Từ ngày chuyển đổi cơ chế với sự tham gia của nhiều nhà mạng, nhân viên các bưu điện xuống tận nơi mời gọi người dân lắp đặt điện thoại cùng với nhiều gói cước ưu đãi. Thủ tục giải quyết chớp nhoáng trong 12 tiếng. Các chương trình khuyến mãi nở rộ…   
Nhìn sang ngành điện, xét về tổng thể, mặc dù thị trường điện đã có sự tham gia của nhiều đơn vị song Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn giữ vai trò độc quyền. Về sản xuất điện năng, EVN và các thành viên trực thuộc nắm giữ hơn 61% tổng công suất phát điện toàn hệ thống, trong khi các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân chỉ chiếm 23,9%. Các doanh nghiệp nhà nước khác như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản cũng tham gia nhưng chỉ nắm giữ tỷ lệ ít ỏi gần 15%…
EVN cũng đang giữ vai trò độc quyền thị trường truyền tải và phân phối điện với chức năng là đơn vị mua điện duy nhất và bán lẻ điện duy nhất trong nền kinh tế. Mô hình một người thu mua duy nhất và sau đó toàn quyền phân phối điện như hiện nay sẽ kìm hãm sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn phát triển của thị trường điện trong thời gian qua cho thấy sự độc quyền gây nhiều trở ngại hơn là lợi ích cho quốc gia.
Độc quyền xóa bỏ mọi sự cạnh tranh, yếu tố tiên quyết để kích thích thị trường, mà điểm nghẽn về hạ tầng truyền tải điện hiện nay là một minh chứng cụ thể. Trong độc quyền, giá cả không được điều tiết bởi cung cầu và có thể dẫn tới khả năng bán điện cùng một giá (qua đó hỗ trợ cho nhóm người nghèo, thu nhập thấp) nhưng đồng thời cũng có thể dẫn đến việc tăng giá không có giới hạn. Sự độc quyền còn dẫn tới thiếu minh bạch trong chính sách giá cả. Ở Việt Nam, sự độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước làm hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân. Một số ít các tổ chức hoạt động trong ngành điện không thể góp phần tạo ra một thị trường hấp dẫn đối với đầu tư từ nước ngoài.
May mắn thay, Chính phủ đã sớm nhận ra và đang quyết tâm hướng đến một thị trường điện cạnh tranh, minh bạch. Hy vọng với việc mạnh dạn cho thí điểm một số cơ chế mới như cho phép nhà đầu tư sản xuất điện đầu tư hạ tầng truyền tải cũng như cho nghiên cứu cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, Việt Nam sẽ dần tiến tới một thị trường điện lành mạnh và câu chuyện tăng giá điện gây sốc như vừa qua sẽ khó tái diễn.