Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Khô chưng nước cốt dừa

Khô chưng nước cốt dừa
Copy từ http://lehoiduabentre.vn/noi-dung/kho-chung-nuoc-cot-dua-mon-chi-co-o-xu-dua.html.
Từ ngàn xưa cá khô thường được xem là món ăn dân dã, phổ biến, là thức ăn để dành cho mùa mưa dầm, bão lũ, nhà xa chợ người ta có thể lấy ra chế biến thành nhiều món ngon.
Tôi đi nhiều nơi thấy người ta chế biến các loại khô 1 nắng đem nướng hoặc chiên, khô chiên bột, khô chiên giòn ...nhưng khô chưng nước cốt dừa thì có lẽ ở Bến Tre quê mình mới có.
Khô chưng nước cốt dừa cần các nguyên liệu:
1.Khoảng 300g khô cá thu - 2.1 củ gừng nhỏ - 3.Khoảng 200g cơm dừa (để lấy nước cốt) - 4.Ngoài ra còn có: hành củ băm nhuyễn, đường, bột ngọt, tiêu.
Hình minh họa - ST
Cách làm:
Khô rửa sạch, cho vào 1 cái tô, ướp vào hành củ băm nhuyễn, đường, bột ngọt, tiêu, gừng xắt sợi.
Cuối cùng cho nước cốt dừa vào gần ngập khô, sau đó đem hấp cách thủy chừng 20 phút là chín.
Khô chưng nước cốt dừa dể làm, không tốn nhiều thời gian. Món này ăn với cơm nóng kèm theo các loại rau thơm, rau rừng càng ngon. Mùi thơm của khô, gừng, vị béo của nước cốt dừa làm cho thực khách nhớ mãi. Có thể thay khô cá thu bằng các loại khô khác tùy sở thích của từng người.
Hoàng Việt

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Thư gởi người đàn bà không quen biết - Ch 14

Thư gởi người đàn bà không quen biết
Chương 14: Nổi cơn
(Copy từ http://4phuong.net/ebook/14596967/44990132/chuong-14-noi-con.html; Tác phẩm "Thư gởi người đàn bà không quen biết" của nhà văn Pháp Andre' Maurois  gồm 25 chương, các chương từ 1 đến 9 đã post lên trang này trước ngày 15-02-2015, hôm nay - 29-01-2016 - tiếp tục post chương 14.)


Thưa cô, cô có nổi cơn với thầy nhà hoặc với các bạn bè không ? Nếu không thì tôi sẽ ngạc nhiên lắm, mặc dầu cô có vẻ nữ thần Minerve (1) . Đối với phụ nữ. nổi ơcn là một lợi khí đấy. Nhờ nổi cơn mà chỉ trong một lúc xúc dộng cuồng nhiệt họ được cái mà nếu đòi hỏi một cách biết điều thì cả tháng cả năm cũng không chắc đã được. Nhưng họ vẫn phải biết tùy từng hạng người.
Có những người đàn ông nóng nảy, giống đàn bà về phương diện đó, và thích những lúc nổi cơn. Những người đàn ông đó cũng nổi cơn lại, dữ dội không kém. Người ta tặng nhau những lời phũ phàng nhất. Xong rồi, tình trạng khẩn trương giảm xuống, tinh thần dịu đi, vợ chồng lại làm lành với nhau một cách âu yếm. Tôi biết khá nhiều bà trong những cơn như vậy không sợ bị đập. Như có một bản năng bí mật, họ còn mong được bị đập, mà không tự thú ra như vậy. "Và nếu tôi thích bị đập thì sao?" Lời đó đúng mà thâm thuý. Những người đàn bà thích sức mạnh của đàn ông, sức mạnh tinh thần cũng như sức mạnh thể chất, những người đàn bà đó mà bạt tai họ thì càng làm cho dục tình của họ bừng bừng lên.
Cô bảo :- Rõ tởm ! Người đàn ông nào mà đánh tôi thì tới chết tôi cũng không thèm nhìn mặt nữa.
Có thực tâm tin như vậy, nhưng muốn chắc thì phải trải qua đã. Nếu trải qua rồi mà cô thấy tởm thật thì nghĩa là cô kiêu căng hơn là đa dục.
Người đàn ông bình thường rất ghét những cơn dữ đó trong nhà. Họ ở trong cái thế kém vì phần nhiều vợ họ nổi cơn trước. Và khi sư tử rống lên thì ông chồng bình tâm tĩnh trí phản ứng lại cách nào có lợi ? Nhiều ông, dông tố nổi lên thì lựa cách lánh mặt, hoặc vờ một tờ báo và bịt tai không nghe nữa, vì một cơn diễn ra mà thiếu tài (2) thì dễ hoá ra độc điệu ,nhàm chán.

Chính cái tiếng scène (3) hướng dẫn chúng ta được. Tiếng đó mượn trong dụng ngữ của ngành kịch (vốn chỉ một "xen" trên sân khấu). Muốn cho nổi cơn mà thực có hiệu nghiệm thì phải đóng trò cho giỏi. Mới đầu nó phát sinh do một cớ chẳng có quái gì cả, rồi vì tình trạng khẩn trương cứ mỗi lúc một tăng cho thành dông tố, nên nó phải phồng lên, bao nhiêu hồi kí đau lòng cứ dồn vào, bao nhiêu nổi bất bình cũ cứ chồng chất, đổ dầu vào cho cơn thêm dữ dội, cho không khí đầy những tiếng la hét, khóc lóc, rồi tới đúng lúc thì dẹp xuống, từ khóc lóc thành ũ rũ mà trở về nụ cười, và sau cùng kết cuộc bằng khoái lạc.
- Nhưng muốn vậy thì cái cơn đó phải được điều khiển một cách có ý thức, mà người đàn bà phải tự chủ...
Đúng vậy, thưa cô. Tôi đã nói : kịch mà. Một đào hát có tài luôn luôn ý thức được mình nói gì, làm gì. Những xen hay nhất là những xen ta cố ý gây ra và điều khiển có nghệ thuật. Lời đó không phải chi đúng với đàn bà mà thôi đâu. Những bậc chỉ huy đại tài như Napoléon, Lyautey rất ít khi nổi giận và chỉ nổi giận khi nào thấy cần thiết. Trong những trường hợp đó, Lyautey lên cơn tới cái mức liệng chiếc mũ lưỡi trai thống chế của ông xuống đất rồi lây chân chà nát. Những hôm đó, buổi sáng ông đã bảo sĩ quan hầu cận :- Đưa tôi chiếc mũ cũ ấy.
Cô nên theo ông ấy. Giữ những cơn giận của cô cho những trường hợp nghiêm trọng : nên để dành nước mắt. Cơn giận chỉ có kết quả lớn khi nó rất hiếm. Tại những xử mà dông tố xảy ra hằng ngày thì chẳng ai thèm để ý tới nửa. Tôi không muốn đưa tôi ra làm gương, nhưng quả là bẩm tính tôi không nóng nảy. Vậy mà mỗi năm một hai lần tôi cũng mất bình tĩnh vì một sự bất công hoặc vô lí quả đỗi. Những hôm đó tôi muốn gì được nấy. Làm cho người khác ngạc nhiên là một bí quyết thắng lợi. Thưa cô, cô nên ít nổi cơn, nhưng mỗi lần phải đóng cho khéo đấy.
Vạn an.
(1) Nữ thần Nghệ thuật, khoa học, kỹ nghệ, theo truyền thuyết Hi Lạp, tượng trưng cho sự khôn ngoan, minh triết.
(2) Nghĩa là không làm cho người khác để ý tới.
(3) Nổi cơn, làm trận, hiểu theo nghĩa trong bài này, tiếng Pháp gọi là Faire une scène.
- - - - - - - - - -
Nguồn: http://vnthuquan.org/

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Thư gởi người đàn bà không quen biết - Ch 13

Chương 13: Biết lợi dụng những cái lố lăng
Tác phẩm "Thư gởi người đàn bà không quen biết" của nhà văn Pháp Andre' Maurois  gồm 25 chương,các chương từ 1 đến 9 đã post lên trang này trước ngày 15-02-2015, hôm nay - 27-01-2016 - tiếp tục post chương 13.
Cô bạn không quen biết của tâm tình tôi, cô đã nhận thấy rằng tật xấu cũng có thể, như đức tốt, làm cho người khác yêu mình được chứ ? Đôi khi còn dễ dàng hơn đức tốt nữa ? Là vì đức tốt của cô nâng cô lên, tức thì là hạ người kia xuống ; còn tật xấu của cô, cho người đó cái cơ hội mỉm cười về cô và nâng người đó lên, trong con mắt họ. Người ta tha thứ cho một người đàn bà cái tật nói vớ vẩn ; người ta không tha thứ cho họ cái đức khôn ngoan, có lí. Byron bỏ vợ mà ông gọi là "Bà Công chúa hình Bình hành", vì bà ta quá sáng suốt, khôn ngoan. Người Hi Lạp thời cổ ghét Aristote (thế kỉ thứ VI trước T.L) vì ông này luôn luôn được gọi là Người công minh.
Trong tập Những điều trông thấy (Choses vues), Victor Hugo kể chuyện một ông De Salvandy, thành công rực rỡ nhất thời, thành bộ trưởng, vào Hàn lâm viện, làm sứ thần, được tặng Ngũ đẳng Bắc đẩu bội tinh. Cô bảo những cái đó không đáng kể ; nhưng ông ta còn thành công về phía đàn bà nữa, cái này mới tài. Mà khi ông ta được một bà, bà Gail, giới thiệu với giới thượng lưu thì bà Sophie Gay danh tiếng vang lừng la lên :"Nhưng này, chị ơi, chàng thanh niên nhỏ con của chị có đủ những cái lố lăng. Phải sửa tính cho hắn đi. - Bà Gail bảo : Ấy đừng ! Đừng diệt thói đó của hắn. Diệt rồi thì hắn còn gì nữa đâu? Nhờ cái thói đó mà hắn sẽ thành công...". Về sau người ta thấy rằng bà Gail có lí.
- Henry de Jouvenel có lần kể cho tôi nghe rằng hồi trẻ, viết báo, ông ta ngạc nhiên về những buỏi đầu trong Quốc hội của Henri Cheron, một dân biểu ở Calvados. Ông Cheron đó bụng phệ, râu ria, bận lễ phục, leo lên bàn hát khúc Marseillaise và đọc những diễn văn long trọng, huênh hoang. Cleménceau cho ông ta làm thứ trưởng bộ Chiến tranh và tức thì ông ta đi thăm các trại lính, nếm món xúp của lính. Bọn viết tạp chí chế nhạo ông ta ; Jouvenel nghĩ giả viết một bài về ông ta thì thú vị lắm , bèn lại thăm. Cheron tiếp Jouvenel, có vẻ như khiêu khích, bảo :
"Tôi biết rồi, chú em ! Chú lại đây để thấy tôi lố bịch ra sao hả ... Được, cứ nhận xét đi... Phải, tôi lố bịch đấy... Tôi cố ý lố bịch, vì chú em, chú nên biết rằng ở cái xứ người ta ghen những kẻ thành công này thì lố bịch là cách duy nhất làm cho người ta biết mình mà không nguy cho tính mạng của mình".
Standhal mà nghe được câu đó thì khoái lắm. Cô có nhận thấy rằng, chẳng cần phải tới cái mức lố bịch, chỉ những thói kì cục nho nhỏ, cách ăn bận lạ lùng, cũng làm cho một người đàn ông hay đàn bà dễ nổi danh hơn là bậc thiên tài chứ ?
Hằng ngàn người chưa hề đọc André Gide, cũng biết những chiếc nón nỉ kiểu Mexique và chiếc áo tơi của ông ta, Winston Churehill có tài hùng biện, nhưng biết rõ con người và vận dụng một cách rất tài tình chiếc nón kì cục, những đìếu xì gà bự, những chiếc "nơ" con bướm, và hai ngón tay đưa ra thành chữ V của ông. Tôi đã biết một sứ thần Pháp ở Londres không biết một tiếng Anh, nhờ đeo một cà vạt kiểu "Lavalliere" (1) có chấm tròn nhỏ, người Anh rất thích, mà giữ được chức rất lâu.
Cô để ý nhận xét các khách ăn ở tiệm. Người nào được tiếp đãi niềm nở, đầu bếp săn đón hầu hạ hơn cả ? Có phải con người biết điều, luôn luôn thoả mãn không? Tuyệt nhiên không. Chính là người có nhiều thói kì. Khó tính tức là tỏ rằng mình chú ý tới mọi sự ở chung quanh, chứ không lãnh đạm. Luân lí : cô nên tự nhiên , và khác người, nếu cô có xu hướng khác người. Người ta sẽ không trách cô đâu.
Vạn an .
(1) Kiểu cà vạt này khổ rộng , thắt thành một cái "nơ" lớn ở trước ngực.
- - - - - - -
Nguồn: http://vnthuquan.org/

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

Thư gởi người đàn bà không quen biết - Chương 12

Thư gởi người đàn bà không quen biết
Tác phẩm "Thư gởi người đàn bà không quen biết" của  nhà văn Pháp Andre' Maurois  gồm 25 chương, đây là chương thứ 12.
Chương 12: Phép tắc của trò chơi
Không biết thỉnh thoảng cô có nghe cuộc đàm thoại thứ bảy trên đài phát thanh không. Đó là cuộc đàm thoại giữa Armand Salacrou, Roland Manuel, André Chamson, Claude Mauriae và tôi. Chúng tôi nói về đủ chuyện : kịch, sách đã đọc, tranh, hoà nhạc và nói cả về mình . Tóm lại, đích thực là một cuộc đàm thoại hoàn toàn ứng khẩu, y như cuộc đàm thoại giữa năm người bạn chung quanh một bàn cà phê. Riêng tôi, tôi thấy thú lắm và tuần nào cũng hớn hở lại họp với các bạn chung quanh máy vi âm.
Hôm nọ Claude Mauriae bênh vực một thuyết mà tôi cho là đúng. Đại ý ông bảo :"Ái tính phong nhã, thứ ái tình trong các tiểu thuyết nghĩa hiệp là một trò chơi mà phép tắc từ thời đó không làm cho sự diễn tiến của ái tình thay đổi. Người ta thấy lại những phép tắc đó ở thế kỷ XVII trong truyện L Astrée và truyện La Princesse de Cleves : nó cũng vẫn vậy mặc dầu được diễn bằng một giọng khoa đại hơn trong các tiểu thuyết thời lãng mạn ; ngày nay ngôn ngữ và hành động của Swann trong tiểu thuyết của Marcel Proust cũng vẫn theo những phép tắc đó.
Truyền thống đó buộc rằng bọn tình nhân đàn ông phải ghen về cả thân thể lẫn tư tưởng ; rằng họ phải lo lắng khi thấy thoáng hiện chút buồn trên vừng trán của người yêu ; rằng mỗi câu của người yêu phải được phân tích, mỗi cử chỉ phải được tìm hiểu ; rằng Moliere (ở thế kỷ XVII) chế nhạo các nỗi lo lắng đó ; Proust (ngày nay) không chế nhạo mà rên rỉ ; nhưng về các phép tắc thì nhà văn và độc giả cùng đồng ý trong mấy thế kỉ. Nhưng tôi có cảm tưởng rằng có cái gì mới trong các tác giả trẻ tuổi ngày nay ; họ không chấp nhận những phép tắc của trò chơi nữa , mà là họ đã đổi phép tắc đi. Ngày nay người ta không còn ghen một cơ thể mà ai cũng có thể ngắm cho thoả mắt ở trên các bãi biển...".
Tôi ngắt lời ông ta để dẫn một bức thư của Victor Hugo gởi cho vị hôn thê, bức thư mà thời đại này cho là kì cục, bức thư trong đó Hugo nghiêm khắc trách vị hôn thê đi ngoài đường , sợ dơ, đã vén áo lên, để hở mắt cá chân ra, làm cho Hugo nổi điên dữ dội tới cái mức có thể giết một người qua đường nào đó đã ngó chiếc vớ trắng đó, hoặc tự giết mình. Hình như, đối với các tiểu thuyết gia trẻ tuổi ngày nay, phép chơi là loại bỏ hết các nỗi ghen tuông đi mà nói một cách trắng trợn về các ái tình của người đàn bà mình yêu, như vậy trái hẳn với ái tình phong nhã. Vì cái tình cảm độc chiếm "thẳng từ người này tới người khác" đó, nói theo giọng các nhân viên điện thoại, chỉ diễn giữa hai người với nhau thôi.
Thực ra trong phần nhì một tiểu thuyết thời nay, đa số bọn tình nhân tìm ra được ái tình. Họ như ân hận nhận ra được cái thú của sự trung tín, những êm đềm của tình yêu, và cả những nỗi lo lắng của ghen tuông nữa. Nhưng thẹn thùng hơn các tình nhân thời lãng mạn, hoặc ngay cả các tình nhân trong truyện của Proust nữa, và chỉ nói tới những cái đó với một vẻ giả bộ lơ là có chút mỉa mai, ít nhất là ở ngoài miệng. Họ đem sự dí dỏm vào tình ái. Thành ra một sự lạc điệu, cũng thú.
Cái đó có mới mẻ không? tôi không tin chắc lắm. Phép tắc của cái trò ái tình từ Bà De La Fayette (1) tới bà Louise de Vilmorin (2) ; không bao giờ hoàn toàn nghiêm chỉnh cả. Đã từ lâu, người Auglo-Saxon (3) không chịu phô diễn những tình cảm nhiệt liệt nhất của họ nữa. Bên cạnh cái truyền thống phong nhã, ta còn thấy truyền thống thời Phục hưng (4) . Những cuộc tình duyên của Benvenuto Cellini, ngay cả của Ronsard, không có gì là lãng mạn. Một số nhân vật tiểu thuyết của Stendhal (thế kỉ XIX) và của Montherlant thời nay chơi cái trò thời Phục hưng chứ không phải cái trò phong nhã. Phép tắc các trò chơi vẫn thường thay đổi ; nó sẽ còn thay đổi nửa. Tôi đợi một nhà văn trẻ tuổi ngày nay viết truyện Adolphe (5) hoặc truyện Swann (6) của thời đại chúng ta. Tôi đoán trước rằng sẽ thành công lớn đấy.
Vì phép tắc chơi có thay đổi mà số tiền đặt thì vẫn vậy. Số tiền đặt đó là có đấy, cô bạn ạ.
Vạn an.

Bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên

Bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên
(Copy từ http://www.thivien.net/V%C5%A9-%C4%90%C3%ACnh-Li%C3%AAn/%C3%94ng-%C4%91%E1%BB%93/poem-a7YEflJr1_rcFKC9dgECgQ ; tác giả: Nhiều người; đã đăng ngày 09-04-06 bởi Vanachi, mục Thơ > Việt Nam > Hiện đại > Vũ Đình Liên.)

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua
* * * * * * * *
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
"Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay"
* * * * * * * *
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...
* * * * * * * *
Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
* * * * * * * *
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
1936
Tinh hoa
Nguồn: 
1. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004 
2. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007


* * * * * * * *
Kính mời các bạn nghe Hoàng Oanh ngâm bài thơ trên.
* * * * *

Cảm nhận về bài thơ Ông đồ.
Gửi lên trang thivien.net bởi tôn tiền tử ngày 22/01/2015 23:49
Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm, về trưa mặc lòng.
Không hiểu sao, đến với bài thơ ông đồ của Vũ Đình Liên tôi lại bị ám ảnh đến day dứt bởi câu hát xa xôi vùng quan họ. Nhưng câu chuyện còn duyên, hết duyên ở đây lại là chuyện khác, chuyện còn và mất của một lớp người một thời đã qua đi không trở lại, thông qua hình tượng trung tâm : ông đồ, nói như chính tác giả thì đó là di tích tiều tụy, đáng thương của một thời tàn.
Bài thơ ngũ ngôn gồm 5 khổ, khắc họa trọn vẹn một chỉnh thể nghệ thuật: ông đồ, trên trục thời gian tuyến tính, từ quá khứ đến hiện tại, từ còn đến mất, từ thời khắc hoàng kim cho đến khi chỉ còn vang bóng.
Nếu coi bài thơ là một bức họa về hình ảnh về chân dung ông đồ thì ở góc nhìn thứ nhất là ông đồ – người nghệ sỹ tài hoa thuở còn duyên.
Sự xuất hiện của ông đồ gắn liền với vòng quay đều đặn của thời gian, cứ thế không thể khác:

Mỗi năm hoa đào nở 
Lại thấy ông đồ già 
Bày mực tàu giấy đỏ 
Bên phố đông người qua. 
Bao nhiêu người thuê viết 
Tấm tắc ngợi khen tài 
“Hoa tay thảo những nét 
Như phượng múa, rồng bay”. 

Thời gian được tính bằng hoa đào nở , tín hiệu báo xuân, sắc màu được dệt nên bởi sắc đào tươi thắm, giấy đỏ rực rỡ, nhịp sống được tính bằng phố đông người qua, tình cảm của người đời được biểu hiện bằng hình ảnh: Bao nhiều người thuê viết, tấm tắc ngợi khen tài.
Nổi bật trên phông nền rực rỡ, tươi vui đó là chân dung ông đồ, người nghệ sỹ trong niềm thán phục, ngưỡng mộ của mọi người:
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay.
Hoa đào đến đây đã nhường chỗ cho hoa tay, bàn tay tài hoa của ông đồ đưa đến đâu thì như gấm hoa nở ra đến đó. Nét chữ từ bàn tay như có phép tiên của ông được so sánh như phượng múa rồng bay. Đây là hình ảnh so sánh đẹp, giàu giá trị tạo hình, nét thăng hoa trong ngôn ngữ của Vũ Đình Liên gợi tả nét chữ mềm mại mà linh thiêng, phóng khoáng mà cao nhã, có hồn như phượng múa, rồng bay. Nét chữ ấy dường như cũng chấp chới bay lên giữa hào quang của trời xuân, của sắc đào tươi thắm. Đây là một nét vẽ đẹp, ngợi ca ông đồ, một tài năng nghệ thuật.
Ta nhớ tới cây bút thần của Lê Mã Lương trong một câu chuyện cổ Trung Quốc, nét bút đưa đến đâu, vạn vật như có thần sống dậy, sinh sôi đến đó, vẽ chim, chim cất cánh bay, vẽ công, công xòe ra múa lượn… Bao nhiêu tài năng, tâm huyết của ông đồ được gửi gắm trong nét chữ tài hoa đó. Đây là thời kỳ đắc ý nhất của ông: cái đẹp lên ngôi, tài năng được trân trọng.
Nhưng thời kỳ hoàng kim đó của ông chỉ thoáng qua như một ảo ảnh, theo dòng hồi tưởng của nhà thơ, một hiện thực đau lòng đã xảy ra:
Nhưng mỗi năm, mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm!
Mực đọng trong nghiên sầu…

Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay,
Lá vàng rơi trên giấy!
Ngoài giời mưa bụi bay.
Góc nhìn thứ hai, ông đồ – người sinh bất phùng thời, lúc hết duyên.
Hai khổ ba, bốn với giọng kể và lời thơ miêu tả hiện lên ảnh hình ông đồ vẫn ngồi đấy nhưng cảnh vật quanh ông đã khác xưa:
Ngày xuân trước, là phố đông với bao nhiêu người thuê viết thì nay đã vắng, đông giờ đã vắng. Ngày trước, họ tấm tắc ngợi khen tài thì bây giờ vẫn những con người đó nhưng qua đường không ai hay; thân quen thành xa lạ. Ngày trước, họ trầm trồ thán phục nay họ dửng dưng lạnh nhạt, tình thế đã đảo ngược, tình đời đã đổi thay. Ông đồ bỗng trở nên đơn côi, lạc lõng đến tội nghiệp giữa cái xô bồ, ồn ào của nền văn minh lạnh lùng kiểu đô thị dù ông vẫn muôn có mặt với đời. Ông đồ vẫn ngồi đấy, ông vẫn kiên gan bám lấy cuộc đời, ông càng lẻ loi, lạc bước: nên đã trở thành người sinh bất phùng thời.
Xót xa thay, nét chữ như phượng múa, rồng bay ngày trước, giờ ngậm ngùi vì bị chôn vùi trong lãng quên nên:
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu.
Giấy đỏ, nghiên mực, hành trang gắn liền với kẻ sĩ trên hành trình sáng tạo ra cái đẹp nhưng giờ đây cũng lặng lẽ, ủ ê trong nỗi buồn ế khách của ông đồ.
Giấy bẽ bàng, buồn tủi, đỏ mà cứ phai dần, nhạt nhẽo không thắm lên được, mực không được bút lòng chấm vào, mực cũng đọng lại như giọt lệ khóc.
Với thủ pháp nhân hóa giàu sức gợi, Vũ Đình Liên đã diễn tả thật tinh tế nỗi buồn không nói không cất lên được, từ lòng người đã thấm cả vào những vật vô tri khiến mực tàu, giấy đỏ cùng trĩu nặng nỗi buồn.
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Người buồn, cảnh cũng buồn theo. Nỗi buồn của ông đồ không chỉ chiếu lên nghiên mực, giấy đỏ mà còn lan tỏa, mênh mang khắp không gian, khiến bức tranh xuân năm ấy mang gam màu xám lạnh, u buồn:
Lá vàng rơi trên giấy!
Ngoài trời mưa bụi bay.
Lá vàng rơi không nghe tiếng, mưa bụi bay không ướt áo ai, mà nghe như có từng thu chết, từng thu chết cuốn ra đi theo hình bóng một lớp người.
Quá khứ vàng son của ông đồ nay đâu còn nữa. Ông và những người như ông dường như đang lỡ nhịp, lậc bước giữa mênh mông, gió cuốn, sóng xô của cơn bão táp đô thị hóa.
Ông chỉ là cái bóng vô hồn, tiều tụy đáng thương của một thời tàn.
Góc nhìn thứ ba: ông đồ – người thiên cổ.
Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Năm nay đào lại nở mùa xuân tuần hoàn trở lại hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ nhưng không thấy ồng đồ xưa. Cảnh vẫn như cũ nhưng người đã không còn.
Ông đồ già đã thành ông đồ xưa, ông đã nhập vào những người muôn năm cũ, ông đã thuộc về những gì quá khứ xa xôi, chỉ còn vương vấn hồn ở đâu bây giờ.
Với kiểu kết cấu đầu cuối tương ứng mỗi năm hoa đào nở năm nay đào lại nở…9 bài thơ như sự nối kết hai mảng thời gian quá khứ và hiện tại. Hình ảnh ông đồ cứ mờ dần, mờ dần rồi mất hút trên con đường vô tận của thời gian. Cái bóng của ông không còn, địa chỉ của ông cũng không còn nữa bởi vì nhan nhản trên phố phường ngày ấy là lớp người hãnh tiến kiểu đô thị chẳng kỷ, không thông cũng cậu bồi.
Chính vì thế hai câu kết khép lại bài thơ giống như tiếng gọi hồn cất lên thăm thẳm, day dứt:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Ông đồ không còn nhưng hồn có nghĩa là linh hồn ông vẫn còn phảng phất đâu đây. Hồn, cách gọi đến chính xác lạ lùng những gì đã qua không thể mất, hồn là bất tử vì thác là thể phách, còn là tinh anh. Hồn có lẽ cũng cổ thể hiểu là vẻ đẹp tâm hồn Việt, văn hoá Việt chỉ có thăng trầm chứ không bao giờ mất.
Bài thơ đã chạm đến những rung cảm sâu xa nhất thuộc về tâm linh của giống nòi nên còn tha thiết mãi.
(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)



Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

Thư gởi người đàn bà không quen biết- Chương 11

Thư gởi người đàn bà không quen biết
Chương 11: Cảm tính sắc bén của trẻ
Copy từ http://4phuong.net/ebook/14596967/44982617/chuong-11-cam-tinh-sac-ben-cua-tre.html
Người lớn thường sống bên cạnh thế giới của trẻ mà không tìm cách khám phá nó. Mà trẻ thì lại nhận xét thế giới của cha mẹ, ráng tìm hiểu, phê phán ; những câu ta vô ý thốt trước mặt chúng, chúng nghe được, hiểu theo óc của chúng rồi do đó tạo một hình ảnh về vũ trụ mà sau này tới tuổi thanh xuân chúng vẫn còn giữ mãi. Một người đàn bà nói trước mặt một đứa con tám tuổi :" Tôi là một tình nhân hơn là một người mẹ." Bà ta có lẽ đã vô tình gây cho con một vết thương lòng suốt đời không lành được.
Tôi nói quá ư ? Không đâu. Cái ý niệm bi quan về thế giới mà trẻ tự tạo ra do kinh nghiệm mấy năm đầu, ý niệm đó sau này lớn lên, trẻ có thể sửa lại được, nhưng một cách chậm chạp và khó nhọc. Nếu , trái lại, ngay từ hồi trẻ bắt đầu hiểu biết, cha mẹ gợi cho chúng được lòng tin ở sự khoan hồng và trung tín của loài người thì chúng tập được cái tính tự nhiên : dễ thấy sung sướng. Những biến cố trong đời sau này có thể làm thất vọng những người hồi nhỏ sung sướng, sớm muộn gì họ cũng sẽ thấy những phương diện bi thảm của đời sống và những khía cạnh tàn ác của bản tính con người ; nhưng trái với điều người ta nghĩ, những người đó sẽ dễ chịu đựng được sự bất hạnh nếu trong tuổi thơ yên ổn đã được biết tình thương và hi vọng.

Chúng ta nói trước mặt trẻ những điều ta cho là vô hại mà trẻ lại cho là chứa đầy một ý nghĩ thầm kín. Một bà giáo già kể cho tôi nghe rằng hồi xưa có lần bà bảo một em gái :" Vẹt tấm màn ra cho thêm ánh sáng", bà thấy nó do dự :
_ Thưa cô, con không dám...
_ Con không dám ? Tại sao vậy ?

_ Thưa cô, tại con đọc trong Thánh sử rằng bà Rachel chết khi sanh ra Benjamin. (1)

Một em trai luôn luôn nghe người lớn nói : đồng hồ quả lắc (kiểu) Marie Antoinette, "xa lông" (kiểu) Louis XVI tưởng rằng đồng hồ đó tên là Marie Antoinette cũng như tên của em là Francois. Người ta có thể tưởng tượng khi trẻ bắt đầu học sử Pháp, thấy những biến cố đẫm máu và buồn thảm mang tên những đồ thường dùng thì trong đầu óc của chúng thoáng hiện lên những tiểu thuyết kì dị ra sao.
Vậy có biết bao nỗi lo sợ không dám nói ra, biết bao thành ngữ thần diệu lởn vởn trong đầu óc của trẻ. Tôi nhớ hồi năm sáu tuổi, trong thị trấn nhỏ tôi ở, một gánh hát dạo rao tuồng Những sự kì dị của li hôn. Tôi không hiểu li hôn là gì nhưng lờ mờ cảm thấy rằng tiếng đó là một tiếng cấm kị, cám dỗ và nguy hiểm, nó mở cho ta thấy được nhiều bí mật của người lớn. Và cũng đúng cái ngày gánh hát đó tới thì một người hớt tóc trong thị trấn bắn mấy phát súng vào vợ vì ghen tuông. Người ta kể lại truyện đó trước mặt tôi. Trong óc con nít của tôi, hai sự kiện cách nhau rất xa đó liên kết với nhau ra sao, bây giờ tôi không nhớ rõ được, nhưng hồi đó tôi cứ ngỡ rằng li hôn là chồng giết vợ khi vợ có tội, và giết vợ giữa công chúng, trên sân khấu rạp hát ở Cầu Sông Eure.

Đành rằng cha mẹ dù chú ý tới mấy cũng không ngăn cản được sự phát sinh những huyền thoại kì cục và những liên tưởng ngây thơ trong đầu óc của trẻ. Kinh nghiệm của cha mẹ không truyền lại được cho con, mỗi người phải tự rút lấy kinh nghiệm trong đời sống ; nhưng ít nhất ta cũng không nên cung cấp cho óc tưởng tượng kì cục của trẻ những thức ăn dễ lên men quá. Ta sẽ tránh được cho trẻ những đau khổ lớn nếu ta nhớ rằng cảm tình của chúng sắc bén hơn của ta và sự chú ý của chúng mẫn nhuệ hơn. Đó là bài học cho người mẹ.

Vạn an.
- - - - - - - - - -
(1) Chữ jour của Pháp có nghĩa là ngày, rồi từ nghĩa đó chuyển qua nghĩa : ánh sáng ban ngày, ánh sáng mặt trời, và nghĩa : đời người, sinh mệnh. Cô giáo bảo : donnez nous un peu de jour là dùng theo nghĩa ánh sáng: học trò hiểu theo nghĩa đời người, sinh mạng : donner le jour à Benjamin là sinh ra Benjamin.
Nguồn: http://vnthuquan.org/



Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

Trục xuất 8 người Trung Quốc thu mua nông sản trái phép

Trục xuất 8 người Trung Quốc thu mua nông sản trái phép
Copy từ http://nld.com.vn/kinh-te/truc-xuat-8-nguoi-trung-quoc-thu-mua-nong-san-trai-phep-2016011308151252.htm, đang ngày 13/01/16, mục Kinh tế)
Công an Long An phát hiện 8 người Trung Quốc có visa du lịch và đăng ký tạm trú có các hoạt động thu mua bông, trái thanh long, khảo sát thị trường thanh long mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Ngày 12-1-16, ông Nguyễn Văn Thìn, Chủ tịch UBND H.Châu Thành (Long An), cho biết Công an huyện phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72) Công an tỉnh Long An vừa kiểm tra, phát hiện 8 người Trung Quốc có visa du lịch và đăng ký tạm trú nhưng có các hoạt động khác như: thu mua bông, trái thanh long, khảo sát thị trường thanh long mà chưa được cơ quan có thẩm quyền của VN cho phép.
8 người Trung Quốc có visa du lịch đi thu mua thanh long và khảo sát thị trường thanh long khi chưa được phép - Ảnh minh họa.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản cảnh cáo, buộc nhóm người này rời khỏi địa bàn huyện. Cũng theo ông Thìn, thời gian gần đây tình trạng người Trung Quốc đến tạm trú trên địa bàn ngày càng tăng, nếu năm 2014 có 36 người thì từ đầu năm 2015 đến nay có 76 người.
Trước đó, vào giữa tháng 11-2015, nhiều thương lái ở Đồng Tháp tìm đến các hộ chăn nuôi trong tỉnh thu mua những con heo loại lớn (trên 100 kg), nhiều mỡ, ít nạc với giá cao hơn bình thường để xuất bán sang Trung Quốc.
Sau đó Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau có văn bản gửi Phòng Kinh tế, Phòng NN-PTNT các huyện tăng cường kiểm tra. Văn bản nêu thị trường Trung Quốc rất bất thường và việc làm ăn với thương lái Trung Quốc thường không có hợp đồng rõ ràng nên dễ bị động. Khi heo được thu gom ồ ạt để xuất sang Trung Quốc vào dịp cuối năm sẽ gây cơn sốt giá thực phẩm và nguồn cung sụt giảm. Khi thương lái ngừng thu mua, giá heo hơi giảm đột ngột, người chăn nuôi sẽ thua lỗ.
Trong khi đó, thị trường Việt Nam những năm gần đây có xu hướng thích tiêu dùng loại heo có tỷ lệ nạc cao, mỡ ít và trọng lượng dưới 100 kg, điều này phù hợp với xu hướng chăn nuôi thế giới. Vì vậy, việc thu mua này có thể là hành vi phá hoại kinh tế, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của người chăn nuôi.
Theo An Long (Thanh Niên)

Dây thần kinh xấu hổ đâu rồi!

Dây thần kinh xấu hổ đâu rồi!
Copy từ http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/day-than-kinh-xau-ho-dau-roi-20160113225442929.htm , đăng ngày 12/01/16, mục Thời sự trong nước.
* * * *
Chuyện lương “khủng” của quan chức ở những công ty xổ số kiến thiết (XSKT) các tỉnh tiếp tục được xới lên, gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Hôm 7-1-16, Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều sai phạm trong chi trả lương tại Công ty TNHH MTV XSKT Tiền Giang, trong đó có nêu từ năm 2012 đến 2014, thu nhập bình quân của công chức, viên chức tại công ty này là 730 triệu đồng/năm, tức là 60,8 triệu đồng/tháng. Mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh này có báo cáo gửi Bộ LĐ-TB-XH khẳng định tiền lương, thu nhập của người lao động và viên chức quản lý của công ty này làm đúng nguyên tắc, đúng quy định!
Nhìn vào thu nhập bình quân tháng nói trên, không ai có thể tin đó là mức bình thường. Đặc biệt, XSKT là ngành “có nhiều lợi thế, ít cạnh tranh, ít rủi ro, lợi nhuận tăng trưởng đều đặn”, tức là mặc nhiên được hưởng những đặc quyền trong kinh doanh rồi (thực ra là độc quyền) thì lãnh đạo các công ty đó có phải nhọc nhằn, lao tâm khổ tứ gì đâu mà thu nhập cao ngút trời vậy?!
Để “đúng nguyên tắc”, “đúng quy định” thì có gì khó. Vấn đề là các cơ quan phê duyệt quỹ lương có giám sát được việc công ty XSKT áp hệ số lương đúng hay sai, số lượng lao động định biên bị kê khống hay không… Thường thì với những công ty là “gà đẻ trứng vàng” của tỉnh nhà như XSKT thì chẳng mấy địa phương làm gắt gao. Đó là một kẽ hở lớn để các công ty XSKT muốn trả bao nhiêu thì trả, lại hào phóng đài thọ cho quan chức tỉnh nhà đi du lịch nước ngoài.
Hiện trạng ấy làm méo mó mục đích tốt đẹp ban đầu của xổ số là kiến thiết. Khi thu nhập của những lãnh đạo công ty quá cao thì khoản tiền nộp cho ngân sách địa phương sẽ ít đi, tức là ảnh hưởng tới vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cho các công trình dân sinh. Tỉnh, thành nào cũng có công ty xổ số, như các tỉnh ĐBSCL, năm nào cũng báo lãi hàng trăm tỉ đồng từ bán vé số nhưng hầu hết đều xin miễn nghĩa vụ nộp ngân sách cho trung ương, điện - đường - trường - trạm thì thiếu trăm bề; học sinh bỏ lớp; nông dân bỏ ruộng… Thế mà lãnh đạo những công ty XSKT vẫn hưởng thu nhập “khủng”, các vị có thấy áy náy không?
Người dân mua vé số là vì ba lẽ chính: cầu may, ích nước - lợi nhà và cảm thương người bán vé số, chứ không phải để góp một phần cho túi tiền của lãnh đạo công ty xổ số đầy thêm. Đội quân bán vé số - lực lượng phân phối chủ lực của hệ thống XSKT toàn quốc hiện nay - hầu hết là người nghèo, thất học, cơ nhỡ, tàn tật, quanh năm dầm mưa dãi nắng song mấy ai khấm khá nhờ bán vé số! Vậy, khi đút túi những khoản lương kếch xù, lãnh đạo các công ty XSKT có thấy bất nhẫn không?
Cũng cần phải nói thêm về những mặt trái của XSKT, trước hết là nạn lô đề - “hang ổ” của nhiều tệ nạn xã hội kéo theo khác - và một bộ mặt xã hội kém văn minh. XSKT có thể tạo ra thu nhập cho người nghèo nhưng đó không phải là việc làm bền vững và càng không thể nói đất nước phồn vinh khi vẫn còn đạo quân bán vé số cực đông, lang thang suốt ngày đêm, đâu đâu cũng gặp.
Những bất cập trên đòi hỏi bàn tay can thiệp của nhà nước để XSKT trở về đúng nghĩa của nó. Muốn triệt tiêu tình trạng bất bình đẳng đã nêu, phải dùng đến những thiết chế pháp lý chặt chẽ chứ đừng trông chờ vào lòng tự trọng của một số cá nhân vì nếu biết áy náy, xấu hổ thì họ đã không ngồi mát ăn bát vàng trên nỗi cơ cực của bao người.

Quang Huy

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Nguyên Phó CTN Nguyễn Thị Bình trải lòng về trọng dụng nhân tài


Nguyên Phó CTN Nguyễn Thị Bình trải lòng về trọng dụng nhân tài

(Copy từ http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/nguyen-pho-ctn-nguyen-thi-binh-trai-long-ve-trong-dung-nhan-tai-464226.vov ,  đã đăng ngày 03-01-16)
VOV.VN- Việc tuyển dụng và đề bạt trong các cơ quan Nhà nước có nhiều điểm chưa hợp lý, không ít tiêu cực nên không thu hút được nhân tài vào làm việc.
Câu chuyện “Vì sao người giỏi không về nước làm việc?” đã được đưa ra bàn luận tại Quốc hội hồi đầu tháng 11/2015 và dư luận đặc biệt quan tâm. Tại sao lại có chuyện nhiều nhân tài không muốn quay trở về quê hưởng bản quán làm việc và chúng ta phải có giải pháp quyết liệt như thế nào để khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”? Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trải lòng về những trăn trở xung quanh vấn đề trên.
PV: Trong thời gian qua, du học sinh không trở về nước hay trở về thành “bất đắc chí” đã từng diễn ra. Hầu hết các Quán quân, Á quân của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia cũng ở lại nước ngoài làm việc. Thưa nguyên Phó Chủ tịch nước, phải chăng là ở Việt Nam, cơ chế để họ phát huy tài năng còn quá ít?
Bà Nguyễn Thị Bình: Nói đến nhân tài là nói đến nguyên khí của quốc gia, là sức mạnh của một đất nước. Đúng là cho đến nay, chúng ta chưa thực sự có cơ chế, chính sách thỏa đáng để phát huy vốn quý này của đất nước. Đó là nguyên nhân lớn nhất làm Việt Nam tụt hậu so với các nước khác
Nói là chúng ta có nhiều nhân tài thì có thể là quá lạc quan, nhưng thực sự là dân tộc ta, người Việt Nam ở trong nước và định cư ở nước ngoài, không hiếm người tài giỏi, vì hiếu học, thông minh và cần cù vốn được xem là những đặc điểm nổi bật của con người Việt Nam và trên thực tế, người Việt Nam ở trong nước cũng như định cư ở nước đã xuất hiện khá nhiều người có tài.
PV: Chúng ta đang nhìn nhận về việc một số du học sinh không muốn về nước. Tuy nhiên, thực tế là có những người cũng rất muốn về phục vụ quê hương. Nhưng theo chia sẻ của những người đã từng về Việt Nam tìm cơ hội việc làm thì họ không thể thích ứng được với cách sử dụng nhân lực của ta với kiểu “nhất thân nhì quen, con cháu các cụ”. Vì thế mà họ không muốn về nước, đặc biệt là không muốn làm việc cho các cơ quan Nhà nước. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Bình: Đúng là có hiện tượng số người đi du học nước ngoài ngày càng đông, trong đó nhiều người được nơi đào tạo đánh giá cao nhưng số đông không trở về. Hiện tượng này có bình thường không?
Nhiều ý kiến cho rằng, về hay ở lại không quan trọng, miễn là họ có thể đóng góp được cho đất nước. Ý kiến này có phần đúng nhưng trong lúc chúng ta cần nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia công nghệ, mà ta thường gọi là nhân lực chất lượng cao thì việc số người được đào tạo ở nước ngoài không về quê hương là rất đáng quan tâm. Ở đây có nguyên nhân từ hai phía, phía Nhà nước và phía người được đào tạo.
Về phía Nhà nước, có hai vấn đề cần giải quyết. Một là chính sách đãi ngộ đối với những người thật sự có năng lực được đào tạo, bất kể được đào tạo trong hay ngoài nước. Hai là điều kiện làm việc phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Được đào tạo bài bản về khoa học - công nghệ, nếu lại được bố trí làm công việc hành chính, dù cho giữ chức vụ cao, thì có gì tốt?
PV: Nhiều cán bộ còn nói rằng, với cơ chế xem xét, đánh giá, bổ nhiệm như hiện nay thì người thực sự giỏi và đàng hoàng chỉ lên được đến chức Vụ trưởng là cùng. Phải chăng đó cũng là nguyên nhân mấu chốt khiến nhiều người du học không muốn trở về không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Bình: Đúng là Nhà nước chưa thực sự coi trọng trí thức, chưa có chính sách sử dụng và đãi ngộ thích hợp. Do đó chưa thu hút được người tài, người có trình độ chuyên môn giỏi vào bộ máy Nhà nước. Cũng đúng là việc tuyển dụng và đề bạt trong các cơ quan nhà nước hiện nay có nhiều điểm chưa hợp lý, đấy là chưa nói đã xảy ra không ít hiện tượng tiêu cực trong công tác tổ chức - cán bộ.
Nhân đây tôi muốn nói, nhiều trí thức giàu tâm huyết cho biết, các vị ấy đã góp rất nhiều ý kiến xây dựng, chân thành và đúng đắn, nhưng không được lắng nghe nên chán nản… Đối với trí thức có lòng tự trọng, nói ra những điều suy tư vì dân, vì nước mà không được lắng nghe, không được coi trọng thì đó là một sự “thất vọng”.
PV: Với những nhân tài không trở về quê hương sau khi đi du học, nên chăng chúng ta cũng cần có một cách giáo dục nào đó để nhắc nhớ các em về trách nhiệm và nghĩa vụ đối với quê hương, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Bình: Như trên tôi đã nói, việc được đào tạo ở nước ngoài, học xong không về nước có nguyên nhân từ 2 phía: phía Nhà nước và phía người được đào tạo.
Nếu Nhà nước có cơ chế chính sách thể hiện mạnh mẽ sự trọng thị người tài dù được đào tạo ở bất kỳ đâu, ngoài nước hay trong nước, nếu Nhà nước tạo lập được những điều kiện thực tế để người được đào tạo có thực tài phát huy năng lực sáng tạo của họ thì khi đó “đất lành chim đậu”, không đâu bằng quê hương bản quán và chúng ta khỏi phải bàn về chuyện đi rồi có về hay không.
Còn đối với người được đưa đi du học, sau khi học xong mà không muốn về nước, dù lý do gì họ cũng không thực hiện được trách nhiệm đối với dân, với nước đã chắt chiu tiền của để cho họ đi học. Tuy nhiên phải nói cả trách nhiệm của ngành Giáo dục- Đào tạo.
Việc bồi dưỡng lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm đối với đất nước là nội dung giáo dục quan trọng đối với thế hệ trẻ, mà không chỉ riêng của nhà trường cũng như không chỉ dành riêng đối với một nhóm đối tượng nào. Chúng ta cần giúp mọi thanh-thiếu niên Việt Nam thấm nhuần tình yêu đất nước, từ đó ra sức học tập, sáng tạo, đem sức lực, tài năng của mình góp phần xây dựng đất nước, để đất nước không tụt hậu, thua kém các quốc gia khác như hiện nay.
PV: Xin cảm ơn bà đã có cuộc trao đổi cởi mở và tâm huyết!./.
Bích Lan/VOV.VN

Kích động chủ nghĩa dân tộc: Chiêu bài cũ rích của Trung Quốc

Kích động chủ nghĩa dân tộc: Chiêu bài cũ rích của Trung Quốc
Copy từ http://petrotimes.vn/kich-dong-chu-nghia-dan-toc-chieu-bai-cu-rich-cua-trung-quoc-372621.html , đăng ngày , mục Biển Đông .
* * * *
Trung Quốc đang sử dụng chủ nghĩa dân tộc như một chiêu bài cũ rích để đánh lạc hướng các công dân của mình, khiến họ “quên” đi các bất ổn nội tại, từ việc thị trường chứng khoán sập sàn liên tục, kinh tế suy giảm, đến biểu tình của dân Hồng Kông đòi làm rõ các vụ mất tích bí ẩn của các chủ hiệu sách chuyên bán các ấn phẩm chỉ trích lãnh đạo Bắc Kinh, hay phe đòi độc lập cho Đài Loan đang thắng thế trong cuộc bầu cử Tổng thống ở vùng lãnh thổ này…
Tuần trước, khi thị trường tài chính Trung Quốc liên tục đổ dốc, khiến Bắc Kinh vài phen phải “cắt cầu chì”, đóng cửa cưỡng ép thị trường tài chính và thao túng tỷ giá hối đoái, Trung Quốc đã tiến hành các chuyến bay thử nghiệm đường băng mà họ đã xây dựng phi pháp ở bãi Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.
Sự xuất hiện của 3 máy bay thương mại Trung Quốc trên bãi Đá Chữ Thập, dù vô tình hay hữu ý, đã làm dấy lên quan ngại sẵn có trong các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế về nguy cơ Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Giới phân tích an ninh phương Tây thì tin chắc rằng, đường băng trên bãi Đá Chữ Thập mang “ruột” quân sự, “vỏ” dân sự và Bắc Kinh sẽ sớm triển khai các máy bay quân sự tới khu vực tranh chấp, sẽ đơn phương áp đặt một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông trong năm nay.
Trong một khoảnh khắc, tin tức về các chuyến bay thử nghiệm (phi pháp) của Trung Quốc tới bãi Đá Chữ Thập đã lan tràn trên khắp các mặt báo nước này và quốc tế, chiếm vị trí nổi bật so với các tin tức về nền kinh tế ngày càng tồi tệ của Bắc Kinh.
Các bức ảnh về các chặng dừng của máy bay Trung Quốc, từ Hải Khẩu đến bãi Đá Chữ Thập, lan “nhanh như virus” trên Internet.
Các cư dân mạng Trung Quốc lập tức bị cuốn vào những cảm xúc lâng lâng về “sứ mạng yêu nước” mà truyền thông, dưới sự chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc, đã tạo ra bằng những hình ảnh về một vùng trời biển trong xanh “tuyệt đẹp”, với một đường băng “tuyệt vời”; những bức ảnh “tự sướng” (selfie) kèm lời ca ngợi đầy cảm xúc của những người có “hân hạnh” được bay đến bãi Đá Chữ Thập; cùng với những tuyên truyền về chiến lược biển đảo của Trung Quốc, từ việc biến sân bay (phi pháp) trên bãi Đá Chữ Thập thành “trung tâm hàng không” ở quần đảo Trường Sa, đến việc thiết lập các cơ quan hàng hải, tìm kiếm cứu hộ, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường và xử lý rác thải trên các đảo nhân tạo, hay kế hoạch đưa khách du lịch tới đây tham quan.
Hai máy bay Trung Quốc hiện diện trái phép tại bãi Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 6/1/2016
Tất nhiên, sự quyến rũ trá hình nào rồi cũng phải kết thúc, cũng như việc 2 chiếc máy bay của hãng hàng không Nam Phương Trung Quốc và Hải Nam rồi cũng phải cất cánh trở về Hải Khẩu sau vài giờ đậu trên đường băng ở bãi Đá Chữ Thập.
Trung Quốc chỉ có thể khiến dân họ tạm “quên” đi những bất ổn nội tại trong nước: từ việc thị trường chứng khoán sập sàn liên tục, kinh tế suy giảm, đến biểu tình của dân Hồng Kông đòi làm rõ các vụ mất tích bí ẩn của các chủ hiệu sách chuyên bán các ấn phẩm chỉ trích lãnh đạo Bắc Kinh, hay phe đòi độc lập cho Đài Loan đang thắng thế trong cuộc bầu cử Tổng thống ở vùng lãnh thổ này… chứ không thể dẹp bỏ hoàn toàn những phiền nhiễu này khỏi dư luận.
Và đó cũng là lúc nhà chiến lược trong khu vực lo ngại rằng, những bất ổn nội tại mà Trung Quốc đang phải đối mặt có thể khuyến khích giới lãnh đạo Bắc Kinh khởi động những cuộc phiêu lưu mới ở nước ngoài, đối đầu căng thẳng hơn với Mỹ, hung hăng hơn với các láng giềng có tranh chấp và đẩy nhanh quá trình thực hiện tham vọng bành trướng.
Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi Trung Quốc đã có một quá trình gia tăng khả năng quân sự từ việc tăng ngân sách quốc phòng hai con số mỗi năm trong cả một thập kỷ; đến việc xây dựng chiến lược quốc phòng theo hướng chú trọng tăng cường sức mạnh cho hải quân, chuyển hướng từ phòng ngự sang tấn công và mới đây cải cách, hiện thực hóa mục tiêu củng cố sức mạnh quân sự áp đảo tại châu Á, “tranh hùng” cùng quân đội Mỹ và phương Tây, nhằm bảo vệ quyền lợi cốt lõi của Bắc Kinh, cùng với một loạt “thay đổi chiến lược quan trọng để thực hiện giấc mơ đại cường quân sự”
Một vài ngày trước khi thực hiện bay thử nghiệm ở bãi Đá Chữ Thập, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng đã khẳng định rằng Bắc Kinh đang xây dựng một tàu sân bay thứ hai theo thiết kế riêng của họ. Trước đó, hồi tháng 11/2015, Trung Quốc đã có thông báo về kế hoạch mở căn cứ quân sự đầu tiên của họ ở nước ngoài tại quốc gia Đông Phi Djibouti.
Theo giới chuyên gia, Trung Quốc có thể sớm bắt đầu tuần tra ở quần đảo Trường Sa từ cơ sở mới của họ trên bãi Đá Chữ Thập, hoặc chính thức tuyên bố ADIZ ở Biển Đông để theo dõi các máy bay nước ngoài, cũng giống như Bắc Kinh đã làm ở biển Hoa Đông – nơi họ có tranh chấp lãnh thổ căng thẳng với Nhật Bản, hoặc Bắc Kinh sẽ tiếp tục có những động thái làm gia tăng đáng kể căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên, sử dụng chiêu bài kích động chủ nghĩa dân tộc để khiến dân chúng “quên” đi bất ổn trong nước vào lúc này là một “con dao hai lưỡi” với Trung Quốc.
Lịch sử đã cho thấy các cuộc biểu tình chống Nhật Bản với sự “kích động”, “tiếp tay” của truyền thông nhà nước Trung Quốc hồi năm 2012 có thể nhanh chóng biến thành các cuộc bạo động chống chính phủ. Một nền kinh tế đang giảm tốc và một xã hội phân hóa giàu - nghèo ngày càng cao ở Trung Quốc chắc chắn sẽ là mồi lửa châm vào nỗi bất mãn đang cần có một lý do để bùng phát ở một bộ phận không nhỏ người dân nước này.
Do đó, từ việc đưa máy bay thương mại với một dàn tiếp viên hàng không tươi cười đến việc đưa các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom… và các phi công quân sự ra bãi Đá Chữ Thập, hay bất cứ cơ sở nào mà Trung Quốc đã, đang, sắp xây dựng ở các đảo nhân tạo trên Biển Đông, hẳn là các lãnh đạo Bắc Kinh cũng phải cân nhắc một cách thật cẩn thận?

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Thư gởi người đàn bà không quen biết - Ch 10

Thư gởi người đàn bà không quen biết - Chương 10
Nên phân biệt các bất hạnh lớn và nhỏ
(Copy từ http://4phuong.net/ebook/14596967/44980112/chuong-10-nen-phan-biet-cac-bat-hanh-lon-va-nho.html)
(Tác phẩm "Thư gởi người đàn bà không quen biết" của nhà văn Pháp Andre' Maurois  gồm 25 chương, các chương từ 1 đến 9 đã post lên trang này trước ngày 15-02-2015, hôm nay - 10-01-2016 - tiếp tục post chương 10.)
Một người đàn bà mà tôi rất mến hôm qua xé chiếc áo dài nhung của mình. Một bi kịch não lòng diễn ra cả buổi tối. Trước hết bà ta không hiểu tại sao lại toạc ngang một đường dài như vậy. Ừ thì cho rằng chiếc váy chặt quá và khi bước đi... Nhưng dù sao thì số phận cũng chua xót quá ! Đó là chiếc áo đẹp nhất của bà, chiếc áo cuối cùng mà bà dám nhờ một tiệm danh tiếng cắt cho. Tai nạn đó vô phương cứu vãn.
_ Thì tại sao bà không nhíp nó lại ?
_ Ôi, bọn đàn ông ! Chẳng hiểu gì cả. Nhíp lại thì coi lồ lộ khác gì sống mũi ở giữa mặt không.
_ Thế thì bà mua một miếng nhung đen rồi thay cả cái vạt đi.
_ Ông quên rồi ư ? Hai miếng nhung không khi nào cũng một màu, lóng lánh như nhau cả. Một thứ nhung đen đã cũ thì hơi ngã ra màu xanh. Và thì coi còn ra cái gì nữa. Các bà bạn tôi sẽ la lên.
_ Michel Ange, người ta đưa cho phiếu cẩm thạch nào để đục tượng thì lợi dụng những chỗ không đều của nó, thành thử đã có tật mà tượng lại hoá đẹp. Chỗ toạc đó sẽ gợi hứng cho bà. Bà tỏ ra có thiên tài đi nào. Thay vào đó một thứ hàng khác đi. Người ta sẽ cho rằng bà có dụng ý và sẽ thán phục bà.
_ Rõ ngây thơ ! Con mắt chấp nhận được một sự bất chỉnh là khi nào có một trang sức cùng kiểu đó ở một chỗ khác, như ở "ve" áo đàn ông, ở cổ, ở dây lưng, như vậy có hô có ứng. Còn cái vạt lẻ lọi này, mà làm vậy thi vô lí ! Tôi mà lại đi bận một chiếc áo vá à ?
Tôi đành phải thú nhận rằng tai hoạ vô phương cứu vãn. Tới đây, nhà luân lí thay người bạn an ủi. Tôi bảo :
_ Vâng, quả là một bất hạnh. Nhưng bà cũng nhận rằng còn có những bất hạnh lớn hơn nhiều chứ. Chiếc áo của bà rách. Lòng tôi thực rầu rĩ, nhưng xin bà nghĩ rằng trong một tai nạn xe hơi, ruột bà có thể lủng một lỗ, mặt bà có thể rạch một đường ; xin bà nghĩ rằng bà có thể bị sưng phổi, bà có thể bị trúng độc, và cơ thể của bà quan hệ với bà hơn chiếc áo chứ ; xin bà nghĩ rằng đáng lẽ mất một chiếc áo thì bà có thể mất một số bạn thân : xin bà nghĩ rằng chúng ta sống ở một thời đại nguy hiểm, chiếc tranh có thể nổ và bà có thể bị bắt, bị giam, bị đày, bị giết, bị moi hết ruột, thiêu ra tro. Xin bà nhớ rằng năm 1940 bà không phải chỉ mất một chiếc áo mà mất tất cả gia sản và bà đã nhận tai vạ đó một cách can đảm tới nay tôi còn phục....
Bà ta hỏi :
_ Ông muốn kết luận ra sao đấy ?
_ Kết luận như vầy : thân phận con người điêu đứng, áo nhung thì rách mà người thì chết, buồn não lòng đấy, nhưng trong các tai vạ phải phân biệt cái lớn cái nhỏ. Montaigne bảo :"Tôi sẵn sàng lo công việc cho họ, nhưng tôi không muốn đau gan hoặc đau phổi ". Nghĩa là ông muốn nói :" Tôi, thị trưởng Bordeaux, tôi sẵn sàng vá lại những lỗ thâm thủng tài chánh cho các ông, nhưng tôi không muốn sinh bệnh mà sầu khổ". Câu đó áp dụng vào sự bất hạnh của bà được. Tôi có thể tặng bà một chiếc áo mới, nhưng tôi không chịu cho một chiếc áo cũ bị toạc ra là một tai nạn cho quốc gia hay thế giới.
Cô bạn không quen biết của tôi, cô đừng đặt ngang hàng các nỗi rầu rĩ của cô, chẳng hạn đặt ngang hàng một chiếc bánh phồng lỡ để cho cháy, một chiếc vớ tuột mắt đan, với những kẻ vô tội bị hành hạ và một nền văn minh lâm nguy, mà phải xếp những cái đó cái trên cái dưới cho thành một kim tự tháp.
Vạn an.
--- --- --- --- --- ---