Luật trên trời cuộc đời dưới đất
(PLVN) - Sự việc đối tượng Đỗ Mạnh Hùng (sinh năm 1982, quê An Lão, Hải Phòng) tấn công tình dục một nữ sinh trong thang máy chỉ bị chịu mức phạt hành chính 200 nghìn đồng từ cơ quan chức năng đang là chủ đề gây phản ứng phẫn uất trong dư luận những ngày qua.
Điều đáng nói, sự việc này xảy ra đã lâu, tuy nhiên cho đến nay chưa hề thấy Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có bất kỳ ý kiến nào dù trong chức năng của Hội LHPN nêu rõ “Đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ”. Sự im lặng bất thường này lại được đặt trong bối cảnh năm mà Hội LHPN đang triển khai “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”.
Ngay đến cả một hội chuyên ngành còn đối xử với sự việc này bằng cách im lặng thì ở xã hội ta, nhận thức về pháp luật bảo vệ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực còn hời hợt nếu không muốn nói là đang bỏ ngỏ là điều dễ hiểu.
Phải nói rằng, trong xã hội ta hiện nay, không ít những trường hợp phụ nữ và trẻ em bị xâm hại, bạo lực… nhưng vì một lý do nào đó họ chịu đựng, không dám tố cáo, chia sẻ, việc dám đứng lên tố cáo đối tượng đã xâm hại mình của nữ sinh viên là hết sức dũng cảm.
Bởi chúng ta đều biết, khi tố cáo những sự việc tế nhị, người bị hại cũng không có cách nào ẩn thân, với những sự việc nghiêm trọng, sự xấu hổ có lẽ là rào cản lớn nhất khiến họ không dám đứng lên tố cáo.
Với những hành động trong clip được camera của thang máy ghi lại, dư luận xã hội cho rằng hành động của Đỗ Mạnh Hùng là “tấn công tình dục” chứ không chỉ dừng lại ở quấy rối. Những hành động trong clip cho thấy, kẻ biến thái Đỗ Mạnh Hùng đã dùng sức mạnh và vũ lực để khống chế nữ sinh khi thực hiện hành vi đồi bại của mình ở nơi công cộng và giữa thanh thiên bạch nhật.
Một hành động xúc phạm nghiêm trọng đến thân thể, danh dự và nhân phẩm của người khác, đặc biệt, nó còn để lại hậu quả tiêu cực nặng nề về tâm lý đối với nạn nhân, thứ mà không gì có thể đo đếm nổi.
Khi cơ quan chức năng áp dụng tại điểm a, khoản 1, điều 5 nghị định 167/2013/NĐ-CP “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” thì mức phạt cho hành vi trên chỉ là 200 nghìn đồng.
Theo quy định, việc cơ quan chức năng xử phạt kẻ biến thái Đỗ Mạnh Hùng 200 nghìn đồng là không sai, tuy nhiên, mức xử phạt cũng như quy định trên chứng tỏ sự mơ hồ của luật pháp và sự mơ hồ đó không còn phù hợp với sự phát triển của con người và xã hội.
Với sự phản ứng gay gắt của dư luận xã hội trong sự việc này chứng tỏ những quy định về việc xử lý những hành động “quấy rối tình dục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác” đã lạc hậu và cần được thay đổi, bổ sung. Phải nói thêm, ngoài việc dư luận căm phẫn với hành động của kẻ biến thái Đỗ Mạnh Hùng thì việc xử phạt theo kiểu trêu ngươi dư luận là giọt nước làm tràn ly.
Mấu chốt của vấn đề là sự lạc hậu của Nghị định 167/2013/NĐ-CP đã vô tình là nguyên nhân của sự giễu nhại bi hài đối với danh dự và nhân phẩm con người.
Xã hội và con người ngày một phát triển, và dù ở xã hội nào đi chăng nữa, danh dự và nhân phẩm con người luôn luôn được tôn trọng cao nhất và được pháp luật bảo vệ. Để xã hội vận hành theo đúng quỹ đạo mà con người mong muốn thì xã hội đó cần có một hệ thống luật pháp chắc chắn và theo kịp diễn biến, phát triển của thời cuộc.
Thiết nghĩ, đây cũng là bài học để các nhà làm luật nghiêm túc xem xét, rà soát lại một cách tổng thể để có những thay đổi, bổ sung kịp thời nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý, hạn chế đến mức tối thiểu những xung đột giữa đời sống, ý chí con người và luật pháp.
Đối với hành động của kẻ biến thái Đỗ Mạnh Hùng, dư luận xã hội đòi hỏi một bản án nghiêm khắc hơn về mặt luật pháp, đó cũng là lẽ thường. Tuy nhiên, bản án nặng nề và bi thảm nhất đối với Hùng chính là sự khinh miệt, lên án của dư luận xã hội. 200 nghìn kia không còn là tiền phạt cho hành vi mà Hùng đã gây ra, 200 nghìn kia chính là giá trị nhân cách đi theo suốt cuộc đời của gã yêu râu xanh mang tên Đỗ Mạnh Hùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét