Kỷ niệm 85 NĂM BÁO LAO ĐỘNG (14.8.1929 - 14.8.2014): |
Copy từ http://laodong.com.vn/chinh-tri/nhung-qua-dam-thep-sau-phong-su-thanh-pho-truc-thuoc-xa-230909.bld , đăng ngày 04/08/14, mục Chính trị. |
Những “quả đấm thép”: |
Sau phóng sự “Thành phố trực thuộc xã” |
Nhân kỷ niệm 5 năm kể từ ngày dòng dầu đầu tiên ra đời tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất (2009-2014), Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn có tổ chức cuộc gặp mặt với các vị “cựu trào” trong ngành dầu khí. Tôi có may mắn được mời dự cuộc gặp mặt này. Lãnh đạo Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn lần lượt giới thiệu từng người với các đại biểu để “làm quen”. Đến lượt tôi, ông Hồ Sỹ Thoảng - nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí VN (nay là Tập đoàn Dầu khí) - cười vui: “Ồ, người này thì không phải giới thiệu. Chúng tôi từng “đau đầu” với bài báo “Thành phố trực thuộc xã” của cậu ấy đấy”. |
|
Nhà máy lọc dầu Dung Quất hôm nay. Ảnh: Trần Đăng
|
Nói rồi ông kể một loạt câu chuyện liên quan đến bài báo, trong đó có chuyện các Đại biểu Quốc hội bàn tán rất nhiều ngay trong hội trường lúc họp Quốc hội cách đây 12 năm. |
Chính bài báo ấy đã góp phần làm “nóng” diễn đàn Quốc hội khi các đại biểu thảo luận về dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất sau những sự cố ngoài ý muốn của các nhà quản lý chung quanh dự án hàng tỉ đôla này. Tựa đề “Thành phố trực thuộc xã” chỉ là cái cớ để tôi gửi gắm một chuyện khác. Đó là sau bao năm khởi động, báo giới tốn khá nhiều giấy mực, nhân dân Quảng Ngãi nóng lòng chờ đợi và hy vọng dự án lọc dầu đầu tiên của đất nước sớm trở thành hiện thực, nhưng cái dự án hàng tỉ đôla ấy vẫn giẫm chân tại chỗ, cái gọi là “thành phố Vạn Tường” vẫn còn nằm trên giấy, vẫn còn “trực thuộc xã”. Các Đại biểu Quốc hội chất vấn Chính phủ là dự án ấy vì sao phải dừng, đến bao giờ thì khởi động lại, lấy nguồn vốn ở đâu để đầu tư, hàng ngàn gia đình ở Dung Quất buộc phải rời khỏi làng quê chôn nhau cắt rốn của mình để nhường đất cho dự án, giờ tỉnh Quảng Ngãi phải ăn nói sao đây với họ... |
Thực ra câu chuyện “tạm dừng” dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất gây không ít lo lắng cho các nhà quản lý tỉnh Quảng Ngãi, trở thành nỗi bức xúc của người dân sau khi phía đối tác Nga “rút quân” về nước, nhưng tất cả những lo toan, trăn trở ấy chưa được “công khai” trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Thành phố trực thuộc xã” không phải là một phát hiện mới mẻ, chẳng qua là “nói hộ” nỗi lòng của người dân mà thôi, lại “nói sớm” hơn so với những bài báo sau đó. Nhưng tại sao người đọc lại “nhớ dai” đến vậy? Không hẳn là “nói sớm”, nói một cách quyết liệt với bức ảnh phụ họa là một đàn bò gặm cỏ trong khuôn viên nhà máy, mà chính là cái tựa đề ngồ ngộ, “phi lý” ấy thì ai cũng nhớ. Thành phố thì thuộc tỉnh, thuộc trung ương chứ sao lại thuộc xã? Cái tựa đề ấy nó đánh thức sự tò mò của người đọc. Và khi đọc rồi thì độc giả mới chợt nhận ra rằng, tác giả không phải nói về cái “thành phố” nào đó đang được xã quản lý, mà là mượn cớ để nói về sự chậm trễ của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. |
Bài báo đã gây “mất lòng” một vài vị lãnh đạo của Ban quản lý dự án nhà máy lọc dầu lúc ấy vì sự thẳng thắn, trực diện. Điều để cho tác giả bài báo ấy cảm thấy rất vui không chỉ là sự sẻ chia của nhiều người lúc đó, mà sau hơn 10 năm kể từ khi bài báo ấy xuất hiện, tôi gặp lại những vị từng “mất lòng” dạo nọ, tất cả đều thừa nhận rằng “Thành phố trực thuộc xã” mãi là bài báo khiến cho nhiều người phải nhớ đến một thuở thăng trầm của dự án 3 tỉ đôla này. |
Bây giờ, “thành phố Vạn Tường” vẫn “trực thuộc xã” nhưng chẳng mấy ai còn quan tâm đến nó. Vì rằng, mối bận tâm về dự án lọc dầu đã được giải tỏa. Một Dung Quất đã vạm vỡ như mong đợi của mọi người, Nhà máy lọc dầu là trái tim luôn đập những nhịp khỏe khoắn suốt 5 năm qua. |
|
(LĐ) - Số 179 Trần Đăng |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét