Hồng chung xứ đạo
http://baodongkhoi.vn/ đăng ngày 12/07/2019 - 07:08 trong mục Văn hóa > Đời sống.
BDK - Trong nắng chiều vàng ruộm, đổ xiên xiên, chạng 4 giờ, đứng trên cầu Cái Mơn Lớn (Chợ Lách) ngắm nhìn quang cảnh hằng bao nhiêu chiếc xuồng, ghe từ trong vườn, từ những xẻo, lạch gần xa, đưa cả đoàn người xiêm y tươm tất, áo dài hoa, dù lộng nhiều màu, hớn hở lũ lượt về đây dự buổi lễ chiều. Thuyền ghe to, nhỏ đủ loại đậu kín cả một khúc sông. Đấy là khung cảnh chỉ có ở nhà thờ Cái Mơn. Nó bộc lộ rõ nét nền văn minh tín ngưỡng mang đậm sắc thái miệt vườn sông ngòi xẻo lạch. Có lẽ hình ảnh sinh hoạt, nền nếp ấy đã hình thành từ rất lâu và còn giữ mãi cho đến tận ngày nay.
Xứ đạo bình yên
Cái Mơn là một địa danh thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Theo tư liệu do người Pháp để lại, Cái Mơn là nói trại từ nguyên ngữ Pháp Caiman nghĩa là Cá sấu mõm dài, một loài cá sấu nước ngọt ăn cá. Có thể ngày xưa, thuở đất đai còn hoang vu rậm rạp, nơi đây có nhiều cá nên loài sấu ấy tập trung sinh sống. Địa danh này do các linh mục Thừa sai dòng Francisco đặt ra. Được hình thành từ năm 1700 do giáo dân từ Thanh Hóa, Phát Diệm - Ninh Bình, Phú Yên - Bình Định… chạy vào để trốn tránh sự truy nã gắt gao vì chính sách cấm đạo của triều đình nhà Nguyễn.
Cũng có một giả thuyết cho rằng Cái Mơn xuất phát từ chữ Kh-mum trong âm ngữ Khmer Nam bộ bản địa, nghĩa là mật ong. Nơi cây cối tốt tươi thì có nhiều đàn ong về xây tổ làm mật là lẽ đương nhiên. Những luồng ý kiến đó ý nào nghe cũng hay và cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Chợ Lách nói chung, Cái Mơn nói riêng, là vùng đất trũng thấp từ bao đời được bồi đắp bởi phù sa hai con sông Hàm Luông và Cổ Chiên. Nên cấu tượng thổ nhưỡng hoàn toàn là đất thịt, vô cùng màu mỡ, nước ngọt quanh năm, khí hậu mát mẻ ôn hòa. Do vậy mà xứ này cây cối, bông hoa luôn luôn xanh tốt. Từ lâu đã đưa ra thị trường những thứ trái cây cao cấp như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, nhãn xuồng cơm vàng… xứng ngôi hoàng hậu một thời. Tết nhứt, cúc mâm xôi, tắc, mai, đủ các loại hoa… vô giỏ, chậu tung hoành khắp nơi, được mọi người yêu thích, chọn mua. Dần dà Cái Mơn phát triển ngành nghề ươm cây giống ngày càng lớn mạnh, uy tín. Trở thành đầu nguồn, nơi xuất phát của vô số loại cây ăn trái, lan tỏa khắp đồng bằng sông Cửu Long và bán ra đến tận miền Trung, Tây nguyên. Tiếng tăm vang dội, từ đó nghiễm nhiên hình thành mỹ danh “Vương quốc cây giống”.
Người Cái Mơn hầu hết đều là những con chiên Thiên Chúa ngoan đạo. Chỉ cần nghe tán thán từ (interjections) cửa miệng “Chúa ôi!” họ thường sử dụng thì cũng đủ hiểu. Người Cái Mơn hiền lành, đứng đi chậm rãi, ưa sống đời nhàn hạ, tỉ mỉ khéo tay, rất có khiếu văn nghệ, sáng tác thi phú, âm nhạc, giỏi đàn ca, hát múa. Con gái Cái Mơn gương mặt tròn trịa xinh xắn, mắt hai mí. Dáng dấp đầy đặn, ngực nở eo thon. Chắc ở trong mát, dưới bóng râm nhiều nên nước da họ trắng ngần như men sứ, và mỏng đến độ thấy rõ cả gân xanh, đẹp đến mê hồn. Giọng thanh tao, lời ăn tiếng nói của họ cũng khoan thai nhỏ nhẻ.
Một sớm mùa Đông bát ngát, ngắm mấy cô thôn nữ xúng xính áo len, khúc khích chuyện trò, chuyền nhau từng giỏ hoa kiểng rực rỡ muôn màu xuống ghe bầu, lên xe tải đưa ra chợ Tết, đẹp không thể tưởng. Khiến cho lữ khách bàng hoàng chôn chân không tài nào dời bước. À, cách sắp xếp giỏ, chậu hoa vào khoan ghe hàng, xe tải tầng tầng lớp lớp khít rim mà không chèn ép, xô gãy nhau là cả một nghệ thuật đã được nâng lên thành kỹ thuật chuyên nghiệp, thợ thầy rồi đấy nhé. Không phải ai cũng làm được đâu.
Hồng chung vang vọng
Phải nói, hệ thống giao thông cầu đường của Chợ Lách là cực kỳ hoàn chỉnh. Cầu bê-tông vĩnh cửu rộng thênh thang, đường cấp phối đổ nhựa nóng dầy chặt ngon lành, chạy êm ru. Nó giúp cho giao thương thêm phần thuận lợi. Là nền tảng thúc đẩy cho kinh tế tiến bộ nhanh chóng, vượt bậc. Đi cùng, văn hóa, xã hội và bộ mặt nông thôn mới cũng phát triển theo.
Về đây, ấn tượng đầu tiên và mạnh mẽ nhất có lẽ là nhà thờ giáo xứ Cái Mơn. Không cao to, đồ sộ, cầu kỳ, nó mang nét dung dị, phối hợp hài hòa với khung cảnh sông nước, vườn cây hoa trái xanh um. Đứng trên cầu Cái Mơn Lớn, ở một độ cao vừa phải, du khách cảm thấy như đang ngắm một kiến trúc pha trộn, xưa không xưa lắm mà mới cũng không mới lắm. Nhưng kỳ thực, nhà thờ Cái Mơn được xây dựng từ rất lâu. Hiện vẫn còn lưu dấu tấm bia đá trước cổng: Nhà thờ Cái Mơn tiên khởi năm 1702. So sánh thời gian biểu với những nhà thờ lớn lừng danh khác như nhà thờ Trà Cổ - tỉnh Quảng Ninh - xây dựng năm 1857, Vương cung thánh đường - Nhà thờ đức bà - Sài Gòn được đặt viên đá đầu tiên vào năm 1863, nhà thờ Chánh tòa Hà Nội hoàn thành năm 1886… thì thấy bề dầy lịch sử về sự ra đời của nhà thờ Cái Mơn to tát như thế nào. Có thể nói, nó là ngôi nhà thờ lâu đời nhất nước ta.
Ngủ một đêm, mới sớm tinh mơ, khi trời chưa rạng, du khách chợt bàng hoàng khi chuông nhà thờ giáo xứ Cái Mơn đổ báo vào lễ Nhứt. Những hồi chuông làm lay động thinh không, làm cỏ cây bừng tỉnh, làm say đắm cả lòng người. Những hồi chuông mang nhiều âm sắc bổng trầm. Âm bổng như từ mút mị trời cao, ngay trên đỉnh đầu đáp xuống. Thanh trầm đồng vọng như từ lòng đất gầm lên. Chúng đua nhau dội vào những bức tường đá văng ngược trở ra. Tạo nên hiệu ứng tiếng vang (écho) quá đỗi tuyệt vời. Những tiếng chuông sau trước hòa quyện với nhau hay không thể tả. Có thánh thót tươi vui, có khàn đục trầm buồn. Nó thức tỉnh đức tin, bỗng chốc khiến con người trở nên thánh thiện, muốn lánh dữ làm lành. Mê hoặc đến mức người viết phải dùng làm tiêu đề: “Hồng chung xứ đạo”.
Bộ đại hồng chung của nhà thờ giáo xứ Cái Mơn có đến 6 chiếc. Là một điều rất lạ so với các nơi. Tất cả những quả chuông này đều được chế tác công phu từ một lò đúc gia truyền nổi tiếng bên Pháp, trong nhiều năm, suốt từ 1876 đến 1893. Những quả chuông có kích cỡ, trọng lượng, to nhỏ, nặng nhẹ, dày mỏng khác nhau. Bởi thế nên mới phát ra được những cung bậc âm thanh đục trong, cao thấp hay đến vậy. Và trên mỗi chiếc chuông đều được khắc ghi thánh danh, tên họ những người cung hiến.
Và đặc biệt hơn cả là cách đổ chuông. Ngày xưa nhà thờ Cái Mơn không xây tháp chuông. Thay vào đó là nhà chuông. Một gian nhà trệt, mái ngói, cột gỗ dựng mé phải nhà thờ, sát với tường bao, cập mé lộ. Bộ đại hồng chung được lắp trên giàn vì kèo rất chắc chắn, có bàn đạp. Nên thay vì dùng dây kéo chuông hoặc giật chuông thì đến buổi, các soeur dùng chân để đạp.
Từ năm 2000, do nhu cầu mở rộng quốc lộ 57, vả lại giàn gỗ của nhà chuông cũng đã quá lâu năm, xuống cấp, hư mục nên bộ đại hồng chung được vận chuyển, di dời lên ngôi tháp 9 tầng, cao 54 mét cho đến nay. Tòa tháp thoạt nhìn mang dáng dấp một ngón tay chỉ thẳng lên trời. Hay nhìn theo chiều ngược lại, như tia sáng thánh linh từ trời cao soi rọi xuống. Vào dịp Giáng sinh, từ ngọn tháp vô số đèn chớp đầy màu sắc treo dài dằng dặc, tỏa rộng khắp khuôn viên nhìn rộn rã, đẹp cuốn hút khó tả. Nhìn như cây thông Noel sáng bừng, như ngôi sao chỉ lối cho ba vì vua phương Đông trong ngày Chúa hài đồng giáng thế trong máng cỏ hang lừa. Được biết, tất cả 6 quả chuông đồng này trải bao năm tháng hầu như không hề suy suyển, vẫn nguyên vẹn y như thuở ban đầu. Và chúng sẽ còn ở đó, vang vọng mãi vài trăm năm thậm chí vài ngàn năm nữa như một lời cảnh tỉnh đến muôn đời.
Nhưng với những tâm hồn hoài cổ, dù thế nào chăng nữa, người ta cũng cảm thấy hơi vấn vương tiếc nhớ, ngưỡng vọng về căn nhà chuông ấm áp, bình dị, gần gũi một thời.
(Còn tiếp)
Lâm Triều An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét