Trung tâm Trung Quốc nằm ở đâu? |
Copy từ http://petrotimes.vn/news/vn/quoc-te/trung-tam-trung-quoc-nam-o-dau.html, đăng ngày 24/08/14, mục Quốc Tế. |
(PetroTimes) - Câu hỏi tưởng chừng dư thừa này một lần nữa khẳng định âm mưu bành trướng của Trung Quốc là có thật. |
|
Trung Quốc và các nước lân cận |
Bắc Kinh đương nhiên là trung tâm của Trung Quốc? Không phải vậy, đó chỉ là thủ đô chứ không phải là mốc địa lý nằm ở giữa Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc ngày nay chưa bao giờ công bố trung tâm địa lý của họ nằm ở địa phương nào. |
Báo Le Figaro (Pháp) ra ngày 22/8/14 có bài phóng sự dưới tựa đề “Chine: l'empire sans milieu” (Trung Quốc, vương quốc không trung tâm), lý giải tại sao chính quyền Bắc Kinh không công nhận thôn Đổng Gia Lĩnh là trung tâm địa lý của Trung Quốc. |
Thôn Đổng Gia Lĩnh ở huyện Đông Hương thuộc tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc, nằm trên độ cao 2.600m, là địa phương hẻo lánh nhất của tỉnh này. Năm 2000, một ngọn tháp bằng thép cao 20m được chính quyền huyện Đông Hương dựng lên tại đây để đánh dấu đây là trung tâm địa lý của Trung Quốc dựa theo khảo sát của một số nhà địa lý nổi tiếng. Thiết kế của tháp tuân theo đúng chủ trương truyền bá “đoàn kết dân tộc” của Chính phủ Bắc Kinh. Tháp gồm một quả cầu tượng trưng cho trái đất được đặt trên 56 cột, tượng trưng cho 56 dân tộc, đồng thời cũng đặt trên 34 trụ, đại diện cho 34 tỉnh của Trung Quốc. |
|
Tháp Đổng Gia Lĩnh ở Cam Túc, tây bắc Trung Quốc, đã bị bỏ hoang |
Thế nhưng, những người thiết kế công trình này nhanh chóng bị rơi vào quên lãng do sợ chính phủ trừng phạt. Vì ngay sau đó, Bắc Kinh khiển trách chính quyền địa phương rằng họ mới là người có thẩm quyền để ấn định đâu là trung tâm của đất nước. Sau khi dọa sẽ cho phá ngọn tháp, cuối cùng, chính quyền trung ương từ bỏ ý định, với điều kiện Đông Hương phải từ bỏ “danh hiệu” tự xưng này. |
Sau vụ tháp Đổng Gia Lĩnh, hai ngôi làng khác của tỉnh Cam Túc cũng tự nhận là trung tâm của Trung Quốc đã phải nhanh chóng từ bỏ ý định. Từ đó, ngôi làng bị rơi vào quên lãng. Điều kiện sống của người dân ngày càng khó khăn, cơ sở hạ tầng xuống cấp do nhiều dự án du lịch không phát triển được. |
Đối với chính quyền trung ương, về mặt địa lý, các ngôi làng trên sẽ không bao giờ là trung tâm của đất nước bởi một lý do quan trọng. Nếu tỉnh Cam Túc là trung tâm, thì Trung Quốc sẽ phải từ bỏ mọi tham vọng bành trướng lãnh thổ tới Đài Loan và trên các biển Hoa Đông và Biển Đông. Le Figaro trích dẫn lời phó giám đốc một cơ quan bản đồ Trung Quốc nói: “Nếu Trung Quốc công nhận một trung tâm chính thức, điều này chỉ gây thêm phiền toái với các nước láng giềng”. |
Ông cũng khẳng định để xác định trung tâm của đất nước không có gì là khó về mặt khoa học, nhưng cơ quan ông không muốn gặp rắc rối. Vì ngoài các tranh chấp lãnh thổ trên biển, Trung Quốc còn có nhiều bất đồng với Ấn Độ. Nếu tính thêm các phần lãnh thổ ngoài khơi, trung tâm Trung Quốc sẽ phải dời xuống phía nam, về phía thành phố Tây An. Đây là kinh thành của các triều đại Tần, Hán, Đường và nổi tiếng với đội quân đất nung. |
Vấn đề xác định trung tâm địa lý của Trung Quốc tưởng chừng rất dễ đối với các nhà khoa học địa lý nhưng lại không đơn giản với các chính trị gia ở Bắc Kinh. |
Nh.Thạch (Le Figaro) |
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét