Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Giải pháp cho kẹt xe ở ngã 6 Gò Vấp

Giải mã kẹt xe ngã 6 Gò Vấp: giải pháp xài liền của dân

(Copy từ http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20151029/giai-ma-ket-xe-nga-sau-go-vap-giai-phap-xai-lien-cua-dan/993151.html; đăng ngày 29/10/15.)

TTO -  Vấn đề khó chịu lớn nhất mà bạn đọc nêu ra ở khu vực này là vào những giờ cao điểm, có những đoạn đường rất ít xe chạy. Và từ khó chịu này, một loạt giải pháp cụ thể, xài được ngay đã được bạn đọc Tuổi Trẻ đưa ra. 

Tìm đường thoát ở khu vực ngã sáu Gò Vấp hướng từ đường Phạm Ngũ Lão đi Nguyễn Oanh chiều tối 16 -10 - Ảnh: Thanh Tùng
Tìm đường thoát ở khu vực ngã sáu Gò Vấp hướng từ đường Phạm Ngũ Lão đi Nguyễn Oanh chiều tối 16 -10 - Ảnh: Thanh Tùng
Diễn đàn của các bạn đọc như nóng lên với câu chuyện giải mã điểm nóng ngã sáu Gò Vấp, xe cộ luôn đông kinh khủng ở khu vực cửa ngõ này gồm hàng loạt tuyến đường trục ra vào khu trung tâm của TP: Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung, Nguyễn Văn Nghi. Mở Nguyễn Kiệm thành đường hai chiều theo giờ Hầu hết bạn đọc cho rằng lý do chính dẫn đến ùn ứ tại nút giao thông ngã sáu Gò Vấp là tại hai thời gian cao điểm trong ngày (7g sáng và 17g chiều) lưu lượng xe vào và ra trung tâm thành phố quá lớn, trong khi hai tuyến đường chính để vào, ra là Nguyễn Kiệm, Phạm Ngũ Lão quá nhỏ, không đáp ứng đủ không gian cho các xe di chuyển. Một phần nhỏ nữa là do giao lộ Nguyễn Văn Công có rất nhiều xe cố ý vi phạm để băng ngang qua đường Nguyễn Kiệm (nếu không có cảnh sát giao thông). Nhiều đề xuất của bạn đọc đề nghị mở lại đường Nguyễn Kiệm thành hai chiều cho xe máy đoạn từ vòng xoay Phạm Văn Đồng đến ngã tư Phú Nhuận. Có thể mở lưu thông theo giờ cao điểm kẹt xe buổi sáng và buổi chiều. Cụ thể cho xe máy chạy hai chiều vào buổi sáng từ 4g-13g. Sau đó vẫn một chiều như cũ vì buổi chiều người đi làm về nhà lại kẹt xe tại đây. Buổi sáng đường Nguyễn Kiệm rất vắng. Lý do theo các bạn đọc phân tích ở khu vực này mọi người đi về trung tâm thành phố nhiều, mà con đường ngắn nhất đi về trung tâm thành phố chính là con đường Nguyễn Kiệm. Trước đây đường này hai chiều, nhưng nay chỉ cho chạy một chiều. Thay vì phải có một con đường mới song song với đường Nguyễn Kiệm cũ thì lại không có, mà thay vào đó là đường Hoàng Minh Giám nên con đường này luôn đầy ắp xe. Có bạn đọc còn cho rằng nếu có làm cầu vượt sang đường Hoàng Minh Giám chưa hẳn giải quyết được nạn kẹt xe vì hiện nay nút thắt cổ chai quá nhiều. Hầu hết ý kiến đề xuất của bạn đọc tập trung nhiều vào việc mở rộng đoạn Nguyễn Kiệm (từ vòng xoay Nguyễn Oanh đến vòng xoay Phạm Văn Đồng) vì cho rằng hai bên vỉa hè này còn rộng, một bên chủ yếu là hàng rào của Bệnh viện 175. "Việc mở rộng đường Nguyễn Oanh, Nguyễn Kiệm, tính từ vòng xoay 2km là đảm bảo con đường này hết kẹt xe. Ở đây vỉa hè còn rất lớn nên chi phí giải phóng mặt bằng ít" - một bạn đọc khẳng định. Ngoài ra, bạn đọc cũng cho rằng ngã ba rẽ vào Đào Duy Anh hai bên là vỉa hè của công viên Gia Định, có thể mở rộng để thoát tình trạng nút thắt cổ chai, vì là vỉa hè nên không ảnh hưởng tới cây xanh của công viên nhiều.
Mạnh xe nào xe nấy tìm đường thoát ở khu vực ngã sáu Gò Vấp hướng từ đường Phạm Ngũ Lão đi Nguyễn Oanh chiều tối 16 -10 nhìn từ trên cao - Ảnh: Thanh Tùng
Mạnh xe nào xe nấy tìm đường thoát ở khu vực ngã sáu Gò Vấp hướng từ đường Phạm Ngũ Lão đi Nguyễn Oanh chiều tối 16 -10 nhìn từ trên cao - Ảnh: Thanh Tùng
Giải tỏa và mở rộng các giao lộ Các bạn đọc cũng cho rằng giải tỏa và mở rộng ở các giao lộ, nơi thắt nút cổ chai là giải pháp tối ưu cho những nơi thường xuyên kẹt xe. Theo bạn đọc Quốc Tuấn, giải tỏa những điểm thắt như sau: thứ nhất, xin một phần đất quân đội và công viên Gia Định mở rộng một số tuyến đường như Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn, Phổ Quang và các tuyến đường song hành với đường Trường Sơn cùng các cầu vượt hay đường trên cao. Thứ hai, xây cầu từ Nguyễn Thái Sơn qua sông Vàm Thuật sang đường Vườn Lài, quận 12 sẽ giải tỏa lớn trên ngã sáu Gò Vấp vì sẽ không đi đường vòng trên đường Nguyễn Oanh. Thứ ba, lấy đất công viên đổi hạ tầng giải tỏa và chi phí xây dựng và mở rộng các tuyến đường. Xây thêm công viên trên đường Vườn Lài, quận 12 hoặc công viên ven sông Vàm Thuật (bờ quận Gò Vấp). Đấu giá đất quận 12 khi có cầu để làm kinh phí. Một số bạn đọc còn cho rằng ngã sáu Gò Vấp bị khó khăn khi thoát từ trong vòng xoay ra đường Nguyễn Văn Nghi, lúc thoát bị giao cắt với đường Phạm Ngũ Lão làm cho xe trên đường Phạm Ngũ Lão bị dồn ứ. Giải pháp tốt nhất cho khu vực này là phần tiếp xúc của đường Nguyễn Văn Nghi với vòng xoay quá nhỏ, nếu mở rộng để tăng lượng xe thoát khỏi, vòng xoay sẽ bớt kẹt xe. Nhiều đề nghị xoay quanh việc giải tỏa mặt bằng, phóng lớn tuyến đường Phạm Ngũ Lão đủ để đáp ứng lưu lượng xe giờ cao điểm. Bố trí một đoạn dải ngăn cách ngăn không để người dân vi phạm luật băng ngang qua đường tại giao lộ Nguyễn Văn Công, Nguyễn Kiệm. Xây dựng thêm cầu vượt bằng sắt theo như kế hoạch để giảm áp lực cho các tuyến đường.
Dù có đi ngay ngắn đúng luồng tuyến thì xe cộ trên đường Phạm Ngũ Lão hướng về ngã sáu Gò Vấp chiều tối 16 -10 cùng dồn một cục - Ảnh: Thanh Tùng
Dù có đi ngay ngắn đúng luồng tuyến thì xe cộ trên đường Phạm Ngũ Lão hướng về ngã sáu Gò Vấp chiều tối 16 -10 cùng dồn một cục - Ảnh: Thanh Tùng
Nên thi công cầu vượt ngã sáu Gò Vấp Không ít ý kiến bạn đọc cho rằng vẫn nên thi công cầu vượt ngã sáu Gò Vấp có hình chữ Y:  nhánh cầu chính nằm theo hướng đường Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm dài 234m, rộng 6m và nhánh rẽ theo hướng đường Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Oanh dài 274m, rộng 6m. Lý giải điều này, bạn đọc cho rằng thực tế cho thấy đường Nguyễn Oanh cộng đường Quang Trung đổ ra (hoặc ngược lại) Nguyễn Kiệm cộng đường Nguyễn Văn Nghi là chính. Lượng người quá lớn. Chỉ có cầu vượt mới đáp ứng được nhu cầu này. "Nên xây cầu vượt, vừa đỡ tốn diện tích đất lại đỡ kẹt xe. Như vòng xoay ở công viên Gia Định nếu làm cầu vượt thì hay biết mấy chứ vòng xoay thì vẫn kẹt xe dài dài" - bạn đọc Nguyễn Thị Thanh Phượng góp ý. Bạn đọc Đào Hoàng Ân lại cho rằng "nên làm thêm một tuyến đường trên cao nối dài từ công viên Gia Định qua vòng xoay Phạm Văn Đồng kéo dài hết Nguyễn Kiệm đi qua Bệnh viện 175 về tới Nguyễn Oanh. Con đường trên cao này sẽ giảm áp lực cho cả hai vòng xoay. Cho xe đi trên đó một chiều về Gò Vấp thôi thì Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Thái Sơn không cần mở rộng thêm".
Điểm nóng kẹt xe ngã sáu Gò Vấp (quận Gò Vấp): thực trạng và giải pháp đề xuất - Đồ họa: Việt Thái - T.Thiên
Điểm nóng kẹt xe ngã sáu Gò Vấp (quận Gò Vấp): thực trạng và giải pháp đề xuất - Đồ họa: Việt Thái - T.Thiên
Võ Hương
http://007vahocsinh.blog.com/wp-content/blogs.dir/00/01/51/58/1515824/files/dep/nho-canh-dong-that-son.jpg
nho-canh-dong-that-son
Về quê ở cho khỏi kẹt xe mấy anh ơi!

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Tưởng nhớ Vương Hồng Sển

Tưởng nhớ Vương Hồng Sển
Copy từ https://levinhhuy.wordpress.com/2015/09/26/tuong-nho-vuong-hong-sen/ ,đăng ngày 2015/09/26 bởi levinhhuy, mục "Những người tôi đã gặp".
Vương Hồng Sển (1902-1996), bút hiệu Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai. Ông sinh ra tại Sóc Trăng, mang ba dòng máu Việt, Hoa, Khmer. Nguyên tên thật ông là Vương Hồng Thạnh, khi làm giấy khai sinh, người giữ sổ lục bộ ghi nhầm là Sển (theo phát âm tiếng Triều Châu).
Ông là người có hiểu biết sâu rộng về miền Nam. Những tác phẩm của ông thường có dấu ấn của hồi ký và cung cấp cho người đọc những trải nghiệm thú vị. Tác phẩm:
Thú chơi sách (1960)
Sài Gòn năm xưa (tập I, II 1960; tập III 1992)
Hồi ký 50 năm mê hát (1968)
Phong lưu cũ mới (1970)
Thú xem chuyện Tàu (1970)
Thú chơi cổ ngoạn (1971)
Chuyện cười cố nhân (1971)
Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa (1972)
Cảnh Đức trấn đào lục (1972)
Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn (1972)
Hơn nửa đời hư (1992)
Tạp bút năm Nhâm Thân (1992)
Khảo về đồ sứ từ hậu Lê đến sơ Nguyễn (1993)
Những đồ sứ do đi sứ mang về (1993)
Những đồ sứ khác Quốc dụng, Ngự dụng v.v… (1993)
Tạp bút năm Quý Dậu (1993)
Tự vị tiếng Việt miền Nam (1994)
Nửa đời còn lại (1995)
Thú ăn chơi
Khảo về hát bội, v.v….
Và hàng chục bản thảo khác như: Cuốn sách và tôi, Dở mắm, Tạp bút I, II và III, Cà đo xe, Bên lề cuốn sách… Đến năm 1991, thỉnh thoảng ông vẫn có bài đăng ở các báo, tạp chí.
* * *
Miền Nam gạo trắng nước trong, đã bồi đắp cho đời được ba nhà văn hóa lớn, họ như ba cây đại thụ sừng sững giữa đồng bằng Nam bộ, đó là Vương Hồng Sển, Nguyễn Hiến Lê và Sơn Nam. Cả ba cùng vừa là nhà biên khảo vừa là nhà văn, nhưng cái duyên của văn mỗi vị mỗi khác. Nếu Nguyễn Hiến Lê có giọng nghiêm cẩn của nhà mô phạm, ngay cả khi ông gây cười, ta cũng thấy đó là cái cười mỉm, nụ cười hiền lành khoan hòa của một triết gia; thì Sơn Nam lại có giọng thật thà chơn phác đặc sệt Nam bộ, và cái duyên của ông ở chỗ đậm đà hương quê. Còn Vương Hồng Sển, tính về tuổi tác là bậc anh bậc chú của hai người kia, nhưng văn lại hóm hỉnh trẻ trung, đọc đến là bắt cười. Văn Vương Hồng Sển là thứ văn khẩu ngữ bình dân của nhà bác học, lại pha trộn cổ kim nhuần nhuyễn, ý vị như chén muối tiêu được vắt miếng chanh, vừa mặn vừa chua đặc sắc, hễ đọc qua là ghiền, và nhớ mãi.
Nhân ngày sinh Vương Hồng Sển (27/9/0902), tôi post lên đây một bài báo của ông, như thắp nén nhang tưởng nhớ bậc thái sư thúc. Đây là bài ông trên báo Sóc Trăng, được viết vào cuối năm 1994, khi ông đã 92 tuổi.
Viết bài kỵ nhất lan man, chuyện nọ xọ chuyện kia, người ta có ráng đọc xong cũng như lạc vào cõi sa mù, hoang mang chẳng nhớ và cũng chẳng biết tác giả muốn nói quỷ gì. Nhưng bài nào của Vương Hồng Sển cũng lan man kiểu đó, lạ cái đọc qua là bắt nhớ kỹ hết thảy những gì ông đề cập. Văn Vương Hồng Sển là “văn ba lan”, ông thẩy xuống mặt hồ viên sỏi kêu cái tõm, từ đó, những gợn sóng đồng tâm lan ra, ai đọc câu trước là phải dõi tiếp câu sau, đọc hết bài vẫn thấy thòm thèm, trách ông già sao đã dứt câu chuyện, vội đi đâu vậy chớ!
Một bài báo thôi, mà tác giả cung cấp nhiều thông tin thú vị, lại giúp hiệu đính nhiều địa danh bổ ích: Cơ-Me, Sốc-Trăng, bắc Cái-Vồn, cho đến Cần-Thơ, Chắc-Cà-Đao… Những cái tên đất ông tra ra lại gợi bao nhiêu là hình ảnh và tình tự của tổ tiên Chệt-Kinh-Miên thời mở cõi. Ngay cả lối viết có gạch nối của ông, lối viết cũ xưa trào thuộc Pháp khi mới có chữ Quốc ngữ, cũng cho ta thấy được nét văn hóa đặc thù một thời, nên tôi cố gõ theo ông để giữ lại…
Nào! Ta hãy theo ông, nhẩn nha du hý từ cõi Hán Sở bên Tàu rồi đáo về Cù lao Dung ăn tô bún nước lèo Sóc Trăng, vít cành điên điển nếm thử bột chiên, xong nhảy tàu qua cả bên Miên để theo dõi trai gái Khmer họ hẹn thề cho biết.
_______
Nhắn với bạn Nguyễn-Tử-Quang(1) và xin nói về hoa điên điển
(Viết ngày 1 tháng XI năm 1994 cho báo Xuân ở Sốc-Trăng để xin cáo không viết nữa)
– Vương-Hồng-Sển
Chú Nguyễn-Tử-Quang mến. Tôi đã có thơ cho chú xin không viết cho báo Sốc-Trăng được vì quá già và đang bịnh, bỗng nay tôi lại được cháu gọi tôi là bác, mời mọc nữa. Cái câu “tửu bất khả ép” tôi nghi là do mấy cha nhậu bịa ra, chớ nào câu gì toàn chữ Hán, lại ghép chữ “ép” rất nôm vào mà nghe cho được. Sở dĩ tôi nói làm vậy để mở đầu bài này là bài tôi viết cho báo Sốc-Trăng đây.
Ngày nay, tại thành phố có tên của Bác nầy, báo chí mọc tua-tủa, báo ngày, báo tuần đủ thứ, không đủ tiền mua mà đọc, với tuổi như tôi, nằm võng đọc chẳng sướng hơn hay sao? Bấy lâu, tôi thích văn của chú viết, chú phê-bình truyện Tàu, nghe thâm-thúy, vậy tôi ra cho chú một vế đối chưa ai đối được, thử chú đối coi, và đối xứng, tôi sẽ viết bài, bằng chú không trả lời, thì xin cho tôi khỏi viết nữa. Câu đối cũ, chớ không phải của tôi, là như vầy: “Hạng-Võ khóc Ngu-Cơ, ngơ cu Hạng-Võ”. Ngày nay lắm người mới, khuyên đừng nhắc Tam-quốc-chí, Hán-Sở tranh hùng, nhưng bọn mình già, biết người biết ta, bọn mình cứ biết gì nói nấy.
Hiện thời, nước dâng lên quá mức, làm cho vùng Đồng-Tháp bị ngập lụt, tôi dốt nát, không từng học chữ nho, nên viết câu “nước dâng lên quá mức” và không viết như người mới, nào “triều-cường”, nào lũ lụt. Tôi dám chắc người dân củi-lục làm ăn vùng Sốc-Trăng không hiểu được đâu. Nhưng họ cứ dùng chữ Hán, họ cứ viết theo họ muốn, tôi nào phải lột da sống đời đời, và rốt lại chú sẽ chứng-kiến, gái Sốc-Trăng bỏ áo tầm-vông bỏ chăn tơ dệt chỉ màu, mặc vận theo tân-thời, áo dài theo kiểu áo Nam, học chung trường Việt, hoặc y phục theo gái Tây gái Mỹ, nhưng tôi dám chắc và chú trẻ hơn tôi, chú sẽ thấy họ không bỏ được tô bún nước lèo của Sốc-Trăng nhau rún của tôi đâu!
Như đã nói, Sốc-Trăng là đất nhau rún của tôi, làm sao tôi dám quên nguồn gốc mà bỏ cho được, nhưng tôi buồn lòng, họ không giải nghĩa vì sao họ viết Sóc-trăng, không có cái nón đội đầu, là không có dấu mũ? Tôi thuở nay biết Sốc-Trăng viết có dấu mũ luôn luôn, vì dựa theo tiếng gốc là tiếng Miên (Khmer), Srock-khléang, Hán-tự viết “Khác-lằng”, phiên-dịch ra tiếng Việt là Sốc-Trăng(2), hay là họ dựa theo tiếng Tây đời Pháp-thuộc, viết Soc-trang, không chấm dấu, và nếu họ cứ viết Sóc-trăng (không dấu mũ) thì cho tôi hỏi: ngày sóc, tức ngày mồng một làm sao có trăng? Nhưng họ viết theo lối mới như vậy, nên tôi xin chịu thua.
Tôi nhắc lại đây cho Tử-Quang nghe, sông Hậu chảy ra biển, chia làm hai nhánh. Tôi tóm tắt, chính giữa sông có một cù-lao thật lớn, tên gọi Cù-lao Dung, Dung tức là khoan-dung, tha thứ; nhánh sông bên tả (kể từ trên kể xuống), nhánh ấy đặt là cửa Định-An, tức trấn an người bản xứ là người Miên (Khmer) phía Trà-Vinh; còn nhánh bên hữu, tên đặt là cửa Trấn-Di, tức trấn trị người Di, người Miên (Khmer) phía Sốc-Trăng, nhưng ác hại thay, trên địa-đồ do Tây để lại, vì nhà trắc-địa hay nhà kỷ-hà học Pháp (géomètre) ấy viết chữ Trấn-Di quá nhỏ và không chấm dấu, khiến nên người vẽ địa-đồ vẽ lại, đã tự ý chấm dấu và đọc Trần-đề (thật là vô nghĩa) hoặc đọc Tranh-đề (cũng vô nghĩa), nhưng cái gì là vô nghĩa lại tồn tại, còn cái gọi đúng nghĩa thì người mới vẫn không chịu nghe, (xem sách géographie của Alinot nay khó kiếm), và bởi các lý lẽ duyên do ấy, cho nên tôi cáo thối, nhường đường cho người khác viết để mình đọc là phải hơn.
Tôi từng đọc trên tờ tuần báo Văn-Nghệ số 165, trong một bài, họ viết chữ “đéo” lặp đi lặp lại ba bốn lần, và một chỗ khác, họ viết câu “làm dở như con c…” mà vẫn được thông qua, lại họ dùng nào “dỏm”, nào “xịn” là những chữ tôi không thấy trong tự-điển, rồi họ viết “chôm chỉa”, đều chạy tuốt-tuột vì họ là người đời mới, họ có công đi đánh đuổi giặc, tôi vô công thêm bất tài, tôi rút lui là phải.
Một tuần báo khác, tôi không nhớ báo nào (tôi cố lục mà không thấy, không kể ra được), có bài của một nhà văn khét tiếng ở đây. Nhà văn này đi viếng vùng Đồng-Tháp bị nạn lụt lớn, nhà trôi hoặc trổ nóc chịu đựng, có viết rằng nhà thiếu gạo nhưng nhờ có xuồng ba-lá còn lại, nên dùng xuồng ấy chèo ra vùng ngập và hái bông điên-điển về luộc ăn đỡ đói thế cho cơm (buổi túng ngặt như vậy, bông điên-điển quí hơn vàng). Trong bài có nói bông hái buổi trưa độ bảy giờ mặt trời đã lên cao, thì bông luộc ăn có vị đắng, cho hay chi tiết nhỏ ấy khiến tôi nhớ lại chuyện cũ năm xưa mẹ tôi đã kể lại và tôi xin thuật như vầy, thiết tưởng người Cơ-me Sốc-Trăng ắt thành thạo biết rõ hơn tôi, nhưng tôi xin cứ kể:
“Vào đời xửa đời xưa, chuyện không nhớ vào đời nào mà nói, thuở ấy có bà chúa các loài sâu chuyên ăn bông điên-điển, đến gặp bà tiên của hoa điên-điển, hai bà tiên tranh luận với nhau, và bà chúa hoa xin hẹn với bà chúa sâu, xin sâu hãy chờ mặt trời mọc sẽ đến ăn, thì hoa sẽ mãn-khai và lớn, tức ngon hơn… Bà chúa sâu ưng lời, nhưng trong khi ấy bà chúa hoa đã báo mộng thông tin cho phụ-nữ, gái Cơ-me (Khmer) biết và dặn hãy mau đến hái hoa lúc tờ-mờ sáng, mặt trời chưa mọc, thì hoa đương hé nhụy, và nhờ vậy sâu bị lừa-phỉnh, nên tức giận, và hái từ sáng sớm có mặt trời mọc thì bướm sâu có kịp thời giờ trả hận, khiến trong hoa có tửa, nhưng các cô gái Miên dè dặt đã hái từ còn khuya và được hoa ngon”.
Câu chuyện mẹ tôi kể đến đây đủ thấy người Miên không kém phần và không thiếu chi nhà thơ giàu tưởng-tượng, nhưng mẹ tôi còn kể thêm chuyện sau nầy, khiến tôi luyến tiếc buổi mẹ còn, tôi không học hỏi thêm những gì của mẹ, nay mẹ đã mất mà ba tôi cũng mãn phần, tôi biết làm chi những rườm-rà vô bổ ích?
Mẹ tôi dạy rằng: người Miên cũng có tục thanh-minh, cũng tụng kinh cho vong người đã khuất, và tục ấy bảo rằng người sư sãi ở chùa (tỷ như gần làng Đại-Tâm thì có chùa Xà-Lôn), sư sãi ấy có phận-sự vào tiết thanh-minh, các sãi ấy ban ngày thường đi ra đồng tìm những mồ mả hoang không cúng kiếng, thì họ bẻ nhánh lau nhánh sậy cắm làm dấu, để chờ vào đêm, họ tìm lại những mồ xiêu mả loạn ấy mà tụng một thời kinh cứu-độ, tụng suốt đêm từ mả nầy qua mộ kia cho đến xế chiều bữa hôm sau, và không được trở về chùa thời cơm. Trong lúc ấy, các cô gái trinh nữ Miên chưa chồng, lại có thâm ý dùng xuồng nhẹ chở hai cô gái mỗi một xuồng, đem theo nào chảo đựng mỡ thắng mới, nào bột gạo có trộn lộn sẵn đường và hột vịt cho vừa sệt-sệt, rồi ban mai sáng thật sớm, chị em chèo xuồng ấy ra ngoài đồng nước xấp-xấp, hễ gặp cây điên-điển nào trổ bông nhiều, thì một cô kềm xuồng cho vững, cô kia sẽ vói kéo nhánh hoa tươi tốt trên cành, nhúng nhánh ấy vào vịm bột cho thấm hoa rồi nhúng cũng nhánh hoa ấy vào chảo mỡ nóng, chờ khi bánh chín sẽ trả bánh chiên vào chỗ trước trên cành, để bơi qua chỗ khác. Ôi! Còn bánh nào ngon lành hơn bánh linh động trên cành tươi như vậy! Nhưng thú thật, cái tội lỗi của tôi, và cái hư từ ấu-xuân của tôi, là tôi đã từng cướp bánh ngon của sư sãi và đã từng xực trước những bánh của các cô dành cho sư sãi kia, tuy hữu công về đạo nhưng vẫn kém duyên thua kẻ nầy! (3)
Câu chuyện về bông điên-điển đến đây vẫn chưa chấm dứt, và khi đã nói, tôi vẫn nói không ngừng. Nay tôi đã quá già và vẫn là con mọt sách, xin thưa: Trong quyển Pháp-văn “Khảo về hoa-mộc Đông-Dương”, do tấn-sĩ khoa-học kiêm nông-lâm Alfred Petelot (cuốn nầy trọn bộ gồm bốn quyển dày, nay không đâu còn bán), có kể rằng điên-điển cây cao đến bốn thước, nhờ vậy không chết trong vùng nước lụt như Đồng-Tháp, lá trên xanh dưới tim-tím, bông thì vàng, cây thì bộng ruột, dùng làm nút chai hay độn bên trong chiếc mũ chầu xưa thường thấy, nhưng nay đã ít dùng. Cây không cần trồng và vẫn tự nhiên mọc nhiều từ Ấn-Độ qua Thái-Lan, đến Cao-Miên và mọc khắp miền Nam nước Việt, bông người mình chỉ làm dưa chua chấm với nước thịt cá kho, thế cho dưa giá dưa sen, nhưng người Miên đã có sáng kiến trộn với bột-đường làm một món bánh ngon-lành, bánh mới ăn giòn và thơm, bánh để lâu ngày, vẫn ít mốc-meo và khi ăn lại dai dẻo, bùi bùi, có một vẻ ngon đặc biệt, theo tôi, ít có bánh nào của ta bì được. Tôi viết đến đây xin tạm chấm dứt vì cơn bịnh “viêm về dây thần kinh” đang hành hạ tôi nhức nửa phần da mặt bên trái, và xin chào các bạn Sốc-Trăng. Vừa chào vừa cáo lỗi. Tôi quên nói, người Miên gọi bông điên-điển là snor, nên ở Cần-Thơ, lấy tên theo Miên nầy làm làng gọi Xà-No.

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Nói chuyện tổ tiên

(Copy từ http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/chuyen-thuong-ngay/20151024/noi-chuyen-to-tien/990460.html  ; đăng ngày 24/10/15)

Nói chuyện tổ tiên

TT - Có hai anh nọ nhà ở cạnh nhau và hục hặc suốt.

Anh nhà nghèo tức tối mắng tay hàng xóm giàu có: “Đất này là của tôi, sao ông lại lấn sang rồi xây hàng rào?”.

Ông hàng xóm nhà giàu lý sự: “Lấn đâu mà lấn, tui đã xây tường rào kiên cố từ lâu nay rồi mà...”.

- Hừm, lâu là bao lâu? Ông thừa lúc nhà tui có chút việc rối rắm, thế là nhào vào lấn đất, tự ý xây tường rào. Đề nghị ông trả lại đi - anh nhà nghèo bức xúc.

- Trả là trả thế nào, đất này của tổ tiên nhà tui để lại mà? - anh nhà giàu vẫn cong cớn khẳng định.

Anh nhà nghèo bực mình quá, bèn chạy vào nhà lôi một tập giấy tờ ra và chứng minh:

- Ông nói đến tổ tiên thì đây, xin mời xem, giấy chủ quyền của tổ tiên nhà ông cả mấy trăm năm trước chẳng thể hiện cái mảnh đất mà ông đang xây hàng rào. Ông giải thích thế nào đây về chuyện này? Hay ông là dân lộn giống, tổ tiên ở tận đâu đâu chứ chẳng phải hàng xóm nhà tui?

Ông nhà giàu đỏ mặt tía tai nói càn:

- Nói chuyện tổ tiên thì vài trăm năm thì ăn nhằm gì. Tổ tiên nhà tui có từ trước khi loài người hiện diện trên Trái đất này đấy...

- À, tui hiểu rồi. Như vậy tổ tiên ông là con khỉ đá - anh nhà nghèo kết luận.

Bút Bi

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Quyền Tổng Biên tập Báo Đồng Khởi sử dụng bằng giả

Quyền Tổng Biên tập Báo Đồng Khởi sử dụng bằng giả
Copy từ http://vietbao.vn/Xa-hoi/Quyen-Tong-Bien-tap-Bao-Dong-Khoi-su-dung-bang-gia/40163066/157/ ,đăng ngày 21-09-2006 , mục Theo dòng sự kiện.
Đảng ủy liên cơ tỉnh Bến Tre vừa công bố quyết định kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng đối với ông Trương Văn Đông, quyền Tổng Biên tập Báo Đồng Khởi (Bến Tre), vì sử dụng bằng giả và một số sai phạm khác.
Ông Đông sinh năm 1949, không có bằng tốt nghiệp THPT, nhưng đã “chạy” giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT giả để tiếp tục học Trường Đại học Luật Hà Nội, Phân viện Báo chí - Tuyên truyền Hà Nội.
Theo Người Lao Động

Nạn tảo hôn-Lời ru buồn nơi vùng cao

Nạn tảo hôn-Lời ru buồn nơi vùng cao
Copy từ http://baoquangngai.vn/channel/2024/201109/nan-tao-hon-loi-ru-buon-noi-vung-cao-2096754/ ,đăng ngày 21/09/11 , mục Xã hội .
(QNĐT)- Từ bao đời qua, trong suy nghĩ của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Quảng Ngãi, rằng con gái 13-14 tuổi đi lấy chồng là lẽ đương nhiên. Còn nếu 16-17 tuổi mà chưa có thì coi như sắp “ế”. Chính vì suy nghĩ như vậy cho nên đã dẫn đến những cuộc hôn nhân “cười ra nước mắt”
Về đâu những đôi vợ chồng trẻ
Cơn mưa đầu mùa bất ngờ đổ xuống làm cho con đường nhỏ chạy dọc theo sườn núi dẫn vào Tập đoàn 2, xã Sơn Mùa, huyện miền núi Sơn Tây, trơn như bôi mỡ.
Tay ghì chặt tay lái, còn chân xoạt hai bên để giữ thăng bằng cho chiếc xe máy chạy đúng đường khỏi lăn xuống vực, anh Lê Ngọc Pháp, cán bộ phòng Giáo dục của huyện, trấn an: Còn dễ đi chán, chứ mưa kiểu này mà vào các xã khác thì đường khó đi hơn nhiều.
Một góc Tập đoàn 2, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, nơi có số học sinh lấy vợ, chồng sớm nhiều
Trong căn nhà sàn cũ nằm sát vách núi, chúng tôi chỉ gặp được anh chồng trẻ vừa mới đi học về, còn người vợ thì lên rẫy từ sáng sớm. Em Toái, cho biết: Đây là nhà mẹ vợ, chứ còn nhà của mình thì ở xã Sơn Tân, cách đây khoảng 20km.
Nói về chuyện tình của mình, Toái kể: Sau khi hết bậc THCS, thì lên huyện và ở trọ tại nhà một người bà con tiếp tục học ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Tại đây Toái đã quen được với Đinh Thị Thiêm, học sinh lớp 6, trường THCS Sơn Mùa, nằm gần đó. Một năm thì lấy nhau, Toái chuyển về ở chung với gia đình nhà vợ và tiếp tục đi học. Còn Thiêm thì nghỉ ở nhà làm rẫy.
Còn ở Trường THCS Ba Xa, huyện Ba Tơ, sau khi lén đưa ánh mắt liếc nhìn sang Phạm Thị Sắc ngồi sát bên, em Phạm Văn Vách, học sinh lớp 9, ngượng ngùng: Em và Vách cưới nhau được hai tháng rồi, định nghỉ học nhưng được các thầy cô đến nhà vận động nên tiếp tục trở lại trường.
Xót xa hơn là trường hợp của em Đinh Thị Bền. Khoảng 3 năm trước, khi đang là học sinh lớp 7, Trường THCS Sơn Mùa, thì Bền bị cha mẹ bắt nghỉ ở nhà để cưới chồng. Dù không muốn, thế nhưng Bền cũng không đủ can đảm để cãi lại lời cha mẹ, để tiếp tục đeo đuổi ước mơ đến trường.
Điều oái oăm của cuộc hôn nhân này là khi em vẫn chưa sinh ra đời, thì cha mẹ đã hứa gả em cho một gia đình người quen trong làng. Qua 3 năm chung sống, giờ Bền đã là mẹ của 3 đứa con nheo nhóc.
Mà đâu riêng gì Sơn Tây, tại nhiều bản làng khác, như: Gò Re, Mang Kà Rá, Nước Như, Nước Chạch, Ba Ha…, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, cũng có rất nhiều những bà mẹ trẻ tuổi 15, 16, địu con đi làm rẫy, lấy nước suối hoặc tán gẫu nơi đầu làng. Còn chồng thì đi làm rẫy hoặc đi làm thuê các vùng trong, ngoài tỉnh để kiếm tiền nuôi gia đình.
Nhìn những cặp vợ chồng trẻ con, không ai có thể biết mai mốt này cuộc sống sẽ ra sao, khi mà cả hai vẫn đang trong độ tuổi “ăn chưa no lo chưa đến”.
Chuyện bình thường ở trường miền núi
Theo tập tục của đồng bào thiểu số thì khi trai, gái quen và cả hai thấy “ưng cái bụng” là có thể đưa về gia đình sống chung với nhau, mà không gặp bất kì một sự cản trở nào của cha mẹ. Một thời gian sau nếu cảm thấy không hợp thì chia tay.
Một bà mẹ trẻ ở Ba Tơ
Còn muốn cưới nhau thì rất đơn giản. Nếu điều kiện kinh tế gia đình khá giả thì mổ lợn, trâu, bò đãi khách; còn không thì chỉ cần làm 1 con gà và mời bà con ở gần đến ăn là xong. Hoặc giả gia đình quá nghèo quá thì cứ chung sống, vài năm sau khi nào có tiền thì tổ chức cưới cũng không muộn.
Thầy Nguyễn Văn Ánh, Hiệu trưởng trường THCS Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, thẳng thắn: Năm học này, riêng trường dẫn đầu về số lượng học sinh tảo hôn ở Sơn Tây, với 16 trường hợp, trong đó lớp 9 có 8 học sinh, lớp 8 có 7 em và lớp 7 có 1 em. Và đại đa số các trường hợp tảo hôn của trường đều ở Tập đoàn 2.
Thầy Trương Công Huy, Hiệu phó trường THCS Ba Xa, huyện Ba Tơ thì lắc đầu: Với những trường hợp này, thì giáo viên chỉ còn biết cách động viên từ từ có con và tiếp tục cố gắng đến trường, để mai mốt này có cơ hội học nghề.
Thế nhưng để vận động những cặp vợ chồng trẻ con này tiếp tục đến lớp không phải là chuyện đơn giản. Phải mất nhiều tuần vượt suối, băng rừng vận động, cuối cùng các giáo viên Trường THCS Ba Xa, mới thuyết phục được đôi vợ chồng trẻ tuổi độ trăng tròn mới cưới nhau trở lại lớp tiếp tục học tập. Và có thể nói đây là cặp vợ chồng học sinh hiếm hoi tiếp tục đến trường.
Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, giáo viên chủ nhiệm lớp 9 của trường THCS Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, kể: Năm rồi, thấy 1 học sinh nữ nghỉ học lâu, nên dò hỏi thì mới biết em đó mới lấy chồng. Vì thấy em học rất khá nên đã tìm đến tận nhà để vận động em trở lại trường.
Tại đây khi chưa kịp nói dứt lời, không những bị ông chồng trẻ chửi mắng, mà còn đưa tay doạ đánh, khiến cô Vân hoảng sợ, vội vàng rút lui.
Một số khác thì vừa thấy bóng thầy, cô đến đầu bản, đã vội vàng trốn chạy, hoặc về đóng chặt cửa, mặc cho thầy cô ở ngoài gọi nói mỏi miệng, rồi đi về. Có em thì khi gặp và nghe nói liền xua tay, lắc đầu: Có chồng rồi, em không đến lớp nữa đâu.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục Sơn Tây, thì riêng trong năm học 2011-2012, số em lấy vợ, có chồng là 93 trường hợp, dẫn đầu về tình trạng tảo hôn ở miền núi của tỉnh. Tình trạng này diễn ra từ khối lớp 7-9, trong đó 2 khối 8 và 9, chiếm tỉ lệ 73,1%.
Được biết trong thời gian qua, không chỉ ngành giáo dục mà các cấp, tổ chức đoàn thể của những huyện miền núi trong tỉnh cũng đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Thế nhưng vấn nạn này chỉ giảm bớt phần nào, chứ chưa thể chấm dứt. Vì thế nạn tảo hôn ở học sinh của các trường THCS các huyện miền núi vẫn là một câu chuyện chưa có hồi kết.
Công Hoàng

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Sài Gòn lại mưa, Sài Gòn lại ngập

Sài Gòn lại mưa, Sài Gòn lại ngập
Copy từ http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/moi-truong/20150919/sai-gon-lai-mua-sai-gon-lai-ngap/971991.html ,đăng ngày 19/09/15, mục Chính trị-Xã hội > Môi trường.
Chiều 19-9-15, cơn mưa như trút nước hơn 1 giờ làm nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM bị ngập sâu trong nước, người dân lại vất vả bì bõm dắt xe trong nước ngập.
Nước ngập trên đường Lê Đức Thọ đoạn gần UBND P.13, Gò Vấp bị ngập sâu sau trận mưa chiều tối 19-9 - Ảnh: Q.Khải
Hàng loạt các tuyến đường trên địa bàn quận Gò Vấp như: Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ, Cây Trâm... bị ngập sâu gần nửa bánh xe khiến hàng loạt xe bị chết máy.
Nhiều người chạy xe không dám chạy qua đoạn đường nước ngập đành ngồi chờ nước rút, khiến giao thông tại đầu các điểm ngập hỗn loạn.
Hàng loạt các điểm sửa xe quanh khu vực ngập nước sửa xe không ngơi tay.
Tại đường An Dương Vương, Tân Hòa Đông, Q.6, nước ngập tới đầu gối khiến hàng loạt xe bị chết máy, nhiều người bị té ngã do vấp ổ gà. Hàng loạt tuyến đường khác khu vực quận 10 như: Hàn Hải Nguyên, 3 tháng 2...cũng bị ngập nước, kẹt xe kéo dài hàng trăm mét trên đường 3-2.
Trong khi đó, khu “rốn ngập” Ấp Chiến Lược, Đất Mới... tiếp tục bị ngập trên diện rộng, nước tràn vào nhà người dân hai bên đường, giao thông gần như bị tê liệt.
Tuyến đường Kinh Dương Vương (P. An Lạc, Q. Bình Tân) ngập nửa bánh xe. Người dân sống trong đoạn đường ngập chịu thêm cảnh mất điện phải thắp nến ăn cơm.
Trên đường Ba Tháng Hai đoạn từ vòng xoay Dân Chủ đến cầu vượt mưa ngập tràn đường, xe cộ ùn ứ nhích từng chút một.
Người dân sống trong đoạn đường ngập không buôn bán được lại phải khổ sở vì mất điện. Một số người móc rác gây nghẹt cống để nước rút nhanh.
Một người bán bánh mì chạy xe qua đoạn đường ngập ở Q. Bình Tân - Ảnh: Thanh Tùng
Nước ngập hơn nửa bánh xe máy, phương tiện di chuyển khó khăn trên đường Kinh Dương Vương, P. An Lạc, Q. Bình Tân - Ảnh: Thanh Tùng
Một thanh niên đẩy xe chết máy giữa mênh mông biển nước trên đường An Dương Vương, Q.6 - Ảnh Đức Phú
Người dân bịt mũi lội bì bõm dưới làn nước ngập hôi thối ở đường An Dương Vương, Q.6 tối 19-9 - Ảnh: Đức Phú
Q.Khải – Đ.Phú - Thanh Tùng

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Kẹt xe triền miên - Thách thức lớn của TPHCM

Kẹt xe triền miên - Thách thức lớn của TPHCM
Bài 2: Lực cản… thể chế
Copy từ http://www.sggp.org.vn/kinhte/2015/9/396587/ ,đăng ngày 18/09/15, mục Kinh tế.
Trong khi nhiều giải pháp khắc phục nạn kẹt xe đô thị đã được triển khai nhưng luôn gặp vướng mắc, phải bỏ dở nửa chừng, thì một thể chế hữu hiệu để giải quyết lại chưa có. Không phải ngẫu nhiên mà TPHCM muốn xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm phát triển của mình.
Quy định… lạc hậu
Như đã đề cập ở bài 1, việc lập lại trật tự lòng lề đường, trả lại vỉa hè cho người đi bộ đã được TPHCM triển khai liên tục, thường xuyên. Thậm chí trong một quyết tâm rất cao, lãnh đạo thành phố còn yêu cầu và lãnh đạo các quận, huyện đã ký cam kết, đảm bảo trật tự lòng lề đường. Thế nhưng, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường vẫn diễn ra ngang nhiên, công khai và chưa thấy lãnh đạo quận, huyện nào bị kỷ luật vì việc này. Nói cho công bằng, nhìn ở chiều ngược lại, nhiều điều kiện để lãnh đạo các quận, huyện thực hiện cam kết lại thiếu, thậm chí không có. Thiếu nhân sự để thực thi nhiệm vụ là một ví dụ, nhưng làm gì để giải quyết bất cập ấy thì chưa thấy được bàn bạc thấu đáo. Ai phải chịu trách nhiệm trong vấn đề này, không rõ! Một chuyên gia quy hoạch xin được phép giấu tên nhận xét, đây là một trong những minh chứng về sự lạc hậu của thể chế, của mô hình quản lý đô thị hiện hữu so với thực tế đang diễn ra ở TPHCM.
Còn một sự lạc hậu không thể không kể đến: mức phạt cho hành vi lấn chiếm lòng lề đường chưa đủ sức răn đe, chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng. So với mức thu nhập trung bình của nhiều hộ kinh doanh nhà mặt tiền ở TPHCM, đây là số tiền... nhỏ. Theo một chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nếu không kinh doanh mà chỉ cho thuê mặt bằng, các hộ có nhà mặt tiền ở khu vực trung tâm có thể thu được vài chục triệu đồng/tháng. Ở khu vực ngoại vi, giá thuê nhà mặt tiền đường để kinh doanh thấp hơn nhưng cũng phải trên 10 triệu đồng/tháng. Nếu được tự chủ hơn trong việc đề ra các quy định về quản lý đô thị phù hợp hơn với thành phố, ví dụ, phạt một lần kinh doanh lấn ra vỉa hè hoặc lòng đường 100 triệu đồng thì tình trạng lấn chiếm lòng lề đường ở TPHCM đã được cải thiện - vị chuyên gia nêu trên nói.
Dự án nút giao thông Mỹ Thủy được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông Ảnh: Cao Thăng - See more at: http://www.sggp.org.vn/kinhte/2015/9/396587/#sthash.AcUXtsKz.dpuf
Công ty Xe khách Thành Bưởi mở điểm đón trả khách liên tỉnh ngay cạnh trụ sở của Thanh tra Giao thông TPHCM trong một thời gian rất dài. Trung bình mỗi ngày có gần chục xe khách loại lớn của Thành Bưởi hoạt động ở đây. Thế nhưng, không hiểu sao lực lượng Thanh tra Giao thông lại không xử lý hành vi này của Thành Bưởi và càng không hiểu hơn nữa, tại sao sự tắc trách của Thanh tra Giao thông lại không bị xử lý? Trong công tác lập lại trật tự hoạt động vận tải, lãnh đạo thành phố cũng đã nhiều lần chỉ đạo các quận, huyện, nơi có “bến cóc, xe dù” phải xử lý nghiêm, nhưng hàng chục năm đã trôi qua với rất nhiều chỉ đạo, “xe dù, bến cóc” vẫn tồn tại. Một lần nữa, mô hình quản lý đô thị không phù hợp, lạc hậu với sự phát triển của thành phố, không chỉ ra được trách nhiệm cụ thể của cán bộ… được nhiều chuyên gia cho là nguyên nhân chính của tình trạng này.
Thiếu quyền tự chủ
Dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy nhằm hoàn thiện hệ thống đường Vành đai 2 đang được TPHCM trình xin ý kiến lãnh đạo các bộ ngành trung ương. Lý do để TPHCM phải xin ý kiến trung ương là vì dự án này dự kiến được xây dựng với hình thức khá mới: nhà thầu ứng vốn thi công, ngân sách nhà nước trả chậm. TPHCM cũng đang thực hiện một dự án xây dựng khác bằng hình thức trên: cầu Rạch Chiếc nằm trên đường nối cầu Phú Mỹ với xa lộ Hà Nội. Mặc dù đã có tiền lệ và nút giao thông Mỹ Thủy cũng không phải là một dự án giao thông có quy mô lớn, thế nhưng, TPHCM vẫn phải xin ý kiến của trung ương.
Để có thể tạo dựng được phong trào đầu tư xe buýt sử dụng khí CNG trên địa bàn, TPHCM đã phải có nhiều văn bản xin ý kiến, xin sự hỗ trợ của các bộ ngành trung ương. Thống nhất quản lý trên toàn quốc là việc đúng đắn, nhưng với một trung tâm kinh tế lớn như TPHCM, nơi các cơ hội đi qua rất nhanh, từng việc, từng dự án cụ thể mang tính chất nội bộ phải “chạy” ra xin phép các bộ ngành, trong rất nhiều trường hợp đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thành phố.
Một vấn đề quan trọng nữa không thể không nhắc đến như là một trong những khó khăn rất lớn đối với TPHCM trong quá trình phát triển bền vững, chống ùn tắc giao thông và xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại, đó là tỷ lệ thu ngân sách được để lại cho TPHCM quá ít. Nói như ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình giảng dạy Fulbright thuộc Đại học Kinh tế TPHCM, thay vì được dành nhiều nguồn lực để phát huy tiềm năng và lợi thế để có thể cạnh tranh quốc tế, TPHCM đang bị vắt kiệt. Trong khoảng 2 thập niên trở lại đây, cho dù đã tạo ra gần 20% GDP và gần 30% ngân sách quốc gia, nhưng TPHCM chỉ được giữ lại chưa đến 25% nguồn thu.
Những năm gần đây, bên cạnh những nỗ lực của TPHCM giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đầu tư xây dựng mạng lưới vận tải công cộng, thì một yếu tố không nhỏ, góp phần làm giảm ùn tắc giao thông, tạo điều kiện cho xe buýt lưu thông là do… khủng hoảng kinh tế. Nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa giảm và quan trọng hơn là lượng người nhập cư vào thành phố giảm… Hiện nay, khi kinh tế thành phố tăng trưởng trở lại, TPHCM lại phải đối mặt với các thử thách lớn về ùn tắc giao thông và suy giảm hoạt động của xe buýt. Nạn kẹt xe đang trở lại thường xuyên và ở khắp các cửa ngõ. Một cơ chế phù hợp và một nguồn lực đủ mạnh để phát triển bền vững, là điều rất cần thiết cho TPHCM trong lúc này.
Xem bài 1: Đi tìm nguyên nhân , tại đây  . 
Nguyễn Khoa

TPHCM thay 25 cống nơi ' mưa là ngập'

TPHCM thay 25 cống nơi ' mưa là ngập'
Copy từ http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/tp-hcm-thay-25-cong-o-noi-mua-la-ngap-3281367.html , đăng ngày 18/09/15 , mục Thời sự.
Tại khu vực ngập nhiều ngày sau mưa, thành phố cho thay 25 cống tiết diện nhỏ bằng cầu bản để thoát nước ra kênh.
UBND TP HCM vừa chấp nhận cho quận Bình Tân thay thế 25 cống thoát nước đầu các con hẻm tại đường Ấp Chiến Lược bằng cầu bản nhằm đảm bảo nhu cầu thoát nước ra kênh Liên Xã - rạch Ông Búp.
Đối với 11 vị trí cống vào nhà dân bị lún, sụp, không đảm bảo thoát nước, cơ quan chức năng sẽ vận động các hộ dân đóng góp kinh phí để thực hiện việc tháo dỡ, thay thế bằng cầu bản.
Hai ngày sau mưa, người dân tại đường Ấp Chiến Lược vẫn phải tát nước khỏi nhà. Ảnh: H.P
Ông Đỗ Tấn Long - Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP HCM - cho biết, tình trạng ngập nặng xảy ra ở một số nơi như đường Ấp Chiến Lược do người dân tự ý thả cống nhỏ, làm tắc nghẽn đường thoát nước.
"Tuyến kênh Liên Xã – Ông Búp đã bị lấn chiếm khiến dòng chảy bị thu hẹp", ông Long nói.
Sau các cơn mưa lớn gần đây, khu vực đường Ấp Chiến Lược thường xuyên bị ngập nhiều ngày khiến sinh hoạt người dân bị đảo lộn. Nhiều người phải dùng máy bơm nước để cứu đồ đạc, ăn cơm phải đứng trên ghế, giường tránh nước.
Trước đó, chiều 15/9/15, trận mưa lớn nhất từ đầu năm khiến TP HCM ngập sâu từ 0,5-1 m tại 66 điểm khiến hàng triệu phương tiện kẹt cứng trên đường về nhà. Theo đánh giá của Trung tâm chống ngập nước, do lượng mưa lớn, cống thoát nhỏ, nước mưa không thoát kịp khiến ngập úng diễn ra nhiều nơi.
Sơn Hòa

Xà lan ba trăm tấn “đả thương” cầu sắt

Xà lan ba trăm tấn “đả thương” cầu sắt
Copy từ http://www.tienphong.vn/xa-hoi/xa-lan-ba-tram-tan-da-thuong-cau-sat-910822.tpo,đăng 18/09/15, mục Xã hội.
Chiếc xà lan tải trọng trên 350 tấn lưu thông qua cầu sắt đã va chạm khiến một phần cầu bị hư hỏng, cơ quan chức năng phải phong tỏa tuyến đường qua cây cầu này để sửa chữa.
Cây cầu Long Kiển bị sà lan tông hư hỏng.
Theo đó, khoảng gần 6h sáng nay, chiếc sà lan trọng tải 359 tấn chở đầy cát lưu thông trên sông Long Kiểng, huyện Nhà Bè, TPHCM.
Khi qua cầu Long Kiển thì bị mắc kẹt vào thành cầu. Tuy nhiên, tài công cố tình cho sà lan vượt qua khiến phần cabin bị bung xuống sông, một số bộ phận của cây cầu bị hư hỏng.
Chiếc xà lan thoát ra khỏi cây cầu được một đoạn thì dừng lại. Thời điểm này, trên cầu có một số người điều khiển xe máy chạy qua ngã xe và bị thương.
“Xà lan bị vướng vào thành cầu không lùi được nên tài công đã cố cho nó vượt qua khiến cây cầu bị rung lắc rất mạnh, người đi xe máy phía trên ngã nháo nhào”, một nhân chứng cho biết.
Cơ quan liên ngành điều tra khắc phục sự cố.
Lực lượng chức năng có mặt sau đó mời tài công về công an làm việc. Chiếc xà lan gây sự cố mang số hiệu VL - 0522 do tài công Mai Văn Hận (SN 1979, quê tỉnh Trà Vinh) điều khiển.
Đến 12h trưa, lực lượng chức năng vẫn đang phong tỏa hai bên đầu cầu để khắc phục sự cố. Cây cầu bị xà lan tông làm hư hỏng 3 thanh giằng dài 6m, 9 gối cầu nhịp thông thuyền bị lệch một bộ giằng gió bị đứt.
Đông Sơn

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Xem ảnh trên flickr.com


Xem ảnh trên flickr.com
IMG0059A
Năm 1969 khi vừa có bằng Tú Tài 1, tôi mơ được vào học trường Hàng Hải trong Trung Tâm Kỷ Thuật Phú Thọ (lúc đó chưa là Đại học), nhưng... Nay chợt gặp ảnh này, bồi hồi quá.
castaway
Ôi, giấc mơ xưa, mộng đời phiêu lảng giang hồ.
Gần đây , tình cờ xem clip ca nhạc (Accordion): https://www.youtube.com/watch?v=5JGgy-FXjf8 , hình ảnh thủy thủ đoàn và biển mênh mông vẫn hừng hực trong lòng ( lúc 0:52, lúc 1:34/ 13:38)
Direction
Lake George, Adirondacks, NY. - Những chân trời xa kêu gọi tâm hồn tôi.
IMG0059AIMG0059A

Hoa Phù Dung ở Thiền viện Trúc Lâm - Đà Lạt, 14-07-2011.

Cơm áo- gạo tiền - đâu phải những thứ lăng nhăng muốn quên lúc nào thì cứ quên?
Từ ngày tóc còn xanh, mắt còn trong...
tunho_dungsu_nien
Tú nhỏ, Dũng Sử, Niên.
Lá vàng yên ngủ trong những lúc vắng lặng hiếm hoi!
dv_niên

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

Xem ảnh trên flickr.com

Xem ảnh trên flickr.com
dvnien
Năm 1969 khi vừa có bằng Tú Tài 1, tôi mơ được vào học trường Hàng Hải trong Trung Tâm Kỷ Thuật Phú Thọ (lúc đó chưa là Đại học), nhưng... Nay chợt gặp ảnh này, bồi hồi quá.
castaway
Ôi, giấc mơ xưa, mộng đời phiêu lảng giang hồ.
Direction
Lake George, Adirondacks, NY. - Những chân trời xa kêu gọi tâm hồn tôi.
Cơm áo- gạo tiền - đâu phải những thứ lăng nhăng muốn quên lúc nào thì cứ quên?
Từ ngày tóc còn xanh, mắt còn trong...
tunho_dungsu_nien
Tú nhỏ, Dũng Sử, Niên.
Lá vàng yên ngủ trong những lúc vắng lặng hiếm hoi!
dv_niên

Tin mới nhất về bão số 3: Quảng Bình cấm người dân ra sông vớt củi

Tin mới nhất về bão số 3: Quảng Bình cấm người dân ra sông vớt củi
Copy từ http://www.nguoiduatin.vn/tin-moi-nhat-ve-bao-so-3-quang-binh-cam-nguoi-dan-ra-song-vot-cui-a206225.html ,đăng ngày 14.09.2015 , mục Thời sự > Tin nhanh.
Do ảnh hưởng của bão số 3, tính đến thời điểm 16h ngày 14/9, tại tỉnh Quảng Bình đã xuất hiện mưa và gió bắt đầu thổi. Ban Phòng chống lụt bão tỉnh đã có công điện khẩn gửi đến các huyện, thị...
Theo ghi nhận, ngay từ sáng sớm, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, những cơn mưa đã bắt đầu xuất hiện. Sau khi nghe tin tâm bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, ảnh hưởng đến các tỉnh lân cận, người dân tại TP Đồng Hới đã bắt đầu có các biện pháp dự phòng
Tin nhanh được biết, lượng mưa đo được vào sáng nay tại TP Đồng Hới là khoảng 150 - 200ml. Do những cơn mưa diễn ra trong thời gian ngắn nên về cơ bản vẫn chưa ảnh hưởng gì đến sản xuất cũng như đời sống của người dân.
Từ sáng sớm, TP Đồng Hới đã xuất hiện mưa và gió, tuy nhiên vẫn chưa ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Ông Nguyễn Ngọc Phụng, Trưởng ban Phòng chống bão lụt tỉnh Quảng Bình cho biết: Mặc dù đến lúc này lượng mưa đo được là 150 – 200ml, nhưng cơ bản vẫn chưa gây ra lũ lớn ở Quảng Bình. Do thời gian vừa qua, Quảng Bình nằm trong vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán nên những cơn mưa lớn xuất hiện từ sáng sớm cho đến bây giờ mới chỉ hấpthu vào các sông hồ khô cạn. Hiện, mực nước ở các con sông trên địa bàn vẫn còn khá thấp.
Tuy nhiên, theo ông Phụng, mọi công tác phòng chống bão lụt của tỉnh Quảng Bình đã được hoàn tất từ cuối tháng 7, việc địa phương có phải là tâm bão hay không thì chúng tôi đã luôn trong tư thế sẵn sàng. Sau khi nghe thông báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương về cơn bão số 3 sẽ đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, ngày 11/ 9 , Ban phòng chống bão lụt tỉnh đã gửi công điện khẩn đến các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban ngành. Đồng thời, tuyên truyền về tận xã, phường, thị trấn để người dân có được những chuẩn bị sớm nhất nhằm đối phó nếu thời tiết diễn biến xấu.

Để đối phó với những diễn biến xếu có thể xảy ra, Ban phòng chống bão lụt tỉnh Quảng Bình đã gửi công điện khẩn đến các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban ngành
Công điện khẩn yêu cầu, trước mắt, người dân khẩn trương thu hoạch nông nghiệp, thủy sản đề phòng hoàn lưu không khí bão gây mưa lớn. Nghiêm cấm người dân ra sông trục vớt củi, gỗ khi nước trên thượng nguồn đổ về, đồng thời yêu cầu chính quyền những nơi có các các con sông lớn chảy qua phân công người canh gác đề phòng người dân lén đi vớt củi, gỗ.
Rút kinh nghiệm của nhiều năm trước, thiệt hại về người không phải do bão mà thường ảnh hưởng của hoàn lưu không khí bão khi người dân liều mình đi vớt gỗ, mặc cảnh báo của chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, yêu cầu các địa phương cắt cử người trực ban 24/24 nhằm báo cáo tình hình bão lũ về Ban phòng chống lụt bão tỉnh một cách sớm nhất.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình tổng hợp trong bản tin ngày 15/09/15 trong mục Thời sự - Chính trị: các đầu tin liên quan bão số 3:
(Tuổi Trẻ Online 15/9, tác giả T.Phùng; Doanhnghiepvn.vn 15/9, tác giả Dã Quỳ; Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh Online 15/9, tác giả Lê Phi / Giadinhvn.vn 15/9, tác giả An Nguyên; Kienthuc.net.vn 15/9, tác giả Hồng Liên; Nguoiduatin.vn 15/9, tác giả Linh Chi/ Lao Động Online 15/9, tác giả Nhiệt Băng – Hữu Long; VietQ.vn 15/9, tác giả Trần Hoài; Đại Đoàn Kết Online 15/9, tác giả Tấn Thành/ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Online 15/9, tác giả Văn Nam; Thanh Niên Online 15/9, tác giả Nguyễn Tú; Báo Chính Phủ Điện Tử15/9, tác giả Đỗ Hương/ Tin Tức Online 15/9, tác giả Văn Hào; TTXVN 15/9; Hải Quan Online 15/9, tác giả Thanh Nguyễn / News.zing.vn 15/9, tác giả Khánh An; Giao Thông Online 15/9, tác giả V.T; VOVNews 15/9, tác giả Minh Long/ Petrotimes.vn 15/9, tác giả N.Linh; Nhân Dân Online 15/9, tác giả Hương Giang; Khampha.vn 15/9, tác giả Hà Anh/ VietnamPlus.vn 15/9, tác giả Minh Nguyệt; Nông Thôn Ngày Nay 15/9, tác giả Phúc Nguyên; VnMedia.vn 15/9, tác giả Tuệ Khanh/ Pháp Luật Việt Nam 15/9, tr4, tác giả Vân Anh; An Ninh Thủ Đô 15/9, tr6, tác giả nhóm PV; Tin Tức 15/9, tr, tác giả P.V/ Tiền Phong 15/9, tr4; Quân Đội Nhân Dân 15/9, tr4; Đại Đoàn Kết 15/9, tr9, tác giả Xuân Thi / Người Lao Động 15/9, tr4, tác giả nhóm phóng viên; Sài Gòn Giải Phóng 15/9, tác giả nhóm PV; Thanh Niên 15/9, tr3, tác giả Thanh Niên).
Xuân Hương

Sài Gòn rối loạn trong cơn mưa lớn nhất năm

Sài Gòn rối loạn trong cơn mưa lớn nhất năm
Copy từ http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/sai-gon-roi-loan-trong-con-mua-lon-nhat-nam-3279810.html ,đăng ngày 15/09/15, mục Thời sự.
Hàng nghìn ôtô xếp hàng dài; người đi xe máy ngâm mình, nhích từng chút trên những con đường ngập sâu bởi cơn mưa có vũ lượng 131 mm.
Hàng nghìn phương tiện chen lấn, đứng chôn chân dưới mưa. Ảnh: Duy Trần
Chiều 15/9/15, cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ ngay lúc tan tầm khiến hàng loạt tuyến đường ở TP HCM ngập, kẹt cứng. Các xe chen lấn, nhích từng chút một hoặc chôn chân dưới đường trong cơn mưa nặng hạt.
Tại nút giao thông Điện Biên Phủ - D1 (quận Bình Thạnh), hàng nghìn phương tiện cố chen lấn tìm đường thoát giữa biển người. Ôtô kẹt dài gần 5 km từ cầu Điện Biên Phủ (Bình Thạnh) đến cầu Rạch Chiếc (quận 9). Các phương tiện thi nhau bóp còi, cả khu vực hỗn loạn.
Tại con đường "cứ mưa là ngập" Nguyễn Hữu Cảnh, tình trạng tồi tệ hơn. Dòng xe máy, ôtô cũng chôn chân dưới biển nước ngập đến bánh xe, kéo dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Thủ Thiêm. Hàng loạt xe chết máy phải bì bõm đẩy bộ trong dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối. "Nhìn cảnh này giống chạy lũ quá", một người dân lắc đầu nói.
Đến 18h, mưa lớn hơn, nước dâng cao cả mét khiến nhiều người không thể dắt xe. Nhiều thanh niên tranh thủ làm dịch vụ đẩy xe máy, ôtô qua đoạn đường ngập với giá vài chục đến trăm nghìn đồng.
"Chở một khách từ quận 1 qua quận 2 tiền của khách thì chưa lấy được, xe lại bị chết máy như thế này. Ngày hôm nay lỗ vốn rồi", một tài xế taxi nói.
Đẩy xe qua đoạn đường hơn một km đến trường đón con, chị Thu Trang (đường D2, quận Bình Thạnh) cho biết chưa bao giờ gặp cảnh ngập như thế này từ khi sống ở Sài Gòn. "Xe chết máy, nước ngập sâu, mình là phụ nữ, đẩy xe không nổi. Dòng người thì kẹt cứng, không biết làm sao về nhà", chị này nói.
Một quán cafe đường D1 khách phải ngồi trên ghế tránh nước. Ảnh: D.T
Trong các con hẻm dọc tuyến đường này, nhiều người dùng ván ngăn dòng nước tràn vào nhà nhưng lượng nước ngày một dâng cao khiến họ cũng bất lực. Một số khác cố tát nước ra chống ngập, kê vội đồ đạc trong nhà. Các hàng quán dọc theo các tuyến đường ngập sâu, khách phải đứng lên ghế.
Dắt xe lên vỉa hẻ đứng thở dốc, chị Huỳnh Yến (quận Gò Vấp) nói, mưa không thấy đường, nước ngập khắp nơi, người thì chen lấn nên chị đi không nổi. "Trời ơi, mưa to từ lúc rời công ty, chạy hơn tiếng mà chưa được một phần tư đường về nhà. Mọi người đang bơi đấy chứ", chị Yến chia sẻ.
Còn anh Duy Quang (quận Phú Nhuận) thì gọi đây là "buổi tối khủng khiếp". Nước khắp mọi con đường, ngõ hẻm. Trên đường anh về gần trăm chiếc xe tắt máy dắt bộ, xe buýt chạy qua tạo sóng xô nhiều xe máy ngã nhào. "Đường thì ngập, xe kẹt cứng ngắc. Năm nay biến đổi khí hậu hay sao ấy, chán quá", anh này nói.
Nhiều người bì bõm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Hải Hiếu
Gần 21h, dòng xe vẫn còn kẹt cứng trên đường Điện Biên Phủ, hàng trăm người tấp xe vào lề, đứng co ro dưới mưa chờ dòng xe thưa bớt tìm đường về nhà. Các tiệm sửa xe tấp nập người dắt xe ra vào.
Mắt mệt mỏi, tay run run sửa hết xe này đến xe khác, ông Huy, chủ tiệm sửa xe đường D1 (Bình Thạnh) cho biết chỉ trong vài giờ ông sửa gần trăm xe. "Tất cả đều ướt bugi, đề, đạp không nổ. Tôi thở không ra hơi, cũng chưa ăn gì nữa", ông này nói. Ngoài cửa tiệm, ông vẫn còn rất nhiều khách đang chờ đợi.
Trong khi đó, nhiều khu vực khác như Phú Nhuận, quận 2, Gò Vấp, quận 7, Nhà Bè... cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Trao đổi với VnExpress, đại diện Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết cơn mưa xảy ra trên diện rộng, khắp địa bàn TP HCM. Tại 10 điểm đo mưa của đài đều ghi nhận có mưa vừa đến mưa lớn. Trong đó, tại trạm Mạc Đĩnh Chi lượng mưa đo được hơn 105 mm, tại Nhà Bè 131 mm, Hóc Môn 66 mm, quận 2 là gần 76 mm, Thủ Đức là 112 mm...
"Đây là cơn mưa có vũ lượng lớn nhất tại TP HCM từ đầu năm đến nay", đại diện Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ nói. Nguyên nhân do dải hội tụ nhiệt đới vắt ngang khu vực Trung bộ, kết hợp với gió mùa Tây Nam ở Nam Bộ đang hoạt động mạnh.
Theo dự báo của cơ quan này, ngày 16/9/15 thời tiết tại TP HCM tiếp tục xấu, có mưa và mưa lớn kèm giông. Trong cơn giông đề phòng có sấm sét, gió giật mạnh và lốc xoáy.

Sài Gòn thành sông, triệu người lội nước về nhà

Sài Gòn thành sông, triệu người lội nước về nhà
Copy từ http://news.zing.vn/Sai-Gon-thanh-song-trieu-nguoi-loi-nuoc-ve-nha-post580132.html ,đăng ngày 15/09/15 , mục Xã hội.
Cơn mưa lớn chiều và tối 15/9/15 đã khiến nhiều khu vực ở TP HCM ngập sâu, giao thông gần như tê liệt vào đúng giờ tan tầm.
Cơn mưa trắng trời chiều 15/9/15 đã khiến hàng loạt tuyến đường tại TP HCM ngập nặng. Đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập sâu 1 mét; đường Kinh Dương Vương sóng nước đánh ngã nhiều xe; cầu vượt Hàng Xanh ùn ứ hàng km.
Ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) kẹt xe dài hàng km. Ảnh: Hải An
Dòng người và xe không thể nhúc nhích. Ảnh: Hải An
Trên đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) nước ngập lút bánh xe. Nhiều người không dám đi qua đoạn đường này vì sợ sụp ổ gà. Trong ảnh dưới đây: Người dân cắm cờ cảnh báo các phương tiện lưu thông. Ảnh: Lê Quân
Thời điểm mưa ngập, nhiều khách tới dự đám cưới của một nhà hàng nằm ở đường Nguyễn Văn Quá phải bì bõm lội nước. Nhà hàng phải bắt cầu bằng tấm ván cho khách vào. Ảnh: Lê Quân.
Lúc 22:35 ngày 15/09/2015 Nhiều tuyến đường ở thủ đô và TPHCM lâm vào cảnh ùn tắc hàng km do ảnh hưởng của cơn mưa lớn vào giờ tan tầm.
Các phương tiện nhích từng nửa mét tại đường Trường Chinh, quốc lộ 22, quốc lộ 1A khu vực ngã tư An Sương.
Đường song hành QL22, quận 12 không thoát nước kịp do mưa quá lớn.
Nhiều tuyến đường như Nguyễn Văn Quá, song hành QL22, Phạm Văn Bạch, quốc lộ 1 A, Phan Huy Ích mênh mông nước. Nhiều người đi làm về không dám qua đoạn ngập dài gần 500 m trên đường Nguyễn Văn Quá.
Xe Phương Trang chạy nhanh qua đường ngập tạo thành đợt sóng lớn đánh ngã các xe máy di chuyển trên đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân). Ảnh: Tuổi Trẻ
Theo báo Tuổi Trẻ, Đường Nguyễn Hữu Cảnh từ chân cầu Sài Gòn cho tới cầu Thủ Thiêm ngập sâu trong nước. Theo ước chừng của phóng viên thì mức nước cao khoảng 1m tính từ mặt đường. Nhiều xe máy ngập đến yên xe khi đi vào mép đường.
Cảnh kẹt xe cục bộ cũng diễn ra trên con đường này do người dân đứng ở hai đầu điểm ngập để chờ nước rút và sửa xe. Nhiều ôtô và xe máy chết máy được người dân giúp đưa ra khỏi điểm ngập.
Theo Tuổi Trẻ và news.zing.vn