Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Người thân 18 thuyền viên mắc kẹt ở Trung Quốc kêu cứu

Người thân 18 thuyền viên mắc kẹt ở Trung Quốc kêu cứu
Copy từ http://nld.com.vn/20130717050046822p0c1002/nguoi-than-18-thuyen-vien-mac-ket-o-trung-quoc-keu-cuu.htm ; đăng ngày17/07/13, mục Thời sự trong nước.
(NLĐO)- Ngày 17-7-13, người nhà của 18 thuyền viên thuộc công ty Vận tải viễn dương Vinashinlines đang bị mắt kẹt nhiều tháng qua tại Trung Quốc đã từ các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An… về Hà Nội kêu cứu.
Người thân của các thuyền viên đang bị mắc kẹt ở nước ngoài tập trung tại trụ sở công ty Vận tải viễn dương Vinashinlines
Sáng nay, ngày 17-7-13, người thân của 18 thuyền viên trên tàu Hoa Sen và Sea Eagle của công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) hiện đang mắc kẹt tại Trung Quốc từ các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An… đã có mặt tại trụ sở của Công ty này ở Hà Nội để yêu cầu công ty có biện pháp đưa các thủy thủ về nước.
Bày tỏ nỗi bức xúc, bố của thuyền viên Lê Thanh Hải (ở Thanh Hóa) cho biết: “Con tôi quá thời điểm hợp đồng hơn 1 năm rồi. Cháu thì gọi điện về kêu thiếu ăn. Lương bổng thì 6-7 tháng không có. Thế thì năm nào bán được tàu để con tôi về nước? Các anh cũng đi tàu, đi biển thì biết rồi. Hai bàn tay trắng về lấy tiền đâu nuôi vợ con, gia đình?”
Bố của thuyền viên Hải yêu cầu công ty phải cho thuyền viên về thăm gia đình. Mặt khác, công ty cũng phải thanh toán sòng phẳng số tiền lương theo hợp đồng.
Gia đình của anh Chu Trọng Cường, thuyền phó 2 tàu Sea Eagle, tâm sự anh Cường vẫn thường xuyên điện về gia đình. Mẹ của anh Cường bị bệnh tim, vừa phải phẫu thuật ở bệnh viện Bạch Mai. “Gia đình chỉ có 30 mét vuông cho 9 người ở, trông chờ vào lương của cháu. Cháu tôi đi 2 năm rồi, con chưa thấy mặt bố. Cháu là con cả, gánh vác kinh tế gia đình, nhưng giờ chúng tôi không biết tính thế nào” - người nhà anh Cường giãi bày.
Tàu Sea Eagle với 9 thuyền viên đang mắc kẹt tại Trung Quốc
Anh Nguyễn Văn Vượng, có anh trai là Nguyễn Văn Tân (SN 1985), đi tàu Sea Eagle cũng cho hay theo hợp đồng thì lương 8-10 triệu nhưng giờ thì một xu cũng không có. Vợ anh Tân và con nhỏ 2 tuổi ở nhà nương tựa vào bố mẹ già, hoàn cảnh rất khó khăn.
Những người thân của các thuyền viên cũng thể hiện sự bức xúc vì công ty Vinashinlines hứa đầu tháng 7 sẽ sang Trung Quốc giải quyết, giờ sắp hết tháng 7 vẫn chưa sang.
Người nhà các thuyền viên cũng cho hay để có tiền cho các thuyền viên này đi làm việc, họ đã phải vay ngân hàng hoặc người thân. Các khoản nợ này vẫn đang treo trên đầu mà lương của thuỷ thủ thì không thấy đâu. Những người này đồng lòng yêu cầu hết tháng 8 nếu không bán được tàu thì tìm giải pháp cho anh em thuyền viên về nước.
Ngay trong buổi sáng cùng ngày 17-7-13, thân nhân của thuyền viên đã có buổi đối thoại với những người đại diện của công ty Vinashinlines.
Ông Nguyễn Văn Thoa, Giám đốc Trung tâm thuyền viên của công ty Vinashinlines, kêu gọi thân nhân các thuyền viên thông cảm, chia sẻ với công ty: “Hiện chúng tôi cũng biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Nhưng bản thân công ty không có tiền để trả. Khoản lương là hỗ trợ của Chính phủ. Nếu muốn thuyền viên về ngay thì phải đợi gói hỗ trợ khác của Chính phủ”.
Trước yêu cầu của thân nhân thuyền viên đòi phải có một cam kết về lộ trình đưa thuyền viên về nước, ông Nguyễn Văn Thoa nói nước đôi: “Tổng Giám đốc cũng đã hết sức cố gắng xin Chính phủ, bán lỗ thuyền cũng phải bán để lương cho thuyền viên trước, còn các khoản khác thì trả sau. Khi nào bán được tàu thì mới có tiền cho anh em về nước và trả lương cho thuyền viên. Chúng tôi cũng đang cố gắng để bán càng nhanh càng tốt”.
Còn ông Bùi Trường Mạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn của công ty Vinashinlines, phần trần bày tỏ: “Bản thân chúng tôi cũng bị công ty nợ lương chứ không riêng gì thuyền viên. Từ tháng 11 mới có lương trở lại nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ. Chính phủ quyết định bán được tàu nào trả lương cho thuyền viên thuyền ấy. Hiện mới bán được một tàu, các tàu khác còn đợi tiếp”.
Theo đại diện của công ty, ngày 21-7 tới đây, lãnh đạo sẽ bay sang Trung Quốc để tiếp tục bàn hướng xử lý, song cách giải quyết như thế nào thì họ cũng không thể có câu trả lời ngay được.
Thời gian qua, báo chí đã đưa tin về lời kêu cứu liên tục của 18 thủy thủ đang mắc kẹt trên tàu Sea Eagle và tàu Hoa Sen tại Trung Quốc. Các thủy thủ trên tàu cho biết đời sống thuyền viên trên tàu vô cùng khó khăn, điện sinh hoạt vô cùng khan hiếm. Nhiều người đã rơi vào tình trạng trầm cảm, tuyệt vọng sau những tháng ngày bị mắc kẹt.
Tàu Sea Eagle là một con tàu lớn với trọng tải hơn 65.000 tấn của công ty Vinashinlines nhưng nằm bất động tại LongShan ShipYard có địa chỉ Liu-heng island, Zhoushan, Zhenjiang (Trung Quốc) từ năm 2008 cho đến nay.
Tàu Hoa Sen neo đậu tại vùng biển thuộc quản lý của Nhà máy Xinya - Trung Quốc từ tháng 12-2011 và đã ngừng hoạt động. Các thuyền viên trên tàu cũng bị nợ lương từ 9 đến 11 tháng trong tổng số 13 tháng xuống tàu.
Được biết, công ty Vinashinlines thành lập tháng 8-2000, trước đây thuộc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Khoảng tháng 7-2010, công ty này được chuyển sang cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), khi Chính phủ tiến hành cơ cấu lại tập đoàn Vinashin.
Bài-ảnh: Nguyễn Quyết

Không có nhận xét nào: