Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

Nghĩa tình “Bách khoa” với huyện biển Thạnh Phú

Nghĩa tình “Bách khoa” với huyện biển Thạnh Phú

http://baodongkhoi.vn/ đăng ngày 12/07/2019 - 07:09.
BDK - Sau 3 năm tham gia mặt trận Giồng Trôm thì chiến sĩ tình nguyện hè Trường Đại học Bách Khoa hành quân về với huyện biển Thạnh Phú. Gắn bó với nơi đây 3 năm, Bách Khoa đã để lại cho Thạnh Phú nhiều nghĩa tình, giúp địa phương này hoàn chỉnh cơ bản về hạ tầng và giao thông nông thôn (GTNT) liên xóm, ấp. “Qua tiếp xúc và phong cách làm việc của Ban Chỉ huy chiến dịch nhà trường đã để lại cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên và người dân huyện nhà nhiều bổ ích…” - ông Lê Văn Gặp - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú cho biết.
Cầu Thuận Lợi thuộc xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú phục vụ bà con hai ấp Quí Thuận A và Quí Lợi đến nay.

Cầu Thuận Lợi thuộc xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú phục vụ bà con hai ấp Quí Thuận A và Quí Lợi đến nay.
Khơi dậy tinh thần đoàn kết
“Uy tín và chất lượng với công trình và phần việc rất cụ thể. Kế hoạch và tiến độ, họp giao ban nghiêm túc. Địa phương nào có công trình của Bách Khoa là người dân nơi đó rất phấn khởi. Với phương châm, cách làm và quy định của nhà trường đưa ra theo sự đối ứng giữa nhà trường với từng địa phương, luôn được người dân đồng tình hưởng ứng cao” - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Văn Gặp cho biết. Dành tình cảm thân thiết, quý mến nên nơi nào có công trình của Bách Khoa triển khai là người dân rất sẵn sàng từ việc nuôi quân đến đóng góp sức người, sức của. Thời bấy giờ, tuyến đường GTNT được làm chiều ngang 1,2m. Bà con mạnh dạn hiến đất, hoa màu và đóng góp ngày công lao động, góp phần cho tiến độ và công trình sớm được hoàn thành.
Anh Nguyễn Văn Tưởng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạnh Phú, nguyên Bí thư Huyện Đoàn, nhớ lại: Cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cùng nhân dân rất háo hức mỗi khi nghe thông tin chiến sĩ Bách Khoa tham gia chiến dịch trên mặt trận huyện. Bởi thực tế, những phần việc, công trình nhà trường thực hiện mang ý nghĩa dân sinh rất cao, hệ thống GTNT của huyện tốt lúc bấy giờ có phần đóng góp rất lớn của Trường Đại học Bách Khoa.
Các công trình lớn huy động sức dân, sự chung tay của các ngành địa phương như cầu Thuận Lợi bắt qua kênh Phụ nữ nối liền hai ấp Quí Thuận A và Quí Lợi, xã Hòa Lợi (năm 2008). Công trình này để lại nhiều kỷ niệm khó quên, thể hiện nghĩa tình giữa Bách Khoa và Thạnh Phú, giữa người dân địa phương với các chiến sĩ tình nguyện của trường. Chiếc cầu được thi công bằng thủ công với khối lượng ngoài sức tưởng tượng của người dân địa phương.
Ông Phạm Văn Bé Năm - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo chiến dịch huyện lúc bấy giờ nhớ lại: “Sà lan cặp ở bến ghe phía sau lưng thị trấn. Anh em nhìn thấy mấy trụ cầu và dầm cầu không biết tính toán thế nào. Nhờ xe cẩu của điện lực huyện xuống, kết quả là… hư luôn cần cẩu. Sau khi cẩu xong lên máy cày, trụ và dầm cầu dài 20 - 30m, nặng hàng chục tấn để không cản trở các phương tiện lưu thông, huyện quyết định điều lực lượng cảnh sát giao thông dọn đường “bảo vệ” đưa trụ và dầm về nơi thi công.
Anh Nguyễn Văn Tưởng kể: Mấy anh em xã Hòa Lợi được “lệnh” mời lên nhận trụ và dầm cầu nên liền mượn xe gắn máy chạy lên gặp ngay thầy Võ Tấn Thông. Thầy hỏi “Mấy chú đi đâu?”. “Dạ tụi em lên nhận dầm cầu”. “Đi xe gì?”. “Dạ xe honda thầy ạ”. Thầy Thông dẫn ra và chỉ vào trụ và dầm nói: “Mấy anh vác nổi dầm nào thì cứ lấy”.
Có thể nói, việc thi công cầu Thuận Lợi là vô cùng gian nan. Do đường hẹp, phương tiện cơ giới không thể vào hỗ trợ được. Tất cả thi công bằng thủ công và rất kỳ công. Các bác, các chú lớn tuổi ở địa phương phải thốt lên rằng “Gian nan cọp biết bơi xuồng”. Trụ được cấm xuống, treo hai thùng phuy nước, còn các chiến sĩ hì hụp ôm trụ cầu mà lắc.
Anh Tưởng nhớ lại, toàn mặt trận rút quân hết, chỉ duy nhất đội hình chuyên của Bách Khoa là còn ở lại để hoàn thành những công đoạn cuối của cầu Thuận Lợi dài hơn 30m, ngang 2m. Sau cây cầu Thuận Lợi này, năm sau đó, Bách Khoa còn để lại ấn tượng tốt đẹp với bà con nhân dân Thạnh Phong với cây cầu rạch Bà Cả có chiều dài 35m, rộng 2m, cũng được thi công bằng thủ công và với sự cố gãy một trụ cầu. “Thời đó, làm đường hay cầu gì cũng rất gian nan, việc vận chuyển vật tư là khó khăn nhất, đường thì lầy lội. Khối lượng công trình ngoài sức tưởng tượng. Áp lực rất lớn bởi quy định của nhà trường là công trình nào không có đối ứng, mặt bằng giải phóng chưa xong thì chuyển qua làm ở địa phương khác” - anh Tưởng nói thêm.
Thay đổi tư duy, lề lối làm việc
Đó là lời nhận định của Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Văn Gặp - sau quá trình cùng hợp tác, làm việc chung với thầy và trò Trường Đại học Bách Khoa, từ lãnh đạo huyện đến cán bộ, đoàn viên, thanh niên từ huyện đến cơ sở đã bị cuốn hút vào công việc, vào tư duy đổi mới, tác phong và kỷ luật mà hình thành nên tác phong làm việc khác hẳn, nhất là cán bộ cấp cơ sở. Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phạm Văn Bé Năm tâm sự: Không phải Thạnh Phú lần đầu tiên tiếp đón Chiến dịch Mùa hè xanh, mà trước đó đã có nhiều trường, nhiều đơn vị về rồi. Nhưng lần đầu tiếp thầy và trò Trường Đại học Bách Khoa, tôi cảm thấy thật “khó chịu”. Hôm đó, nhà trường đổ quân xuống, riêng theo yêu cầu của Ban Chỉ huy Chiến dịch của trường, tôi phân công Bí thư Huyện Đoàn Nguyễn Văn Tưởng (bấy giờ)  chuẩn bị phòng làm việc cho Ban Chỉ huy và vấn đề nước ngọt cho sinh hoạt. Thế nhưng do chủ quan, đồng chí Tưởng và tôi phải xin lỗi Ban Chỉ huy vì sự việc này. Điều kiện và giờ giấc làm việc của Ban Chỉ huy rất nghiêm, rất trách nhiệm và luôn sát với thực tế cơ sở, có khi đến tận đêm khuya mới về nơi làm việc để ngủ, vì vậy điều kiện đặt ra phải hết sức chu đáo để bảo vệ sức khỏe cho Ban Chỉ huy. Nói thật, sau khi kết thúc, tổng kết chiến dịch thì tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi mới nhận thấy đúng là cường độ làm việc, tác phong, giờ giấc của thầy trò trường Đại học Bách khoa rất nghiêm túc, rất kỷ luật, kỷ cương. Nội chuyện họp giao ban chiến dịch hàng tuần, các mặt trận báo cáo tiến độ, khó khăn, đề xuất… nghe cũng cần học hỏi.
Theo anh Nguyễn Văn Tưởng, qua tiếp xúc, qua cộng tác trong công việc với thầy và trò Trường Đại học Bách Khoa đã làm cho cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên cơ sở bị cuốn vào công việc lúc nào không hay biết. Từ đó đã hình thành trong mỗi anh em một phong cách làm việc mới, tư duy và sáng tạo hơn.
Bài, ảnh: Thành Lập

Không có nhận xét nào: