Armenia - đất nước của vẻ đẹp văn hóa, lịch sử và thiên nhiên
https://nhandan.com.vn/... đăng ngày 03/07/2019, 15:16.
NDĐT - Nằm trong khu vực khí hậu cao nguyên lục địa và đất đai chủ yếu là rừng núi, Armenia luôn có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với những du khách hiếu kỳ và thích phiêu lưu. Quốc gia Tây Á rộng gần 30 nghìn km2 này sở hữu vô số cảnh đẹp mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử và thiên nhiên.
Tu viện Tatev
Trên vách đá cao 850 m, Tu viện Tatev được xây dựng từ thế kỷ thứ 9 là điểm đến không thể bỏ qua không chỉ vì tầm quan trọng của công trình này đối với tôn giáo và lịch sử mà còn vì cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục chung quanh. Để tới Tu viện Tatev, du khách có thể sử dụng đường cáp treo nối dài từ Halidzor đến tu viện, và có thể sẽ rất bất ngờ khi chiêm ngưỡng cảnh quan từ trên cao. Tại Armenia thời trung cổ, Tu viện Tatev là nơi đặt trung tâm học thuật và tôn giáo quan trọng nhất đất nước. Ngày nay, khu phức hợp nổi tiếng và cổ kính này chắc chắn là một trong những điểm đến gây ấn tượng mạnh mẽ nhất của Armenia.
(Ảnh: Marcin Konsek)
Núi Aragats
Aragats là vùng núi không những sở hữu vẻ đẹp quyến rũ mà còn phong phú về cảnh quan thiên nhiên và đa dạng về văn hóa. Nếu đặt chân đến đây, du khách không thể không ghé thăm pháo đài và tu viện cổ kính xinh đẹp trên đường lên đỉnh núi bao quanh bởi đồng cỏ và những đóa hoa thơm ngát. Vào mùa hè, du khách có thể gặp người Yazidi sống trong lều và nuôi cừu trên sườn núi, chế biến các sản phẩm từ sữa và bày bán chúng trong thung lũng. Trong những ngày nắng nóng, du khách có thể đến đây để nô đùa cùng... tuyết.
Khu bảo tồn Khosrov
Còn được biết đến với tên rừng Khosrov, khu bảo tồn nhà nước này là một trong những khu vực được bảo vệ sớm nhất trên thế giới. Nằm tại tỉnh Ararat, Khu bảo tồn Khosrov tự hào về hệ thực vật và động vật châu Á và châu Âu độc đáo của mình. Khu bảo tồn này trải rộng trên hơn 29.100 héc-ta và cao hơn mực nước biển từ 1.600-2.300 m. Vua Khosrov III (cai trị từ năm 330 đến 339) đã xây dựng khu bảo tồn này với mong muốn tạo ra một khu vực để phát triển các điều kiện khí hậu tự nhiên của thành phố Artashat gần đó. Nơi đây cũng được sử dụng làm địa điểm săn bắt của hoàng gia.
(Ảnh: Ogannes)
Khu bảo tồn quốc gia Shikahogh
Khu bảo tồn quốc gia Shikahogh là khu bảo tồn lớn thứ hai tại Armenia với diện tích khoảng 10.300 héc-ta. Các nhà khoa học đã phát hiện ít nhất 1.100 loài thực vật khác nhau tại đây. Nhiều khu vực rộng lớn của khu bảo tồn vẫn chưa được khám phá hết. Shikahogh còn được cho là “ngôi nhà” của các loài gấu, báo, rắn vipe và dê hoang dã. Khu bảo tồn quốc gia Shikahogh sở hữu một số thác nước đẹp để khu khách tận hưởng trong chuyến tham quan tới đây.
(Ảnh: Gor Minasyan)
Hồ Arpi
Hồ Arpi là lựa chọn tuyệt vời nếu du khách muốn tìm một nơi nghỉ ngơi nhỏ nhắn cách xa sự ồn ào và đông đúc trong mùa cao điểm. Arpi trở thành hồ trữ nước từ năm 1951 và đến nay đây là nuồn nước quan trọng thứ hai tại Armeni. Kể từ năm 2009, một công viên mới đã được xây dựng chung quanh hồ Arpi để bảo vệ môi trường tự nhiên của khoảng 100 loài chim sống trong khu vực này.
(Ảnh: Cisssko)
Hẻm núi Garni
Cách thủ đô Yerevan khoảng 30 km về phía đông là hẻm núi Garni với những vách đá thẳng đứng tuyệt đẹp và cột đa giác bazan độc đáo được ví là “bản giao hưởng của đá”. Nhìn từ xa, các vách đá thật sự giống một chiếc đại phong cầm khổng lồ. Đại phong cầm (tên tiếng Anh: pipe organ) là nhạc cụ tạo ra âm thanh bằng cách điều khiển không khí có áp lực (gọi là gió) qua các đường ống của đàn được lựa chọn qua bàn phím.
(Ảnh: Torstenahren)
Rừng quốc gia Dilijan
Thuộc địa phận tỉnh Tavush, rừng quốc gia Dilijan nổi tiếng với những suối nước khoáng có tác dụng chữa bệnh. Phong phú về văn hóa, thiên nhiên và đa dạng sinh học, không ngạc nhiên khi khu rừng tươi tốt này được mệnh danh là “Thụy Sĩ trong lòng Armenia”. Rừng quốc gia Dilijan trải rộng trên 24 nghìn héc-ta, trở thành địa điểm lý tưởng cho các hoạt động ngoài trời như đi bộ đường dài và đạp xe leo núi. Du khách tới đây có thể trải nghiệm các tuyến du lịch sinh thái và nghỉ đêm trong lều.
(Ảnh: Armineaghayan)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét