Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Những “quả đấm thép”: Hai tháng tác nghiệp ròng rã ở Tiên Lãng

Kỷ niệm 85 năm BÁO LAO ĐỘNG (14.8.1929 - 14.8.2014):
Những “quả đấm thép”: Hai tháng tác nghiệp ròng rã ở Tiên Lãng
Copy từ http://laodong.com.vn/chinh-tri/nhung-qua-dam-thep-hai-thang-tac-nghiep-rong-ra-o-tien-lang-233055.bld , đăng ngày 11/08/14, mục Chính trị.
Từ lúc chứng kiến vụ cưỡng chế, tham gia quá trình tìm hiểu vụ việc, đăng tải các bài viết cho đến khi Thủ tướng Chính phủ có kết luận về vụ việc, rồi quá trình khởi tố vụ án, xét xử anh em ông Vươn và các quan chức Tiên Lãng, tôi càng thấu hiểu, nếu báo chí không vào cuộc, chắc chắn những việc làm sai trái của quan chức ở đây sẽ vẫn là... đúng.
Chủ tịch huyện Lê Văn Hiền từ chối trả lời PV và nhanh chóng chạy lên xe đi thẳng. Ảnh: CTV
Tiếng nổ “ùng oàng” khiến nhiều người thót tim
Ngay khi nghe thông tin có vụ nổ súng trong vụ cưỡng chế đầm tôm ở xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng), tôi cùng các đồng nghiệp thường trú của các báo tại Hải Phòng lao đến hiện trường. Lúc này, trên bờ đê khu Cống Rộc, hàng ngàn người dân đang đứng nhìn xuống khu đầm có rất đông công an với vũ khí đang tiến vào khu nhà của anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý. Tiếng đạn nổ ùng oàng, khói bay mù mịt khiến nhiều người thót tim. Tôi nhớ hôm đó gần cuối năm, dù đã mặc đủ ấm, gió biển không hề hấn gì, nhưng quang cảnh nóng bỏng như chiến địa đó khiến tôi ớn lạnh.
“Trận” truy bắt anh em ông Vươn đến hơn 12h trưa thì kết thúc. Chúng tôi cũng như những người dân đã ra về trong sự bàng hoàng khi chứng kiến những sự việc vừa diễn ra. Buổi họp báo 16h cùng ngày tại trụ sở UBND xã Vinh Quang, PV Báo Lao Động cùng với đồng nghiệp chất vấn ông Lê Văn Hiền - Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng - về lý do thu hồi đầm, việc bồi thường thế nào... Ông Hiền đã không trả lời được nhiều câu hỏi của các nhà báo. Những ngày này dù đã giáp tết Nhâm Thìn, nhưng do tính chất vụ việc, ngày nào chúng tôi cũng về xã Vinh Quang, trụ sở huyện Tiên Lãng để gặp gỡ các chủ đầm, lãnh đạo xã, huyện...
Chính quyền quay lưng với báo chí
Nghỉ tết xong, Ban Biên tập báo Lao Động họp bàn, quyết định phối hợp nhiều mũi để làm sâu vụ việc. Với việc khai thác thông tin theo các mũi như vậy, nên bài viết trên Lao Động được bạn đọc quan tâm. Riêng nhóm phóng viên thường trú chúng tôi có lẽ khó quên được thời gian 2 tháng ròng rã tác nghiệp ở Tiên Lãng. Hầu như ngày nào chúng tôi cũng chia nhau thành từng nhóm tìm gặp gỡ các nhân vật. Có nhiều hôm, khi gửi bài về tòa soạn xong cũng đã 9, 10h đêm, chưa kịp ăn tối thì lại có thông tin về nhân vật có thể cung cấp thông tin mới. Chúng tôi lại lên đường, đến khi sang ngày mới xong việc. Đường quê vắng vẻ, trên xe là những phóng viên đói lả, nhưng chúng tôi vẫn rất sung khi đi tìm sự thật và những uẩn khúc phía sau, để cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn toàn diện nhất.
Ngoài các chủ đầm nhiệt tình cung cấp thông tin cho chúng tôi, nhưng cũng có người dân ngại ngần khi gặp gỡ nhà báo. Nhiều ngày ròng, chúng tôi chầu chực ở các cấp chính quyền, từ UBND xã Vinh Quang, UBND huyện Tiên Lãng cho đến trụ sở UBND thành phố Hải Phòng, nhưng đều không được tiếp, trả lời. Có hôm, nhận được thông tin huyện họp về vụ việc, chúng tôi tức tốc lên đường, nhưng đến nơi, bảo vệ ra đóng cổng, không cho vào. Chúng tôi trình bày, tranh luận, nhưng các cánh cửa vẫn đóng. Sau đó rút kinh nghiệm, chúng tôi phải “điệu hổ ly sơn” mới thu thập được thông tin. Có buổi PV Báo Lao Động bị bao vây, đe dọa (tại xóm Chùa trên, xã Vinh Quang), đành phải “cầu cứu” ban biên tập và lãnh đạo báo phải điện đàm với chính quyền thành phố, lúc đó mới được “giải vây”.
Khi Thủ tướng Chính phủ kết luận vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng vừa trái luật vừa trái tình người, chúng tôi vỡ òa niềm vui cùng với gia đình ông Vươn và hàng triệu người dân trên cả nước. Công sức nhiều ngày của anh chị em các báo đã được đền đáp khi sự thực được sáng tỏ. Nói như bà Thương, bà Hiền (vợ ông Vươn, ông Quý) thì “không có các anh chị phóng viên thì vụ việc nhà chúng tôi chẳng biết bao giờ mới được biết đến”.
(LĐ)- Số 185 Hoàng Hoan

Không có nhận xét nào: