Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Ván bài “toà án quốc tế” và góc nhìn của Việt Nam

Ván bài “toà án quốc tế” và góc nhìn của Việt Nam
Copy từ http://sgtt.vn/Quoc-te/174599/Van-bai-“toa-an-quoc-te”-va-goc-nhin-cua-Viet-Nam.html; đăng ngày 25/01/13, mục Quốc tế .
SGTT.VN - Vào 22.1.13 vừa qua, Philippines đã tuyên bố sẽ đưa tranh chấp Biển Đông ra toà án quốc tế theo quy định của Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS) để phản đối yêu sách “đường chín đoạn” của Bắc Kinh. Lý do mà nước này đưa ra là vì Trung Quốc đã trì hoãn, thậm chí là thiếu thiện chí trong việc tìm ra các giải pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp. Theo phía Philippines, họ khẳng định sẽ đơn phương kiện Trung Quốc theo cơ chế trọng tài, yêu cầu thành lập toà trọng tài theo phụ lục VII của UNCLOS, trong điều kiện Trung Quốc không chấp nhận cùng đưa vấn đề tranh chấp ra toà án quốc tế về luật Biển.
Cơ chế pháp lý nào?
Philippines sẽ đơn phương kiện đường chín đoạn của Bắc Kinh theo cơ chế trọng tài của UNCLOS. Trong ảnh: dân Philippines biểu tình đòi Trung Quốc ra khỏi bãi cạn Scarborough. Ảnh: AP
Các quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS nằm trong chương XV, gồm ba phần và 21 điều (từ điều 279 đến 299). Phần 1 nói về các thủ tục và quy định của quá trình giải quyết tranh chấp dựa trên sự thống nhất của hai bên, từ điều 279 – 285, trong đó đáng chú ý là điều 283, yêu cầu các bên phải trao đổi quan điểm về vấn đề tranh chấp trong trường hợp tranh chấp đó nằm trong phạm vi điều chỉnh của UNCLOS mà các quốc gia đã cùng ký kết, để tìm ra biện pháp giải quyết thông qua đàm phán hoặc các hình thức hoà bình khác. Dựa trên cơ sở này, Philippines hoàn toàn có thể yêu cầu Trung Quốc cùng đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra toà án quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng ý, vì nước này không có cơ sở pháp lý vững chắc cho các đòi hỏi chủ quyền của mình.
Dường như nhận thức rõ điều này, nên phía Philippines đã cho rằng Trung Quốc vi phạm UNCLOS và không có thiện ý giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, để từ đó áp dụng phần 2 trong chương XV (từ điều 286 – 297), quy định về các thủ tục pháp lý cần thiết để đưa ra các quyết định ràng buộc. Điều 286 của phần 2 nêu rõ: trong điều kiện không đạt được bất cứ thoả thuận giải quyết tranh chấp nào sau khi đã thực hiện các quy định của phần 1, thì đề nghị của bất cứ quốc gia nào cũng sẽ được gửi tới toà án quy định trong mục này. Theo điều 287, các quốc gia thành viên sau khi ký kết UNCLOS, trong điều kiện cần thiết có thể chọn một trong bốn toà án cụ thể để giải quyết tranh chấp, nhưng nếu quốc gia cùng tranh chấp còn lại không chấp nhận phương án mà bên kia chọn hoặc không chọn phương án, thì tranh chấp vẫn có thể được đưa ra toà trọng tài theo phụ lục VII (mục 5 điều 287).
Hiện nay, Philippines chưa tiết lộ sẽ kiện Trung Quốc trong những vấn đề cụ thể nào và cũng chưa cho biết sẽ chọn toà án nào, tuy nhiên phía Trung Quốc chắc chắn sẽ không bao giờ đồng ý cùng đưa vấn đề tranh chấp ra toà án quốc tế, do đó, toà trọng tài theo phụ lục VII sẽ là phương án được áp dụng. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm nhất ở đây chính là các quy định trong phần 3 chương XV, quy định về các giới hạn và ngoại lệ cho việc áp dụng phần 2. Đặc biệt là điều 298, mục (a) (i) quy định về các ngoại lệ mà quốc gia tranh chấp có thể áp dụng để loại bỏ thẩm quyền thụ lý của các toà án nêu trong điều 287, cụ thể là các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng các điều 15, 74 và 83 về phân định ranh giới biển.
Sau khi tham gia UNCLOS, Trung Quốc đã tuyên bố tự tách nước mình ra khỏi các cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ. Năm 2006, Trung Quốc đã tuyên bố coi tất cả các loại tranh chấp liệt kê trong điều 298 là ngoại lệ, bao gồm cả tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng các điều 15, 74 và 83 về phân định ranh giới biển. Vì vậy, về lý thuyết, Philippines có thể đơn phương kiện Trung Quốc nếu nước này chứng minh được tranh chấp giữa hai nước thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS và không nằm trong các ngoại lệ mà Trung Quốc đã tuyên bố.
Lợi thế cho Việt Nam?
Việc Philippines đưa các tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông ra toà án quốc tế rất đáng chú ý. Cả Trung Quốc và Philippines đểu phải giải thích một cách rõ ràng trước toà về việc giải thích và áp dụng Công ước về luật Biển 1982. Ngay cả trong trường hợp Trung Quốc phản đối không tham gia, như đã nói ở trên, một khi toà trọng tài chấp nhận giải quyết tranh chấp thì Bắc Kinh vẫn sẽ phải làm rõ quan điểm của họ về đường lưỡi bò chín đoạn. Đây được coi là quan điểm mập mờ nhất của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.
Theo lập luận của tác giả Dương Danh Dy trên tờ Asian Sentinel, có tới bốn cách diễn giải về đường chín đoạn này: (1) Trung Quốc chỉ đòi hỏi chủ quyền của các đảo bên trong đường chữ U; theo luật quốc tế, yêu sách đó sẽ bao gồm thêm lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, nếu có, của các đảo này, (2) Đài Loan – một chính phủ không được công nhận là đại diện cho quốc gia nào đã tuyên bố rằng khu vực bên trong đường chữ U là vùng nước lịch sử. Quan điểm này được một số học giả đại lục chia sẻ, (3) Trung Quốc có ý định đòi hỏi vùng biển bên trong đường chữ U như là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phát sinh từ quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough và (4) trong thời gian gần đây các học giả Trung Quốc đã đưa ra một cách diễn giải dung hoà giữa ba cách trên. Theo cách diễn giải này, yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông bao gồm ba lớp. Ở lớp đầu tiên, Trung Quốc đòi chủ quyền đối với các đảo đang bị tranh chấp. Ở lớp thứ hai, họ yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phát sinh từ các đảo này. Và ở lớp thứ ba, Trung Quốc đòi “quyền lịch sử” đối với vùng biển bên ngoài 12 hải lý tính từ các đảo, với đường chữ U là phạm vi, hoặc vừa là cơ sở vừa là phạm vi, cho yêu sách này.
Việc xác định được rõ ràng cách diễn giải của Trung Quốc sẽ mang lại lợi thế cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh pháp lý chống lại những lý lẽ “nửa vời” từ phía Bắc Kinh khi rõ ràng cả bốn quan điểm nêu trên đều hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế và không có bằng chứng thuyết phục. Quan điểm được làm sáng tỏ của Trung Quốc đối với đường chữ U cũng sẽ ép họ vào thế chống đỡ về lý lẽ giúp cho các chiến lược “học thuật hoá” và “thể chế hoá” diễn ra một cách hiệu quả. Thêm vào đó, ngay cả Philippines cũng sẽ phải làm sáng tỏ quan điểm của mình về cách diễn giải điều 121 khoản 3 về quy chế đảo áp dụng cho các đối tượng tranh chấp ở Trường Sa.
Lợi ích nữa mà Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được đó chính là kinh nghiệm cho quá trình tiến hành tố tụng. Vụ kiện này chắc chắn sẽ kéo dài và quá trình tố tụng sẽ phức tạp và tốn kém. Chính vì thế vụ việc lần này sẽ giúp cho Việt Nam chuẩn bị tốt hơn cho hồ sơ kiện tụng sau này, tìm hiểu lý lẽ của các bên tham gia để củng cố các lập luận và chứng cứ của mình, cũng như có thời gian quan sát và tìm hiểu cách đối phó cho thích hợp, đặc biệt về mặt pháp lý tại toà án. Nên nhớ rằng các vụ kiện có liên quan tới chủ quyền như thế này tốn rất nhiều chi phí về mặt chuẩn bị hồ sơ, chọn thẩm phán, và cả về những vận động phía sau hậu trường.
Vũ Thành Công - Nguyễn Thế Phương

Không có nhận xét nào: