Cái lu, 120 ngàn tỉ và nguy cơ còn ngập 20 năm nữa
LĐO |
“Có thể trang bị cho mỗi nhà một lu nước to để hứng nước mưa” - đại biểu Hội đồng Nhân dân TPHCM, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân gợi ý về một giải pháp chống ngập cho thành phố “ứng dụng từ giá trị văn hóa bản địa”. Nhưng “cái lu” chỉ là một bằng chứng về sự bế tắc mà thôi.
Chuyện cái lu nhắc lại một thực tế là trong 10 năm qua, TPHCM đã chi đến hơn 22.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án chống ngập. Theo kế hoạch, đến năm 2020, con số này lên đến hơn 120.000 tỉ đồng.
Trong 10 năm ấy, với số tiền "khủng" ấy, ngập vẫn hoàn ngập. Và nói như TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu WACC - Đại học Quốc gia TPHCM: “Thành phố mới đi được 30 - 40% công cuộc chống ngập. Với khối lượng còn lại, nếu sắp xếp theo đúng kế hoạch thì ít nhất 20 năm nữa mới đủ lực giải quyết dứt điểm ngập. Còn nếu cứ giữ cơ chế như hiện nay, tình trạng ngập sẽ từ chỗ này lấn qua chỗ khác, phát triển đến đâu là ngập đến đấy”.
Có báo cáo nói, từ 105 điểm ngập giai đoạn 2001-2005, tới nay còn lại 37 điểm ngập. Có báo cáo tính năm 2008 có 126 điểm ngập do mưa, 95 điểm ngập do triều cường, và đến nay còn 18 điểm ngập do mưa và 5 điểm ngập do triều cường. Tờ Pháp luật TPHCM từng đặt vấn đề về số liệu thống kê các điểm ngập còn “bất nhất” với TS Phan Anh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển, Trung tâm chống ngập TP.HCM. Và ông nhìn nhận việc thống kê điểm ngập đúng là bất cập, chưa có số liệu đầy đủ, thống nhất.
Liệu người ta có thể chống ngập khi ngay cả số điểm ngập cũng không biết chính xác, cũng bất nhất trong thống kê tính toán, và khi “tình trạng ngập sẽ từ chỗ này lấn qua chỗ khác, phát triển đến đâu là ngập đến đấy”???
Phó Ban đô thị HĐND TPHCM Nguyễn Minh Nhựt từng nêu 2 ví dụ rất nặng ký: “Dự án lắp đặt cống hộp trên đường Mai Xuân Thưởng đã hoàn thành 90% nhưng còn vướng 1 căn nhà duy nhất chưa giải quyết được”. "Quá trình giám sát ở quận Tân Bình, chúng tôi thấy hệ thống thoát nước không có tính đồng bộ. Hạ tầng thoát nước bên trong và bên ngoài sân bay khác nhau, không kết nối được với nhau, khiến khu vực này có thời điểm ngập nặng.
Cái ngôi nhà “nút thắt cổ chai” ấy thô thiển thì là chuyện ngôi nhà, nhưng những “nút thắt cổ chai” thì lại ở khắp nơi, trong cả những dự án dán nhãn “chống ngập” và trong cả tư duy.
Người ta không thể dùng lu để chống ngập, cũng như không thể dùng “con số đẹp trên báo cáo” để “dẫn mưa ra ngoài che triều vào trong”, khi tiền bạc cho chống ngập đã vãi ra hàng chục ngàn tỉ .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét