Slogan “mở lon Việt Nam”: Buộc chỉnh sửa, nhưng không nên đánh giá nặng nề!
LĐO |
Cục Văn hóa cơ sở đã ra văn bản yêu cầu Coca-Cola chỉnh sửa slogan quảng cáo.
00:00
-02:24
Câu slogan quảng cáo “mở lon Việt Nam” của Coca-Cola đã gây sóng dư luận từ sáng ngày 29.6 sau khi bị Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ VHTTDL ra văn bản yêu cầu chỉnh sửa lại, đồng thời tháo dỡ các bảng quảng cáo có câu khẩu hiệu này nếu không chỉnh sửa được.
Lâu nay, dư luận vẫn thường hay phản ứng cơ quan quản lý là chậm chạp so với diễn biến trong thực tiễn, thiếu tầm nhìn xa và sự dự báo trước để ngăn chặn các lan truyền trong dư luận từ những vấn đề nhạy cảm dễ bị thêu dệt, suy diễn, xuyên tạc theo hướng tiêu cực.
Thế nhưng lần này, khi Cục Văn hóa cơ sở ra văn bản chấn chỉnh về câu slogan quảng cáo của Coca-Cola, lại bị dư luận không đồng tình. Nguồn cơn vì sao mà dư luận cứ chạy theo sự “bới lông tìm vết” mà thiếu sự công bằng trong việc đánh giá các động thái tích cực của cơ quan quản lý?
Thứ nhất cần khẳng định rằng, động thái của Cục Văn hóa cơ sở là cần thiết và kịp thời, bởi câu khẩu hiệu “mở lon Việt Nam” trước mắt về mặt ngữ nghĩa là khó hiểu, nội dung thông tin không rõ ràng lại được gắn với tên một quốc gia. Thứ hai về mặt ngôn ngữ, câu khẩu hiệu này ẩn chứa tính nhạy cảm, dễ bị “chế”, tạo nên một môi trường ngôn từ gắn với tên quốc gia bị suy diễn rồi lan truyền với ngữ nghĩa không lành mạnh.
Nhìn ở góc độ này, văn bản từ Cục Văn hóa cơ sở phát ra yêu cầu Coca-Cola chấn chỉnh là rất kịp thời và tích cực, nhằm ngăn chặn từ xa các nhiễu loạn, thêu dệt, bịa đặt trên cơ sở câu slogan trên. Ngay cả đối với doanh nghiệp, một khi slogan trên bị các đối tượng “bôi bẩn” thì cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.
Như vậy phản ứng của cơ quan quản lý ở góc độ này không đáng bị phản ứng như trên dư luận hiện nay.
Song nhìn đi thì cũng nên nhìn lại. Trong văn bản của mình, Cục Văn hóa cơ sở đã quy cho câu slogan trên “trái thuần phong mĩ tục” là chưa thuyết phục, và thậm chí không đủ cơ sở, gây cho doanh nghiệp cảm giác bị nhìn nhận nặng nề, từ đó dư luận đi đến phản ứng. Điều này cũng cho thấy khi soạn thảo văn bản, việc kiểm soát nội dung chưa kĩ càng và chặt chẽ, còn “sạn”.
Phía doanh nghiệp đã tiếp thu sự chấn chỉnh của cơ quan chức năng, song ngược lại, cơ quan chức năng cũng cần chấn chỉnh lại cách sử dụng ngôn từ trong văn bản ở mức độ không cần thiết hoặc chưa đủ cơ sở để nhận định như cụm từ đã sử dụng trong văn bản trên, tránh gây ra những trường hợp dư luận phản ứng không đáng có về sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét