Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Lỗ hổng nghiệp vụ và những nỗi oan học trò

Lỗ hổng nghiệp vụ và những nỗi oan học trò
Copy từ http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/giao-duc/lo-hong-nghiep-vu-va-nhung-noi-oan-hoc-tro/a83233.html; đăng ngày 05/01/13, mục Xã hội Giáo dục .
PN- Kết thúc “nghi án” học sinh ăn cắp tiền của cô giáo vừa xảy ra tại Trường tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi, TP.HCM) mới đây, những “người lớn” phải công khai xin lỗi học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, thực tế không phải nỗi “oan” nào của học trò cũng được gột rửa.
TỪ NHỮNG CÂU CHUYỆN NHỎ
Trong thư gửi đến Báo Phụ Nữ, một phụ huynh (PH) có con học tại một trường THPT tại Q.Gò Vấp, TP.HCM kể câu chuyện mà họ cho là “bé xíu” nhưng vì “giáo viên chủ nhiệm (GVCN) không biết cách cư xử” khiến con họ phải bỏ học giữa chừng. Chuyện là hôm ấy, HS vô tình mặc chiếc áo ngực màu nổi, bị giám thị mời lên mắng mỏ bằng những lời lẽ khó nghe. Bức xúc trước sự việc, người chị của nữ sinh đã vào làm rõ “trắng đen” với giám thị. Giám thị sau đó đã gặp và xin lỗi học sinh (HS). Chuyện đến đó tưởng đã kết thúc thì GVCN lại gửi giấy mời cha mẹ HS vào làm việc và yêu cầu PH phải giáo dục lại… cô chị gái! Nhưng, khi PH đến trường thì không thể gặp GVCN. Sau đó, GVCN gọi điện thoại xin lỗi PH. “Tưởng thế là xong, nào ngờ cứ lên lớp là cô ấy mặt nặng mày nhẹ, chửi xiên xỏ con tôi khiến cháu ngày càng mất tinh thần. Vì thế, tôi buộc lòng phải xin chuyển cháu sang trường khác, dù cháu nhiều năm là HS giỏi và rất tích cực tham gia các hoạt động của trường” - PH bức xúc.
Trường hợp của cháu T.M. - con chị Ngọc Thu (Q.Bình Tân) lại khác. Đầu năm học, chị cho con vào lớp 1. Nửa tháng sau, chị phát hiện sống mũi của con gái bị sưng. Gặng hỏi, cháu nói bị một HS giật xúc xích rồi đánh vào mặt. Vài ngày sau, cháu kêu buồn nôn mỗi khi ăn uống và kêu đau ở cổ, trong giấc ngủ thường hay mê sảng. Cuối cùng, con chị thú nhận chuyện cháu bị bạn giật đồ ăn rồi bị đánh là không có, cháu chỉ nói dối theo yêu cầu của cô giáo. Cháu kể: “Hôm mẹ đưa con vào trường thì mấy cô hỏi con nhiều chuyện lắm. Mấy cô hỏi tại sao mẹ thưa kiện mấy cô lên Sở Giáo dục? Con nói, tại mấy cô đánh con (trước đó, chị Ngọc Thu có đơn gửi Sở GD-ĐT kể việc cháu T.M. bị cô giáo đánh, cháu sợ nên đã trốn về nhà; sau đó nhà trường còn đòi trả hồ sơ của cháu vì “khó dạy”). Rồi mấy cô sai một anh cao lớn bằng mẹ đánh con…”. “Tôi không thể hiểu được tại sao người ta lại đối xử độc ác đối với một đứa trẻ sáu tuổi như thế!” - chị Ngọc Thu nói.
Anh Quang Huy cũng đã “tự nguyện” rút con ra khỏi một ngôi trường tiểu học có tiếng nhất, nhì TP vì không thể chịu nổi cảnh con mình bị tra tấn tinh thần. Mỗi khi con anh đi trễ, cô giáo không trực tiếp la mắng mà cho từng HS thay nhau kể tội cháu làm ảnh hưởng đến thi đua của lớp… khiến con của anh cảm thấy mình đích thị là “tội đồ”.
Mẫu số chung của rất nhiều vụ “kiện cáo” giữa PH với GV hoặc với nhà trường thường liên quan đến cách ứng xử của các thầy cô và nhà trường. Cách nay chưa lâu, một PH có con học tiểu học tại Q.9 đã bức xúc tâm sự với chúng tôi suốt hai giờ liền chỉ vì cô giáo của con chị thường xuyên hành hạ các cháu. Tìm hiểu mới biết, do vợ chồng bất hòa nên cứ mỗi khi giận chồng là cô giáo trút cơn tức giận lên HS bằng những lời chửi bới, khẻ tay, đánh đít, thậm chí xé tập HS.
Học sinh của một trung tâm giáo dục thường xuyên đang tức tưởi vì thầy cô giáo không lắng nghe, thấu hiểu
ĐẾN LỖ HỔNG NGHIỆP VỤ
Thầy cô là tấm gương để học trò noi theo, HS không chỉ học từ những bài giảng mà còn học ở thầy những điều hay lẽ phải. Những “điều hay” ấy không phải ở những lời nói sáo rỗng mà nó được cụ thể hóa qua phong thái, hành động và cách cư xử của thầy cô. Có rất nhiều bài học về giao tiếp mà GV đã dạy cho HS nhưng chính các thầy cô lại không thuộc bài. Dù không gây chết người, nhưng chắc chắn lối ứng xử phản giáo dục sẽ để lại những dấu ấn chẳng mấy tốt đẹp trong tâm hồn con trẻ và tác động xấu đến việc hình thành nhân cách của trẻ sau này. Đáng tiếc là những lỗi này hoặc vô tình, hoặc cố ý vẫn còn khá phổ biến, thậm chí là khá đa dạng trong nhiều trường học và ở không ít GV hiện nay.
Trong Hội thảo khoa học Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh - Thực trạng và giải pháp tổ chức vài tháng trước, ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM bày tỏ thực tế hiện nay vẫn có những GV dùng những lời lẽ mạt sát, làm ảnh hưởng đến tâm lý HS. Nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do GV còn thiếu kỹ năng sư phạm, do đời sống GV quá khó khăn, còn trường học phải “gánh” rất nhiều việc như tệ nạn ma túy, an toàn giao thông…
Tuy nhiên, theo nhiều nhà giáo, dù đời sống kinh tế còn nhiều lo toan cũng không thể lấy HS ra để… trút giận. Lỗi của giao tiếp chưa chuẩn mực chủ yếu là do nghiệp vụ sư phạm chưa được coi trọng đúng mức, nhiều GV còn yếu kém kỹ năng mềm. Chương trình đào tạo GV nặng về khoa học cơ bản hơn là khoa học sư phạm, trong khi đó, một GV dạy tốt ở trường phổ thông cần có những kiến thức về tâm lý học và giáo dục học, đặc biệt là tâm lý lứa tuổi.
Điều đáng lo, theo kết luận của khảo sát trên 1.089 sinh viên hệ chính quy của bốn trường sư phạm ở miền Nam công bố hồi tháng 8/2012: kỹ năng mềm của sinh viên sư phạm chỉ ở mức... trung bình. Có 62,4% sinh viên dễ để cảm xúc ảnh hưởng đến học tập và công việc; 57% không biết kiềm chế cơn nóng giận và 56,4% không biết cách giải tỏa cảm xúc tiêu cực. Nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM băn khoăn, nếu thiếu kỹ năng mềm, GV trẻ sẽ khó đạt yêu cầu kỹ năng sư phạm, thiếu bản lĩnh, không biết kiềm chế cảm xúc, từ đó có thể gây hậu quả đáng tiếc.
Nếu hậu quả đã lỡ xảy ra thì không phải GV, nhà trường nào cũng dám thừa nhận mình sai, công khai xin lỗi. Hiệu trưởng một trường tiểu học nhìn nhận, lãnh đạo các trường thường có tâm lý “phải bảo vệ cán bộ, GV của mình” trước những sự việc xảy ra. Suy nghĩ này là rất sai, nó dẫn đến việc xuề xòa, bao che GV và không rút kinh nghiệm đến nơi đến chốn trước mỗi sự việc. Bởi thế, lãnh đạo các trường cũng phải được học tập để biết cách xử lý các tình huống cho có sư phạm.
Các trường hiện thường đánh giá năng lực của GV thông qua điểm số của HS và khả năng “trị” được những HS cá biệt, chưa quan tâm đúng mức đến những giải pháp giáo dục mà GV đã thực hiện. Ngành giáo dục cần có cơ chế để buộc GV phải thường xuyên bồi dưỡng tâm hồn mình và xem điều này cũng quan trọng chẳng kém gì chuyên môn. Trong quá trình đào tạo phải tính đến vấn đề nghiệp vụ sư phạm ngay từ đầu và phải được lồng ghép, tích hợp trong suốt quá trình đào tạo. GV cũng cần phải được trang bị kỹ năng sống nhằm tránh những cái lỗi sơ đẳng trong quá trình giáo dục HS.
Minh Nhật

Không có nhận xét nào: