Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2019

Miên man trôi trong thu Sài Gòn

Miên man trôi trong thu Sài Gòn

Trần Huy Minh Phương
https://www.thesaigontimes.vn/... đăng ngày 13/10/2019, 07:44.

(TBKTSG) - Sài Gòn những ngày gần đây lòng phố ướp đầy gió. Ngọn gió phả vào mặt người pha hơi lạnh mằn mặn và hanh khô. Thu đang về! Lá me bay xòa mặt đường vàng tươm sắc nắng. Ngọn chổi của người lao công lướt trên mặt phố chưa hết một góc đường thì lá vàng đã lại xoay tròn và gió hất tung nhịp phố.
Ngồi cà phê hẻm sáng nay, tôi miên man trôi trong một nỗi nhớ mơ hồ. Giọt cà phê quánh cùng nét nhạc: “Gió xa xôi vẫn về/Mưa giăng mù lê thê/Đến bao năm nữa trời/Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu” (ca khúc Giọt mưa thu). Rồi những đợt sóng lòng lại réo những âm giai: “Nhớ khi chiều sương, cùng ai trắc ẩn tấm lòng. Biết bao buồn thương, thuyền mơ buông trôi xuôi dòng” (Con thuyền không bến). Tôi lại trôi tiếp với những giọt nhạc chưa kịp rụng trước sắc thu quyến rũ: “Ánh trăng lan dịu dàng/Ru hồn bao nhớ nhung/Đêm lắng buồn/Tiếng thu như thì thầm/Trong hàng cây trầm mơ” (Đêm thu)…
Mỗi khi nghe hay nhớ về ba khúc tình thu da diết của người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh Đặng Thế Phong, tôi không khỏi xúc động, dẫu tôi đã nghe đi nghe lại rất nhiều lần trong nhiều năm qua.
Tôi từng được cha kể những câu chuyện xưa. Có lần ông kể Đặng Thế Phong (1918-1942) là nhạc sĩ thuộc thế hệ tiên phong của tân nhạc Việt Nam, một trong những gương mặt tiêu biểu nhất cho giai đoạn âm nhạc tiền chiến. Nhạc sĩ mất năm 24 tuổi vì bệnh lao trên một căn gác ở phố Hàng Đồng, Nam Định, và chỉ để lại ba nhạc phẩm đều về mùa thu. Sau khi nghe ba tình khúc thu nổi tiếng đó, lòng trai mười sáu tuổi trong tôi đã bâng khuâng bao nỗi niềm mà mãi đến sau này tôi mới hiểu ra, phía sau những nét nhạc đó là một phận người. Hành trình đốt cháy mình bao giờ cũng trong cô đơn và mãnh liệt. Và trong thu này, tôi bỗng nhớ về tài hoa mệnh yểu của Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, Bích Khê…
Ngồi cà phê hẻm Sài Gòn, tôi miên man trôi trong những ý nghĩ về mùa thu… Từ đâu đó phát ra âm giai của đàn mandolin tấu lên bản nhạc Giọt mưa thu. Tôi bỗng nhớ những bữa cơm gia đình sum vầy thân mật.
Những năm tháng ấu thơ, vào mỗi dịp giỗ chạp, tôi từng nghe cha, bác và các cô chú kể những câu chuyện về gia tộc, rồi họ say sưa hát những khúc tình ca, rạo rực một thời son trẻ. Giọng hát du dương của cô tám bao giờ cũng được ưu tiên vì cô là diễn viên ưu tú nhất nhà. Bên cạnh đàn guitar, nhạc cụ thường trực trong các buổi hòa đàn của gia đình tôi lúc đó là cây mandolin. Bác ba từng nói đàn mandolin song hành cùng âm nhạc châu Âu thời Phục Hưng, nhất là tại đất nước Ý xinh đẹp, với hình ảnh các chàng trai ôm cây đàn trong tay, đứng dưới ban công cất tiếng hát da diết cho người yêu ở trên lầu. Ngày nay, đàn mandolin gần như chỉ còn là quá khứ trong nỗi hoài thương của nhiều người. Mỗi lần về nhà, tôi vẫn thấy cây mandolin được cha treo trên một góc tường chất chứa kỷ niệm một thời.
Có một lần duy nhất tôi được nghe ông nội đàn mandolin sau buổi cơm trưa. Ông đàn bài Du kích Long Phú của nhạc sĩ Quốc Hương. Nhưng bản đàn chỉ được ông thể hiện nửa bài vì sau đó là những giọt nước mắt muộn của tuổi già nhớ về đồng đội và bao kỷ niệm thời trẻ… Ông mặc tôi ngồi đó chưng hửng, ông bỏ ra góc vườn nhà phả khói thuốc vào trời xanh và mặc niệm đồng đội.
Ngày nay những bữa cơm gia đình hiếm dần. Trong những bữa giỗ chạp cũng không còn những câu chuyện xa xăm hàm chứa những lời dạy bảo nhẹ nhàng nhưng thâm thúy. Những đứa em họ của tôi cũng lớn lên nhưng trong mắt chúng không có cảnh ấm cúng như tôi lúc xưa. Các em tôi chăm chăm mắt vào Internet, lướt web, chat bằng điện thoại xịn và thường chỉ nói vài ba câu nhớ thương qua quýt cho xong cái tình thân tộc. Không lẽ mây bay, nước trôi hết rồi sao...

Không có nhận xét nào: