Biếm họa về cái lon. Ảnh: Tuổi Trẻ Cười



Biếm họa về cái lon. Ảnh: Tuổi Trẻ Cười
(PLO)- Chưa bao giờ một từ trong tiếng Việt dùng để chỉ sự vật cụ thể, rõ nghĩa như “cái lon” lại gây nhiều phản ứng từ dư luận như hôm nay. Cũng bởi nhà quản lý muốn nhìn “cái lon” không phải là cái lon. 
Hôm nay (29-6-19), cộng đồng mạng dậy sóng khi Cục văn hóa cơ sở, Bộ VHTT&DL ban hành ba văn bản nêu rõ, nội dung quảng cáo sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện quảng cáo có sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam”. Việc sử dụng cụm từ nêu trên trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo.
Và bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, tiếp tục khẳng định đầy tính chủ quan khi cho rằng việc gắn chữ “lon” trong quảng cáo của nhãn nước uống Coca- Cola mà không có danh từ, trạng từ ở phía sau như “ở Việt Nam”, “tại Việt Nam”… là phản cảm, thiếu thẩm mỹ, trái thuần phong mỹ tục. 
Lần theo dấu từ “lon” trong một số từ điển tiếng Việt người viết đã có những định nghĩa cụ thể: Lon là một vật chứa bằng kim loại như lon bia, lon nước ngọt; lon với nghĩa là vật đong như ống bơ, lon gạo; lon trong ý nghĩa phù hiệu quân hàm như đeo lon đại tá. Và theo đó, tất cả ý nghĩa từ lon đều rất cụ thể, không có ý nghĩa vi phạm thuần phong mỹ tục. Vậy hà cớ gì Cục văn hoá cơ sở lại cho rằng “cái lon” không phải là “cái lon”?
Mở rộng ra, từ “lon” còn xuất hiện trong nhiều danh từ riêng khác, và khi những danh từ này sử dụng trong các văn bản quốc tế, không sử dụng dấu thì còn rất nhiều điều để Cục văn hoá cơ sở có thể “tuýt còi” nếu muốn: Cho Lon (Chợ Lớn), Con Lon (Côn Lôn)…
Rất nhiều ý kiến trên cộng đồng mạng bày tỏ sự ngạc nhiên "tột bậc", "không thể tưởng tượng" nổi khi Cục văn hóa cơ sở cứ nhất quyết không chịu "Mở lon" là .... "mở lon"! Có thể việc dùng từ "Mở lon Việt Nam" là không rõ ràng nhưng việc chẻ chữ "lon" để phân tích rồi suy diễn như suy nghĩ của bà Cục trưởng, rằng "Hãy giả sử nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó... Từ "lon Việt Nam" có rất nhiều vấn đề, thì quả là "không tưởng tượng nổi"!
Làm quản lý văn hoá vốn không dễ, và càng tệ nếu thật sự không am hiểu tiếng mẹ đẻcủa mình để suy diễn rồi "tuýt còi" như sự việc trên. Nếu bất cứ cơ quan hành pháp nào cũng áp dụng sự suy diễn như vụ “mở lon” này thì luật lệ sẽ ra sao, mọi sự quản lý liệu có trở thành trò cười cho người dân như hôm nay.
QUỲNH TRANG