Số liệu của Trung Quốc cho thấy BRI đang tiến vững chắc kể từ 2013. Hiện đã có 126 nước và 29 tổ chức ký hợp tác với BRI. Riêng ASEAN, tạp chí “Thế giới Đương đại” của Trung Quốc số 9/2019 ca ngợi “không ngừng bén rễ” và “kết quả vượt quá mong đợi”.
Song bên ngoài nhìn vào thì BRI gây lắm hoài nghi kể cả với đồng minh số một của TQ. Trang mạng www.futuredirections.org.au nhận định một trong hai quan ngại lớn nhất của Nga về TQ chính là BRI. Khi TQ có ngân sách quân sự nhiều gấp sáu lần và quy mô kinh tế gấp chín lần, Nga đang dần bất lực chứng kiến BRI lan toả khắp Trung Á vốn là sân sau truyền thống của mình.
Tạp chí “Nghiên cứu Vấn đề Quốc tế” của TQ vạch trần sự quyết liệt của Mỹ. BRI làm hạ tầng đường sá thì Mỹ đầu tư hạ tầng kết nối số và năng lượng. BRI thực hiện theo kiểu nhà nước với nhà nước thì Mỹ tăng đầu tư cho tư nhân và các tổ chức xã hội.
Vì “Giấc mộng Trung Hoa”, TQ thề bảo vệ BRI bằng mọi giá mà hành xử với Ấn Độ là ví dụ. Khủng hoảng Doklam 2017 sau hai tháng giằng co quân sự với thái độ cứng rắn của Ấn Độ cho thấy TQ đã tính toán sai lầm về quyết tâm chiến lược của Ấn Độ. Thường thì TQ không cho qua những cú lép vế thế này. Vậy mà họ đột ngột hữu hảo ra mặt với Ấn Độ chỉ vì, thời điểm ấy, tổng thống Trump công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để ngáng đường BRI.
Giằng co Mỹ-Trung quanh BRI biến hoá đến mức còn có thể thấy nó xuất hiện cả trong các hành vi ngoại giao nhỏ nhất. Một mặt, TQ thành công lớn khi kéo được Ý thuộc EU gia nhập BRI. Song niềm vui không trọn vẹn khi thủ tướng Ý sang dự thượng đỉnh lần hai về BRI ở Bắc Kinh từ 25-27/4 không chịu đeo tấm thẻ màu vàng có dòng chữ BRI lên ve áo mà mọi lãnh đạo quốc tế đều phải đeo khi chụp ảnh cùng chủ tịch TQ.
Hầu như ai cũng hiểu vì sao nhà lãnh đạo Ý Giuseppe Conte còn cả gan bỏ qua lễ khai mạc bởi ông không dám to gan làm mất mặt đối thủ của chủ nhà. Xem ra, BRI mới địch thực là sàn đấu kịch tính và sống mái của đối đầu thế kỷ Mỹ-Trung.
HOÀNG QUỐC DŨNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét