Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui-5

Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui-5
Copy từ http://diendan.nuocnga.net/archive/index.php/t-3071.html; phần của bạn Siren, đăng ngày 30-06 và 01-07-2010, mục Nước Nga trong tôi > Văn hóa Xô viết và Nga > Văn học.
Lời giới thiệu
"Những bức thư không gửi" là cuốn truyện của nhà văn Xô viết Tác-ta A-đen Cu-tui. Ông sinh năm 1903. Từ ngày còn ngồi trên ghế trường trung học, ông đã tham gia nhóm văn học do nhà văn Xô viết Nga nổi tiếng I. Nê-vê-rốp lãnh đạo. Từ đấy ông đã bắt đầu sáng tác thơ ca và học tập được rất nhiều ở Mai-a-cốp-xki.
A đen Cu-tui làm rất nhiều thơ, ngụ ngôn, viết khá nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết.
"Những bức thư không gửi" là một trong những tác phẩm thành công và có giá trị nhất của ông. Nó đã được tái bản nhiều lần, được dịch sang tiếng Nga và một vài thứ tiếng khác như tiếng Pháp và tiếng Trung quốc.
Tác phẩm này được dịch từ bản tiếng Nga xuất bản năm 1955, do Victor Va-giơ-đa-ép dịch từ nguyên văn tiếng Tác-ta và cuốn "Những bức thư không gửi" ấn phẩm tiếng Việt được xuất bản với sự hợp tác giữa Hội nhà báo Bình Trị Thiên và Nhà xuất bản Thanh niên năm 1987, do dịch giả Trọng Thanh dịch.
Có một truyện ngắn có tên tương tự: "Những bức thư không gửi", tác giả là Валерий Осипов (Valeri Oxipov), được in trong 1 tập truyện ngắn cùng tên, do nhà xuất bản Lao Động in vào năm 1987, dịch giả Đoàn Tử Huyến. Do đó với tác phẩm này, tôi bạo gan đổi thành: Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui. Trên blog này, tôi chia truyện thành 10 phần, đây là phần thứ 5.
Kính mời các bạn vào xem phần 5.
flower-row
Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui-5
Tập “ Nhật ký gia đình ” của chúng ta bắt đầu từ đấy, nhưng anh chỉ ngó đến có một lần.
Trong những năm danh từ “ tiểu tư sản ” bị coi là kiểu cách, các điệu nhảy , dầu thơm, những bông hoa,chiếc áo đẹp, cái cờ-ra-vát, v.v... tất cả những cái đó là “ tiểu tư sản ”, anh cũng gọi tập nhật ký của tôi là “ tiểu tư sản ”. Trong đó anh viết :
Ga-li-a
Anh không tán thành việc em làm.Tập nhật ký gia đình hoàn toàn là tiểu tư sản. Em phải biết rằng xây dựng gia đình không phải bằng nhật ký. Tốt hơn hết là huỷ bỏ nó đi, càng sớm càng hay. Ai trông thấy tập nhật ký này họ sẽ cười chúng ta. Muốn xây dựng một gia đình kiểu mẫu cũng chẳng khó khăn gì. Em hãy tìm hiểu tính tình của anh, yêu anh, quan tâm đến những ý muốn của anh và giúp anh mọi việc. Thế thôi, thế là đủ lắm rồi.
I-SKEN-ĐE
Rất tiếc rằng không một lần nào anh nhìn đến tập nhật ký nữa. Trong đó tôi đã trả lời anh :
Anh nhầm rồi, anh I-sken-đe, nhật ký không phải tiểu tư sản. Chẳng qua chỉ vì anh lo sợ : “ Họ sẽ cười chúng ta ”. Thật là buồn cười ! Em cứ tưởng anh là con người phức tạp, khó hiểu, nhưng thực ra anh đơn giản quá. “ Hãy tìm hiểu tính tình của anh ... hãy quan tâm đến những ý muốn của anh ...”. Anh, cho anh , của anh. Tại sao cái gì cũng nói đến anh ? Tìm hiểu nhau, giúp đỡ nhau tiến bộ chẳng tốt hơn ư ? Nghĩ như anh viết, có khác gì nói : “ Em hãy phục tùng anh, hãy là nô lệ của anh ! ”Những ý nghĩ đó cũ lắm rồi. Không lẽ em đã hiểu lầm anh ?
GA-LI-A
Vâng, tôi đã hiểu lầm anh.
Chúng tôi đã không hiểu đầy đủ và sâu sắc về tư tưởng và tình cảm của nhau. Không nghĩ rằng những tình cảm ấy có thể là nền tảng cho gia đình không. Muốn xây dựng gia đình Xô-viết không chỉ cần xem xét tương quan vật chất mà cả tương quan tư tưởng nữa. Thiếu một trong hai tương quan đó, hạnh phúc gia đình sẽ dần dần tan vỡ, sẽ sinh ra những cuộc cãi lộn. Cha mẹ ruồng bỏ con cái. Những người mà trước đây yêu quý nhau nhất mực thì rồi sẽ thành những kẻ xa lạ, thù hằn nhau.
Chính những điều đó đã xảy ra trong gia đình ta. Cái bề ngoài của chúng ta đã lôi cuốn, hấp dẫn, làm cho chúng ta say mê nhau. Chúng ta “yêu nhau” , lấy nhau, mà không nghĩ rằng cái thế giới bên trong của chúng ta có hợp với nhau không. Từ những ngày đầu anh đã thể hiện những quan về người vợ, về tình yêu, về cuộc sống. Tất cả những sai lầm đó biểu lộ trong thái độ của anh, qua những sinh hoạt hàng ngày.
Được ít lâu tôi có mang. Cái thai là nguyên nhân cuộc xung đột lớn thứ hai.
Lúc đầu, anh giữ bộ mặt lạnh lùng, chua chát. Suốt hai ba ngày anh chẳng nói, chẳng rằng. Nhưng sau, anh bỗng ngọt ngào, âu yếm. Anh bảo, anh yêu tôi...Thái độ ấy có lẽ chỉ hợp với sân khấu, còn trong đời sống thì xấu xa vô cùng. Tôi biết anh muốn gì. Anh muốn tôi phá thai. Anh dỗ ngon, dỗ ngọt tôi nhiều lần, nhưng vô ích.Tức thì anh đổi giọng :
- Chúng ta hãy còn trẻ. Cô cần phải học, phải tốt nghiệp đại học. Tôi là nghệ sĩ, con người của lao động sáng tạo. Đối với cả hai chúng ta, con cái là gánh nặng. Nó sẽ trói buộc chân tay chúng ta. Nếu cô yêu tôi, nếu cô muốn cùng tôi chung sống, thì đừng có sinh đẻ. Tôi không ưa trẻ con.
Tôi cương quyết từ chối phá thai. Tôi không bao giờ hiểu được rằng người ta sẽ tìm thấy vui thú gì trong những gia đình không có con cái.
Có nhiều người đàn bà vì không muốn bận bịu đến con cái, muốn sống yên thân, sống ích kỷ trong thú vui chóng tàn của tuổi trẻ, họ đã phá thai, làm hại sức khoẻ, huỷ hoại đời mình.
Những ngày nghỉ, trong khi người ta dắt con cái đi chơi, thì những bà mẹ “ hiếm hoi ” đáng thương ấy đi chơi với chó béc-giê. Họ che đậy bằng những danh từ rất kêu, nào “ văn minh ” nào “ tiến bộ ”.
Nhưng tôi, tôi mong muốn, tôi ước ao đẻ một đứa con, một anh hùng. Chao ôi! Sung sướng biết bao nếu ai nói lên được đầy đủ những ước mơ thầm kín của người đàn bà lần đầu tiên thấy mình sắp làm mẹ !
Khi cái thai đã lớn, mỗi lần ngồi mơ ước, tôi nghĩ nhiều đến tương lai của con tôi sau này. Khi thì tôi thấy nó là một võ tướng dũng cảm, có lúc tôi lại thấy nó là một kỹ sư danh tiếng vang lừng.
Tôi lại nghĩ, tôi sẽ sinh con gái. Tôi hãnh diện vì sắc đẹp và tài năng của con. Tôi nằm mơ thấy nó là nữ hoạ sĩ. Những sáng tác của nó là những kỳ công.
Cuối cùng tôi sinh con gái.
Tôi đẻ, anh không hề biết đến. Tuy nhiên cũng có lần anh bớt chút thời gian đến hỏi thăm tôi. Song nét mặt, đôi mắt của anh đã nói lên ý nghĩ chua xót : “ Thật là một tai hoạ lớn ”
Có những người đàn ông, khi thấy đứa con ra đời, họ ruồng bỏ ra đình, rời nơi chôn rau cắt rốn, họ sống lẩn lút. Nhưng anh không đi đâu, anh không bỏ tôi, song anh ở lại thì có khác gì đâu.
Trong gia đình thêm người, thêm việc,tôi phải nuôi vú em. Nhà cửa trở nên chật chội.
Một hôm anh gắt, giọng run lên :
- Lại không học xong vai kịch rồi. Con với cái, khóc như đòi nợ. Không còn cho ai lam ăn gì nữa, hử ?
Ngày tháng trôi qua. Không bao giờ anh bế con hay âu yếm nó. Anh đi cau về nó.
Tội nghiệp con tôi ! Từ đấy tôi đã coi nó như đứa trẻ không cha.
Anh cười mỉa mai khi đặt tên cho con :
- Đe-dơ-đê-mô-na ! ... Rô-da-mun-đa !...
Anh đã tàn nhẫn xát từng nắm muối vào vết thương của lòng tôi. Anh đọc những tên đó với giọng mỉa mai.
Mỗi cử chỉ của anh như muốn bảo tôi “ Người con gái tầm thường như cô mà cũng đòi nuôi A-phi-li-a ” (Tên một hoàng hậu rất xinh đẹp của nước Đức ( ND) ư ?
Tôi không bao giờ tha thứ cho anh điều đó. Từ khi trong gia đình chúng ta có tiếng trẻ khóc, anh bắt đầu khinh miệt tôi là người Tác-ta. Anh nói với các bạn anh mà không nể tôi :
- Con gái Tác-ta không có tình yêu đẹp đẽ. Họ không hiểu được sự thanh cao của tình cảm lâu dài.
Anh còn nói :
- Con gái Tac-ta chỉ biết đẻ. Tình mẫu tử choán hết chỗ trong lòng họ. Họ trao cho con tất cả tình cảm của mình, còn họ thì trở thành những tâm hồn rỗng tuếch.
Anh còn càu nhàu bực tức thấy tôi tham gia công tác xã hội.
- Tôi đã chán cái công việc đuổi theo gió của cô lắm rồi. Không hiểu sao cô cứ phải đi suốt ngày, cứ phải dậy ai , dậy cái gì ?Ma quỷ cũng không hiểu được cô. Họp hành suốt ngày. Dễ thường cô không còn việc gì hay hơn nữa chắc ?
Và cuối cùng anh hạ lệnh cho tôi :
- Ngoài trường đại học ra, cô phải ngồi ở nhà. Tôi cấm cô không được đi đâu nữa, bất cứ đi đâu.
Tôi không thể rời bỏ công tác xã hội. Thật thế, trong những năm còn ngu dốt, tôi cũng đã nghĩ rằng có nhiều người không sống như chúng ta. Tôi biết, nếu nhượng bộ anh là thụt lùi, là lệ thuộc, là tự sát . Tôi phải khó khăn lắm mới bảo đảm được học tập và chăm sóc gia đình. Những việc này đòi hỏi khá nhiều sức lực và thời gian.
Tôi không bỏ công tác. Tôi muốn trở thành người tiến bộ hiểu biết, người hữu ích và có khả năng tham gia công tác xã hôị.
Nhờ có đựơc lý tưởng vững chắc, nhờ ý thức luôn luôn muốn vươn lên hàng đầu, nên tôi đã chịu đựng đựơc dễ dàng những đắng cay của riêng mình.
Tôi đặt tên con gái là Ca-đri-a. Cái tên nhưng dịu dàng và thân thiết. Trong cái tên đó tôi muốn nói lên tình thương yêu đứa con của tôi. Nhưng anh đã cười chế nhạo :
- Ca-đri-a ! Ha, ha. Tên với tuổi ! Thật không còn nghĩa lý gì nữa.
Tất cả những gì thân thiết đối với tôi đều nhạt nhẽo đối với anh.
Có nhiều đêm tôi không ngủ được vì con quấy, hoặc phải dậy thay tã cho nó. Đêm đêm, bế con trên tay, tôi đi lại trong phòng như người mê ngủ, mà ban ngày tôi đã làm việc mệt nhọc. Còn anh, anh có nhớ không, nếu phải thức giấc vì tiếng khóc của Ca-đri-a, anh đã chẳng giúp tôi, hoặc hỏi xem con nó đau yếu ra sao lại còn càu nhàu, trách mắng mẹ con tôi làm mất giấc ngủ của anh. Tôi phải bế Ca-đri-a xuống bếp để khỏi phải nghe những lời trách móc. Cứ như thế Ca-đri-a lại ngủ thiếp trên tay tôi và điều đó không làm anh xúc động. Có lần anh còn nói với các bạn :
- Đời thật là kỳ quặc ! Mới năm ngoái mình còn sống tự do một mình mà bây giờ đã phải nuôi một gia đình bốn miệng ăn – Anh lại nói – Con gái, người nào cũng tốt, mà sao ta vẫn lấy phải người vợ không ra gì ?
Anh I-sken-đe ! Anh yêu những tâm hồn thanh cao, giản dị mà sao những lời nói tầm thường ấy lại thốt ra từ miệng anh ? Nói làm gì với các bạn anh những điều đó. Sao anh không nói thẳng với tôi ? Hay anh muốn bêu xấu tôi ? Không lẽ anh quên rằng đã có những ngày anh yêu tôi ? Sao mãi đến bây giờ anh mới thấy tôi đần độn, không có tình cảm ? Tôi thật không sao hiểu được. Nhưng khi đó tôi hiểu hết. Phải nói rằng tôi rất đau khổ, song tôi đã che giấu nỗi khổ đau và cố làm ngơ, coi những lời đả kích không chính đáng và có hại ấy như những câu nói đùa. Vì dù sao anh vẫn là bố của Ca-đri-a.
Tôi biết anh cũng khổ tâm lắm, nhưng không một lần anh chịu nối lại cái quan hệ tốt giữa chúng ta. Tất cả mọi cố gắng của tôi đều vô ích. Anh chẳng hề quan tâm đến. Anh chỉ chú ý đến một điều là kêu ca ăn tiêu tốn kếm và trong nhà lúc nào cũng có tiếng trẻ khóc. Anh không nề hà bắt tôi tính từng xu các khoản chi tiêu.
Anh I-sken-đe, đừng giận vì tôi đã nói thẳng. Chắc anh còn nhớ, khi đó tôi không hề đả động đến chuyện này và cũng không chê trách anh. Thú thực tôi rất khổ tâm trước thái độ keo kiệt ấy. Tôi đau lòng thấy anh không còn là I-sken-đe trong buổi đầu quen biết của chúng ta.
Tôi cố tìm nguyên nhân vì đâu anh có những thay đổi này, nhưng không tìm ra. Tôi đành câm như hến. Đến nay, khi chúng ta đã trưỏng thành, nhìn lại cái quá khứ đau xót ấy, tôi hiểu rõ lắm. Bây giờ nhìn nhận cuộc sống một cách khác, tôi thấy sáng mắt ra nhiều. Phải nói ngay rằng khi đó anh thật là đứa con của Mu-ét-din (1). Sợ chi thừa từng xu, anh tính đi tính lại đến ba lần tiền sữa cho con. Không hiểu sao lúc đó tôi xấu hổ vô cùng.
1. Mu-ét-din : Giáo sĩ ( tiếng Tác-ta)
Phải chăng vì anh không tin tôi nữa hay chính vì tôi ngượng cho anh ? Tính với tôi từng xu nhưng anh vẫn đưa những ông bạn vu vơ về nhà, ngồi uống rượu với họ đến nửa đêm.
Tôi làm ngơ như tôi không biết, nhưng vô ích. Anh đã không hiểu hoặc giả bộ không hiểu. Song nói thẳng với anh thì thực tôi không muốn. Tôi cũng nghĩ rằng không phải một lúc có thể xây dựng ngay được gia đình tốt đẹp, mà cần phải lâu dài. Tôi đã dằn lòng coi những việc không hay xảy ra hàng ngày như những xích mích tạm thời và ngẫu nhiên. Thực tâm tôi nghĩ rằng : “ Ta kiên trì chờ đợi, dù sao I-sken-đe cũng có nhiều điểm tốt. Thời gian trôi qua, những tính xấu của anh ấy sẽ mất đi. Khi đó gia đình ta lại yên vui ”. Nhưng thực ra nghĩ như vậy chỉ để lừa dối mình. Bằng mọi cách, tôi cố làm dịu không khí căng thẳng giữa chúng ta. Tôi đặc biệt chăm sóc và chú ý đến anh. Tôi cố làm cho anh quen với các bạn sinh viên của tôi, với bác Ga-li-ắc-be, những con người tử tế, đứng đắn, nhưng vì cho rằng họ là những người không đáng chú ý nên anh cứ ngày một xa lánh họ.
Để có thể chăm sóc gia đình được nhiều hơn, tôi nhận việc về nhà làm như kẻ khẩu hiệu, viết biểu ngữ v.v...Nhưng tất cả những cố gắng của tôi đều vô ích. Tôi phải cho vú em về.
Ngày ngày phải gửi Ca-đri-a ở nhà trẻ. Bây giờ nhớ lại, tôi rất ngạc nhiên sao đã chịu đựng đựơc tất cả những gian khổ đó. Tám giờ sáng, tay cầm sách, tay ôm con, tôi lật đật đến nhà giữ trẻ. Trời rét như cắt ! Có những hôm bão tuyết gió quất vào mặt, tuyết rơi đầy đường. Tất cả cảnh vật như muốn làm khổ thêm mẹ con tôi. Sợ Ca-đri-a bọ cảm lạnh, tôi không dám đi, mà phải bế con chạy như có người đuổi, sau đó tôi mới đên trường. Đến nơi thì đã mệt lử. Được ít lâu hai chân tôi bị đau. Nếu có thể làm khác đựơc, thì có lẽ tôi đã nằm một chỗ rồi. Còn anh, trong những buổi sáng ấy, anh vẫn ngủ ngon lành. Chẳng những đã không giúp đỡ, anh còn chế giễu và hạch sách tôi. Anh bảo :
- Bao giờ cô mới chịu chấm dứt cuộc sống điên rồ này ? Hôm nay cô lại không kịp cho tôi ăn sáng rồi.
Ngày nghỉ là những ngày vui thú của mọi gia đình. Trong những ngày đó, chẳng bao giờ anh chịu ngồi ở nhà. Sáng sớm anh ra đi, tận khuya mới trở về. Và tôi cũng đã quen như không có anh. Những ngày nghỉ, tôi ở nhà chơi đùa với Ca-đri-a. Tôi viết nhật ký cho con, giáo dục con và tự an ủi với những ý nghĩ rằng số phận của Ca-đri-a sẽ không kém những đứa trẻ khác. Tôi hát cho Ca-đri-a nghe bài “ Ghi-sơ-kem ” mà trước kia đã nhiều lần hát bên tai anh.
Anh đã biết đấy, tôi sống có một mình. Tôi không có bà con thân thích. Những ngày nghỉ, chỉ có các bạn sinh viên đến chơi và thỉnh thoảng tôi bế Ca-đri-a đến thăm bác Ga-li-a-be. Tôi chẳng hé răng nói với ai những đắng cay của mình. Mà biết nói thế nào ? Có ai hỏi, tôi bảo chúng ta vẫn sống hạnh phúc và thân ái. Có ai đoán biết, họ cũng chẳng tỏ thái độ gì.
Song im lặng lại càng nặng nề, đau khổ hơn. Càng chồng chất trong lòng, lại càng đau khổ. Nhưng tôi không nói với ai đành gửi tất cả nỗi niềm vào tập nhật ký của con.
Có ai đo được lòng mẹ thương con ? Để nói lên điều đó, lời nói như quá yếu ớt, nghèo nàn. Những bài hát như khô khan bất lực.
Trong thư của Lê-nin viết cho gia đình cớ những câu ta không sao quên được. Đọc bức thư đó, tôi thấy vui buồn lẫn lộn trong lòng. Vui mừng, sung sướng vì bức thư đã nói lên tình mẫu tử thiêng liêng bao trùm lấy Lê-nin. Buồn vì sau khi đọc bức thư, tôi hiểu sâu sắc hơn sự thôi thúc của cảnh ngộ cô đơn, cuộc sống căng thẳng của những kẻ không cha, không mẹ.
Nhớ lại, từ ngày còn nhỏ đã thiếu tình thương yêu, âu yếm của cha mẹ, tôi càng yêu quý con tôi. Tôi yêu Ca-đri-a. Tất cả cho con, cho mình, cho tất cả những người mẹ không con cái. Anh có thể hiểu tình yêu cao cả ấy ?
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước, có những bà mẹ khi ngã xuống đã trối trăng lại cho các con những lời nói cuối cùng thân yêu nhất. Để anh hiểu được dễ dàng hơn tình cảm thiêng liêng đó, tôi chép lại đây bức thư của bà Ôn-ga Đi-lép-skai-a. Bà bị bắt năm 1919 và bị quân cướp Trắng ( 1 ) bắn ở quảng trường hội chợ. Trước khi bị bắn bà đã viết bức thư sau đây cho người quen.
Bạn A-lếch-xăng-gơ-ra Nhi-cơ-lai-vơ-na.
Bạn đọc bức thư này sau khi tôi bị bắt. Tôi biết, dù tôi không yêu cầu, bạn cũng sẽ chăm sóc I-ei-na, con gái tôi. Có ai biết được những việc se xảy ra ! Tôi chỉ muốn yêu cầu bạn, khi tôi chết, bạn hãy âu yếm I-ri-na mỗi buổi sáng và trước khi nó đi ngủ như tôi vẫn thường âu yếm nó. Có thể vì được chiều chuộng I-ri-na sẽ trở thành đứa trẻ không ngoan ngoãn, nhưng tôi không phải đau lòng nghĩ rằng con gái tôi không còn được ai âu yếm nữa. Tôi nghĩ rằng I-ri-na sẽ tìm được tình yêu cao cả trong trai tim của ban.
Đấy là tất cả những điều tôi muốn nói với bạn. Tiếng nói thật nghèo nàn, khó hiểu nhưng tôi không biết nói gì hơn nữa. Tình cảm thật sâu sắc và thân thiết mà không sao nói lên được...
Mong bạn hiểu tôi và hãy yêu quý I-ri-na.
ÔN-GA ĐI-LÉP-SKAI-A
flower-row
Tôi đã cố gắng bù đắp lại những trống trải và thiếu thốn về tình cảm chân thật trong cuộc sống của chúng ta. Sau kho đọc bức thư của bà Ôn-ga Đi-lép-skai-a tôi luôn luôn nghĩ đến I-ri-na và ngay khi viết thư cho anh đây chỉ cần nhắm mắt lại là hình ảnh tưởng tượng về I-ri-na đã hiện lên trong tâm trí tôi. Tôi hình dung nàng là một cô gái khoẻ mạnh yêu kiều. Năm nay là năm 1934 nghĩa là bà Ôn-ga Đi-lép-skai-a viết bức thư đó cách đây mười lăm năm ; bây giờ I-ri-na đã mười chín tuổi. Anh thử nghĩ xem, bức thư của bà là một bài học lớn về cuộc sống. Có lẽ nó đã thức dậy trong I-ri-na tình yêu mãnh liệt đối với Tổ quốc và chí căm thù sâu sắc đối với quân thù.
I-ri-na, nàng hiện ở đâu ?
Những ý nghĩ về I-ri-na đã làm cho tập nhật ký của tôi thêm phong phú. Nhưng anh không hề ngó tới. Khi tôi ngỏ ý muốn cho anh xem để anh hiểu rõ Ca-đri-a đã lớn lên như thế nào, anh bảo :
- Tôi không có thời giờ làm những việc nhảm nhí ấy. Chúng ta cứ xa nhau mãi. Vì anh là bố của Ca-đri-a nên tôi muốn cho anh hiểu nhiều về Ca-đri-a. Bây giờ tuy đã muộn, nhưng anh hãy đọc một vài dòng trong quyển nhật ký đó. Tôi chép cho anh mấy đoạn. Có lẽ ít nhiều nó sẽ giải thích cho anh thấy rõ hơn thái độ bấy giờ của anh đối với các con.
2 tháng 20 ngày
Ca-đri-a đã biết. Mỗi khi có ai gọi nó, nó toét miệng. Đến bữa đã biết khóc đòi ăn. Tôi sung sướng nghe con khóc. Chỉ có I-sken-đe khó chịu với tiếng khóc của Ca-đri-a.
3 tháng 10 ngày
Ca-đri-a đã nhận được mẹ và nhưng người quen hay đến chơi. Thấy người lạ, nó nhìn chòng chọc và chau mày lại. Ôi ! sung sướng quá ! Con tôi đã biết phân biệt. Có điêu không an tâm là Ca-đri-a không làm sao làm quen được với bố nó. Có phải lỗi tại Ca-đri-a đâu. Lỗi ở I-sken-đe tất cả. Chẳng bao giờ anh bế nó, cũng chẳng bao giờ nựng con. Anh ấy bảo không dám bế vì sợ đánh rơi.
4 tháng 24 ngày
Hôm nay ngày nghỉ. Tôi ở nhà suốt ngày với Ca-đri-a. Chiều tối, tôi đến chơi đằng bác Ga-li-ắc-be ; thân thiết như đến thăm người ruột thịt. Tôi mua hoa cho Ca-đri-a. Nó yêu hoa và thích những đồ chơi sáng bóng. Ca-đri-a bập bẹ : “ Bôm, bôm ” . Nó muốn tỏ nỗi vui mừng được mẹ ẵm, hay muốn nói : “ Mẹ ơi, con biết mẹ đau khổ lắm. Mẹ hãy ráng chịu đựng, đừng buồn mẹ nhé ! Con sẽ hay ăn chóng lớn. Con lớn lên, mẹ sẽ bớt khổ ”.
6 tháng 20 ngày
Tôi nhảy cho Ca-đri-a xem. Nó cười như nắc nẻ. Nó úp mặt vào ngực tôi, chơi ú tim với những người quen. Ca-đri-a đã biết ngồi. Trong nhà giữ trẻ nó được mọi người yêu quý. Các chị trong nhà giữ trẻ cho biết Ca-đri-a chịu ngồi một mình chơi đồ chơi. Con tôi ngoan quá ! Chỉ mong sao cho Ca-đri-a đừng ốm.
7 tháng 18 ngày
Ca-đri-a tập nói và gọi tôi “ A-na-na ! Mẹ ơ...i ”.Hôm nay là ngày nghỉ, tôi ngồi sửa lại mấy bài báo tường, Ca-đri-a ngồi bên cạnh. Nó luôn mồm bập bẹ như muốn nói gì. Chốc chốc lại tìm bắt bóng mình sau chiếc gương.
10 tháng 20 ngày
Ca-đri-a đã mọc răng. Nó lưu luyến nhìn theo mỗi khi tôi gửi nó ở nhà giữ trẻ để đi làm. Mỗi lần tôi đến đón nó ghì chặt như không muốn rời ra nữa. Đôi bàn tay nhỏ bé của Ca-đri-a vuốt nhẹ hai má tôi, miệng ríu rít : “ A-na-na ”! Nó rất thích chơi giấy. Hôm nay lần đầu tiên I-sken-đe bế con và nói chuyện với con. Nhưng anh gọi nó như gọi đứa con trai. Do dự một lát, anh bảo Ca-đri-a : “ Tại sao mày lại không là con trai hử ? ”. Tôi không thể quên được sai lầm này của I-sken-đe, không lẽ ở đâu đấy anh có đứa con trai ...
Chúng tôi cứ xa cách, xa cách nhau mãi.
11 tháng 18 ngày
Cả ngày hôm nay tôi nghĩ đến I-ri-na, có lẽ bà Ôn-ga Đa-lép-skai-a cũng viết nhật ký cho cô. Ca-đri-a yêu dấu, thời gian trôi qua rất nhanh. Chẳng bao lâu nữa con sẽ khôn lớn, nhưng Tổ quốc ta lớn mạnh hơn chúng ta. Con sẽ tìm được người như ý muốn. Con sẽ tìm hiểu người bạn đời của con, con người của thời đại mới.
Đọc tập nhật ký này, con sẽ rõ những ý nghĩ của mẹ về I-ri-na. Nếu chẳng may mẹ sớm qua đời, con hãy tìm đến I-ri-na. Bà sẽ thay mẹ dạy dỗ con.
Một năm
Người công dân tí hon của đất nước Xô-viết vừa đầy một tuổi. Trong cuộc thi vệ sinh và sức khoẻ của nhà giữ trẻ, Ca-đri-a được thưởng. Tôi mặc cho nó chiếc áo mới và mua cho nhiều bánh kẹo. Các bạn tôi đến chơi, chúc mừng cho Ca-đri-a. Chỉ có I-sken-đe là quên rằng hôm nay kà ngày sinh nhật của con. Anh ấy đi chơi đâu mãi hai giờ đêm mới về.
Đã lâu lắm rồi tôi không khóc, nhưng hôm nay ...
1năm 2 tháng
Ca-đri-a đã biết đi. Nó mê mải chơi với chiếc gối. Hễ thấy tôi cầm quyển sách là nó đòi cho kỳ được. Mở sách, ngắm tranh, nó bắt tôi giảng cho nó nghe. Ca-đri-a thích chơi diêm. Cứ đổ ra rồi lại xếp những que diêm vào bao. Phải tìm mua cho con đồ chơi gì hay ở hiệu.
1 năm 4 tháng
Ca-đri-a ốm. Một thứ bệnh hay lây. Tội nghiệp ! Con tôi phải nằm nhà thương. Hằng ngày, cứ trước và sau giờ học tôi đến thăm con. Các bác sĩ khuyên giải và cho tôi biết, Ca-đri-a sẽ chóng lành. Về nhà vắng con lòng tôi trống trải lạ thường.
1 năm 5 tháng
Ca-đri-a đã ra viện. Nó khoẻ rồi nhưng ít nói hơn trước. Không muốn rời khỏi lòng mẹ. Nó hay chơi ú tim và cuời với tôi .
I-sken-đe không có gì tỏ ra lo lắng về bệnh tình của con. Thật là đau khổ, song biết làm thế nào ! ... Trong đầu tôi thoáng hiện những ý nghĩ kinh khủng : biết đâu anh ấy đã chẳng mong cho con tôi chết ?
flower-row
Hết phần 5 - Kính mời xem tiếp phần 6

Không có nhận xét nào: