Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

'Nghề lạ' trên đường vành đai ngoài ở Sài Gòn

'Nghề lạ' trên đường vành đai ngoài ở Sài Gòn
Copy từ http://vtc.vn/1-504080/nghe-la-tren-duong-vanh-dai-ngoai-o-sai-gon/slide-show/1/index.htm#IMG1, đăng ngày 30/08/14, mục VTC News > Kinh tế.
Hàng trăm người dân sống xung quanh công trình đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài muốn ra đường chính phải đi nhờ “chiếc cầu” của bà Ba.
Ảnh 1: Nhiều ngày qua, hàng trăm người dân sống gần khu vực cầu Gò Dưa (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM) - đoạn ngay công trình thi công tuyến đường Phạm Văn Đồng (sắp được đưa vào sử dụng) gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại.
Ảnh 2: Ông Minh Tuấn, chủ trại cá gần đình Bình Chánh than thở: 'Từ sáng đến chiều, người dân đi làm, đi công chuyện hoặc con cái chúng tôi đi học… ở khu trung tâm quận Thủ Đức phải chạy xe xuống tận ngã 3 trại cá sấu Hoa Cà rồi chạy ngược lên đường Kha Vạn Cân xa nhiều km. Đó là chưa kể, những lúc giờ cao điểm cùng lúc tàu hỏa chạy qua thì thảm cảnh kẹt xe khiến ai cũng khổ sở'.
Ảnh 3 : Theo người dân ở đây, đơn vị thi công chỉ mở hàng rào công trình cho người dân chạy về hướng trung tâm quận Thủ Đức từ sau 17h đến sáng hôm sau. Ngoài thời gian đó, người dân sống trong phạm vi công trình này buộc phải chạy về ngã 3 giao với đường số 20 rồi ngược lại đường Kha Vạn Cân về trung tâm quận Thủ Đức.
Ảnh 4: Nắm bắt được nhu cầu của người dân, tại khu vực gần hàng rào công trình bị khóa, một phụ nữ khá lớn tuổi đã mang 2 chiếc vỉ sắt làm cầu bắc ngang dải phân cách khá cao giúp phương tiện vượt qua và thu phí… 2000 đồng/lượt.
Ảnh 5: 'Nhiều chủ xe máy thấy đường đẹp, lại sợ ùn tắc ở Kha Vạn Cân nên có ý định đi qua tuyến đường vừa thi công xong nhưng chưa thông xe này. Tuy nhiên, chạy gần đến cầu Gò Dưa thì họ bị hàng rào đóng chặt buộc phải quay lại. Nhiều người ngại đi xa nên 'vui vẻ' bỏ ra 2.000 đồng chạy qua vỉ sắt của tôi', bà Ba, người làm cầu sắt thu phí chia sẻ.
Ảnh 6: Cũng theo bà Ba, mỗi ngày từ sáng đến chiều, nếu chịu khó bà cũng kiếm được hơn trăm ngàn đồng để góp chút tiền chợ với chồng. Tuy nhiên theo bà, 'nghề lạ' này chỉ tồn tại thêm vài ngày vì đến dịp lễ 2/9 tuyến đường này sẽ cho xe lưu thông.
Ảnh 7: Vào giờ cao điểm đi lại, người con trai của bà Ba cũng có mặt để phụ mẹ.
Ảnh 8: Đa số người tham gia giao thông khi phát hiện hàng rào bị đóng đều đồng ý trả phí 'qua cầu' của mẹ con bà Ba.
Ảnh 9: Tuy nhiên cũng không hiếm trường hợp tự nhấc xe vượt qua đường như thế này để 'tiết kiệm'.

Theo vtc.vn
Người thật chớ không phải búp bê đâu các bác ơi!

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

'Thung lũng mỹ nữ' khan hiếm đàn ông ở Brazil

'Thung lũng mỹ nữ' khan hiếm đàn ông ở Brazil
Copy từ http://www.tienphong.vn/the-gioi/thung-lung-my-nu-khan-hiem-dan-ong-o-brazil-753955.tpo , đăng ngày 30/08/14, mục Thế Giới.
Nghe có vẻ như chuyện thần thoại Hi Lạp, nhưng lại là sự thật ở một thị trấn nhỏ hẻo lánh, nằm khuất nẻo sau những ngọn đồi ở đông nam Brazil, nơi có rất nhiều phụ nữ nổi tiếng xinh đẹp khắp nước đang tìm kiếm tình yêu.
Phụ nữ ở Noiva do Cordeiro đang "mời gọi" đàn ông độc thân đến với họ.
Chuyện thần thoại có thật đó diễn ra ở Noiva do Cordeiro, vùng xa xôi ở đông nam Brazil. Ở cộng đồng 600 dân đẹp như tranh vẽ này, đàn ông khan hiếm hoặc nếu có thì đi làm xa ở thành phố, buộc những người phụ nữ xinh đẹp phải một mình gánh vác các trách nhiệm của thị trấn.
Tình trạng này đã khiến một số phụ nữ vốn nổi tiếng xinh đẹp ở khắp Brazil tại đây phải lên tiếng "mời gọi" đàn ông độc thân đến với họ.
“Ở đây, những cô gái độc thân như chúng tôi chỉ có thể gặp những người đàn ông hoặc đã kết hôn hoặc lại có quan hệ họ hàng với chúng tôi. Mọi người đều là họ hàng của nhau”, Nelma Fernandes, 23 tuổi, cho biết.
“Đã rất lâu rồi tôi chưa hôn người đàn ông nào. Chúng tôi đều mơ mộng được yêu, được kết hôn. Nhưng chúng tôi muốn sống ở đây và không muốn phải rời thị trấn đi tìm chồng. Chúng tôi muốn làm quen với những người sẵn sàng rời bỏ cuộc sống của riêng họ và đến đây trở thành một phần của cuộc sống của chúng tôi. Nhưng trước tiên họ phải đồng ý làm những gì chúng tôi nói và sống theo quy định của chúng tôi”.
Noiva do Cordeiro, có nghĩa là “Cô dâu cừu”, từ lâu đã nổi tiếng là một cộng đồng “nữ quyền”, sau khi người sáng lập Maria Senhorinha de Lima định cư ở đây. Maria Senhorinha de Lima từng bị kết tội thông dâm và bị trục xuất khỏi quê nhà bà vào năm 1891.
Một trong những người cháu của bà, Delina Fernandes Pereira, hiện vẫn ở “thung lũng mỹ nữ” này, cách thủ phủ bang Belo Horizonte khoảng 90km. Bản thân Pereira cũng gây ra nhiều tranh cãi khi cưới một mục sư năm mới 16 tuổi. Pereira cho rằng thị trấn vẫn phải chịu đựng những định kiến vì quá khứ được cho là “đáng xấu hổ” của mình.
Phụ nữ ở đây gánh vác hầu hết trách nhiệm trong cộng đồng, bao gồm cả việc hoạch định và các vấn đề tôn giáo khác.
Elida Dayse, người tổ chức chuyến thăm tới khu vực cho biết: “Có vẻ như phần lớn dân cư là phụ nữ, nhưng một phần cũng bởi đàn ông rời đi lên thành phố làm việc trong những ngày trong tuần”. Tuy nhiên, một số phụ nữ ở thị trấn này sợ rằng sự hiện diện quá nhiều của đàn ông ở đây sẽ phá hỏng lối sống khác biệt của họ.
Rosalee Fernandes, 49 tuổi, cho biết: “Chúng tôi có Chúa trời trong trái tim mình. Nhưng chúng tôi không nghĩ chúng tôi cần nhà thờ, kết hôn trước một linh mục hay cần linh mục ban phước lành cho con cái chúng tôi. Đây là những quy định do đàn ông tạo ra”.
Fernandes cũng cho biết thêm: “Có rất nhiều điều phụ nữ làm tốt hơn đàn ông. Thị trấn của chúng tôi đẹp hơn, ngăn nắp hơn và đoàn kết hơn khi đàn ông không làm chủ. Khi có vấn đề hay tranh cãi nảy sinh, chúng tôi giải quyết theo cách của phụ nữ, cố gắng tìm đồng thuận hơn là xung đột”.
“Chúng tôi chia sẻ mọi thứ, thậm chí cả đất đai canh tác. Không ai cạnh tranh với ai ở đây. Mọi người vì một người và một người vì mọi người”.
“Cả thị trấn gần đây đã tập trung giúp mua một cái TV màn hình rộng lớn cho trung tâm cộng đồng của chúng tôi, để chúng tôi có thể xem opera cùng nhau”.
“Và luôn có thời gian để dừng lại, buôn chuyện, thử quần áo của nhau và làm tóc, đánh móng tay, chân cho nhau”, cô cho biết thêm.
Theo Trung Anh

Đi tìm bé Tùng Anh

Nhóm thiện nguyện chùa Bồ Đề và hành trình đi tìm sự thật - Kỳ 2
Đi tìm bé Tùng Anh
Copy từ http://www.tienphong.vn/xa-hoi/di-tim-be-tung-anh-753856.tpo , đăng ngày 30/08/14, mục Xã hội.
TP - Xóm 8 xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định vốn bình yên nay bỗng xôn xao vì một vụ án xẩy ra tận chùa Bồ Đề, Hà Nội.
Cũng bởi những dòng tin này do công an quận Long Biên cung cấp: “Tùng Anh (tên khai sinh Lâm Chí Thiên, sinh năm 2007) con chị Phạm Thị Thuận, sinh năm 1984, hộ khẩu thường trú; xóm 8, Xuân Châu, Xuân Trường, Nam Định. Chị Thuận đón cháu Tùng Anh về từ tháng 12/2007. Hiện cháu Tùng Anh đang sinh sống cùng mẹ ở địa chỉ trên”.
Bé Tùng Anh ngày ở chùa Bồ Đề
Cũng bởi những dòng tin này do công an quận Long Biên cung cấp: “Tùng Anh (tên khai sinh Lâm Chí Thiên, sinh năm 2007) con chị Phạm Thị Thuận, sinh năm 1984, hộ khẩu thường trú; xóm 8, Xuân Châu, Xuân Trường, Nam Định. Chị Thuận đón cháu Tùng Anh về từ tháng 12/2007. Hiện cháu Tùng Anh đang sinh sống cùng mẹ ở địa chỉ trên”.
Tôi về xóm 8 tìm bé Tùng Anh, lòng vẫn ám ảnh bởi câu chuyện đứa bé này một ngày nọ bỗng dưng biến mất khỏi chùa Bồ Đề và cho đến nay nhóm thiện nguyện của Bích Ngọc vẫn đau đáu với câu hỏi đứa trẻ mà họ chăm sóc từ khi chưa rụng rốn bây giờ ở đâu?
Câu chuyện trong ngôi nhà có 3 người điên
Nếu theo địa chỉ của công an quận Long Biên thì câu hỏi đó phải chăng đã được trả lời. Nhưng về xóm 8, những phân vân, hồ nghi ấy không những chưa được trả lời mà lại thêm nhiều câu hỏi mới.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Châu cho tôi hay về chị Phạm Thị Thuận, mẹ đẻ của bé Tùng Anh: “Thuận là con gái ông Phạm Văn Tháng, hoàn cảnh gia đình cực kỳ éo le. Ông Tháng và hai cô con gái bị điên. Tôi vừa thấy Thuận về đây, đạp xe đi ngoài đường”. Tôi hỏi thông tin về bé Tùng Anh, ông Thanh nói: “Tôi không rõ lắm, xã có 7.000 dân, làm sao tôi nhớ hết, mới đây công an hình sự thành phố Hà Nội có về xác minh”.
Trong ngôi nhà có 3 người điên này, không hề có dấu hiệu nào cho thấy bé Tùng Anh ở đây
Nhưng ông Phạm Văn Vinh - Phó Chủ tịch kiêm trưởng Công an xã Xuân Châu lại đưa ra một thông tin về chị Thuận khác hẳn với những gì ông Bí thư Đảng ủy xã vừa nói với tôi: “Thuận đi Trung Quốc từ tháng hai rồi. Lúc đi cũng chẳng khai báo gì với công an xã, không biết đi bằng con đường nào. Thuận cũng đã cắt hộ khẩu ở quê”. Tôi hỏi: “Đứa con chị Thuận có ở quê không”.
Ông Vinh trả lời: “Nghe nói thằng bé đang ở trong miền Nam với một ông bác”.
Tôi tìm đến nhà ông Tháng - gia đình có nhiều người điên mà ở vùng quê này ai cũng biết. Nằm dưới triền đê, lối vào sâu hút, cỏ dại mọc đầy. Ngôi nhà cũ nát khuất nẻo toát lên vẻ cô liêu, hoang vắng dù nằm giữa xóm làng đông đúc dân. Trong ngôi nhà tiêu điều ấy, có ba gương mặt thất thần dại dại nhìn ra. Đó là ông Tháng và hai cô con gái bị điên. Bà Vũ Thị Hạnh - mẹ Thuận - gương mặt khắc khổ, quần áo nhàu nát bước ra chào khách. Bà Hạnh là người duy nhất không bị điên trong ngôi nhà này.
Bà Vũ Thị Hạnh, mẹ của chị Phạm Thị Thuận cho hay bé Tùng Anh đang ở trong một ngôi chùa ở miền Nam.
Gương mặt buồn của bà càng trở nên trĩu nặng khi tôi hỏi về chị Thuận và bé Tùng Anh. Chậm rãi và mệt mỏi, bà kể: “Trước đây con gái tôi vào miền Nam rồi lấy một người chồng ở trong đó. Nhưng chồng Thuận, nghiện hút thường xuyên đánh đập.
Có bầu 4 tháng, Thuận không chịu được phải bỏ về quê. Về quê nghèo quá không sống được, Thuận lên chùa Bồ Đề, sinh cháu ở trên đó. Một thời gian sau, chị Hậu, là chị gái tôi không có con trai nên xin cháu khỏi chùa Bồ Đề về để làm con nuôi coi như con đẻ. Đến lúc, chồng chị Hậu cũng tá túc trong một ngôi chùa đâu ở miền Nam, cho biết ở trong này chùa cũng cho trẻ con ăn học đầy đủ lắm. Thì thôi, cho cháu vào đó.
Thằng bé bây giờ ở miền Nam với anh rể tôi, thỉnh thoảng tôi có điện thoại vào. Anh rể tôi ngoài đời là Đinh Xuân Ánh, còn tên Phật là Thích Tâm Hiền. Còn cháu tôi ở chùa tên là Tùng Anh, nhưng giấy khai sinh là Lâm Chí Thiên. Bố cháu họ Phạm, nhưng không hiểu sao lại lấy họ Lâm. Bố cháu nghiện hút, đi buôn ma túy, bây giờ đang ở trong tù. Cả nhà tôi, chồng và hai con bị tâm thần trừ tôi ra thôi”.
Ông Mạc - công an viên của xóm 8, ngồi bên cạnh thốt lên: “Gia đình này bị điên gia truyền, cả bà mẹ già đang nằm trong kia cũng vậy, tội lắm. Chỉ có bà Hạnh không bị điên nhưng cứ sống thế này thì bà cũng điên mất”.
Ông Mạc vừa dứt lời thì một người đàn ông ở trần chạy vào, chửi oang oang: “Này ông công an, ở đây có con điên hay đánh người, tôi nói cho ông biết, nếu ông không có trách nhiệm thì án mạng xảy ra có ngày”. Người đàn ông ở trần hung dữ chửi rủa trước mặt khách lạ. Ông Mạc cười buồn: “Đây là em trai của ông Tháng, cũng bị điên nốt”.
Sáng nay, Phạm Thị Hòa - cô con gái điên vừa đánh mẹ, đánh bố đã bỏ đi sau khi người chú điên sang đánh Hòa rất đau. Cô con gái Phạm Thị Hiền, điên nhưng không quậy phá, cứ ngồi trong cửa sổ nhìn ra, gương mặt vô hồn và cái cười ngây dại.
Bà Hạnh vẫn cái chất giọng buồn sền sệt: “Nhà tôi không có ruộng, xin được tí ruộng thừa để cấy, có gì ăn nấy. Ngần ấy người điên, mỗi tháng nhà nước trợ cấp cho mỗi người 270 nghìn đồng, cộng lại được 810 nghìn đồng, không đủ ăn nói gì mua thuốc. Ở nhà nghèo khó quá, con Thuận phải đi Trung Quốc làm ăn với hai cô và bác. Nó ở tỉnh nào tôi cũng không rõ…”.
Trong ngôi nhà của 3 người điên, không có một dấu hiệu nào cho thấy Tùng Anh đã từng ở đây. Bà Hạnh cũng chẳng có ý niệm gì về đứa cháu ngoại bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề. Bà nói một cách mơ hồ rằng Tùng Anh đã từng về đây một lần, rồi đi mãi.
Tôi hỏi bà tên ngôi chùa ở miền Nam mà Tùng Anh đang ở với người anh rể mà theo bà có pháp danh là nhà sư Thích Tâm Hiền, bà lắc đầu: “Không biết”. Tôi hỏi bà số điện thoại của người mà bà nghĩ đã là Thích Tâm Hiền, cũng là anh rể của bà, bà cũng lắc đầu: “Không biết”. Vậy mà hồi nãy bà nói: “Thỉnh thoảng có điện thoại vào”.
Tôi cũng hiểu ở gia đình chỉ còn mình bà Hạnh không điên như bà tự thừa nhận này, khi cơm còn bữa đói bữa no thì điện thoại là một thứ xa xỉ. Nhưng tại sao tung tích đứa cháu ngoại Tùng Anh lại mơ hồ và khó kiểm chứng đến như vậy? Trong khi đó, trước khi về đây, tôi đã rất tin vào những dòng xác minh này: “...Hiện cháu Tùng Anh đang sinh sống cùng mẹ ở địa chỉ trên”.
Tùng Anh đang ở đâu? Về tận nhà mẹ Tùng Anh, câu hỏi đó chưa được trả lời mà lại thêm những câu hỏi khác. Ngay cả việc tìm mẹ Tùng Anh cũng như bóng chim tăm cá.
Ông Mạc - công an xóm nói đầy vẻ chua xót: “Cái Thuận trước đây từng là giáo viên đấy, nhưng thỉnh thoảng cũng có những triệu chứng bất bình thường lạ lắm. Thuận từng lấy phân bôi lên người bố chồng. Cả nhà ông Tháng trước đây nghèo khổ quá, đã từng vào Lâm Đồng, rồi sau cũng phiêu dạt khắp nơi. Nghe nói ông Tháng đã từng được sư Đàm Lan cưu mang ở chùa Bồ Đề 3, 4 năm rồi mới về quê”.
Tùng Anh chưa một lần về quê mẹ?
Tôi rời khỏi nhà bà Hạnh, ám ảnh khi nhìn vào những gương mặt vô hồn nhưng chất chứa đau khổ kia. Chưa bước ra khỏi ngõ, thì một phụ nữ cất tiếng chào, rồi bảo: “Tôi tên Thân, hàng xóm nhà bà Hạnh. Các bác tìm Thuận à, người ta nói Thuận đi Trung Quốc nhưng không phải đâu. Trước nó sống ở đây cả năm, rồi đi làm thuê cho con ông Mạc ở đài phát thanh xã. Mỗi lần về nhà con em gái lên cơn vật xuống đánh Thuận ác quá, Thuận phải đi. Đi đi về về làm thuê chứ không đi Trung Quốc”.
Bà Thân - hàng xóm nhà chị Thuận khẳng định chưa một lần thấy bé Tùng Anh về nhà mẹ
“Chị có thấy thằng bé Tùng Anh con chị Thuận về đây”.
Bà Thân nói ngay: “Chưa một lần về đây, nhà tôi ở sát nách, tôi biết ngay. Trên có giời dưới có đất, tôi không bao giờ nói sai”.
Câu chuyện của bà Thân lại nhói lên trong tôi những câu hỏi mới: “Nếu chị Thuận không đi Trung Quốc thì ở đâu, sao không nuôi con mình mà lại gửi vào chùa trong khi trước đây Tùng Anh cũng đã từng ở chùa?”.
Nếu như theo câu chuyện của Nguyễn Thị Bích Ngọc và nhóm thiện nguyện thì Tùng Anh bị bỏ rơi ở chùa khi chưa cắt rốn. Nhưng theo lời kể của bà Hạnh thì con gái bà vào chùa rồi sinh Tùng Anh ở đấy.
Tôi trao đổi thông tin này với Ngọc thì Ngọc khẳng định: “Hồi đó, em thường xuyên đến chùa Bồ Đề chăm sóc Tùng Anh, em chưa gặp một người nào khiến em linh cảm đó là mẹ Tùng Anh cả. Vì hồi đó chùa còn ít bé và ít bảo mẫu nên em nhớ rất rõ”.
Tôi rời khỏi xã Xuân Châu, lòng nặng trĩu bởi câu nói của Ngọc: “Em đã xin địa chỉ của Tùng Anh ở miền Nam để bay vào thăm, nhưng họ không cho. Xin một tấm hình của bé cũng không được. Hiện nay Tùng Anh, Hoàng Anh, Huy Anh vẫn chưa biết đang ở đâu?”.
Câu hỏi và nỗi niềm băn khoăn đau đáu đó, xin được chuyển đến các cơ quan chức năng.
Xem bài trước bài này: Nhóm thiện nguyện chùa Bồ Đề và hành trình tìm sự thật. Xem tại đây.

Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Nhóm thiện nguyện chùa Bồ Đề và hành trình tìm sự thật

Chủ đề: Vụ án mua bán trẻ em
Nhóm thiện nguyện chùa Bồ Đề và hành trình tìm sự thật
Copy từ http://www.tienphong.vn/xa-hoi/nhom-thien-nguyen-chua-bo-de-va-hanh-trinh-tim-su-that-753435.tpo , đăng ngày 29/08/14, mục Xã hội.
TP - Bảo mẫu bán trẻ con chùa Bồ Đề bị vạch mặt như thế nào? Phát hiện những đứa bé mất tích khỏi chùa ban đầu chẳng phải công an, chẳng phải thanh tra hay thám tử mà là một nhóm thiện nguyện sang chùa để làm từ thiện.
Tôi không ngờ, Nguyễn Thị Bích Ngọc - trông nhỏ nhắn và trẻ như một nữ sinh lại chính là nhân vật chính trong câu chuyện mang đầy màu sắc “phá án” này...
Kỳ 1: Những câu hỏi quanh bé Tùng Anh
Gặp tôi trong một ngày đang xôn xao dư luận về vụ án chùa Bồ Đề, Ngọc kể lại hành trình cùng nhóm thiện nguyện đến với chùa Bồ Đề cho đến bây giờ, khi mà sự thật chua xót được phơi bày và có những câu hỏi chưa được trả lời như, những em bé “mất tích” thực sự đang ở đâu?
Bé Tùng Anh ở chùa Bồ Đề
Chính vì vậy ngày 22/8/14, Văn phòng Thành ủy Hà Nội có thông báo về kết luận đối với công tác quản lý, nuôi dưỡng trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội tại chùa Bồ Đề (quận Long Biên).
Theo đó, Thành ủy yêu cầu cơ quan công an tiếp tục điều tra, sớm kết luận vụ việc có dấu hiệu mua bán trẻ em xảy ra tại chùa.
Chăm sóc những đứa trẻ bị bỏ rơi khi chưa rụng rốn
Ngọc đến với chùa Bồ Đề từ tháng 8/2007 để cùng CLB Tháng 5 và Đài VTC tổ chức đêm hội trăng rằm cho các bé ở đây đón Trung thu. Đêm rằm ấy, Ngọc nhìn thấy một bé trai vẫn còn dây rốn. Hỏi sư cô, sư cô nói bé bị vứt ở cổng chùa. Đứa bé đó được đặt tên Tùng Anh.
Cả nhóm 10 người, coi Tùng Anh như con, thường xuyên qua bế ẵm, chăm sóc. Nhóm thường bồi dưỡng tiền cho các cô bảo mẫu, mua sữa, thuốc men, các vật dụng như đèn chống muỗi, mùa đông mua kem nẻ, mùa hè mua quạt. Hồi đó, cơ sở vật chất của chùa còn rất kém, thiếu thốn đến mức nhiều em bị sốt cao nhưng không có thuốc.
Cứ thế, từ năm 2007 đến 2012 Ngọc cùng nhóm thiện nguyện của mình đều đặn đến với các em nhỏ như người thân trong gia đình. Họ bỏ tiền túi ra mua sắm cho những đứa trẻ ở chùa bằng thứ tình thân ấy mà không hề suy tính thiệt hơn. Dần dần họ phát hiện ra những chuyện trái tai gai mắt ở ngay chốn tu hành.
Ngọc kể: “Đồ đạc mua thì đăng ký để các sư cô cho vào kho, nhưng em phát hiện thấy những đồ mình đăng ký các bé không được nhận. Bởi vì em không như người khác chỉ đến chùa một hai lần trong năm nên không phát hiện thấy gì bất thường. Một tuần em sang chùa khoảng 3- 4 lần.
Cty em gần chùa, em lại còn trẻ, hết giờ làm em sang chùa chơi, tắm cho các bé, ở với các bé khoảng 4-5 tiếng thì em về. Đồ đạc bọn em mua tặng nhưng không thấy các bé được sử dụng. Thấy có vấn đề nên bọn em phải thay đổi cách làm từ thiện, chúng em mua đồ sẵn mang xuống trực tiếp cho các bé ăn uống”.
Một tuần, cứ ba bốn hôm đến chùa Bồ Đề như vậy, Ngọc đặc biệt gắn bó với Tùng Anh - cậu bé mà cô gặp khi chưa cắt dây rốn đêm Trung thu - bây giờ rất bụ bẫm, tên thường gọi là Khoai. Nhưng cho đến một ngày tháng 1/2008 Ngọc đến thì không thấy Tùng Anh đâu nữa.
Tùng Anh đi đâu? Có thông tin cho biết Tùng Anh đến chùa An Đà - Hải Phòng. Linh - một thành viên trong nhóm của Ngọc - xác minh ở chùa An Đà không hề có Tùng Anh. Linh gọi điện báo cho Ngọc. Ngọc lập tức vào chùa Bồ Đề. Vào chùa không gặp được sư trụ trì Đàm Lan, chỉ gặp được sư cô. Sư cô cho biết: “Mẹ đẻ đến đón Tùng Anh đi rồi”.
Ngọc ngạc nhiên: “Con thường xuyên ở đây, con không tin là mẹ đẻ đến đón Tùng Anh. Có cái gì chứng minh đó là mẹ đẻ không”. Sư cô chỉ nói: “Thôi mẹ đẻ đến đón rồi, tra thông tin làm cái gì, tôi không biết”. Đi tìm tung tích của Tùng Anh, chỉ nhận được những thông tin lập lờ, lấp lửng. Ngọc và nhóm thiện nguyện vừa buồn vừa bức xúc vừa đặt ra rất nhiều câu hỏi.
Ngọc nói với sư cô: “Tụi con rất yêu Tùng Anh, chăm sóc bé từ khi chưa cắt rốn. Nếu thật sự bây giờ bé được mẹ đón thì mừng quá, cho bọn con xin thông tin để thăm cháu”. Sư cô lắc đầu nói: “ Không cung cấp được thông tin”.
Sau Tùng Anh, đến lượt bé Việt Anh cũng “mất tích”. Sư cô vẫn nói: có người đón về nuôi rồi. Ngọc thấy có vấn đề, lân la hỏi các cô bảo mẫu, cô Cúc, cô Sen… Các cô bảo mẫu cho hay Việt Anh được cho làm con nuôi.
Có gì đó chua xót lẫn uất ức trong giọng kể của Ngọc: “Từ đó, sự nghi ngờ trong em ngày càng lớn. Mỗi lần sang chùa, em đều có ý thức chụp ảnh các bé và lưu trên blog 360 (hồi đó có blog 360 của yahoo). Em cũng sưu tập các bài báo nói về chùa. Một bài trên báo điện tử Ngôi Sao, sư Đàm Lan nói đến thời điểm này sư trụ trì chỉ trả duy nhất một trường hợp khi bố mẹ nghiện vào tù gửi con, khi ra tù bố mẹ xin đón con. Em suy ra, Tùng Anh không phải bố mẹ đón. Vậy Tùng Anh đi đâu?
Trên một tờ báo lại viết Tùng Anh được đưa lên số 2 Yên Bài chữa bệnh, thời điểm đi là tháng 2/2009. Có một chi tiết đặc biệt là năm 2008 khi Tùng Anh biến mất thì ở chùa có đón nhận một bé mới cũng tên là Tùng Anh, bé này có bệnh. Xâu chuỗi thông tin thì em nghĩ bé này là Tùng Anh thứ hai.
Tùng Anh trong vòng tay của thành viên thiện nguyện
Ngọc vẫn tiếp tục mạch câu chuyện: “Trong bản xác minh 11 bé bị “mất tích” của công an quận Long Biên, các bé đều có bố mẹ. Vậy hóa ra những người thiện nguyện như bọn em bị lừa.
Em tìm hiểu: “Thế nào là bé bị bỏ rơi?” Là những bé bị mất cha, mất mẹ hoặc vô thừa nhận. Người nhận được bé, phải thông báo cho chính quyền địa phương, thông báo trong ba mươi ngày liên tục trên loa phường xã. Sau 30 ngày nếu không ai nhận thì được ghi là bị bỏ rơi.
Em nghĩ khi trao trả các bé cho cha mẹ, tất cả các trường hợp phải được chụp ảnh. Vậy cho em xin những bức ảnh vào thời điểm trao trả đó. Bây giờ mà trao cho em giấy viết tay thì em không nhận, vì đó không phải là những giấy tờ chính thống đáng tin cậy.
Trường hợp mất tích của bé Huy Anh trong đơn đề nghị điều tra em có nêu, nhưng khi phóng viên của Vietnam Plus sang gặp sư trụ trì thì sư nói trong chùa không có bé nào tên là Huy Anh.
Ngày 1/8/14 vừa rồi, công an quận Long Biên lại khẳng định có đủ 11 trường hợp và bé Huy Anh lại đang ở chùa. Không hiểu bằng cách nào, nhiều cháu bé biến mất lại đang được đón về chùa. Có một số cháu được nhận làm con nuôi.
Em đặt vấn đề: làm sao các bé đang ở trong chùa, sau đó lại có mẹ đẻ đón ra khỏi chùa. Mà cứ mẹ đẻ đến đón thì lại được cho một gia đình khác làm con nuôi. Cho đến bây giờ em không hiểu là những bảo mẫu ở đó cho bao nhiêu con nuôi? Sư nói không cho trường hợp nào cả, nhưng trên Báo Phụ nữ TPHCM có ảnh chụp đơn cho nhận con nuôi, người cho con nuôi là Thích Đàm Lan, có chữ ký và đóng dấu.
Ngọc nói: Em đặt câu hỏi, bé Tùng Anh của em biến mất tháng 1/2008, tại sao lại có giấy biên nhận chuyển cháu lên số 2 Yên Bài vào tháng 2/2009? Em yêu cầu nhà chùa có trách nhiệm trả lời? Phải chăng khi một bé Tùng Anh biến mất thì có một bé Tùng Anh khác thay vào?
Những câu hỏi chưa có lời đáp
Ngọc chỉ cho tôi những bất nhất trong các con số mà sư trụ trì đưa ra mà cô gái này cùng nhóm thiện nguyện đã cẩn thận thống kê, sưu tập trên báo chí.
Sư trụ trì Thích Đàm Lan trả lời trên báo năm 2007 ở chùa Bồ Đề hiện nuôi dưỡng có 40 cháu. Năm 2008 có 47 cháu. Năm 2009, 2010, nhà chùa trả lời trên trang RFA quốc tế: Hiện tại trong chùa đang nuôi dưỡng 98 em, từ 20 tuổi trở lại, trong đó có 47 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, 4 trẻ chưa được 10 tuổi. Cộng lại là 51 trẻ.
Năm 2011, sư trụ trì trả lời trên báo Pháp luật là có 60 trẻ sơ sinh. Năm 2012 nhà chùa cho báo chí biết là đang có 150 cháu nhưng ngày 20/7/2014 sư nói trên báo là có 112 trẻ. Đến ngày bảo mẫu Trang bị bắt, công an Hà Nội vào kiểm tra chùa còn 106 cháu. Theo Ngọc con số trẻ em “biến mất” khỏi chùa Bồ Đề không dừng lại ở 11 bé.
Trong danh sách các bé, trùng tên, lặp tên rất nhiều. Ngọc quan sát và nhận thấy hầu như cứ một bé “biến mất” thì sẽ có một bé lặp tên y hệt thế vào. Nhà chùa không có danh sách hằng năm có bao nhiêu trường hợp các bé ra vào, ra đi đâu, về với ai, có chính quyền địa phương làm chứng không?
Thời gian đó, thấy những dấu hiệu đáng ngờ, nhóm thiện nguyện đã viết đơn đề nghị điều tra.
Bây giờ Ngọc cùng các bạn vẫn đau đáu với câu hỏi: các bé Tùng Anh, Việt Anh, Minh Anh - những đứa trẻ mà họ chăm sóc khi còn đỏ hỏn - đang ở đâu?
Từ câu chuyện của Ngọc, tôi đi tìm tung tích của Tùng Anh - đứa bé tưởng như “mất tích” nay bỗng có địa chỉ nơi ở rất rõ ràng do công an quận Long Biên xác minh. Tôi theo địa chỉ ấy về Nam Định, nơi mà Tùng Anh được cho là đang sống cùng mẹ. Nhưng thực hư của thông tin này thế nào?
Hết kỳ 1, xin mời xem tiếp kỳ 2 tại đây
Phùng Nguyên

Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Câu ếch,đặt trúm lươn mùa nước nổi

Câu ếch,đặt trúm lươn mùa nước nổi
Copy từ http://nld.com.vn/2011082802565296p0c1201/cau-ech-dat-trum-luon-mua-nuoc-noi.htm, đăng ngày 28/8/2011, mục Địa phương.
Hàng năm, cứ vào đầu mùa nước nổi, nước từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về tràn vào đồng ruộng, đìa, bàu, kinh, rạch,… tạo điều kiện cho các loài thủy sản sinh sôi, nảy nở. Vào thời điểm này, người dân châu thổ ĐBSCL chuẩn bị “đồ nghề” để thả lưới, giăng câu, đặt lờ- lọp, đóng đáy,…
Câu ếch mùa lũ ở Thanh Bình (Đồng Tháp)
Câu ếch mùa nước nổi rất đơn giản, vừa tiện lợi vừa ít tốn kém, mang lại hiệu quả cao. Chỉ cần vài trăm ngàn đồng là sắm được đầy đủ dụng cụ để câu ếch: cái cần câu vót bằng tre, dây gân và lưỡi câu như cần câu cá nhưng ngắn, chỉ bằng 1/3.
Mồi ếch được sử dụng thích hợp là: nhái con hoặc ốc, cá bằm nhuyễn…
Lúc trời mưa vào chập choạng tối, những người câu ếch đã chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ, móc mồi vào lưỡi câu, đi dọc theo các bờ ruộng, ven vườn tìm nơi ếch thường trú ẩn để cắm câu… Sau vài giờ họ trở lại thăm câu, ếch đã dính cần câu trĩu nặng, người cắm câu chỉ cần gỡ bắt con ếch bỏ vào rọ, tiếp tục móc mồi mới, rồi ngồi chờ.
Anh Ba Tâm (xã Phú Đức, huyện Tam Nông) cho biết: “Tôi sắm 60 chiếc cần câu mỗi đêm kiếm cũng được 4- 5kg ếch, bán được hàng trăm ngàn đồng, đủ chi tiêu cho gia đình…”
Anh Năm Hải (xã Hòa Bình, huyện Tam Nông) có 10 công ruộng. Anh sắm sẵn 100 cần câu. Sau khi thu hoạch lúa Hè Thu xong, hai đứa con trai lớn đi cắm câu bắt ếch mỗi đêm.
Anh Hải cho biết: “… Mỗi đêm, thằng Sơn, thằng Hà bắt cũng được 5- 7kg ếch. Đêm nào trúng bắt được hơn 10kg ếch, bán trên 400.000đ”. Cháu Sơn ngồi kế bên tiếp lời: “Đi câu ếch thích lắm chú ơi. Có đêm trúng câu dính trên chục ký, con nào con nấy bự bằng bàn tay xòe, thấy phát mê! Ếch xào sả ớt, xào củ hành ăn ngon “bá chấy”, còn nhậu thì có ếch rang muối là nhứt xứ. Vậy mời chú ở nhà cháu ăn cơm và lai rai với ba cháu chơi…”
Không chỉ câu ếch, người dân Đồng Tháp Mười còn đi soi ếch! Người đi soi ếch mang theo giỏ, bao, đèn pha, nơm… Trời tối, người đi soi thường tìm tới những nơi có vũng nước đọng, hố lá, đìa, bàu… và có tiếng ếch kêu nhiều. Sau đó, tắt đèn ngồi rình. Những con ếch say sưa bắt cặp, người soi bước nhẹ nhàng đến mở đèn lên ra tay bắt từng cặp ếch bỏ vào giỏ. Nếu ếch lặn xuống hồ nước thì dùng nơm chụp. Chỉ cần soi vài giờ là bắt được 5- 7kg ếch, có đêm soi trúng cũng hơn 10kg ếch, vừa cải thiện bữa ăn, vừa kiếm nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình!
Cùng với nghề câu ếch, soi ếch, nghề đặt trúm bắt lươn ở các huyện vùng sâu Đồng Tháp Mười này cũng đang phát triển mạnh. Nhiều nông hộ ở đây nhờ nghề đặt trúm bắt lươn mà đã vượt qua cảnh khốn khó trong mùa nước nổi. Anh Lê Văn Tuấn (xã An Phong, huyện Thanh Bình) có 4 nhân khẩu hành nghề đặt trúm hơn 5 năm qua cho biết: “Từ ngày mùng 5/5 âm lịch đến nay, mỗi đêm tôi đặt hơn 50 ống trúm kiếm cũng được trên- dưới 3kg lươn. Đêm nào trúng thu hơn 5kg, bán trên 400.000đ!”
Vợ chồng anh Đường đặt trúm bắt lươn.
Đặt trúm bắt lươn hiện đang là một nghề chính để tạo việc làm và đem lại nguồn thu nhập chính cho vợ chồng anh Trần Văn Đường và chị Trần Thị Thừa (ấp Tây, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp). Mỗi ngày, vào buổi xế trưa, vợ chồng họ thay phiên nhau đẩy xe dọc theo tuyến Quốc lộ 30 thuộc địa phận xã Tân Thạnh đến thị trấn Thanh Bình và xã Bình Thành hoặc đi dọc tuyến Đường tỉnh 843 thuộc các xã Tân Phú, Tân Mỹ... tìm nơi để đặt trúm... Đến 5- 8 giờ sáng hôm sau thi đi dỡ trúm. Mồi đặt lươn thường là trùn, cua, ốc chết, cá tép thối...
Với 80 ống trúm, bình quân mỗi ngày gia đình anh Đường kiếm được trên dưới 3kg lươn, bán cho những thương lái chở đi TP Cao Lãnh, TX Sa Đéc... Với giá 150.000 đ/kg lươn loại 1 và 120.000 đ/kg lươn loại 2, thu nhập từ 300.000- 500.000 đ/ngày.
Anh Đường vui vẻ nói: “Với nghề đặt trúm bắt lươn hàng năm, vợ chồng tôi kiếm được không dưới 10 triệu đồng, đủ để trang trải mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình và nuôi con ăn học”. Chị Thừa- vợ anh Đường ngồi kế bên tiếp lời: “Đặt trúm mê lắm chú ơi! Mỗi lần dỡ trúng không dưới 7kg lươn, vừa cải thiện được bữa ăn vừa có tiền mua gạo, quần áo, sách vở cho các con tôi ăn học...”

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Quả chanh: Thần dược hỗ trợ thận vô cùng hiệu quả

Quả chanh: Thần dược hỗ trợ thận vô cùng hiệu quả
Copy từ http://phunutoday.vn/suc-khoe/qua-chanh:-than-duoc-thanh-loc-co-the---ho-tro-than-cuc-tot-54300.html, đăng ngày 27/08/14, mục Sức khỏe.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, chanh là trái cây rất tốt cho quá trình thanh lọc cơ thể. Hàm lượng dinh dưỡng trong chanh giúp loại bỏ độc tố và thúc đẩy hệ tiêu hóa.
Chanh là một loại thực phẩm tốt nhất trong việc giúp thanh lọc gan. Nhiều người thích uống nước chanh vì có chứa vitamin C, hàm lượng vitamin C cao 51,7mg/100g. Các chất flavonoit trong chanh (chất chống ôxy hóa) có thể chống các bệnh suy thoái não. Không chỉ thế, chanh còn có tác dụng làm sạch bàng quang, thận, hệ tiêu hóa và phổi.
Quả chanh: Thần dược thanh lọc cơ thể - hỗ trợ thận cực tốt.
Mệt mỏi, suy giảm, mụn… là những dấu hiệu bạn có vấn đề về sức khỏe. Phần lớn là do chế độ ăn không hợp lý khiến cơ thể tích tụ nhiều độc tố gây ra các hiện tượng trên. Thanh lọc cơ thể sẽ khiến cho bạn loại bỏ những độc tố đó
Thanh lọc cơ thể bằng chanh
Theo nhiều nhà nghiên cứu, chanh là trái cây rất tốt cho quá trình thanh lọc cơ thể. Hàm lượng dinh dưỡng trong chanh giúp loại bỏ độc tố và thúc đẩy hệ tiêu hóa. Hỗ trợ thận của bạn hoạt động hiệu quả.
Thường xuyên bổ sung một cốc nước hòa với nước vắt nửa quả chanh vào chế độ ăn hàng ngày của bạn còn giúp quá trình tiêu hóa của cơ thể diễn ra thuận lợi hơn. Có thể dùng quả chanh tươi hoặc nước cốt chanh đóng chai. Lưu ý người đau dạ dày không nên uống quá nhiều chanh.
Pha nước chanh
Thường xuyên bổ sung một cốc nước hòa với nước vắt nửa quả chanh vào chế độ ăn.
Để pha chế một ly nước chanh tốt cho sức khỏe, bạn hãy hòa 2 muỗng cà phê nước ép chanh tươi, 30ml nước lọc cùng một miếng quế và một lượng nhỏ mật ong hay đường.
Nên pha nước chanh bằng nước lọc ở nhiệt độ phòng, vì vitamin C có trong nước chanh sẽ nhanh chóng phân hủy nếu bạn pha bằng nước nóng, còn nếu pha bằng nước lạnh thì sẽ không dậy mùi thơm của tinh dầu chanh.
Thanh Lê (Theo Khoe & Dep)

Chuyện tình trong trẻo của "đôi vợ chồng" 40 năm không tình dục

Chuyện tình trong trẻo của "đôi vợ chồng" 40 năm không tình dục
Copy từ http://baophapluat.vn/chuyen-doi-toi/chuyen-tinh-trong-treo-cua-doi-vo-chong-40-nam-khong-tinh-duc-195272.html, đăng ngày 27/08/14, mục Gia đình > Chuyện đời tôi.
(PLO) - Giữa chốn heo hút, người đàn ông và người đàn bà nương tựa vào nhau bầu bạn. Với họ, tình người, sự đồng cảm quan trọng hơn chuyện tình dục. Gần 40 năm qua, họ đã bên nhau vượt lên những ánh mắt nhòm ngó, những lời dèm pha...
Đồng cảnh ngộ lận đận đận tình duyên
Xóm núi Đập Lồi, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định buổi chiều nắng đã vơi. Xóm làng thưa thớt dần, những thửa ruộng vừa gặt chỉ còn trơ cuống rạ im vắng, đến chân núi cứ ngỡ mình đã nhầm đường thì thấy thấp thoáng một mái nhà lẻ loi. Đến đầu ngõ, lũ chó sủa inh hỏi, một cụ bà từ trong nhà nhìn ra, hỏi: “Thưa cụ, chúng cháu tìm nhà bà Hai ạ?”, cụ bà mỉm cười: “Tôi đây”. Thì ra đây chính là nhà ông Trần Văn Cầu (SN 1914, còn gọi ông Mười) và bà Nguyễn Thị Diệu (SN 1920, còn gọi bà Hai).
Mời khách ngồi trên ghế nhựa đặt trước sân, bà Diệu bắt đầu kể về cuộc đời chìm nổi đa đoan. Cô bé Diệu sinh ra ở cửa Thuận An, tỉnh Thừa Thiên - Huế, gia cảnh quá nghèo khổ nên mới hơn 10 tuổi đã phải đi ở. Cô bé xinh xắn dễ thương bị ông bà chủ nhăm nhe gả bừa cho đứa cháu bị dở người. Không chấp nhận, Diệu trốn đi trong một đêm mịt mù.
Xin làm phụ hồ đi theo những đội làm công trình xây dựng ở khắp nơi. Năm 17 tuổi, Diệu lấy chồng. Năm 25 tuổi, chồng chết để lại hai đứa con, một trai, một gái. Rồi chiến tranh loạn lạc, thân gái dặm trường chẳng thể vừa mưu sinh, vừa lo an toàn cho con, Diệu buộc phải gửi hai đứa con cho người anh trai chồng ở tỉnh Long An.
Năm 1967, bà trở lại tìm con, đứa con gái nay đã lập gia đình, nhìn chiếc áo công nhân sờn vai và dáng vẻ khắc khổ của mẹ, lạnh nhạt cau mày: “Mẹ về, sao không nói cho con lên trên đó đón, để mua bộ quần áo khác cho mẹ. Mẹ mặc thế này đến rồi nhà chồng con họ khinh!”.
Nghe con gái nói vậy, bà cố ép những giọt nước mắt chảy ngược vào lòng, rồi quay mặt đi, tự nhủ với lòng rằng cứ để gia đình thông gia nghĩ rằng con gái mình là trẻ mồ côi, có khi người ta còn quý hơn là có người mẹ nghèo khó như bà. Tủi thân, rồi chẳng lời từ biệt, bà bỏ đi từ đó.
Sau ngày hòa bình lập lại, bà theo chủ thầu đi làm công trình ở khắp nơi, rồi về thủy điện Đập Lồi dừng chân. Tại đây bà gặp ông Cầu. Mấy năm gắn bó với công trình, gắn bó với mảnh đất nghèo tiền gạo nhưng giàu tình người, những con người cùng khổ cảm thông quý mến nhau.
Ngôi nhà nơi ông bà gần 40 năm sống chung.
Bà Diệu cho biết: “Những ngày nghỉ, công nhân ở gần về hết, chỉ còn tôi với ông Mười ở lại lúi húi nấu cơm dưới chân núi. Ông Mười lúc ấy cũng không gia đình, không con cái, tôi cũng cô đơn một mình. Thấy vậy nên bà chủ đất thương tình, bảo không có chỗ nào đi, không còn chỗ nào về thì bà cho đất cất nhà mà ở, vỡ rẫy làm ruộng mà sống. Tôi đồng ý, rồi ông Mười cũng ở lại. Chúng tôi cất cái nhà lá, mỗi người mỗi gian. Nhiều người ban đầu dòm ngó, gièm pha đủ điều nhưng chúng tôi vẫn mặc kệ, bởi miệng lưỡi người đời đâu hiểu được sự việc”.
Đôi mắt đục mờ hướng về phía chân núi, ông Cầu kể, đời ông cũng nghiệt ngã không kém. Ông sinh ra ở thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, thời trai trẻ khôi ngô, khỏe mạnh có tiếng ở trong làng, chỉ có điều gia cảnh bần hàn. Yêu một cô gái, đã hứa hôn, nhưng khi chuẩn bị thành gia thất thì ông bị tai nạn. Một tay gãy quặt, chân tập tễnh, Cầu sang nhà vợ chưa cưới, chợt nghe người mẹ cô gái nói với con: “Có lẽ thôi đi, chứ nó thành tật rồi, lấy về nuôi tốn cơm, rồi nó “báo” mình đó con”.
Anh lặng thinh quay về, vung dao chặt đứt ngón tay út, thề không bao giờ lấy vợ nữa, rồi bỏ làng đi từ đó. Qua bao cuộc thăng trầm, ông dạt vào vùng quê làm công nhân kiếm sống và gặp bà Diệu.
Tình người vượt lên tình đôi lứa
Ông lão nhỏ thó chợt ngừng lời. Vết thương lòng trong ông lẽ nào vẫn còn ám ảnh sau bao năm tháng dâu bể cuộc đời? Để xua tan đi không khí buồn bã, khách hỏi: “Ông thương bà Hai không?”. Ông trả lời: “Thương chứ, bả rủ rê ở cùng nhà cho có bạn mà”
Hai nhân vật của "câu chuyện tình trong trẻo"
Bà Diệu chợt cười: “Ông Mười 100 tuổi rồi mà vẫn… còn là “trinh nam” đấy. Ổng không cho ai đụng vào người, kể cả tôi. Bây giờ mắt ổng mờ nên tôi thường dắt tay đi, nhưng khi cảm giác phía trước là đường thẳng thì ổng lại đẩy tôi ra”.
Bà Diệu kể, sau khi dựng nên cái chòi để che nắng che mưa thì hai người nương vào nhau mà sống như anh em bạn bè, ngày ngày cặm cụi cày cuốc, trồng cây ở mảnh vườn nhỏ để trang trải cuộc sống. Cuộc sống với họ như thế là bình an. Họ không cần tình dục, cũng chẳng cần tiền bạc.
Cách đây 3 năm, khi thấy căn nhà xuống cấp mưa gió dột nát, lại phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, một nhà hảo tâm đã gửi 40 triệu đồng để ông bà sửa nhà, có chỗ tránh mưa nắng. Nhưng khi được chính quyền trao tiền, ông bà không nhận và nhờ chính quyền đem cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
“Sao cụ không nhận khoản tiền đó để sửa lại nhà? Ngôi nhà bây giờ cũng hư hỏng nhiều rồi, lỡ lúc mưa gió thì sao?”. Bà cụ mỉm cười giải thích: “Hai chúng tôi già rồi, sống nay chết mai biết đâu được. Bây giờ còn làm lụng được chưa đến mức phải ngửa tay xin ai, với lại cả cuộc đời chưa bao giờ biết đến số tiền lớn thế, tiêu sao hết. Thà mình dành phần đó lại cho gia đình nào đó cần thiết hơn mình có phải hay không”.
Rồi năm 2008, một số người trong làng thấy hoàn cảnh của hai ông bà khó khăn nên đến kéo điện, mua cho cái quạt và một cái vô tuyến. Nhưng cái vô tuyến đó cũng để cho nhện giăng bởi ông bà phần không biết sử dụng, phần sợ tốn điện. Bà kể: “Mấy năm trước, xã bảo lên nhận hỗ trợ tiền điện 90 nghìn đồng nhưng tôi không nhận. Tôi có dùng bao nhiêu đâu, nhường cho người khác”.
Ở tuổi gần đất xa trời, ông Mười mắt đã mờ, sức khỏe yếu dần. Từ ngày qua tuổi 90, ông được trợ cấp tiền người già 120 ngàn đồng/tháng. Khoản tiền đó ông phụ giúp bà Hai lo cơm nước. Còn bà Hai, hàng ngày dành thời gian chăm sóc mảnh vườn, rồi lại đi khắp làng bán mấy mớ rau, trái đu đủ, nải chuối vườn, kiếm vài đồng tiền lãi coi như đủ muối mắm. Hai ông bà có ba sào ruộng, nhưng gần chục năm nay ông Mười già yếu không làm việc nặng được nên đem cho người ta cấy mướn mỗi năm lấy được 150kg thóc.
Trong căn nhà chỉ có hai cái giường in dấu thời gian, chiếc vô tuyến giăng đầy mạng nhện, vài chiếc ghế nhựa đầy bụi im lìm góc nhà, tấm hình mấy đứa trẻ con ở đầu làng bà Hai xin về ngắm trong những đêm lạnh lẽo... Tài sản chẳng có gì, chỉ có “chuyện tình” trong trẻo của họ là đáng giá, là câu chuyện tình người nương nhau sống giữa khốn khó không một chút toan tính vụ lợi, không một sự so bì. Quy luật cuộc đời là như thế, hạnh phúc không phải nhiều tiền bạc, mà đến từ những điều rất bình dị đời thường./.
Nhuận Trí

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Xăm hình rết lên mặt thiếu nữ, hai bị cáo lãnh 4 năm 6 tháng tù

Xăm hình rết lên mặt thiếu nữ, hai bị cáo lãnh 4 năm 6 tháng tù
Copy từ http://nld.com.vn/phap-luat/xam-hinh-ret-len-mat-thieu-nu-hai-bi-cao-lanh-4-nam-6-thang-tu-20140826192427914.htm, đăng ngày 26/08/14, mục .
(NLĐO) - Chiều 26-8-14, TAND TP Vũng Tàu xét xử sơ thẩm và truy tố tội danh “cố ý gây thương tích” đối với Nguyễn Thị Anh (còn gọi là Trâm Anh, SN 1978) và Nguyễn Thị Hương (SN 1991), cùng quê Nghệ An- trong vụ án xăm hình 3 con rết lên ngực và mặt của nhân viên.
Tại phiên sơ thẩm, bị hại là Nguyễn Thị Giang có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa. Sau khi phía đại diện VKS tuyên bố bản cáo trạng trước tòa, bị cáo Anh đã nhiều lần quanh co chối tội. Tuy nhiên, căn cứ vào những bằng chứng và lời khai trước đó của cả bị hại và bị cáo, tòa tuyên Nguyễn Thị Anh 2 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thị Hương 2 năm tù.
Trâm Anh (phải) và Hương trước tòa
Tại phần xét hỏi, bị cáo Hương (nhân viên của Trâm Anh) cho rằng mình không ép buộc Giang phải đi xăm mình. Hương khai mình bị chủ đánh đập và đe dọa nhiều lần trước đó và việc đưa Giang đi xăm hình là do Trâm Anh chỉ đạo. Trâm Anh giữ giấy tờ và tiền lương của Hương nên cô ta mới phải làm theo lời bà chủ.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thị Anh phủ nhận bản cáo trạng của VKS nêu ra. Trâm Anh cho rằng mình không có hành vi cố tình gây thương tích, cũng không buộc chị Giang phải đi xăm mình như bản cáo trạng đã nêu. Tuy vậy, vị đại diện VKS đã đưa ra nhiều bằng chứng, cũng như lời khai trước đó để buộc tội hai bị cáo.
Theo cáo trạng, tháng 3-2008, Nguyễn Thị Giang (quê Nghệ An) làm thuê cho Nguyễn Thị Anh tại số 3, đường Lê Quang Định, TP Vũng Tàu. Do nghi ngờ chị Giang có quan hệ tình cảm với chồng mình là anh Phạm Thế Phong nên Trâm Anh sai Hương ép buộc Giang đi xăm 3 con rết lên người, một lên mặt và hai lên ngực chị Giang.
Ngọc Giang

Đà Lạt bị trận lũ lịch sử nhấn chìm trong biển nước

Đà Lạt bị trận lũ lịch sử nhấn chìm trong biển nước
Copy từ http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/da-lat-bi-tran-lu-lich-su-nhan-chim-trong-bien-nuoc-2014082611332954.htm, đăng ngày 26/08/14, mục Thời sự trong nước.
(NLĐO) - Trận lũ lịch sử đột ngột đổ về sáng sớm 26-8-14 đã nhấn chìm hàng trăm ha lúa, hoa màu và nhà dân ở thượng nguồn thác Prenn (TP Đà Lạt) và vùng hoa Định An (Đức Trọng, Lâm Đồng).
Sạt lở trên đèo Prenn
Cơn mưa lớn trên diện rộng kéo dài từ chiều 25-8 đến sáng 26-8-14 khiến nước đổ về gây ra lũ lụt nhấn chìm hàng trăm ha rau và hoa tại khu vực Sở Lăng (phường 10, TP Đà Lạt), tổ 19 thuộc khu vực phía thượng nguồn thác Prenn (phường 3, TP Đà Lạt) và vùng hoa Định An (xã Hiệp An, Đức Trọng, Lâm Đồng).
Theo những người dân sống lâu năm tại tổ 19, đây là trận lũ lớn nhất từ trước đến nay ở TP Đà Lạt. Nước lũ nhấn chìm hàng trăm ha hoa màu, làm ngập nhà cửa của người dân từ khu vực Sở Lăng đến vùng K’Long (xã Hiệp An), đồng thời làm sạt lở gần chục điểm trên đèo Prenn.
Anh Phạm Văn Nho (ngụ tại tổ 19), thất thần cho biết khoảng 1 giờ sáng 26-8-14, mọi người đang say ngủ thì lũ về đột ngột đổ về, nước dâng rất nhanh, tràn cả vào nhà làm ngập giường ngủ nên không ai kịp trở tay. Người dân chỉ còn kịp leo lên nóc nhà để tránh lũ, còn tài sản cứ mặc cho nước lũ cuốn trôi.
1.500 củ khoai tây giống của ông Phạm Văn Nho bây giờ chỉ còn chừng này
Hoa cúc vừa xuống giống ở tổ 19 bị nước lũ làm hư hại hoàn toàn
Bắp đang chờ thu hoạch cũng bị nước lũ nhấn chìm
Hoa màu ở khu vực trạm thu phí Định An bị nước lũ cuốn trôi
Sáng 26-8-14, theo ghi nhận của phóng viên tại vùng hoa Định An, nhiều diện tích lúa, hoa màu vẫn chìm sâu trong nước lũ. Bà Lê Thị Hà, Phó chủ tịch UBND xã Hiệp An, xác nhận đây là trận lũ lớn nhất từ trước đến nay. Ngay sau khi lũ ở thượng nguồn đổ về, chính quyền địa phương đã trực tiếp chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn, đồng thời hướng dẫn cho người dân tránh lũ kịp thời nên không có thiệt hại về người.
Nhà cửa người dân bị ngập sâu
Cảnh sát giao thông hướng dẫn người dân lưu thông trên Quốc lộ 20
Người dân bắt cá trên Quốc lộ 20, đoạn qua xã Hiệp An
Nước lũ cũng làm nhiều đoạn trên Quốc lộ 20 bị ngập, gây ùn tắc cục bộ nên cơ quan chức năng huyện Đức Trọng hướng dẫn cho xe chạy vào đường cao tốc để tránh kẹt xe.
Theo ước tính ban đầu, 200 ngôi nhà ở xã Hiệp An bị nước lũ làm ngập sâu từ 0,5 m đến 2 m; 200 ha lúa, rau và hoa bị nhấn chìm trong nước lũ.
Tin - ảnh: Phù Dung

Kỷ niệm 222 năm ngày mất của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ

Kỷ niệm 222 năm ngày mất của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ
Copy từ http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2014/8/359171/ , đăng ngày 25/08/14, mục Văn hóa - Văn nghệ.
Đoàn người dâng hoa trước tượng đài Hoàng đế Quang Trung
Ngày 24-8-14, tại Bảo tàng Quang Trung, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đã long trọng kỷ niệm 222 năm ngày mất của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ (29-7 âm lịch) với sự tham gia của đông đảo cán bộ và người dân địa phương.
Dưới tượng đài Hoàng đế Quang Trung, sau khi dâng hương và dâng hoa, đồng chí Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã đọc diễn văn kỷ niệm, ôn lại lịch sử phong trào Tây Sơn cùng thân thế và sự nghiệp lừng lẫy của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ. Chiến thắng giặc ngoại xâm của nghĩa quân Tây Sơn và của cả nước ta lúc bấy giờ đã chứng minh tài thao lược quân sự của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Sau khi thống nhất đất nước, Hoàng đế Quang Trung đã thực hiện nhiều chính sách khoan sức dân, phát triển kinh tế, giáo dục để chấn hưng đất nước. Điều đáng tiếc là sự nghiệp của triều đại Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ không kéo dài sau khi Hoàng đế Quang Trung qua đời năm 1792.
Đông đảo người dân dâng hương các anh hùng, nghĩa sĩ nhà Tây Sơn
Tin:Hiếu Vy(SGGP); Ảnh: Hoàng Trọng (Thanh Niên)

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Chương trình phẫu thuật từ thiện tại Khánh Hòa: Cả 3 cháu bé được cấp cứu đều tử vong

Chương trình phẫu thuật từ thiện tại Khánh Hòa: Cả 3 cháu bé được cấp cứu đều tử vong
Copy từ http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140825/chuong-trinh-phau-thuat-tu-thien-tai-khanh-hoa-ca-3-chau-be-duoc-cap-cuu-deu-tu-vong.aspx, đăng ngày 25/08/14, mục.
(TNO) Lúc 10 giờ sáng nay 25.8.14, cháu Pi Năng Tuấn Hữu (16 tháng tuổi, người dân tộc Raglai ở xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) đã tử vong sau 2 ngày được cấp cứu tại Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa.
Trước đó, hai cháu Nguyễn Ngọc Tuyết Vân (11 tháng tuổi, ở xã Diên Phú, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) và cháu Nguyễn Quang Minh (14 tháng tuổi, ở P.Vĩnh Hiệp, TP.Nha Trang) cũng đã tử vong vào ngày 24.8.14.
Đây là 3 trong số 13 trẻ được Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA - Hà Nội) tiến hành phẫu thuật vá môi, hở hàm ếch tại Bệnh viện Quân y 87 (Nha Trang, Khánh Hòa) trong hai ngày 22 và 23.8.14.
Các y bác sĩ của tổ chức này đã tiến hành khám sàng lọc cho 80 cháu sứt môi, hở hàm ếch của tỉnh Khánh Hòa và chỉ định 50 cháu được phẫu thuật trong đợt này. Tuy nhiên, khi tiến hành gây mê thì xảy ra sự cố.
Vào khoảng 10 giờ đến 13 giờ 30 ngày 23.8.14, sau khi gây mê, 3 cháu bé nói trên có những dấu hiệu bất thường như hôn mê sâu, suy, ngưng tuần hoàn, ngưng hô hấp, suy đa tạng, mất hết các phản xạ… nên các cháu được chuyển gấp lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Hai cháu Vân và Minh đã tử vong trong ngày 24 và cháu Hữu tử vong vào sáng 25.8.14.
Theo bác sĩ Nguyễn Bá Hành - Giám đốc Bệnh viện Quân y 87, nhận định ban đầu nghi các cháu bị sốc thuốc. Bệnh viện sẽ thành lập hội đồng chuyên môn để xem xét lại các quy trình của các khâu trong quá trình phẫu thuật.
Cũng trong ngày hôm nay, đại diện tổ chức từ thiện OSCA đã đến thăm, chia buồn với gia đình các cháu đồng thời hỗ trợ 120 triệu cho mỗi gia đình có cháu tử vong.
Được biết, trong ngày hôm nay, 25.8.14, Bộ Y tế đã đình chỉ chương trình phẫu thuật nụ cười của OSCA đồng thời yêu cầu thành lập hội đồng chuyên môn, đánh giá quy trình phẫu thuật và cấp cứu cho bệnh nhân, rà soát cơ sở pháp lý, điều kiện thực hiện, quy trình chuyên môn kỹ thuật của tổ chức từ thiện này.
Hải Viên

Thứ trưởng Bùi Văn Ga trấn an sỹ tử về "một kỳ thi quốc gia"

Thứ trưởng Bùi Văn Ga trấn an sỹ tử về "một kỳ thi quốc gia"
Copy từ http://baophapluat.vn/giao-duc/thu-truong-bui-van-ga-tran-an-sy-tu-ve-mot-ky-thi-quoc-gia-195088.html , đăng ngày 25/08/14, mục Dân sinh > Giáo dục.
Ảnh minh họa
(PLO) - Theo dự kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ công bố phương án thi và tuyển sinh trong thời gian tới. Do đó, rất có thể năm 2015, chỉ còn một kỳ thi quốc gia. Tuy nhiên, thực tế dư luận vẫn còn nhiều tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết:
- Hiện nay chúng ta có kỳ thi tốt nghiệp THPT, sau đó là kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) được tổ chức thành 3 đợt nên quá nặng nề. Trong khi đó, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chúng ta tổ chức kỳ thi 3 chung, xã hội cũng phàn nàn nhiều về độ phức tạp, tốn kém...
Từ năm 2011, Bộ đã nghiên cứu để làm sao có một kỳ thi nhẹ nhàng và ý tưởng đó đã được đưa vào Luật Giáo dục ĐH 2013, các trường ĐH được phép tự tuyển sinh, rồi Nghị quyết 29 cũng đưa ra vấn đề này. Việc đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH là việc phải làm để làm sao theo hướng một kỳ thi nhẹ nhàng, cùng lúc đạt 2 mục tiêu: xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở dữ liệu cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Sau khi xem xét thì thấy nếu tổ chức một kỳ thi chung quốc gia thì kỳ thi 3 chung không còn nữa, các trường ĐH hoàn toàn có thể tự chủ tuyển sinh.
Không có sự chồng chéo
Việc sử dụng kết quả có phải là cách duy nhất để các trường ĐH tuyển sinh không, thưa ông?
- Đây không phải là cách duy nhất để các trường ĐH, CĐ có thể tuyển sinh. Khác với kỳ thi 3 chung, bắt buộc các trường phải lấy kết quả đó để tuyển sinh với các quy định hết sức ngặt nghèo. Nhưng bây giờ, các trường được tự chủ tuyển sinh thì Bộ chỉ cung cấp cơ sở dữ liệu. Với dữ liệu này, các trường hoàn toàn có thể sử dụng để tuyển sinh viên vào trường hoặc sử dụng một phần kết quả kết hợp với kỳ kiểm tra riêng của mình... thậm chí, nếu thấy cần thiết, yêu cầu tuyển sinh cao hơn thì có thể tổ chức một kỳ thi riêng vào trường mình. Như vậy rất đa dạng, tùy theo yêu cầu của các trường, các ngành nghề của các trường có thể tuyển sinh theo cách nào cũng được.
Liệu có sự chồng chéo nào giữa đề án tuyển sinh riêng mà các trường đang xây dựng và đề án một kỳ thi quốc gia hay không? Nhiều trường vẫn mặn mà với “3 chung”, vậy vì sao lại phải tuyển sinh riêng?
- Việc nặng nhất đối với các trường trong kế hoạch thi riêng là đề thi, nếu như trước thi “3 chung” thì đề thi được Bộ lo đầy đủ, các trường không lo lắng về độ an toàn, rủi ro nên tuyển sinh riêng các trường sợ nhất là khâu làm đề.
Tuy nhiên, Luật Giáo dục ĐH và xu thế phát triển của các trường ĐH trên thế giới là tuyển chọn những người có năng lực phù hợp vào trường, bởi ĐH có nhiều ngành nghề đa dạng nên các trường sẽ tự quyết vấn đề này. Nếu chúng ta cứ giữ mãi kỳ thi “ba chung” thì các trường sẽ rất bị động, sẽ mất đi quyền tự chủ của nhà trường. Còn việc tuyển sinh riêng, các trường có tuyển được thí sinh hay không còn phụ thuộc vào uy tín, vị trí địa lý, thương hiệu… của các trường. Do đó, không có sự chồng chéo, mâu thuẫn. Nếu kỳ thi quốc gia được thực hiện thì các trường dựa trên đề án tuyển sinh riêng, vẫn có thể bổ sung thêm một số tiêu chí để chọn được sinh viên chất lượng, như cho kiểm tra bài test, có bài thi đánh giá năng lực, có phỏng vấn
Vậy làm sao để kiểm soát chất lượng nguồn tuyển của các trường tuyển sinh riêng, thưa ông?
- Mỗi đề án của các trường đã phải công bố ngưỡng chất lượng đào tạo, ví dụ, với ĐH thường trung bình là 6 điểm trở lên, CĐ 5,5 điểm trở lên. Đây là ngưỡng bắt đầu để xét tuyển, sau đó sẽ có những bài đánh giá về năng lực, phẩm chất theo từng trường. Việc các trường tuyển sinh riêng, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập các tổ thanh tra và đi kiểm tra lại thực hiện việc tuyển sinh riêng, đặc biệt là cam kết ngưỡng chất lượng đầu vào.
Hàng năm các trường có thể sẽ có 2 lần tuyển sinh. Đối với những trường đào tạo theo tín chỉ có thể tuyển vào mùa thu và mùa xuân. Trước mắt, trong 62 đề án tuyển sinh riêng năm 2014 chưa có đề án nào thực hiện tuyển sinh 2 lần/năm. Các trường đều kết thúc quá trình tuyển sinh của mình theo lịch chung của Bộ, theo đó ĐH cuối tháng 10 và CĐ cuối tháng 11. Nếu sau này có trường nào tuyển sinh riêng thực hiện tuyển 2 lần/năm thì Bộ sẽ xem xét, sắp xếp cho các trường này về thời gian tuyển của từng đợt để đảm bảo thống nhất, không lắt nhắt.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga
Học sinh không có gì phải lo lắng
Thưa ông, hiện nay xã hội cũng như hiệu trưởng các trường ĐH chưa thấy yên tâm về kì thi tốt nghiệp THPT tại các địa phương. Vậy làm thế nào để dư luận yên tâm về một kì thi quốc gia tới đây?
- Rõ ràng, độ tin cậy là yếu tố hết sức quan trọng đối với các trường muốn lấy kết quả của kỳ thi quốc gia để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Trong hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ 2014 vừa được tổ chức, các trường cũng cung cấp các giải pháp làm sao để có thể có được kết quả tin cậy. Bởi nếu kết quả đó không tin cậy, các trường sẽ phải tổ chức thêm một kỳ thi riêng thì sẽ gây phức tạp, tốn kém rất nhiều. Vì vậy, trong đề án một kỳ thi quốc gia, Bộ cũng đã đề xuất các giải pháp để chúng ta đảm bảo độ tin cậy, công bằng của kỳ thi. Chẳng hạn như tổ chức các điểm thi thành các cụm ở từng tỉnh, rồi chúng ta tổ chức chấm điểm chung các cụm liên tỉnh, các vùng. Cán bộ tham gia kỳ thi gồm sở, trường ĐH, CĐ, tổ chức thanh tra giám sát kỳ thi. Với giải pháp đó, hy vọng kết quả có độ tin cậy để các trường có thể sử dụng được.
Việc ra đề thi sẽ được đổi mới ra sao, thưa ông?
- Những năm vừa qua, chúng ta đều đổi mới công tác ra đề thi. Thành công nhất là năm 2014 vừa qua, chúng ta đã ra được đề thi rất phù hợp với khả năng làm bài của học sinh cũng như phân loại được học sinh. Do bài của chúng ta có kết cấu phù hợp như thế nên có thể đưa vào bài thi một số phần cơ bản để xét tốt nghiệp phổ thông, đồng thời cũng đưa những kiến thức nâng cao, phân loại học sinh để tuyển sinh ĐH, CĐ. Thành công trong công tác ra đề thi những năm gần đây khiến chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng ra đề thi cho 2 mục đích cho kỳ thi quốc gia sắp tới.
Những đổi mới này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thí sinh khi mà ở phổ thông, thầy - trò vẫn dạy- học theo chương trình cũ? Và phần đa học sinh lớp 12 năm học tới đang hoang mang không biết mình sẽ thi ra sao?
- Cách học và dạy ở phổ thông chưa thay đổi gì, dù thi theo môn thi hay thi tổng hợp bài thi với nhiều môn riêng rẽ. Do đó, chưa yêu cầu học sinh phải có kiến thức tích hợp. Học sinh không có gì phải lo lắng, vẫn học như bình thường những kiến thức có trong SGK. Việc thay đổi của một kỳ thi quốc gia đó là rất có lợi cho thí sinh: một kỳ thi có thể xét tuyển được nhiều trường. Trong khi đó, trước đây muốn làm được việc đó, thí sinh phải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT và một trong 3 đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Thứ hai, thi xong rồi, có kết quả các em mới đăng ký xét tuyển. Do đó, tránh hoàn toàn rủi ro thi “3 chung” trước đây quy định. Đối với những học sinh đã có bằng phổ thông rồi thì chỉ thi những môn các trường cần xét tuyển. Vì vậy, cả nội dung thi và cách thức sử dụng kết quả kỳ thi đều có lợi cho thí sinh, các em cứ yên tâm học tập.
Vậy phương án kỳ thi quốc gia sẽ được công bố khi nào?
- Bộ cũng đã lấy ý kiến các Sở GD&ĐT và thời gian qua cũng lấy ý kiến công luận, rồi lấy ý kiến các trường ĐH, CĐ cả nước. Sau khi có ý kiến của Bộ, của Sở, của công luận và đặc biệt là ý kiến của các em học sinh sẽ thi trong năm tới, Bộ sẽ chốt lại một phương án cuối cùng báo cáo Thủ tướng và Chính phủ rồi sẽ công bố sớm cho các em học sinh biết.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:
Cần công bằng, bớt nhiêu khê
Tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ 2014 mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt ra các vấn đề cụ thể được người dân hết sức quan tâm và mong muốn lãnh đạo các trường ĐH, CĐ nói riêng cũng như ngành Giáo dục tập trung giải quyết. Phó Thủ tướng cho rằng, người dân quan tâm “con tôi, cháu tôi học ở trường nào là phù hợp nhất, ra trường có việc làm, có thu nhập tốt. Học ở trường nào ra thì có cơ hội học tiếp, có cơ hội thăng tiến hơn. Vấn đề này đòi hỏi chúng ta phải xác định rõ hệ thống giáo dục, phân tầng, xếp hạng các trường đại học thế nào”.
Về vấn đề đổi mới thi cử, tuyển sinh, phương án một kỳ thi quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng quan trọng nhất là phải đảm bảo tổ chức một kỳ thi rõ ràng (thi cái gì, thi như thế nào); công bằng, bớt nhiêu khê nhất; cuối cùng là tổ chức thi thế nào để tạo động lực học tập cho học sinh. Cũng theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD&ĐT thực hiện nghiêm túc để công bố công khai trước dịp khai giảng năm học mới.
Kỳ thi có 2 mục tiêu vừa làm căn cứ xét tốt nghiệp phổ thông, vừa làm căn cứ cho các trường làm công tác tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Trước thực tế tỷ lệ tốt nghiệp THPT hiện rất cao thì trước mắt, kỳ thi quốc gia nên được thiết kế để làm căn cứ đáng tin cậy cho tuyển sinh ĐH. Về lâu dài, khi kiểm soát chất lượng đầu vào các trường ĐH tốt lên, các trường tự chủ hơn và quản lý chặt chẽ chất lượng đầu ra như nhiều nước trên thế giới thì lúc đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ đóng vai trò chính (cứ tốt nghiệp THPT là có thể ghi danh vào các trường ĐH). Trong quá trình triển khai có thể nảy sinh vướng mắc, Bộ GD&ĐT cần quyết liệt hành động - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguyệt Thương

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Trung tâm Trung Quốc nằm ở đâu?

Trung tâm Trung Quốc nằm ở đâu?
Copy từ http://petrotimes.vn/news/vn/quoc-te/trung-tam-trung-quoc-nam-o-dau.html, đăng ngày 24/08/14, mục Quốc Tế.
(PetroTimes) - Câu hỏi tưởng chừng dư thừa này một lần nữa khẳng định âm mưu bành trướng của Trung Quốc là có thật.
Trung Quốc và các nước lân cận
Bắc Kinh đương nhiên là trung tâm của Trung Quốc? Không phải vậy, đó chỉ là thủ đô chứ không phải là mốc địa lý nằm ở giữa Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc ngày nay chưa bao giờ công bố trung tâm địa lý của họ nằm ở địa phương nào.
Báo Le Figaro (Pháp) ra ngày 22/8/14 có bài phóng sự dưới tựa đề “Chine: l'empire sans milieu” (Trung Quốc, vương quốc không trung tâm), lý giải tại sao chính quyền Bắc Kinh không công nhận thôn Đổng Gia Lĩnh là trung tâm địa lý của Trung Quốc.
Thôn Đổng Gia Lĩnh ở huyện Đông Hương thuộc tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc, nằm trên độ cao 2.600m, là địa phương hẻo lánh nhất của tỉnh này. Năm 2000, một ngọn tháp bằng thép cao 20m được chính quyền huyện Đông Hương dựng lên tại đây để đánh dấu đây là trung tâm địa lý của Trung Quốc dựa theo khảo sát của một số nhà địa lý nổi tiếng. Thiết kế của tháp tuân theo đúng chủ trương truyền bá “đoàn kết dân tộc” của Chính phủ Bắc Kinh. Tháp gồm một quả cầu tượng trưng cho trái đất được đặt trên 56 cột, tượng trưng cho 56 dân tộc, đồng thời cũng đặt trên 34 trụ, đại diện cho 34 tỉnh của Trung Quốc.
Tháp Đổng Gia Lĩnh ở Cam Túc, tây bắc Trung Quốc, đã bị bỏ hoang
Thế nhưng, những người thiết kế công trình này nhanh chóng bị rơi vào quên lãng do sợ chính phủ trừng phạt. Vì ngay sau đó, Bắc Kinh khiển trách chính quyền địa phương rằng họ mới là người có thẩm quyền để ấn định đâu là trung tâm của đất nước. Sau khi dọa sẽ cho phá ngọn tháp, cuối cùng, chính quyền trung ương từ bỏ ý định, với điều kiện Đông Hương phải từ bỏ “danh hiệu” tự xưng này.
Sau vụ tháp Đổng Gia Lĩnh, hai ngôi làng khác của tỉnh Cam Túc cũng tự nhận là trung tâm của Trung Quốc đã phải nhanh chóng từ bỏ ý định. Từ đó, ngôi làng bị rơi vào quên lãng. Điều kiện sống của người dân ngày càng khó khăn, cơ sở hạ tầng xuống cấp do nhiều dự án du lịch không phát triển được.
Đối với chính quyền trung ương, về mặt địa lý, các ngôi làng trên sẽ không bao giờ là trung tâm của đất nước bởi một lý do quan trọng. Nếu tỉnh Cam Túc là trung tâm, thì Trung Quốc sẽ phải từ bỏ mọi tham vọng bành trướng lãnh thổ tới Đài Loan và trên các biển Hoa Đông và Biển Đông. Le Figaro trích dẫn lời phó giám đốc một cơ quan bản đồ Trung Quốc nói: “Nếu Trung Quốc công nhận một trung tâm chính thức, điều này chỉ gây thêm phiền toái với các nước láng giềng”.
Ông cũng khẳng định để xác định trung tâm của đất nước không có gì là khó về mặt khoa học, nhưng cơ quan ông không muốn gặp rắc rối. Vì ngoài các tranh chấp lãnh thổ trên biển, Trung Quốc còn có nhiều bất đồng với Ấn Độ. Nếu tính thêm các phần lãnh thổ ngoài khơi, trung tâm Trung Quốc sẽ phải dời xuống phía nam, về phía thành phố Tây An. Đây là kinh thành của các triều đại Tần, Hán, Đường và nổi tiếng với đội quân đất nung.
Vấn đề xác định trung tâm địa lý của Trung Quốc tưởng chừng rất dễ đối với các nhà khoa học địa lý nhưng lại không đơn giản với các chính trị gia ở Bắc Kinh.
Nh.Thạch (Le Figaro)
Bìa tạp chí Red

Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

"Bệnh"khoe của

"Bệnh"khoe của
Copy từ http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/benh-khoe-cua-20140823223355205.htm , đăng ngày 23/08/14, mục Văn hóa - Văn nghệ.
Việc một số người giàu có say sưa khoe của giữa một cộng đồng còn đầy rẫy cảnh đói nghèo, thậm chí có người phải tự tử vì không lối thoát dù đã cố gắng đủ đường, đã không khỏi gợi lên cảm giác bất nhẫn.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2011, Mark Zuckerberg - ông chủ thuộc thế hệ 8X (sinh năm 1984) của mạng xã hội Facebook, một trong hai tỉ phú trẻ nhất nước Mỹ và sở hữu khối tài sản trị giá tới 13,5 tỉ USD, được tạp chí Time (Mỹ) bình chọn là “Nhân vật của năm 2010” - đã làm nhiều người bất ngờ. Bất ngờ bởi lẽ nhiều người vốn quen nếp nghĩ một tỉ phú đô-la trẻ như Mark chắc phải vung tiền không chớp mắt, tiêu xài xa hoa để chứng tỏ sự giàu có của mình. Thế nhưng, mọi chuyện diễn ra ngược lại.
Thông tin báo chí khi ấy cho biết khi đến Sa Pa, Mark đã đi thăm nhà dân, tìm hiểu về cuộc sống của người dân tộc thiểu số miền Bắc Việt Nam, chủ yếu là cộng đồng người Mông và người Dao đỏ, thử cảm giác cưỡi trâu và ăn trưa với những món ăn truyền thống Việt. Một tờ báo thuật lại: Khi Mark và vợ chưa cưới tới Việt Nam, nhìn những hình ảnh cặp đôi này trên đường phố, nhiều người tỏ ra thất vọng vì cứ ngỡ giàu như họ thì mặc đồ hiệu “kinh khủng”, chứ ai ngờ Mark đi dép lê, còn cô người yêu Priscilla Chan thì ăn mặc dưới mức giản dị. Một bạn đọc mạng thậm chí chê bai: “Em xin nói thẳng là chưa thấy tỉ phú nào mà lại có người yêu xấu thế này, thất vọng với ông bạn Mark này quá”.
Minh họa: KHỀU
Cảm giác thất vọng của bạn đọc nói trên thật dễ hiểu khi nhiều người Việt đã quen với cảnh đại gia thì phải xài tiền như nước, thậm chí tên tuổi còn được gắn với một loại ngoại tệ mạnh nào đó; đại gia thì phải sánh vai với người đẹp, chân dài; đại gia, người nổi tiếng trong giới showbiz thường xuyên khoe của, khoe biệt thự, nội thất triệu đô; khoe xế hộp đắt tiền; khoe quần khoe áo, trang sức nhiều ngàn đô, thậm chí khoe chiếc giường nhập hàng trăm ngàn đô; khoe tài sản qua việc tổ chức đám cưới “khủng” cho con cái… Quan chức thì tuy không khoe của trên báo, trên mạng nhưng không hiếm người giờ cũng chẳng ngại xây biệt thự, dinh cơ hoành tráng giữa những vùng quê nghèo khó.
Phải nói rằng trong nền kinh tế thị trường, trong một xã hội thừa nhận quyền tự do kinh doanh và quyền tư hữu tài sản, việc một số người vượt lên giàu có hơn những người khác là chuyện bình thường. Dân giàu thì nước mới mạnh, ai cũng đồng tình. Và một khi giàu có, người ta có quyền tự do tiêu xài của cải họ làm ra, đó cũng là điều tự nhiên, không phải bàn cãi.
Chỉ có điều là chưa bàn đến việc họ làm giàu chân chính từ mồ hôi nước mắt và tài năng của họ hay là nhờ mánh khóe thì xét về mặt văn hóa, việc một số người giàu có say sưa khoe của giữa một cộng đồng, một xã hội còn đầy rẫy cảnh đói nghèo, thiếu ăn, thậm chí có người phải tự tử vì nghèo không lối thoát dù đã cố gắng đủ đường như trường hợp chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân ở Cà Mau hồi năm ngoái, đã không khỏi mang lại một cảm giác bất nhẫn. Cái cảm giác mà một con người bình thường không thể tránh khỏi khi thấy trên bàn của mình thừa mứa thức ăn bỏ đi trong khi trước mặt là đứa trẻ ốm đói đang ngửa tay xin. Cảnh đó như một sự phỉ báng đối với những con người tuy không lười biếng nhưng đang phải chật vật kiếm ăn chỉ vì họ chưa được tạo đủ điều kiện để thoát cảnh bần cùng.
Mặt khác, xét về mặt quản trị quốc gia, điều đó cũng cho thấy sự phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng trong xã hội. Báo cáo “Đánh giá nghèo Việt Nam năm 2012” của Ngân hàng Thế giới cho thấy bất bình đẳng về thu nhập tại Việt Nam đã gia tăng, dù là ở mức khiêm tốn. Chênh lệch giữa thu nhập trung bình đầu người của nhóm 20% hộ khá giả nhất với 20% hộ nghèo nhất đã tăng từ mức 7 lần năm 2004 lên 8,5 lần năm 2010. Đó là một thực tế không thể không làm cho các nhà quản lý phải trăn trở và cộng đồng - trong đó có cả những người thành công trong kinh doanh - cũng cần suy nghĩ.
Bởi như Melinda Gates, người bạn đời của tỉ phú Mỹ Bill Gates - “người phụ nữ 100 tỉ đô” đã cùng với chồng sáng lập quỹ từ thiện mang tên ông bà - đã nói trong lễ tốt nghiệp trung học trước các thầy cô và bạn đồng học: “Nếu các bạn thành công là bởi vì vào một lúc nào đó, ở một nơi nào đó, có ai đó đã sinh thành ra các bạn hay có ai đó đã cho các bạn một ý tưởng nào đó để giúp bạn đi đúng đường. Hãy nhớ rằng các bạn mang một món nợ đời cho đến khi bạn giúp được cho một ai đó kém may mắn hơn bạn, theo như cách mà bạn đã được nâng đỡ”. Chính với suy nghĩ đó mà Melinda và Bill Gates đã sáng lập quỹ từ thiện hoạt động trên toàn cầu, trong lĩnh vực giáo dục, y tế, diệt trừ các chứng bệnh gây tử vong nhiều nhất cho con người, tài trợ cho việc chủng ngừa, các công cuộc nghiên cứu tìm những loại thuốc chữa các chứng bệnh hiểm nghèo. Họ là những người không chỉ giàu có tiền bạc nhờ tài năng mà còn giàu có cả về tình người, về tâm hồn.
Nếu các đại gia Việt Nam cũng suy nghĩ và hành động như Melinda và Bill Gates thay vì khoe của thì xã hội này sẽ đẹp hơn biết bao!
Quá khác biệt về văn hóa hưởng thụ
“Có lẽ trong quan niệm của nhiều người Việt khi họ nhìn vào một số đại gia ở Việt Nam rằng đã là đại gia thì phải cưới một cô vợ có “ngoại hình” để ra đường có người trầm trồ, ngưỡng mộ, thậm chí phải nổi tiếng, chân dài. Quan niệm đại gia phải lấy chân dài hình như chỉ có ở những nước đang phát triển như chúng ta, vì nghèo khó lâu nên giờ có chút tiền sinh ra học đòi! Cách hưởng thụ của họ và chúng ta là cả một sự khác biệt với cái gốc là sự phát triển hàng trăm năm, những giá trị cuộc sống không thể đánh giá màu mè qua cách nhìn “trọc phú bán đất” được” - một bạn đọc bình luận trong dịp Mark Zuckerberg thăm Việt Nam.
Liệu có cách gì rút ngắn cái khoảng cách trăm năm về văn hóa hưởng thụ này không?
Đoàn Khắc Xuyên