Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Sa Pa vào "mùa quyến rũ"

Sa Pa vào "mùa quyến rũ"
Copy từ http://dulich.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=532537&ChannelID=100; 10 ảnh; đăng ngày 30/01/13, mục Du lịch .
TTO - Sau nửa tháng chìm trong giá lạnh, thời tiết Sa Pa dịp này được dân phượt gọi là thời điểm vàng cho du lịch. Đây đó, những cây đào và mận nở sớm, khoe sắc đẹp duyên dáng trong nắng.
Ra chợ sớm ngày nắng
Sáng sớm, khi những ánh mặt trời len lỏi khỏi ngọn núi, nếu dậy sớm trèo lên núi Hàm Rồng du khách sẽ phóng tầm mắt ngắm thị trấn Sa Pa bồng bềnh trong mây. Đi bộ xuống các bản làng sẽ bắt gặp những người dân bản địa đang vội vàng ra chợ, những em bé với cặp mắt ngây thơ, trong vắt nở nụ cười đón khách...
Một số khoảnh khắc đẹp được CTV TTO ghi lại mấy ngày qua.
Cây mận hậu nở sớm ở thị trấn Sa Pa
Du khách nước ngoài dạo chơi trên khu du lịch núi Hàm Rồng.
Những tia nắng sớm rọi qua rặng tre ở xã Lao Chải.
Nắng sớm ở xã Hầu Thào .
Thị trấn bồng bềnh trong mây.
Sa Pa mờ ảo trong nắng sớm .
Người dân ở xã San Sả Hồ lúc nào cũng có cảm giác sống trên mây trên gió .
Những đứa trẻ chơi đùa trong nắng ấm .
Du khách tham quan bản làng .
Phạm Ngọc Bằng

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc

Ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc
Copy từ http://sgtt.vn/Thoi-su/174706/Ung-họ-Philippines-kiẹn-Trung-Quoc.html; đăng ngày 28/01/13, mục Thời sự.
SGTT.VN- Là hai nước “tuyến đầu”, Việt Nam ủng hộ Philippines và đương nhiên chuẩn bị đối phó với nhiều tình huống bất ngờ khác.
Ngày 26.1.13, tuyên bố tại Diễn đàn Davos, Tổng thống Philippines Begnino Aquino cho biết, ông đã tham vấn các nghị sĩ và hai người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Ramos và Estrada, trước khi quyết định kiện Trung Quốc ra toà án trọng tài. Hai ngày 23 – 24.1 vừa qua, cả hai viện của Quốc hội đã thông qua nghị quyết ủng hộ mạnh mẽ vụ kiện Trung Quốc, đồng thời kêu gọi toàn dân ủng hộ chính phủ bảo vệ chủ quyền quốc gia. Bộ Ngoại giao Philippines cũng kêu gọi các cơ quan và doanh nghiệp hàng hải ủng hộ đơn kiện Trung Quốc ra trước Liên hiệp quốc.
Công khai và cương quyết
Để giải thích cho nhân dân hiểu rõ quyết định này, bộ Ngoại giao Philippines từ ngày 23.1.13 đã đăng trên website của mình bản hỏi – đáp liên quan đến vấn đề tố tụng.
Trung Quốc thường xuyên cho các tàu thuộc lực lượng Hải giám, Ngư chính xâm phạm vùng biển của nước khác tại khu vực Biển Đông.
“Việc này sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc – Philippines không?”, “Kiện ra toà trọng tài là hành động hữu nghị và hoà bình, hy vọng không tác hại đến mậu dịch giữa hai nước. Chúng ta muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, nhưng không vì thế mà từ bỏ chủ quyền quốc gia”. “Vì sao không thể cùng phát triển với Trung Quốc ở Biển Đông?”, “Cùng phát triển theo kiểu Trung Quốc là vi phạm Hiến pháp Philippines. Hợp tác phát triển phải tuân thủ luật pháp”.
Là thành viên ASEAN, lại ở “tuyến đầu” trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, kiên cường chống lại sự lấn lướt của Trung Quốc, lần đầu tiên, Việt Nam đã có phản ứng chính thức về việc Manila đưa Bắc Kinh ra toà trọng tài quốc tế để phân xử về yêu sách đường chín đoạn phi pháp (đường lưỡi bò Trung Quốc) trên Biển Đông. Phản ứng của Việt Nam cuối tuần qua, không phải do người phát ngôn bộ Ngoại giao đưa ra như thông lệ, mà là phát biểu của một quan chức trong uỷ ban Biên giới quốc gia nhưng vẫn là một cơ quan thuộc bộ Ngoại giao.
Ngày 24.1.2013, bộ Ngoại giao Việt Nam đã có ý kiến việc Manila chính thức khởi kiện Bắc Kinh là hành động “các quốc gia hoàn toàn có quyền lựa chọn biện pháp hoà bình để giải quyết các tranh chấp”. Phát ngôn này cho thấy Việt Nam ủng hộ giải pháp hoà bình ở toà án quốc tế của Philippines. Đây là một quan điểm tích cực, nếu đem so với thái độ tiêu cực của Trung Quốc trong vấn đề này. Bắc Kinh phản ứng qua tuyên bố của người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng, các tranh chấp trên Biển Đông chỉ nên giải quyết trực tiếp thông qua các nước có liên quan và yêu cầu Manila “không được làm phức tạp thêm tình hình”. Trung Quốc kiên quyết chủ trương đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp, chống lại quan điểm đa phương.
Việt Nam, ngược lại tái khẳng định quan điểm cần “quốc tế hoá” vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã xác quyết lập trường này nhân chuyến thăm châu Âu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Minh tuyên bố “giải quyết tranh chấp trên Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế”. Khẳng định này còn được thể hiện qua “Tuyên bố Việt – Anh” và các tuyên bố chung trước đó với các đối tác châu Âu khác.
Cũng chính là mục tiêu của Việt Nam
Điều Philippines đang hướng tới cũng chính là mục tiêu tranh đấu của Việt Nam. Khi Philippines tìm đồng thuận tối đa cho vụ kiện thì các hình thức vận động như “xã hội hoá”, “pháp lý hoá” và “quốc tế hoá” vấn đề Biển Đông là những kinh nghiệm giá trị. Các tuyên bố chung giữa Việt Nam với Bỉ, Ý, Anh và EU trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy Việt Nam đang đi theo hướng đòi thực thi DOC, thúc đẩy để sớm có được COC và sẵn sàng cho mọi tình huống khác. Tăng cường liên hệ đối tác chiến lược đã hình thành, xây dựng các quan hệ đối tác chiến lược mới, mở rộng hợp tác không chỉ trên địa hạt kinh tế, mà sang cả các lãnh vực an ninh, quốc phòng…
Việt Nam hiện là quốc gia thứ ba ở châu Á vừa nâng bang giao song phương với Ý lên tầm “đối tác chiến lược” (sau Trung Quốc và Ấn Độ). Từ đây, khái niệm “an ninh hàng hải” trong quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác sẽ có nội hàm rộng lớn. Sau cuộc gặp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Thủ tướng Ý Mario Monti, thoả thuận giữa giám đốc công ty dầu khí Ý ENI với chủ tịch tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã được ký kết tại Rome. Bên cạnh Ấn Độ, Nga và Anh, từ nay thêm Ý là đối tác chiến lược có công ty làm ăn trên Biển Đông cùng Việt Nam…
Cuộc đấu tại toà án quốc tế được Philippines, theo nhiều ý kiến, lần này chuẩn bị khá công phu và hy vọng nắm phần thắng thì mới “điệu” Trung Quốc ra toà. Chẳng ai ảo tưởng Trung Quốc sẽ “rút yêu sách lưỡi bò”, nhưng đây là lần đầu, gót chân Achille của Bắc Kinh bị vạch trần trước công lý. Chỉ cần toà tuyên bố “đường lưỡi bò và các luật nội địa của Trung Quốc như cấm đánh bắt hải sản trên Biển Đông là không phù hợp với UNCLOS”. Vẫn biết phán quyết này không có các biện pháp bảo đảm thực thi, nhưng “phần thắng” ở đây không phải là hiệu lực của phán quyết. Trung Quốc sẽ đánh mất hiệu lực tuyên truyền về cái gọi là “trỗi dậy hoà bình” và xuất hiện trước bàng dân thiên hạ như một nước lớn nhưng không tôn trọng luật pháp quốc tế.
Hoàng Dũng Nhân

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Lực lượng chức năng dùng súng khống chế dân, đập chết hàng chục con gà?

Lực lượng chức năng dùng súng khống chế dân, đập chết hàng chục con gà?
Copy từ http://laodong.com.vn/Phap-luat/Luc-luong-chuc-nang-dung-sung-khong-che-dan-dap-chet-hang-chuc-con-ga/100710.bld ; đăng ngày26/01/13, mục Pháp luật.
Một hộ dân tố rằng mình đã bị lực lượng gồm Công an phường, tổ bảo vệ dân phố và Thú y quận Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) xông vào nhà dùng súng khống chế, đập chết hàng chục con gà. Trong khi đó, cơ quan chức năng khẳng định đã làm đúng quy định và không có chuyện dùng súng khống chế người dân…
Xông vào nhà đập chết hàng chục con gà
Những con gà của ông Khải nuôi bị đập chết
Ông Hồ Văn Khải (tổ 5, KV5, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) phản ánh: Khoảng 15h ngày 23.1.2013, gia đình ông bị lực lượng chức năng (gồm: Công an phường An Khánh, tổ bảo vệ dân phố phường An Khánh và Thú y quận Ninh Kiều) xông vào nhà đập chết hàng chục con gà.
Ông Khải kể: Khi ông đang lặt lá mai trước sân, bất ngờ nhóm người này tự mở cửa rào xông vào. Thấy vậy, ông Khải liền đến hỏi thì Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố Nguyễn Văn Chuột (tự Năm Chuột) dùng súng khống chế, sau đó nhóm người xông vào phá chuồng và đập chết 24 con gà gia đình ông Khải đang nuôi.
Anh Hồ Duy Phước (con ông Khải) cho biết: “Lúc tui đang xổ gà thì nhóm người này bất ngờ xông vào chụp lấy 2 con gà. Tui liền hỏi: “Tại sao bắt gà của tui?”, liền sau đó, tui bị ông Năm Chuột chạy đến và dùng súng khống chế”.
Theo lời ông Khải, trước khi lực lượng chức năng xông vào, gia đình ông không hề nhận được quyết định kiểm tra và cũng không biết vì sao gà của gia đình ông nuôi lại bị đập chết.
Ghi nhận của PV tại hiện trường cho thấy có nhiều con gà đã bị đập chết, một số con gà khác cũng bị thương. Gia đình ông Khải rất bức xúc và liên tục làm dữ, không cho lực lượng thú y mang gà về.
Không có chuyện dùng súng khống chế?
Trao đổi với PV Lao Động, ông Mai Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND phường An Khánh - cho biết: Thời gian qua, UBND TP.Cần Thơ đã có những quy định về việc cấm nuôi, nhốt, tàng trữ và vận chuyển gia cầm sống trên địa bàn quận Ninh Kiều. Gia đình ông Khải không những nhiều lần vi phạm, mà còn tổ chức đá gà ăn tiền. Phía Công an phường đã nhiều lần triệt phá nhưng ông Khải vẫn tiếp tục vi phạm. Do vậy, chiều 23.1, lực lượng Thú y quận Ninh Kiều, Công an phường và tổ bảo vệ dân phố đã “đột kích” vào nhà ông Khải chủ yếu là để thu giữ và lập biên bản số gà mà gia đình ông Khải đang nuôi, nhốt.
“Trong trường hợp này, do chỉ xử lý hành chính về việc nuôi, nhốt, tàng trữ gia cầm sống nên không có quyết định kiểm tra. Ngoài ra, lực lượng làm nhiệm vụ chỉ bắt gà ông Khải nuôi trong sân chứ không hề xông vào nhà. Chúng tôi khẳng định hoàn toàn làm đúng theo chủ trương của TP” - ông Hiệp nói.
Cũng theo ông Hiệp, số gà trên (60 con) đều là gà đá (trị giá vài triệu đồng/con), nếu bắt sống mang đi rất dễ bị người dân cho rằng mình vụ lợi, nên lực lượng làm nhiệm vụ phải đập chết tại chỗ.
Trung tá Vũ Văn Bảo - Trưởng Công an phường An Khánh - cho biết: Sau khi vụ việc xảy ra, Công an phường đã làm việc và yêu cầu ông Năm Chuột viết tường trình. Theo đó, ông Năm Chuột cho biết mình không hề dùng súng khống chế cha con ông Khải. Khi đó, bản thân ông cùng tổ bảo vệ dân phố chỉ hỗ trợ cho lực lượng thú y đập gà.
“Lúc đó, ông Năm Chuột có mang theo súng bắn đạn caosu để hỗ trợ lực lượng làm nhiệm vụ, đây là việc làm được cho phép” - trung tá Vũ Văn Bảo khẳng định.
Ông Mai Văn Hiệp cho biết thêm: “Sắp tới, chúng tôi sẽ mời gia đình ông Khải đến làm việc, xác minh làm rõ ai đúng, ai sai để có hướng xử lý thỏa đáng”.
Nhóm PV báo Lao Động

Trẩy hội dinh Thầy Thím

Trẩy hội dinh Thầy Thím
Copy từ http://dulich.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=518026&ChannelID=480 ; đăng ngày 28/10/12 , mục Văn hóa.
TTO - Ngày 29-10, đông đảo du khách thập phương kéo về xã Tân Tiến, thị xã La Gi (Bình Thuận) tham dự lễ hội lễ hội văn hóa du lịch dinh Thầy Thím với tất cả tấm lòng thành kính đối với hai nhân vật huyền thoại đầy lòng nhân ái được thờ phụng ở đây.
Đông đảo người dân nghênh đón đoàn rước - Ảnh: Khải Nguyên
 
Lễ hội bắt đầu với nghi thức nghinh thần diễn ra từ lúc 5g sáng. Đoàn xe hoa trang trí đẹp mắt với những mô hình minh họa câu chuyện nhân nghĩa của vợ chồng thầy xuất phát từ dinh tiến vào khu vực mộ cách đó khoảng 3km, sau đó đi qua các khu dân cư xã Tân Tiến và xã Tân Hải trước khi về lại dinh.
Theo ông Nguyễn Hữu Trí - trưởng ban quản lý di tích dinh Thầy Thím, ngoài phần lễ được tổ chức theo đúng truyền thống từ hơn 133 năm qua của dân làng Tam Tân, dịp lễ hội năm nay còn có thêm hoạt động triển lãm thư pháp, sinh vật cảnh, thi đấu cờ người. Các trò chơi dân gian gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân xứ biển La Gi và các hội thi leo dốc ông Bằng, kéo co, đan lưới, gánh cá, khiêng thúng ra khơi tiếp tục được duy trì, và nâng hơn về chất lượng tổ chức.
Về dự lễ hội dinh Thầy Thím, du khách thập phương còn có dịp thưởng lãm cảnh đẹp bãi biển Ngảnh Tam Tân, Mỏm Đá Chim, dốc Ông Bằng, làng chài Tân Hải, Tân Tiến, thắng cảnh Đồi Dương, Cam Bìn, đập đá dựng… cũng như thưởng thức các món ăn dân dã, hải đặc sản mang hương vị xứ biển địa phương.
Lễ hội sẽ kéo dài đến ngày 30-10 (14-9 âm lịch). Theo ước tính của ban quản lý di tích Dinh Thầy Thím, có hơn 200.000 lượt khách đến dự lễ hội này.
 
 
Khải Nguyên

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Ảnh gây chấn động về cuộc chiến ở Việt Nam

Ảnh gây chấn động về cuộc chiến ở Việt Nam
Copy từ http://vnexpress.net/gl/the-gioi/tu-lieu/2013/01/anh-gay-chan-dong-ve-cuoc-chien-o-viet-nam/ ;15 ảnh; đăng ngày 25/01/13, mục Thế giới - Tư liệu .
Larry Burrows, phóng viên ảnh chiến trường, ghi lại một ngày sinh tử của binh lính Mỹ trên chiếc một trực thăng tháng 3/1965, tạo nên bộ ảnh tư liệu quý giá về sự ác liệt của cuộc chiến.
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris dẫn đến việc Mỹ phải rút toàn bộ quân ra khỏi Việt Nam, tạp chí Life giới thiệu lại bộ ảnh "Một ngày cùng bay với Yankee Papa 13" - từng đăng tải ngày 19/4/1965 và gây chấn động dư luận bởi nó cho thấy mức độ ác liệt của cuộc chiến. Trong lần tái xuất này, Life đưa ra những bức ảnh chưa từng công bố trong cả phóng sự.
Mùa xuân năm 1965, chỉ trong vài tuần, 3.500 lính thủy đánh bộ Mỹ được điều đến Việt Nam. Larry Burrows, một phóng viên ảnh người Anh khi đó 39 tuổi, làm việc cho tạp chí Life, gửi về tổng bộ "báo cáo từ Đà Nẵng" và chỉ ít ngày sau, cả thế giới phải rúng động bởi phóng sự về chuyến bay tử thần.
Đội trực thăng của Thủy quân lục chiến Mỹ với nhiều máy bay Yankee Pappa (YP) tập trung ở Đà Nẵng để thực hiện nhiệm vụ vận chuyển một tiểu đoàn của quân đội Việt Nam Cộng hòa đến một địa điểm cách thành phố 32 km trong ngày 31/3/1965.
James Farley, chỉ huy chiếc Yankee Papa 13, hăm hở cầm khẩu súng máy M-60 lên trực thăng.
Yankee Papa 13 là một trong 17 trực thăng tham gia nhiệm vụ. Phi công chính và phụ đã sẵn sàng, xạ thủ Hoilen lên đạn cho khẩu M-60.
Trực thăng đáp xuống cánh đồng, những người trên máy bay nhảy xuống tham chiến.
Trực thăng và lính Mỹ trên đồng lúa, nhìn từ máy bay Yankee Papa 13.
Một chiếc trong đội, YP 3, bị hạ. Từ phía YP 3, một xạ thủ bị thương - trung sĩ Owens, chạy về phía YP 13 trong khi Farley đứng đón ở cửa.
"Trong buồng lái chiếc YP 3, chúng tôi nhìn thấy phi công đã đổ sập thân hình xuống bàn điều khiển. Anh ta không cử động. Mặt anh ta đầy máu và có một lỗ ở cổ. Chúng tôi tin rằng anh ta đã chết", Phóng viên Burrows vừa chụp ảnh vừa ghi âm. "Tôi quỳ xuống đất để tránh đạn".
Farley tiếp tục bắn để thoát khỏi hiện trường. Anh ta vừa nã đạn ra ngoài vừa nhìn chằm chằm vào viên phi công phụ của trực thăng YP 3 đang nằm trên sàn.
Farley lấy đồ sơ cứu cho vết thương của phi công phụ Magel của YP 3, trong khi Hoilen chăm sóc cho xạ thủ Owens (đeo kính đen) ngồi gục mặt cạnh đó. Owens bị vỡ vai vì đạn.
Kiệt sức trước những căng thẳng, Farley bước qua xác Magel trong khi Hoilien cố gắng an ủi Owens. Đột nhiên, Farley chửi thề rồi bật khóc. Ban đầu anh ta còn giấu mọi người nhưng về sau không quan tâm ai đang nhìn mình khóc.
Về đến Đà Nẵng, Owens được đưa xuống khỏi máy bay để đi chữa trị vết thương.
Trên sàn máy bay đầy vỏ đạn đã sử dụng trong trận chiến.
Farley và Hoilien, kiệt quệ sau chuyến bay, nói với những người khác rằng nếu chỉ ở lại trên cánh đồng đó thêm 10 giây nữa thôi thì họ sẽ trúng đạn và không bao giờ quay về được nữa
Trong kho tiếp tế, tay che mặt, James Farley òa khóc vì một ngày mệt mỏi và đau thương trên chiến trường.
6 năm sau khi đăng phóng sự "Một ngày cùng Yankee Papa 13", Larry Burrows tử nạn cùng 3 phóng viên khác khi chiếc trực thăng chở họ bị bắn rơi trên đất Lào tháng 2/1971.
Vũ Hà (Ảnh: LIFE)

Làng nuôi gà sách đỏ độc nhất ở Việt Nam

Làng nuôi gà sách đỏ độc nhất ở Việt Nam
Copy từ http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2013/01/lang-nuoi-ga-sach-do-doc-nhat-o-viet-nam/; 3 ảnh; đăng ngày 25/01/13, mục Xã hội .
Chỉ thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng của xã Tiên Phong (Duy Tiên, Hà Nam) nên từ lâu giống gà Móng quý có tên trong sách Đỏ Việt Nam được nuôi độc nhất ở xã này.
Chân gà Móng rất to. Ảnh: Văn Định.
Cận Tết, thương lái khắp nơi đánh xe về xã Tiên Phong để đặt mua gà Móng. Dẫn khách tham quan loại gà quý được nuôi rộng rãi trong xã, ông Trần Quốc Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Tiên Phong giải thích, gà Móng là giống gà cổ thuần chủng, chân to, thân hình giống gà Hồ (Bắc Giang), chất lượng thịt ngon như gà Đông Cảo (Hưng Yên). Vì thế giá gà Móng luôn cao, hiện gà thương phẩm khoảng 180.000 đồng/kg, trong khi gà ta thường chỉ 120.000 đồng.
Năm 2003 trong một lần khảo sát thực trạng nuôi gà ở xã Tiên Phong, một cán bộ Sở Nông nghiệp tỉnh Hà Nam đã vô tình phát hiện ra giống gà khác lạ và sau đó đưa lên Viện Chăn nuôi để xét nghiệm. Kết quả là gen của giống gà Móng thuộc loại quý hiếm. Ngay năm đó gà Móng được ghi vào sách Đỏ”, ông Thắng kể và giải thích sở dĩ gọi là gà Móng vì gắn với địa danh trước kia của xã.
Ông Trần Xuân Xưởng (66 tuổi, thôn An Mông 1) chọn những con gà ngoại hình đẹp, to để làm giống. Ảnh: Văn Định.
“Giống gà Móng duy nhất xã Tiên Phong nuôi tốt. Rất nhiều nơi đến mua gà giống về nuôi thử nhưng sau đó hai ba lứa thì bị chết nên Viện chăn nuôi giám định địa phương chính là nơi lưu giữ nguồn gen tốt nhất”, ông Phó chủ tịch xã tự hào nói.
Có kinh nghiệm nuôi gà Móng lâu năm, ông Trần Xuân Xưởng cho biết, giống gà này có từ thời xưa, dân làng nuôi rồi nhân giống hết đời này qua đời khác. Nó rất dễ nuôi, chỉ ăn lúa, ngô, khoai, sắn nghiền, vì thế chất lượng thịt thơm ngon, da giòn, không mỡ. Sau 7 tháng, gà trống đạt 3,5-4 kg, gà mái 2,5-3 kg. Loài này có đặc điểm con trống màu đỏ tía, chân to bằng tay trẻ em, vảy thẳng hàng không xù xì như gà Đông Cảo (Hưng Yên), gà mái lông trắng nhạt.
Sau 7-8 tháng gà Móng bắt đầu đẻ, trung bình gà mái đẻ 200-230 trứng một năm. “Gà con khi mới nở bao giờ màu lông cũng trắng, chân vàng. Kẽ chân có đường viền đỏ, vảy thẳng hàng. Đặc biệt, tiếng gáy của gà Móng trầm mà không bổng như loài gà khác”, anh Nguyễn Văn Thắm, người dành tới 3 ha đất vườn để nuôi gà Móng, cho biết
Gà Móng mới ấp nở. Ảnh: Văn Định.
Năm 2009, trang trại của anh Thắm được chọn triển khai dự án bảo tồn gene gà Móng do tỉnh Hà Nam hỗ trợ, thực hiện trong 50 năm với tổng số tiền dự án 7 tỷ đồng. Ông chủ này cho hay, gần đây rất có nhiều khách và chủ nhà hàng ở Hà Nội, Hải Phòng và cả TP HCM đến đặt mua gà Móng cho Tết, nhưng anh không đáp ứng được. Tết này trang trại của anh chỉ phục vụ được trên 4 tấn gà thương phẩm.
Ông Đỗ Đức Diện, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi - thủy sản tỉnh Hà Nam, khẳng định gà Móng từ xưa đã gắn bó với người dân xã Tiên Phong nên thích nghi với địa chất, khí hậu nơi đây. “Loại này duy nhất xã Tiên Phong nuôi được. Chúng chống dịch bệnh tốt, năm 2003 nhiều địa phương lân cận gà bị cúm H5N1 nhưng chỉ gà Móng không bị sao. Chúng tôi đã nuôi thí điểm nhiều nơi nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế”, ông Diện nói thêm.
Văn Định

Ván bài “toà án quốc tế” và góc nhìn của Việt Nam

Ván bài “toà án quốc tế” và góc nhìn của Việt Nam
Copy từ http://sgtt.vn/Quoc-te/174599/Van-bai-“toa-an-quoc-te”-va-goc-nhin-cua-Viet-Nam.html; đăng ngày 25/01/13, mục Quốc tế .
SGTT.VN - Vào 22.1.13 vừa qua, Philippines đã tuyên bố sẽ đưa tranh chấp Biển Đông ra toà án quốc tế theo quy định của Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS) để phản đối yêu sách “đường chín đoạn” của Bắc Kinh. Lý do mà nước này đưa ra là vì Trung Quốc đã trì hoãn, thậm chí là thiếu thiện chí trong việc tìm ra các giải pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp. Theo phía Philippines, họ khẳng định sẽ đơn phương kiện Trung Quốc theo cơ chế trọng tài, yêu cầu thành lập toà trọng tài theo phụ lục VII của UNCLOS, trong điều kiện Trung Quốc không chấp nhận cùng đưa vấn đề tranh chấp ra toà án quốc tế về luật Biển.
Cơ chế pháp lý nào?
Philippines sẽ đơn phương kiện đường chín đoạn của Bắc Kinh theo cơ chế trọng tài của UNCLOS. Trong ảnh: dân Philippines biểu tình đòi Trung Quốc ra khỏi bãi cạn Scarborough. Ảnh: AP
Các quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS nằm trong chương XV, gồm ba phần và 21 điều (từ điều 279 đến 299). Phần 1 nói về các thủ tục và quy định của quá trình giải quyết tranh chấp dựa trên sự thống nhất của hai bên, từ điều 279 – 285, trong đó đáng chú ý là điều 283, yêu cầu các bên phải trao đổi quan điểm về vấn đề tranh chấp trong trường hợp tranh chấp đó nằm trong phạm vi điều chỉnh của UNCLOS mà các quốc gia đã cùng ký kết, để tìm ra biện pháp giải quyết thông qua đàm phán hoặc các hình thức hoà bình khác. Dựa trên cơ sở này, Philippines hoàn toàn có thể yêu cầu Trung Quốc cùng đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra toà án quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng ý, vì nước này không có cơ sở pháp lý vững chắc cho các đòi hỏi chủ quyền của mình.
Dường như nhận thức rõ điều này, nên phía Philippines đã cho rằng Trung Quốc vi phạm UNCLOS và không có thiện ý giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, để từ đó áp dụng phần 2 trong chương XV (từ điều 286 – 297), quy định về các thủ tục pháp lý cần thiết để đưa ra các quyết định ràng buộc. Điều 286 của phần 2 nêu rõ: trong điều kiện không đạt được bất cứ thoả thuận giải quyết tranh chấp nào sau khi đã thực hiện các quy định của phần 1, thì đề nghị của bất cứ quốc gia nào cũng sẽ được gửi tới toà án quy định trong mục này. Theo điều 287, các quốc gia thành viên sau khi ký kết UNCLOS, trong điều kiện cần thiết có thể chọn một trong bốn toà án cụ thể để giải quyết tranh chấp, nhưng nếu quốc gia cùng tranh chấp còn lại không chấp nhận phương án mà bên kia chọn hoặc không chọn phương án, thì tranh chấp vẫn có thể được đưa ra toà trọng tài theo phụ lục VII (mục 5 điều 287).
Hiện nay, Philippines chưa tiết lộ sẽ kiện Trung Quốc trong những vấn đề cụ thể nào và cũng chưa cho biết sẽ chọn toà án nào, tuy nhiên phía Trung Quốc chắc chắn sẽ không bao giờ đồng ý cùng đưa vấn đề tranh chấp ra toà án quốc tế, do đó, toà trọng tài theo phụ lục VII sẽ là phương án được áp dụng. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm nhất ở đây chính là các quy định trong phần 3 chương XV, quy định về các giới hạn và ngoại lệ cho việc áp dụng phần 2. Đặc biệt là điều 298, mục (a) (i) quy định về các ngoại lệ mà quốc gia tranh chấp có thể áp dụng để loại bỏ thẩm quyền thụ lý của các toà án nêu trong điều 287, cụ thể là các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng các điều 15, 74 và 83 về phân định ranh giới biển.
Sau khi tham gia UNCLOS, Trung Quốc đã tuyên bố tự tách nước mình ra khỏi các cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ. Năm 2006, Trung Quốc đã tuyên bố coi tất cả các loại tranh chấp liệt kê trong điều 298 là ngoại lệ, bao gồm cả tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng các điều 15, 74 và 83 về phân định ranh giới biển. Vì vậy, về lý thuyết, Philippines có thể đơn phương kiện Trung Quốc nếu nước này chứng minh được tranh chấp giữa hai nước thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS và không nằm trong các ngoại lệ mà Trung Quốc đã tuyên bố.
Lợi thế cho Việt Nam?
Việc Philippines đưa các tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông ra toà án quốc tế rất đáng chú ý. Cả Trung Quốc và Philippines đểu phải giải thích một cách rõ ràng trước toà về việc giải thích và áp dụng Công ước về luật Biển 1982. Ngay cả trong trường hợp Trung Quốc phản đối không tham gia, như đã nói ở trên, một khi toà trọng tài chấp nhận giải quyết tranh chấp thì Bắc Kinh vẫn sẽ phải làm rõ quan điểm của họ về đường lưỡi bò chín đoạn. Đây được coi là quan điểm mập mờ nhất của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.
Theo lập luận của tác giả Dương Danh Dy trên tờ Asian Sentinel, có tới bốn cách diễn giải về đường chín đoạn này: (1) Trung Quốc chỉ đòi hỏi chủ quyền của các đảo bên trong đường chữ U; theo luật quốc tế, yêu sách đó sẽ bao gồm thêm lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, nếu có, của các đảo này, (2) Đài Loan – một chính phủ không được công nhận là đại diện cho quốc gia nào đã tuyên bố rằng khu vực bên trong đường chữ U là vùng nước lịch sử. Quan điểm này được một số học giả đại lục chia sẻ, (3) Trung Quốc có ý định đòi hỏi vùng biển bên trong đường chữ U như là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phát sinh từ quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough và (4) trong thời gian gần đây các học giả Trung Quốc đã đưa ra một cách diễn giải dung hoà giữa ba cách trên. Theo cách diễn giải này, yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông bao gồm ba lớp. Ở lớp đầu tiên, Trung Quốc đòi chủ quyền đối với các đảo đang bị tranh chấp. Ở lớp thứ hai, họ yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phát sinh từ các đảo này. Và ở lớp thứ ba, Trung Quốc đòi “quyền lịch sử” đối với vùng biển bên ngoài 12 hải lý tính từ các đảo, với đường chữ U là phạm vi, hoặc vừa là cơ sở vừa là phạm vi, cho yêu sách này.
Việc xác định được rõ ràng cách diễn giải của Trung Quốc sẽ mang lại lợi thế cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh pháp lý chống lại những lý lẽ “nửa vời” từ phía Bắc Kinh khi rõ ràng cả bốn quan điểm nêu trên đều hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế và không có bằng chứng thuyết phục. Quan điểm được làm sáng tỏ của Trung Quốc đối với đường chữ U cũng sẽ ép họ vào thế chống đỡ về lý lẽ giúp cho các chiến lược “học thuật hoá” và “thể chế hoá” diễn ra một cách hiệu quả. Thêm vào đó, ngay cả Philippines cũng sẽ phải làm sáng tỏ quan điểm của mình về cách diễn giải điều 121 khoản 3 về quy chế đảo áp dụng cho các đối tượng tranh chấp ở Trường Sa.
Lợi ích nữa mà Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được đó chính là kinh nghiệm cho quá trình tiến hành tố tụng. Vụ kiện này chắc chắn sẽ kéo dài và quá trình tố tụng sẽ phức tạp và tốn kém. Chính vì thế vụ việc lần này sẽ giúp cho Việt Nam chuẩn bị tốt hơn cho hồ sơ kiện tụng sau này, tìm hiểu lý lẽ của các bên tham gia để củng cố các lập luận và chứng cứ của mình, cũng như có thời gian quan sát và tìm hiểu cách đối phó cho thích hợp, đặc biệt về mặt pháp lý tại toà án. Nên nhớ rằng các vụ kiện có liên quan tới chủ quyền như thế này tốn rất nhiều chi phí về mặt chuẩn bị hồ sơ, chọn thẩm phán, và cả về những vận động phía sau hậu trường.
Vũ Thành Công - Nguyễn Thế Phương

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Một đòn mạnh giáng vào "đường lưỡi bò" phi pháp

Một đòn mạnh giáng vào "đường lưỡi bò" phi pháp
Copy từ http://tuoitre.vn/The-gioi/531463/mot-don-manh-giang-vao-duong-luoi-bo-phi-phap.html; đăng ngày 24/01/2013 10:12, mục Thế giới.
TT - Với việc kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc, Philippines đang theo đuổi chiến lược ba mũi nhọn nhằm đối phó với những yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông.
Tàu hải giám Trung Quốc xuất hiện gần bãi cạn Scarborough Ảnh: AFP.
Ba mũi nhọn này là ngoại giao, chính trị và pháp lý. Philippines đưa ra bốn cáo buộc. Một là, “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là phi pháp xét theo luật pháp quốc tế. Hai là, Trung Quốc đã chiếm giữ và xây dựng cơ sở trên các bãi đá ngầm, bãi cạn, bãi cạn lúc chìm lúc nổi... trên biển Đông và gọi chúng một cách bất hợp pháp là “đảo”. Ba là, Trung Quốc đã can thiệp bất hợp pháp vào các hoạt động bảo vệ chủ quyền của Philippines trong vùng lãnh hải nước này. Bốn là, Philippines tìm kiếm một phán quyết trong luật pháp quốc tế về vấn đề mà Trung Quốc chưa đưa vào danh sách “không chấp nhận” của Bắc Kinh.
Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định đã vận dụng mọi giải pháp chính trị và ngoại giao để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc một cách hòa bình nhưng bất thành. Nếu Philippines không hành động, cộng đồng quốc tế sẽ cho rằng Manila ngầm chấp thuận việc Trung Quốc “thực hiện chủ quyền” trên vùng biển Philippines bằng các tàu hải giám. Trên thực tế, Trung Quốc đã thôn tính bãi cạn Scarborough bằng việc triển khai tàu chiến, tàu tuần tra tại khu vực này, thậm chí còn lập rào chắn. Ngư dân Trung Quốc cứ tiếp tục đánh bắt cá trái phép trên vùng biển của Philippines.
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) đưa ra bốn cơ chế giải quyết tranh chấp lãnh thổ: Tòa án luật biển quốc tế (ITLOS), Tòa án công lý quốc tế (ICJ), Tòa án trọng tài và Tòa án trọng tài đặc biệt. Philippines đã tuân thủ mọi quy trình của UNCLOS. Các nước khi ký kết UNCLOS là đã chấp nhận việc giải quyết tranh chấp bắt buộc. Đầu tiên các nước phải giải quyết tranh chấp song phương. Nếu không đạt được thỏa thuận, một quốc gia có quyền đưa vụ việc ra tòa quốc tế theo UNCLOS. Quốc gia này có quyền chọn ITLOS hoặc Tòa án trọng tài.
Philippines đã chọn Tòa án trọng tài. Ban đầu Tòa án trọng tài sẽ xác định cơ quan này có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hay không. Có nghĩa là tòa án sẽ xác định lập luận của Philippines có bao gồm việc diễn giải hoặc áp dụng UNCLOS hay không. Tòa án trọng tài có thể xác định xem liệu một địa điểm tranh chấp là đảo, bãi cạn hay bãi đá ngầm. Quan trọng hơn, Tòa án trọng tài có thể xác định xem liệu Trung Quốc có can thiệp bất hợp pháp vào chủ quyền lãnh thổ của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines hay không.
Tháng 8-2006, Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận quy trình giải quyết tranh chấp bắt buộc dựa trên bốn cơ chế trên trong các vấn đề về phân định vùng lãnh hải, EEZ và thềm lục địa. Philippines khẳng định vụ việc này liên quan đến các vấn đề ngoài vùng lãnh hải, EEZ hay thềm lục địa. Vụ việc của Philippines cũng bao gồm việc diễn giải luật quốc tế theo UNCLOS. Do đó, Tòa án trọng tài có thể sẽ ra phán quyết ủng hộ Philippines. Nhiều khả năng phán quyết này sẽ tái xác nhận đường bờ biển, vùng lãnh hải và EEZ của Philippines dựa trên luật pháp quốc tế. Đó sẽ là một đòn mạnh giáng vào yêu sách “đường lưỡi bò” bất hợp pháp của Trung Quốc.
Chính quyền Philippines đã lựa chọn một cách cẩn thận những khía cạnh pháp lý đặc thù trong tranh chấp với Trung Quốc để đưa ra tòa án Liên Hiệp Quốc. Bất kỳ một phán quyết nào của Tòa án trọng tài phủ nhận “đường lưỡi bò” của Trung Quốc cũng đều có lợi cho các quốc gia khác có đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông. Các nước như Việt Nam hoàn toàn có thể học tập kinh nghiệm và tiền lệ của Philippines.
Ba bước đi của Philippines
Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Philippines, phụ lục VII của UNCLOS xác định quá trình trọng tài bắt đầu bằng việc thông báo cho bên bị kiện. Philippines đã thông báo về vụ kiện cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila. Bước kế tiếp là thành lập một ủy ban trọng tài năm thành viên và hai nước đạt thỏa thuận về việc lựa chọn địa điểm phán xử. Sau khi ủy ban được thành lập, các bên liên quan sẽ đưa ra tài liệu để khẳng định lập luận của mình.
Dựa trên các vụ phân xử về tranh chấp hàng hải trước đây, quá trình kiện tụng có thể kéo dài 3-4 năm.
Thúc đẩy quốc tế hóa tranh chấp biển Đông
Hành động chính trị - pháp lý của Philippines sẽ thúc đẩy hơn nữa tiến trình “quốc tế hóa” tranh chấp biển Đông. Nó cũng có thể dẫn tới phản ứng dây chuyền tại các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền tại biển Đông. Có thể các quốc gia này sẽ theo gương Manila đưa tranh chấp với Trung Quốc ra Tòa án trọng tài quốc tế.
Lường định những rủi ro có thể có, các nhà hoạch định chính sách ở Manila không hề hành động một cách bất cẩn. Trong nhiều tháng qua, dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Albert del Rosario, các học giả và luật sư Philippines và quốc tế đã hình thành một chiến lược pháp lý. Sự khôn khéo của Manila là việc chọn một khía cạnh pháp lý - chính trị liên quan “đường lưỡi bò” mà dư luận quốc tế đều thừa nhận là phi lý. Một khi “đường lưỡi bò” bị bác bỏ về mặt pháp lý và công lý quốc tế, lợi ích của Philippines tại bãi cạn Scarborough cũng sẽ được bảo vệ. Ở mức độ, vụ kiện này sẽ góp phần vào cuộc đấu tranh chung về pháp lý, chính trị, ngoại giao để tìm một giải pháp cho cuộc tranh chấp trên biển Đông. “Cách tiếp cận luật pháp quốc tế” luôn là một sự lựa chọn có giá trị, một lá bài chiến lược để ngỏ.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường
H.Trung ghi

Tới lượt Australia bị TQ cảnh báo giữa tranh chấp

SGTT.VN - Một quan chức cấp cao quân đội Trung Quốc đã cảnh báo Australia không đứng về phía Mỹ và Nhật Bản nếu xung đột ở biển Hoa Đông có thể dẫn tới chiến tranh.


Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp căng thẳng về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Reuters  


          Đại tá cấp cao Lưu Minh Phúc của ĐH Quốc phòng Trung Quốc đã lớn tiếng cáo buộc Mỹ và Nhật khiêu khích nước ông, và “vi phạm an ninh, hoà bình, ổn định của châu Á - Thái Bình Dương”. Ông này nói rằng, Trung Quốc là nước tôn trọng hòa bình nhưng sẵn sàng “chiến đấu hy sinh” nếu bị khiêu khích, tờ Sydney Morning Herald đưa tin.

          Thúc giục Australia không đứng về phía Mỹ và Nhật trong vấn đề này, Lưu nói, Australia cần áp dụng lập trường trung lập. Trung Quốc và Nhật Bản là các đối tác thương mại chủ chốt của Australia, trong khi Canberra có một hiệp ước phòng thủ với Mỹ.

          Theo Sydney Morning Herald, mặc dù Lưu khẳng định phát biểu của ông mang tính chất cá nhân, không đại diện cho quan điểm chính thức của nhà nước, nhưng ông này thuộc quân đội Trung Quốc - nơi một số quan chức đôi khi được đề cập tới các vấn đề trong tình hình nhất định.

          Trong khi đó, ông Natsuo Yamaguchi, người đứng đầu của đảng New Komeito đồng thời là thành viên trong chính phủ liên minh của Nhật, đã tới Bắc Kinh tuần này với thông điệp “giảm nhiệt” từ Thủ tướng Shinzo Abe. Nhật và Trung Quốc đang có tranh chấp căng thẳng về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

          Tuy nhiên, bản thân ông Yamaguchi không phải là một thành viên chính phủ và các cuộc thảo luận của ông với phía Trung Quốc được coi là trao đổi không chính thức. Lịch trình của ông Yamaguchi tại Trung Quốc chưa được công bố. Ông dự kiến sẽ gặp các quan chức cấp cao Trung Quốc trong 4 ngày ở đây.

          Liên quan tới chuyến thăm của đặc phái viên Nhật, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói với báo chí rằng, chuyến thăm phản ánh “quan hệ thông thường và tiếp xúc hữu nghị với các đảng phái chính trị, tổ chức Nhật Bản”. Nhiều phương tiện truyền thông đưa tin, ông Yamaguchi sẽ chuyển một bức thư của Thủ tướng Nhật tới nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

          Căng thẳng trong khu vực đang giống như “chảo dầu sôi” sau khi cả Trung Quốc và Nhật đã dùng tới máy bay chiến đấu hoạt động ở vùng tranh chấp. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Hoa Đông cũng như yêu sách chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông bất chấp sự chồng lấn với nhiều nước Đông Nam Á.

Theo Vietnamnet
(Copy từhttp://sgtt.vn/Quoc-te/174576/Toi-luot-Australia-bi-TQ-canh-bao-giua-tranh-chap.html)

Vì sao nguyên tổng giám đốc Agribank bị bắt?

Vì sao nguyên tổng giám đốc Agribank bị bắt?
Copy từ http://sgtt.vn/Thoi-su/174574/Vi-sao-nguyen-tong-giam-doc-Agribank-bi-bat.html; đăng ngày 24/01/13 08:40, mục .
SGTT.VN - Ngày 23.1.13, bộ trưởng bộ Công an Trần Đại Quang cho biết đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Thanh Tân, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank).
Ngày 23.1.13, bộ trưởng bộ Công an, đại tướng Trần Đại Quang cho biết Cơ quan điều tra bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Thanh Tân, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Phạm Thanh Tân (thứ hai từ phải qua) tại lễ khai trương hệ thống Ipcas II của Agribank - Ảnh: Agribank
Ông Phạm Thanh Tân cùng một số cá nhân bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến vụ thiệt hại 3.900 tỉ đồng tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội. Trước đó, Cơ quan điều tra bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Phạm Thị Bích Lượng (44 tuổi), nguyên giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội, về hành vi “vi phạm các quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng”. Bà Lượng có sai phạm trong việc cho Công ty liên doanh Lifepro Vietnam vay vốn đầu tư dự án.
Cụ thể, năm 2007 dự án Luxfashion xây dựng nhà máy may, do công ty liên doanh Lifepro Vietnam làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, tỉnh Ninh Bình với tổng vốn đầu tư 197 triệu USD. Dự án này được Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho vay đầu tư hàng nghìn tỉ đồng và đã giải ngân phần vốn cố định bằng VND và ngoại tệ tương đương 3.000 tỉ đồng...
Dự án này sau khi hoàn thành giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động nhưng chỉ sau vài tháng đã ngừng hoạt động vào tháng 8.2012, giám đốc công ty bỏ về nước. Để thu hồi khoản nợ, Agribank chi nhánh Nam Hà Nội có văn bản số 941/NHN-TD đề nghị công ty này không tiến hành các thủ tục chuyển nhượng cổ phần, cổ đông hay mọi sự thay đổi khác khi chưa có ý kiến của ngân hàng do toàn bộ tài sản của dự án đã được thế chấp, vay vốn tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội, yêu cầu thu xếp tài chính trả nợ ngân hàng nhưng đến nay vẫn không thu hồi được cả vốn lẫn lãi.
Cơ quan điều tra tình nghi Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho vay vốn đầu tư đã không thẩm định đúng tình hình dự án, dẫn đến nguy cơ mất vốn. Đồng thời trong việc cho vay này, ông Phạm Thanh Tân đã thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát thực hiện.
Cùng ngày, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng theo quan điểm của ông thì thông tin ông Phạm Thanh Tân bị bắt không ảnh hưởng gì đến hoạt động của ngân hàng này. Lý do ông Tân không còn là thành viên trong ban lãnh đạo của Agribank đã hơn một năm nay. Thêm nữa, Agribank là tổ chức tín dụng của Nhà nước có uy tín, chắc chắn khách hàng sẽ vẫn tin tưởng vào thương hiệu Agribank.
Đại diện lãnh đạo của vụ Tổ chức cán bộ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết Ngân hàng Nhà nước đã giao nhiệm vụ điều hành Agribank cho ông Trịnh Ngọc Khánh, phó tổng giám đốc, phụ trách từ tháng 11.2012 đến nay.
Tại Hội nghị về việc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng và nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, ngày 23.1, do chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì, đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an đã công bố thông tin ông Phạm Thanh Tân - nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) đã bị khởi tố, bắt giam..
“Đặc biệt, đã khởi tố, bắt giam Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; khởi tố, bắt giam Đỗ Quốc Khánh, nguyên tổng giám đốc công ty cổ phần Vận tải Dầu khí Falcon về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” - ông Quang nêu ví dụ về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm kinh tế, tham nhũng đạt kết quả cao.
Được biết, từ tháng 7.2011, ông Phạm Thanh Tân đã thôi giữ chức Ủy viên Hội đồng Quản trị kiêm tổng giám đốc Agribank và nhận công tác tại Văn phòng Ngân hàng Nhà nước theo điều động của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tại hội nghị, bộ trưởng Trần Đại Quang cũng cho biết bộ đang trình nghị định quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, theo hướng sử dụng thuốc sản xuất trong nước. Đến nay, số bị án tử hình chưa thi hành còn 532 đối tượng, đang chờ nghị định.
Theo Tuổi Trẻ

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Cao lắm Cao Bằng

.
Cao lắm Cao Bằng
Copy từ http://sgtt.vn/Am-thuc-du-lich/174486/Cao-lam-Cao-Bang.html; đăng ngày 21/01/13, mục Ẩm thực-Du lịch.
SGTT.VN - Vâng. Cao lắm mới đến Cao Bằng. Cây sầu lá đỏ có cách tựa của cây sầu. Sông có cách xanh ngắt của Quây Sơn vì một dãy núi cao ngất vây quanh. Và ngọn thác xuyên quốc gia đứng thứ nhì thế giới có tên Bản Giốc, vẫn đổ nước trắng xoá.
Đường lên ngọn thác xuyên quốc gia đứng thứ nhì thế giới có tên Bản Giốc. Ảnh:Hoàng Việt Hằng
Tôi đã dừng chân ở nhiều ngọn thác, nhưng thác nước kỳ vĩ này vẫn không xoá được trong tim tôi những ngôi nhà đất thó nơi vành đai biên giới tổ quốc tôi.
Như con đường tơ lụa vùng cao
Khác với những ngôi nhà tường trình đất thó nện rất dày bên xóm Lũng Cẩm Trên ở Hà Giang, ngôi nhà đất thó, đất ruộng bên này tường đất vẫn mỏng hơn. Dù đã sang xuân, răng tôi vẫn lập cập va vào nhau. Chỉ khi chui vào cái bếp cũng đắp bằng đất thó; ăn cháo ấu tẩu nấu bằng thứ hạt dẻ khô với xương thịt heo cắp nách, mắt tôi mới sáng ra; rồi mới nhìn trần nhà của người dân tộc Tày. Trần nhà của vùng miền núi vẫn giăng mắc đầy ngô, gạo nếp nương vẫn nhiều hơn gạo tẻ. Đất có mặt ngay trong ba ông vua bếp, rồi cái bếp ngoài trời cũng đắp bằng đất khum khum như cái chum, khoét miệng dưới để nấu rượu ngô.
Một câu hỏi được đặt ra: vì sao đường vành đai biên giới vẫn còn nhiều nhà đất thó? Thì ra, xây nhà ở vùng Cao Bằng giá vật liệu đắt gấp ba lần miền xuôi vì phí vận chuyển. Hơn 30 cây số đường đèo còn đang rải đá, trời mưa hay nắng xe chạy phải mất hơn hai giờ đồng hồ. Đường đi nhiều chỗ thót tim.
Chỉ khi đứng bóng núi, sương giăng, lạc chân vào vườn hoa dẻ ở Trùng Khánh, ong từng bầy bay rù rì lưng núi, cánh cung của cung đường giáp biên thật đẹp. Con sông Quây Sơn lúc có nắng, trong vắt nghiêng về phía mặt trời. Nước vẫn trắng thác Bản Giốc, đổ xuống sông Quây Sơn, nơi dòng sông bắt nguồn từ phía Vân Nam Trung Quốc đổ về non nước Cao Bằng. Những cánh đồng lúa non, với những con ngựa trắng nhởn nhơ lưng núi. Những bầy ngựa trắng có con đang thồ hàng xuống chợ. Có bao nhiêu con đường mòn của tiểu thương từng vẹt cả móng ngựa trên vách núi, không tính hết. Có bao nhiêu tấn chè Shan Tuyết ở cao nguyên đá Hà Giang, ngựa thồ sang Trùng Khánh, có bao nhiêu cao ngựa trắng thồ hàng về Lũng Cẩm Trên ở Hà Giang? Con đường cánh cung biên giới đông bắc này thật huyền diệu, khác gì con đường tơ lụa năm xưa. Đổ về Cao Bằng dự phiên chợ trước tết, bò giống và ngựa giống, trà Shan Tuyết và ong rừng, xôi ngũ sắc và xôi trám... làm nên gương mặt chợ vùng núi trong thung lũng núi vừa xôn xao vừa ấm áp.
Sắc màu của người miền sơn cước
Tôi luôn bị ám ảnh bởi những con ngựa trắng ngắt trà dây ăn bên dòng sông xanh ngắt, nơi có những ngôi nhà đất thó, sẫm nâu, thâm u, những điệu hát lượn cũng u buồn của nhiều mối tình không đến được với nhau, vì tục lệ, vì những lý do rất nhiêu khê của con người tự đặt ra rồi tự làm khổ nhau. Làn điệu dân ca này luôn làm ta chới với như khi say rượu ngô. Bạn đã nghe một người Mông, đơn độc hát khi dắt ngựa trên dốc núi vắng? Đơn độc hát, mà chỉ có núi đá xám lại lắng nghe. Tôi đồ rằng vì những giọng hát này mà sông Quây Sơn mới xanh đến thế, mới day dứt tôi đến thế. Cũng có thể vì hát lượn, vọng ra từ ngôi nhà đất thó kia, đất thấu hiểu hắt lên núi đá, nên núi Cô Muông mới hùng vĩ, nên sông Bằng nước rất trong nhìn thấy cả sợi tóc bạc của người già.
Bạn đã một ngày theo ngựa đi hái trà dây trên ngọn thác Sầu? Tên thác là dân địa phương tự đặt, nơi thác đổ có những bóng cây sầu lá đỏ như khêu trên vách núi. Người phụ nữ miền núi có thói quen vừa đi vừa thêu, vừa đi vừa tước lanh. Những cô gái thêu khăn choàng và váy hoa để diện ngày tết
Nếu gặp ngày mù sương, bạn ngồi nướng thịt gà bọc đất trong cái bếp bằng đất, trong ngôi nhà cũng bằng đất thó, ngước nhìn trần nhà dát toàn bắp ngô, đủ màu tự nhiên phết phảy trắng vàng đỏ sậm của ngô trên trần nhà, bạn sẽ cảm nhận được nỗi niềm của miền đất nơi ấy: cao lắm Cao Bằng.
Lộc Vừng

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Hoa Thủy tiên- Tết -Hà Nội

Hoa Thủy tiên- Tết -Hà Nội
Copy từ http://giaoduc.net.vn/NTD-thong-thai/Nguoi-Viet-hang-Viet/Dep-ngo-ngang-hoa-thuy-tien-choi-Tet-cua-nguoi-Ha-noi-xua/98973.gd?i=0 ; 17 ảnh; bài đăng ngày 19/01/2012.
Đẹp ngỡ ngàng hoa thủy tiên chơi Tết của người Hà nội xưa
(GDVN) - Những bát hoa thủy tiên đẹp chưng trong nhà ngày Tết vốn là thú chơi tao nhã, thanh lịch, hào hoa của người Hà Nội xưa...
Ảnh 1:Hoa thủy tiên là thú chơi tao nhã của người Hà Nội xưa, ngày nay thú chơi này đang dần được khôi phục. Người sành chơi hoa thủy tiên thường không bán mà họ trồng hoa để chưng ngày Tết và tặng người thân, bạn bè.
Ảnh 1
Ảnh 2:Để có được bát hoa thủy tiên đẹp như ý muốn, người chơi cầu kỳ chọn củ phải đủ 3 năm tuổi, vỏ ngoài mỏng và mầu cánh gián sẫm. Khi gọt phải chọn dao sắc, nhọn, gọt tỉ mỉ từng tí một để tránh vào mầm.
Ảnh 2
Ảnh 3:Để có hoa to, đẹp, lá xanh và bền, người chơi chăm hoa như chăm con mọn. Ngày nào cũng phải lau và thay nước để hoa luôn được phát triển trong nước sạch.
Ảnh 3
Ảnh 4:Thủy tiên đặc biệt hơn các loại hoa khác vì có thể chơi được 5 thứ: Hoa, mùi thơm, lá, củ và rễ.
Ảnh 4
Ảnh 5:Hoa thủy tiên được ví như "chén ngọc đĩa ngà". Ngoài thì vành tròn trắng muốt, trong có nhụy màu vàng, mùi thơm thoảng mà dịu mát.
Ảnh 5
Ảnh 6:Lá thủy tiên có thể uốn thành những hình theo ý muốn hoặc để vươn dài cho bát hoa thêm sinh động.
Ảnh 6
Ảnh 7:Củ thủy tiên khi gọt xong, phần vỏ còn bớt lại màu trắng tạo nên những móng rồng rất đẹp, thấp thoáng sau lá.
Ảnh 7
Ảnh 8:Thủy tiên đặt trong cốc thủy tinh trong suốt lộ ra bộ rễ trắng muốt, mập mạp tựa như râu bạc phơ của ông lão.
Ảnh 8
Ảnh 9:Có khi lại như thác nước đang chảy.
Ảnh 9
Ảnh 10:Có khi lại như làn sóng biển đang xô vào bờ.
Ảnh 10
Ảnh 11:Thủy tiên rất mềm, người chơi có thể sáng tạo ra những hình thù đặc biệt và rất thú vị.
Ảnh 11
Ảnh 12:Nhìn bức ảnh này, có lẽ chúng ta đã hiểu vì sao nhiều người yêu hoa thủy tiên đến vậy!
Ảnh 12
Ảnh 13:Mỗi chậu hoa, mỗi hình dáng có những biểu tượng, ý nghĩa riêng mà chỉ những người chơi hoa mới có thể thưởng thức và hiểu sâu sắc!
Ảnh 13
Ảnh 14:Người chơi thủy tiên thường hẹn nhau mang hoa đến một địa điểm, vừa thưởng trà vừa ngắm hoa.
Ảnh 14
Ảnh 15:Một bát hoa thủy tiên được coi là thành công khi có đủ cả 5 yếu tố về hoa, lá, củ, rễ và mùi thơm. Tuy nhiên, theo những người chơi hoa thì người giỏi phải tính toán sao cho đến giao thừa thì hoa nở được một vài bông. Như vậy mới là người sành chơi và có lộc.
Ảnh 15
Ảnh 16:Một người chơi sành thủy tiên bật mí: Để hoa thủy tiên bung ra đúng lúc giao thừa thì chỉ cần dùng mạng nhện bó vào nụ, khi gần giao thừa thì gỡ bỏ ra. Như vậy chỉ một vài tiếng sau là hoa bung ra rất đẹp.
Ảnh 16
Ảnh 17:Nếu Tết này, bạn định chưng hoa thủy tiên trong nhà, bạn có thể ra chợ Bưởi (Hà Nội) mua những bát hoa với giá từ 200-400 nghìn đồng.
Ảnh 17
Giàng A Cối- Phú Cường