Trí thức trẻ ở làng Dao Organic
TP - Làm kinh tế thành công, trí thức trẻ người Dao ở Cư Suê vẫn không quên giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống.
Năm 1955, gần 100 đôi vợ chồng trẻ người Dao ở huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh vào Tây Nguyên làm thuê cho các chủ đồn điền. Nơi họ định cư nay đã thành 3 thôn trù phú thuộc xã Cư Suê huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk.
Người tiên phong tìm hướng đi mới cho nông nghiệp nơi này là anh Đặng Văn Huy năm nay 30 tuổi. Gần 10 năm trước, với vốn tiếng Anh tự học, Huy đã tự tin “du lịch bụi” đến nhiều cường quốc nông nghiệp như Israel, Thái Lan, Brazil, Malaysia... Trở về, Huy đổi cách thâm canh vườn cà phê từ lối cũ sang kiểu Organic (hữu cơ). Không phân bón thuốc sâu, năng suất cà phê từ 3 tấn tuột xuống còn 1,5 tấn nhân/ha, nhưng chất lượng hạt tốt hơn hẳn.
Huy chỉ hái cà phê khi quả đã chín mọng, sau đó sơ chế, rửa sạch, phơi trong nhà lưới để cà phê lên men tự nhiên. Mỗi ký cà phê hạt đã ủ lên men, Huy bán giá 300.000đ đồng, đắt gấp 7 lần cà phê hạt thông thường, thời gian đầu rất khó tìm người mua. Loại cà phê organic này khi rang tỏa hương thơm ngào ngạt và vị ngon vượt trội. Kiên trì tiếp thị, Huy dần có được lượng khách quen đáng kể, mở rộng thêm vườn rẫy! Cuộc thi cà phê đặc sản tại Festival Cà phê Buôn Ma Thuột tháng 3/2019, Ban giám khảo toàn những chuyên gia nước ngoài đã chấm cà phê organic do Huy sản xuất vào nhóm điểm cao nhất.
Do học được nhiều điều hay về nông nghiệp xanh sạch các nước, nên tất cả các loại cây trồng trong vườn như tiêu, bơ, sầu riêng, mắc ca, đu đủ ... Huy tuyệt đối không dùng hóa chất để chăm bón. Động thực vật nương vào nhau phát triển cân bằng, cho hoa tươi trái ngọt quanh năm. “Thà ăn ít mà ngon lành, không khí thoáng đãng trong sạch, cuộc sống bình yên, sức khỏe mọi người sẽ tốt hơn trước”- Huy khẳng định.
Đặng Văn Huy là cậu ruột của chị Triệu Thị Châu năm nay 32 tuổi, Chủ nhiệm Hợp tác xã Bình Minh có 145 nông hộ, sở hữu 402 ha tiêu và cà phê đạt tiêu chuẩn VietGap. Năm 2010 chị tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học trường Đại học Tây Nguyên, ra trường xin việc mãi không được, về làng gặp 18 thanh niên học xong trung cấp, cao đẳng, đại học, cũng đang thất nghiệp như mình.
Khi mạng lưới toàn cầu của UNIDO-UNEP về “hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn” khám phá vùng đất Cư Suê rất phù hợp để xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ, chị Châu được tài trợ tham gia liên tục 10 khóa học về kinh tế hợp tác xã, rồi sang Ý dự một hội nghị cà phê tiêu chuẩn châu Âu. Trở về, chị tích cực vận động dân làng lập hợp tác xã (HTX) vào tháng 8/2016. Các xã viên đã đồng thuận góp vốn mua chiếc máy sấy nhiệt phân hiện đại, công nghệ Thụy Sĩ đầu tiên tại Việt Nam.
Chỉ cần đổ 2 tấn rưỡi vỏ cà phê vào buồng đốt với một mồi lửa gar, phần nhiệt lượng sinh ra đủ sấy khô 4 tấn cà phê tươi trong 18 tiếng. Sản phẩm phụ là 6 tạ than sinh học. Trừ tiền điện và lương công nhân trực máy, chỉ 2 năm là HTX thu hồi được vốn, nên HTX đặt mua thêm 1 máy nữa. Tiêu và cà phê được sản xuất và sơ chế với kỹ thuật “rất xanh” này luôn được doanh nghiệp đặt mua với giá cao hơn hẳn giá thị trường.
Làm kinh tế thành công, trí thức trẻ người Dao ở Cư Suê vẫn không quên giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống. Mỗi dịp lễ hội hay có đoàn khách du lịch về tham quan mô hình làm nông nghiệp organic nơi này, nam nữ thanh niên Cư Suê đều mặc trang phục Dao rực rỡ, nấu các món ngon đặc sắc hương vị quê nhà, mời khách thưởng thức ngay trong những khu vườn trong lành, thơm mát.
HOÀNG THIÊN NGA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét