Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

Phá đường dây đánh bạc 10 nghìn tỷ của người Trung Quốc ở Hải Phòng




Phá đường dây đánh bạc 10 nghìn tỷ của người Trung Quốc ở Hải Phòng


TPO - Lực lượng chức năng đã tạm giữ 380 đối tượng người Trung Quốc tham gia điều hành các trang web, tổ chức cho chính công dân Trung Quốc đánh bạc trực tuyến tại Hải Phòng với xác định ban đầu số tiền đã giao dịch lên tới hơn 3 tỉ nhân dân tệ, tương đương hơn 10 ngàn tỉ đồng.



Phá đường dây đánh bạc 10 nghìn tỷ của người Trung Quốc ở Hải Phòng

Tối 28/7/19, thông tin ban đầu từ cơ quan Công an cho biết đã tạm giữ hơn 380 đối tượng đều vận hành hệ thống thiết bị đánh bạc quốc tế trong hơn 100 phòng kín tại khu đô thị Our City, địa chỉ Km 6, đường Phạm Văn Đồng phường Hải Thành, quận Dương Kinh.
Phá đường dây đánh bạc lớn nhất của người Trung Quốc từ trước đến nay - ảnh 1Ảnh 2: 380 đối tượng đều vận hành hệ thống thiết bị đánh bạc quốc tế trong hơn 100 phòng kín tại khu đô thị Our City.
Được biết các đối tượng đều là người Trung Quốc, còn rất trẻ, tuổi từ 18-24, được thuê sang làm việc với mức lương khoảng 3 nghìn nhân dân tệ, tương đương gần 100 triệu đồng Việt Nam. Những người này có nhiệm vụ điều hành các trang web, tổ chức cho chính công dân Trung Quốc đánh bạc trực tuyến, với các hình thức cá cược thể thao, dự đoán kết quả xổ số, lô đề…
Phá đường dây đánh bạc lớn nhất của người Trung Quốc từ trước đến nay - ảnh 2
Ảnh 3: Cơ quan Công an thu giữ gần 2 nghìn điện thoại thông minh, hơn 530 máy tính các loại, nhiều thẻ ngân hàng, tiền mặt cùng nhiều đồ vật và tài liệu có liên quan khác.
Công việc vận hành hệ thống máy móc được hoạt động liên tục và chia thành các ca trong ngày. Hết mỗi ca làm việc lại được thay thế người mới, nhưng gần như tuyệt đối không ai được đi ra ngoài mà chỉ được sinh hoạt hạn chế trong khu đô thị.
Theo xác định sơ bộ của cơ quan Công an, số tiền đã giao dịch trên hệ thống đánh bạc này là trên 3 tỷ nhân dân tệ, tương đương với hơn 10 ngàn tỷ đồng Việt Nam. Cùng với đó, Cơ quan Công an thu giữ gần 2 nghìn điện thoại thông minh, hơn 530 máy tính các loại, nhiều thẻ ngân hàng, tiền mặt cùng nhiều đồ vật và tài liệu có liên quan khác.
Phá đường dây đánh bạc lớn nhất của người Trung Quốc từ trước đến nay - ảnh 3Ảnh 4: An ninh được thắt chặt bên ngoài khu đô thị.
Cơ quan chức năng cho rằng đây là đường dây đánh bạc lớn nhất từ trước đến nay cả về quy mô số người nước ngoài tham gia và số tiền vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó từ khi hoạt động tại khu đô thị Our City, tổ chức này đã bố trí cảnh giới, bảo vệ cẩn trọng, người lạ rất khó có thể vào được bên trong. Tuy nhiên công tác triển khai phá án đã thành công theo đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn.
Trước đó, như Tiền Phong đã thông tin, vào khoảng 14 giờ chiều 27/7, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Công an và Công an TP Hải Phòng bất ngờ kiểm tra khu đô thị Our City, một khu vực tập trung đông người Trung Quốc nhiều năm nay.
Phá đường dây đánh bạc lớn nhất của người Trung Quốc từ trước đến nay - ảnh 4Ảnh 5: Tính đến 21h ngày 28/7/19, công tác thẩm vấn các đối tượng vẫn đang diễn ra.
Quá trình lực lượng công an ập vào "sào huyệt" của "tập đoàn" đánh bạc qua mạng này, tại đây, có hơn 300 người Trung Quốc đang thực hiện các hoạt động liên quan đến việc vận hành các thiết bị đánh bạc quốc tế.
Lực lượng công an đã phát hiện tại tầng 2 và 3 của tòa nhà trung tâm trong khu đô thị Our City có đặt 15 máy chủ. Ngoài ra, có hàng trăm máy tính thành phần được đặt rải rác tại các tòa nhà khác trong khu đô thị Our City.
Phá đường dây đánh bạc lớn nhất của người Trung Quốc từ trước đến nay - ảnh 5
Tất cả các đối tượng vận hành hệ thống thiết bị đánh bạc qua mạng đều là người Trung Quốc còn rất trẻ, gồm cả nam và nữ. Công việc vận hành hệ thống máy móc được hoạt động liên tục và chia thành các ca trong ngày. Hết mỗi ca làm việc lại được thay thế người mới, nhưng gần như tuyệt đối không ai được đi ra ngoài mà chỉ được sinh hoạt hạn chế trong khu đô thị.
Hiện cơ quan Công an vẫn đang thực hiện công việc thẩm tra, phân loại các đối tượng để xử lý theo quy định pháp luật. 

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

Hàng trăm chiến sĩ Bộ Công an đột kích 'thánh địa' người Trung Quốc ở Hải Phòng



Hàng trăm chiến sỹ Bộ Công an đột kích 'thánh địa' người Trung Quốc ở Hải Phòng


TPO - Khoảng 13h chiều ngày 27/7, hàng trăm cán bộ chiến sỹ thuộc Bộ Công an và các lực lượng Công an TP Hải Phòng bất ngờ ập vào khu đô thị Our City-nơi được coi "thánh địa" của người Trung Quốc tại Hải Phòng.


Hàng trăm chiến sỹ Bộ Công an đột kích 'thánh địa' người Trung Quốc ở Hải Phòng

Theo ghi nhận của phóng viên, từ chiều ngày 27/7, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Công an và các lực lượng Công an TP Hải Phòng bất ngờ ập vào khu đô thị Our City (địa chỉ Km 6, đường Phạm Văn Đồng phường Hải Thành, quận Dương Kinh,TP Hải Phòng), nơi có nhiều người Trung Quốc lưu trú.
Our City, nơi được xem là "thánh địa" người Trung Quốc ở Hải Phòng.
Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, khi lực lượng công an xuất hiện đã phát hiện rất nhiều người Trung Quốc đang vận hành hệ thống thiết bị đánh bạc quốc tế.
Ghi nhận tại hiện trường, khu đô thị Our City nằm trên đường Phạm Văn Đồng, hướng từ quận Đồ Sơn về trung tâm TP Hải Phòng, toàn bộ mặt tiền dài hàng trăm mét bị công an phong tỏa bảo vệ hết sức nghiêm ngặt.
Tình hình an ninh được thắt chặt phía bên ngoài khu đô thị.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khu đô thị Our City do chủ đầu tư là người Trung Quốc xây dựng cách đây từ gần 10 năm trước, có diện tích 43 ha. Theo như giới thiệu của chủ đầu tư, khu đô thị này vốn đầu tư ban đầu 85 triệu USD, bao gồm các khu căn hộ cao cấp, biệt thự, khách sạn năm sao, trung tâm thương mại, khu vui chơi, trường học, bệnh viện… đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Rất nhiều chiến sỹ công an bảo vệ vòng ngoài.
Tuy nhiên, từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng cách đây chừng 5 năm, khu đô thị Our City khá vắng vẻ, sinh sống tại đây chủ yếu là người Trung Quốc. Đại diện chính quyền sở tại cho biết người lạ rất khó để vào bên trong khu đô thị này.
Khu đô thị được xây dụng cách đây 5 năm và  chủ yếu người Trung Quốc sinh sống.
Một nguồn tin cho hay quá trình kiểm tra, lực lượng Công an đã phát hiện tại khu vực tòa nhà trung tâm đặt rất nhiều máy móc thiết bị phục vụ cho việc vận hành hệ thống đánh bạc qua mạng. Còn tại các tòa nhà vực xung quanh, trong các phòng kín cũng đều có máy móc, thiết bị liên quan.
Đến 22h tối cùng ngày, lực lượng công an vẫn bao vây khu đô thị, công tác khám xét bên trong khu đô thị vẫn diễn ra rất nghiêm ngặt.

Sự ngụy biện nguy hiểm



Sự ngụy biện nguy hiểm

https://cuoituan.tuoitre.vn/..., đăng ngày 26-07-19 18:30; Tác giả: NHẬT ĐĂNG.
TTCT - Trong khi Trung Quốc khăng khăng khẳng định “có chủ quyền” với những khu vực có tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 triển khai ở Biển Đông, không ít chuyên gia quốc tế đánh giá rằng đấy là một sự ngụy biện nguy hiểm cho hòa bình và ổn định của khu vực.

Trong cả tuần qua, việc tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) thực hiện thăm dò phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa phía nam Việt Nam trở thành tâm điểm.
Sự ngụy biện nguy hiểm
Ảnh: Joe Murphy Art
Dĩ pháp vi thượng
Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) Gregory Poling khẳng định hoạt động của cả tàu Hải Dương 8 và các tàu cảnh sát biển Trung Quốc đều phi pháp. Những tàu này đã quấy nhiễu các hoạt động khoan dầu diễn ra tại block 06-02 của Hãng Rosneft (Nga), liên doanh với Việt Nam gần khu vực bãi Tư Chính.
“Cũng giống như việc quấy nhiễu các hoạt động của Malaysia hồi tháng 5 và của Repsol (Tây Ban Nha) ngoài khơi Việt Nam năm 2017 và 2018, Trung Quốc muốn thể hiện rõ rằng họ phản đối tất cả các hoạt động khai thác dầu khí nằm trong “đường lưỡi bò”.
Việc khảo sát của tàu Hải Dương 8 cho thấy sự ngụy biện của Trung Quốc: họ phản đối công việc của các nước khác ngay trên chính vùng nước của các quốc gia này, nhưng lại tự cho mình quyền thoải mái khai thác ở bất kỳ nơi nào họ thích” - ông Poling nói.
Trong một biểu hiện nguy hiểm, Trung Quốc đã tuyên truyền sai lệch về bãi Tư Chính, biến nơi này từ chỗ thuộc quyền sở hữu của Việt Nam trở thành “khu vực tranh chấp”.
PGS.TS Vũ Thanh Ca, ĐH Tài nguyên và môi trường Hà Nội, lưu ý rằng không có bất cứ cơ sở pháp lý nào để nói rằng bãi Tư Chính là vùng tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc (về các vị trí cụ thể, xin xem các bản đồ và diễn giải ở bài trước), vì phán quyết của Tòa trọng tài thường trực năm 2016 đã nêu rõ.
“Trước tiên, không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”, tức “đường lưỡi bò”. Thứ hai, không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng.
Tòa cũng quyết định rằng các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất. Như vậy, theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), cơ chế pháp lý của bãi Tư Chính được quyết định bởi khoảng cách tới quốc gia gần nhất là Việt Nam và Việt Nam cũng xác định đây là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, không có tranh chấp với nước nào” - ông nói.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã gửi đi một thông điệp rõ ràng về vấn đề này trong tuyên bố ngày 20-7, vốn nhấn mạnh: “Trung Quốc nên ngưng hành xử kiểu bắt nạt và nên kiềm chế hành động khiêu khích và gây bất ổn khu vực”.
Từ Úc, giáo sư Carl Thayer tại ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, khẳng định bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong EEZ và thềm lục địa Việt Nam, và không có bất kỳ mối hoài nghi nào về quyền tài phán của Việt Nam ở khu vực này cả.
Chuyên gia về Biển Đông này chỉ ra 3 điểm sai của Trung Quốc: “Đầu tiên, đường bờ biển Trung Quốc ở rất xa và không chồng lên EEZ của Việt Nam. Tòa trọng tài xử thắng kiện cho Philippines đã xác định không có thực thể nào là đảo ở Trường Sa, nên Trung Quốc không có cơ sở để tuyên bố EEZ của họ từ đây (đó là chưa kể trên thực tế, việc Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp các thực thể tại Trường Sa cũng là hành vi trái luật).
Thứ hai, phán quyết bác yêu sách về “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc, bởi nước này là thành viên của UNCLOS (vốn không chấp nhận viện dẫn lịch sử trong các tranh chấp chủ quyền), và khẳng định “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vô giá trị. Thứ ba, tàu khảo sát Trung Quốc hành động đơn phương và không yêu cầu cũng như không nhận được sự cho phép của Việt Nam”.
Trong bài viết gửi Tuổi Trẻ, TS James Kraska, giáo sư tại Trung tâm luật quốc tế Stockton, ĐH Hải chiến Mỹ, cũng khẳng định luật pháp đứng về phía Việt Nam. Trên trang Twitter cá nhân, ông thậm chí còn khẳng định nếu kiện Trung Quốc thì Việt Nam thắng chắc.
Sự ngụy biện nguy hiểm
Mềm dẻo nhưng cương quyết
Từ những bằng chứng vững chắc về tính hợp pháp và chính danh của Việt Nam trong biến cố ở gần bãi Tư Chính vừa rồi, các chuyên gia đều khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể xử lý thành công vụ việc.
Đầu tiên, Việt Nam có thể triển khai các hình thức đấu tranh ngoại giao và dựa vào công luận và luật pháp. Cụ thể, theo GS Thayer, Việt Nam có thể chứng tỏ rằng hành động của Trung Quốc sẽ gây hậu quả, bằng cách khơi vấn đề bãi Tư Chính lên tất cả các cuộc họp liên quan của những tổ chức đa quốc gia, nhất là Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Ngoài ra, ông Thayer lẫn ông Kraska đều cho rằng Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác với cảnh sát biển của các nước trong khu vực cũng như các cường quốc. Còn nói như ông Vũ Thanh Ca, ngoài các giải pháp chính trị, ngoại giao, thì trên thực địa, hướng đi cần thiết của Việt Nam là tăng cường sức mạnh của hệ thống chấp pháp dân sự trên biển như cảnh sát biển, kiểm ngư…
GS Thayer nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần: “Việt Nam nên tiếp tục kêu gọi các thành viên cộng đồng quốc tế lên tiếng với hành động của Trung Quốc. Mỹ đã ra một tuyên bố mạnh mẽ lên án Trung Quốc hành xử kiểu bắt nạt rồi”.
“Những ý kiến xuất phát từ các nước như Mỹ rất cần thiết, đặc biệt cần cho tất cả nhìn thấy tính chính nghĩa của Việt Nam trong vụ việc này - ông Trần Nam Tiến, phó giám đốc Trung tâm Biển và đảo, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nói - Dù mới thể hiện sức nặng về ngoại giao hơn là thực tiễn, tuyên bố phản đối của Mỹ đối với hành động của Trung Quốc là tín hiệu quan trọng, giúp thế giới quan tâm hơn và nhìn thấy Việt Nam đang hành xử đúng mực và chính nghĩa”.■
Đây là những khu vực không thể chối cãi thuộc thềm lục địa Việt Nam, theo phán quyết của hội đồng trọng tài năm 2016 về Biển Đông
Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) Gregory Poling


Xôn xao 18 chữ lạ in trên sách giáo khoa

Xôn xao 18 chữ lạ in trên sách giáo khoa


Xôn xao 18 chữ lạ in trên sách giáo khoa
Bức ảnh chụp lại dòng 18 chữ trên sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được đăng tải lên mạng xã hội đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý cộng đồng và nhiều người lập tức mở sách ra truy tìm.
Mùa khai giảng năm học mới sắp tới gần cũng là lúc các cô cậu học trò tất bật chuẩn bị sách giáo khoa , đồ dùng học tập... Năm nay, một dòng chữ trên sách giáo khoa bất ngờ gây xôn xao cộng đồng mạng.
Trên một fanpage mạng xã hội Facebook, thành viên N.T.N.T đăng tải dòng status "Giờ mới để ý thấy" và bức ảnh chụp lại phần cuối trang trong đầu tiên của nhiều cuốn sách giáo khoa. Ở đó có dòng chữ "Hãy bảo quản, giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau!".
Xôn xao 18 chữ lạ in trên sách giáo khoa - Ảnh 1.
Ảnh FB
Bức ảnh có nội dung này đã thu hút được hơn 36 nghìn lượt bày tỏ cảm xúc phần lớn là "thả tim", "like", cùng hơn 1,2 nghìn lượt bình luận, hơn 700 lượt chia sẻ. Có bình luận "Đúng rồi vừa tiết kiệm tiền vừa không phải chặt phá rừng"; Hôm mua sách về rồi bọc dán các kiểu đọc thấy cũng bất ngờ lắm".
Cũng từ tấm hình này rất nhiều bạn trẻ chia sẻ đã liền mở sách ra xem có dòng chữ này không. Bên cạnh những người cảm thấy thú vị thấy dòng chữ trên sách, có không ít bạn thắc mắc sách của mình không có dòng chữ "Hãy bảo quản, giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau!"
Theo TPO




Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

Tiết lộ của nữ nhà giáo đi B về một “thời hoa lửa

https://giaoducthoidai.vn/... đăng ngày 27/7/2019 08:19.

Tiết lộ của nữ nhà giáo đi B về một “thời hoa lửa“

Lễ khai giảng năm học mới trong thời chiến. Ảnh: Tư liệu
Lễ khai giảng năm học mới trong thời chiến. Ảnh: Tư liệu
GD&TĐ - Những năm tháng được sống và chiến đấu ở chiến trường Miền Nam mãi mãi là những kỷ niệm đẹp trong suốt cuộc đời của Nhà giáo đi B Phạm Hải Ấm. Trở về với thời bình, nhà giáo Phạm Hải Ấm mang trong mình thương tật - thương binh hạng 4/4.
Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7/1947-27/7/2019, nhà giáo đã có những chia sẻ trên Báo Giáo dục & Thời đại về những năm tháng hào hùng của một thời hoa lửa.
Viết đơn tình nguyện đến nơi mưa bom, bão đạn
Ngày ấy theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc "không có gì quý hơn độc lập tự do. Tất cả vì miền Nam ruột thịt ". Lớp lớp thanh niên miền Bắc hồi ấy rầm rộ lên đường vào chiến trường miền Nam rền vang tiếng súng.
Tôi vừa ra trường được phân công tác về Phòng giáo dục huyện Tam Nông (Phú Thọ). Tôi làm đơn tình nguyện xung phong vào tuyến lửa. Đơn được duyệt, giấy báo về tập trung học tập tại trường lý luận nghiệp vụ của Bộ Giáo dục, tại huyện Chương Mỹ (Hà Tây cũ).
Học 3 tháng, tôi được về phép, chia tay gia đình. Bố tôi nói: "Con là đứa con gái thùy mị, nết na, con cố gắng". Không kéo dài giờ phút bịn rịn, tôi không nói lời nào vội chạy ra xe để đi đến nơi bom đạn, không hẹn ngày về.
Xe ô tô đón chúng tôi từ Chương Mỹ lên Hòa Bình. Đây là trường 105, hay còn gọi là trường huấn luyện biệt kích - một nơi hoàn toàn bí mật, không liên hệ với gia đình, bạn bè.
Được lấy bí danh thay tên đổi họ. Tôi vẫn giữ nguyên tên cha mẹ đặt. Ban ngày học chính trị. Đêm tập hành quân đeo gạch từ 5 viên và tăng dần đạt từ 26 đến 30kg.
Chuẩn bị lên đường, phát quân trang, lương thực, thuốc men, tăng, võng, rau khô, mắm ruốc... và sách giáo khoa dạy học cho vùng giải phóng. Nhìn ba lô nặng chĩu ai cũng cố động viên nhau.
Ngày 5/3/1969, lễ tiễn đưa ở câu lạc bộ Thống Nhất bờ Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Nhìn các cặp vợ chồng như anh Sáu Thọ không nỡ rời nhau. Ai cũng phải cố nén cảm xúc.
 Nhà giáo đi B Phạm Hải Ấm
Thứ trưởng Bộ Giáo dục Lê Liêm đến căn dặn: "Các đồng chí hãy đem những gì ưu việt nhất của miền Bắc XHCN vào với miền Nam. Các em miền Nam chịu nhiều bom đạn không để các em bị "đói chữ". Lời căn dặn đó theo suốt chúng tôi trong quá trình công tác.
Xe ô tô tiến thẳng hướng nam, ngồi trong xe bịt bùng lá ngụy trang, chúng tôi bắt đầu hát, hát cho quên say xe, cho vơi nỗi nhớ nhà. Xe qua Hà Tĩnh, Quảng Bình, lô nhô hố bom, giặc Mỹ cày nát quê hương.
Xe đến làng Ho điểm đầu tiên của dãy Trường Sơn. Bắt đầu cuộc sống gian khổ, gay go. Trời mưa tầm tã. Căng tăng, mắc võng dù đã học nhưng vẫn lúng túng làm sao cho khỏi ướt, các anh chọn cây đẹp nhất mắc võng cho con gái.
Làm sao nấu cơm,bởi củi ướt. Nhóm ba người tự lo, loay hoay rồi cũng có bữa ăn. Đêm đầu tiên trên Trường Sơn thật khó ngủ, nằm trong võng nghe mưa rơi, giữa bạt ngàn núi rừng.
Thử thách đầu tiên là chúng tôi phải leo dốc Nguyễn Chí Thanh với ba lô nặng trĩu. Đoàn người cố gắng leo. Đường trơn, núi cao, đầu người nọ chạm chân người kia. Nhà giáo Minh Khang thốt lên:
"Lưng đèo thác đứng liêu xiêu
Cánh tay bám ngược, cánh diều mong manh.
Bám chân, giữ gió đạp cành
Nhính lên từng bước mong manh qua đèo.
Bước chân tới đỉnh nắng chiều đã gieo.
Bom Mỹ thả dọc Trường Sơn
Trời đêm pháo sáng. Đướng rày bom rơi".
Không thể nói hết được nỗi vất vả khi vượt Trường Sơn. Ốm đau, sốt rét ác tính. Muỗi, vắt, biệt kích rình rập. Đi đến trạm giao liên 73, trạm này vừa bị B52 "bừa". Xác người chưa được thu dọn xong. Đoàn phải vượt trạm này đi thêm nửa ngày nữa. Sức lực hao kiệt. Đói, khổ nhất là khát, không đủ nước uống khi qua Tây Nguyên.
Khi đến miền Đông Nam Bộ, đoàn phải hành quân ban đêm, mỗi đêm 10 tiếng, vừa đi vừa ngủ như người mộng du. Có hôm hành quân gặp đồng bào Khơ Me, họ đón đoàn hành quân cho bánh thốt nốt. Nghĩ cũng mệt nhưng mà vui.
  Thầy trò trong thời kháng chiến. Ảnh: Tư liệu
Mãi là kỷ niệm đẹp của một thời hoa lửa
Sau 6 tháng đi bộ, đầu tháng 9/1969 đoàn chúng tôi cũng đến nơi Ông Cụ, tức TW Cục miền Nam. Nghỉ hơn một tháng, tôi được phân công về miền Tây Nam Bộ (khu 8). Đang ở rừng lại về vào mùa nước, bao khó khăn gian khổ lại thử thách chúng tôi. Vượt Trường Sơn không phải đi bằng chân mà đi bằng đầu, bằng ý chí và nghị lực.
Mùa khô năm 1970, Mỹ ngụy mở một trận càn lớn nhằm đánh phá vào căn cứ của ta trên đất bạn Cămpuchia. Từ sáng sớm đã nghe dân kêu to : "Địch càn, xe zep tới ".
Lúc đó nghe tiếng ù ù xe zep từng bầy như bọ hung đang tiến thẳng trực diện. Trên trời máy bay đủ loại như một bầy nhặng bay kín bầu trời.
Chúng tôi sợ quá, vác ba lô theo dân chạy thẳng vào rừng. Ba lô cồng kềnh quá tôi và chị Tám Hồng (y sĩ của trường) quẳng ba lô vào bụi rậm, chạy thục mạng.
Vừa mệt, vừa đói may được người dân cho bánh bò ăn cho đỡ đói. Hai đứa ngồi thu lu trong bụi rậm bàn nhau, nếu bị địch bắt thì khai thế nào. Tám Hồng bảo khai đi ở bế em. Tôi khai con em miền Bắc di cư cũng đi ở bế em. Chúng tôi bảo nhau nhớ khai không biết chữ.
Đêm yên tĩnh chúng tôi quay về, thật kinh khủng cả cánh rừng toàn những cây to bị bừa nằm rạp cả xuống. Hôm đó chúng tôi chạy theo người dân, nếu chui hầm bí mật chắc sập hầm chết. Trận càn đó xe chỉ huy của địch bị trúng đạn của ta nên chúng rút quân sớm.
 Ảnh minh họa. Nguồn: Tư liệu 
Ngày 5/10/1970, tại chi bộ trường Nguyễn Văn Bé tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng, lớp Đảng viên Hồ chí Minh. Tôi đã thực sự trưởng thành, được tôi luyện trong chiến tranh càng kiên định vững vàng hơn trong mọi thử thách.
Các cán bộ giáo dục tại chỗ và các cán bộ, giáo viên miền Bắc được Trung ương tăng cường đều đoàn kết thương yêu nhau. Cùng chia sẻ khó khăn kiên trì bám dân bám lớp, bám chiến trường, công tác và chiến đấu, tuy gặp nhiều khó khăn nguy hiểm nhưng đều hoàn thành suất sắc nhiệm vụ.
Hàng chục cán bộ trong khu đã hy sinh, nhiều giáo viên bị bắt, bị giam cầm, tù đày tại nhà tù Côn Đảo như: anh Hứa, anh Chu Cấp; tại Nhà tù Phú Quốc như anh Bảy Mai (anh Dương). Dù bị đánh đập, tra tấn, các anh vẫn một lòng trung thành với Cách mạng .
Trong cuộc cách mạng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng tôi những người làm công tác giáo dục đã góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chung giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Qua đó chúng tôi cũng học được tinh thần quả cảm anh dũng hy sinh của đồng bào miền Nam.
Được chứng kiến và chung sống với đồng bào Nam Bộ tôi càng thấy quí mến họ, những con người luôn thân thiện, cởi mở. Những năm tháng được sống và chiến đấu ở chiến trường Miền Nam mãi mãi là những kỷ niệm đẹp trong suốt cuộc đời tôi.
Phạm Hải Ấm

Lý giải nguyên nhân nhiều hiệu trưởng không cho giáo viên bốc thăm lớp?

Lý giải nguyên nhân nhiều hiệu trưởng không cho giáo viên bốc thăm lớp?

 Mai Hoa
(GDVN) - Trong thực tế, không phải giáo viên cứ có năng lực là được xếp vào lớp “ngon”. Muốn vào chủ nhiệm những lớp này, không ít thầy cô cũng buộc phải “chạy”.
Ngoài “chạy trường” còn nhiều kiểu “chạy” khác trong trường học.
Hiện tường chạy trường, chạy lớp diễn ra nhiều ở khu vực đô thị (Ảnh minh họa: sggp.org.vn)
Chuyện “chạy” trường thì gần như ai cũng hiểu. Người “chạy” bây giờ phải đầy đủ nội lực mới cầm chắc phần thắng trong tay.
Bởi như nhiều người thường nói thời buổi “mật ít ruồi nhiều”.
Chạy được cho con vào trường, có phụ huynh cho rằng như thế là xong.
Và thế là họ lại “bình chân như vại” mà không biết rằng cuộc chiến “chạy” vẫn chưa hề kết thúc.
Tình trạng “chạy lớp”, “chạy thầy” hiện vẫn xảy ra ở cả 3 cấp học. Ở bài viết này chỉ phản ánh việc ‘chạy” ở bậc tiểu học.
“Chạy” lớp, “chạy” thầy
Không ít phụ huynh có con học bậc tiểu học cho biết, muốn con học lớp “ngon”, thầy cô dạy “ngon” thì phụ huynh phải chạy.
Thường thì trong trường tiểu học có 5 khối lớp sẽ có 5 lớp “ngon” và đương nhiên cũng có 5 giáo viên “ngon” được xếp vào dạy.
Lớp được định nghĩa là “ngon” theo nhiều người cho biết, đó gần như là lớp chọn của khối.
Những em được chọn vào lớp này đa phần nhìn rất “sáng sủa”.
Sự “ngon” còn thể hiện ở việc học sinh nào cũng nổi trội về gia thế như ba mẹ làm to hoặc gia đình có điều kiện kinh tế vượt trội.
Thầy cô “ngon” theo cách nói gọn của nhiều người. Nhưng sự “ngon” chưa hẳn đã là dạy tốt.
Bởi, dạy tốt nhưng không nằm trong sự ưu ái của hiệu trưởng, nói thẳng ra là không cùng ‘phe, cánh” cũng chẳng bao giờ được hiệu trưởng xếp vào dạy.
Giáo viên dạy giỏi trong mắt đồng nghiệp chúng tôi, phải là học sinh yếu kém dạy trở nên giỏi mới tài.
Nhưng học sinh vốn có năng lực sẵn, giáo viên dạy các em xếp loại giỏi cũng thường thôi.
Thế nhưng với phụ huynh, thấy con được xếp loại giỏi mặc nhiên khen thầy cô ấy dạy giỏi và ngược lại.
Thế là muốn cho con vào học lớp tốt nhất khối đương nhiên phụ huynh phải biết “chạy”.
Giáo viên cũng “chạy” vào lớp “ngon”

Chạy trường, bán suất đầu cấp học đang làm cho nhân cách nhiều người méo mó
Trong thực tế, không phải giáo viên cứ có năng lực là được xếp vào lớp “ngon”.
Muốn vào chủ nhiệm những lớp này, không ít thầy cô cũng buộc phải “chạy”.
Vì sao, giáo viên lại sẵn sàng bỏ ra một số tiền để làm việc này? Dạy lớp nào mà chẳng được?
Lớp “ngon” khác lớp thường. Phần lớn lớp “ngon” học sinh học tốt và đều hơn.
Giáo viên dạy những lớp này cũng đỡ mất nhiều công kèm cặp.
Một điều vô cùng lợi nữa do kinh tế gia đình của phần đông học sinh trong lớp đều ở mức khá.
Vì vậy, những thầy cô giáo dạy nơi đây sẽ được hưởng nhiều bổng lộc.
Một số giáo viên hiện dạy ở Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh nói rằng:
“Một cái Tết 20/11 có thầy cô nhận được vài chục triệu tiền phong bì phụ huynh biếu. Ngoài ra còn mĩ phẩm, nước hoa ngoại, túi xách, quần áo hàng hiệu…
Một năm có đến mấy lần giáo viên được nhận quà như 20/11, Tết tây, Tết ta, ngày sinh nhật, 30/4 và 1/5.
Chỉ nhẩm sơ sơ bổng lộc có khi bằng cả năm lương đi dạy của một người có thâm niên vài chục năm.
Chưa hết, do điều kiện kinh tế khá giả, thế nên phụ huynh ở những lớp này rất chịu cho con đi học thêm.
Có gia đình còn yêu cầu thầy cô kèm đặc biệt theo kiểu kèm thêm ngày thứ Bảy và Chủ nhật mà thù lao có khi lên tới cả tháng lương.
Giải pháp nào xóa bỏ kiểu bất công này?
Nhiều hiệu trưởng luôn lấy quyền của mình để ấn định học sinh vào lớp nào cũng như giáo viên nào mới được vào dạy những lớp ấy.
Hiệu trưởng tự mình phân công,  sau đó chỉ thông quan hiệu phó, công đoàn lấy lệ.
Và nếu ai có ý kiến cũng không thể thay đổi được gì.
Thế nên dẹp bỏ sự độc đoán trong cách làm chỉ còn cách công đoàn yêu cầu tôn trọng quyền bảo vệ quyền lợi chính đáng của học sinh và cả giáo viên.
Số lượng học sinh sẽ được chia ngẫu nhiên về các lớp.
Sau đó, công khai buổi bốc thăm lớp dạy cho giáo viên trước hội đồng (trước đó Ban giám hiệu đã phân công giáo viên theo khối).
Làm cách này sẽ không thể ưu ái cho “phe cánh” của mình vào dạy những lớp trọng điểm.
Cách trên chỉ áp dụng khi tổ chức công đoàn trong nhà trường đủ mạnh để có tiếng nói.
Bằng không, hiệu trưởng sẽ thẳng tay thao túng, tuyệt đối không đồng ý xếp lớp theo danh sách ngẫu nhiên và không cho giáo viên bốc thăm lớp dạy.
Và việc chạy lớp, chạy thầy vẫn tiếp tục xảy ra gây nên sự bất công bằng cho học sinh và chính các thầy cô giáo.
Mai Hoa

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2019

Xin đừng làm “nhọ” danh nhà giáo

Xin đừng làm “nhọ” danh nhà giáo

 Xuân Dương
(GDVN) - Với nhà giáo, nếu phải dùng từ “nhọ” thì cách ứng xử tốt nhất là xin ra khỏi ngành, bởi không chỉ “con sâu làm rầu nồi canh” mà còn có thể nhọ lây sang cả trò.
“Nhọ” được hiểu gần với màu đen, chẳng hạn “nhọ nồi” là muội đen bám ở đáy nồi khi đun bằng rơm, rạ, củi,… Dùng với nghĩa bóng, chẳng hạn “Thằng ấy nhọ quá” là câu ám chỉ một người chẳng ra gì về mặt nhân cách mặc dù người đó có thể có địa vị, giàu có hoặc bằng cấp đầy mình.
Rất ít khi người ta nói “Bà ấy nhọ quá” hoặc “Mụ ấy nhọ quá” có thể vì đối với phụ nữ, dù sao cũng phải tế nhị một tí.
Đối với nhà giáo, nếu phải dùng từ “nhọ” thì cách ứng xử tốt nhất là xin ra khỏi ngành, bởi không chỉ “con sâu làm rầu nồi canh” mà còn có thể làm “nhọ” lây sang học trò.
Phải nói điều này bởi ngày 16/07/2019 báo Baophapluat.vn - cơ quan của Bộ Tư pháp - trong bài “Một đề xuất vi hiến và ngớ ngẩn” trích dẫn phát biểu của đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Hồng Xuân, người có học hàm phó giáo sư, học vị tiến sĩ như sau:
“Đã đến lúc nghĩ đến việc ăn cây nào phải rào cây nấy. Thực tế, có một bộ phận người nhập cư không tuân thủ các quy định của thành phố.
Có biện pháp nào mạnh mẽ hơn không? Thành phố Hồ Chí Minh có thể yêu cầu họ trở về nơi cư trú cũ vì “Anh ơi đô thành ở đây em sống không quen”. [1]
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Hồng Xuân (Ảnh: Infonet.vn)
Khi tờ báo thuộc Bộ Tư pháp đề cập đến chuyện “vi hiến” thì chắc chắn không cần bàn luận vị đại biểu Hội đồng nhân dân này “vi hiến” như thế nào.
Vấn đề còn lại là vì sao một nhà giáo, là trưởng khoa một đại học là đưa ra một đề xuất bị báo chí cho là “ngớ ngẩn”?
Tra cứu sách đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, mục quê quán giới thiệu đại biểu Phan Thị Hồng Xuân quê ở xã Mỹ Trà, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Chẳng biết vị đại biểu này có hộ khẩu thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh được bao nhiêu năm mà đã đề xuất với chính quyền thành phố “ăn cây nào phải rào cây nấy”.
Một đề xuất mang tính cục bộ, địa phương, của một phó giáo sư, tiến sĩ, lại là Trưởng khoa Đô thị một đại học được nêu ra tại nghị trường khiến các nhà giáo chân chính cảm thấy xấu hổ.
Còn những người, cơ quan nhào nặn lên một lãnh đạo, một phó giáo sư như thế có cảm thấy xấu hổ không thì thật khó nhận biết.
Thế nào là “đã đến lúc nghĩ đến việc” Thành phố Hồ Chí Minh phải “ăn cây nào rào cây nấy”?

Cái Lon trong lời bà Cục trưởng và cái Lu của bà Nghị
Từng có những ý kiến cất lên từ Thành phố Hồ Chí Minh, rằng dân số thành phố chiếm 9,5%, lao động chiếm 8,2% cả nước; đóng góp 27% thu ngân sách quốc gia nhưng chỉ được dùng 5,2% ngân sách là bất hợp lý. Đúng ra thành phố phải được dùng 9,5% ngân sách,…
Phải chăng vị đại biểu Hội đồng nhân dân Phan Thị Hồng Xuân cũng chỉ phụ họa theo trào lưu hay còn có ý thúc giục những người lãnh đạo phải “rào giậu” cho thật kỹ, sớm biến Sài Gòn thành ốc đảo, chỉ cần thành phố mình giàu mà không cần đến cả nước?
Nói cách khác, có phải những người ngoại tỉnh nhập cư về thành phố chỉ là gánh nặng với dân thành phố “xịn” nên cần phải “rào” thành phố lại, không cho người hoặc địa phương nào “tắc lỏm”?
Nghe nói lý do “yêu cầu họ trở về nơi cư trú cũ” là chuyện xả rác thải sinh hoạt xuống kênh, rạch, nơi công cộng.
Thế nhưng ai cũng biết nhờ nguồn lực “nhập cư”, nhờ chuyện dọn “rác thải” mà có vị lãnh đạo công ty công ích thành phố nhận lương 2,6 tỷ đồng một năm, “bét nhất” là kế toán trưởng cũng nhận lương từ 700 - gần 900 triệu đồng/năm. [2]
Dẫu sao rác thải sinh hoạt xả ra thành phố còn có công ty môi trường đô thị thu dọn, còn “rác phát ngôn” cũng xả bừa bãi nơi công cộng thì ai thu dọn?
Với người xả “rác phát ngôn” bừa bãi có nên đưa họ “trở về nơi cư trú cũ”?
Khi khuyến nghị thành phố “ăn cây nào rào cây nấy” không biết “cô nghị” có còn người thân nào ở quê gốc, nếu còn mà họ hàng nhà cô  biết được có người trong họ đề xuất “rào” thành phố Hồ Chí Minh” không cho người ngoài bén mảng đến thì họ nghĩ gì”?

Đừng nghĩ là Đại biểu Quốc hội thích nói thế nào cũng được!
Sau Baophapluat.vn của Bộ Tư pháp đến lượt báo Infonet.vn của Bộ Thông tin và Truyền thông, hôm 23/07/2019 báo này đăng bài “Cán bộ ngồi nhầm chỗ”, bài báo có đoạn:
Dư luận nghi ngờ năng lực phó giáo sư đề xuất “dùng lu” chống ngập… Vậy là chưa từng học đô thị học, cũng chẳng kinh qua ngày nào làm chuyên viên trong lĩnh vực đô thị, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân nghiễm nhiên giữ chức vụ Trưởng khoa Đô thị học. Dư luận đặt ra câu hỏi:  
“Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh đã hết người để bổ nhiệm đúng vị trí, đúng chuyên môn? Và với một người không có chuyên môn sẽ đào tạo thế hệ sinh viên tương lai đất nước ra sao?”. [3]
Là tờ báo của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngôn từ được sử dụng đương nhiên rất có chừng có mực, vậy mà tờ báo này lại phải nêu vấn đề một đại học danh tiếng là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh có phải “đã hết người để bổ nhiệm đúng vị trí, đúng chuyên môn”?
Với người được dân bầu, được ủy nhiệm thực hiện quyền lực của nhân dân ở cấp cao nhất, báo Tienphong.vn từng trích dẫn câu hỏi của cử tri Thủ Thiêm với đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm:
“Trong hai nhiệm kỳ vừa qua, chị Tâm ngồi ở đây cho biết đã làm được gì? Đã lo cho dân chúng tôi được cái gì, xin chị nói cho chúng tôi biết?”.
Có lẽ cử tri Thành phố Hồ Chí Minh không cần phải đặt câu hỏi như vậy với đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Phan Thị Hồng Xuân bởi vị này đã làm được nhiều việc khiến báo chí và người dân cả nước đều biết.
Ẩn phía sau câu hỏi của báo Infonet.vn, kết hợp với đánh giá “vi hiến và ngớ ngẩn” của báo Baophapluat.vn, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên xem lại quá trình nhào nặn một cử nhân đại học mở thành một vị phó giáo sư, tiến sĩ như vậy?
Và phải chăng chính việc đặt một “nhà giáo” như vậy vào vị trí đòi hỏi cả trình độ lẫn tâm đức ít nhiều đã góp phần “làm nhọ” thanh danh nhà giáo?
Tài liệu tham khảo:
[1]//baophapluat.vn/goc-nhin-ban-doc/mot-de-xuat-vi-hien-va-ngo-ngan-461560.html
[2] //vneconomy.vn/doanh-nhan/cach-chuc-cac-sep-luong-khung-tai-tphcm-20130912075912581.htm
[3] //infonet.vn/can-bo-ngoi-nham-cho-post306786.info
Xuân Dương