Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Người thân 18 thuyền viên mắc kẹt ở Trung Quốc kêu cứu

Người thân 18 thuyền viên mắc kẹt ở Trung Quốc kêu cứu
Copy từ http://nld.com.vn/20130717050046822p0c1002/nguoi-than-18-thuyen-vien-mac-ket-o-trung-quoc-keu-cuu.htm ; đăng ngày17/07/13, mục Thời sự trong nước.
(NLĐO)- Ngày 17-7-13, người nhà của 18 thuyền viên thuộc công ty Vận tải viễn dương Vinashinlines đang bị mắt kẹt nhiều tháng qua tại Trung Quốc đã từ các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An… về Hà Nội kêu cứu.
Người thân của các thuyền viên đang bị mắc kẹt ở nước ngoài tập trung tại trụ sở công ty Vận tải viễn dương Vinashinlines
Sáng nay, ngày 17-7-13, người thân của 18 thuyền viên trên tàu Hoa Sen và Sea Eagle của công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) hiện đang mắc kẹt tại Trung Quốc từ các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An… đã có mặt tại trụ sở của Công ty này ở Hà Nội để yêu cầu công ty có biện pháp đưa các thủy thủ về nước.
Bày tỏ nỗi bức xúc, bố của thuyền viên Lê Thanh Hải (ở Thanh Hóa) cho biết: “Con tôi quá thời điểm hợp đồng hơn 1 năm rồi. Cháu thì gọi điện về kêu thiếu ăn. Lương bổng thì 6-7 tháng không có. Thế thì năm nào bán được tàu để con tôi về nước? Các anh cũng đi tàu, đi biển thì biết rồi. Hai bàn tay trắng về lấy tiền đâu nuôi vợ con, gia đình?”
Bố của thuyền viên Hải yêu cầu công ty phải cho thuyền viên về thăm gia đình. Mặt khác, công ty cũng phải thanh toán sòng phẳng số tiền lương theo hợp đồng.
Gia đình của anh Chu Trọng Cường, thuyền phó 2 tàu Sea Eagle, tâm sự anh Cường vẫn thường xuyên điện về gia đình. Mẹ của anh Cường bị bệnh tim, vừa phải phẫu thuật ở bệnh viện Bạch Mai. “Gia đình chỉ có 30 mét vuông cho 9 người ở, trông chờ vào lương của cháu. Cháu tôi đi 2 năm rồi, con chưa thấy mặt bố. Cháu là con cả, gánh vác kinh tế gia đình, nhưng giờ chúng tôi không biết tính thế nào” - người nhà anh Cường giãi bày.
Tàu Sea Eagle với 9 thuyền viên đang mắc kẹt tại Trung Quốc
Anh Nguyễn Văn Vượng, có anh trai là Nguyễn Văn Tân (SN 1985), đi tàu Sea Eagle cũng cho hay theo hợp đồng thì lương 8-10 triệu nhưng giờ thì một xu cũng không có. Vợ anh Tân và con nhỏ 2 tuổi ở nhà nương tựa vào bố mẹ già, hoàn cảnh rất khó khăn.
Những người thân của các thuyền viên cũng thể hiện sự bức xúc vì công ty Vinashinlines hứa đầu tháng 7 sẽ sang Trung Quốc giải quyết, giờ sắp hết tháng 7 vẫn chưa sang.
Người nhà các thuyền viên cũng cho hay để có tiền cho các thuyền viên này đi làm việc, họ đã phải vay ngân hàng hoặc người thân. Các khoản nợ này vẫn đang treo trên đầu mà lương của thuỷ thủ thì không thấy đâu. Những người này đồng lòng yêu cầu hết tháng 8 nếu không bán được tàu thì tìm giải pháp cho anh em thuyền viên về nước.
Ngay trong buổi sáng cùng ngày 17-7-13, thân nhân của thuyền viên đã có buổi đối thoại với những người đại diện của công ty Vinashinlines.
Ông Nguyễn Văn Thoa, Giám đốc Trung tâm thuyền viên của công ty Vinashinlines, kêu gọi thân nhân các thuyền viên thông cảm, chia sẻ với công ty: “Hiện chúng tôi cũng biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Nhưng bản thân công ty không có tiền để trả. Khoản lương là hỗ trợ của Chính phủ. Nếu muốn thuyền viên về ngay thì phải đợi gói hỗ trợ khác của Chính phủ”.
Trước yêu cầu của thân nhân thuyền viên đòi phải có một cam kết về lộ trình đưa thuyền viên về nước, ông Nguyễn Văn Thoa nói nước đôi: “Tổng Giám đốc cũng đã hết sức cố gắng xin Chính phủ, bán lỗ thuyền cũng phải bán để lương cho thuyền viên trước, còn các khoản khác thì trả sau. Khi nào bán được tàu thì mới có tiền cho anh em về nước và trả lương cho thuyền viên. Chúng tôi cũng đang cố gắng để bán càng nhanh càng tốt”.
Còn ông Bùi Trường Mạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn của công ty Vinashinlines, phần trần bày tỏ: “Bản thân chúng tôi cũng bị công ty nợ lương chứ không riêng gì thuyền viên. Từ tháng 11 mới có lương trở lại nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ. Chính phủ quyết định bán được tàu nào trả lương cho thuyền viên thuyền ấy. Hiện mới bán được một tàu, các tàu khác còn đợi tiếp”.
Theo đại diện của công ty, ngày 21-7 tới đây, lãnh đạo sẽ bay sang Trung Quốc để tiếp tục bàn hướng xử lý, song cách giải quyết như thế nào thì họ cũng không thể có câu trả lời ngay được.
Thời gian qua, báo chí đã đưa tin về lời kêu cứu liên tục của 18 thủy thủ đang mắc kẹt trên tàu Sea Eagle và tàu Hoa Sen tại Trung Quốc. Các thủy thủ trên tàu cho biết đời sống thuyền viên trên tàu vô cùng khó khăn, điện sinh hoạt vô cùng khan hiếm. Nhiều người đã rơi vào tình trạng trầm cảm, tuyệt vọng sau những tháng ngày bị mắc kẹt.
Tàu Sea Eagle là một con tàu lớn với trọng tải hơn 65.000 tấn của công ty Vinashinlines nhưng nằm bất động tại LongShan ShipYard có địa chỉ Liu-heng island, Zhoushan, Zhenjiang (Trung Quốc) từ năm 2008 cho đến nay.
Tàu Hoa Sen neo đậu tại vùng biển thuộc quản lý của Nhà máy Xinya - Trung Quốc từ tháng 12-2011 và đã ngừng hoạt động. Các thuyền viên trên tàu cũng bị nợ lương từ 9 đến 11 tháng trong tổng số 13 tháng xuống tàu.
Được biết, công ty Vinashinlines thành lập tháng 8-2000, trước đây thuộc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Khoảng tháng 7-2010, công ty này được chuyển sang cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), khi Chính phủ tiến hành cơ cấu lại tập đoàn Vinashin.
Bài-ảnh: Nguyễn Quyết

Mẹ VNAH được cộng điểm: "Tôi thấy có gì đó không ổn ở Bộ GD&ĐT"

Bỏ quy định cộng điểm vào Đại học cho mẹ Việt Nam anh hùng:

Mẹ VNAH được cộng điểm: "Tôi thấy có gì đó không ổn ở Bộ GD&ĐT"

Thứ tư 17/07/2013 12:56
(GDVN) - Xung quanh câu chuyện chính sách ưu tiên cho những người hoạt động Cách mạng trước tháng 1/1945 và chính sách ưu tiên cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng khi thi đại học, chiều qua (16/7) trước sức ép dư luận, Bộ GD&ĐT đã dũng cảm sửa sai bằng cách hủy quy định trên bằng một Thông tư 28.
ĐBQH Dương Trung Quốc

Xung quanh vấn đề này, ngày 17/7 phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi nhanh với đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ông Quốc đã nói về động thái của Bộ GD&ĐT khi ban hành Thông tư 28 để sửa đổi Thông tư 24 về quy định trên là tốt.

Nhưng một câu hỏi đặt ra sau sự việc này, theo ông Dương Trung Quốc đây không chỉ riêng Bộ GD&ĐT mà còn nhiều cơ quan khác thường ra những văn bản không  sát với thực tế.

“Rõ ràng với tư các là một Bộ thì người chịu trách nhiệm cao nhất phải là người đứng đầu. Qua sự việc này tôi thấy có gì đó không ổn ở Bộ GD&ĐT, thậm chí phải để cho xã hội phê phán mới chịu thay đổi...”. ông Dương Trung Quốc nói.

Về vấn đề này, GS.Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, khi đã ra một văn bản quy phạm pháp luật thì phải chú ý tới tính thực tế, tính khả thi và phải chú ý xem văn bản đó đã bao quát được những trường hợp phổ biến hay chưa?

Với những trường hợp cá biệt trong quy định vẫn có thể xử lí theo cách cá biệt, không thể nói “lí luận” của một số ý kiến cho rằng Thông tư 24 đưa ra trong tương lai có thể có Bà mẹ Việt Nam anh hùng 30 tuổi.

Ảnh Báo Quân đội Nhân dân.

“Nếu ra quy định như vậy, các cụ hoạt động cách mạng trước tháng 1 năm 1945, lúc này đã 80-90 tuổi nhỡ các cụ vẫn thích đi học Đại học, thì với những trường hợp này Pháp lệnh ưu đãi những người có công đã quy định rõ. Nhưng thẩm quyền cho ưu tiên như thế nào thì vẫn thuộc Bộ GD&ĐT nếu có những trường hợp cá biệt đó xảy ra. Khi ra các quy phạm pháp luật cần phải chú ý tới những điều đó”. GS. Thuyết nêu quan điểm.
Trao đổi với giaoduc.net.vn, PGS Văn Như Cương chia sẻ, lúc đầu ông không tin vào tai mình khi nghe tới quy định này, nhiều người cho rằng đó là quy định mang tầm nhìn xa. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu ông cho biết không thể không buồn cười khi phần lớn các bà mẹ Việt Nam anh hùng hiện nay đã “gần đất xa trời”, còn sức đâu mà đi học.

GS. Nguyễn Minh Thuyết đồng tình với quan điểm của ĐBQH Dương Trung Quốc khi cho rằng, hiện nay không chỉ ở Bộ GD&ĐT mà còn nhiều bộ, ngành khác có tình trạng ra những quy định không thực tế, mâu thuẫn và phi lí, trong khi đó mỗi bộ “sở hữu” một Vụ Pháp chế có chức năng chuyên môn về văn bản.

Nhận định về sự việc này, GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ, khi bàn hành một văn bản quy phạm pháp luật cần phải có phân tích chính sách, phải phân tích thực tế xem có những vẫn đề gì diễn ra để có sự điều chỉnh.

Muốn có điều chỉnh phải phân tích được nguyên nhân, thực trạng. Khi đưa ra biện pháp điều chỉnh (ra văn bản quy phạm pháp luật) phải tính toán xem có thống nhất với hệ thống pháp luật hay không? Có tính khả thi không?  Có gây tốn kém tiền bạc cho Nhà nước và nhân dân không? Đem lại lợi gì từ chỗ tốn kém đó?

“Nếu đối chiếu với chính sách cộng điểm ưu tiên cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng hay những cán bộ có công với cách mạng trước tháng 1 năm 1945, nếu phân tích tính thực tế thì không có thực tế ở đây. Vậy thì ngay từ đầu không cần phải ra những quy định như Thông tư 24 nữa” GS Thuyết bày tỏ.

GS Nguyễn Minh Thuyết


Vẫn theo GS. Thuyết, nếu trong thực tế có thể tưởng tượng ra một cụ già 80-90 tuổi đi thi đại học, mà cụ ấy lại là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cụ là cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 1 năm 1945 thì quyền là ở Bộ GD&ĐT, bộ có thể hướng dẫn các trường trong trường hợp cụ thể để xử lí ưu tiên như thế nào” GS. Thuyết nêu quan điểm.

Chiều qua, sau hơn 10 ngày ban hành Thông tư 24 về chính sách ưu tiên cho những người hoạt động Cách mạng trước tháng 1/1945 và chính sách ưu tiên cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng khi thi đại học, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 28 sửa đổi Thông tư 24 bỏ quy định ưu tiên trên. GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết, đây là việc làm thể hiện thái độ dũng cảm, thấy sai phải sửa và không phải bô nào cũng làm được.

Mong rằng, từ nay về sau không chỉ Bộ GD&ĐT mà còn các bộ, ngành khác trước khi ra văn bản hay quy định điều chỉnh hành vi trong thực tế phải làm tốt công tác phân tích chính sách để xem thực tế có cần hay không?

Khó cho Bộ GD&ĐT

Trao đổi với chúng tôi, một nguyên lãnh đạo (đề nghị không nêu tên) Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) cho biết, đây là vấn đề do Bộ LĐ TB&XH chủ trì. Bộ LĐ TB&XH trong khi ban hành đã đưa ra các đối tượng được ưu tiên, trong đó có những người tham gia hoạt động Cách mạng trước tháng 1 năm 1945 và Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những đối tượng này sẽ được hưởng ưu tiên gì khi thi đại học.

Theo vị này, gốc gác vấn đề là Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Bộ GD&ĐT chỉ vận dụng và đưa ra hướng dẫn.

“Xét về mặt lập pháp, nếu Bộ GD&ĐT không đưa nguyên như trong Nghị định 31 thì Thông tư của Bộ GD&ĐT lại to hơn Nghị định? Nhưng nếu đưa vào thì tính khả thi lại không có” nguyên lãnh đạo Vụ Pháp chế bày tỏ.

Quan điểm của vị này cho rằng, chính ra phải bức xúc thì khi ban hành Nghị định, Thông tư của Bộ trưởng ban hành chỉ là hướng dẫn các văn bản từ trên, lỗi ở đây không phải lỗi của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Xuân Trung

Khi bạn trẻ vô tư... bình loạn!

Khi bạn trẻ vô tư... bình loạn!
Copy từ http://teen.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=554090&ChannelID=567 , đăng ngày 16/06/13 .
T - Cộng đồng mạng Việt những ngày qua không ngừng xôn xao, nổi sóng về việc bị Peaw Sumaporn Wandee, một hot girl kiêm người dẫn chương trình tại Thái Lan, lên tiếng chỉ trích và đòi tẩy chay các thành viên Việt.
“Gửi các bạn VN. Một số bạn đã đem ảnh của tôi để đăng trên những trang web “đen” ở đất nước các bạn. Các bạn biết không? Tôi thật sự rất tức giận. Khi đọc được những bình luận khiếm nhã của các bạn trên trang cá nhân của mình”, “Với những bạn không tôn trọng tôi thì tôi không cần phải giao lưu làm gì cả”... đó là những chia sẻ đầy bức xúc được Peaw viết trên trang cá nhân vào giữa tháng 6.
Vào trang Facebook của hot girl có hơn 200.000 người theo dõi (follower) trên, không khó để nhận ra rất nhiều lời bình luận(comment) của thành viên đến từ VN xuất hiện dàn trải khắp các dòng trạng thái (status) của chính chủ. Điều đáng nói là bên cạnh những comment nghiêm túc, lịch sự vẫn còn đó hàng loạt comment phản cảm, cợt nhả như: “bao nhiêu đô một đêm vậy em?”, “còn trinh hãy nói chuyện với bố!”, “có phải bê đê không?”, “nhìn là chỉ muốn bóp”... Với chức năng tự dịch (translation), không khó để người sử dụng mạng xã hội này nói chung và Peaw nói riêng tìm hiểu nội dung các thông tin được đăng tải trên.
Cũng cần nhắc lại trước đó vào cuối tháng 4-13, tình trạng tương tự cũng diễn ra tại trang web của Omar Borkan Al Gala, một trong ba anh chàng nổi danh khắp thế giới với vụ “bị trục xuất khỏi Saudi Arabia vì... quá đẹp trai!”. Chỉ vài ngày sau khi tung tích Omar được giới truyền thông tiết lộ, Facebook của anh chàng đã đỏ rực màu cờ đỏ sao vàng kèm theo những comment rất vô tư như: “thành viên VN đâu, nhuộm đỏ FB anh ấy đi”, “ở đâu có trai đẹp, ở đó có VN theo”, “cùng treo cờ Việt để gây sự chú ý của anh ấy đi bà con”... Một số bạn trẻ Việt thậm chí còn hùa nhau gây hấn với những thành viên nước ngoài khi có sự bất đồng quan điểm.
“Quá sức xấu hổ!” - bạn Ngọc Mai (19 tuổi, sinh viên) không giấu được sự thất vọng khi nói về thực trạng trên. Theo Mai, việc yêu hay ghét ai là quyền tự do của mỗi người, nhưng cần thiết tìm cách thể hiện đúng mực, tránh gây sự phản cảm. “Có thể những bạn trẻ trên cho rằng mạng xã hội là thế giới ảo nên cứ mặc sức muốn làm gì thì làm, nhưng sự thật hậu quả họ để lại là đáng kể. Cụ thể trong trường hợp này là bức tranh về giới trẻ Việt đã bị ảnh hưởng rõ rệt”, Mai nói. Tương tự, Đức Hoàng (17 tuổi, học sinh) cho biết nhiều bạn bè quanh mình có thói quen comment bậy, chửi tục trên mạng chỉ để “cho vui” hoặc “có vài dòng ngắn ngủi thì đủ làm chết ai?”. Hoàng cho rằng phản ứng của Peaw là dễ hiểu và các bạn trẻ Việt thay vì cay cú thì nên coi đó là “gáo nước lạnh” cần thiết để soi rọi lại bản thân mình.
Chia sẻ về vấn đề này, ThS tâm lý Đào Lê Hòa An cho rằng những comment nói trên của một bộ phận cộng đồng mạng Việt thể hiện ý thức và trình độ văn hóa thấp kém, hậu quả trước mắt là tự hạ thấp giá trị bản thân mình.
“Với sự phát triển của công nghệ trong thế giới phẳng thì rào cản ngôn ngữ không còn tồn tại và tất cả lời lẽ thô tục, khiếm nhã sẽ bị “phơi bày” trước bạn bè quốc tế. Dĩ nhiên hình ảnh giới trẻ Việt sẽ bị vạ lây vì sự vô tư của một bộ phận người trẻ”, ThS An phân tích. Theo ông, đã đến lúc cần có những khóa học về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho giới trẻ Việt để các bạn biết gìn giữ đúng cách hình ảnh bản thân lẫn tự hào quốc thể của mình.
CÔNG NHẬT

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Tai nạn thảm khốc: Xe khách lao xuống ao, 4 người chết tại chỗ

Tai nạn thảm khốc: Xe khách lao xuống ao, 4 người chết tại chỗ
Copy từ http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Tai-nan-tham-khoc-Xe-khach-lao-xuong-ao-4-nguoi-chet-tai-cho/306702.gd , đăng ngày 11/07/13, mục Xã hội.
(GDVN) - Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 3 giờ sáng ngày 10/7/13 trên tuyến quốc lộ 47, hướng TP Thanh Hóa - Triệu Sơn (đoạn qua xã Thọ Thế, huyện Triệu Sơn) làm 4 người chết tại chỗ.
Thi thể các nạn nhân được người dân vớt lên bờ
Các nạn nhân tử vong được xác nhận danh tính là: Đỗ thị Thủy (sinh năm 1990, xã Thọ Ngọc), Lê Thị Lương (sinh năm 1989, xã Thọ Ngọc), Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1990, xã Thọ Tân), Lê Sĩ Chung (sinh năm 1986, xã Thọ Dân) và tài xế thoát nạn được là Trần Văn Thìn (xã Thọ Tân).
Theo người dân ở đây cho biết, vào khoảng 3 giờ sáng một chiếc xe 4 chỗ ngồi đang lưu thông trên tuyến quốc lộ 47 hướng TP Thanh Hóa - Triệu Sơn (đoạn qua xã Thọ Thế, huyện Triệu Sơn).
Chiếc xe ô tô bị nạn
Do tài xế điều khiển xe (hiện chưa được trục vớt, chưa rõ biển số) chạy quá nhanh và không làm chủ được tốc độ nên đã lao thẳng xuống ao ven quốc lộ 47. Sau khi xảy ra tai nạn tài xế đã bỏ trốn khỏi hiện trường.
Khoảng gần 30 phút, sau khi sự việc xảy ra công an huyện Triệu Sơn đã có mặt kịp thời để giải quyết sự việc. Đồng thời người nhà các nạn nhân cũng đã có mặt tại hiện trường để nhận diện thi thể người thân
Cát Dự

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Lở đất, 40 người bị chôn sống

Lở đất, 40 người bị chôn sống
Copy từ http://nld.com.vn/20130710074453675p0c1006/lo-dat-40-nguoi-bi-chon-song.htm , đăng ngày10/07/13 , mục Thời sự quốc tế.
(NLĐO) - Khoảng 40 người đã bị chôn vùi sau trận lở đất do mưa lớn tại thị xã Đô Giang Yển, tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc hôm 10-7-13.
Theo Tân Hoa xã, vụ lở đất xảy ra vào buổi sáng. Cơ quan chức năng đã huy động hơn 100 nhân viên cứu hộ với sự trợ giúp của chó nghiệp vụ tới hiện trường.
Một nhà máy bị sập vì lở đất. Ảnh: BBC
Hiện vẫn chưa rõ những người bị chôn vùi có khả năng sống sót hay không.
Thông tin ban đầu cho thấy vụ lở đất làm sập hoàn toàn 11 căn nhà tại một ngôi làng ở thị xã Đô Giang Yển. Người dân sống xung quanh khu vực bị lở đất đã được sơ tán đến nơi an toàn.
Cách đây vài ngày, nhiều trận mưa xối xả đã trút xuống nhiều khu vực ở Trung Quốc, gây lũ lụt nghiêm trọng.
Hôm 9-7-13, lũ quét lớn làm một cây cầu bắc qua sông Thông Khẩu ở TP Giang Du, tỉnh Tứ Xuyên đổ sập khiến một số ô tô, xe tải rơi xuống sông và ít nhất 12 người mất tích.
Linh San (Theo Tân Hoa xã, BBC)

Bắt đối tượng chuyên vờ va chạm giao thông trên QL 5 để cưỡng đoạt tài sản

Bắt đối tượng chuyên vờ va chạm giao thông trên QL 5 để cưỡng đoạt tài sản
Copy từ http://www.cand.com.vn/vi-VN/toiphama-z/2013/7/203449.cand , đăng ngày 10/07/13, mục Tội phạm từ A-Z .
Ngày 8/7/13, Công an huyện Văn Lâm, Hưng Yên cho biết đã tạm giữ hình sự đối tượng Vũ Quang Thành, 58 tuổi, trú ở khu Gia Quất, Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội vì có hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Khoảng giữa tháng 6/2013, qua công tác trinh sát, Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an huyện Văn Lâm phát hiện trên QL5 đoạn Hà Nội - Hải Dương thường có 1 đối tượng nam giới đi xe máy, dựng màn kịch va chạm giao thông với người đi cùng chiều, sau đó bắt ép nạn nhân nộp tiền mới cho đi.
Sau hơn 2 tuần mật phục trên QL5, khoảng 9h ngày 3/7, tổ công tác Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an Văn Lâm phát hiện một người đàn ông trung niên thất thểu dắt chiếc xe máy mang BKS tỉnh Hải Dương đi hướng Hà Nội – Hải Phòng. Tiếp cận người đàn ông này, trinh sát nắm được, đây chính là bị hại vừa bị 1 đối tượng vụ gây tai nạn và đã lấy hết số tiền 1,9 triệu đồng.
Lập tức, một tổ công tác đã đưa người bị hại về trụ sở Công an huyện ghi tường trình, các trinh sát hình sự tỏa đi truy xét tung tích đối tượng cưỡng đoạt tài sản. 20 phút sau, trên QL5 thuộc huyện Văn Lâm, lực lượng Công an phát hiện, chặn giữ đối tượng nghi vấn. Đối tượng này không có giấy tờ tùy thân, trong người chỉ có 1 bao thuốc lá, chiếc bật lửa và 1,9 triệu đồng, đúng bằng số tiền mà bị hại đi xe máy BKS Hải Dương vừa tố cáo.
Đối tượng Vũ Quang Thành tại cơ quan Công an.
Tại cơ quan Công an, đối tượng được làm rõ là Vũ Quang Thành, 58 tuổi, trú ở khu Gia Quất, Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội. Thành đã có 1 tiền án về tội cưỡng đoạt tài sản, và cũng gây án với thủ đoạn nêu trên. Công an huyện Văn Lâm ngay sau đó đã tập hợp được thêm 2 đơn tố cáo bị chiếm đoạt tiền thời gian gần đây. Khi cho các bị hại nhận diện, họ nhận ngay ra đối tượng Thành.
Bước đầu, Thành khai nhận, cứ đầu giờ sáng, ông ta đi dọc QL5 bằng chiếc xe máy Dream BKS: 43K5-6824, tăm tia những người đi đường một mình, phương tiện mang BKS ở các tỉnh Thái Bình, Hải Dương… Khi đã chọn được “con mồi”, Thành sẽ ép xe, chặn lại với lý do họ đã va chạm giao thông, gây thương tích cho con nhỏ của Thành. Sau đó bằng mọi cách, Thành ép bị hại phải đưa tiền để y đưa con đi bệnh viện khám. Thông thường khi bị hại lấy tiền ra trả, Thành sẽ lấy sạch ví của họ mới cho đi.
Vụ án đang được Công an huyện Văn Lâm điều tra mở rộng. Đề nghị ai là bị hại của đối tượng Thành, liên hệ, trình báo đến Công an huyện Văn Lâm để điều tra, làm rõ.
Thu Thủy

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

1,4 tỉ đồng mua tin luồng cá

1,4 tỉ đồng mua tin luồng cá
Copy từ http://nld.com.vn/20130708022632503p0c1201/14-ti-dong-mua-tin-luong-ca.htm , đăng ngày 08/07/13, mục Địa phương.
Vào một đêm ở Trường Sa, con tàu của thuyền trưởng Võ Lung (xã Bình Chánh) đang bật đèn để cá quy tụ. Bạn chài đều ngủ. Ông thuyền trưởng thì ôm bánh lái, tai vểnh lên dò âm thanh lạo xạo từ chiếc máy Icom. “Chỉ cần nghe có cá thu, cá ngừ trên Icom... là mình truy cho tới cùng. Nếu đoán không được thì mua tin” – anh Lung cho biết.
Biển rộng vạn dặm, nhưng cá đi có luồng. Luồng cá ở đâu? Đó là thông tin mà ông thuyền trưởng phải luôn nắm bắt chứ không phải cứ ra giữa biển quăng lưới. Hiện nay nhiều ngư dân đã sắm máy dò ngang. Nhưng thực tế, nếu được ngư dân cung cấp thông tin luồng cá thì vẫn hơn chiếc máy dò ngang trị giá vài trăm triệu.
Chế biến cá xuất khẩu. Ảnh: THANH LONG
Xã Bình Chánh (Bình Sơn, Quảng Ngãi) có khoảng 85 con tàu, trong đó có nhiều chiếc hành nghề câu mực ở Trường Sa. Đêm đi câu, nếu ngư dân nhìn thấy luồng cá tụ ở những khúc cây trôi nổi thì đó là thông tin cực quý để mang ra bán. Vì đi câu mực thì tàu không có lưới.
Cuộc ngã giá trên máy Icom giữa đêm khuya khoắt. Giá cả được các bên giao kèo. Nếu thống nhất, ngư dân cho ám hiệu, quy ra tọa độ cho tàu lưới rút lao tới. Bởi trên biển, một người nói Icom thì cả ngàn người nghe.
Thuyền trưởng Võ Lung trong năm 2012 đánh bắt đạt sản lượng và bán ra được hơn 7 tỉ đồng tiền cá. Phần bạn được chia từ 150 đến 220 triệu đồng. Đó là thu nhập rất cao so với nghề giã cào mỗi năm chỉ được 50 – 80 triệu. Anh Lung cho biết: “Chỉ tính riêng chi phí để mua luồng cá tôi đã bỏ ra hơn 1,4 tỉ đồng. Nếu bán cá được 100 triệu thì người cung cấp nguồn tin được 30 triệu”.
Xem phim kiếm hiệp, nhiều người chứng kiến những nhân vật võ lâm cao siêu, úp tai xuống đất nghe tiếng vó ngựa là có thể đoán được binh mã đang từ đâu tới. Ngư dân đánh cá có câu chuyện tương tự.
Một thuyền trưởng trong làng lưới rút kể lại, nghe âm thanh phập phù trên máy Icom nói về luồng cá, hàng ngàn người lắng tai nghe rồi phán đoán tọa độ. “Có ông giỏi lắm, nghe âm thanh trong Icom lúc tròn, lúc méo rồi đoán ra tọa độ, cho tàu tới trúng liền”.
Ông Hùng, một ngư dân ở huyện Bình Sơn cho biết, kể từ khi xuất hiện những ông thuyền trưởng nghe âm thanh, đoán tọa độ, ngư dân sợ quá nên tăng cường bảo mật thông tin bằng cách liên tục đổi tần số hoặc nói ngắn rồi cúp máy.
Phương thức thu thập tin luồng cá có rất nhiều kiểu. Bên cạnh việc mua thì còn phương thức “tình thương mến thương”. Tàu cá cập bến, ông thuyền trưởng bỏ mặc ngư dân chúi đầu làm lụng. Bước lên bờ, thấy các ngư dân tàu khác, ông thuyền trưởng hồ hởi bắt tay liền. Giống như “2 nguyên thủ” gặp nhau, 2 thuyền trưởng hỏi thăm sức khỏe theo kiểu: “Bạn làm ăn được không? Túng lắm hả, nếu vậy thì cầm đỡ ít đồng mà xài”. Trong cuộc chơi, hai bên cung cấp những tọa độ... gần gần điểm cá.
Có ngư dân cao tay hơn thì rủ rê ông thuyền trưởng đi hát karaoke. Trong cuộc vui, ông thuyền trưởng nọ quên béng bí mật và thổ lộ một loạt “thông tin tối mật” của đội tàu. Số tiền hát hò, bia bọt tính ra quá bèo so với mấy chục tấn cá ở “tọa độ tối mật”.
Theo LÊ VĂN CHƯƠNG (Quảng Ngãi Online)

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Mai Phương Thúy đội mũ có dòng chữ thô tục

Mai Phương Thúy đội mũ có dòng chữ thô tục
Copy từ http://vn.thegioisao.yahoo.com/news/mai-phương-thúy-đội-mũ-có-dòng-chữ-035638745.html ; đăng ngày 02/07/13, mục Thế giới sao.
Hoa hậu Việt Nam 2006 khiến nhiều người bày tỏ sự ái ngại khi chụp hình với chiếc mũ in dòng chữ thiếu văn hóa "Fuck Down" khi cô ghé Hong Kong sắm trang phục.
Cuối tuần, Mai Phương Thúy đã có mặt tại Hong Kong để thử trang phục chuẩn bị cho chuyến du hành sang Tuần lễ thời trang Paris. Tại đây, người đẹp được stylist của hãng thời trang danh tiếng tư vấn, cô cũng có những bộ cánh ưng ý.
Trên trang cá nhân, Hoa hậu Việt Nam 2006 tranh thủ khoe những tấm hình "tự sướng" ngộ nghĩnh và đáng yêu. Tuy nhiên, bộ ảnh này khiến người hâm mộ và khán giả bị sốc bởi dòng chữ nhạy cảm được in rất to trên mũ.
Là Hoa hậu Việt Nam, nhưng Mai Phương Thúy quá vô tư khi pose hình với chiếc mũ in "khẩu hiệu" bậy bạ.
Dòng chữ "Fuck Down" là một từ nhạy cảm.
Dịch ra tiếng Việt, cụm từ này thường được dùng để văng tục, chửi bậy trong một số trường hợp.
Slogan "Comme des Fuckdown" là câu nói quen thuộc của chàng rapper A$AP Rocky và là một trong những cụm từ được đưa vào sử dụng trong loạt sản phẩm thời trang của thế giới.
Tuy nhiên, khi tìm đến những bộ hình trong hàng loạt chiến dịch sản phẩm, hình ảnh thiếu nữ nổi loạn giơ "ngón tay thối" về phía khẩu lệnh cũng đủ nói lên phần nào nội dung phản cảm của câu slogan này!
Cách đây không lâu, diễn viên trẻ Tâm Tít từng bị lên án và nhận nhiều lời chỉ trích gay gắt khi đến xem đêm thi Bước nhảy hoàn vũ 2013 với phong cách thời trang trẻ trung kèm dòng chữ "nhạy cảm" in trên áo và mũ.
Tâm Tít gặp nhiều phiền phức với thông điệp thiếu văn hóa "Fuck Down".
Trước đó, nữ ca sĩ trẻ Sunny (thuộc ban nhạc SNSD) cũng bị chỉ trích gay gắt vì thông điệp thô tục trên chiếc mũ lưỡi trai cô diện trong MV Dancing Queen. Từ tiếng Anh được in trên mũ là "Welcom motherf★Ckers" được hiểu là một kiểu chửi tục thông dụng trong tiếng Anh.
Theo TTTĐ