Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2019

Đừng biến giấc mơ của bạn thành ác mộng của người khác!

Đừng biến giấc mơ của bạn thành ác mộng của người khác!

Trần Ngọc Châu
https://www.thesaigontimes.vn/... đăng ngày 20/10/2019  20:02.

(TBKTSG Online) - “Bất cứ một đề tài nào về tương lai đều phải bắt đầu bằng thảo luận về Trung Quốc”, George Friedman, nhà tương lai học người Mỹ đã bắt đầu như thế trong chương nói về Trung Quốc - “Con hổ giấy” trong cuốn “Một trăm năm tới".
“Một vành đai, một con đường” với một con đường tơ lụa trên bộ (đường màu xanh) và một con đường tơ lụa trên biển (đường màu đỏ) nhằm đưa kết nối kinh tế và hàng hải Trung Quốc với các nước châu Á, châu Phi và châu Âu đi vào chiều sâu. Đồ họa: Guardian
Ai cũng biết dân số Trung Quốc chiếm  ¼ dân số toàn thế giới và vì vậy Trung Quốc có thể là cường quốc toàn cầu trong tương lai, nhất là nhiều dự báo cho rằng GDP của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ (nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay) vào năm 2030.
Nhưng George Friedman không tin như thế. Vào đầu tháng 5-2014 Trung Quốc không thể “kềm chế” mình trong chiến lược trở thành cường quốc toàn cầu, đã đưa giàn khoan ra Biển Đông, hạ đặt xuống vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành vi này mang đầy tính thách thức, không những đối với Việt Nam,mà còn đối với toàn bộ hệ thống trật tự thế giới hiện đại.
Sau này cũng có ý kiến, hầu hết từ các nhà nghiên cứu của Mỹ, cho rằng đó là một chiêu trong nghệ thuật chiến tranh của người Trung Hoa: “giương Đông kích Tây”, sau khi các vệ tinh cho thấy Trung quốc đã xây dựng thành công một số cơ sở hạ tầng kiên cố như sân bay, bãi đáp… trên các vùng biển tranh chấp ở biển Đông trong thời gian họ kéo sự chú ý của Việt Nam và thế giới vào sự kiện “giàn khoan".
Cho đến nay (2019), bất chấp tất cả luật lệ thế giới, Trung quốc vẫn đưa các tàu HD quấy rối vùng bãi Tư Chính (Vanguard Bank), chà đạp mọi khái niệm tự do và an toàn trên biển.
Trung Quốc sẽ còn làm như vậy trong tương lai
Địa lý Trung Quốc khiến nước này không có khả năng trở nên một đường đứt gãy hoạt động được. Nếu nó trở thành một vùng xung đột, thì nó sẽ là một Trung Hoa còn yếu hơn cả các nạn nhân của “Giấc mơ Trung hoa”. Nền kinh tế Trung Quốc gần như không mạnh như bề ngoài.
Tuy nhiên, Trung Quốc rất quan trọng, bởi vì dường như nước này có khả năng trở nên một lực lượng thách đố toàn cầu (global challenger) trong một tương lai gần (Friedman 2010; Kissinger 1998).
Vào giữa năm 2014, điều mà Friedman dự báo đã thành hiện thực, ít nhất là sự thô bạo mà Tổng Thống Indonesia phát biểu trước Hội Nghị Thượng đỉnh Asean ở Nay Payi Daw của Myanmar gọi là “ngoại giao pháo hạm” tại Biển Đông.
Khác với “sự trỗi dậy hòa bình”, chính sách “ngoại giao pháo hạm” đang khiến Trung Quốc đang dần mất uy tín và ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Xét về địa chính trị, chúng ta thấy gì?
Thứ nhất, Trung Quốc là một ốc đảo. Nó không được đại dương bao quanh. Trung quốc lại bị các vùng đất khô cằn và hoang hóa bao bọc khiến nước này bị tách ra khỏi phần còn lại của thế giới.
Phía Bắc của Trung Quốc là Siberia và sa mạc Mông Cổ, không thể ở được và khó đi lại. Phía  Tây Nam là dãy Hi- Mã -Lạp- Sơn cằn cỗi. Biên giới phía Nam với Myanmar, Lào và Việt Nam là núi non và rừng rậm, còn phía Đông là biển. Chỉ có biên giới phía Tây với Kazactan có thể đi lại được, nhưng lần nữa, nó lại giúp tạo ra những cuộc di dân không thường xuyên như đã diễn ra trong suốt chiều dài của lịch sử Trung Quốc.
Đa số dân Trung Quốc sống tập trung bên trong lục địa cách bờ biển một ngàn dặm, 1/3 ở phía đông đất nước, còn 2/3 hoàn toàn sống rải rác nhau. Vào thế kỷ 12 Trung Hoa bị xâm chiếm bởi Mông Cổ, và hầu như hiếm khi mở rộng sức mạnh ra ngoài biên giới như hiện nay.
Về mặt lịch sử, Trung quốc không phát triển và cũng không liên tục tham gia vào sự phát triển chung với phần còn lại của thế giới.
Chúng ta cần nhớ rằng Trung Hoa không luôn luôn tham dự vào mậu dịch thế giới và có những thời gian nhất định tự đóng cửa và tránh các tiếp xúc bên ngoài. Đó là chính sách “bế quan tỏa cảng”. Không may, các triều đại nhà Nguyễn của Việt Nam đã “theo” chính sách này và đó là lý do lịch sử đã để lại nhiều gánh nặng cho tương lai.
Vào thời gian tham gia buôn bán với thế giới thì Trung Hoa dùng những con đường trên đất liền như “Con đường tơ lụa” ngang qua Trung Á và các tàu buôn chỉ ra khơi từ các cảng biển phía Đông.
Từ năm 1949 cho đến khi Mao Trạch Đông qua đời, nước Trung Hoa thống nhất với một chính phủ mạnh, nhưng đất nước vẫn nghèo.
George Friedman gọi chính sách canh tân của Đặng Tiểu Bình là "canh bạc của Mao” (Mao’s gamble). ‘Cái chết của Mao đã đưa những môn đệ của ông muốn thử lại giấc mơ Trung Hoa”, Friedman viết.
Vậy “giấc mơ Trung Hoa” là gì? Là một nước Trung Hoa thịnh vượng nhờ xuất khẩu và ngoại thương và thống nhất dưới sự lãnh đạo duy nhất của một chính phủ mạnh. Đặng Tiểu Bình biết rõ rằng Trung Quốc không thể duy trì an ninh nếu cứ tiếp tục bị cô lập thường xuyên. Một vài người cũng muốn lợi dụng nhược điểm này của Trung Quốc. Do đó Đặng cũng liều chơi canh bạc này. Ông đặt cược rằng: Trung Quốc có thể mở cửa biên giới, tham gia vào mậu dịch thế giới và không bị chia rẽ vì những xung đột nội bộ.
Như trên đã nói, Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới và hiện nay là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng để trở thành “nước dẫn dầu thế giới” như các lý thuyết của Joseph Nye thì Trung Quốc hầu như không thể đạt được, vì trên thực tế hiện nay nước này đang vi phạm các luật lệ quốc tế, trước hết là UNCLOS (Công ước Liên hiệp quốc về luật biển).
Trong cuốn “Giấc mơ Trung Quốc” (Nxb Hữu Nghị Bắc Kinh, bản dịch tiếng Việt do Nxb Thời đại ấn hành) tác giả Lưu Minh Phúc, vốn là đại tá quân đội, đã khẳng định rằng "Nhất thế giới là giấc mơ trăm năm của Trung Quốc” và là lý tưởng của “ba vĩ nhân Trung Hoa là Tôn Trung Sơn (Tôn Dật Tiên) , Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình”.
Hiện nay cả ba ông đều qua đời, và chủ tịch hiện nay của Trung Quốc là Tập Cận Bình vẫn tiếp tục thực hiện “giấc mơ trăm năm” đó với tham vọng lớn hơn khi đưa ra dự án “Vành đai, con đường” chủ yếu là muốn xây dựng “Con đường tơ lụa” mới trên biển.
Ai cũng có quyền có giấc mơ của riêng mình. Nhưng bạn không thể biến giấc mơ của bạn thành ác mộng của người khác. Đó là một lý lẽ quá đơn giản ở đời này.

Không có nhận xét nào: