80 m2 sàn ngắm cảnh khung thép. Còn công trình 15 Đồng Khởi gọi là Khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp có diện tích 22.000 m2, với các công trình gồm: Khu trung tâm hội nghị 4 tầng và 1 tầng hầm, khu trung tâm thương mại dịch vụ 5 tầng và 1 tầng hầm. Công trình Panorama Mã Pì Lèng 10 tỉ đồng, còn khu phức hợp 15 Đồng Khởi được đầu tư 680 tỉ đồng. Vì thế xin thưa, tòa nhà Panorama Mã Pí Lèng phải gọi khu phức hợp 15 Đồng Khởi bằng "cụ".
Ngay trung tâm TP Biên Hòa, xây cái hàng rào cũng có cán bộ quản lý đô thị đến hỏi chuyện, đừng nói là tòa nhà to lớn đồ sộ. Vậy mà nó vẫn cứ mọc lên, lù lù trước mắt thiên hạ, chọc giận dân chúng, thách thức pháp luật, trêu ngươi chính quyền.
Nói trêu ngươi chính quyền là vì công trình xây trái phép, hai năm trước từng bị UBND TP Biên Hòa xử phạt hành chính và yêu cầu dừng thi công nhưng nó vẫn cứ thi công. Nói thách thức pháp luật vì UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo cưỡng chế nhưng công trình vẫn tồn tại. Nói chọc giận dân chúng vì ngay cả khi bị báo chí phanh phui, chính quyền có chỉ đạo cưỡng chế, thì một số hạng mục công trình đã hoàn thành và đưa vào khai thác dịch vụ, các công trình khác vẫn tiếp tục triển khai xây dựng.
Càng làm càng chọc giận dân, bởi vì muốn khai thác các dịch vụ kinh doanh thì phải có giấy phép kinh doanh, vậy tại sao chính quyền chỉ đạo cưỡng chế mà lại cấp phép kinh doanh, nếu chính quyền không cấp phép thì đơn vị này kinh doanh "lậu". Mà tại sao lại hoạt động kinh doanh "lậu" trước mắt chính quyền được?
Vô lý ở chỗ, chỉ cần một hộ dân hoạt động kinh doanh không phép là các cơ quan quản lý gõ đầu ngay lập tức. Còn trung tâm hội nghị của một dự án xây dựng trái phép thì lại ngang nhiên hoạt động. Một điều đương nhiên là phải có một thế lực đứng đằng sau dự án khu phức hợp này, bởi vì nếu không thì không thể làm được dù chỉ cái hố để xây móng. Nhưng thế lực đó là ai, là nhóm người nào thì chưa biết và phải điều tra cho ra ngọn ngành. Nhưng trước mắt, phải cưỡng chế, đập bỏ những hạng mục công trình vi phạm, hoặc đập bỏ cả công trình nếu đủ căn cứ. Nếu như "thì thào" trong phòng kín để cho qua thì dứt khoát đây là mưu chước của nhóm lợi ích.
Đồng Nai có nhiều cán bộ lãnh đạo đã và đang bị kỷ luật. Có thể từ vụ dự án khu phức hợp này, có thêm một danh sách cán bộ bị kỷ luật được công bố.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét