Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui-6

Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui-6
Copy từ http://diendan.nuocnga.net/archive/index.php/t-3071.html; phần của bạn Siren, đăng ngày 30-06 và 01-07-2010, mục Nước Nga trong tôi > Văn hóa Xô viết và Nga > Văn học.
Lời giới thiệu
"Những bức thư không gửi" là cuốn truyện của nhà văn Xô viết Tác-ta A-đen Cu-tui. Ông sinh năm 1903. Từ ngày còn ngồi trên ghế trường trung học, ông đã tham gia nhóm văn học do nhà văn Xô viết Nga nổi tiếng I. Nê-vê-rốp lãnh đạo. Từ đấy ông đã bắt đầu sáng tác thơ ca và học tập được rất nhiều ở Mai-a-cốp-xki.
A đen Cu-tui làm rất nhiều thơ, ngụ ngôn, viết khá nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết.
Có một truyện ngắn có tên tương tự: "Những bức thư không gửi", tác giả là Валерий Осипов (Valeri Oxipov), được in trong 1 tập truyện ngắn cùng tên, do nhà xuất bản Lao Động in vào năm 1987, dịch giả Đoàn Tử Huyến. Do đó với tác phẩm này, tôi bạo gan đổi thành: Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui. Trên blog này, tôi chia truyện thành 10 phần, đây là phần thứ 6.
Kính mời các bạn vào xem phần 6.
Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui-6
1 năm 9 tháng
Hôm qua tôi và Ca-đri-a dự biểu tình. Tôi đã làm sãn cho con lá cờ nhỏ xinh xinh. Lúc đầu, Ca-đri-a không nói và cau mặt, hình như nó sợ những tiếng ồn ào, tiếng nhạc. Nó thấy ai cũng lạ. Nhưng sau nó quen dần. Vừa vẫy vẫy lá cờ, vừa reo to : “ Hoan hô !” và cười như nắc nẻ. Về nhà, Ca-đri-a bắt chước bộ đội đi đều bước rất lâu trong phòng...
Anh I-sken-đe
Trong những ngày tháng chúng ta còn chung sống, anh không thèm ngó tới cuốn nhật ký lấy một lần. Tôi có đề nghị anh ghi những nhận xét về Ca-đri-a, nhưng anh làm thinh. Bây giờ anh lại khẩn khoản đề nghị tôi viết cho anh cả những tin nhỏ nhặt về các con. Viết cho tôi, anh bảo : “ Tình phụ tử đã thức dậy trong tôi ”. Có thật thế không, anh I-sken-đe ”.
Những năm qua anh im hơi lặng tiếng. Anh tuyệt nhiên không đả động đến chúng tôi. Không một cử chỉ nào tỏ ra anh muốn thăm hỏi các con. Đến nay, bỗng nhiên anh thương xót, anh viết thư cho tôi. Thái độ ấy có thực không ?
Những cuộc gặp gỡ giữa anh với Vê-li Xa-phi-u-lin chẳng có tác dụng gì đến anh sao? Có lẽ trong một phút ghen tuông những lúc nói chuyện về tôi với Vê-li Xa-phi-u-lin đã ít nhiều động đẽn cái “ý thức cá nhân” của anh – “ vợ tôi ”, “ các con tôi ” – không, anh I-sken-đe a, chúng tôi không còn là vợ con anh nữa. Những con người ấy đối với anh xa lạ lắm rồi.
Tôi không hiểu Vê-li Xa-phi-u-lin đến gặp anh làm gì ? Tại sao trong thư gửi cho tôi anh không nhắc đến chuyện đó. Vê-li có khoẻ không ? Anh ấy mới thật là người tử tế. Tôi muốn đến thăm Vê-li quá. Bây giờ mới rõ trắng đen ai là người có tâm hồn cao thượng.
Nhưng anh tha lỗi cho, vì tình “ phụ tử ” của anh mà tôi phải trả lời anh. Anh đọc tiếp đi :
Các con tôi sung sướng và lớn lắm rồi. Chúng chẳng phàn nàn điều gì cả. Chúng chỉ buồn một nỗi không cha. Tuy sống ở nông thôn, nhưng chúng vẫn được học tập, giáo dục không kém ở thành thị .
Ca-đri-a hiện ở vườn trẻ của trạm máy kéo. Mùa thu tới nó sẽ đi học. Tôi vẫn nóng ruột và chờ đợi ngày con tôi cắp sách đến trường. Nó đã biết đọc biết viết. Nó thích vẽ, nhất là hát. Nó hát hay lắm. Hôm ở vườn trẻ về, nó được học thêm bài hát mới về Lê-nin. Những buổi chiều rỗi rãi, mẹ con tôi ngồi hát với nhau. Nhìn chúng tôi hát, Ra-pha-en cố hát theo, nhưng nó còn bé quá. Chà ! Ra-pha-en của chúng tôi thật là một cậu bé nghịch ngợm. Nó nói sõi và lý sự rất buồn cười. Mỗi lần nghe nó nói, tôi thấy lòng vui sướng hơn.
Năm ngoái tôi sắm được chiếc ra-đi-ô. Chiếc máy đã mang lại cho gia đình tôi nhiều vui sướng. Chúng tôi nghe đài tiếng nói Mát-xcơ-va, Ca-dan và của nhiều thành phố khác. Trong công tác ở phòng y tế của nông trường tôi lại được thưởng chiếc máy hát . Ca-đri-a và Ra-pha-en sử dụng máy hát rất thạo. Các bạn quen và bà con trong xóm đến chơi luôn. Chúng tôi cùng nhau thảo luận bàn cãi các vấn đề thời sự và chuyện trò vui vẻ. Tôi quen biết nhiều người, có nhiều bạn bè. Chúng tôi sống với nhau đoàn kết và thân mật. Tôi đã định mùa thu này sẽ gửi mua ở thành phố chiếc đàn dương cầm. Anh thấy không, cuộc sống đã không vùi dập tôi .
Thời gian qua, tuy sống vất vả, khó nhọc, nhưng không lúc nào tôi quên được bộ mặt giận dữ của anh khi anh bỏ nhà đi.
Anh I-sken-đe, anh thử nhớ lại xem, anh đã như thế nào khi tôi đẻ ra thằng Ra-pha-en ; chỉ còn thiếu anh chưa chế giễu tôi mà thôi .
Có những chuyện suốt đời ta không sao quên được. Tôi biết anh không yêu trẻ. Tôi đến bệnh viện mà lòng se lại vì thái độ của anh. Tôi sinh thằng Ra-pha-en. Trường hợp sinh nở thật khó khăn. Nằm trong bệnh viện tôi nghĩ : “ lần này sinh con trai, có lẽ I-sken-đe sẽ quý nó ”. Nhưng anh cũng chẳng buồn đến đón tôi. Các bạn tôi đã đến đưa tôi về. Người Pháp có nói : “ Con người ta cứ chuốc lấy đau khổ vì những chuyện không đâu ” . Tôi tưởng, những điều đó nói về anh. Anh sợ bóng tối, sợ ngày mai. Anh sợ trẻ con. Anh tự gây cho mình những ngăn cách đó. Anh luôn luôn sống trong lo sợ. Anh I-sken-đe, anh hãy nói cho tôi biết, cái gì đã giày vò làm khổ anh ? Hay là anh đã làm điều gì xấu ? Bây giờ anh đổi khác chưa ?
Những năm đó sao anh hay giận dữ vô lý thế ? Sau khi sinh nở, tôi chưa về đến nhà, anh đã lại gây chuyện, anh bảo tôi :
- Ga-li-a, cô không thể lấy chồng nghệ sĩ được. Cô có hiểu không, cô không biết làm vợ, chỉ làm mẹ được thôi.
Cô chỉ là giống cái, không hơn không kém. Chỗ của cô là ở vườn trẻ...
Tôi im lặng, và biết nói gì hơn ? Một lát sau anh tiếp giọng ôn tồn hơn :
- Tôi không đổ lỗi cho cô đâu. Lỗi ở tôi tất cả. Số phận của tôi là phải bay nhảy.
Định mệnh đã như vậy. Tôi đã lấy cô một cách ngu xuẩn. Là người của lao động, sáng tạo, của nghệ thuật, tôi phải được tự do. Nhưng tôi đã bị ràng buộc vào gia đình. Con cái là gánh nặng, tôi không thể chịu được. Tôi là kẻ hư hỏng. Phải, từ trước kia người ta đã bảo tôi như thế. Cô có hiểu không, tôi không thể sống mãi như thế này mãi được. Tôi sẽ đi đây và sẽ chết bờ chết bụi ở đâu đấy mặc tôi. Tôi phải đi khỏi nơi này. Cũng chưa muộn đâu. Tôi không thể hy sinh cho con cái được. Tương lai của chúng mờ mịt lắm. Thôi, từ biệt cô. Tôi đã yêu cô... Cô tha lỗi cho tôi tất cả...Cô cũng đừng tìm tôi làm gì vô ích. Cô không tìm thấy tôi đâu...
Đó là những lời nói cuối cùng của anh. Đóng sầm cửa lại, anh ra đi với bộ mặt “đau khổ”.
Không giữ anh, tôi ở lại một mình. Trong đáy lòng tình cảm của tôi đối với anh còn nóng hổi, vì anh là cha của hai đứa trẻ.
Anh bỏ đi. Anh đã xử sự một cách nhỏ nhen, tàn nhẫn. Có lẽ anh chờ ở tôi những giọt nước mắt, một thái độ van lơn. Không, tôi không gục xuống chân anh. Chỉ những kẻ tầm thường mới chịu nhục làm nô lệ, cúi luồn. Họ muốn hạ phẩm giá con người.
Khi anh bỏ đi, tất cả gia tài của tôi chỉ là đứa trẻ. Có nhiều lúc tôi muốn tự tử cho rồi, nhưng các con tôi sẽ là những đứa trẻ không cha không mẹ và các bạn tôi họ sẽ nói gì về tôi ? Chính những điều đó đã ngăn cản tôi, không cho tôi có những ý nghĩ đen tối.
Anh I-sken-đe, tôi đã sống cô đơn và rất đau khổ. Tôi đi thẫn thờ ngoài phố nhưng không khóc. Sáng sớm, tôi đã vội vã bế các con ra đi. Thằng con trai gửi nhà giữ trẻ, đứa con gái cho đến vườn trẻ, sau đó tôi mới đến trường, đến bệnh viện. Trong những phút nặng nề ấy, tôi muốn kêu lên, muốn gào thét cho khắp đất nước biết có những người cha ruồng bỏ gia đình, những phạm nhân nguy hiểm nhất trên trái đất. Có nhiều lúc tôi muốn bỏ học.
Tôi cũng chưa tin rằng anh đi hẳn. Cứ đinh ninh rằng anh sẽ về, nhưng anh không trở lại. Người ta cho biết anh đã rời khỏi nhà hát, anh không còn trong thành phố nữa. Anh bỏ đi có phải vì sợ nuôi báo cô mẹ con tôi không?
Ông Đa-u-tốp, giám đốc trường đại học, đồng chí Nhi-cô-lai, bí thư đảng bộ nhà trường, và bác Ga-li-ắc-be đã cứu tôi. Tôi đã tìm thấy ở những người đấy tấm lòng vàng. Tôi ghi nhớ suốt đời tên họ.
Thấu rõ nỗi khổ của tôi, bác Ga-li-ắc-be đến gặp ông, Đa-u-tốp. Hai ông hình như đã có một thời cùng làm việc trong một nhà máy. Cùng lúc ấy các bạn sinh viên của tôi đến gặp ông Đa-u-tốp và tỏ ý lo ngại cho tôi. Ông cho gọi tôi lên và đích thân đến thăm tôi cùng với đồng chí Nhi-cô-lai. Một cử chỉ vô cùng quý báu. Các ông đã khéo léo không đả động đến việc gia đình của tôi. Các ông nói tới chuyện học tập, tỏ vẻ ái ngại cho tôi, nhắc đến những khó khăn tôi phải sống một mình. Nhà trường cho tôi phụ cấp và tăng thêm học bổng lại phân công các bạn học giỏi đến giúp đỡ tôi có thể đuổi kịp bài vở.
Bác Ga-li-ắc-be cùng với vợ đến thăm tôi luôn.
Cuối cùng tôi đã tốt nghiệp trường đại học y khoa. Thi xong, tôi đến gặp ông Đa-u-tốp và đồng chí Nhi-cô-lai. Đưa cho các ông xem quyển sổ thi, tôi tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Chính phủ và cá nhân các ông .
Gia đình bác Ga-li-ắc-be sung sướng đón chờ tin tôi tốt nghiệp đại học. Bác còn tổ chức ăn mừng nữa. Niềm vui của chúng tôi thật là vô tận.
Bác Ga-li-ắc-be thân mến, bác tốt với cháu qúa. Không phải là bác mà là cha. Vâng, bác Ga-li-ắc-be, cháu gọi bác là cha đấy.
Một tháng sau, tôi cùng các con dọn đến vùng A-đrát. Tôi đựơc điều động về đây.
Trước khi đi, được người ta cho biết ở nhà hát thành phố có cả đoàn kịch Tác-ta mới về và sẽ biểu diễn, trong đó có cả anh. Tôi và Ca-đri-a đã đến xem. Tôi muốn nhìn thấy anh một lần cuối cùng.
Đúng như người ta nói, hôm ấy anh có mặt trên sân khấu và anh đóng vai kịch mà anh vẫn yêu thích.
Vì sợ anh nhìn thấy nên chúng tôi đến rất sớm và ngồi vào một chỗ ở hàng cuối. Tôi chỉ lo Ca-đri-a nhận ra anh. Quả nhiên nó đã nhìn thấy anh và gọi tôi nói nhỏ.
- Mẹ ơi, mẹ nhìn xem, bố kia kìa.
- Không phải đâu, con cưng của mẹ ơi, không phải là bố đâu con ạ. Chỉ hơi giống thôi. Bố con có là nghệ sĩ đâu. Bố ở xa lắm... Mãi Mat-xcơ-va kia.
Bây giờ tôi không nhớ rõ, nhưng khi đó tôi đã tìm được lý do và ngay sau hồi thứ nhất chúng tôi đã bỏ ra về.
Anh I-sken-đe, anh đã gây ra trong đời tôi bao nỗi đắng cay. Tí nữa thì cả cuộc đời tôi tan vỡ. Tôi có thể không căm giận anh, nhưng ngày ấy, lúc từ giã Ca-dan, trong giờ phút ra đi, tôi bỗng thấy tâm hồn vô cùng trống trải. Từ nay thế là dứt khoát từ biệt anh. Tôi có cảm giác như mất một cái gì to lớn lắm. Thiếu nó đời tôi không còn có ý nghĩa gì nữa.
Con tàu rời khỏi bến. Tôi đứng trên boong, trong lòng đột nhiên vang lên tiếng hát của một điệp khúc mà tôi đã nghe thấy ở đâu :
Anh ơi, anh hãy tin rằng
Khổ đau tử biệt không bằng sinh ly
Từ ngày anh bước chân đi
Từng đêm em đếm, từng khi em chờ
Nhưng rồi tôi tự nhủ : “ Ga-li-a, thôi thế là đủ lắm rồi. Hãy quên đi. Thương tiếc làm gì nữa. I-sken-đe không đáng để cho ta thương nhớ ” và đứng thẳng trên boong tàu, tôi nhìn về phía xa xa. Dòng sông Vôn-ga lặng lờ trôi ...
Hết phần 6 - Kính mời xem tiếp phần 7 ( cũng là Bức thư thứ ba).

Không có nhận xét nào: