Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

Tưởng nhớ sự chính danh

Tưởng nhớ sự chính danh

Trần Ngọc Châu
https://www.thesaigontimes.vn/... đăng ngày 29/10/2019, 22:21.

(TBKTSG Online) - Võ Như Lanh, Tổng biên tập đầu tiên của nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) mất đúng 9g5 phút sáng Chủ nhật 23-11-2014, nhằm 2-10 theo lịch âm. Và hôm nay, gia đình và bạn bè anh làm giỗ lần thứ 5 để tưởng nhớ một con người mà họ thấy xứng đáng để nhớ.
Nhà báo Võ Như Lanh (hàng đứng, thứ hai từ trái qua) tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn cách nay 24 năm.
Nhà báo Võ Như Lanh (bên trái ảnh) trong 1 buổi lễ tại báo Tuổi Trẻ năm 2005. Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Tôi nhớ như in cách đây 5 năm: Phạm Văn Nhứt – một đồng nghiệp chung của tôi và Lanh ở báo Tuổi Trẻ - gọi điện báo tin buồn đó khi tôi đang tắm biển Mũi Né, Phan Thiết. Mới sáng thứ Năm (20-11-2014) tôi vào thăm anh ở Phòng 26 khu “điều trị theo yêu cầu” (tức Trại 5, Bệnh viện Chợ Rẫy) thì Lanh đã không còn nói nổi.
8 giờ sáng, khu bệnh viện yên tĩnh. Tôi nói chuyện với chị Mười Thanh (Đỗ Thị Hòa), vợ Lanh vừa từ Canada về cách đó một tuần về sức khỏe của anh, về thời tiết, về hy vọng.
Anh nằm nghiêng lắng nghe và đôi mắt lờ đờ, tôi cảm nhận những giọt nước mắt đang chảy ra lặng lẽ.
Khi ngồi trên xe, tôi đã gọi cho Vũ Kim Hạnh, cựu Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, người đã thay thế anh một cách xuất sắc, khi anh được cấp trên gửi ra Hà Nội học trường Đảng cao cấp.
Suốt những tháng anh bệnh, thỉnh thoảng tôi ghé, một mình hoặc với Hằng Nga, Ba Lãng, Huỳnh Sơn Phước, những "đồng chí” và bạn, từ thời xây dựng báo Tuổi Trẻ thành một tờ báo chuyên nghiệp vào những năm 80 của thế kỷ trước và vào “đêm trước của Đổi Mới", như cách gọi của anh em báo Tuổi Trẻ thời ấy.
Tôi biết Lanh không hẳn tin đạo Phật như một tôn giáo (dù anh tin vào lý thuyết đạo Phật như một khoa học), nhưng bài kinh cầu mà chiếc máy đọc nhỏ nhẹ, thầm thì trên bàn thờ anh, như nhắc nhở những ai đến thăm anh về điều thiện - ác (cặp phạm trù bền vững nhất trong tất cả các cặp phạm trù).
Nhà báo Võ Như Lanh (trái) chia tay đội ngũ Thời báo kinh tế Sài Gòn khi xin nghỉ hưu sớm 3 năm.
Trong tất cả những đồng nghiệp làm báo mà tôi quen biết từ Bắc chí Nam thì Võ Như Lanh là người làm báo cách mạng chuyên nghiệp nhất, dù anh chẳng có một ngày học trong trường báo chí.
Khi tôi chân ướt chân ráo từ Tổng đội Thanh niên Xung phong về báo Tuổi Trẻ, thì anh đã là tổng biên tập. Câu đầu tiên mà anh nói với tôi khiến tôi một chút… vỡ mộng: “Tôi sẽ gửi anh xuống xưởng dệt 13 ở quận 4".
“Để viết phóng sự?”, tôi hỏi. “Không, anh làm công nhân ở đó hai tháng, anh phải sống đời công nhân để sau này viết về thợ thuyền cho nó thật”. Trời ơi!
Mới đây tôi gặp một bạn trên facebook, bạn này viết: “Em cám ơn anh, vì nhờ có bài báo anh viết trên Tuổi Trẻ mà em được kết nạp Đoàn, rồi vào Đảng và sau này làm phó tổng giám đốc. Rồi cô bí thư Đoàn nhà máy phải lòng em luôn và bọn em trở thành vợ chồng”.
Hai bạn ấy bây giờ có biệt thự và con cái đều đi du học. Vợ bạn ấy nay là một lãnh đạo ngành dệt Việt Nam.
Tôi không nhớ tôi đã viết gì về cái nhà máy mà khi tôi đến để được làm thợ thì ông quản đốc nói ngay: Thôi, thôi, ông mà đứng máy, chỉ làm máy và sản phẩm hư thôi. Ông cứ ở yên đây 2 tháng, sau đó tôi chứng nhận cho ông thật tốt, thế là được chứ gì!”.
Chắc chắn Lanh cũng chẳng quan tâm chuyện đào tạo phóng viên đâu. Và Lanh đã tạo một “phong trào” ở báo Tuổi Trẻ mà tôi cho là chuyên nghiệp: “Chống văn nghệ hóa báo chí”.
Bởi vì thời ấy chúng tôi chỉ “tô hồng” sự kiện. Chúng tôi thổi lên làn gió: “Về trước kế hoạch” trong các nhà máy, mà không biết rằng các nhà máy vì chạy theo số lượng nên sản phẩm làm ra ào ạt để thi đua, mà chất lượng thì không đạt yêu cầu. Thời nghèo khó, ai cần hàng tốt làm gì! Đủ là được.
Cho nên Tổng biên tập Võ Như Lanh chống lại những kiểu “tô hồng” như vậy. Đến nỗi, lúc ấy, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Phạm Trọng Cầu thường đến tòa soạn chơi cũng bị vạ lây!
Sáng nay tại lễ giỗ 5 năm của Lanh, tôi có kể rằng vào những ngày Lanh nằm bệnh, tôi có nói với anh: “Cái anh làm tốt nhất ở Saigon Times Group, không phải là các ấn phẩm kinh tế và tiếng Anh, mà là khu nhà ở của nhân viên báo ở quận 2 và Quỹ học bổng Saigon Times Foundation. “Anh cười hiền: "Tại sao ông khoa trương như vậy?” - “ Đơn giản thôi: vì các tờ báo là của nhà nước, còn nhà ở của nhân viên là sở hữu tư nhân, trong khi Quỹ Saigon Times là thuộc dạng “phi chính phủ” (NGO)”.
Anh xin nghỉ hưu sớm 3 năm và tôi nhớ anh có nói anh muốn một bạn trẻ thay anh điều hành cơ quan chính phủ (tờ báo), còn anh sẽ làm “phi chính phủ”, tức là Quỹ Saigon Times.
Hàng ngàn bạn trẻ đã được cấp học bổng hay học phí, nhỏ thôi, nhưng “những ngọn nến” cũng sáng mà, nhất là trong bóng đêm. Chúng tôi đã tự đốt lên một ngọn nến như thế: Lanh Memorial!
Cũng không cần gọi tên làm gì. Lanh, khi còn sống, rất ghét thói háo danh.
Nhưng tôi vẫn muốn tưởng nhớ tính “chính danh” của anh trong nghề nghiệp!

Không có nhận xét nào: