Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2019

Biển Đông cơn nóng tháng 7

Biển Đông cơn nóng tháng 7

 Sau cơn nóng kỷ lục tháng 6 do biến đổi khí hậu, trong tháng 7, Biển Đông lại nóng lên, lần này là do các hoạt động của tàu thuyền Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam.

Ngày 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Biển Đông cơn nóng tháng 7
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở phía Nam Biển Đông
Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.
Khu vực Tư Chính - Vũng Mây thuộc quyền quản lý của Việt Nam
Các báo cáo quốc tế đều cho rằng khu vực Tư Chính - Vũng Mây hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Vùng biển này đã được xác định bởi Tuyên bố Chính phủ CHXHCN Việt Nam tháng 5/1977 và được khẳng định trong luật Biển Việt Nam 2012.
Ngày 19/5/1992, Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã yêu cầu tổ chức này phân phát công hàm của Việt Nam tới các nước thành viên khẳng định Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa kéo dài tự nhiên từ lãnh thổ đất liền Việt Nam, và không phải trên thềm lục địa Trường Sa.
Việt Nam cũng cùng với Malaysia đệ trình hồ sơ chung về ranh giới thềm lục địa kéo dài ngoài 200 hải lý từ lãnh thổ đất liền bao gồm cả Tư Chính lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của LHQ ngày 7/5/2009, trước thời hạn cuối cùng mà Công ước Luật biển yêu cầu các nước thành viên thực hiện ngày 13/5/2009.
Ngược lại, Trung Quốc tiếp tục duy trì yêu sách đường lưỡi bò, cũng không có báo cáo ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý trước Ủy ban ranh giới thềm lục địa của LHQ.
Biển Đông cơn nóng tháng 7
Đường lưỡi bò phi lý
Ba năm phán quyết lịch sử
Đây là thời điểm đánh dấu tròn 3 năm phán quyết lịch sử ngày 12/7/2016 của Toà trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Luật biển. Phán quyết của Toà đã kết luận đường lưỡi bò không có giá trị pháp lý yêu sách các vùng biển ở Biển Đông và các đảo ở Trường Sa chỉ có vùng biển lãnh hải 12 hải lý.
Phán quyết này ủng hộ các quốc gia ven biển như Việt Nam, Philippines mở rộng hết mức vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình do các đảo Trường Sa không có đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Phía trước vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là biển cả, và không tồn tại bất kỳ vùng biển chồng lấn nào với đặc quyền kinh tế Việt Nam trong khu vực này. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam không có nghĩa vụ đàm phán phân chia vùng biển này với bất kỳ nước nào.
Khu vực Tư Chính cách đảo Hải Nam Trung Quốc hơn 600 hải lý, tức gấp 3 lần vùng đặc quyền kinh tế Trung Quốc nên khó có thể biện minh là vùng biển thuộc Trung Quốc. Địa hình Thềm lục địa khu vực này cho phép Việt Nam được quyền mở rộng ngoài 200 hải lý đến vị trí mà Ủy ban Ranh giới thềm lục địa khuyến nghị.
Việt Nam đã thể hiện quan điểm ủng hộ quyền tài phán của Toà khi cho rằng các đảo tại Trường Sa không có đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và thực tế hồ sơ chung về ranh giới thềm lục địa Việt Nam - Malaysia 2009 được xây dựng trên quan điểm này.
Trung Quốc ngược lại thì thi hành chính sách “không chấp nhận quyền tài phán của Toà, không chấp nhận phán quyết và không thi hành phán quyết”. Trung Quốc muốn làm sống lại đường lưỡi bò, tiếp tục bác bỏ giá trị chung thẩm của phán quyết, đi ngược lại giải thích luật biển quốc tế được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Ở Biển Đông, cùng với các hoạt động bắn thử tên lửa chống hạm, củng cố hoạt động lấn chiếm các bãi cạn, Trung Quốc đang rắn lên để khẳng định quyền kiểm soát tuyệt đối “sân sau của mình”, gây sức ép để các nhà thầu nước ngoài rút lui khiến các nước trong khu vực bắt buộc chấp nhận sáng kiến gác tranh chấp cùng khai thác của Trung Quốc.
Sáng kiến này được các học giả quốc tế bình luận như là nước chủ nhà cùng khai thác tài nguyên của Trung Quốc trên vùng biển của mình, một kiểu đầu tư nước ngoài vào quản lý tài nguyên Trung Quốc. Thực chất là phương thức biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp.
Trung Quốc cũng thể hiện sẵn sàng sử dụng vũ lực, đe doạ các nước nhỏ. Tháng 5/2019, tàu Hải dương 35111 của Trung Quốc đã tiến hành tuần tra ngăn cản hoạt động khoan thăm dò của giàn khoan Sapura Esperanza và tàu dịch vụ Executive Excellence thuộc hãng Shell trong vùng bãi cạn South Luconia Shoals cách Sarawak (Malaysia) 100 hải lý. Lô dầu khí này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Malaysia. 
Trung Quốc cũng yêu sách bãi ngầm này là nằm trong đường lưỡi bò của mình. Tháng 11/2018, Trung Quốc đã ký thoả thuận 1 năm đề đàm phán với Philipines về cùng khai thác tại khu vực Bãi Cỏ Rong và giờ đây đang muốn đạt được sự nhượng bộ tương tự từ những nước khác cũng như thúc ép Philippines có những triển khai chính thức thoả thuận trên. 
Hoạt động của Trung Quốc còn diễn ra trong giai đoạn đàm phán COC giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Một trong những quan ngại mà COC cần điều chỉnh là các bên phải kiềm chế, không làm phức tạp tình hình. Hoạt động này báo hiệu đàm phán COC không suôn sẻ và các nước sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để đạt được mục đích giữ gìn an ninh, hoà bình và ổn định ở Biển Đông. 
Các hoạt động nghiên cứu khoa học biển trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển thuộc thẩm quyền tài phán của quốc gia ven biển, điều 56, 77 và 246 của Công ước Luật biển 1982. Mọi hoạt động nghiên cứu khoa học của nước ngoài trên các vùng biển này cần có sự đồng ý của quốc gia ven biển.
Các quốc gia ven biển cần tỉnh táo, tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của Công ước Luật biển 1982 cũng như phán quyết của Toà trọng tài, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, chống lại mọi động thái đe doạ sử dụng và sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, nhằm xây dựng một trật tự pháp lý trên biển trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nhau, vì hoà bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Dân chủ hoá tranh chấp
Các nước trong khu vực có thể học hỏi Guatemala và Belize trong việc dân chủ hoá tranh chấp. Hai nước này đã tổ chức trưng cầu dân ý về việc đưa tranh chấp phân định biển tồn tại trăm năm giữa hai nước ra trước Toà án Công lý quốc tế. Guatemala đã chính thức thông báo với Toà kết quả trưng cầu dân ý và Thỏa thuận đặc biệt với Belize vào ngày 22/8/2018. Belize cũng thực hiện bước đi tương tự vào ngày 7/6/2019.
Hai thông báo này đã tạo thẩm quyền cho Toà xem xét vụ viêc. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân của hai quốc gia tranh chấp đã thể hiện sự tin tưởng của mình với sự công tâm của Toà án giải quyết tranh chấp biển và lãnh thổ trên cơ sở luật quốc tế. Nhân dân các nước xung quanh Biển Đông cũng có thể thể hiện sự tin tưởng của mình thông qua hình thức trưng cầu dân ý đưa vụ tranh chấp Biển Đông ra trước Toà.
Đó là một trong những cách giải quyết văn minh, phù hợp luật quốc tế và tránh cho các chính phủ sự lo ngại trước các tác động của chủ nghĩa yêu nước dân tuý. 
Yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam

Yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam

 Nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt ....
Việt Long 

Không có nhận xét nào: