Nguyên Phó CTN Nguyễn Thị Bình trải lòng về trọng dụng nhân tài
(Copy từ http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/nguyen-pho-ctn-nguyen-thi-binh-trai-long-ve-trong-dung-nhan-tai-464226.vov , đã đăng ngày 03-01-16)
VOV.VN- Việc tuyển dụng và đề bạt trong các cơ quan Nhà nước có nhiều điểm chưa hợp lý, không ít tiêu cực nên không thu hút được nhân tài vào làm việc.
Câu chuyện “Vì sao người giỏi không về nước làm việc?” đã được đưa ra bàn luận tại Quốc hội hồi đầu tháng 11/2015 và dư luận đặc biệt quan tâm. Tại sao lại có chuyện nhiều nhân tài không muốn quay trở về quê hưởng bản quán làm việc và chúng ta phải có giải pháp quyết liệt như thế nào để khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”? Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trải lòng về những trăn trở xung quanh vấn đề trên.
PV: Trong thời gian qua, du học sinh không trở về nước hay trở về thành “bất đắc chí” đã từng diễn ra. Hầu hết các Quán quân, Á quân của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia cũng ở lại nước ngoài làm việc. Thưa nguyên Phó Chủ tịch nước, phải chăng là ở Việt Nam, cơ chế để họ phát huy tài năng còn quá ít?
Bà Nguyễn Thị Bình: Nói đến nhân tài là nói đến nguyên khí của quốc gia, là sức mạnh của một đất nước. Đúng là cho đến nay, chúng ta chưa thực sự có cơ chế, chính sách thỏa đáng để phát huy vốn quý này của đất nước. Đó là nguyên nhân lớn nhất làm Việt Nam tụt hậu so với các nước khác
Nói là chúng ta có nhiều nhân tài thì có thể là quá lạc quan, nhưng thực sự là dân tộc ta, người Việt Nam ở trong nước và định cư ở nước ngoài, không hiếm người tài giỏi, vì hiếu học, thông minh và cần cù vốn được xem là những đặc điểm nổi bật của con người Việt Nam và trên thực tế, người Việt Nam ở trong nước cũng như định cư ở nước đã xuất hiện khá nhiều người có tài.
PV: Chúng ta đang nhìn nhận về việc một số du học sinh không muốn về nước. Tuy nhiên, thực tế là có những người cũng rất muốn về phục vụ quê hương. Nhưng theo chia sẻ của những người đã từng về Việt Nam tìm cơ hội việc làm thì họ không thể thích ứng được với cách sử dụng nhân lực của ta với kiểu “nhất thân nhì quen, con cháu các cụ”. Vì thế mà họ không muốn về nước, đặc biệt là không muốn làm việc cho các cơ quan Nhà nước. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Bình: Đúng là có hiện tượng số người đi du học nước ngoài ngày càng đông, trong đó nhiều người được nơi đào tạo đánh giá cao nhưng số đông không trở về. Hiện tượng này có bình thường không?
Nhiều ý kiến cho rằng, về hay ở lại không quan trọng, miễn là họ có thể đóng góp được cho đất nước. Ý kiến này có phần đúng nhưng trong lúc chúng ta cần nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia công nghệ, mà ta thường gọi là nhân lực chất lượng cao thì việc số người được đào tạo ở nước ngoài không về quê hương là rất đáng quan tâm. Ở đây có nguyên nhân từ hai phía, phía Nhà nước và phía người được đào tạo.
Về phía Nhà nước, có hai vấn đề cần giải quyết. Một là chính sách đãi ngộ đối với những người thật sự có năng lực được đào tạo, bất kể được đào tạo trong hay ngoài nước. Hai là điều kiện làm việc phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Được đào tạo bài bản về khoa học - công nghệ, nếu lại được bố trí làm công việc hành chính, dù cho giữ chức vụ cao, thì có gì tốt?
PV: Nhiều cán bộ còn nói rằng, với cơ chế xem xét, đánh giá, bổ nhiệm như hiện nay thì người thực sự giỏi và đàng hoàng chỉ lên được đến chức Vụ trưởng là cùng. Phải chăng đó cũng là nguyên nhân mấu chốt khiến nhiều người du học không muốn trở về không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Bình: Đúng là Nhà nước chưa thực sự coi trọng trí thức, chưa có chính sách sử dụng và đãi ngộ thích hợp. Do đó chưa thu hút được người tài, người có trình độ chuyên môn giỏi vào bộ máy Nhà nước. Cũng đúng là việc tuyển dụng và đề bạt trong các cơ quan nhà nước hiện nay có nhiều điểm chưa hợp lý, đấy là chưa nói đã xảy ra không ít hiện tượng tiêu cực trong công tác tổ chức - cán bộ.
Nhân đây tôi muốn nói, nhiều trí thức giàu tâm huyết cho biết, các vị ấy đã góp rất nhiều ý kiến xây dựng, chân thành và đúng đắn, nhưng không được lắng nghe nên chán nản… Đối với trí thức có lòng tự trọng, nói ra những điều suy tư vì dân, vì nước mà không được lắng nghe, không được coi trọng thì đó là một sự “thất vọng”.
PV: Với những nhân tài không trở về quê hương sau khi đi du học, nên chăng chúng ta cũng cần có một cách giáo dục nào đó để nhắc nhớ các em về trách nhiệm và nghĩa vụ đối với quê hương, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Bình: Như trên tôi đã nói, việc được đào tạo ở nước ngoài, học xong không về nước có nguyên nhân từ 2 phía: phía Nhà nước và phía người được đào tạo.
Nếu Nhà nước có cơ chế chính sách thể hiện mạnh mẽ sự trọng thị người tài dù được đào tạo ở bất kỳ đâu, ngoài nước hay trong nước, nếu Nhà nước tạo lập được những điều kiện thực tế để người được đào tạo có thực tài phát huy năng lực sáng tạo của họ thì khi đó “đất lành chim đậu”, không đâu bằng quê hương bản quán và chúng ta khỏi phải bàn về chuyện đi rồi có về hay không.
Còn đối với người được đưa đi du học, sau khi học xong mà không muốn về nước, dù lý do gì họ cũng không thực hiện được trách nhiệm đối với dân, với nước đã chắt chiu tiền của để cho họ đi học. Tuy nhiên phải nói cả trách nhiệm của ngành Giáo dục- Đào tạo.
Việc bồi dưỡng lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm đối với đất nước là nội dung giáo dục quan trọng đối với thế hệ trẻ, mà không chỉ riêng của nhà trường cũng như không chỉ dành riêng đối với một nhóm đối tượng nào. Chúng ta cần giúp mọi thanh-thiếu niên Việt Nam thấm nhuần tình yêu đất nước, từ đó ra sức học tập, sáng tạo, đem sức lực, tài năng của mình góp phần xây dựng đất nước, để đất nước không tụt hậu, thua kém các quốc gia khác như hiện nay.
PV: Xin cảm ơn bà đã có cuộc trao đổi cởi mở và tâm huyết!./.
Bích Lan/VOV.VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét