Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Cuộc sống Việt trên đất Biển Hồ

Cuộc sống Việt trên đất Biển Hồ
Copy từ http://nguoicaotuoi.org.vn/van-hoa-du-lich/cuoc-song-viet-tren-dat-bien-ho.html, đăng ngày 13/08/2014 ; mục Văn hóa - Du lịch.
Tông-lê-sáp hay còn gọi là Biển Hồ nằm cách thành phố du lịch Siêm Riệp, thuộc tỉnh Siêm Riệp, Cam-pu-chia hơn 10km. Biển Hồ lấy nước từ một nhánh của sông Mê Kông. Vào mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 5) Biển Hồ khá đẹp, chỉ sâu khoảng 1 đến 4 mét, với diện tích khoảng 10.000km2. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 6, sông Tông-lê-sáp chảy ngược dòng, tiếp nước cho mặt hồ dâng cao, mở rộng diện tích tới hơn 16.000km2, có thể sâu đến hàng chục mét, gây ngập lụt cây cối trong toàn khu vực.
Đây cũng là nơi có cộng đồng lớn người Việt sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá qua nhiều đời. Họ từ An Giang, Đồng Tháp… ngược dòng Sông Tiền, Sông Hậu đến Biển Hồ. Theo Hội Việt kiều Cam-pu-chia, hiện có khoảng hơn 1.500 hộ dân gốc Việt sống trên làng nổi này, với tình cảnh chung là nghèo đói hết đời này đến đời khác. Ông Xào Khan người Cam-pu-chia cho biết: “Người Việt ở đây có rất nhiều cái không: Không tiền, không y tế, không giấy tờ tùy thân, không biết chữ, không quốc tịch…”.
Tháng 8 khi mùa lũ về, nước hồ đục ngầu màu bùn đỏ, mọi sinh hoạt ăn uống, tắm giặt đều trong cái màu đùng đục ấy, vệ sinh xả xuống rồi lại múc nước lên sử dụng, dẫn đến bệnh dịch lây lan. Ở đây, người dân chỉ được đánh cá 6 tháng trong năm, mục đích để bảo vệ nguồn thủy sản, 6 tháng còn lại họ phải nghỉ, mà chẳng biết làm gì vì không có giấy tờ tùy thân, không biết chữ và tiếng Cam-pu-chia nên không thể lên bờ đi làm thêm. Vì vậy, cuộc sống của người Việt ở Biển Hồ càng gặp khó khăn. Đã vậy, ở đây phụ nữ còn đẻ nhiều, nhà nào cũng có từ 5 đến 10 miệng ăn. Trẻ em nam lớn thì phụ bố đi đánh cá, các em gái thì mò cua bắt ốc, những em nhỏ ở nhà bơi thuyền đi ăn xin, cứ như vậy hết ngày này qua ngày khác.
Ảnh lớp học
Quang cảnh một lớp học của Trường Việt Nam tại Biển Hồ.
Giữa mênh mông sóng nước tại Biển Hồ có một trường học dành cho trẻ em nghèo người Việt mang tên Trường Việt Nam. Ngôi trường làm bằng gỗ trên chiếc bè nổi, rộng khoảng vài chục mét vuông, được xây dựng từ năm 1997. Đây là tâm huyết của bà con kiều bào Việt Nam, với mong muốn con em mình được biết chữ, biết tiếng Việt để giữ cái gốc, được xây dựng hoàn toàn bằng lòng thiện nguyện của đồng bào, của những khách du lịch tốt bụng từ Việt Nam ghé thăm và sự giúp đỡ của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Siêm Riệp. Đặc biệt, người đóng góp công lao to lớn là Thầy Tư ngoài 70 tuổi, từ Tây Ninh sang vận động xây dựng trường gieo cái chữ cho bọn trẻ.
Thầy Thái Hồng Sơn, giáo viên Trường Việt Nam cho biết: “Trường hiện có 5 phòng học từ lớp 1 đến lớp 5. Có 5 giáo viên, vừa dạy học, vừa đảm nhiệm việc chăm sóc hơn 300 học sinh, đều là con em người Việt sống trên làng nổi. Khi đến đây học, các em được ăn ba bữa, được phát quần áo và sách vở. Toàn bộ nguồn kinh phí để duy trì lớp học đều dựa vào lòng hảo tâm của bà con trong nước và khách du lịch đến thăm Biển Hồ. Các thầy cô đều tự nguyện đến từ Việt Nam, không lương hay chế độ chính sách gì, ngoài lòng nhiệt thành và tình yêu với lũ trẻ”.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu tâm sự: “Khi nghe chuyện các em nhỏ Việt kiều sống ở Biển Hồ không được đi học, đa số là mù chữ, tôi tình nguyện sang đây góp một phần công sức nhỏ bé của mình dạy chữ cho các em”. Cô Thu cho biết, để duy trì sĩ số học sinh cũng rất khó khăn, các cháu đều là con những gia đình nghèo, có em 14 – 15 tuổi mới chỉ học lớp 1, lớp 2. Bên cạnh đó, việc theo học thường xuyên cũng không dễ dàng, lớp học có ngày tới cả chục em nghỉ bởi nhiều lí do nhưng phần lớn là phải cùng gia đình lo chuyện mưu sinh.
Đang học, thấy có đoàn du lịch ghé thăm, cả lớp dừng học để nhận quà cũng là bình thường, vì như vậy các em mới yên tâm đến lớp. Nhiều gia đình không tha thiết cho con em đi học, vì cái chữ không thể thay cơm, thay cá ở vùng Biển Hồ mênh mông này. Điều đáng quý là các em học rất chăm chỉ, với những ước mơ thật giản dị: Biết đọc, biết viết để sau này nếu có cơ hội thì sẽ tìm về quê hương sinh sống, nếu có điều kiện thì học tiếp lên cao. Theo thầy Sơn, hơn 300 học sinh theo học tại trường cũng chỉ đạt khoảng 80% trong độ tuổi đi học, số còn lại đang theo gia đình lênh đênh sóng nước vì bát cơm manh áo.
Biển Hồ, đọng lại trong mỗi người ghé thăm nỗi buồn man mác về sự vất vả, nghèo khó và những khuôn mặt trẻ thơ ngơ ngác, u hoài. Cảm xúc vừa thương, vừa thán phục nghị lực sống của những con người ở nơi đây và cả các thầy cô giáo Việt Nam tự nguyện đến nơi khắc nghiệt này dạy dỗ các em.
Bài và ảnh: Quang Trung
Tình người đẹp và đơn sơ như hoa râm bụt .
Những cánh chim trời

Không có nhận xét nào: