Thứ Tư, 3 tháng 7, 2019

Chạy chức chạy quyền và quốc nạn tham nhũng

Chạy chức chạy quyền và quốc nạn tham nhũng

 - Chạy chức chạy quyền là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho tham nhũng trở thành quốc nạn, là con đường tiến thân của những kẻ cơ hội. 

Vì bản chất chạy chức chạy quyền cũng là một loại tham nhũng, được biểu hiện dưới hai hình thức đưa và nhận hối lộ, và tham nhũng quyền lực. 
Từ chạy chức chạy quyền, dẫn đến chạy quy hoạch, chạy tuổi, chạy luân chuyển …tạo thành một phong trào chạy âm ỉ, thường xuyên tuy không ồn ào nhưng vô cùng rầm rộ, nhất là vào các kỳ đại hội Đảng các cấp; bầu cử Quốc hội, bầu cử hội đồng nhân dân các cấp.   
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã chỉ ra: “Tình trạng chạy chức chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi”.
“Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, "cánh hẩu", …gây bức xúc trong dư luận xã hội”. 
Chạy chức chạy quyền là thứ tệ nạn để lại những hệ lụy tiêu cực về kinh tế, chính trị, xã hội vô cùng nặng nề. 
Chạy chức chạy quyền và quốc nạn tham nhũng
Hình thức đầu tư BT tạo nhiều kẽ hở cho thông đồng, tham nhũng.
Thứ nhất: Để có “ghế” đáp ứng nhu cầu của thị trường mua quan bán chức, người ta phải chạy biên chế, làm cho bộ máy nhà nước có số lượng công chức, viên chức đông vào hàng bậc nhất thế giới. 
Nếu như trước đây mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ có 1 - 2 cấp phó, thì nay có 6 - 8 cấp phó, cá biệt có cơ quan có đến mười mấy cấp phó. Thậm chí như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có thời điểm có tới 44 lãnh đạo nhưng chỉ có 2 nhân viên. [1] 
Với cấp bộ, ngành: từ năm 2011 đến năm 2016, các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên (gồm cả hàm) tăng từ 12.216 lên 13.556. Tương tự, cán bộ cấp vụ, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ tăng từ 3.871 lên 4.619. [2] 
Với bộ máy nhà nước như vậy, khó có nguồn ngân sách nào nuôi nổi. Theo tính toán của PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Đại học Fulbright Việt Nam, dựa trên số liệu của Bộ Nội vụ, bình quân cứ 9 người Việt Nam phải nuôi 1 người làm việc, hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách nhà nước. [3] 
Thứ hai: Nạn chạy chức chạy quyền làm cho những kẻ cơ hội không chú trọng nâng cao năng lực, rèn luyện phẩm hạnh mà chủ yếu lo đầu tư quan hệ để lấy lòng cấp trên. Vì vậy trong các đợt đề bạt, bổ nhiệm đối tượng này thường được cấp trên sủng ái, còn những người có trí tuệ, có năng lực, trung thực thẳng thắn, dám phản biện, không luồn cúi thường bị bật bãi. 
Tình trạng này không những làm triệt tiêu ý thức vươn lên nâng cao năng lực chuyên môn, rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên mà có nguy cơ bộ máy lãnh đạo bị những kẻ cơ hội thao túng. 
Thứ ba: Nhiều quan chức lạm dụng chức vụ, quyền hạn đưa người nhà, cánh hẩu vào bộ máy nhà nước, dẫn đến tình trạng cả nhà làm quan, cả họ làm quan, như tỉnh Hà Giang [4]; các huyện Mỹ Đức (Hà Nội) [5], huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) [6], huyện An Dương (Hải Phòng) [7] và ở nhiều địa phương khác. 
Tình trạng này dẫn đến quyền lực chính trị, kinh tế của địa phương bị một gia đình hoặc một dòng họ thao túng, chi phối. Lúc đó, chính quyền có xu hướng không còn là của nhân dân và không vì lợi ích của nhân dân nữa. 
Thứ tư: Với nạn chạy chức chạy quyền, không chỉ những kẻ cơ hội mà những phần tử vi phạm kỷ luật, thậm chí phạm tội hình sự đặc biệt nghiêm trọng vẫn chui sâu leo cao vào bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội. 
Đơn cử như bà Phan Thị Mỹ Thanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Thời gian từ năm 2003 - 2014, bà Thanh vi phạm nhiều khuyết điểm “rất nghiêm trọng và có tính hệ thống”. Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng. 
Nhưng cũng trong thời gian đó, bà Thanh liên tục thăng tiến, từ Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai, Bí thư huyện uỷ huyện Nhơn Trạch (năm 2009), Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai (năm 2011), Phó Bí thư Tỉnh ủy (Nhiệm kỳ 2015 - 2020); được giới thiệu bầu Đại biểu Quốc hội và làm Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Khoá XIV của tỉnh Đồng Nai. 
Đó là Trịnh Xuân Thanh, người trong giai đoạn 2013 – 2016 đã thăng tiến chóng mặt từ Phó chánh văn phòng Bộ lên Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (Nhiệm kỳ 2011 - 2016), Tỉnh uỷ viên tỉnh Hậu Giang (Nhiệm kỳ 2015 - 2020), được bầu làm Đại biểu Quốc hội (Nhiệm kỳ 2016 - 2021). 
Đó là Dương Chí Dũng - nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Khi còn là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Dương Chí Dũng đã dẫn dắt doanh nghiệp này làm ăn thua lỗ nặng nề. 
Đó là hàng loạt những kẻ trước khi ngồi lên ghế quyền lực đều đã vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như Châu Thị Thu Nga nguyên Đại biểu Quốc hội Khoá XIII; Ngô Văn Tuấn nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá; Trần Quốc Cường, nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk; Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Đinh La Thăng, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh)…  
Điều bất thường là hầu hết hành vi vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật của những kẻ vừa nêu đã có đơn tố cáo hoặc bị báo chí phản ánh nhưng họ vẫn thăng tiến thần tốc, chỉ trong một thời gian ngắn đã chui sâu, leo cao. 
Phải chăng những kẻ này sau khi chạy thoát tội, có chỗ nương tựa chuyển tiếp sang chạy chức chạy quyền và đã thành công? 
Thứ năm: Tình trạng chạy chức chạy quyền là “chất xúc tác” của nạn tham nhũng, đưa và nhận hối lộ; tạo tiền đề hình thành “nhóm lợi ích”. 
Với đồng lương công chức như hiện nay, thử hỏi những kẻ cơ hội lấy tiền đâu mà mua chức tước? 
Chỉ chạy sửa điểm vào trường đại học tốp đầu ở Sơn La, có bị can khai, trung bình mỗi trường hợp "giá" là 1 tỉ đồng. Một số bị can trong vụ án đã nộp lại số tiền đó. [10] 
Vậy thử hỏi mỗi suất chạy chức của những quan chức đã lộ diện trên đây số tiền sẽ là bao nhiêu?  
Với những khoản tiền như vậy nếu không tham ô, nhận hối lộ thì cũng được chủ các doanh nghiệp tài trợ và đây là tiền đề cho sự ra đời các “doanh nghiệp sân sau”, “nhóm lợi ích”. 
Liên minh này tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn bộ máy nhà nước, là nguy cơ lớn cho sự phát triển công bằng và lành mạnh. 
Nếu Đảng và Nhà nước không có giải pháp ngăn chặn hoạt động của các “nhóm lợi ích”, để chúng tiếp tục phát triển, lũng đoạn, thao túng đời sống kinh tế, xã hội của đất nước sẽ dẫn đến nguy cơ “chủ nghĩa tư bản thân hữu” lan tràn. 
Bởi vậy, ngăn chặn và loại trừ các “nhóm lợi ích” là nhiệm vụ hệ trọng, cấp bách của mọi cấp, mọi ngành. Việc đầu tiên là phải loại trừ nạn chạy chức chạy quyền của những kẻ cơ hội, loại trừ sự cấu kết của những kẻ cơ hội đang nắm quyền lực chính trị với các chủ doanh nghiệp để lũng đoạn, trục lợi. 
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã xác định: “Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; kiên quyết xoá bỏ tệ chạy chức, chạy quyền”. 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: “Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khoá mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm…” [11] 
Từ nhiều năm qua, Đảng đã có nhiều chủ trương chống chạy chức chạy quyền nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Vì sao thể thức bầu cử hiện nay chưa ngăn chặn các phần tử cơ hội, chạy chức chạy quyền chui vào bộ máy? 
Bởi vậy, để quan điểm và quyết tâm trên đây trở thành hiện thực, việc tiến hành bầu cử nên chăng cần tham khảo vận dụng thể thức bầu cử khoa học, có sự giám sát chặt chẽ của các nước tiên tiến trên thế giới. 
Với thể thức như vậy, các phần tử cơ hội khó có thể thực hiện được mưu đồ chạy chức chạy quyền; và đồng thời sẽ chọn được những người có tài năng và đạo đức xứng tầm với các cương vị chủ chốt trong bộ máy của Đảng và Nhà nước từ cơ sở đến Trung ương. 
Nguyễn Huy Viện
[1].https://vtv.vn/van-de-hom-nay/mot-so-co-44-lanh-dao-2-chuyen-vien-kho-co-ly-giai-thuyet-phuc-20161104235054166.htm
[2].https://vov.vn/chinh-tri/tinh-gian-bien-che-bo-may-van-phinh-to-658001.vov
[3].https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/trung-binh-cu-9-nguoi-dan-nuoi-1-can-bo-nha-nuoc-473225.html
[4].https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ca-nha-bi-thu-tinh-uy-ha-giang-lam-quan-20160917225532658.htm
[5].https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/nhieu-con-chau-bi-thu-huyen-o-quang-binh-lam-quan-440633.html
[6].https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/huyen-my-duc-ca-ho-lam-quan-cung-la-ngau-nhien-264707.html
[7].https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/hai-phong-ky-luat-bi-thu-huyen-uy-lien-quan-vu-ca-nha-lam-quan-425048.html
 [10].https://tuoitre.vn/gian-lan-thi-cu-o-son-la-gia-nang-diem-moi-truong-hop-trung-binh-1-ti-dong-20190525084513726.htm
[11].https://www.nhandan.org.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40447202-chuan-bi-va-to-chuc-that-tot-dai-hoi-dang-bo-cac-cap-tien-toi-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang.html 









(15)

  • NGUYỄN HÙNG 6 giờ trước
    Tham nhũng quyền lực, vấn nạn "chạy" giờ như đại dịch: chức quyền, dự án, bằng cấp, .... Bộ máy ngày càng cồng kềnh, hiệu lực quản lý ngày càng kém, "đồ giả" ngày càng nhiều: "hàng giả", "học giả", "đạo đức giả"...làm băng hoại dần xã hội, niềm tin bị ...
    • DUY VINH 6 giờ trước
      Những trường hợp bị lộ, bị phát hiện, bị xử lý chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.Đây là vấn nạn không mới, đã được đặt ra trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ nhưng sao vẫn giải quyết được.Phải chăng bệnh thì đã biết nhưng điều trị không đúng phương ...
      • HÀN PHONG 6 giờ trước
        Ở đây có mối quan hệ rất biện chứng: muốn chạy chức, chạy quyền phải có tiền để mà chạy, khi đã chạy được chức nghĩa là có luôn quyền. Khi đã có quyền thì phải tìm cách thu hồi vốn đã đâu tư, tiền lương có hạn, vậy thì phải ...
        • LÊ KHÔI 7 giờ trước
          Hay, sâu sắc. Buồn nhất là biết người chạy chức chạy quyền mà vẫn phải vui cười cầm chén rượu chúc mừng họ lên chức. Nghĩ mà chán. Nhưng bài viết chỉ dừng lại ở việc phản ánh xã hội chứ không ngăn chặn hay xóa bỏ đc hiện tượng cố hữu này đâu.
          • PHÙNG NGỌC SƠN 5 giờ trước
            Hãy nghĨ kỹ, xa hơn nhé: những người không chịu chạy chức, mua chức, họ giỏi thực sự, nhưng không khéo ngoại giao xu nịnh, quan hệ... vậy bây giờ họ ở đâu, làm gì.
            • VODINHBD 6 giờ trước
              Cơ quan tôi có một ông nguyên trưởng phòng KTKH mà ngày nào cũng dành không dưới 1/2 thời gian lên ngồi nịnh GĐ. Không cần phải suy nghĩ mà khẳng định dứt khoát là thủ phạm của tham nhũng và tất cả các thói hư tật xấu đều từ "mua chức bán quyền"...
              Xem thêm bình luận ▼

              TIN LIÊN QUAN

              .
              Doanh nghiệp sân sau

              KHÔNG THỂ BỎ LỠ

              .
              Nghĩ về vụ cán bộ học Master ở Mỹ về chạy Grab
              Nghĩ về vụ cán bộ học Master ở Mỹ về chạy Grab
              TUANVIETNAM8 giờ trước  
              Công việc nhập dữ liệu, chạy Grab không cần phải học cao nhưng học cao chưa chắc làm tốt một công việc đơn giản nếu không thổi hồn vào nó. 
              Đừng quá hào phóng lời khen
              Đừng quá hào phóng lời khen
              TUANVIETNAM02/07/2019  
              Mỗi nhận xét, mỗi lời khen chê của chính khách phải hết sức thận trọng, công bằng, khách quan vì nó để lại hiệu ứng rất lớn trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.
              Mong manh định chế ‘Dân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm’
              Mong manh định chế ‘Dân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm’
              TUANVIETNAM01/07/2019  
              Thật đáng buồn, định chế “dân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm” trở nên mong manh trước định chế “cán bộ chỉ được làm những gì luật pháp cho phép”.
              Lửa cháy Hồng Lĩnh, lửa đốt lòng ta
              Lửa cháy Hồng Lĩnh, lửa đốt lòng ta
              TUANVIETNAM02/07/2019  
              Gần một tuần qua, nóng nhất trên mặt báo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là chuyện cháy rừng ở Hà Tĩnh, Nghệ An.
              Để không còn những “nước mắt Thủ Thiêm”
              Để không còn những “nước mắt Thủ Thiêm”
              TUANVIETNAM30/06/2019  
              Phải làm sao cho “tai mắt” của Đảng và Chính phủ tinh tường, trong sáng để không còn những “nước mắt Thủ Thiêm”, “nỗi đau Thủ Thiêm” trong tương lai.
              Chốt chặn cuối cùng mở ra EVFTA
              Chốt chặn cuối cùng mở ra EVFTA
              TUANVIETNAM01/07/2019  
              Những cam kết về đầu tư, lao động của hai bộ trưởng công thương và lao động đã giúp tháo gỡ chốt chặn cuối cùng cho ký kết EVFTA.
              EVFTA – những cam kết cải cách mạnh mẽ
              EVFTA – những cam kết cải cách mạnh mẽ
              TUANVIETNAM30/06/2019  
              Nhân dịp Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU được ký kết ngày 30/6 tại Hà Nội, Tuần Việt Nam xin giới thiệu những cam kết mang tính cải cách rất cao trong EVFTA.
              Cơ hội và thách thức từ EVFTA
              Cơ hội và thách thức từ EVFTA
              TUANVIETNAM30/06/2019  
              EVFTA là một FTA thế hệ mới, với phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao. Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ. 
              Hai hiệp định với EU mang lại cả cơ hội lẫn thách thức đặc biệt
              Hai hiệp định với EU mang lại cả cơ hội lẫn thách thức đặc biệt
              TUANVIETNAM29/06/2019  
              Ngày mai 30/6/2019, Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được ký kết tại Hà Nội, mở ra một cột mốc đặc biệt trong hội nhập quốc tế của nước ta.
              Khi cụ bà 76 tuổi ‘trốn’ đi du lịch Thái Lan
              Khi cụ bà 76 tuổi ‘trốn’ đi du lịch Thái Lan
              BLOG29/06/2019  
              Lớp người trên 60 tuổi hầu như không mặn mà với du lịch tự túc dù rằng nếu hỏi họ có thích đi du lịch kiểu ngon bổ rẻ không thì chẳng ai từ chối.   
              EVFTA và 9 năm ‘trường kỳ’
              EVFTA và 9 năm ‘trường kỳ’
              TUANVIETNAM29/06/2019  
              Ngày mai 30/6 tại Hà Nội sẽ diễn ra lễ ký EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) giữa Ủy ban châu Âu và Chính phủ Việt Nam, kết thúc 9 năm trời đằng đẵng đàm phán với rất nhiều thăng trầm.
              Trước hết phải chống tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng
              Trước hết phải chống tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng
              TUANVIETNAM28/06/2019  
              Để phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả, trước mắt phải chống tham nhũng quyết liệt trong các cơ quan phòng chống tham nhũng, bảo vệ pháp luật.
              Những dự án BOT và nghịch lý ‘lời ăn, lỗ dân chịu’
              Những dự án BOT và nghịch lý ‘lời ăn, lỗ dân chịu’
              TUANVIETNAM27/06/2019  
              Các trạm BOT đang là vấn đề đại sự, người dân, xã hội rất quan tâm, lo lắng; không thể để các nhà đầu tư kinh doanh theo nguyên tắc “lời ăn, lỗ dân chịu”.    
              Chúng ta cần làm gì trong cuộc chiến Mỹ - Trung
              Chúng ta cần làm gì trong cuộc chiến Mỹ - Trung
              TUANVIETNAM27/06/2019  
              Chúng ta cần đặc biệt tránh tình trạng các doanh nghiệp trong nước được “mượn đường” để xuất khẩu sang Mỹ.



              Không có nhận xét nào: